Phạm Đình Lân


Địa danh

 

Địa danh là tên của một địa điểm nơi có loài người cư trú. Địa điểm đó có thể là một thôn, xóm, ấp, làng mạc, một thành phố, quận (huyện), phủ hay tỉnh. Địa điểm lớn nhất là quốc gia được gọi là quốc hiệu.

Bát cứ người, súc vật và bất động vật nào hiện hữu trên mặt đất đều có tên gọi riêng. Một địa điểm có người cư trú và sinh sống cũng có tên mà chúng ta nói một cách văn vẻ là địa danh.

Địa danh thường có hai chữ như Hà Nội, Sài Gòn, Phú Xuân, Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Hải Phòng, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Cao Bằng, Lạng Sơn. v.v…

Cũng có địa danh gồm có ba chữ như Phủ Lạng Thương, Bần Yên Nhân, Thới Tam Thôn, Tân Sơn Nhứt, Tân Thới Đông, Đông Hưng Tân, An Phú Đông, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông v.v…

Cũng có những địa danh được gọi vỏn vẹn bằng một chữ như Chèm, Bần, Vinh, Huế, Búng v.v… Ở miền Bắc có nhiều làng mang tên một chữ. Thực tế đó chỉ là tên gọi ngắn gọn hơn là tên thật của nó trên bản đồ hành chánh. Thí dụ: làng Đọ tức là làng Mỹ Độ trong tỉnh Bắc Giang. Làng Gióng là làng Phù Đổng ở Bắc Ninh. Làng Son là làng Giả Son ở Bắc Giang. Làng Vị là làng Phượng Vĩ ở Bắc Ninh. Làng Sen là làng Kim Liên trong tỉnh Nghệ An v.v… Chữ Huế là do chữ Thuận Hóa mà ra. Thuận Hóa là tỉnh Thừa Thiên bây giờ. Vinh, thủ đô tỉnh Nghệ An, và Búng, một thị trấn nhỏ trong quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, là hai địa danh thực sự chỉ có một chữ.

 

Cách đặt tên một địa điểm

Như một con người, một địa điểm phải có tên riêng. Cách đặt tên một địa điểm cũng hao hao giống cách đặt tên người. Nó dựa vào các yếu tố sau đây:

1.- Địa điểm thiên nhiên và công dụng của địa điểm

Nếu dân chúng quần tụ và lập xóm ấp quanh cây da, cây dừa, bụi tre, khóm trúc thì ta có Xóm Cây Da, Xóm Hàng Dừa, Xóm Tre, Xóm Trúc chẳng hạn. Từ một cái quán gần bụi tre ta có một địa danh danh mang tên Quán Tre trong quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Trong một quốc gia có nhiều loạn lạc, nội chiến và chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều nơi dân chúng phải bỏ vùng mất an ninh đên vùng khác để lập thôn, xóm sinh sống. Do đó chúng ta thấy xuất hiện nhiều địa danh mang tên Xóm Mới. Xóm Mới nổi tiếng nhất trong các xóm mới là Xóm Mới nằm trong quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Xóm nầy chào đời vào năm 1954.

Gọi là Xóm Củi vì có nhiều vựa bán củi; Xóm Chiếu vì có nhiều nhà dệt và bán chiếu; Hố Bò (An Nhơn Tây) vì có nhiều bò được giữ dưới hố.

Búng là búng nước (ria) tức là cái vịnh nhỏ và cạn của một con sông hay một giòng nước.

Gò Công xưa kia được gọi là Khổng Tước Nguyên (Khổng tước: con công) vì loài công tập trung đông đảo ở đây. Đó là một điềm lành về mặt phong thủy. Đây là nơi phát tích của giòng Phạm Đăng, là nơi sản sinh ra hai mẫu nghi thiên hạ: đức bà Từ Dũ Phạm Thị Hằng thuộc gia đình Phạm Đăng Hưng và Nam Phương hoàng hậu tức Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan thuộc gia đình Nguyễn Hữu Hào. Phạm Đăng Hưng, Vương Quang Nhường, Vương Quang Trường, Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Văn Bông… là những nhân vật nổi bật chào đời trên Khổng Tước Nguyên.

Gọi là Gò Vấp vì có nhiều cây vấp tức cây lim ( Erythrophleum fordii , thuộc gia đình Casesalpiniaceae ). Tên Hán Việt của cây lim là thiết lực mộc . Gỗ lim rất quí. Người Chàm xem thiết lực mộc là thần mộc. Nấm mọc trên gỗ lim có tính gây tê và gây mê. Vỏ gỗ lim có độc tính do sự hiện diện của chất cassaine , cassidine , erythrophleine . Cây lim có nhiều ở Bắc Bộ và Trung Bộ hơn là ở Nam Bộ. Ngày nay người ta không thấy cây vấp (lim) nào ở Gò Vấp cả.

Cách Sài Gòn lối 40 cây số có thành phố Củ Chi. Đó là tên của một loại thảo mộc gọi là củ chi hay mã tiền được biết dưới tên khoa học Strychnos nux-vomica , thuộc gia đình Loganiaceae . Hột mã tiền dùng làm thuốc trị tê thấp, tê bại. Trong hoa mã tiền có strychnine , brucine , vomicine , novacine icajine .

Trong tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa) có Gò Nai vì xưa kia trên gò nầy có nhiều nai.

Trong tỉnh Bình Định có Gò Găng vì có nhiều cây găng.

Cây găng là một loại cây gai mọc trên vùng đất khô cằn. Cây găng thuộc gia đình Rubiaceae . Tên khoa học là Canthium parvifolium . Rễ và nụ non dùng để trị kiết lỵ. Ở nhiều nơi người ta dùng lá găng để làm thuốc điều kinh.

Trong tỉnh Tây Ninh có Gò Dầu Hạ vì sự hiện diện của cây dầu Diptero carpus, một loại cây cao lớn cung cấp nhiều gỗ xẻ và dầu lấy từ nhựa cây.

Địa danh Thủ Dầu Một nổi tiếng với cây dầu cao ngất với hai câu hát quen thuộc phổ biến trong dân chúng địa phương vào đầu thế kỷ 20.

Ngộ lên chợ Thủ cây dầu,
Có thằng bắt diệc té nhào lộn xương.

Trên những vùng đất giồng của Ông Tố xuất hiện một làng lấy tên là Giồng Ông Tố ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định.

Ở Đa Kao và trong quận Phú Hòa Đông có hai địa danh mang tên Bến Cỏ để chỉ bến nước nơi người ta cắt cỏ về và rửa sạch trước khi cho trâu, bò, ngựa ăn. Trên thực tế có rất nhiều bến cỏ như vậy trên khắp cả nước.

Sông Sài Gòn ngày xưa được gọi là sông Bến Nghé. Nghé ở đây không phải là bò nghé hay trâu nghé tức bò con và trâu con mà là âm thanh của tiếng kêu của loài sấu dưới sông nầy. Cách đây 400 năm vùng Sài Gòn còn hoang dã. Dưới sông có sấu. Tên bờ có cọp. Những chuyện truyền khẩu cho biết ông Tăng Ân đánh cọp ở vùng Chợ Quán bây giờ. Bến Nghé còn được dùng để ám chỉ vùng Sài Gòn.

Sài Gòn là chữ dịch nghĩa của tiếng Khmer Prei Kor tức rừng gòn (Sài: cây, cùi; Gòn: cây gòn – kapok tree). Cây gòn thuộc gia đình Bombaceae . Tên khoa học của nó là Ceiba pentandra đồng nghĩa với tên Bombax pentandra . Đó là một loại cây gốc ở Tây Phi được trồng khắp các miền nhiệt đới trên thế giới. Lá gòn non, trái gòn non và hoa cây gòn được luộc ăn như rau cải. Người Khmer ăn trái gòn non tươi như ăn chuối chát hay dưa chuột. Hột gòn rang ăn được. Người ta cũng dùng hột gòn để ép dầu có thể dùng trong việc nấu nướng và chiên xào. Trái gòn chín khô, bên trong có nhiều sợi trắng nhuyễn quấn sát vào hột màu đen huyền. Bông gòn dùng để nhồi áo ấm, gối, nệm, làm ấm vách nhà. Than gòn dùng làm thuốc pháo. Nhựa gòn dùng để trị kiết lỵ, tiêu chảy. Lá và vỏ gòn dùng trị chứng nghẽn phổi gây nặng ngực khó thở. Ngoài ra vỏ và lá gòn còn được dùng để đắp ngoài da khi bị thương hay sưng trặc.

Bến Thành là bến nước bên cạnh cái thành. Bến nước nầy nằm trên giao điểm của đường Hàm Nghi và Bến Bạch Đằng. Gần đó có chợ Bến Thành bây giờ là Chợ Cũ ở cuối đường Hàm Nghi (đường La Somme cũ). Chợ Bến Thành bây giờ là chợ mới. Nó không còn nằm gần Bến Thành nguyên thủy.

Ngày xưa người ta dùng những tên Bến Nghé, Bến Thành để chỉ Sài Gòn.

Bến Tre, Bến Cát, Bến Củi, Bến Súc, Bến Thế… nói lên đặc điểm và công dụng của những bến nước đó.

Hải Phòng có nghĩa là canh phòng biển. Đó là hải cảng quan trọng nhất ở Bắc Bộ và là tên mới của Ninh Hải. Cảng nầy canh phòng hải tặc ẩn trú trong các hang động trên các đảo trong vịnh Hạ Long lẫn sự dòm ngó của tàu chiến của người Tây dương.

Đỉnh núi Fan Si Pan cao 3142 m được xem là đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam . Nó được cải danh là đỉnh Hoàng Liên Sơn. Hiện nay ở Bắc Bộ có tỉnh Hoàng Liên Sơn vì trong dãy núi cao trong tỉnh có nhiều cây hoàng liên ( Coptis chinensis Coptis teeta ), một loại dược thảo quí giá dùng để trị viêm miệng, lưỡi, mắt, tai nhiễm trùng, bịnh lao, tim hồi hộp, tiểu đường.

Gọi là Rạch Tra vì dọc theo rạch có nhiều cây tra lá hình trái tim như lá bồ đề. Trong tỉnh Long An có sông Tra.

Gọi là Rạch Giá vì dọc theo rạch có nhiều cây giá thuộc gia đình Euphorbiaceae và được biết dưới tên khoa học Excoecaria aglocha . Đây là một loại cây nhỏ, lá láng. Loài ong thích hút mật cây giá. Nhưng nhựa cây giá rất độc vì có thể làm mù mắt. Nó được dùng để tẩm tên thuốc độc.

Vào cuối thế kỷ 14 Lê Quí Ly ra lịnh xây Tây Đô trong tỉnh Thanh Hóa trước khi rời Thăng Long về kinh đô mới nầy. Lúc bấy giờ Thăng Long được xem là Đông Đô (kinh đô ở phía đông) và Tây Đô là kinh đô ở phía Tây đi theo hướng Bắc Nam .

Về phía tây bắc Hà Nội có tỉnh Sơn Tây để chỉ tỉnh có nhiều núi ở phía tây.

Gọi là sông Đồng Nai vì dọc theo thung lũng sông nầy có nhiều nai. Nếu Hoa Kỳ có Deerfields, Springfields, Clear Water thì ở Việt Nam có Đồng Nai, chợ Đồng Xuân và Nước Trong.

2.- Tứ Linh

Tứ linh là bốn con vật hiếm mang lại sự may mắn, thanh cao, quyền quí và trường tồn. Đó là Rồng (Long), Lân, Qui, Phụng (Phượng). Các thầy địa lý đề cao những thế đất có long mạch. Đó là những thế đất hiếm hoi.

Năm 1010 Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và cải danh là Thăng Long vì vua thấy rồng vàng bay trước khi vào thành phố nầy. Ở Việt Nam có rất nhiều địa danh mang chữ Long hay nôm na là Rồng như Long Biên trong tỉnh Bắc Ninh (1), Bái Tử Long, Kim Long, Long Thành, Long Khánh, núi Thanh Long, sông Cửu Long, Bình Long, Phước Long, Long Hải, Long Điền, Long An, Long Bình, Phú Long, Vĩnh Long, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Long Mỹ, Long Phú, Long Hoa, Long Xuyên, động Long Quan, Vịnh Hạ Long, núi Bửu Long, Tân Long v.v..

Rồng biểu tượng của sức mạnh và quyền uy độc tôn nên ngày xưa chỉ có vua mặc áo thêu rồng với đầy đủ 5 móng mà thôi. Phần lớn những gì thuộc về nhà vua đều có chữ ‘long' đứng trước như long sàng, long bào, long nhan, long thể v.v…

Kỳ là con lân đực. Lân là con lân cái. Tương truyền rằng kỳ lân xuất hiện khi Đức Khổng Tử ra đời. Ở Việt Nam địa danh có chữ Lân tương đối ít. Chúng ta có bãi Kỳ Lân thuộc thôn Lạc Chính (Hà Nội). Tên này rất xưa nên ít được biết đến. Ở Đông Sơn Thanh Hóa có núi Kỳ Lân trong xã Mật Sơn. Trong tỉnh Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc có xã Tân Lân nhưng chữ ‘lân' ở đây có nghĩa là lân cận, gần gũi chớ không có nghĩa là con kỳ lân.

Qui Điền là tên của một đám ruộng có nhiều rùa trong vùng Thăng Long. Năm 1080 một quả chuông khổng lồ được đúc xong nhưng đánh không có âm thanh nên bị vất ra ruộng nầy. Chuông nầy gọi là chuông Qui Điền (Ruộng Rùa).

Nằm về phía hữu ngạn sông Sài Gòn ngang với tỉnh lỵ Thủ Dầu Một (Bình Dương) có làng Tân Qui nhưng chữ Qui ở đây không có nghĩa là rùa mà là sự trở lại.

Năm 1790 người Pháp (do giám mục Pigneau de Béhaine tuyển mộ) giúp cho chúa Nguyễn Phúc Ánh xây một cái thành ở Sài Gòn. Thành nầy được gọi là Qui Thành vì có hình giống như con rùa. Năm 1835 quân triều đình đánh bại quân nổi loạn do Lê Văn Khôi cầm đầu. 1831 quân nổi loạn bị bắt trong thành nầy đều bị xử tử và chôn chung trong một cái mả tập thể gọi là ‘mả ngụy'. Qui Thành bị triệt hủy. Vua Minh Mạng ra lịnh xây thành mới lấy tên là Phượng Thành.

Phượng hoàng là một con chim to lớn tiêu biểu cho sự cao sang, đẹp đẽ và quyền quí. Trong tỉnh Bắc Ninh có Phượng Nhãn (mắt phượng), Phượng Vĩ (đuôi phượng) (2). Khi lên ngôi, hoàng đế Quang Trung có chương trình biến Nghệ An thành kinh đô dưới tên Phượng Hoàng Trung Đô. Ở Cần Thơ (Phong Dinh) có quận Phụng Hiệp và kinh Phụng Hiệp (Phượng: Phụng). Ở Bắc Ninh có núi Phượng Hoàng.

3.- Phước, Lộc, Thọ, Phú Quí, Thịnh Vượng

Người Việt Nam bất luận theo tôn giáo nào cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Khổng Giáo như: tôn kính người già, hiếu đễ với cha mẹ, gắn liền với nơi chôn nhau cắt rún, hiếu học, trọng văn, kính thầy v.v… Trong cuộc sống còn gì quí hơn là ăn ở cho có đức độ và hiếu học để được đỗ đạt ra làm quan (Phước hay Phúc), gia đình con cháu sum vầy (Lộc) và được sống lâu để hưởng phước (Thọ). Những địa danh mang chữ Phúc (Phước), Lộc, Thọ, Phú, Thịnh (Thạnh) được tìm thấy khá nhiều ở Việt Nam như:

Phúc Yên, Phước Thành, Phước Long (Bà Rá), Phước Tuy (Bà Rịa), Phúc An (Trung Bộ), Phúc An (sinh quán của Trường Hán Siêu ở Ninh Bình), Phúc Lộc, (một trong 15 bộ của xứ Văn Lang cổ, nay là tỉnh Sơn Tây), Tân Phước, Phước Tỉnh, Phước Lý, Phước Hòa, Phước Vĩnh, Bình Phước, Tân Phước Khánh, Tiên Phước, Phước Sơn, Phước Vân (thuộc tỉnh Long An) v.v…

Lộc Ninh, An Lộc, Lộc Châu (trong tỉnh Lạng Sơn), Lộc Dã (Biên Hòa), núi Lộc Trì ở Hà Tiên, Hưng Lộc, Xuân Lộc (Long Khánh) v.v…

Lộc cũng có nghĩa là con nai trong Lộc Dã hay Đồng Nai. Do đó văn sĩ Tô Văn Tuấn lấy bút hiệu là Bình Nguyên Lộc vì sinh quán của ông là Tân Uyên, Biên Hòa (Bình Nguyên: đồng; Lộc: nai. Bình Nguyên Lộc: Đồng Nai).

Phú Thọ (Bắc Bộ), trường đua Phú Thọ (Chợ Lớn), Thọ Xương (Bắc Bộ), Thọ Xuân trong tỉnh Thanh Hóa v.v…

Chữ Vĩnh hay Trường nói lên sự trường cửu lâu dài nhưng là sự trường cửu sự nghiệp hay trường cửu kinh tế hơn là sự trường thọ. Trong nghĩa nầy ở nước ta có rất nhiều địa danh mang tên Vĩnh và Trường như: Vĩnh Yên, Vĩnh Phú, Vĩnh Trường, Vĩnh Long, Vĩnh Hội, Vĩnh Thanh (trong tỉnh Bình Định), Vĩnh Tường (trong tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Bộ. Bà Hồ Xuân Hương là thiếp của ông phủ Vĩnh Tường), Xuân Trường, Trường Châu (tên cũ của Ninh Bình), cung Trường Ninh (Huế), dãy Trường Sơn (trường: dài), lũy Trường Dực, lũy Trường Thành (lũy Thầy), Vĩnh Thuận (trong tỉnh Sơn Tây), Vĩnh Linh (trong tỉnh Quảng Bình), Vĩnh Xương (trong tỉnh Khánh Hòa), Phước Vĩnh, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Vĩnh Lợi (trong tỉnh An Xuyên <Cà Mau>), Vĩnh Khang giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, suối Vĩnh Hảo, Vĩnh Bảo (trong tỉnh Hải Dương nổi tiếng với thuốc lào Vĩnh Bảo), Vĩnh Lộc (trong tỉnh Thừa Thiên), kinh Vĩnh An ở Châu Đốc v.v…

Phú quí, vinh quang, thịnh vượng là những mơ ước của mọi người. Riêng trong tỉnh Bình Dương có những địa danh như: Phú Cường, Phú Văn, Phú Chánh, Phú Trung, Phú Hữu, Phú Long, Phú Hòa, ấp Phú Lợi, Phúa Hòa Đông, Vĩnh Phú, Phú Giáo (trước là Phước Thành), An Thạnh (Búng), An Phú, Tân Thạnh Đông. Ngoài ra trong nước ta có: Phú Cam, Phú Cát, đảo Phú Dự (Hà Tiên), Phú Yên, Phú Khương (trong tỉnh Tây Ninh), Phú Lộc (trong tỉnh Thừa Thiên), Phú Xuân (Huế), Phú Xuân (trong tỉnh Gia Định), Phú Vang (trong tỉnh Thừa Thiên), Phú Thọ (Bắc Bộ), Phú Mỹ (trong tỉnh Bình Định và Gia Định), đảo Phú Quốc, Phú Quí (trong tỉnh Bình Thuận), Phú Vinh (tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Bình) v.v…

Thạnh và Thịnh cùng nghĩa với nhau. Trong tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) có quận Thạnh Phú. Trong tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) có quận Thạnh Trị. Trong tỉnh Gia Định có xã Thạnh Lộc. Ở Gò Công có làng Bình Thạnh Đông.

4.- Đức tính thường thấy trong xã hội Khổng Giáo.

Nhiều địa danh ở Việt Nam gợi lên những đức tính thường thấy trong xã hội chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Giáo. Vì thế ta có: Quảng Ngãi (Ngãi: nghĩa), Quảng Đức, Đức Phổ, Đức Lập, Thủ Đức, mỏ kẽm Đức Bộ trong tỉnh Quảng Ngãi, Cần Đước (Cần kiệm và đức độ), Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Thơ, Nghĩa Hành (trong tỉnh Quảng Ngãi), Nhân Giang (tên cũ của Chợ Quán bây giờ), núi Trí Khê trong tỉnh Hà Tĩnh, Chánh Thiện, Hòa Hảo, Mỹ Hào, Hành Thiện, Hoài Đức, Khánh Hậu, Đức Hòa, Đức Huệ, cửa Thuận An, Thuận Đức (thuộc Pleiku), Thuận Bài (thuộc Quảng Bình), Thuận Hòa (tên cũ của vùng Thừa Thiên bây giờ), Thuận Hòa (thuộc Ba Xuyên – Sóc Trăng) v.v…

Sau năm 1954 ở miền Nam xuất hiện nhiều địa danh mang nhiều sắc thái đạo đức Khổng Giáo như Hậu Nghĩa, Khiêm Ích (Định Tường), Khiêm Đức (Quãng Ngãi), Quảng Đức, Quảng Trị, Tuyên Đức, Chương Thiện v.v..

5.- Ước vọng an ninh và hòa bình

Sống trong một quốc gia nông nghiệp có nhiều chính kiến và loạn lạc dai dẳng, dân ta luôn luôn cầu xin được quốc thái dân an và mưa thuận gió hòa. Đó là ước vọng chính của dân làng khi đem lễ vật đến đình làng để cúng Thần Hoàng. Ước vọng đó cũng được gói ghém trong cách gọi địa danh ở nước ta. Những địa danh mang chữ Hòa, Bình, Thái (Thới), An (Yên), Tuy (3), Ninh ở Việt Nam rất nhiêu như:

Hòa Bình, Thái Bình, Bình Hòa, Biên Hòa (4), Hòa Đồng (Nam Bộ), Hòa Vang, Hòa Tân (Quảng Nam), Phú Hòa, Nhị Bình, Hiệp Bình, Bình Chánh, Bình Vân, Bình Dương, Bình Đại, Bình Định (5), Bình Khê, Bình Giang (sông Thương), Bình Giả, Bình Kiều (trong tỉnh Hưng Yên), Bình Khang (tên cũ của Khánh Hòa), Bình Long (Hớn Quản), Bình Nhâm (trong tỉnh Thủ Dầu Một – Bình Dương), Bình Đức, núi Ngự Bình, Bình Sơn (ở Huế và núi trong tỉnh Kiên Giang), Bình Than, Bình Lỗ, Bình Tuy, Bình Thuận, Bình Thứ, Bình Trinh, Bình Trước, Ninh Bình, Hương Bình (Hương Giang).

An Giang (Long Xuyên), An Xuyên (Cà Mau), Tuy An, Tuy Hòa, Tuy Phước, (trong tỉnh Bình Định), Tuy Phong (trong tỉnh Bình Thuận. Tuy: yên ổn), Tiên Yên, Quảng Yên, An Khê, An Sơn, chùa An Hải trên đảo Côn Sơn, đầm An Hòa ở Trung Bộ, An Hóa (thuộc Bến Tre), An Nhơn (trong tỉnh Bình Định và Gia Định), An Nhơn Tây, An Phú (trong tỉnh Châu Đốc và Bình Dương), An Phú Đông, An Phước (trong tỉnh Ninh Thuận), An Sơn, núi Yên Tử (Yên: An), Bình Tuy, (Tuy: An), An Túc, An Cựu, chùa An Trí Tự, An Trường (trong tỉnh Thanh Hóa), Long An (Tân An), Tân An (trong tỉnh Thủ Dầu Một – Bình Dương), Hưng Yên, Yên Hưng (Quảng Yên), núi Yên Lạc (Bắc Cạn), núi Yên Mã (Ninh Bình), Yên Mô (Ninh Bình), Yên Phong (Bắc Ninh), núi Yên Phụ (Hải Dương), Yên Tôn (Thanh Hóa), Phiên An (Phan Yên: Gia Định), Việt Yên (Bắc Giang), Tây Ninh (từ chữ an ninh), Ninh Bình, Ninh Chử, Ninh Thuận, Ninh Hòa, Ninh Hải (tên cũ của Hải Phòng), Quảng Ninh, Quảng Yên v.v…

Thái Bình (tên sông và tỉnh ở Bắc Bộ), Thái Hòa (Thới Hòa), điện Thái Hòa, Tân Thới, Thới Tam Thôn, Tân Thới Đông, Thái Nguyên, Thới Bình (trong tỉnh An Xuyên).

Đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long là bãi chiến trường giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn vào thế kỷ 18. Nhiều nơi dân chúng phải rời bỏ làng xóm để lánh nạn. Cuộc chiến được xem như chấm dứt khi quân họ Nguyễn làm chủ tình hình và thiết lập guồng máy hành chánh trên đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long vào năm 1788. Hai năm sau họ Nguyễn bắt đầu tấn công nhà Tây Sơn ở các tỉnh miền nam Trung Bộ bây giờ và có khi đánh thẳng vào Qui Nhơn nữa. Từ đó đến thế kỷ 19 nhiều địa danh ở Nam Bộ mang chữ TÂN (mới) để nói lên cái gì mới mẻ sau một cuộc tàn phá liên tục. Ta có Tân An (an ninh hay bình an trở lại), Tân Phước (Phước mới), Tân Trụ (trụ trở lại), Tân Thiều (tốt đẹp trở lại hay cái đẹp mới), Tân Ninh (an ninh trở lại), Tân Long (hưng thịnh mới), Tân Khánh (phước mới hay phước trở lại), Tân Châu (một khu vực mới), Tân Bình (bình an trở lại), Tân Uyên (uyên: vực sâu, sự thâm thúy), Tân Ba (ba: cái bừa cào), Tân Kiến (Tân Cảnh – Cảnh mới), Tân Bình, Tân Hội, Tân Triêm (triêm: thấm vào), Tân Phú Trung, Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Nhì, Tân Định (vùng định cư mới) v.v…

6.- Khuynh hướng trọng văn và mỹ thuật

Ngay trong thời kỳ mông muội lịch sử tổ tiên ta đã chọn quốc hiệu là Văn Lang. Ngoài ra còn có vài địa danh có chữ Văn tức là vẻ sáng như Phú Văn, đê Văn Giảng v.v…

Có nhiều địa danh trong nước nói lên vẻ đẹp, nét sáng, hương thơm và sự mới mẻ như: Minh Long, Minh Hải, Minh Hương (Cù Lao Phố – Biên Hòa) (6), Tuyên Quang (Minh: sáng, Quang: sáng), Mỹ An (trong tỉnh Kiến Phong), cù lao Mỹ Giang (Ninh Hòa), Mỹ Thanh (trong tỉnh Ba Xuyên), Mỹ Thuận (thuộc Vĩnh Long), Mỹ Xuyên (thuộc Ba Xuyên), Mỹ Huê (thuộc Hóc Môn, Gia Định), Mỹ Hào (thuộc Bình Dương), Bình Mỹ, sông Hương Chử (thuộc Thanh Hóa), Hương Điểm (thuộc Bến Tre), sông Hương, Hương Bình, Hương Điền (thuộc Thừa Thiên).

Chữ ‘Mỹ' trong địa danh Mỹ Tho không nằm trong nghĩa mới mẻ và tốt đẹp. Mỹ Tho là chữ dịch âm từ chữ Khmer Mê Sa (Bà Trắng).

‘Phương' là thơm, đức hạnh. Ta có địa danh: Phương Thành (Hà Tiên), Phương Đàm (gần Hồ Tây, Hà Nội) v.v…

Do hai nghĩa tốt đẹp chữ ‘Phương' (thơm, đức hạnh) nên bà hoàng hậu duy nhất (7) của nhà Nguyễn được gọi là Nam Phưong Hoàng Hậu.

*

Ở miền thượng du và trung du Bắc Bộ có nhiều địa danh do các dân tộc thiểu số (Thổ, Nùng, Tày, Mán, Lô Lô, Nhắng, Dao, Thái v.v..) đặt ra nên có vẻ xa lạ với tiếng Việt.địa danh Phan Rí và Phan Thiết phảng phất âm của chữ Parik và Manthit của người Chàm.

Các địa danh trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ hầu hết do người thiểu số Chàm, Jarai, Rhadé, Sédang, Mnong… đặt ra.

Vài địa danh Việt Nam bị Pháp hóa dưới thời Pháp thuộc. Đất Hộ bị ghi sai là Đa Kao, Kỳ Hòa thành Chí Hòa. Cho đến bây giờ người Việt Nam lại quen với Đa Kao hơn là Đất Hộ và Chí Hòa hơn là Kỳ Hòa. Ba Làng An được ghi nhầm là Batangan; mũi Nạy được ghi là Cap Varella. Đà Nẵng trở thành Tourane , Hội An là Faifo. Vũng Tàu là Cap St. Jaques, sông Hồng là sông Koi (chữ viết sai của chữ sông Cái) hay Fleuve Rouge, sông Lô là Rivière Claire, sông Đà là Rivière Noire vì bóng núi và cây rợp dưới nước làm cho người ta có cảm tưởng nước có màu đen. Đồng Tháp Mười được gọi là Plaine des Joncs và Cà Mau là Plaine des Oiseaux. Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây được ghi là Vaico Oriental và Vaico Occidental v.v…

Những địa danh Mỹ Tho, Sa Đéc, Bặc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Chắc Cà Đao, Sói Rạp, Thốt Nốt…. đều âm từ tiếng Khmer. Ngay cả chữ Sài Gòn cũng được dịch từ chữ Preikor của người Khmer. Người Pháp cố dùng những địa danh trên với một mục đích nhắc nhở nguồn gốc và chủ quyền của những thành phố trên mặc dù nhà Nguyễn đã khai sinh Lục Tỉnh Nam Kỳ với Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên từ thập niên 30 của thế kỷ 19. Sau năm 1954 các tên mang âm hưởng tiếng Khmer biến mất để nhường chỗ cho những tên cũ đã có từ thời nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có nhiều địa danh mới chào đời.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

_________________

(1) Long Biên nằm trong tỉnh Bắc Ninh là nơi chánh quyền đô hộ Trung Hoa ngày xưa đặt phủ trị. Nhiều người nhầm tưởng Long Biên là Hà Nội và liên tưởng đến cầu Long Biên bắc ngang qua sông Hồng.

(2) Có một loại điệp to lớn có hoa đỏ thắm nở vào mùa hè rất đẹp. Hoa đó gọi là phượng vĩ thuộc gia đình Caesalpiniaceae và được biết dưới tên khoa học Delonix regia.

(3) ‘Tuy'cũng có nghĩa là yên ổn. Chữ ‘An' và ‘Yên' viết và phát âm khác nhau nhưng cùng một nghĩa.

(4) Biên Hòa: hòa bình ở biên giới. Vào thế kỷ 17 Biên Hòa được xem là vùng biên giới giữa địa bàn cai trị của họ Nguyễn và phần còn lại của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp. An ninh của đia điểm nầy bấp bênh trên lý thuyết hơn là trên thực tế.

(5) Chữ ‘Bình' trong địa danh Bình Định không có nghĩa là hòa bình mà có nghĩa là sự bình định. Qui Nhơn được cải danh thành Bình Định năm 1799 khi quân họ Nguyễn đánh chiếm thành nầy. Chữ ‘Bình'trong địa danh Bình Minh (quận Bình Minh trong tỉnh Vĩnh Long) cũng không có nghĩa là hòa bình, bình an. Bình minh là lúc trời vừa sáng. Chữ ‘Bình'trong địa danh Bình Chuẩn cũng không có nghĩa là hòa bình. ‘Bình'ở đây có nghĩa là thăng bằng, không lệch lạc. ‘Chuẩn' là mực thước. Bình Chuẩn là một làng trong tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Vào thế kỷ 19 vua Tự Đức thành lập Bình Chuẩn Ty phụ trách về việc thương mại.

(6) Chữ ‘Minh' trong địa danh Minh Hương chỉ nhà Minh. Làng Minh Hương là nơi cư trú của người Trung Hoa kháng Mãn Thanh thất bại và chạy xuống miền Nam được chúa Nguyễn cho vào khai thác vùng đất mới của Thủy Chân Lạp. Minh Hương; đồng hương của Minh triều.

(7) Vua Gia Long tức vua thái tổ nhà Nguyễn đưa ra nguyên tắc tam bất lập: a. không lập hoàng hậu, b. không lập trạng nguyên, c. không lập tể tướng (thủ tướng). Vị vua thứ 13 là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn lập hoàng hậu năm 1934, bổ nhiệm Trần Trọng Kim làm thủ tướng năm 1945 và thoái vị vào năm nầy.

 


Cái Đình - 2006