Đào Quốc Bảo


Giấc Hương Quan

Qua khỏi làng Xuân Đỗ được một thôi đường, chiếc taxi Suzuki nhỏ nhắn mầu trắng đậu nép vào vệ đê, ngay trước một ngôi đình. Bác tài điển trai, xinh xắn như chiếc xe, nhanh nhẹn thông báo:

– Thưa bác, làng Thổ Khối đây rồi ạ!

Cô Mùi, cô em út duy nhất của bác Sửu hiện sinh sống tại Hà Nội bằng nghề buôn bán đồ gốm Bát Tràng cho du khách, còn đang dặn dò tài xế để neo xe thì bác Sửu đã lững thững tiến đến cổng đình, thả tầm mắt quan sát toàn diện khu đình làng, rồi lẳng lặng bước vào tam quan: Từ ngôi đình đến sân đình và giếng nước đã được tu bổ sửa sang sạch sẽ, khang trang, mỹ thuật. Tất cả hình như được nới rộng ra, giếng nước được xây bờ và đổi từ hình bầu dục sang hình bán nguyệt… Bác Sửu lẩm bẩm một mình: Chỉ thiếu cây đa cổ thụ ngày nào!

– Anh đang tìm cây đa đầu làng phải không? Cô Mùi vừa đến bên bác Sửu vừa hỏi. Ông anh, nổi tiếng về sự luyến làng luyến quê, đầy tính hoài cổ, nói với cô út:

– Không những anh thắc mắc về cây đa đầu làng mà còn đang lục lại trong trí nhớ những tấm ảnh đình làng ngày xưa. Ngày trước, đình làng ta rêu phong cổ kính và hẹp hơn hiện tại, giếng nước làng hình bầu dục nằm kề bên cây đa bóng cả, rợp mát sân đình.

– Em thật không để ý những những chi tiết đó. Có thể nói là quá tệ phải không anh? Người làng mà chẳng biết những diễn biến, những đổi thay của làng mình!

– Nào đâu phải lỗi ở cô, chỉ tại lúc đó cô còn quá bé bỏng, lớn lên, bận chồng, bận con, bận lo sinh kế, không có dịp tra cứu tìm hiểu về làng ta mà thôi. Tôi kể sơ cho cô một vài nét tiêu biểu của làng Thổ Khối nhé.

Làng ta thuộc tổng Cự Linh , phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nằm ở tả ngạn sông Hồng về phía đồng và chạy dọc theo con đê đúng một cây số, đầu làng là cây số 72 và cuối làng là cây số 73, bề rộng chỉ có 800 thước, phía Đông giáp đồng làng Ngô Thôn, làng Xuân Đỗ, phía Tây giáp đê sông Hồng hay còn gọi là đê Đại Hạ, phía Nam giáp làng Đông Dư Thượng, phía Bắc cũng giáp đê sông Hồng và đồng làng Ngô Thôn.

Về phía Đông và phía Đông Nam, làng Thổ Khối có đắp thêm một quai đê, chỉ cao độ 3 thước nhưng cũng đủ để ngăn chặn lũ lụt từ vùng lân cận tràn về, làm hư hại hoa mầu của dân làng. Gia cư ở trên những vùng đất thấp hơn mặt đê 5 thước, nóc nhà trong làng cao chỉ ngang mặt đê Đại Hạ.

Làng ta ở phía hữu ngạn, chỉ cách Hà Nội có 3 cây số đường chim bay. Đứng trên đê nhìn về hướng Bắc, ta nhìn thấy được cầu Long Biên. Ngày ấy, đi đường bộ 6 cây số thì tới đầu cầu Gia Lâm và 8 cây số thì tới Hà Nội. Chẳng biết ngày nay có thay đổi gì không.

– Tài liệu có nói về nguồn gốc làng mình không ạ? Cô Mùi hỏi ngang.

– Có đấy! Thế nhưng cũng không xác định được thời gian chính xác, có nghĩa là không ai biết rõ làng ta được tạo lập tự bao giờ. Hỏi các cụ sinh vào khoảng 1850 đến 1870 thì các cụ bảo: Lớn lên đã thấy ngôi đình to lớn, ngôi miếu tôn nghiêm, ngôi chùa tịch mịch, nhà Văn Chỉ cổ kính và cây đa cổ thụ to đùng, rễ bò ngổn ngang. Đình thờ lục vị Thành Hoàng trong số 6 vị có một vị mang họ Đào. Tục truyền rằng vị Thành Hoàng họ Đào làm nghề chài lưới. Một hôm nằm mộng được thần gọi đi đón vua. Ông lật đật rong thuyền ra khơi… Quả nhiên, chẳng bao lâu, ngư ông gặp được đoàn tùy tùng hộ giá nhà vua vừa thoát khỏi vòng vây của địch quân. Ông liền rước vua sang thuyền và đưa vào bờ. Vua thoát nạn, bèn phong cho ngư phủ họ Đào làm Thành Hoàng. Ngài mời thêm 5 người bạn thân, đều có tài, có đức để cùng nhau góp sức bảo vệ và xây dựng làng. Vì thế, trong chính cung điện thờ có tất cả 6 ỷ thờ. Trong khu vực đình làng còn có lăng Đức Thành Hoàng, miếu thờ Nhị Vị Đức Bà (2 em gái của Đức Thành Hoàng ), Nhà Văn Chỉ thờ Đức Khổng Tử… Thấy ngôi đình lại trạnh nhớ tới cây đa...”

Bác Sửu và cô Mùi đang im lặng hình dung lại cây đa dốc đình ngày trước, thân to hàng mấy người ôm không xuể, rễ cuồn cuộn bò ngổn ngang dưới mặt đất, có những rễ thòng từ trên cành đa cao găm sâu vào lòng đất… Cũng từ cây đa dốc đình cùng với những chiếc bình vôi lăn lóc dưới gốc đa đã đẻ ra những mẩu chuyện hoang đường về ma quỷ, làm hoang mang mê hoặc dân làng. Bây giờ thì hết cả bóng đa, bóng đề, chỉ có cây gạo và cây ăn trái…

Hai anh em lại thay nhau nhắc lại những ngày khai hội, những ngày vào đám với những đám rước, đám tế, đám hát chèo hay hát quan họ, đánh cờ người...Nhưng sân đình vẫn vắng lặng, cảnh đấy mà người đâu tá? Hoàn cảnh này giống y như Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ!

Im lặng hồi lâu, cô Mùi nắm cánh tay bác Sửu như để đánh thức bác qua cơn mê:

– Anh em mình vào thăm làng nghe anh?

– Phải đấy! Ta đi thôi! Bác Sửu trả lời ngắn gọn, trên khuôn mặt còn phảng phất nét bùi ngùi, xa xăm. Hai người rảo bước trên đường đê để rồi dừng lại ở đầu con dốc gạch, dõi mắt nhìn xuống chiếc cổng làng đứng trơ trọi, đơn độc dưới chân đê.

Xa cách quê hương đã hơn năm chục năm, nay mới có dịp trở về với biết bao đổi thay, bác chỉ còn nhận ra làng Thổ Khối bằng con dốc gạch và chiếc cổng làng. Thường thì làng xóm miền Bắc đều có lũy tre bao bọc. Riêng Thổ Khối, theo truyền thống, không hề có lũy tre xanh. Quan niệm của người làng ta là không muốn suốt đời ru rú sau lũy tre, mà phải thoát ly ra ngoài để học hỏi, để tiến thân. Một điều đáng quý là: Cho dù buôn bán làm ăn ở tứ phương, người làng mình vẫn nhớ ngày để trở về làng quê như giỗ chạp, đình đám.

Chiếc cổng làng được xây bằng gạch thẻ, vách tô vôi trắng nhưng đã ngả mầu thời gian, xám tro, loang lổ, có một lối ra vào hình cánh cung dựa vào 4 cột trụ vuông vững chãi, 2 con lân chế ngự đôi cột lớn, như ôm lấy tấm phù điêu trạm rồng, có mái che. Trên khung cửa tò vò có khắc một bức hoành phi với 4 chữ đại tự: “ Lý Nhân Vị Mỹ” ý rằng: người làng yêu cái đẹp. Phải chăng đây là cái quan niệm nhân sinh của dân làng?

Con dốc gạch rộng khoảng 2 thước chiều ngang từ trên mặt đê dẫn xuống cổng làng được xây thành nấc thang bằng gạch Bát Tràng rất chắc chắn. Để được quan sát cổng làng gần hơn, bác Sửu lần bước đi xuống dốc. Cô Mùi giữ đúng vai trò một hướng dẫn viên du lịch, bước theo bác từng bậc, từng bậc...

Cô hỏi ông anh như thăm dò:

– Mình vào làng chơi đi anh!

Bác Sửu quay lại phân trần với cô em gái:

– Đúng lý ra, về thăm làng thì phải vào lễ đình lễ chùa, thăm nhà thờ họ, đi thăm bà con nội ngoại chứ. Nhưng khổ nỗi, mình xa quê hương hàng nửa thế kỷ, liệu còn ai có thể nhìn nhận ra được mình không? Người thăm nom hương khói nhà thờ họ đã mãn phần, dĩ nhiên con cháu họ tiếp nối nhiệm vụ trông coi nhà thờ. Mình với họ hay họ với mình đều chẳng biết nhau. Có gặp nhau, lại phải tự giới thiệu, có khi còn phải tra cứu gia phả mới phân được ngôi chủ khách cơ đấy.

– Nói vậy thôi, chứ thật ra, em hoàn toàn đồng ý với anh. Mình sẽ về làng chơi vào một ngày hội lớn nào đó, chẳng hạn như Tết Nguyên Đán sang năm, anh nghĩ sao?

Bác Sửu chỉ gật đầu, không nói. Cô Mùi tiếp:

– Nghĩ lại từ những ngày xa xưa, khi mẹ còn sống, những lúc ngồi khâu vá, bổ cau, hay têm trầu, mẹ thường hay kể chuyện trong họ, trong làng cho tụi mình nghe. Thét rồi anh em mình thuộc hết những giai thoại, những câu chuyện, thuộc luôn cả danh tánh những nhân vật trong họ ngoài làng, nào là bác Ký Tập, bà Cả Lễ, ông Giáo Thịnh, bác Trưởng Úc, đến anh Giáo Ngôi, chị Cả Thoảng, anh Hai Bạo, bác Trưởng Lùn v.v… Vâng, chúng mình chỉ biết tên chứ không biết mặt. Giờ đây thì các vị ấy đã “hai năm mươi” từ lâu, con cháu thì chẳng nhận ra nhau; trong làng thì nhà cửa cứ xây , cứ nâng lên cao tít, làm gì còn chỗ cho vườn cau cao ngất từng xanh, làm gì còn ao cá, hồ sen hay rặng nhãn quen thuộc! Bây giờ anh quyết định ra sao?

– Ta về thành ngay bây giờ để kịp cho cô đi công chuyện, được không? Cô Mùi hóm hỉnh:

– Chứ không phải để cho “cậu ấm” đi dạo Hà Nội ba mươi sáu phố phường hay sao?

Hai anh em cười vui và rảo bước ra xe. Tính “hoài cổ” của ông anh, cô Mùi biết rõ, nhưng lúc này thì nét xúc động bùi ngùi hồi nẫy đã không còn vương đọng trên khuôn mặt bác Sửu nữa…

*

Taxi đã về đến bờ hồ, bác Sửu xuống Lý Thái Tổ, còn cô Mùi tiếp tục đi công chuyện. Bác thả bộ dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm dưới những tàn cây bàng, cây bằng lăng, tới góc chợ Hàng Bè, tìm vào khu phố cổ.

Phố xá nho nhỏ, những chiếc bảng xinh xinh mầu xanh chữ trắng gắn ỡ mỗi đầu đường ghi toàn là tên của những con đường quen thuộc, thân thương, đây Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Chiếu, Hàng Bông, kia Hàng Trống, Hàng Cót với Hàng Gai…Có những căn hộ, những góc phố còn ghi lại nguyên dấu tích của thời Pháp thuộc hay của những thập niên 30 - 50. Dân cư đông đúc, hàng quán san sát, xe cộ qua lại rối mù như mắc cửi. Những âm thanh ồn ào của động cơ, của sinh hoạt đường phố, cộng thêm cái nắng Hạ gay gắt của Hà Thành cũng không làm cho bác Sửu phiền hà, bác cứ mải mê đi trong lòng phố do sự thu hút của những tấm bảng chỉ đường mang tên những con đường trong ký ức và những con đường trong thơ văn thời Tố Tâm, Đoạn Tuyệt được đem ra đối chiếu với địa hình hiện tại, nhắc lại cho bác những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Bác đã tận mắt nhìn thấy trường Albert Sarraut, trường Trưng Vương và Trường Bưởi xây dựng từ thời Pháp Thuộc, còn gọi là École De Protectorat (Trường Bảo Hộ), sau này đổi tên là trường Chu Văn An…

Bác Sửu có vẻ tha thiết với Hà Nội ba mươi sáu phố phường thật đấy! Cũng hợp lý thôi: Quê nội và quê ngoại đều ở Thổ Khối, ông ngoại của bác làm Sở Hỏa Xa cho nên phải rời cư ra Hà Nội. Con cái học hành thành đạt cũng an cư lạc nghiệp tại đấy. Chỉ riêng bà cụ thân sinh của bác, nguyên là chị cả trong gia đình, phải theo ông cụ xuống Hải Phòng vì ông cụ làm kế toán cho xưởng đóng tầu CARIC của người Pháp. Thế là, ngoại trừ chị Cả và anh Hai sinh ra và học hành ở Hà Nội, mấy chị em bác Sửu sinh trưởng ở thành phố cảng, gọi là thành phố hoa phượng nở cho nó thơ mộng. Hà Nội tuy xa mà gần! Bởi lẽ, ngày tư ngày Tết và các ngày hội của làng, gia đình bác Sửu cũng lên Hà Nội, cái nôi thứ hai của đại gia đình, rồi về làng dự hội. Mấy tháng hè, mấy anh em bác lại được về Hà Thành thăm ông bà, về quê câu cá, thả diều…Bác Sửu mê Hà Nội là hợp lý thôi! Nghe người lớn kể lại thì cái nôi thứ hai, còn được gọi là Tổng Hành Dinh của đại gia đình bác được thuyên chuyển đi nhiều nơi trên đất Thăng Long như Ngã Tư Sở, Cát Linh , rồi Quốc Tử Giám, Bùi Viện v.v…

*

Với cái nóng trên 40 độ bách phân, đường phố Hà Nội như muốn chảy nhựa. Chiếc sơ mi cộc tay bác Sửu đang khoác trên người ướt sũng mồ hôi, nhưng rồi lại khô để lát nữa lại ướt. Để hoàn tất phần nào chương trình tìm chút hương xưa, bác đã mấy lần dừng lại ở một quán cóc bên đường uống một cốc chanh quả, ở một nhà hàng có máy điều hòa nhấm nháp một cốc cà phê sữa đá, hoặc ở một gốc cây bàng bên vỉa hè để nốc liền một hơi 2 bát nước chè tươi đặc kẹo vàng óng.

Nhìn đồng hồ: đã một giờ trưa! Bụng đói cồn cào. Tính ra, ly khách lội bộ trong thành phố cổ đã được 3 tiếng rưỡi đồng hồ, mải mê khêu gợi hoài niệm, quên cả “đổ xăng”. Phở nhé? Ồ, ý kiến hay! Đúng tim đen của lão bá đấy! Từ ngày trở lại Hà Thành, đã hơn tuần nay, bác luôn nghĩ đến quà Hà Nội, nghĩ đến Thạch Lam trong “Hà Nội 36 phố phường”, nghĩ đến Nguyễn Tuân trong “ Vang bóng một thời” và một loạt bài về ăn uống, và nhất là nghĩ đến nhà văn Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai” và “Miếng ngon Hà Nội”. Bác tự nhủ là sẽ tranh thủ để khai thác cái kho tàng ẩm thực của Thăng Long, của Đông Đô này. Hễ có giờ, có dịp là bác đòi, bác rủ rê, bác thuyết phục gia đình đưa bác đi ăn quà. Bác đã được thưởng thức các thứ xôi như xôi vò, xôi hoa cau, xôi gấc, xôi lúa (miền Nam gọi là xôi bắp); bánh giò, bánh dầy chả quế, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, bún mọc, cháo lòng, và lại được ăn cả cốm Vòng cơ. Bác đến Hà Nội vào giữa tháng sáu dương lịch, Cứ ra ngoại thành, đâu đâu bác cũng thấy cảnh gặt lúa, chẳng biết giống lúa gì. Thay vì phải quẩy đôi quang thúng với chiếc đòn gánh cong vòng một đầu, một dấu hiệu chỉ cốm làng Vòng, cô bán cốm chỉ cắp một cái rổ có 2 túi nylon cốm với một xấp lá sen và một nắm lạt lúa. Hỏi: Cốm gì thế? Đáp: Cốm Vòng ạ! Nếm thử thấy dẻo, thơm, cộng thêm với sự khao khát từ lâu, bác mua cả rổ cho cô hàng, khoảng gần 2 cân chứ bao nhiêu đâu. Bác thích loại cốm Vòng deo dẻo, nhón cục, bốc bải lai rai để thưởng thức cái mùi thơm ngan ngát của lúa non, của hương đồng cỏ nội.

Bún bung ở gần Lý Thái Tổ: ăn cho biết. Chả cá Lã Vọng (khu Ngọc Toét trước) ướt sũng dầu, rau thìa là nhiều cọng già, cà cuống hóa học quá nặng mùi dầu chuối: Không hấp dẫn như người ta đồn. Ốc hấp nấm hương lá gừng, ốc hấp thuốc bắc ở Quảng Bá: ăn được. Bún ốc ở Hàng Bè: chưa đúng điệu nhưng ăn cho đỡ nhớ. Bún ốc nguội ở Ô Quan Chưởng thì “su pơ”: có truyền thống lâu đời và ngon. Một chén ốc bươu nguội đã bỏ vỏ, một bát nước dùng nóng, một đĩa rau sống và một đĩa bún đồng tiền, tất cả ăn kèm với một chút ớt xào đặc biệt của bà hàng, cay xuýt xoa: thế mới khoái khẩu. Nghe nói quán bún ốc Ô Quan Chưởng này đã được phỏng vấn quay phim một đôi lần. Ăn lợn Mường ở Hà Đông lạ miệng và ngon đáo để! Bánh tôm Hồ Tây: ăn để chống đói hơn là ăn cho khoái khẩu. Ngày xa xưa, bánh tôm Mụ Béo nổi tiếng là ngon nhất Hà Nội: chiếc khuôn múc bột trộn lẫn những sợi khoai lang, tô điểm vài ba con tôm được thả ngập trong chảo dầu… Chỉ một thoáng, chiếc bánh nổi lên vàng óng, đôi ba nhát kéo, bốn năm chiếc bánh, ta đã có một đĩa tú hụ, đĩa rau, chén dưa góp và chén nước chấm được bầy lên mẹt bưng ra mời. Khách thử một miếng, hai miếng… rồi gọi thêm vì bánh cứ thơm phức, ngầy ngậy, ròn tan. Rất tiếc, bánh tôm Hồ Tây ngày nay đã cải tiến, không cần cho khoai lang, cắn miếng bánh mềm xèo những bột! Vậy mà khách ra vào tấp nập, phần đông là thanh thiếu niên, nhi đồng. Chủ nhân cứ mũ ni che tai mà hốt bạc dài dài.

Nói về phở, bác Sửu là một chuyên gia, một chuyên gia cả về nấu phở lẫn ăn phở, cho nên việc lượng giá một bát phở ngon hay dở của bác rất được tin tưởng của những người mê phở và có tâm hồn ăn uống. Mới hơn một tuần mà bác, vốn có chân trong “Hàn Lâm Viện Phở Bắc Kỳ”, đã lùng và khảo sát được một vài địa điểm trong lòng phố Hà Nội. Mới qua đêm thứ nhất ở Hà Nội, sáng ra, thắng bộ xuống đường, đã được cô em cho ăn phở “không tên” ngay trên vỉa hè Hàng Khay, nhìn qua đường là bờ hồ đang nhộn nhịp khí công. Nói phở không tên là bởi vì cô chủ không có hàng quán, không có xe và cũng không có gánh. Cô chỉ có một cái soong nhôm đựng nước dùng đặt trên lò ga lưu động ở đầu lối đi rộng khoảng 80 phân, khi có xe gắn máy ra hay vào thì cô phở không tên lại phải di tản chiến thuật. Gọi phở xong, khách tự lấy đũa, tìm cái ghế đẩu nhựa ngồi chờ. Hình như thực khách không được ỏe ọe đòi thịt này thịt nọ vì chỉ có 2 thứ tái chín mà thôi. Phở được bưng ra thì khách đỡ lấy trên tay mà ăn. Nước dùng không thơm mùi phở, lèo tèo thịt tái, thịt chín thái nhỏ, lưa thưa trên mặt vài ba cọng hành lá xé tơi, không có rau thơm, nước dùng ngọt nhạt, ta có thể gọi đây là bánh phở chan canh thịt bò. Cả nhà quây xung quanh gốc cây xì xụp cho xong bữa để còn đi chơi Chùa Hương. Với bát phở xoàng và không tên này, bác Sửu hy vọng có thể hình dung ra anh Phở Xứt ngày xưa ở ngay trên phố Hàng Khay này và đã được nổi tiếng cùng thời với anh Phở Tráng ở Hàng Than.

Nhưng phở số 10 Nguyễn Du có hàng quán và bàn ghế đàng hoàng, thịt có vài loại nhưng chưa phải tiêu chuẩn, nước dùng không bay mùi phở. Đi ăn phở, người ta cần phải nắm định luật quan trọng: Vào hàng phở mà không ngửi thấy mùi phở thì không phải phở. Một hiện tượng rất lạ lùng: trên mỗi bàn đều có bầy một đĩa dầu chá quẩy mi ni, ở Hà thành gọi là Quẩy. Thì ra có nhiều thực khách ăn phở mà “đưa cay” bằng dầu chá quẩy, một thứ bánh của người Tầu dùng để ăn chung với cháo huyết, cháo lòng. Gần cả đời người đi ăn phở, từ Bắc chí Nam, từ Âu sang Mỹ, bác Sửu chưa từng thấy ai ăn phở với “quẩy” cả. Lại thêm một sự cải tiến!

Lên khu nhà thờ lớn phải đi qua đường Nhà Chung, số 40 lại có một hàng phở, khang trang, sạch sẽ, khá đông khách. Bác Sửu lại vào ăn thử. Mùi vị nước dùng nhạt nhưng có mùi phở Bắc phớt nhẹ. Lại một vài thực khách ăn quẩy để chờ phở ra.

Cuối cùng thì bác Sửu cũng được thổ công Hà Nội dẫn đi ăn phở Gia Truyền ở 49 Bát Đàn khiến cho bác thỏa mãn phần nào. Thực khách thật là đông, họ đang nối đuôi sắp hàng trả tiền rồi tự bưng phở ra bàn. Xe gắn máy sắp một hàng dài. Trên mặt quầy, các loại thịt như chín nạc, chín gân, nạm vè, gầu ròn… rất phân biệt và khêu gợi, được móc treo trên xà ngang, chiếc vung nồi nước dùng mở ra, đậy lại, những làn khói tỏa lên, làm cho những tảng thịt lúc mờ lúc tỏ… Ông chủ có tí ria Cao Kỳ cùng với bà vợ và mấy cậu người làm bu lấy chiếc quầy, đôi tay thoăn thoắt nào đơm, nào bầy, nào chan để kịp phục vụ khách hàng: Thịt đạt đúng yêu cầu, ngon, bánh mỏng nhưng không nát, nước dùng ngọt đậm nhưng mùi phở Bắc cũng còn nhẹ quá, chưa có thể theo kịp phở Hàng Than Hà Nội khoảng 1952, phở Bà Dậu ở Công Lý Sài Gòn vào trước 75. Cũng có nhiều thực khách gọi quẩy ăn thêm! Một sự cải tiến táo bạo nhưng râu ông nọ cằm cầm bà kia, bác Sửu không chấp nhận.

Phở là đặc sản của miền Bắc nói chung, ở Hà Nội, Hải Phòng nói riêng, bác cho rằng thể nào cũng còn nhiều chỗ ngon hơn, chẳng hạn như Phở Thìn hiện nay ở Bờ Hồ, gần ngay nhà cô em của bác, hiềm vì thời gian eo hẹp không cho phép để tiếp tục “du hành khảo sát”. Phở Thìn nguyên là phở gánh bán rong khắp 36 phố phường, cũng khá phổ cập ở Hà Thành từ 1952.

Theo tài liệu lịch sử phở, phở Tráng hay còn gọi là phở Hàng Than, đã nổi tiếng nhất ở Hà Nội thời đó và đã được dân Hà Thành bầu là Vua Phở 1952. Nhà văn Vũ Bằng đã ghi lại trong lịch sử ẩm thực: những hàng phở ngon được người thưởng thức không gọi bằng tên người đứng bán mà gọi bằng tên phố như Phở Sứt thì gọi là Phở Hàng Khay, Phở Tráng thì gọi là Phở Hàng Than. Anh phở Tráng được gắn tước hiệu là Vua phở 1952 thật xứng với danh xưng. Nhưng theo Vũ Bằng, hình thù vóc dáng anh ta trông đến phát nản, người gầy, môi hơi thưỡi, đôi mắt lờ đờ như người chết rồi, lúc nào trông anh cũng như một người vừa mới thăng đồng. Trên đầu lúc nào cũng bịt cái mùi xoa trắng, trông lại càng “thiểu số”. Gánh phở đặt đối diện với trường Hàng Than. Hàng dăm bẩy chục người ăn vây quanh, chật cả hè đường mà anh ta cứ làm như không thấy, cứ thản nhiên thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng…Ai đợi lâu: mặc! Ai phát bẳn: mặc! Ai chửi cũng mặc. Đi ô tô đến ăn cũng thế, mặc áo vải đến ăn cũng thế, các bà các cô xinh đẹp đến ăn cũng thế, anh Tráng không phân biệt hay xếp loại. Dân chủ đấy chứ! Có nhiều bà tức và ghét quá vì anh ta không biết nịnh đầm. Không bao giờ thấy anh mở miệng và nhất là không bao giờ cười. Vũ Bằng viết: “Trông mà lộn ruột, muốn tát cho một cái! Chết một nỗi ghét người thì thế, nhưng đến cái phở của anh ta, muốn ghét, không tài nào ghét được”.

Bác Sửu đã tiết lộ, trong một lần khác đi bát phố, dựa theo tài liệu trên, bác đã đích thân tìm đường đến phố Hàng Than chơi. Bác hỏi thăm đường đến Hàng Cót, rồi từ Hàng Cót, cứ đi thẳng để băng qua ngã tư Hàng Đậu - Phan Đình Phùng, bác lội bộ thêm một lát thì đến Hàng Than, và sự nhận định đầu tiên là dọc theo hai bên hè phố, bác chỉ thấy nhan nhản những cửa hàng bán cốm Vòng, bánh xu xê, bánh cốm… Mệt mỏi từ thể xác đến tinh thần: thể xác rã rời vì bác quá mải mê lê gót khắp nẻo đường tìm lại tuổi thơ, tinh thần mệt mỏi vì kỷ niệm. Tuy thế bác cũng cố gắng đi lên đi xuống và thử quan sát xem gánh phở Tráng có thể đặt ở đâu, anh Tráng bịt khăn trắng đứng chỗ nào… Với tâm hồn ăn uống, với tính hoài cổ, bác Sửu đã hành động rất ngông. Anh Tráng thì đã ra người thiên cổ cũng như ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên, hồn bây giờ ở đâu ai mà biết được, nhưng có thể một chút hương thơm của gánh phở Tráng vẫn còn phảng phất nơi hàng phở Bà Dậu ở Công Lý, nơi phở Tầu Thủy Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn trước 75, và nơi quán phở Bắc Huỳnh ở Võ Tánh Phú Nhuận vào đầu thập niên 80.

*

Ở hải ngoại đã hơn hai chục năm, ngoài những thao thức về sinh kế, về tương lai con cái, bác Sửu luôn luôn nuôi hoài bão là một ngày nào đó, bác thực hiện được giấc mơ về làng. Nay giấc hương quan đã thành sự thật. Chân bước đi trên đường quê, dạo trên khắp phố phường Hà Nội mà lòng bồi hồi vô hạn, Trước những đổi thay cả về thời gian lẫn không gian, bác nhận thấy những cái cổ, cái xưa vẫn còn đầy ắp mọi chốn, mọi nơi. Bác đi trên đường quê hương như bác đi trong kỷ niệm vậy.

 

Đào Quốc Bảo


Cái Đình - 2006