Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện


Tựa Liệt-truyện Lĩnh-Nam Chích-Quái* do Vũ-Quỳnh hiệu đính

Quế-Dương tuy ở Lĩnh-Ngoại, nhưng núi-sông kỳ, đất-đai linh, những người hào-kiệt thường thường vẫn có. Từ đời Xuân-Thu, Chiến-Quốc đến nay, nước dựng chưa lâu lắm, tục nước Nam đang còn giản lược, chưa có sử-sách để chép việc thực cho nên việc cũ bị di-vong rất nhiều, may chỉ nhờ nhân-gian khẩu-truyền mà còn lại không mất.

Kịp đến đời Tây-Hán, Tam-Quốc, Đông-Tây-Tấn, Nam-Bắc-Triều, rồi Đường, Tống, Nguyên mới có sử truyện để chép công việc như mấy bản Lĩnh-Nam-Chí, Giao-Quảng Chí-Lược, rõ ràng có thể khảo được.

Nhưng nước Việt ta từ xưa là đất yêu-hoang, sự biên-tập còn phần khuyết-lược. Nước Việt ta lập-quốc bắt đầu từ Hùng-Vương, mà văn-minh tiệm-tiến thì tràn-lan từ đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến bây giờ cho nên quốc-sử biên tập có phần tường-tận hơn, thời bản liệt-truyện này làm ra không biết làm từ đời nào và người nào làm, ngờ rằng các bậc hồng-sinh thạc-nho đời Lý, Trần thảo-sáng ra, rồi các bậc quân-tử hiếu-cổ bác-nhã ngày nay nhuận sắc lại.

Ngu-đình nầy xin xét lại đầu đuôi, cứ từ chuyện mà trình bày để suy-minh thêm ý của tác-giả, như truyện Họ Hồng-Bàng nói rõ lý-do khai sáng ra nước Hoàng-Việt, truyện Dạ-Xoa Vương bày tỏ triệu-chứng tiệm-tiến của nước Chiêm Thành; Bạch-Trĩ có truyện chép đời Việt Thường; Kim Qui có có truyện chép đời An-Dương; tục sính-lễ của người Nam không gì quí bằng trầu-cau, nêu cho rõ ra, thời nghĩa vợ chồng, tình anh em càng thêm rõ-rệt. Đến mùa hạ không gì quí bằng dưa hấu, cậy có vật của mình không cần đến ân chúa, như thế là rõ ràng. Truyện bánh chưng là để khen sự hiếu dưỡng, hạnh-kiểm Ô-Lôi là để răn sự tà-dâm. Đổng-Thiên-Vương phá giặc Ân; Lý-Ông-Trọng uy-hiếp Hung-nô là biết nước Nam có người tài đáng kể. Chử Đồng-Tử gặp nàng Mị Nương, Thôi-Vỹ gặp-gỡ bạn tiên thì là chuyện người làm lành được có âm-chất nên xem cậy. Đạo-Hạnh, Không-Lộ, mấy truyện ấy là tưởng-lệ sự trả thù cha, bọn thuyền-sư cũng không nên bỏ sót. Mấy truyện Ngư-Tinh, Hồ-Tinh là nêu lên tài trừ yêu-quái, đức của Long-Vương cũng không thể bỏ quên. Trung nghĩa của hai Bà Trưng, chết làm thổ thần, nêu cao danh-dự, ai bảo không nên? Anh-linh thần Tản-Viên đã bài-trừ loài thủy-tộc, rõ ràng hiển-dị, ai gọi không thiêng? Cùng với nước Nam-Chiếu là dòng dõi Triệu Vũ, nước mất còn biết phục-thù, nàng Man-Nương là mẹ Mộc-Phật, năm hạn làm được mưa rào, sông Tô-Lịch có thần Long-Đậu, Xương-Cuồng có tinh Chiên-Đàn; một bên thời lập đền thờ cúng mà dân chịu được phúc, một bên thời dụng thuật trừ-khử mà dân khỏi điều họa, việc tuy quái mà không đến đản, văn tuy dị mà không đến yêu, tuy rằng có hơi hoang-đàng, nhưng tông-tích còn có căn-cứ, đó chẳng qua là để khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ điều ngụy, tồn điều chân, làm cho phong-tục thêm phần khích-lệ vậy, so với Sưu-Thần-Ký của người nhà Tấn, Địa-Quái-Lục của người nhà Đường thì cùng một ý đó.

Than ôi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông- suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau. thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu?

Mùa xuân năm Nhâm-tý niên hiệu Hồng-Đức ngu sinh mới được bản truyện này, giở ra xem, không khỏi có sự lầm-lẫn như Lỗ-Ngư Âm-Đào, quên mình là quê hèn, sắp đặt và hiệu-chính lại chia làm ba quyển nhan-đề là Lĩnh-Nam Chích-Quái Liệt-Truyện, cất ở trong nhà để phòng xem lại, Bằng như đính-chính và nhuận-sắc để cho việc được đầy đủ, văn được xác-thực, lời được tinh-thông, ý được xa-rộng, thời nhờ các bậc quân-tử hậu-lai hiếu cổ, há lại không có người hay sao? Vậy nên làm bài Tựa.

Niên hiệu Hồng-Đức năm thứ hai mươi ba tiết Trọng-thu (1), Yến Xương Vũ-Quỳnh, Tiến-sĩ khoa Mậu-Tuất (2), Giám-sát đạo Kinh-Bắc, Ngự-sử, người Hồng Châu, xã Trạch-Ô. (3)

_______

* Bản dịch và chú thích của Giáo Sư Lê Hữu Mục.

(1) Năm 1492, khoảng tháng 8.
(2) Năm 1478, Vũ-Quỳnh 26 tuổi
(3) Xã Mộ-trạch, theo Dương-Quảng-Hàm (Việt Nam Văn-Học Sử-Yếu, tr. 251, lời chú 22)

*****

 

Truyện Họ Hồng Bàng

 

Cháu ba đời Viêm-Đế họ Thần-Nông tên là Đế-Minh, sinh ra Đế-Nghi, rồi đi nam-tuần đến Ngũ-Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ-Tiên đem lòng yêu-mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc-Tục, dung mạo đoan-chính, thông-minh túc-thành; Đế-Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế-Minh lập Đế-Nghi làm tự-quân cai-trị phương Bắc, phong Lộc-Tục làm Kinh-Dương-Vương cai-trị phương Nam, đặt quốc-hiệu là Xích-Quỉ-Quốc.

Kinh-Dương-Vương xuống Thủy-phủ, cưới con gái vua Động-Đình là Long-Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc-Long-Quân; Lạc-Long-Quân thay cha để trị nước, còn Kinh-Dương-Vương thì không biết đi đâu.

Lạc-Long-Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật-tự về quân-thần tôn-ty, có luân-thường về phu-tử phu-phụ; hoặc có lúc đi về Thủy-phủ nhưng trăm họ vẫn được yên-ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc-Long-Quân: "Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta". (Người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là từ đấy), thì Lạc-Long-Quân lập tức đến ngay, uy-linh cảm-ứng không ai có thể trắc-lượng được.

Đế-Nghi truyền ngôi cho Đế-Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô-sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế-Minh nam-tuần gặp được tiên-nữ.

Đế-Lai bèn khiến Xi-Vưu tác-chủ quốc-sự mà nam-tuần qua nước Xích-Quỉ, thấy Lạc-Long-Quân đã về Thủy-phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ-chúng thị-thiếp ở lại hành-tại. Đế-Lai chu-lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình-thể, trông thấy kỳ-hoa dị-thảo, trân-cầm dị-thú, tê-tượng, đồi-mồi, kim-ngân, châu-ngọc, hồ-tiêu, nhũ-hương, trầm-đàn, các loại sơn-hào hải-vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng, không lạnh, Đế-Lai ái-mộ quá, quên cả ngày về. Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền-nhiễu, không yên-ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long-Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân-dân.  

Lạc-Long-Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu-Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ-lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi-lang phong-tư mỹ-lệ, tả-hữu thị-tùng đông-đảo, tiếng đàn ca vang đến hành-tại. Âu-Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long-Trang.

Đế-Lai về không thấy Âu-Cơ bèn sai quần-thần tìm khắp thiên-hạ. Long-Quân có thần-thuật, biến-hiện trăm cách, nào là yêu-tinh quỉ-mị, nào là long-xà hổ-tượng, kẻ đi tìm úy-cụ, không dám lục-đào tận cùng. Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế-Du, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản-Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần-Nông bèn mất.

Âu-Cơ ở với Lạc-Long-Quân giáp một năm, sinh ra bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự-nhiên trường-đại, trí-dũng song-toàn, ai cũng úy-phục, bảo nhau đó là những anh em phi-thường.

Long-Quân ở lâu dưới Thủy-phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc-quốc liền đi lên biên-cảnh; Hoàng-Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn-ngự quan-tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long-Quân:

Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.

Long-Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương-Dạ; Âu-Cơ nói: 

– Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc-dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò-võ.

Long-Quân bảo:

– Ta là loài rồng, sinh-trưởng ở thủy-tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm-dương hợp lại mà có con nhưng phương-viên bất-đồng, thủy-hỏa tương- khắc, khó mà ở cùng nhau trường-cửu. Bây giờ phải ly-biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ-giã mà đi. Âu-Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong-Châu - (bây giờ là huyện Bạch-Hạc) - tự suy-tôn người hùng-trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng-Vương, quốc hiệu là Văn-Lang, về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam-Hải, Tây đến Ba-Thục, Bắc đến Động-Đình-Hồ, Nam đến nước Hồ-Tôn-Tinh (bây giờ là nước Chiêm-Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao-Chỉ, Chu-Diên, Ninh-Sơn, Phúc-Lộc, Việt-Thường, Ninh-Hải, Dương-Tuyền, Quế-Dương, Vũ-Ninh, Hoài-Hoan, Cửu-Chân, Nhật-Nam, Quế-Lâm, Tượng-Quận (a), sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc-Hầu, tướng võ gọi là Lạc-Tướng, con trai vua gọi là Quang-Lang *, con gái gọi là Mỵ-Nương, quan Hữu-ty gọi là Bố-chính, thần-bộc nô-lệ gọi là nô-tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ-đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng-Vương không đổi.

Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao-long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:

– Núi và loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm-hại.

Bèn khiến lấy mực chạm hình-trạng thủy-quái ở thân-thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn-thân ** của Bách-Việt thực khởi thủy từ đấy. Ban đầu, quốc-dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang-lang, cây soa-đồng làm bánh; lấy cầm-thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm; gác cây làm nhà để tránh nạn hổ-lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu dê làm lễ thành-hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới thương-thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.

Bách-Nam là thủy tổ của Bách-Việt vậy.

_________

* Xem nguyên bản viết là chắc sai
** Vẽ mình, xâm mình

(a) Ghi chú của BBT Cái Ðình: Tuy trong sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi là 15 bộ, nhưng chỉ liệt kê 14 tên. Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì ghi tên 15 bộ là:
1. Văn Lang (Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên)
2. Châu Diên (Sơn Tây)
3. Phúc Lộc (Sơn Tây)
4. Tân Hưng (Hưng Hóa - Tuyên Quang)
5. Vũ Định (Thái Nguyên - Cao Bằng)
6. Vũ Ninh (Bắc Ninh)
7. Lục Hải (Lạng Sơn)
8. Ninh Hải (Quảng Yên)
9. Dương Tuyền (Hải Dương)
10. Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình)
11. Cửu Chân (Thanh Hóa)
12. Hoài Hoan (Nghệ An)
13. Cửu Đức (Hà Tĩnh)
14. Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị)
15. Bình Văn (?)

**********

Truyện Đầm Nhất Dạ (65)

 

Hùng-Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên- Dung-Mỵ-Nương, tuổi vừa mười tám, dung-mạo tú-lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao-du thiên-hạ. vương chìu mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng hai tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh-đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.

Lúc bấy giờ Chử-Xá-Lang (66) có người tên là Chử-Vy-Vân sinh được một người con trai tên là Chử-Đồng-Tử, hai cha con tính vốn hiền-lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của-cải khánh-tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà  mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

– Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử-Đồng-Tử bấy giờ thân hình trần-truồng, lạnh đói khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buôn đi qua, đứng vào giữa nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên-Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi-trượng cờ-xí, Đồng-Tử sợ-hãi không biết trốn-tránh vào đâu, trông thấy trong bãi phù-sa có chòm lau sậy, lơ-thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. Giây lát, thuyền của Tiên-Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng-màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm. Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân-hình Đồng-Tử lộ ra, hồi lâu Tiên-Dung biết là con trai. Tiên-Dung nói:

- Ta không thích lấy chồng, nay lại gặp người này ở trong huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.

Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan-lạc; người trong thuyên đều cho là một sự gặp-gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có. Đồng-Tử nói rõ sự-tích cho Tiên-Dung nghe; Tiên-Dung thương sót bảo làm vợ chồng. Đồng-Tử cố từ. Tiên-Dung nói:

Việc này tự trời tác-hợp, việc gì mà từ-chối?

Những người tháp-tùng đem việc ấy tâu lên với Hùng-Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:

– Tiên-Dung không biết trọng danh-tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ- giá (67) với người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa; từ nay mặc kệ nó, không cho nó trở về nước nữa

Tiên-Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng-Tử mở chợ-búa, lập phố-xá, cùng nhân-gian mậu-dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà-Lõa).

Thương nhân ngoại quốc qua lại buôn-bán, kính-sự Tiên-Dung Đồng-Tử làm chủ; có một nhà đại thương đến nói với Tiên-Dung rằng:

– Quí nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mà mua vật quý, sang năm sẽ được lời một thoi.

Tiên-Dung bảo Đồng-Tử rằng:

– Vợ chồng ta do trời định-khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mua hàng đem về làm kế sinh-nhai.

Đồng-Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh-Viên-Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng-Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật-Quang truyền phép cho Đồng-Tử. Đồng-Tử mới lưu lại am nghe thuyết-pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để chở Đồng-Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng-Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:

– Linh-thông tại đây đó.

Đồng-Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết Tiên-Dung, từ đó giác-ngộ, bỏ chợ-búa, nghề buôn, đem nhau tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy, úp nón lên trên mà che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành-quách, lầu-son đền-báu, đài-các lăng-miếu, kho-tàng miếu-xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên-đồng ngọc-nữ, tướng-sĩ thị-vệ la-liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày, ai trông thấy cũng lấy làm kinh-dị, tranh nhau đem đến những vật hương-hoa ngọc-thực đến dâng-hiến và xưng thần. Văn-võ bá-quan phân-quân túc-vệ, biệt-lập thành một nước.

Hùng-Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần-thần xin phân quân án-ngữ. Tiên-Dung cười rằng:

– Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun-giủi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.

Lúc bấy giờ những người mới tập hợp sợ-hãi mà chạy tán-loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên-Dung. Quan-quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự-Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn; ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt-nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan-quân đại loạn; bộ đảng, thành-quách của nàng Tiên-Dung nhất thời bay đi lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân-gian trông không thấy thành nữa, cho là linh-dị bèn lập miếu-đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất-Dạ-Trạch, châu ấy là Man-Trù-Châu (hoặc gọi là Tự-Nhiên-Châu), chợ ấy là Hà-Lõa-Thị.

Sau đến đời Nam-Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu-Quang-Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang-Phục suất chúng (68) tàng ẩn trong đầm, cái đầm ấy sâu rộng bùn lầy, khó bề tiến lui; Quang-Phục cỡi chiếc thuyền độc-mộc qua lại cho tiện, thường nhân đêm tối, cưỡi thuyền độc-mộc mà đột-xuất đánh phá cướp lấy lương-thực làm kế trì-cứu cho giặc kiệt-quệ. Ba bốn năm trường giặc không đánh được, Bá-Tiên than rằng:

– Đời xưa gọi là đầm-nhất-dạ-thăng-thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.

Gặp lúc Hầu-Cảnh tác-loan bên Trung-Hoa, vua Lương triệu Bá-Tiên về, ủy-quyền cho tỳ-tướng Dương-Sằn thống-lĩnh quần-chúng.

Quang-Phục trai-giới thiết-đàn ở trong đầm, đốt hương cầu-đảo. Thoát thấy thần-nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang-Phục rằng:

– Ta lên trời nhưng linh-dị còn ở đây, ngươi có lòng thành cầu-đảo, ta đến giúp để bình loạn tặc.

Rồi cởi vuốt rồng đua cho Quang-Phục bảo giắt vào đầu đâu-mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang-Phục y như lời dặn đem binh đột-kích; binh Lương đại bại, chém được tướng Dương-Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Quang-Phục nghe tin Nam-Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu-Vương, đóng đô ở quận Vũ-Ninh núi Trâu-Sơn (69).

_____________

(65): Đầm Một Đêm
(66) Làng Chử-Xá
(67) Lấy một người dưới
(68) Điều khiển một số người
(69) Nghe giọng văn thì truyện Triệu-Quang-Phục khó lòng là một truyện có thực. Có lẽ là một truyện như các truyện khác, do óc tưởng-tượng của nhà văn tạo ra.

 


Cái Đình - 2009