Nguyễn Quyết Thắng


Tình Yêu Bên Bờ Vực Thẳm

Hồi Ký Tết Mậu Thân

 

Những ngày đầu năm 1968, tá túc tại nhà Hoàng Hưng Học ở đường Nguyễn Hoàng, gần Ngã Bẩy Chợ Lớn, là con trai đầu lòng của ông Hoàng Kiến Dân, chủ một xưởng cưa gỗ tại Banmêthuột. Tôi với Hoàng Hưng Học ngược tính nhau hoàn toàn, Học trầm tính bao nhiêu thì tôi hoạt tính bấy nhiêu, chúng tôi rất ít nói đến những sở thích riêng tư, việc học hành hay những mơ ước cho tương lai, ngoại trừ cùng ngồi  bên nhau thưởng thức hương vị càphê thơm ngát, ca tụng những làn khói thuốc Philip Morris có đầu lọc bằng than ngon tuyệt vời, thuốc  Kool tươi mát, vị Pall Mall ngọt ngào, kể cho nhau nghe về những món ăn hấp dẫn và những cuốn phim hay trữ tình v.v... dạo ấy Học còn đang ngồi trên ghế của trường La San Taberd Sàigòn, nơi có đôi lần tôi ôm đàn đứng trên giảng đường hát nhạc du ca. Còn tôi hiện tại, ban ngày đến trường học văn hóa, buổi tối học văn nghệ, niềm mong muốn của tôi là sẽ trở thành một vị giáo sư trong tương lai, nên thi vào trường sư phạm, cạnh đó là một nghề tay trái cho sở thích văn nghệ là làm đạo diễn kịch ảnh, phim trường, nên nhẩy vào Quốc Gia Âm Nhạc, mỗi lần đến lớp kịch nghệ sớm, tôi đều ghé ngang lớp dân ca nghe ban Hoa Sim hòa tấu đàn tranh, có Phương Oanh, Quỳnh Hạnh và Thúy Hoan hướng dẫn, còn mỗi chiều Chủ nhật thì không quên đến sinh hoạt với các toán Du ca tại Sài Gòn.

Kỷ niệm một buổi tối tại nhà Học, căn phòng khá rộng kê 4 chiêc giường làm phòng ngủ cho một lũ con trai, nhưng hiện tại chỉ có tôi và Học xử dụng, còn các em của Học đã về Banmêthuột. Học nằm phía trong cùng xem phim trên màn ảnh truyền hình trước mặt, còn tôi ngồi phía ngoài, nhìn qua cửa sổ xuống đường, nơi tấp nập của bến xe khách đi miền Tây, sự yên lặng trên đường phố chỉ trong thời gian thật ngắn vào lúc nửa đêm, rồi lại ồn ào lúc tờ mờ sáng. Ngồi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ các em, nhớ các bạn và các đoàn viên Du Ca Banmê, không biết tất cả giờ ra sao? Có khỏe không? Kể từ khi chia tay để về đây đi học và tìm một hướng đi cho tương lai của mình, cũng nơi căn phòng này, tôi đã viết lên bản nhạc dành cho quê hương đau thương:

"- Tôi gọi tiếng Việt Nam, Đây quê hương hiền hòa,
Ngạo nghễ giữa trời đông, Vang danh con lạc hồng,
Biết nói tình núi sông, Nhược tiểu hỡi da vàng...."

(Gọi Tên Đất Mẹ )

Sau những thao thức về thân phận của bản thân và gia đình, đã phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn Hànội xa xôi, dắt díu nhau vào Nam, rày đây mai đó tìm một chốn yên bình dung thân, nhớ đến mảnh đất Banmê bụi đỏ mù trời, những cơn mưa dầm lầy lội không dứt, mỗi khi ra đường trở về, đất bùn đóng chặt dưới đế giầy, dưới guốc dép, phải dùng dao chẻ củi chặt, nậy ra. Nhớ những cơn mưa phùn hanh lạnh, ngồi dưới mái hiên tận hưởng những làn gió mát của sương mù, mộng mơ mông lung của tuổi  mới lớn, thêu dệt những ước mơ thanh bình qua những đêm kích pháo, chưa biết hận thù, và cũng không hiểu chiến tranh. Người ta vừa bỏ công tạo dựng  xong chiếc cầu qua sông, mọi người vui mừng từ nay không phải chèo đò lội suối nữa, thì ngay hôm sau bị giựt sập xuống, hạnh phúc là thứ xa xỉ phẩm? Chỉ còn lại tủi nhục và đau khổ triền miên. Chúng tôi, tuổi từ 15 - 17  kêu gọi nhau tập làm người lớn, tự tạo cho mình một trách nhiệm, một nghĩa vụ thiêng liêng, cùng hè nhau đốn gỗ khiêng cây, kết bè làm cầu giúp người, bằng chính bàn tay yếu đuối của mình, bằng tiếng hát chân tình kêu gọi lòng yêu thương đồng loại, thoát ra từ trái tim non nớt không ai dậy bảo. Tôi nhớ và tôi thương các bạn DuCa Banmê của tôi, ngày chia tay quây quần bên  trái xoài tượng chấm mắm đường, bên trái ổi xá lị thơm to, được cắt ra và chia đồng đều, lời chúc thượng lộ bình an không ngớt, và hẹn một ngày thật gần sẽ quay trở về...Tất cả vẫn bình an chứ nhỉ? đoàn vẫn sinh hoạt đều chứ? còn đoàn Ấu Thiếu Nhi nữa? chắc Tổng cũng khá mệt mỏi khi phải nhận trách nhiệm hướng dẫn 200 em thiếu nhi? Ừ !! Tôi sẽ phải viết thư về thăm hỏi và cổ động tinh thần mọi người mới được! Thường vào mọi Chủ Nhật, chúng tôi đều quây quần bên nhau, họp bàn, tập tành hát ca, hăng say vui vẻ, nay vắng tôi, chắc hẳn mọi người cũng nhớ và tiếc lắm, tôi biết thế!

Thư đã được gởi đi, không quên nhấn mạnh, là thư viết chung cho mọi người đấy! Thế nào cũng sẽ được chuyền tay nhau xem hoặc đọc to cho tất cả cùng nghe trong buổi họp mặt thường lệ. Ở đây, không còn gì ngoài việc chờ đợi một lá thư hồi âm, chờ từng giờ, rồi từng ngày, sự chờ đợi đã làm tăng nỗi nhớ, sự mong mỏi lâu dài làm tâm hồn bất ổn, cả tuần lễ rồi cũng dậm dựt đi qua...

- Có thư của Thắng nè!

Lúc không trông mong, thì đột nhiên nhận được, tôi vồ lấy thư từ tay của Học, lá thư trông cũng khá dầy, tôi lướt qua tên người gởi: Chiến Banmê!

Ngoài sự mong ước của tôi, tôi đang muốn nhận được những lá thư của các bạn trang lứa có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn đoàn du ca, để biết rõ tin tức sinh hoạt hơn. Minh Chiến là cô bé nhỏ nhất đoàn, hát hay, dễ thương nhưng nhút nhát lắm, chỉ biết tuân theo những gì các đàn anh, đàn chị chỉ định mà thôi. Thư viết bằng tờ giấy đôi vở học trò xếp lại theo kiểu chữ X, thảo nào để trong thư thấy dầy lên là phải rồi, mỗi hàng viết vài chữ, chữ này cách chữ kia... "vài cây số" cho đầy trang, tính ra thì cũng đủ 4 trang vở, nội dung thì..."Chỉ có trời mới hiểu", ngoại trừ vài câu làm tôi chú ý: "... anh đi rồi, sinh hoạt rời rạc lắm..." "....đoàn Ấu Thiếu Nhi tan  vỡ rồi, thiếu anh, anh Tổng không điều khiển được..." " không có anh, chắc du ca cũng ngưng sinh hoạt luôn quá ..."

Tôi thất vọng vô cùng, thật tiếc quá. Trước đây tôi đã từng đến trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ xin phép Hiệu Trưởng và  các Thầy Cô để được đến từng lớp dậy cho các em hát những bài ca sinh hoạt Thiếu Nhi, đến từng nhà của các em để xin phép cho các em đi sinh hoạt hàng tuần. Với sự đồng ý và tin tưởng của phụ huynh, mà  tôi đã thành lập được một đoàn Ấu Thiếu Nhi với 200 em đoàn viên. Thành lập đoàn đã khó mà duy trì đoàn quả thật còn khó hơn. Các Du Ca Viên là những huynh trưởng hướng dẫn các em, nay đâu cả rồi? Sao lại để tan rã? Nhiều câu hỏi được tự đặt ra, nhưng chưa được trả lời, tôi lại mở bức thư của Chiến  ra đọc lại lần nữa, rồi thêm vài lần nữa, vẫn chỉ là  thư của Chiến.

Tôi đã đọc lá thư bao nhiêu lần rồi không nhớ rõ, bởi chưa nhận được thêm lá thư ai khác, nên nó trở thành một vật quan trọng duy nhất để thỏa mãn sự mong mỏi âu lo bấy lâu nay, khuôn mặt của Chiến hiện ra trong trí, Chiến và Lộc là 2 cô bé nhỏ tuổi nhất đám, luôn đi sát bên nhau, buổi họp thì ngồi cuối góc thụ động, ít được chú ý, giờ thì khuôn mặt Chiến mỗi lúc một đậm nét hơn. Bức thư tuy ngắn không làm tôi hài lòng, nhưng bức thư như một lời tâm sự an ủi tôi, sự nuối tiếc sinh hoạt của Chiến đã đồng cảm với tôi, hình ảnh Chiến đã trực diện với tôi, niềm thôi thúc khiến tôi muốn trở về gặp lại tất cả  và đặc biết sẽ gặp riêng Chiến, dường như trong tôi đang nhen nhúm một tình yêu khác lạ, tôi nói với Học:

- Ngày mai tớ về Banmê ăn Tết với gia đình.

Học  nói:

- Sớm thế? Còn hơn tuần nữa mới Tết mà? 

Con đường từ Sàigòn về Banmêthuột, xe phải qua Phan Thiết - Nha Trang - Dục Mỹ rồi lên vùng cao nguyên Banmêthuột mất khoảng 700 cây số, không như ngày xưa đi hướng Thủ Đức - Đồng Xoài- Bù Đăng - Quảng Đức - Banmethuột thì chi mất khoảng 365 cây số, con đường này đã bị gián đoạn từ lâu, để thâu ngắn thời gian, tôi mua vé AirVietNam bay cho nhanh.

Về đến nhà thì trời cũng vừa nhá nhem, kể chuyện với mẹ cha về việc học hành và đời sống thường ngày ở SàiGòn, ăn bữa cơm cùng gia đình xong, tôi phóng nhanh xuống con dốc Suối Xanh đến nhà Thị Đầm, toán phó của du ca Banmê, căn nhà nằm ngang bên sườn dốc, con đường đầy bùn lầy, hàn huyên với nhau một chặp thì ra về. Lội ngược lên đầu dốc Lê Văn Duyệt, nơi gốc cây goòng mọc ngoài lề đường, tôi thấy lờ mờ trong bóng tối một đám trẻ con đang đùa giỡn chơi trò "Ú tim" "5-10-15" dưới gốc cây thân đã to bằng hai người ôm, lại gần mới rõ, dáng cao nhất trong đám con nít không ai khác hơn là Chiến. Bất ngờ thấy tôi nàng hân hoan reo lên, bỏ cuộc chơì và cuống quít mời tôi vào nhà.

Căn nhà thật dễ thương, trông tựa như "cái tủ " quần áo, bởi vì chỉ có cái tủ người ta mới đánh bóng từ trên xuống dưới, căn nhà nhỏ xinh làm bằng gỗ bằng lăng trắng, được  bào nhẵn và đánh  vẹc ni lắc trắng, suốt từ sát nóc nhà đến thềm xi măng, và từ trong ra đến ngoài, cánh cửa có thể mở lớn ra hứng gió mát, bên cửa treo biển số nhà 83, căn nhà tựa hồ như kiểu kiến trúc của Na Uy cất bên sườn núi rậm rì cây cỏ. Gia đình Chiến cư ngụ trong huyện Lạc Thiện cách thành phố Banmêthuột khoảng 50 km, Chiến đang theo bậc Trung Học cha mẹ nàng mua căn nhà này để Chiến có điều kiện dễ dàng đến trường mỗi ngày, cơm ăn nước uống đã được bà ngoại chăm sóc, nàng không cần bận tâm vào bất cứ việc gì khác ngoài học hành.

Ngồi xuống ghế tôi cầm lên cây đàn, gạt gạt từng âm thanh rơi rụng, vãi đầy, tôi hát lên tình khúc đầu tay mới viết dành cho nàng, nhờ nó làm chiếc cầu nối từ trái tim tôi qua nàng, mạnh dạn thay lời tỏ tình trực tiếp từ làn hơi giọng rung, mà không sợ một phản ứng hay một hình phạt nào ban trả:

"Này người yêu hỡi, Xa nhau đã bao ngày rồi,
Cho tim rạng rỡ một lời,... Cuộc tình ta êm đềm nhưu suối ấm...
Êm như cung nguyệt cầm, rạo rực lòng sóng vỗ đêm thâu...
Rồi một hôm, anh về thăm chốn cũ....
Nghe tim đập bồi hồi, Của một lần đến thăm em....
Anh nhìn em không dám nói, Cho tình yêu đi đến bến...
Cho linh hồn dìu nhau thôi... "

(Lời Này Cho Em).

Từ ngày tôi rời xa Banmê, đoàn du ca tổ chức học đàn Guitar do Phan Hồ Khánh hướng dẫn, Chiến đã mua được cây đàn này để tập luyện. Cạnh chồng sách vở còn có 1 cuốn album thật dầy, gáy cuộn tròn bằng một vòng lò so mạ đồng vàng tươi, chứa đựng những kỷ niệm của thời thơ ấu và hình ảnh của những lần cắm trại Gia Đình Phật Tử, sinh hoạt Du Ca và gia đình bạn bè thân thiết. Tôi kể về những sinh hoạt thường ngày tại Sàigòn, cám ơn bức thư đã gởi cho tôi, niềm ưu tư lo lắng về sự sinh hoạt của đoàn du ca, sự thất vọng mất mát của đoàn Ấu Thiếu Nhi, niềm thương nỗi nhớ về các bạn đã một thời bên nhau v.v.., nghe xong, nàng cũng buông một câu đồng tình:

- Em cũng nhớ anh lắm !

Câu nói bình dị, chân thật của một người đàn em nói với đàn anh, nhưng đối với tôi giờ đây có giá trị  khác lạ, nó làm tôi bồi hồi xúc động vô chừng, câu nói ấy là của đôi trai gái đang tỏ tình với nhau khi yêu. Tôi run run bồi hồi, bỡ ngỡ không biết phải nói gì nữa, đứa em mà tôi thường phất tay ra hiệu mỗi lần tập hát cho đúng nhịp, hát sai bị phạt vẫn phải thi hành răm rắp, giờ đây không còn nhỏ bé nữa, má hồng, môi xinh, tóc xõa đuôi gà ngang vai, nàng ngồi đó tỏa dáng một cô thiếu nữ trinh nguyên. Tôi vội trốn tránh cái tôi của mình vội vã đứng lên chia tay ra về, hẹn cuối tuần sẽ gặp lại trên Đài Phát Thanh, trong giờ thâu âm của chương trình nhạc Du Ca hằng tuần.

Thâu xong chương trình cho dịp Tết Mậu Thân, cả toán kéo nhau đến Khu Xóm Đạo ăn Mì Quảng và uống cà phê, lại một buổi văn nghệ dã chiến diễn ra vui nhộn kéo dài đến 8 giờ tối mới chia tay, bình thường như mọi bình thường các đoàn viên nữ đều được tiễn bước về đến tận nhà nếu trời tối, nhưng hôm nay trong tôi chợt thúc đẩy bộc phát bất ngờ:

- Tôi xung phong đưa Chiến về nhà nhe!

Ngỡ đó chỉ là một câu nói bình thường thôi, không ngờ mọi người nhìn nhau tủm tỉm cười, thông cảm một người từ xa mới về.

Duới áng sáng nhạt mờ của đèn đường bị bao phủ bởi một làn sương hoang lạnh của mùa đông cao nguyên, đã đồng lõa và khiếu dụ cho cặp tình nhân lại gần bên nhau, tôi khoác tay lên vai nàng ngăn chặn gió lùa và trao nguồn hơi ấm, nắm vội bàn tay nàng, ôi bàn tay sao lạnh ngắt, cứng đơ, không phải vì thời tiết mà vì căng thẳng, ngỡ ngàng, sợ hãi. Nàng lặng im không nói và cũng không phản đối, tôi ngượng ngùng kể chuyện bâng quơ chẳng biết mình đang nói gì nữa bởi tâm trí đang dồn trong đôi bàn tay xiết chặt. Về đến nhà, nàng vội đẩy  tôi ra:

- Coi chừng bà Ngoại thấy kìa! Mai là ngày 30, em và bà sẽ vô Lạc Thiện đón Giao Thừa và ăn Tết với gia đình, tuần sau mới ra đi học lại, anh bao giờ về lại Sàigòn?

Qua song chắn của hàng rào gỗ cao ngang tầm ngực, tôi vẫy tay gọi khẽ:

- Nói nhỏ nghe nè!

Rồi như ghé tai nói khẽ, thoáng nhanh, tôi hôn vội lên má nàng. Thẹn thùng, bỡ ngỡ, nàng quầy quả vụt vào trong nhà khuất lấp, không kịp nghe tôi nói với theo:

- Mồng hai ra đây ăn Tết nhe?

Cả đêm suy tư với bao hình ảnh dịu êm ban chiều, ngồi bên nồi bánh chưng đang sục sôi đặt chính giữa sân mà bố mẹ tôi vừa mới gói xong, tiếng lách tách cùng ánh lửa bập bùng diễn biến lại bao kỷ niệm kỳ thú vừa qua, tôi tự trách lấy tôi sao bạo gan và vội vàng quá, thật là dại khờ, đáng nhẽ ra phải từ tốn hơn, biết làm sao bây giờ? Thời gian của tôi thật quá ít ỏi, tôi chỉ làm theo bản năng. Không ngờ tình yêu  chiếm ngự tâm hồn tôi nhanh đến thế? Có phải tôi đang yêu đó không? Ôi cuộc đời có những điều kỳ lạ, tôi thêu dệt ước mơ  rực rỡ toàn mầu hồng....

Bàn thờ ông bà đã được đánh bóng, hoa quả bánh chưng bầy biện xong, cây mai và tràng pháo cũng đã sẵn sàng, chỉ còn chờ đến Giao Thừa là châm lửa thắp hương. Tôi thả bộ thong dong dạo một vòng phố, Chiều 30 các cửa hàng vội vã thu gọn đóng cửa sớm, thế nhưng ngoài đường người qua kẻ lại tấp nập, người ta vội vã mặc cả mua bán những món hàng cuối cùng của năm cũ, dù cuộc sống cơ cực khó khăn đến đâu, người dân vẫn tôn nghiêm ngày đầu của năm mới, hy vọng sẽ đem đến cho họ một cuộc sống yên bình may mắn và hạnh phúc hơn. Lòng tôi đang nở hoa, ngày hạnh phúc của năm mới đang đến khiến tôi yêu đời, tôi nghêu ngao hát nho nhỏ những bài ca sinh hoạt vui thú, không khí mát nhẹ bao phủ thành phố cao nguyên mùa đông làm tâm hồn lâng lâng dễ chịu...

Màn đêm đã che phủ cảnh vật đường phố, ánh đèn đường vàng úa, hiu quạnh lặng lẽ đêm 30, chưa tới giờ Giao Thừa nhưng tiếng pháo lạc lõng đã nổ lác đác lúc xa lúc gần. Một vài căn nhà kê mâm cơm trước của cúng vong linh thần chết qua lại, khói nhang phảng phất làm tăng vẻ cô quạnh trầm vắng thiêng liêng, dưới ánh sáng mờ nhạt hắt ra từ cánh cửa mở toang, nhà nhà đều quây quần bên nhau trong phòng khách trò chuyện, hay đang tập trung quỳ dưới chân thánh giá nơi giáo đường, hoặc khom lưng kính cẩn dâng hương đảnh lễ nơi chính điện chùa tháp, họ cầu mong  một năm mới đem đến cho họ một đời sống yên bình, một sức khỏe an vui và một hạnh phúc tất yếu. Tiếng chuông trên nóc giáo đường vang lên, hòa lẫn tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, tôi thẫn thờ dạo trên đường Hai Bà Trưng nhắm hướng trung tâm ngã sáu cột đèn 3 ngọn  đi tới, định bụng sẽ tạt ngang nhà thờ Giáo Phận tham quan rồi quay lại đường Quang Trung nối dài vào chùa Khải Đoan lễ Phật chắc sẽ đúng vào giờ Giao Thừa, từ nhà tôi đến nhà thờ khoảng 400 mét, và cách chùa cũng chỉ khoảng cây số.

Trong giáo đường chật ních, người ta phải đứng ra ngoài hành lang đến tận hàng rào, mọi người cúi đầu trang nghiêm dâng lễ, lòng hướng về khung cửa lớn rộng mở, nơi có cây thập tự giá đồ sộ bên trong.

Các cửa hàng đã đóng chặt cửa, tôi đổi ý quay về nhà để cùng đi với bố mẹ xuống chùa  thay vì đi một mình, bố tôi nói:

- Cúng Giao Thừa ở nhà xong mới xuống chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm, rồi về nhà xông đất cũng tiện, nhớ treo phong pháo ngoài hiên để đốt luôn nhé?

Chuông giáo đường lại đổ dồn hòa cùng tiếng chuông chùa vang vang báo hiệu Giao Thừa và một năm mới đã đến, mẹ và các em  nhỏ đều ở nhà, chỉ có tôi và bố đi lễ, chúng tôi quay ra đường Phan Bội Châu đi thẳng xuống cuối phố, tiếng pháo nổ râm ran tứ phía cả 15-20 phút rồi vẫn chưa ngưng, khói pháo bay mù mịt tứ phía, lòng bồi hồi, vừa rạo rực vừa lo âu vì những tiếng nổ chát chúa của pháo đại thật gần. Đến ngang đường Tôn Thất Thuyết, gần ngôi trường tiểu học Nguyễn Công Trứ thời tuổi nhỏ, tôi nghe tiếng pháo lẫn tiếng súng vang dội, chẳng có gì lạ cả, bình thường lính vẫn dùng súng bắn thay tiếng pháo để đón xuân sang, những lằn đạn lửa thỉnh thoảng lướt qua lướt lại trên bầu trời, bố tôi quay lại nói với tôi:

- Sao lại có cả tiếng súng lạ như AK vậy nhỉ?

Tiếng súng gì mà chả giống nhau? AK như thế nào thì tôi làm sao biết được? Nghĩ như thế nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi xuống dốc dẫn đến cửa chùa, bỗng thấy nhiều người già trẻ lớn bé chạy ngược lên, người khóc, người la inh ỏi. Bố tôi hỏi to:

- Có chuyện gì thế?

Một người đàn ông hốt hoảng, trả lời:

- Không vô được nữa, cửa chùa bị rào chắn rồi, trong đó có Việt Cộng, về đi! Về đi!

Bây giờ tôi mới nghe rõ tiếng súng nổ vang, tiếng pháo tiếng súng khác nhau rõ rệt, những làn đạn lửa bay từ phía nghĩa địa bắn tới, tiếng nổ của lựu đạn, súng cối từ phía bệnh viện vọng lại, chúng tôi vội vã quay lưng chạy ngược về nhà, bố tôi vội vã gài then cửa kêu mẹ và các em chạy xuống hầm. Trong những ngày tháng gần đây, đạn pháo kích của Cộng Quân thường rót về thành phố, lệnh báo động và giới nghiêm thường được ban ra, nhà nhà ai cũng phải dựng hầm nổi hoặc đào  hầm chìm để tránh đạn, gia đình tôi cũng có một hố chìm giữa khoảng sân trống của nhà trên và nhà bếp, hầm rộng khoảng 4 mét vuông, sâu mét rưỡi, trên lợp gỗ phủ vài lớp bao đựng cát. Qua khoảng trống cửa hầm, tôi thấy máy bay thật rõ dưới ánh sáng hỏa châu, bay lượn vòng trên đầu tôi, hình dạng trông giống từa tựa như loại máy bay AirVietNam chở hành khách, nơi cánh cửa mở lớn tuôn ra những tràng đạn lửa đỏ ối uốn vòng tuôn xuống dưới đất, trông tựa như vòi rồng hút nước uốn qua uốn lại và thoát ra âm thanh rồ... rồ như tiếng kêu của loài thủy quái trong phim thần thoại, ánh hồng rực sáng hắt lên nền trời phía Nam, cháy phía khu Trần Hưng Đạo, phía sau của Tòa Hành Chánh và Tiểu Khu, rồi dần lan  qua phía Tây thành phố nơi có ngôi chùa Khải Đoan mà tôi định đến lễ cầu an năm mới, phía nghĩa địa thành phố, nơi có em Quyết Dũng của tôi, mới 11 tuổi đã nằm yên ngủ ngàn thu.

Chúng tôi đã về kịp nhà thật đúng lúc, chỉ vài phút sau đạn bắn từ mọi bề, bóng dáng ai lấp ló ngoài đường đều có thể bị trúng đạn oan uổng, cũng không thể về được đến nhà dù chỉ cách xa vài chục thước, đạn lửa toé sáng từ phía sau nhà tôi trên con đường Phan Châu Trinh nằm sát hàng rào phi trường L19, tiếng ỳ ầm của lựu đạn, của M79, của B40 hòa cùng tiếng trực thăng và raket suốt đêm, chưa bao giờ tôi phải ngồi dưới hầm tránh pháo kích lâu đến thế, bình thường thì chỉ từ 15 đến 30 phút là yên, đêm nay thật bất thường, lại là đêm Giao Thừa, mọi khi những ngày lễ lộc trọng đại như hôm nay đều có lệnh ngưng bắn được thỏa thuận cả hai bên, sao hôm nay lại phá lệ như thế?

người tan thây nát thịt, chắc chắn phải có cả em thơ lẫn người già.

Mấy dẫy nhà chung quanh nơi tôi ở may mắn vẫn còn nguyên vẹn, gia đình tôi chưa cần phải tản cư, nhưng mẹ tôi cũng đã gói ghém cho mọi người những vật dụng cần thiết như đồ ăn thức uống, để lúc cần tới phải bỏ nhà chạy đi có mà dùng. Tôi đi theo đám người chạy loạn lên phía trên xem có chuyện gì đã xẩy ra, nhưng mới tới rạp Tường Hiệp đường Quang Trung đã phải dừng lại vì thấy vô số xác chết nằm ven đường, dẫy nhà phía trước khách sạn Kinh Đô bị bắn nát, xác người nằm ngổn ngang bên hông nhà thờ và ngã sáu cột đèn 3 ngọn, đêm qua đã xẩy ra cuộc giao tranh khốc liệt, đây không còn là nơi an toàn, dọc đường Thống Nhất vài chiếc xe cháy lụn có cả xác xe tăng, con đường ngợp đầy hoa Phượng mỗi độ hè về, nay tan tác thê lương, tối ám. Tôi men theo lề đường chạy trở về báo tin cho gia đình biết và xếp đặt gọn ghẽ lại cái hầm trú ẩn, hiện tại đây vẫn là chỗ an toàn duy nhất của gia đình tôi, mẹ tôi nấu cơm nắm, muối vừng, đong vài can nước, đèn dầu hôi, poncho và những thứ cần thiết khác đem chất xuống hầm. Từ đó bố tôi không cho ai ra ngoài nữa, đạn vẫn nổ, máy bay vẫn oanh kích suốt này qua đêm khác, tiếng xe GMC và xe tăng rầm rộ chạy ngang trưóc cửa rồi lại mất dần nơi xa, làm mọi người luôn luôn cảm giác lo sợ phập phồng.

Đêm ngày thứ 3, lửa cháy sáng hừng một vùng trời phía Tây Bắc thành phố, hướng có xưởng cưa Trần Văn Lộc, tôi lo lắng về gia đình Chiến, không biết hiện thời ra sao? Căn nhà của nàng nằm cạnh xưởng cưa chắc không hề hấn gì? Mãi Lạc Thiện xa xôi kia nàng đã về với gia đình chắc hẳn yên bình hơn nơi đây? Hay cũng đang vượt núi băng rừng tản cư tìm nơi ẩn náu? Có thoát khỏi những lằn đạn giao tranh hay mưa bom đạn pháo? Tôi không dám tưởng tượng xa hơn nữa.

Hôm sau tiếng súng thưa dần, nhưng việc đi lại chưa được dễ dàng vì lệnh Thiết Quân Luật. Mãi cho đến sáng ngày thứ 5, người ta ùn ùn kéo nhau ngược xuôi trở về, tôi lao vội xuống đường Phan Bội Châu, đến ngang Tôn Thất Thuyết thấy chiếc xe Thiết Giáp bị cháy nằm gần quán caphê Bâng Khuâng của anh Phan Văn Hội, nơi đây cửa nhà toang hoang hư hại, đường xá bừa bãi dơ bẩn, tôi rẽ sang Lê Văn Duyệt đến nhà Chiến, tới ngã tư Hoàng Diệu, sững sờ với khung cảnh trước mắt, tất cả đã biến mất chẳng còn một căn nhà, ngọn lửa đã thiêu đốt tất cả thành bình địa, đêm kia du kích quân đã đột nhập vào xưởng cưa Trần Văn Lộc và đã bị máy bay truy kích, những tia đạn lửa như vòi rồng hút nước đã biến từng chồng gỗ ván thành tro bụi, ngọn lửa đã lan ra những nhà chung quanh, cuốn theo chiều gió thổi  ngọn lửa đi qua hàng ngang và chạy xuống hàng dọc, căn nhà của Chiến giờ đây chỉ còn sót lại duy nhất nửa cái hàng rào gỗ đứng trơ vơ giữa trời, cái hàng rào đã chứng kiến nụ hôn đầu đời của người con trai 19, trao vội cho người con gái 16, và người con gái kia đón nhận nụ hôn thật bất ngờ thẹn thùng, cuống quýt như một kẻ phạm tội, ngúng ngẩy chạy trốn. Giữa đám tro tàn trên nền xi măng đen đủi, còn sót lại chiếc khóa lên dây đàn guitar, nằm cạnh vòng dây đồng cuốn gáy tập album hình ảnh, những tấm hình của tuổi thơ dấu yêu mà Chiến đã mở cho tôi xem, kể từng ngày, từng tháng đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ, nay tất cả đã biến thành mây khói cuốn về chốn xa xôi vô tận, tiếng đàn của niềm vui thời mới lớn vụn vỡ trộn lẫn cùng tro than tung bay trong gió, căn nhà "cái tủ" mới tuần trước đây đã ấp ủ bảo vệ tình tôi dưới ánh sáng dịu êm tình tứ, nơi tôi bắt được hạnh phúc nguyên sơ, nơi khởi sự cho một tình yêu đầu đời, giờ chỉ còn một mình tôi đứng đây gậm nhấm tiếc nuối, niềm hy vọng đang tan chẩy và thất vọng đang dâng cao. Không biết giờ này nàng đang nơi đâu? Có biết chuyện gì đã xẩy ra hay không? Có biết tình tôi đã thực sự trao trọn về em rồi hay không? Em có nhớ đến tôi không?

Ngày cha mẹ nàng từ một làng nhỏ bé ngoài miền Trung năm 54 chạy về vùng cao nguyên hoang lạ này, cũng là ngày cha mẹ tôi cũng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn tìm một vùng nắng ấm nơi đây, cũng cùng một lý tưởng và ôm cùng một niềm đau xa xứ. Cha mẹ nàng cũng đã một thời bôn ba trong kháng chiến, mẹ nàng tên Kháng nên tình yêu quê hương trao cho con tên Chiến, rồi đứa em trai kế đặt tên Thắng, bỏ đất thần kinh Huế chạy đến nơi cùng tận của rừng hoang núi thẳm Banmêthuột, cha mẹ nàng đã phải vất vả với đôi bàn tay trắng, chắt chiu tạo dựng nuôi sống đàn con khôn lớn bằng nồi ngô khoai, chén gạo, đổi công chia cán với dân tộc Thượng trong làng xa, bản vắng, bằng chiếc khăn manh áo, may vá, bán buôn đổi chác nơì rừng già, ráng dành dụm để tạo được căn nhà nơi phố thị cho con ăn học, mong sao sau này chúng được sánh vai cùng người, nay chỉ một đêm ngắn ngủi trôi qua, tất cả biến thành phù du, mồ hôi bỗng trở thành nước mắt. Tại sao loài người không tử tế với nhau? Ðồng loại không biết thương nhau? Tại sao bầy ra chiến tranh làm chi? Bắn giết nhau làm gì?, Người dân đa phần nghèo khổ, ngày đêm cơ cực với miếng cơm manh áo, vật lộn với thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, bệnh tật đói nghèo, thế chưa đủ sao? Họ mong ước  được một ngày yên bình nhưng họ chỉ nhận thêm được sự sợ hãi, lo âu, tương lai mù mịt, và thần chết chờ chực đêm ngày. Cái nhà như "cái tủ" không còn nữa, người tôi vừa chớm yêu có còn cơ hội ở đây nữa không? Rồi cũng đến ngày tôi sẽ phải ra đi, có còn cơ hội gặp lại nàng nữa không? Tôi thèm được ôm nàng trong tay giờ này dù chỉ là một khoảnh khắc, được an uỉ nàng đôi câu, sớt chia cùng nàng nỗi đau cùng khổ. Ôi, lời yêu chưa kịp tỏ, mà  tình dường như phôi phai, lòng tôi thật bi quan vẩn vơ, đứng sững sờ, chán chường bên song hàng rào chơ vơ, cháy nám.

Nơi  hố rác chồng chất dơ bẩn bên kia đường, có xác người cháy đen, nằm ưỡn bụng tay chân co quắp như con ễnh ương, lặng câm không còn biết kêu than, không còn yêu thương tiếc nuối, nhưng khuôn mặt còn hiện rõ nét phẫn nộ, bất mãn...

 

Nguyễn Quyết Thắng

 


Cái Đình - 2013