Phạm Đình Lân


Giáo dục qua các thời đại

 

Lời nói đầu

Bất cứ thời gian và không gian nào giáo dục cũng nhằm mục đích đào tạo nhân tài để giúp nước.
Thành quả sự mở mang đất nước tùy thuộc vào triết lý giáo dục của quốc gia.
Trong bài viết nầy tôi tóm lược giáo dục ở nước ta qua các thời kỳ lịch sử
để độc giả có khái niệm tổng quát về hiệu năng đóng góp của giáo dục vào sự phát triển nước nhà.

 

I.- Giáo dục dưới chế độ quân chủ

Nguyễn Phúc Ánh đánh bại quân Tây Sơn, thống nhất sơn hà và lên ngôi vào năm 1802. Ðó là vua Gia Long, người sáng lập ra triều Nguyễn (1802 -1945)

Các vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức là những vị vua giỏi thi văn. Việc học hành được chú trọng dưới triều Nguyễn. Tuy vậy vẫn chưa có chế độ cưỡng bách giáo dục. Trong Lục Bộ (1) không có bộ Giáo Dục. Việc giáo dục do Bộ Lễ trông coi. Mãi đến năm 1932, khi Bảo Ðại du học từ Pháp về Huế mới có bộ Học tức là bộ giáo dục. Giáo thọ (2) và huấn đạo trông coi việc giáo dục ở địa phương. Ở kinh dô Huế có trường Quốc Tử Giám dành cho con các quan và một ít sĩ tử xuất sắc xuất thân từ gia đình bình dân. Trường công lập rất hiếm ở các địa phương nếu không nói là hoàn toàn vắng bóng. Các quan hưu trí, nho sĩ ẩn dật, các sinh đồ (thầy đồ: tú tài) mở trường tư thục tại gia để giảng dạy chữ Hán cho học sinh ở các địa phương.

Giáo dục dưới triều Nguyễn phỏng theo giáo dục của Trung Hoa. Ðức Khổng Phu Tử là Vạn Thế Sư Biểu. Giáo dục dưới chế độ quân chủ dựa vào tinh thần Khổng Giáo nhằm đào luyện một mẫu người quân tử trung quân ái quốc . Trung với vua tức là yêu nước. Người quân tử là người can trường, thẳng thắn, yêu công lý và chấp nhận sự thanh bần. Họ được ví như cây trúc vừa mọc thẳng vừa bọng ruột.

Phan Thanh Giản bày tỏ lòng trung quân bằng cách hướng về phía bắc quì lạy vua trước khi uống thuốc độc tự tử ở Vĩnh Long vào năm 1867 vì không chu toàn nhiệm vụ phòng giữ các tỉnh miền Tây Nam Kỳ do vua Tự Ðức giao phó. Ngự sử Phan Ðình Phùng phản đối sự lộng quyền của hai quan nhiếp chánh Tôn Thất Thuy ết và Nguyễn Văn Tường khi hạ ngục vua Dục Ðức nên bị giáng chức. Quan nhiếp chánh Trần Tiến Thành không theo Tôn Thất Thuy ết và Nguyễn Văn Tường lấn áp vua Dục Ðức và Hiệp Hòa nên bị giết chết tại nhà giữa lúc vua Hiệp Hòa bị Ông Ích Khiêm bắt giữ và ép uống thuốc độc chết.

Từ đời vua Minh Mạng việc học hành thi cử được chỉnh đốn. Chương trình học gồm có văn chương, thi phú, Bắc sử (Sử Trung Hoa), Nam sử và các sách do Khổng Tử, Mạnh Tử để lại. Toán học, nếu có, chỉ là bói toán chớ không giống như toán học ngày nay. Khoa học, kỹ thuật và kinh tế học hoàn toàn vắng bóng trong học trình. Chương trình học nầy đào tạo ra những nhà văn, nhà thơ, thầy bói toán và thầy thuốc Ðông Y. Vạn vật học dựa vào lý Âm Dương Ngũ Hành tương khắc và tương sinh.

Dưới triều vua Gia Long chỉ có thi hương. Từ triều vua Minh Mạng về sau các kỳ thi tam trường (thi hương, thi hội và thi đình) được tổ chức điều hòa ba năm một lần.

Thi hương được tổ chức ở các tỉnh lớn ở Bắc, Trung và Nam Kỳ. Nam Kỳ là vùng đất mới nên chỉ có trường thi hương ở Gia Ðịnh mà thôi. Năm 1862 ba tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh và Ðịnh Tường rơi vào tay người Pháp. Trường thi hương chuyển về An Giang. Từ năm 1867 về sau toàn thể Nam Kỳ đặt dưới sự kiểm soát của người Pháp nên thi hương hoàn toàn bị bãi bỏ ở Nam Kỳ.

Thi hương được tổ chức ba năm một lần vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu. Muốn dự thi hương sĩ tử phải qua một cuộc khảo hạch tại địa phương. Thi hương có 4 trường. Sĩ tử đậu đủ 4 trường được gọi là hương cống (ông Cống). Từ đời vua Minh Mạng về sau hương cống được đổi thành cử nhân. Nguyễn Hữu Huân, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Bội Châu là thủ khoa hương thí. Ðậu 3 trường được gọi là sinh đồ sau đổi thành tú tài. Nguyễn Ðình Chiểu, Trần Tế Xương chỉ đậu tam trường hương thí.

Thi hội được tổ chức ở kinh đô (Huế) vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Người đậu hương thí năm Ngọ được dự vào kỳ thi hội vào năm Mùi. Ðậu tứ trường hội thì sĩ tử được dự vào thi đình tổ chức tại sân điện của triều đình. Thường thường vua là chánh chủ khảo thi đình.

Thi đình được xem là cuộc thi cuối cùng để lấy tiến sĩ và sắp thứ hạng. Dưới triều Nguyễn các tước Trạng Nguyên (đứng đầu trong đình thí), Bảng Nhãn (người hạng nhì trong đình thí) và Thám Hoa (người hạng ba) không còn nữa. Phan Ðình Phùng là thủ khoa thi đình nhưng không được gọi là Trạng Nguyên mà chỉ được gọi là Ðình Nguyên.

Phần lớn những người đậu cử nhân và tiến sĩ đều được triều đình trọng dụng. Tiến sĩ Phan Thanh Giản được dùng như một nhà hành chánh, một nhà ngoại giao và một tướng lãnh khi được vua Tự Ðức giao phó nhiệm vụ giữ thành Vĩnh Long. Tổng Ðốc Hoàng Diệu là Phó Bảng (3) nhưng phải làm nhiệm vụ của một tướng lãnh khi trông coi việc phòng thủ thành Hà Nội trước sự tấn công của quân Pháp dưới sự chỉ huy của Henri Rivière vào năm 1882. Ông Ích Khiêm là một Hương Cống nhưng ông nổi bật trong binh nghiệp. Ông dẹp giặc khách ở miền thượng du Bắc Kỳ khi giết chết đầu đảng của họ là Ngô Công (Wu Kun), một dư đảng củaThái Bình Thiên Quốc bên Trung Hoa. Năm 1883, theo lịnh của Tôn Thất Thuy ết và Nguyễn Văn Tường, ông ép vua Hiệp Hòa uống thuốc độc chết.

Từ năm 1884 Trung Bắc lưỡng kỳ trở thành đất bảo hộ của người Pháp. Chế độ quân chủ biến mất ở Nam Kỳ nhưng vẫn còn tồn tại ở Trung và Bắc Kỳ. Các kỳ thi tam trường vẫn được duy trì. Kỳ thi hương cuối cùng được tổ chức vào năm Ất Mão (1915) ở Bắc Kỳ. Năm Mậu Ngọ (1918) là năm cuối cùng của kỳ thi hương ở Trung Kỳ. Chữ Hán được thay thế bằng chữ quốc ngữ và Pháp ngữ.

Năm 1907 trường Ðông Kinh Nghĩa Thục chào đời ở Hà Nội. Trường nầy do các nhà nho chịu ảnh hưởng tư tưởng canh tân của Khang Hữu Vi (Kang Yu-Wei) và Lương Khải Siêu (Leng Ki-Chao) ở Trung Hoa và sáng kiến Tây phương hóa giáo dục của Fukuzawa ở Nhật. Hai học giả Khang và Lương chịu ảnh hưởng của cuộc canh tân của nước Nhật. Sau 26 năm canh tân Nhật đánh bại Trung Hoa và buộc nước nầy phải ký hòa ước Shimonsoki (1895). Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu giúp cho hoàng đế Quang Tự (Kuang Hsu) tiến hành cuộc canh tân vào năm 1898. Lịch sử gọi cuộc canh tân thất bại nầy là cuộc chánh biến năm Mậu Tuất.

Ðông Kinh Nghĩa Thục dạy chữ Hán, quốc ngữ và Pháp ngữ. Trường đả kích lối học cử nghiệp và từ chương, thói mê tín, dị đoan, các cổ tục lỗi thời không đáng được duy trì và cổ xúy một đường hướng giáo dục mới nhằm nâng cao dân trí, phát triển quốc gia về phương diện kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Phan Chu Trinh là một phó bảng cổ xúy cuộc duy tân xứ sở. Ông đả phá lối học cử nghiệp bằng cách rời bỏ bộ Lễ để dấn thân vào đường cách mạng. Năm 1905 ông là nhà nho đầu tiên trong nước hớt tóc ngắn, để râu theo hoàng đế Napoléon III và thiên hoàng Mitsu Hito, mặc Âu phục và mang giày da.

Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động được 9 tháng thì bị đóng cửa. Sự hiện diện của nó đánh dấu thời kỳ chuẩn tiếp giữa nền giáo dục thời quân chủ và nền giáo dục canh tân hầu giúp ích cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Phan Chu Trinh là nhà nho đầu tiên vào thế kỷ 20 say mê nền dân chủ Tây Phương và đồng hóa sự duy tân với việc Âu hóa. Ông là người Quảng Nam . Do ảnh hưởng của ông mà tỉnh Quảng Nam có nhiều sĩ phu yêu nước có tư tưởng duy tân và nhiều nhà kinh doanh và kỹ nghệ gia nổi tiếng trong nước vào thế kỷ 20.

 

II.- Giáo dục dưới thời Pháp thuộc

Chữ quốc ngữ và Pháp ngữ được giảng dạy ở Nam Kỳ từ thập niên 1860 vì Pháp chiếm ba tỉnh miền Ðông Nam Kỳ vào năm 1862 và ba tỉnh miền Tây vào năm 1867. Trước khi người Pháp đến Nam Kỳ chỉ có những người theo đạo Thiên Chúa biết chữ quốc ngữ mà thôi vì chữ quốc ngữ là một công trình nghiên cứu ngôn ngữ học dựa vào mẫu tự La Tinh của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, một nhà truyền giáo người Pháp gốc ở Avignon và sống vào thế kỷ 17. Những người đầu tiên đóng góp tích cực vào việc phát triển chữ quốc ngữ ở Việt Nam là những tín đồ Thiên Chúa Giáo đặc biệt là các ông Pétrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của. Trương Vĩnh Ký sáng lập ra tở Gia Ðịnh Báo năm 1865. Ðó là tờ báo đầu tiên của Việt Nam và cũng là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở nước ta. Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký là những người đầu tiên đóng góp tích cực vào việc phổ biến chữ quốc ngữ vào thế kỷ 19.

Từ năm 1918 về sau chữ quốc ngữ mới phát triển mạnh mẽ ở Trung và Bắc Kỳ.

Dưới thời Pháp thuộc số trường học do chánh phủ thuộc địa xây cất nhiều hơn số trường học dưới chế độ quan chủ nhà Nguyễn. Có nhiều xã không có trường học. Có xã có trường với 2 hay 3 cấp lớp. Học xong lớp sơ đẳng (lớp 3) học sinh phải sang xã lớn có trường tiểu học đủ 5 cấp lớp để học lớp nhì (lớp 4).

Ða số trường học dưới thời Pháp thuộc được xây cất vào đầu thế kỷ 20. Trường được lợp bằng ngói đỏ, tường quét vôi màu vàng. Cửa lớp học, cửa sổ và hàng rào sắt đều sơn màu chu. Sàn lớp học được lót bằng gạch vuông (carreau) màu đỏ. Trước sân trường thường có vài cây phượng vĩ. Hoa phượng vĩ nở đỏ rực vào mùa hè. Ðó là mùa mưa, mùa ve sầu, mùa thi và cũng là mùa nghỉ hè. Màu đỏ của hoa phượng là màu hạnh phúc dành cho người thi đậu. Tiếng ve sầu và những giọt mưa giông vào mùa hè là những tiếng khóc nức nở của người bất hạnh trong kỳ thi. Sự thành bại trên ghế nhà trường quyết định tương lai của học sinh. Học hành thi cử trở thành vấn đề sinh tử đối với thanh thiếu niên thời bấy giờ. Có người phải dùng cà phê hay thuốc để thức trắng đêm học bài. Có người dùng Glutaminol để gia tăng trí nhớ. Có người điên loạn vì bất toại công danh. Có người tự sát vì hỏng thi.

Dưới thời Pháp thuộc việc học hành tương đối khó khăn vì chánh phủ thuộc địa không muốn dân thuộc địa có trình độ học vấn cao. Học sinh phải trải qua nhiều kỳ thi gạn lọc gay go. Các môn học lại được giảng dạy bằng tiếng Pháp nên số người đỗ đạt suông sẻ rất ít.

Bậc Tiểu học gồm có 5 cấp lớp: Đồng ấu (Enfantin), Dự bị (Préparatoire), Sơ đẳng (Elémentaire), Lớp nhì (Moyen) và Lớp nhất (Supérieur). Từ lớp Dự bị (lớp 2) học sinh bắt đầu học tiếng Pháp. Ðến lớp Sơ đẳng (lớp 3) học sinh phải thi bằng Sơ Học Yếu Lược . Học sinh viết chánh tả bằng tiếng Pháp ít lỗi được đậu Mention Française . Ðến lớp nhất học sinh phải thi bằng Tiểu Học (CEPCI) còn được gọi là bằng Certificat . Thi bằng Tiểu học gồm có 2 phần: thi viết và thi vấn đáp… Ngoài những kỳ thi tam cá nguyệt (trimestrel), lục cá nguyệt (semestrel), thi lấy văn bằng, học sinh còn phải thi lên lớp mỗi năm vào ngày tựu trường.

Giáo viên được đào tạo cấp tốc ở các khóa huấn luyện sư phạm ở tỉnh chỉ được dạy từ lớp Đồng ấu (lớp 1) đến lớp Sơ đẳng (lớp 3) mà thôi.

Giáo viên dạy lớp nhì (lớp 4) hay lớp nhất (lớp 5) phải học sư phạm 4 năm sau khi có bằng CEPCI và trúng tuyển vào trường Sư Phạm (Ecole Normale). Thông thường các giáo viên nầy có bằng Thành Chung gọi tắt là DEPSI hay bằng diplôme tương đương với Trung Học Ðệ Nhất Cấp hay bằng tốt nghiệp Trung học Phổ Thông Cấp 2 bây giờ. Khả năng thực của người đậu bằng Thành Chung hay Brevet rất cao nếu so sánh với người có bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp sau nầy.

Các môn học dưới thời Pháp thuộc giống như các môn học ở Pháp ngoại trừ tiếng Việt và chữ Hán. Học sinh tiểu học học tiếng Việt, tiếng Pháp, chữ Hán (không quan trọng), toán học, cách trí (vạn vật), luân lý, công dân giáo dục, vệ sinh, lịch sử Pháp, địa lý địa phương, thủ công, canh nông (làm vườn – jardin scholaire). Học sinh lớp ba bắt đầu làm quen với ông Carnot về thăm thầy cũ, sự nghiệp của Paul Bert và Paul Beau ở Việt Nam . Họ tập nói những câu tiếng Pháp căn bản như: Le tamtam sonne; Je m'appelle…; J'ai dix ans; Je vais à l'école; Je vais au marché v.v.. Họ đọc cửu chương bằng tiếng Pháp khi sắp hàng vào lớp mỗi ngày (Deux fois un font deux, deux fois deux font quatre v.v…) Họ học thuộc lòng những bài học thuộc lòng ngắn bằng tiếng Pháp do các nhà trí thức Tây học Việt Nam soạn. Ðến lớp nhất học sinh có thể viết những bài luận ngắn bằng tiếng Pháp. Họ có thể đọc và hiểu vài bài tập đọc bằng tiếng Pháp trích từ các tác phẩm của Anatole France, Alphonse Daudet, Victor Hugo v.v… Từ lớp nhất học sinh biết qua vài bài ngụ ngôn của La Fontaine đặc biệt là bài Le Loup et l'Agneau (Chó Sói và Cừu Non) với câu mở đầu rất thực nhưng đầy dẫy đau đớn xót xa:

La raison du plus fort est toujours la meilleure

(Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng)

Học sinh nhự được dạy thuyết trung dung trên thực tế với vài sự tương phản đễ thương. Khi mô tả một người nào đó thì lúc nào người ta cũng thấy những câu đại loại như sau:

Ông ấy không mập, không ốm, không cao, không thấp… Nước da không trắng cũng không đen. Ông đã già nhưng vẫn còn minh mẫn. Tóc ông bạc nhưng trông ông còn trẻ lắm. Trong ông ốm yếu nhưng ông rất khỏe mạnh .”

Học sinh tiểu học dưới thời Pháp thuộc học 5 ngày trong tuần. Thứ năm (Jeudi) và chúa nhật (Dimanche) là hai ngày nghỉ học trong tuần. Ngoài những ngày lễ lớn của Pháp và Việt Nam học sinh còn có 2 tuần lễ nghỉ Tết Nguyên Ðán, 3 tuần lễ nghỉ lễ Pâques (Phục Sinh) và 3 tháng nghỉ hè. Nghỉ hè bắt đầu từ ngày 14/7 (Quốc Khánh của Pháp) đến giữa tháng 9. Trước khi nghỉ hè trường học tổ chức lễ phát thưởng rất long trọng. Hiệu trưởng đọc diễn văn bằng tiếng Pháp. Nam nữ học sinh trình diễn văn nghệ. Buổi lễ phát thưởng chấm dứt trong bầu không khí vui tươi nhưng đầy cảm động. Học sinh ca bài Ce n'est qu'un aurevoir (Chỉ là sự tạm biệt mà thôi) bằng một âm điệu trầm buồn. Vì trong tương lai rất gần ít người gặp lại nhau. Ngày bãi trường là một ngã rẽ biệt ly của bạn bè trong một quốc gia thuộc địa nghèo nàn ngập tràn khói lửa chiến tranh.

Cho đến khi đệ nhị thế chiến bùng nổ tuổi trung bình của học sinh đậu tiểu học xê dịch từ 12 đến 16.

Ngày 9-3-1945 quân Nhật lật đổ chánh quyền thuộc địa của Pháp ở Ðông Dương. Những học sinh từ 1930 – 1933 đậu tiểu học sau ngày nầy được xem là đậu bằng tiểu học của Nhật. Khi người Pháp tái chiếm Nam Kỳ bằng nầy bị chánh quyền thuộc địa Pháp phủ nhận. Những người đậu bằng tiểu học ‘Nhật' phải thi lại bằng tiểu học.

Ðậu xong bằng tiểu học học sinh phải dự cuộc thi tuyển vào năm thứ nhất (1 ère année ) của trường Trung học. Học sinh các tỉnh Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Cap Saint Jacques (Vũng Tầu), Bà Rịa (Phước Tuy) và cả Phan Thiết ở miền Trung về Sài Gòn dự vào cuộc thi tuyển vào trường Pétrus Ký (nam) và trường Áo Tím (trường Gia Long sau nầy). Học sinh các tỉnh ven sông Tiền Giang (Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Gò Công) phải thi vào trường Le Myre de Villers tức trường Nguyễn Ðình Chiểu ở Mỹ Tho. Học sinh các tỉnh ven sông Hậu Giang (Bassac) phải thi vào Collège de Can Tho hay Collège du Bassac (5). Ðó là những trường Trung Học công lập bản xứ. Trường Áo Tím (Gia Long), Le Myre de Villers Mỹ Tho, Collège du Bassac Cần Thơ chỉ có đến năm thứ tư Trung Học mà thôi (lớp 9). Sau khi đậu bằng Thành Chung hay Brevet học sinh phải dư cuộc thi tuyển vào classe de seconde của trường Pétrus Ký. Rất ít người được nhận vào trường Chasseloup Laubat.

Trường Chasseloup Laubat (4), Marie Curie dành cho nam nữ học sinh Pháp hay con của những viên chức cao cấp Việt Nam và những người giàu có vào thời bấy giờ. TrườngTaberd va Sainte Enfance là hai trường tư thục Thiên Chúa Giáo có uy tín ở miền Nam dưới thời Pháp thuộc. Những trường nổi tiếng ở Hà Nội là Albert Sarraut, trường Bưởi tức trường Bảo Hộ (Ecole du Protectorat), trường Puginier v.v… Ở Huế có trường Quốc Học, trường Pellerin, trường Providence v.v… Ở Ðà Lạt có trường Yersin. Hỏng trong cuộc thi tuyển vào trường Pétrus Ký học sinh có thể tiếp tục việc học hành bằng cách học trường tư thục. Sự tốn kém không thể tránh được vì học sinh phải kiếm nơi ở trọ, trả tiền cơm tháng và đóng học phí hàng tháng (6). Trường Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê, Lê Tấn Thành, Chi Lăng, Lê Lợi, Tiên Long, Minh Ðạo, Ðức Trí, Việt Nam Học Ðường… là những tư thục lâu đời ở Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc. Vào thập niên 1950 xuất hiện các trường tư thục Huỳnh Thị Ngà, Kiến Thiết, Tân Thanh, Leuret, Les Lauriers, Cửu Long, Vương Gia Cần, Phan Văn Huê v.v… Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội được nổi tiếng vì Hoàng Minh Giám, Ðặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp, Khải Hưng Trần Khánh Giư, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Tuyên… đều dạy ở đó.

Trường Trung Học gồm có hai cấp:

1.- Ðệ nhất cấp (1 er cycle): từ năm thứ nhất đến năm thứ tư.

Ðến năm thứ tư Bậc Trung Học học sinh thi bằng Thành Chung (DEPSI) (chương trình Pháp - Việt dành cho người bản xứ), Brevet Elémentaire . Ðến năm 1947 mới có cuộc thi Brevet de Premier Cycle (BEPC) dịch ra Việt ngữ thành bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp. Thi bằng Thành Chung gồm có hai phần: thi viết và thi vấn đáp. Tất cả các môn thi đều bằng tiếng Pháp ngoại trừ bài chánh tả và luận văn tiếng Việt song song với bài chánh tả và luận văn băng tiếng Pháp. Thi Brevet Elémentaire (BE) cũng có hai phần: thi viết và thi vấn đáp. Trong cuộc thi Brevet Elémentaire không có bài chánh tả và luận văn tiếng Việt.

2.- Ðệ nhị cấp (second cycle): từ lớp đệ tam (classe de seconde) đến đệ nhất (classe terminale).

Sau khi học xong 4 năm Trung Học, học sinh phải qua kỳ thi tuyển để được theo học lớp đệ tam (classe de seconde). Ðến lớp đệ nhị (classe de première) học sinh thi Tú Tài I. Ðậu Tú Tài I học sinh được chọn ban để chuẩn bị thi Tú Tài II sau khi học xong lớp đệ nhất (classe terminale). Tú Tài II thường có ba ban chánh: toán, triết học và khoa học thực nghiệm. Rất hiếm học sinh Việt Nam chọn sinh ngữ (Anh, Ðức, Tây Ban Nha) hay tử ngữ La Tinh.

Học sinh phải mất 7 năm để hoàn tất bậc Trung Học nếu mọi cuộc thi cử đều suông sẻ. Thường thường học sinh đậu bằng Thành Chung xong thì tìm công việc làm để kiếm sống hơn là tiếp tục học. Vì lý do nầy mà có chữ “thành chung”. Nó được xem là mảnh bằng cao nhất thời Pháp thuộc vào đầu thế kỷ 20. Nó còn được gọi là diplôme de fin d'étude nghĩa là có mảnh bằng ấy được xem như đã hoàn tất việc học hành. Tuổi trung bình của học sinh đậu bằng Thành Chung là 18 – 21. Do đó kiến thức và kinh nghiệm của người có bằng Thành Chung khá vững vàng.

Học sinh Trung Học dưới thời Pháp thuộc bắt đầu làm quen với văn chương Pháp, khoa học Âu Châu, lịch sử Pháp và thế giới, địa lý Pháp, Việt Nam và thế giới. Pháp văn đóng vai trò nồng cốt. Trong cuộc thi Tú Tài I học sinh có thừa điểm để được chấm đậu nhưng vẫn bị đánh hỏng chỉ vì bài luận văn chương Pháp dưới 6/20. Ngoài ra còn có điểm loại (note éléminatoire) nghĩa là thí sinh bị đánh hỏng dù có thừa điểm để được chấm đậu nhưng có một môn nào đó bị 0 điểm. Trong những trường hợp trên thí sinh được ân huệ dự cuộc thi kỳ hai tổ chức vào mùa thu.

Giáo sư dậy Trung Học phần lớn là người Pháp. Các giáo sư Việt Nam tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội chỉ dạy các lớp đệ nhất cấp ở các trường Trung Học công lập bản xứ mà thôi. Các lớp đệ nhị cấp đều do các giáo sư Pháp tốt nghiệp Ecole Normale Supérieure ở Pháp phụ trách. Giáo sư Pháp tốt nghiệp Ecole Normale Supérieure của Pháp đều là thạc sĩ hay tiến sĩ. Tiến sĩ Trần Văn Trai (luật khoa và văn chương), tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường (luật khoa và văn chương), thạc sĩ Phạm Duy Khiêm (văn phạm), kỹ sư kiều lộ Hoàng Xuân Hãn khi về nước chỉ dạy Trung Học. Đó là những nhà trí thức Việt Nam tốt nghiệp những trường đại học trứ danh của Pháp.

Sau khi có Tú Tài II học sinh muốn học đại học phải sang Pháp hoặc ra Hà Nội học trường Cao Đẳng. Học sinh có bằng Thành Chung hay Brevet phải qua một kỳ thi để được thu nhận vào trường Cao Đẳng Hà Nội. Thời gian học kéo dài 3 năm.

Trường Cao Đẳng Hà Nội ra đời dưới thời toàn quyền Paul Beau (1902 – 1908) nhằm ngăn chận học sinh Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi Đông Du của nhà cách mạng Phan Bội Châu, linh hồn của phong trào Đông Du. Chánh quyền thuộc địa Pháp cũng không muốn học sinh Việt Nam sang Pháp du học vì Pháp là chiếc nôi của cách mạng 1789, 1830 và 1848, của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do (liberalism) Năm 1908 toàn quyền Pháp ra lịnh đóng cửa trường Cao Đẳng Hà Nội do ảnh hưởng của cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên. Hưởng ứng tư tưởng duy tân của Phan Chu Trinh những người đi biểu tình đầu tiên xuất phát từ Quảng Nam đều cắt tóc ngắn trước khi tham gia biểu tình. Thời bấy giờ các quan Nam triều gọi cuộc biểu tình chống sưu thuế nầy là ‘ loạn đầu bào '.

Trường Cao Đẳng Hà Nội có các ngành y-dược, công chánh, canh nông, thú y, luật học và hành chánh, sư phạm, thương mại. Trường Cao Đẳng Luật và Hành Chánh sau trở thànhh Đại Học Luật Khoa.

Người tốt nghiệp trưòng Cao Đẳng Y khoa được gọi là Y Sĩ Đông Dương (Médicin Indochinois) chớ không được gọi là bác sĩ. Sau năm 1954 các Y Sĩ Đông Dương đều được xem là bác sĩ. người tốt nghiệp Cao Đẳng Công Chánh chỉ được gọi là Đốc Công Trường Tiền chớ không được gọi là Kỹ Sư Công Chánh.

Nguyễn Thái Học, Võ Nguyên Giáp, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Hương, Cù Huy Cận, Phan Văn Hùm, Huỳnh Tấn Phát, Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn, Ngô Đình Diệm… đều học ở trường Cao Đẳng Hà Nội. Phan Văn Hùm (Công Chánh), Trương Văn Di (Sư Phạm), Nguyễn Lâm Sanh (Luật), Nguyễn Văn Gắt (Y Khoa) là người Thủ Dầu Một học tại trường nầy. Nguyễn Thái Học là sinh viên Sư Phạm rồi Thương Mại. Võ Nguyên Giáp và Trương Tử Anh học Luật. Ngô Đình Diệm học trường Luật và Hành Chánh (Ecole de Droit et d'Administration). Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Phan Huy Quát học Y Khoa. Trần Văn Hương học sư phạm. Cù Huy Cận học Canh Nông. Nguyễn An Ninh có học luật ở Hà Nội một thời gian ngắn rồi sang Pháp lấy cử nhân khi thế chiến thứ nhất vừa chấm dứt. Thành tích của ông là lấy 3 chứng chỉ cử nhân trong một năm theo qui định đặc biệt của chánh phủ Pháp khi đệ nhất thế chiến vừa chấm dứt. Đó là đặc ân dành cho sinh viên có khả năng nhưng bị gián đoạn việc học hành trong đệ nhất thế chiến (1914 – 1918).

Sau năm 1954 giáo sư tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội trước kia đều được xem là giáo sư Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam. Vài vị có vai trò quan trọng tại bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa sau ngày đất nước qua phân.

 

III.- Giáo dục sau ngày đất nước qua phân

Sau năm 1954 Việt Nam chia ra làm hai miền với hai chế độ chánh trị đối nghịch nhau với đường lối chánh trị, văn hóa, kinh tế, xã hội hoàn toàn khác biệt. Miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa.

Giáo dục ở miền Bắc nhằm đào luyện mẫu người vừa ‘ hồng ' vừa ‘ chuyên '. Trên thực tế ‘ hồng ' quan trọng hơn ‘ chuyên '.

Vì nặng về chánh trị nên việc tuyển sinh đại học phải căn cứ vào lý lịch trong đó nguồn gốc gia đình, giai cấp xã hội, tư tưởng chánh trị và sự tham gia cách mạng là những yếu tố quyết định chủ yếu. Chỉ những học sinh được kết nạp vào đoàn và đảng mới có tương lai mà thôi. Vì quá nặng về chánh trị, học sinh được dạy thấu triệt triết lý Marx và Lenin và xem thường những bộ môn cần thiết cho sự phát triển quốc gia như khoa học kỹ thuật và ngoại ngữ. Môn Văn có tầm quan trọng đặc biệt trong học trình xã hội chủ nghĩa vì tư tưởng và thái độ chánh trị của học sinh được bộc lộ qua các bài văn. Để tránh phiền não và rắc rối học sinh chỉ lập lại một cách máy móc những gì mà sách giáo khoa xã hội chủ nghĩa viết. Vì thế các bài văn đều đơn điệu như nhau vì thếu ý tưởng sáng tạo. Sinh ngữ hầu như không có một chỗ đứng tốt trong học đường xã hội chủ nghĩa. Chỉ có ngành ngoại giao, công an và tình báo mới được ưu tiên học ngoại ngữ. Hoa Văn và Nga Văn là hai ngoại ngữ được ghi trong học trình. Trên thực tế không có đủ giáo viên để dạy hai ngoại ngữ của hai nước xã hội chủ nghĩa anh em to lớn nầý. Từ năm 1964 về sau giáo dục cũng không có cơ may phát triển vì những cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ ở miền Bắc và chiến tranh ở miền Nam.

Miền Bắc theo chế độ giáo dục 10 năm khác với chế độ 12 năm ở miền Nam.

Những từ tú tài , cử nhân bị bãi bỏ. Từ giáo sư , sinh viên được thay thế bằng giáo viên học sinh đại học . Giáo viên là:

Kỹ sư tâm hồn
Không tượng đồng bia đá nhưng cũng vẻ vang .

Lời khen tặng càng hoa mỹ bao nhiêu thì đời sống vật chất của nhà giáo càng kém cỏi bấy nhiêu. Tỷ lệ giáo viên được kết nạp vào đảng thấp nhất so với các ngành nghề khác. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa đường công danh bị tắc nghẽn nếu không được kết nạp vào đảng để trở thành đảng viên.

Sau năm 1975 giáo dục xã hội chủ nghĩa được áp dụng ở miền Nam. Chế độ 12 năm cũng như sinh ngữ Anh và Pháp được duy trì ở các trường miền Nam. Đến thập niên 1980 Pháp văn bị bãi bỏ và thay thế bằng Nga văn. Con những người tập trung cải tạo được chọn học Nga văn. Ngôn ngữ nầy vừa khó, vừa không thực dụng lại thiếu người giảng dạy.

Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1954 là một bản sao của chưong trình giáo dục thời thuộc địa. Những chữ ‘đệ nhất cấp', ‘đệ nhị cấp' được dịch từ tiếng Pháp ‘ premier cycle' , ‘ second cycle '. Ngay cả cách gọi tên lớp cũng phỏng theo cách gọi tên lớp của Pháp. Dưới thời Pháp thuộc năm thứ nhất bậc Trung Học Pháp - Việt bản xứ được gọi là 1ère année . Việt Nam gọi là lớp Đệ Thất vì học trình Trung học kéo dài 7 năm. Đệ Thất là lớp thấp nhất. Lớp cao nhất là Đệ Nhất. Chữ Đệ Thất có thể được dịch từ 7ème của Pháp. Trước kia ở Pháp cũng không có lớp mẫu giáo. Lớp thấp nhất trong học đường là 12ème (lớp 1). Lớp 7ème là lớp đầu tiên của Trung Học. Về sau lớp mẫu giáo trở thành 12ème; 11ème = lớp 1; 10ème = lớp 2; 9ème = lớp 3; 8ème = lớp 4; 7ème = lớp 5; 6ème = năm đầu của Trung Học. Lớp Đệ Thất tương đương với lớp 6ème Moderne của Trung Học Pháp. Nhưng nếu dịch nguyên từ 6ème Moderne ra Việt Ngữ thì nó trở thành Tân Đệ Lục!

Từ năm 1970 về sau cách gọi tên lớp phỏng theo các trường học ở Hoa Kỳ vừa đơn giản vừa hợp lý. Lớp nhỏ nhất ở bậc Tiểu Học là lớp 1 và lớp cao nhất ở bậc Trung Học là lớp 12. Trường Tiểu Học là trường Cấp I. Trường Trung học Đệ Nhất Cấp là trường Cấp II như Junior High ở Hoa Kỳ. (Ở Hoa Kỳ Junior High chỉ có 3 cấp lớp: 6, 7 và 8. Trường Cấp II có 4 cấp lớp: 6, 7, 8, và 9). Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp là trường Cấp III. Nhiều trường Cấp I nhập chung với Cấp II. Các kỳ thi vào lớp 6 (Đệ Thất) vẫn còn nhưng không gay go như trước nữa vì sự phát triển các trường phổ thông Cấp I và II. Sau năm 1975 cơ cấu tổ chức giáo dục nầy vẫn được duy trì. Số trường công lập gia tăng vì tất cả các trường tư thục đều được hiến dâng cho chế độ mới.

Từ năm 1954 đến 1970 bất cứ tỉnh nào ở miền Nam cũng có một trường Trung Học công lập dạy đến lớp Tú Tài. Có nhiều quận có trường Trung Học Đệ Nhị Cấp. Ngoài trường công lập còn có nhiều trường tư thục. Giáo Hội Thiên Chúa rất thành công trong việc mở trường tư thục ở miền Nam. Từ năm 1964 về sau nhiều trường Bồ Đề xuất hiện ở các tỉnh miền Nam. Trường tư thục Nguyễn Văn Khuê trở thành trường Bồ Đề Sài Gòn.

Ngoài các trường phổ thông còn có nhiều trường trung học kỹ thuật và nông lâm súc ở Sài Gòn, Vĩnh Long, Búng, Bảo Lộc, Qui Nhơn v.v…

Chương trình học dựa vào chương trình của thời thuộc địa do Pháp để lại. Các môn học đều được dạy bằng tiếng Việt. Hoàng Xuân Hãn đã Việt hóa giáo dục ngay khi làm tổng trưởng bộ Giáo Dục trong chánh phủ Trần Trọng Kim (tháng 4 – tháng 8 năm 1945). Ông có công trong việc dịch các danh từ khoa học ra Việt ngữ. Học sinh lớp Première học géométrie dans l'espace thì học sinh lớp đệ nhị ở Việt Nam học hình học không gian . Học sinh lớp Première học văn chương lãng mạn Pháp vào thế kỷ 19 thì học sinh đệ nhị Việt Nam học văn chương Việt Nam vào thế kỷ 19 với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương v.v… Học sinh lớp première học lịch sử Pháp từ cách mạng 1789 đến cách mạng kỹ nghệ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc vào thế kỷ 19. Học sinh lớp đệ nhị học lịch sử kháng Pháp vào thế kỷ 19. Chương trình lớp đệ nhất phỏng theo chương trình classe terminale của Pháp. Học sinh các ban đều phải học triết. Học sinh ban toán có thêm phần tinh tú học bên cạnh các môn số học, đại số, lượng giác. Vào đầu thập niên 1970, một số nhà giáo dục có khuynh hướng đưa môn algèbre moderne (tân đại số) vào học trình theo gương chương trình giáo dục Pháp. Các giáo sư trẻ tiếp thu môn nầy dễ dàng hơn các giáo sư có tuổi. Cho đến khi miền Nam sụp đổ môn tân đại số nầy cũng chưa được giảng dạy trong các trường Trung học vì không đủ giáo sư. Vả chăng tân đại số quá khó. Hậu quả là chuyên viên ở Pháp giảm sút rõ rệt vì đưa môn học gai góc này vào học trình. Về sinh ngữ học sinh lớp đệ thất (lớp 6) bắt đầu chọn sinh ngữ Anh hay Pháp. Đến lớp đệ tam (lớp 10) học sinh học 2 sinh ngữ. Sinh ngữ chánh là sinh ngữ chọn từ lớp đệ thất và sinh ngữ phụ là sinh ngữ bắt đầu học ở cấp lớp đệ tam.

Các trường Pháp dạy thi BEPC và Tú Tài (Baccalauréat) vẫn hoạt động ở các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Đà Lạt. Các trường Jean Jacques Rousseau, Marie Curie, Yersin, St. Exupéry (tiểu học) vẫn do người Pháp quản lý. Các lớp Pháp Văn của Trung Tâm Văn Hóa Pháp hoạc động song song với các lớp Anh Văn của Hội Việt Mỹ. Đến thập niên 1960 số học sinh học Pháp văn giảm sút so với số học sinh học Anh văn.

Từ năm 1958 trường Đại Học Sư Phạm được thành lập nhằm đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp. Ngoài ra sinh viên có cử nhân hay cao học văn khoa và khoa học đều đưọc tuyển vào ngạch giáo sư Trung Học đệ nhị cấp với chỉ số khởi điểm từ 430 đến 470. Chỉ số khởi điểm của giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm là 470. Vào cuối thập niên 1950 giáo viên dạy tiểu học dạy lớp 4 và 5 là những người tốt nghiệp trường Quốc Gia Sư Phạm.

Ở miền Nam có 15 trường Tổng Hợp do Hoa Kỳ cố vấn và giúp đỡ. Những trường nầy vừa dạy văn hóa, vừa dạy nữ công gia chánh và thực nghiệp (đánh máy, sử dụng máy móc và dụng cụ v.v…) Trường có thư viện rộng rãi và tiện nghi và phòng Cố Vấn Khải Đạo để cố vấn cho học sinh.

Việc thi cử ở miền Nam cũng phỏng theo lối thi cử của Pháp. Thi trung Học Đệ Nhất Cấp, Thành Chung hay Tú Tài đều có hai phần: thi viết và thi vấn đáp. Khác với kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài Việt, thí sinh thi bằng Thành Chung đều làm bài và thi vấn đáp bằng tiếng Pháp ngoại trừ môn chánh tả và luận văn bằng tiếng Việt trong phần thi viết. Kỳ thi Thành Chung cuối củng được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1955. Về sau thi vấn đáp bị bãi bỏ. Khi chiến tranh gia tăng cường độ và điều kiện theo học trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức gia tăng, học sinh vào lứa tuổi quân dịch rất căng thẳng trong các kỳ thi Tú Tài. Nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra ở các trường thi hàng năm. Năm 1974 việc thi cử được sửa đổi. Thí sinh bắt đầu thi theo lối trắc nghiệm áp dụng ở các học đường Hoa Kỳ. Nhiều rắc rối kỹ thuật dẫn đến sự khiếu nại của đông đảo thí sinh khiến cho tỷ lệ người đậu vượt xa sự tưởng tượng của mọi người. Đó là năm thi Tú Tài cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Học sinh luyện thi tú Tài Pháp chọn ban sau khi đậu Tú Tài I. Học sinh chương trình Việt chọn ban từ năm đệ tam (lớp 10). Tú Tài II Việt Nam gồm có: ban A (Vạn Vật), ban B (Toán), ban C (Triết – Sinh ngữ). Vào cuối thập niên 1960 có nhiều học sinh người Việt gốc Hoa lấy bằng Tú Tài II ban Cổ Ngữ (chữ Hán).

Huỳnh Minh Đức, một người Việt gốc Hoa sinh ở Long Thành, tỉnh Biên Hòa, có bằng Cao Trung trước khi đậu Tú Tài Việt Nam ban Cổ Ngữ. Vào Đại Học Văn Khoa ông thành công rực rỡ với khả năng Hán Văn của ông. Ông được chọn làm giảng viên Hán Văn cho trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau năm 1975 ông dịch Nội Kinh, Tố Vấn ra Việt ngữ. Các nhà nho Việt Nam học chữ Hán nhưng phát âm bằng tiếng Việt và chỉ giao thiệp với người Trung Hoa bằng bút đàm mà thôi. Huỳnh Minh Đức nói được tiếng Quảng Đông (cantonese) và quan thoại (mandarin).

Việc học đại học ở miền Nam sau năm 1954 tương đối dễ dàng vì có nhiều trường Đại Học được thành lập ở Sài Gòn (Viện Đại Học Sài Gòn, Trung tâm Kỹ Thuật Phú Thọ), Huế, Đà Lạt, Thủ Đức, Cần Thơ, Nha Trang, Định Tường. Ngoài các Đại Học công lập còn có nhiều Đại Học tư thục như Đại Học Minh Đức, Đại Học Chánh Trị Kinh Doanh và Quản Trị Xí Nghiệp, Đại Học Vạn Hạnh (Phật Giáo), Đại Học Cao Đài (Tây Ninh), Đại Học Hòa Hảo (An Giang) v.v… Ảnh hưởng của giáo dục Hoa Kỳ được tìm thấy ở các trường Trung Học Tổng Hợp, Đại Học Y Khoa, Đại Học Nha Khoa, Đại Học Chánh Trị Kinh Doanh và Quản Trị Xí Nghiệp, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức.

Thời gian học ở miền Nam sau năm 1954 đại lược như sau:

Tiểu Học: 05 năm
Trung Học: 07 năm
Cử Nhân Luật: 03 năm sau chuyển sang chế độ 04 năm
Cử Nhân Văn Chương: 03 – 04 năm
Cử Nhân Khoa Học: 03 – 04 năm
Bác Sĩ Y Khoa: 07 năm
Dược Khoa: 05 năm
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh: 03 năm sau chuyển sang chế độ 04 năm
Cao Học Hành Chánh: 02 năm sau khi trúng truyển
Đại Học Sư Phạm: 03 năm sau chuyển sang chế độ 04 năm
Các loại Kỹ Sư: 03 năm sau chuyển sang chế độ 04 năm

 

***

Giáo dục thời quân chủ tạo ra những nhà nho tôn thờ chánh danh, định phận, tôn quân quyền, những nhà thơ đề cao chữ NHÀN khi về hưu hay lúc mất quyền hành và những người quân tử lưu danh muôn thuở với lòng trung quân ái quốc và ý niệm trung thần bất sự nhị quân. Sự sụp đổ của một triều đại được xem như vong quốc nạn như bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) đã viết khi đi qua Đèo Ngang trên đường vào Huế:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc…

Giáo dục thời Pháp thuộc nhằm đào tạo những người thừa hành tốt mà không cần phải học nhiều. Người đô hộ ý thức rằng thuộc cấp có học vị rất khó điều khiển. Vào thế kỷ 20 nước ta có nhiều nhân vật nổi tiếng trong chánh giới hay văn giới nhưng không tốt nghiệp trường đại học nào cả thậm chí có người chỉ có bằng Thành Chung nhưng nói và viết tiếng Pháp rất trôi chảy và bóng bẩy và có khả năng đảm nhận những chức vụ quan trọng trong chánh quyền. Xuyên qua những hình ảnh nầy ta mới thấy tính nhồi sọ của nền giáo dục thuộc địa nhằm làm cho người học thán phục sứ mạng khai hóa (mission civilisatrice) của Pháp ở thuộc địa và sợ sệt sức mạnh cơ giaới và kỹ thuật của học như nhà nho họ Tôn đã viết vào hậu bán thế kỷ 19:

Miệng cọp hàm rồng đâu dễ chọc.
Khuyên đàn con trẻ chớ thài lai.

Giáo dục ở miền Nam sau năm 1954 là bản sao của nền giáo dục thời Pháp thuộc. Nó thiếu sáng tạo và dĩ nhiên không nhằm vào việc đào tạp một mẫu người nào rõ rệt trong hoàn cảnh chánh trị mới. Ngay cả những người có thẩm quyền khai sinh ra nó cũng không tin tưởng nó nên không bao giờ cho con cái mình học trường Việt Nam mà tìm mọi cách đưa con cái mình học trường Pháp nổi tiếng trong nước hoặc cho con du học ở ngoại quốc.

Giáo dục xã hộì chủ nghĩa phảng phất nền giáo dục thời quân chủ. Nó nhằm đào tạo con người xã hội chủ nghĩa trung với đảng và xả thân cho lãnh tụ. Hướng giáo dục nầy được minh định và tóm lược trong câu thơ của Tố Hữu:

Thầy không theo đảng, em không theo thầy.

Mẫu người xã hội chủ nghĩa nầy gắn liền chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội khi chấp nhận yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Giáo dục xã hội chủ nghĩa loại bỏ rất nhiều thành phần xã hội. Đó là một thiệt thòi to tát cho sự phát triển quốc gia.

Trong chừng mực nào đó giáo dục thời quân chủ có ưu điểm riêng của nó. Nó mở cửa cho mọi người bất luận tuổi tác và giai từng xã hội miễn là có khả năng thực sự để vượt qua các kỳ thi tam trường. Phan Thanh Giản xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Bến Tre. Ông đậu tiến sĩ và trở thành một nhân vật quan trọng vào thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn. Nguyễn Văn Tường xuất thân từ một gia đình tầm thường ở Quảng Trị. Ông đậu cử nhân và được triều đình tuyển dụng ra làm quan. Năm 1883 ông là một nhiếp chánh lộng quyền đã cùng Tôn Thất Thuyết hạ ngục và bỏ đói vua Dục Đức đến chết khi nhà vua mới lên ngôi 3 ngày.

Chánh quyền thuộc địa Pháp có hạn chế giáo dục ở thuộc địa. Tuy vậy Tạ Thu Thâu, Ngưyễn Văn Tạo, Lê Văn Thới, Lê Văn Thà, Nguyễn Văn Bông… vẫn học đại học ở Pháp mặc dù các vị ấy không xuất thân từ những gia đình giào có hay quyền thế. Ít nhiều cách mạng 1789 cũng tạo nguồn cảm hứng cách mạng cho các nhà trí thức Tây học Việt Nam.

Nhìn chung các chế độ chánh trị ở nước ta luôn luôn hành chánh hóa chánh trị hóa người trí thức hơn là dùng tài năng của họ đẻ phát triển quê hương.

Nếu giáo dục chỉ đào luyện ra những mẫu người:

Ăn trên ngồi trước.
Ngồi nhà mát ăn bát vàng
Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi.

với ý niệm:

Võng anh đi trước, võng nàng theo sau

Chẳng ham ruộng cả ao liền
Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ.

Một người làm quan cả họ được nhờ.

Con quan thì lại làm quan.

Con Rồng thỉ đẻ ra rồng
Liu điu thì đẻ ra loài liu điu.

trong một xã hội:

Làm nhiều thì đói; nói nhiều thì no
Khéo bò thì sướng.

thì giáo dục không thể góp phần vào việc xây dựng một quê hương tiến bộ và hưng thịnh được.

Bismarck đã biến một nước Đức 39 bang trong đế quốc Áo thành một nước Đức thống nhất và độc lập. Ông đã biến một nước Đức nông nghiệp thành một quốc gia có kỹ nghệ vượt cả Anh và Pháp, hai quốc gia có truyền thống kỹ nghệ lâu đời ở Tây Âu. Nước Đức hưng vượng nhờ nhiệt tâm của Bismarck cũng như sự thấu hiểu của ông về động cơ dẫn đến sự hưng thịnh quốc gia. Đó là sự nâng đỡ, khuyến khích và đào tạo kỹ thuật gia (7) về phẩm cũng như về lượng.

Sau đệ nhị thế chiến nước Đức bị qua phân. Tây Đức bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng họ phục hưng kinh tế và kỹ nghệ nhanh chóng nhờ nhiệt tâm và óc thực tiễn và sáng suốt của thủ tướng Konrad Adenauer và tổng trưởng bộ Kinh Tế Ludwig Erhard, người được xem như có chiếc đũa thần kinh tế kỳ diệu.

Từ khi tiếp xúc với giáo dục Pháp học sinh Việt Nam học toán, vật lý, hóa học và vạn vật học. Chịu ảnh hưởng của giáo dục Pháp, giáo sư và học sinh Việt Nam đặc biệt chú trọng đến toán học. Người giỏi toán là người đỗ đạt dễ dàng trong các kỳ thi vì toán có hệ số rất cao. Toán học rất cần thiết nhưng chưa đủ. Sự vận dụng kiến thức và lýluận vật lý và hóa học vào thực tế mới thực sự giúp đất nước thay đổi sác diện cằn cỗi của nò. Người giỏi về vật lý và hóa học luôn luôn giỏi về toán học. Nhưng định luật đảo chưa hẳn đã đúng. Nhà vật lý hay hóa học có thể có nhiều phát minh hữu ích cho sự phát triển đất nước. Sống trong một quốc gia nghèo và luôn luôn cảnh giác về vấn đề an ninh học sinh học hóa học và vật lý mô tả nhiều hơn là thí nghiệm và thực nghiệm. Đó là một nhược điểm vô cùng nghiêm trọng vô hiệu hóa tầm quan trọng và sự hữu ích của hai bộ môn nầy.

Sinh ngữ đóng một vai trò đặc biệt trong việc học hỏi và cập nhật hóa sự phát triển khoa học kỹ thuật trên thế giới trên mọi địa hạt. Phần lớn những phát minh mới đều xuất phát từ các nước Âu-Mỹ và Nhật. Tên của những vật phát minh là tên ngoại quốc. Công ty Xerox dùng tên công ty để đặt tên cho chiếc máy do công ty nầy sản xuất. Từ đó có luôn động từ Xerox! Thật gian nan khi đi tìm một danh từ hay động từ Việt – Hán thích hợp để dịch chữ Xerox. Khoa học kỹ thuật phát triển ở Anh vào cuối thế kỷ 18. Vào thế kỷ 19 đế quốc Anh bao trùm khắp năm châu. Anh quốc là một cường quốc kinh tế, kỹ nghệ và thương mại. Hoa Kỳ là một siêu cường quốc kinh tế và kỹ nghệ vào thế kỷ 20. Úc, Tân Tây Lan, Canada đều là những nước nói tiếng Anh. Dù không đông dân nhưng những nước nầy có một nền kinh tế phồn vinh. Dân chúng có một đời sống sung mãn. Hầu hết các giải thưởng nobel về khoa học đều do các nhà bác học Hoa Kỳ và Anh nắm giữ. Dù muốn dù không tất cả các quốc gia trên thế giới như mặc nhiên chấp nhận tiếng Anh là một phương tiện truyền thông giữa các dân tộc mà không cảm thấy quốc thể bị xúc phạm. Các đồ vật do Nhật, Đức, Ý, Pháp, Bỉ, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… sản xuất đều có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh hay ít ra cũng có giòng chữ MADE IN… Không thể chối bỏ tầm quan trọng và sự cần thiết của sinh ngữ nếu muốn học hỏi và góp mặt với cộng đồng nhân loại trên thế giới.

Sự phát triển đát nước cần nhiều bàn tay và khối óc mới nhanh chóng và kiến hiệu. Một nền giáo dục dân chủ (8), cởi mở, độc lập và khách quan sẽ giúp cho đất nước có nhiều khối óc và bàn tay xây dựng.

Đó là một vài ýkiến thô thiển nhưng chân thành xuất phát từ tâm não của người viết bài nầy. Dù sống xa quê hương gốc cũng như đã mang quốc tịch của một quốc gia khác, tác giả bài viết nầy vẫn mơ ước thấy cảnh bình minh trên cố quốc.

 

Phạm Đình Lân, F.B.B.I.

 

_________

Chú thích:

(1) Lục bộ gồm: bộ Lại (Nội Vụ), bộ Binh (Quốc Phòng), bộ Hình (Tư Pháp), bộ Công (Công Chánh), bộ Hộ (Tài Chánh), bộ Lễ (Tôn Giáo, Giáo Dục và Ngoại Giao).

(2) Cao Bá Quát và Nguyễn Hữu Độ là giáo thọ. Năm 1854 Cao Bá Quát gia nhập cuộc nổi loạn của Lê Duy Cự, một tôn thất nhà Lê, và bị xử chém. Nguyễn Hữu Độ sau nầy là Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ và Nhiếp Chánh. Chính ông đề nghị người Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế ra Tân Sở, tỉnh Quảng Trị. Vua Đồng Khánh là anh ruột của vua Hàm Nghi và là ông nội của vua Bảo Đại.

(3) Người thi đậu bảng phụ trong kỳ thi Hội. Phó bảng được xem như tiến sĩ đệ tam cấp của Pháp vậy (docteur du 3ème cycle). Phan Chu Trinh và Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) là Phó Bảng.

(4) Tên của một tổng trưởng bộ hải quân Pháp chủ trương đánh chiếm Nam Kỳ vào thế kỷ 19 dưới triều hoàng đế Napoléon III. Sau năm 1954 trường nầy mang tên Jean Jacques Rousseau. Đó là trường Lê Quí Đôn sau nầy.

(5) Đừng nhầm chữ collège của Pháp với chữ college của Anh. Collège của Pháp là trường trung học đệ nhất cấp (cấp 2). Trước kia trường Gia Long là một collège. Sau khi học xong năm thứ tư nữ sinh muốn tiếp tục việc học hành phải dự cuộc thi tuyển vào classe de seconde ở trường nam Truong Học Pétrus Ký.

(6) Học sinh Trung học phải ăn mặc chỉnh tề. Áo quần phải sạch sẽ gọn gàng. Chân phải mang giày hay guốc vong chớ không đi chân đất như học sinh Tiểu học. Học sinh Tiểu Học dùng cạt-táp (cartable) bằng da bò và xài bút máy Shaeffer. Nhiều học sinh Tiểu Học nghèo đến nỗi không có tiền mua mực phải chấm mực của bạn bè trong lớp. Đôi khi mới viết phân nửa bài chánh tả thì bạn bè đổi ý không cho chấm mực đành phải chịu 0 điểm.

(7) Thang xã hội Sĩ, Nông, Công, Thương vẫn còn giá trị ở nước ta. Người ta chỉ cho con cái học kỹ thuật vì không thể học văn hóa mà thôi. Quan niệm nầy hạn chế sự phát triển kỹ thuật ở nước ta.

(8) Có dân chủ mới có nhiều ý kiến và sáng kiến. Có nhiệt tâm với đất nước mới có sự yêu thích và trọng dụng hiền tài. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mạnh dạn trọng dụng Phạm Ngũ Lão, một người đan sọt, và Yết Kiêu, một người thợ lặn. Cả hai đều đi vào lịch sử. Hoàng đế Quang Trung viết thơ cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp nhiều lần chỉ vì muốn có hiền tài để kiến quốc. Vị hoàng đế xuất thân binh nghiệp nầy không dùng quyền uy để trấn áp hay danh lợi để lôi cuốn và hủ hóa hiền tài mà dùng sự khiêm tốn và kiên nhẫn của mình để cảm hóa họ.

Ngay từ lúc còn trẻ Von Braun đã làm ra một hỏa tiển bằng phương tiện nghèo nàn của mình. Ông đã phóng trái hỏa tiễn nầy lên 1000 thước cách mặt đất. Nếu lúc bấy giờ chánh quyền địa phương ở Đức bắt nhốt ông về tội oa trữ hóa chất, dây điện và sản xuất võ khí chống lại chánh phủ thì nhân loại không bao giờ biết đến tên ông. Nhà độc tài Hitler trọng dụng ông. Ông là cha đẻ của hỏa tiễn V-2 tàn phá nhiều thành phố của Anh trong đệ nhị thế chiến. Đệ nhị thế chiến chấm dứt, ông được Hoa Kỳ trọng dụng. Ông là người khai sáng kỷ nguyên vệ tinh cho Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ đưa ông ra tòa án về tội phục vụ cho chế độ Đức Quốc Xã hay kỳ thị ông là người Đức thì năm 1958 chưa hẳn Hoa Kỳ có vệ tinh nhân tạo phóng vào không gian để cạnh tranh với vệ tinh Sputnik của Liên Sô. Đó là cách sử dụng hiền tài một cách khôn ngoan, linh động và nhân hậu của Hoa Kỳ vậy.

 

 


Cái Đình - 2008 .