Nguyễn Quyết Thắng


Vết thương

Khoảng vài phút sau khi được chích mũi thuốc tê vào xương sống lưng, người y tá Hoà Lan cao lêu khêu của bệnh viện tỉnh Hoorn trở lại, lật tấm khăn trắng phủ kín đôi chân và dí vào đùi tôi một cái lọ gì đó, nghiêng đầu hỏi tôi bằng ngôn ngữ Hòa Lan:

– Anh thấy lạnh hay nóng?

Tôi lắc đầu trả lời:

– Tôi không biết!

Thế là anh ta đẩy chiếc giường tôi đang nằm từ bên ngoài vào giữa phòng mổ, một khung vải trắng mỗi bề rộng một mét đặt chắn ngang trước bụng, cắt ngang tầm nhìn của tôi với công việc họ đang làm, chỉ cảm nhận được một chút mơ hồ cái chân của tôi bị đẩy qua đẩy lại, tiếng lách cách phía sau tấm chắn. Mũi thuốc đã làm tê dại nửa thân mình từ thắt lưng trở xuống, không cảm thấy đau đớn, mặc dù vẫn tỉnh táo bình thường. Một lúc sau tấm vải chắn được lấy ra, tôi vội rướn người nhìn xuống bàn chân, chỉ thấy một cuộn băng trắng quấn quanh to tướng. Liếc nhìn người bác sĩ vừa làm xong nhiệm vụ, tôi nhoẻn miệng cười ngượng ngạo bâng quơ. Ông ta bắt tay tôi và nói bằng tiếng Hòa Lan:

– Xong rồi, tất cả đều tốt, tốt.

Kể từ ngày đặt chân đến vùng đất đã cưu mang tôi cho đến nay cũng đã được 4 tháng, mùa thu 1981 vội tàn nhanh để nhường cho mùa đông sớm đến, cơn gió lạnh làm se lòng kẻ ly hương đơn lẻ nơi xứ lạ, càng làm tăng thêm sự nhức buốt của bàn chân đầy thương tật, dấu tích một thời xông pha lằn tên mũi đạn. Ở nơi lạnh lẽo như thế này vết thương cũ cứ luôn làm tê nhức mà không thể xỏ chân vào đôi giầy cho ấm áp, thì thật trở ngại cho việc đi lại vô cùng, rốt cuộc cũng phải xin vào bệnh viện điều trị. Vị bác sĩ cho tôi biết không thể mổ để lấy ra những mảnh kim loại đó được, vì nó nằm sâu ở những chỗ khó lấy và nguy hiểm, chưa cần thiết để phải lấy ra, chỉ cắt bỏ cái bướu thần kinh mọc lòi dưới mắt cá chân to bằng qủa nho, chính cái múi thần kinh này đón nhận cái buốt vào mùa lạnh và làm đau khi‑bị cọ xát lúc mang giầy.

Ngồi một mình trong căn nhà trống vắng nhìn tuyết đổ ngoài cửa kính, cũng là cái ngày đầu tiên tôi được ngắm tuyết rơi, lòng bồi hồi thích thú tưởng tượng ra khung cảnh thần thoại, rồi lại âu lo chuyện gì sẽ xẩy tới,lo xa khi tuyết rơi ngập tràn. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đường tỏ rõ những cụm tuyết trắng như bông goòng bay lượn tứ phía, phủ ngập trên cỏ, trên cây, trên hàng rào, trên đường, tất cả trở thành một mầu trắng toát, thật lạ lùng, êm đềm và huyền bí. Giá như giờ này có các con bên cạnh, chúng sẽ thích lắm, tiếc thay vợ con tôi đang còn ngược xuôi tìm nơi ẩn náu, tìm chỗ thoát thân nơi quê hương trầm luân đau khổ với bao ngày tháng ngậm đắng nuốt cay, vượt xa trốn chạy, lòng chợt nhớ nhà khôn nguôi.

Vết mổ ban chiều làm đau nhức mặc dù đã uống thuốc, sức ép của máu dồn xuống bàn chân càng làm buốt tê, gác chân lên cao, hy vọng với tư thế này sẽ cảm thấy đỡ hơn, sự di chuyển phải nhờ đến chiếc ghế, một chân quì đầu gối lên đó, chân còn lại bước từng bước và đẩy ghế theo, giá có đôi nạng chống bây giờ thì đỡ biết bao? Lết tới quầy bếp, kiếm chút gì lót bụng, ăn xong lò cò đến cầu thang, một chân bước, một chân quì, rướn từng bước lên phòng ngủ. Hạn chế việc đi lại, ngoại trừ chẳng đặng đừng, tôi nằm chết dí trong góc phòng, gậm nhấm nỗi bực dọc, cố dỗ giấc ngủ cho chóng qua, nhưng chúng cứ lởn vởn đùa giỡn lúc đến lúc đi, một đêm đầy mộng mỵ vô đề...
Nguyễn Đắc Trung và Thúy Yên, 1981
Nguyễn Ðắc Trung - Thúy Yên, 1981

Tiếng chuông cửa bỗng vang lên làm tôi tỉnh giấc, ánh nắng xuyên qua rèm cửa chói chang, giờ hẳn đã quá trưa, tôi nghĩ thầm chắc người "Bạn Gia Đình" Hòa Lan đến thăm, vội khoác áo, bò ra cửa, lết xuống cầu thang mở cửa. Thì ra là Nguyễn Đắc Trung và Thúy Yên, cặp vợ chồng son, ghé chơi bất ngờ. Đứng một chân, tôi reo lên:

– Ah! ông Trung, vô đây!.. Vô đây bà Yên! Trời ơi!.. có lạnh không? Ông bà đi đâu đây?

– Ủa! chân ông Thắng làm sao vậy? Trung ngạc nhiên hỏi tôi.

Lò cò vài bước, quì một chân trên ghế chân kia đẩy tới, tôi nói:

– Hi..hì... Không sao, mình mới vào nhà thương cắt bỏ cái bướu thần kinh ở chân, vài bữa là hết đau à!

Tôi đánh trống lảng, cũng không muốn nhắc và chẳng muốn kể nguyên nhân tại sao cái chân bị đau, cứ lò cò nhẩy qua nhẩy lại, đẩy ghế tới, đẩy lui nấu nước pha trà tiếp bạn, mặc dù bàn chân hiện giờ còn sưng và bầm tím, hiện rõ qua những ngón chân lòì ra ngoài cuộn băng, Trung và Yên lo lắng cho tình trạng của tôi hiện tại có một mình, không thân nhân, không người giúp đỡ, và điện thoại liên lạc cũng không có, Ông Thông – người thuê chung căn hộ với tôi thì không bao giờ có nhà. Yên hỏi:

– Rồi làm sao anh đi chợ nấu cơm?

– Hì..hì.. không cần! Ăn bánh mì hay mì gói cũng được mà, hồi nhỏ thì đã có mẹ nuôi nấng, lớn hơn chút nữa thì đã có 4 đứa em gái thay phiên nấu ăn, đến khi lập gia đình thì đã có vợ chăm sóc, tôi chỉ chiên trứng và làm mì gói thôi, không biết nấu cơm! Ở đây lại có đồ hộp đóng sẵn, thịt nguội đầy rẫy, bánh mì cả đống còn lo gì, ráng chờ ít bữa bà xã qua, lại ổn thôi!

Chuyện trò quanh co một chặp, Trung nhìn vợ rồi quay qua tôi đề nghị:

– Hay là ông Thắng về nhà tụi tôi chơi vài bữa đi nhe? Thấy ông như vậy thật không ổn chút nào, phải không Yên? Thật đấy! Ông lấy vài thứ cần thiết, rồi tôi chở ông về nhà tôi cho vui, đi... đi...

– Dạ! Đi luôn bây giờ đi anh Thắng! Ðâu... anh cần lấy gì mang theo? Ðể em lấy cho... Yên phụ họa.

Không lý do gì để từ chối một tấm tình quí mến của bạn dành riêng cho mình, một ý nghĩ chân tình bộc phát thành một hành động tự nhiên rơi đúng vào khoảng khắc hữu lý. Trong lúc tôi đang thèm một mái ấm gia đình, đang cần một sự an ủi giúp đỡ, thoáng chút do dự, tôi đứng dậy trả lời:

– Ừ! chúng mình đi nhe?

Trên chiếc xe đạp cọc cạch, mua lại của Ty Cảnh Sát địa phương, Trung chở tôi phía sau, Yên đèo cái túi "Care" tôi nhận hồi còn ở trại tỵ nạn, trong đựng bộ quần áo, vài thứ lặt vặt. Con đường trơn trợt vì tuyết, lạnh lẽo vì gió, Trung đã chở tôi suốt gần 7 km, miệng luôn hỏi thăm, kể chuyện, và mắt luôn cầm chừng bóng xe của vợ đạp theo bên cạnh.

Ở nhà Trung-Yên, tôi được săn sóc kỹ lưỡng từ bữa ăn cho đến giấc ngủ, Trung và Yên là bạn cùng tầu vượt biển, cùng định cư tại Hòa Lan một ngày. Căn nhà của Trung cũng thiếu thốn nhiều phương tiện như nhà của tôi, nhưng tình bằng hữu thì thật dư thừa. Yên ít nói, ngược lại Trung nói khá nhiều, chuyện vui chuyện tếu cười đùa ha hả, hết chuyện thời sự rồi quay qua kiếm hiệp, Trung có thể kể chuyện Kim Dung cả ngày và nhớ vanh vách câu chuyện như vừa học thuộc lòng. Nằm đây, cũng một góc phòng, cũng một lớp chăn mà lòng ấm áp chi lạ, niềm cảm xúc trong mái ấm gia đình, vởi tình bằng hữu thân thương tạo sự rung cảm lắng đọng trong tâm hồn. Sự săn sóc chân tình của Trung-Yên dành cho tôi giống như một bổn phận, và tôi tận hưởng hạnh phúc đó, tự nhiên như một điều ắt có, không ngại ngùng, không khách sáo.

Trong bóng mờ ảo của chiếc đèn ngủ phản chiếu từng khoảng sáng tối trên trần nhà, tạo thành những hình tượng gợi nhớ lại khoảng thời gian nờm nợp những tai ương, mà ban chiều vô tình Yên đã vừa nhắc đến:

– Tại sao chân anh lại phải giải phẫu vậy hả?

– Ồ! cái chân lại giở chứng, khi nào có dịp tôi sẽ kể cho nghe!

Đã từ lâu tôi chẳng hề nhắc đến vết thương cũ (Có cần để phải nhớ đến nó không?), thường khi người ta sống trong hạnh phúc mới nhớ những mảnh cơ hàn trong quá khứ, không ai trong lúc lao đao lại buồn nhớ đến kỷ niệm lận đận ngày hôm qua. Trong giờ phút chăn ấm nệm êm, trong tình nồng bằng hữu, nơi xứ lạ quê người đã dang tay chào đón. Ngoài kia tuyết có rơi thì cái rét lạnh cũng không bằng những đêm dương mắt sáng, nằm chờ địch giữa rừng thưa sương phủ, lòng dặn lòng đó là nhiệm vụ phải bảo vệ quê hương, mong một ngày hết lầm than đau khổ. Nhưng không ngờ, những người con mà thế hệ cha anh đã đặt niềm tin mai sau sẽ là tương lai của đất nước, đã phải băng rừng vượt biển rời bỏ tổ tiên tìm một chốn nương thân, cách xa nơi chôn nhau cắt rốn hằng vạn cây số. Lòng bồi hồi chợt thức....

***

1969 một ngày mưa không dứt, sau cuộc hành quân lùng giặc trên vùng cao nguyên Daklak, chiếc GMC đưa đơn vị chúng tôi trên đường trở về căn cứ đóng tại ngọn đồi Chư Cúc cây số 52, nằm giữa Khánh Dương và thành phố Banmêthuột. Gần đến chân đồi, chúng tôi được tiểu đội Thám Báo cho biết đêm nay du kích quân dự định phá hoại chiếc cầu 52, lệnh của Bộ Chỉ Huy Sư đoàn 23 bổ nhiệm đại đội Thám Kích truy lùng và tiêu diệt du kích quân đó. Thế là cả Đại Đội 411 Thám Kích chúng tôi nhẩy xuống xe đi ngược trở lại, phân chia địa điểm chiếm cứ, mỗi toán 4 người nằm rải rác dọc theo quốc lộ 21, toán của tôi nhằm ngay tọa độ cách chân cầu khoảng 20 mét. Lúc nẫy xe băng qua cầu, mưa như trút nước, gió lồng lộng thổi mạnh hất tung cái mũ rừng của tôi xuống đất giữa đám bùn lầy ven đường mất dấu, thật là bực mình. Giờ phải đi kích giữa cơn giông gió trong rừng khuya thật là trở ngại, tôi bèn thò tay vào chiếc xe jeep của Bộ Chỉ Huy hậu cứ, gỡ cái nón sắt của Lang một Hạ Sĩ Quan truyền tin đang đội:

– Cho mượn cái mũ, mai trả nhe? Cảm phiền!
Nguyễn Quyết Thắng - Minh Chiến, 1969

Từ khi ra khỏi quân trường về phục vụ trực tiếp tại đơn vị này, tôi ít khi đội nón sắt, ngoại trừ quân lễ, chiếc nón nặng nề, xục xịch qua lại thật khó chịu, tôi chỉ thích đội cái mũ rừng ngắn vành rằn ri đen xám, vừa nhẹ vừa oai (thật là ba gai). Đến tọa độ phục kích, tôi thấy một đống tro củi dưới đất, chắc chắn ban chiều quân ta đã đóng chốt và nấu cơm tại đây, phía trước là một rãnh nước, phía sau là rừng tre rậm rạp không có lối thoát, đây không phải là chỗ tốt và an toàn để phục kích. Chúng tôi quyết định dời địa điểm qua phía bên kia cầu, nơi có một tàn cây thấp, chung quanh cỏ lau mọc cao, từ đây qua đó chỉ mất khoảng đôi phút, nhưng chúng tôi đã phải đi lòng vòng ra xa để đánh lạc hướng, từ lúc chập choạng cho đến tối xẫm mới mò được đến địa điểm qui định, phải khom lưng, gập người, quỳ-bò-trườn đến chỗ lùm cây, bốn người ngồi đối lưng quay về bốn hướng, mở mắt cho to nhìn vào bóng tối, tai vểnh cho rõ lắng nghe gió lộng hoang vu, về khuya luân phiên nhau mỗi người ngủ một giờ lấy sức. Trong đêm thâu nước mưa ướt lạnh luồn qua poncho nhớp nháp, tay ghì khẩu súng M16 đạn đã lên nòng, bên hông khẩu Colt 45 cũng đã mở chốt khóa. Ngồi, quì rồi nằm, càng lúc càng thấm mệt, nằm chờ kích giặc mà chỉ mong giặc đừng ra, tâm trí mơ tưởng hình bóng người yêu trong tà áo xanh đồng phục thướt tha trước cổng trường chờ tôi đến đón. Tuổi mới lớn với tình yêu đầu đời, xa nhau một ngày là nhớ thương một trời, lòng ước mong mau trở về bên em. Lời vị chỉ huy trước giờ hành quân, vẫn luôn chúc tụng tất cả binh sĩ "đi được bình an, về được bình yên". Hễ đụng trận là có máu đổ - thịt rơi, là có chết chóc, ta muốn tiêu diệt địch, và địch muốn loại trừ ta, câu hỏi được đặt ra: ai sẽ là kẻ may mắn sống sót trở về?... Những đêm ngồi trên đồi Chư Cúc nhìn về hướng thành phố Banmê xa xa, nơi có cha mẹ, các em và cả người yêu đang say tròn giấc điệp, đêm nay mong đừng có đạn súng cối của cộng quân dội về phá rối giấc ngủ mọi người. Chắp tay nguyện cầu cho tất cả luôn được yên vui, đầm ấm.

Đêm dài mệt mỏi dần trôi qua, cây cỏ vẫn yên bình ấp ủ mùi đất ẩm, ánh mặt trời không xuyên nổi lớp sương mù vẩn đục buổi sáng, chúng tôi nhìn nhau không nói một lời, ngồi yên cho đến khi sáng tỏ mặt người, cho đến khi nghe những tiếng xe đò hành khách bắt đầu chạy ngang trên đường như thường lệ mới yên tâm. Xế trưa, tôi men theo bờ cỏ đến bên chiếc cầu tìm lại cái mũ gió thổi rớt chiều qua, mang xuống suối vò giặt đất cát, rồi lững thững đi lên lẩn về chỗ cũ, phơi mũ trên đầu bụi cỏ và ở đó đến chiều, chờ lệnh mới.

Nghe máy gọi rút quân, chúng tôi kéo nhau ra lề đường đón xe, chiếc GMC gom từng toán rải rác bên đường đang từ từ dừng lại cho chúng tôi leo lên, đã có 2 toán ngồi trên xe, thêm chúng tôi nữa là 12 người, còn vài toán nữa đang chờ phía trước, chiếc xe jeep tuyền tin cũng đang chạy theo phía sau. Cởi cái ba lô ra ngồi xuống băng ghế bên hông xe, tôi vén tay áo nhìn đồng hồ, " 5 giờ chiều " thầm nghĩ: "Tới giờ Chiến tan trường rồi." giơ tay sửa cái nón sắt đội trên đầu, thì bỗng:

– "Đùng..." một tiếng nổ kinh thiên động địa, ngay bên cạnh. "Đùng..." tiếng thứ hai liền theo.

Xe đã bị đột kích, 2 trái B-40 gần vệ đường bay về chúng tôi, đạn trúng vào thành xe nổ chát chúa, tiếng nổ đã làm bùng điếc tai, buốt nhói lên óc, trái thứ hai trúng vào phía sau, nhưng tôi không còn nghe rõ nữa. Giữa khói và lửa mầu vàng trắng cuồn cuộn, tôi bật dậy, phản ứng tự nhiên là phủi lửa, lửa xung quanh, lửa trên đầu, lửa dưới chân…, không còn nhìn thấy gì ngoài ánh sáng của lửa, liền sau đó có 3 tia chớp lóe lên, tia sáng của những trái lựu đạn mà người lính đeo trên mình đã bị B40 bắn trúng, trong quay cuồng tíc tắc đó, tôi cảm thấy dường như có vật gì đập mạnh vào gan bàn chân bên phải, chắc vì tiếng nổ dội mạnh làm thốn chân mà thôi? Tôi nghĩ thế. Tất cả diễn ra chỉ trong khỏang khắc mươi giây rồi vụt tắt. Sức công phá của B40 dường như không mạnh như tôi từng thấy, có lẽ vì trúng vật cản quá mềm bằng xương thịt chăng? Bình thường sự công phá của nó có thể xuyên thủng xe tăng. Chiếc GMC khựng lại làm tôi chúi ra sau, có lẽ người tài xế đã nhẩy ra khỏi xe? Xoay mình dự định cũng nhẩy xuống để tìm chỗ ẩn nấp, nhưng cái chân như bất động, chung quanh không thấy ai nhúc nhích, họ nằm im đó sống hay là đã chết tôi chưa biết rõ, việc điều đầu tiên là phải nhặt lại khẩu súng M16 vừa buông rơi, cây súng giờ đã bị vỡ báng và nòng súng cong cong, tôi thoáng nghĩ: "Thế nào VC cũng sẽ còn tiếp tục tấn công nữa", nên từ từ ngả người trên băng ghế, thò tay rút cây Colt 45 bên hông lên đạn để phòng thân, cái cơ bẩm cứng ngắc không thể nào kéo lên được, cũng có thể vì bàn tay dính đầy máu. Nghiêng đầu nhìn lại sàn xe, xác đồng đội nằm phanh thây ngổn ngang bên nhau, họ chết không kịp rên la, không kịp gào thét, không kịp biết mình đã chết, trái đạn bất ngờ đã biến thây người thành những mảnh vụn tan tác tung bay.

Chiếc xe bỗng rướn lên rồi phóng về phía trước, xác một người lính co quắp tay chân, lưng còn dính chiếc máy truyền tin PRC25 vỡ nát bị hất văng ra ngoài, phản ứng tự nhiên tôi giơ tay chụp lại, bàn tay nắm trúng vào giữa khoảng ngực trắng của thịt và bầy nhầy của máu, cổ và đầu đã bay đâu mất, tôi kéo mạnh xác hất vào lòng xe. Phía góc cuối còn một người ngồi dựa lưng vào bửng sau, mắt trừng trừng nhìn tôi, toàn thân run rẩy bần bật, cánh tay phải để trên đầu gối, nhưng bàn tay đã bị cụt mất, từ trên khuỷu trở xuống chỉ còn lại những sợi gân lòng thòng dính vào những đốt ngón tay lủng lẳng, đó là Y-Dhuyn một người lính gốc Ede dân tộc thiểu số. Tôi không còn nghe một tiếng động nào, kể cả tiếng máy xe nổ, tai tôi đã bị điếc vì sức ép và tiếng nổ quá lớn của trái đạn đầu tiên. Sờ cánh tay phải rồi lần qua tay trái, xem mình có bị thương không? Rờ xuống đùi phải, qua đùi trái thấy vẫn còn nguyên, Thắc mắc về cái nón sắt vừa đội lên đầu, giờ lại nằm ngửa hứng đầy máu mủ từ lúc nào? Vành đai bên trong mũ còn đọc được chữ Lang, tên của chủ nhân mà tôi đã mượn chiều qua, lo lắng đưa tay sờ đầu, vuốt mặt, vuốt đến đâu chỉ thấy toàn máu và thịt bầy nhầy đến đó. Thất kinh hồn vía, thôi rồi! Còn gì cái mặt nữa? Nằm im không đụng tới nữa. Mùi thịt cháy trộn mùi thuốc đạn đắp lên thân thể tôi bốc lên tanh tanh, nhờn nhợn.

Ðường đèo Chư Cúc

Xe tiếp tục nhắm hướng Chư Cúc chạy về, cũng may người tài xế không bị thương và chiếc xe không bị hỏng, bằng không, chẳng biết chuyện gì sẽ còn xẩy ra nữa. Chạy một đoạn thì đại pháo trên đồi bắn xuống xối xả quanh chỗ chúng tôi vừa bị phản kích, các toán trong đon vị còn ở lại dọc đường cũng tấn công lên. Xác 3 đặc công công sản đã tìm thấy, cũng tan xương nát thịt bên bờ khe nước chẩy. Có lẽ những đặc công này đự định giật sập cầu, nhưng đã phát hiện âm mưu của mình bị bại lộ, và không biết chúng tôi đang phục kích chỗ nào? Tiến thoái lưỡng nan đành nằm im một chỗ, không ngờ hôm sau, nhân cơ hội thấy sự sơ hở của chúng tôi trong lúc rút quân, nên đã bắn tới đúng lúc.

Xe chạy vòng quanh dốc lên đỉnh, nhiều người lính đứng bên sườn đồi trố mắt nhìn xem, thoáng thấy bóng dáng ai như Tuấn, người học cùng khóa, có lẽ hắn không nhận ra tôi. Ngày mãn khóa, Tuấn xin được phục vụ ở Đà Nẵng nơi quê nhà, nhưng sao giờ lại hiện diện nơi đây? Xe chạy thẳng đến chỗ sân đậu trực thăng thì dừng lại. Ở đây còn có cả đơn vị Pháo Binh, Thiết Giáp, và phi đội Trực Thăng của Mỹ đóng quân. Nhiều người lính nhào tới khiêng xác xuống, một người cõng tôi đặt lên băng ca dưới đất, nhiều người lính bu lại hỏi han, bỗng một anh đội mũ beret đen binh chủng Thiết Giáp chen vào vồn vã hỏi những câu gì mà tôi không rõ, mặc dù trời đã nhá nhem, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là Châu. Lại thêm một ngạc nhiên nữa, không ngờ giữa chốn này lại gặp hắn. Châu đẩy những người chung quanh dạt ra, nhào vào cởi dây lưng quần tôi cho lỏng ra, dò kiếm những vết thương khắp người từ đầu xuống chân. Do quần áo dính bê bết máu thịt nhớp nháp, hắn rút lưỡi lê bên sườn của tôi rọc khuy áo tung ra, rọc luôn ống quần, thọc mũi dao vào dây giầy giựt đứt ra từng khúc, Châu nói điều gì đó, tôi ra hiệu không nghe rõ, hắn giơ cao chiếc giầy cho tôi thấy và đổ ra một dòng máu thắm đỏ tươi, tôi đã bị thương ở chân, hắn rút trong balô vài tấm compress tẩm thuốc sát trùng vội vã thoa khắp người tôi, lau đến đâu hắn ra hiệu chỉ chỏ cho biết là chỗ bị thương, hắn chăm sóc cho tôi một cách thản nhiên, nhanh nhẹn như y-tá chuyên nghiệp. Lòng tôi bỗng trùng xuống nhớ lại hình ảnh trước đây 2 năm, lần ghé ngang trường Trung Học Bồ Đề Banmethuột, chợt thấy đám đông học sinh đang bu quanh 2 kẻ đang đánh nhau tuổi chừng 16 nhỏ hơn tôi một tuổi, tôi nhẩy vào can hai trò ra, một trò la lớn:

– Thằng Châu ăn hiếp em, thằng Châu tự nhiên đánh em, nó bắt nạt em.

Thì ra đây là Châu "Đầu Đạn", có lần tôi đã nghe người ta kể rằng Châu là thằng du đãng hay bắt nạt kẻ cô thế, định bụng chỉ nói vài lời nhỏ nhẹ can ngăn hai kẻ thôi đánh nhau, chứ không muốn để lớn chuyện làm gì? Nhưng không ngờ bỗng thấy Châu dường như chùn lại không còn hung hăng nữa, hắn lùi dần vào sát bờ tường chịu trận. Tôi được nước tiến đến, thấy trên cổ có đeo sợi dây chuyền gắn lủng lẳng viên đạn đồng Garant, tôi dùng ngón tay gõ gõ vào đầu viên đạn và nói:

– Không lo học chỉ ham đánh nhau, bắt nạt người ta, một lần nữa thì biết tay nghe? Dẹp cái đầu đạn này đi, biết không?

Hắn lặng im không nói, mắt chằm chằm nhìn tôi toé lửa, không phải hắn sợ tôi, mà hắn sợ thằng Tây “thẹo" bạn tôi, tay "hảo hớn" luôn bênh vựv tôi, mà hắn đã đụng độ một lần, hắn sợ những người bạn lính tôi quen, sợ thầy cô các trường lớp mà tôi thường lui tới sinh hoạt, dậy hát. Có lẽ hắn cũng đã biết tôi với biệt danh "Thắng Sữa", thư sinh trói gà không chặt, nhưng tôi có một "hậu thuẫn" khá lớn, mà hắn đành phải dè mặt. Không ngờ hôm nay gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khác và với một hành xử khác, tôi nắm tay Châu mấp máy tỏ lời cám ơn.

Viên phụ tá trực thăng người Mỹ nhấc bổng tôi lên, đặt ngồi dựa lưng vào hai chiếc băng ca gắn chồng lên nhau trên trực thăng, Y-Dhuyn cụt tay nằm phía dưới im thiêm thiếp, tôi lắc vai định hỏi, mới thấy những vòng băng trắng quấn quanh ngang bụng máu ra ướt đẫm, anh còn bị đứt cả ruột. Y-Kron nằm băng ca phía trên bất động, một mảnh đạn to bằng hạt gạo văng trúng đầu ngay giữa đường ngôi bên thái dương, óc trộn máu ứa ra từng lọn theo từng nhịp thở, tôi đoán chắc anh sẽ tắt thở trước khi trực thăng hạ cánh.

Tôi được chở thẳng đến Bệnh Viện Dã Chiến Banmethuột cấp cứu, khám nghiệm và lập hồ sơ, họ gắn lên tôi một bình nước biển, dùng một loại thuốc sát trùng sủi bọt trắng như xà bông chà phết lên thân thể, những chỗ bị thương máu rị ra thấy rõ dưới lớp bọt trắng những dòng đỏ, suốt từ vai trái xuống đến chân, là những mảnh nhỏ của B40 rải ra như nắm cát ném vào người tôi, không thể đếm được. Một mảnh lớn bay ngang mông đùi, cắt mất đi một khoảng da thịt to bằng miệng chén. Mảnh khác nằm sâu trong bắp chân, tạo thành một lỗ hổng sâu hoắm to bằng đầu đũa bếp. Một mảnh lớn bay ngang lưng, rạch một đường từ trái qua phải, nếu mảnh đạn vào sâu chút nữa thì xương sống của tôi đã bị đứt làm 2 đoạn, sẽ tàn tật và ngồi xe lăn suốt đời, (Có thể ngồi được không?). Thêm một mảnh hiểm nghèo nữa sớt ngang sau ót, giá như chỉ vào sâu thêm 1cm nữa thì gân và xương cổ cũng đứt thành đôi và tôi đã chết (liệu có chết được không?). Phía mắt cá của bàn chân phải, bị cả chùm mảnh lựu đạn tạt vào, lúc ban đầu chỉ thấy hơi thốn, giờ thì hoàn toàn tê dại, không thể dùng đến nó được nữa, ba trái lựu đạn mà những người lính đã đeo bên mình, đã bị hai trái B40 bắn trúng phá hư thìa an toàn khiến lựu đạn phát nổ, vô tình nó đã tiếp tay với giặc giết hại vài người lính của mình, nếu nó nổ gần hơn chút nữa thì bàn chân của tôi cũng nát bấy không còn nguyên vẹn. Nhóc Toản đeo sau lưng chiếc máy truyền tin PRC25 thường cận kề bên tôi, đã hứng tất cả mảnh đạn thay cho tôi, chiếc máy bể nát và thân hình không còn toàn vẹn, thương cho anh người trai trẻ yêu đời mới 18 tuổi, thích hát cải lương. Đầu ngón tay trỏ bấm đàn guitar, gìờ cũng bị bung ra như nụ hoa huệ, cái móng tay đã bay đâu mất. Còn nữa, tiếng nổ chát chúa cận kề của trái pháo đã làm rách màng nhĩ tai trái, hệ thống thính giác bị dập vỡ, một dòng máu đỏ ứa ra, tôi đã bị điếc một bên, còn tai kia bị ù đi, không còn nghe một âm thanh nào cả, mãi cho đến tháng sau mới bắt đầu nghe được với âm thanh lệch lạc không định hướng. Từng cục thịt vụn và óc cháy đen, khét lẹt quấn chặt vào lọn tóc, quyện xát vào da đầu, tạo lên mùi tanh tưởi nhờn nhợn khiến tôi phải nôn oẹ khi nghĩ đến, sau này Minh Chiến đã dùng alcool cặm cụi vuốt từng lọn tóc, đôi khi phải cắt bỏ từng chùm, làm sạch. Cái mùi đó vẫn theo đuổi ám ảnh tôi đến cả năm sau.

Nằm trong phòng tiếp nhận cùng với nhiều thương binh khác ở các nơi đưa về, suốt đêm tôi không ngủ được vì vết thương hành hạ, máu cứ rỉ ra làm tâm hồn bất an, thêm vào đó, những tiếng gào thét đau đớn của vài người chung quanh, càng làm tinh thần tôi xao động... Nhờ Ban Tiếp Nhận thông báo cho chú tôi ở Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu biết tin, chú tôi đã vội vã chạy vào thăm mang theo thêm chăn mền, quần áo ấm, bố mẹ tôi chắc cũng đã biết tin, hẳn không ai ngủ được vì lo lắng, cũng giống như tôi mong cho trời mau sáng để được gặp lại nhau, mong xóa tan đi nỗi ám ảnh thê lương của đêm dài tối ám, nằm buồn nghĩ đến hoạt cảnh vừa qua, nghĩ đến tương lai cùng nỗi buồn thân phận, một nỗi buồn mông lung và sâu thẳm. Mười hai người?.. Hừm!! Mười hai người chỉ còn mình tôi tương đối được toàn vẹn, thằng Y-Dhuyn cụt tay lủng ruột đưa vào phòng cấp cứu có qua khỏi đêm nay không? Hay cũng cùng chung số phận với 10 người vắn số kia? Kể từ nay thằng Y-Kron không cần năn nỉ xin nghỉ thêm vài ngày phép để về chơi với con vừa chào đời nữa, ngày được vợ cưới xong lại phải quay về đơn vị (dân tộc thiểu số còn giữ phong tục mẫu hệ, đàn bà đi cưới chồng) vợ đến sướt mướt năn nỉ xin được theo chồng cùng ra ở ngoài tiền đồn. Tôi không còn được ăn những miếng thịt kỳ đà, thịt khỉ, cheo, mà mỗi lần săn được mồi, Tám luôn nhớ để phần riêng cho tôi trong loong Guigoz. Không còn được ăn bát canh ngon nấu bằng tổ kiến lửa chua ngọt, và nồi kho đọt mây rừng đắng nghét của Y-NangPac. Không còn nghe nhóc Toản lải nhải hát cải lương "Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài". Và ông Nhài khó tánh, lúc nào cũng cằn nhằn không hài lòng với bất cứ chuyện gì, giờ cũng im hơi lặng tiếng, tất cả đã vào thinh không, đã thay tâm đổi tính ít nói, đã đổi hướng đi. Giả dụ như mảnh đạn đi sâu hơn một phân nữa qua cần cổ của tôi, thì giờ này tôi cũng như họ, nằm xuôi tay gói kín trong mảnh poncho tối tăm, gói kín niềm đau vết thương tuôn trào máu mủ, gói kín kỷ niệm gamen cơm chan đầy nước mưa thay canh rau rừng lạt phách, gói kín lời tôi dự định tỏ tình ước mong ngày cưới mau đến.

Này bạn! Những chiến hữu trẻ của tôi! Tôi cũng cùng một thời khắc, một hoàn cảnh mất mát như các bạn thôi, chỉ khác một chút là tôi còn nhúc nhích cục cựa, còn các bạn thì không! Vậy xin hỏi các bạn có cần tôi giúp điều gì? Nói điều gì?

– Đưa thẻ bài cho gia đình biết tin nhé? Phải nói sao đây lời an ủi? khi vợ con cầm "đồng tiền tử" trên tay tuôn trào nước mắt?

– Có bất mãn hay hài lòng? Có tủi hờn hay hãnh diện khi đã hy sinh cho tổ quốc, được tổ quốc ghi công?

– Có mãn nguyện hay tiếc nuối? Mang căm thù hay tha thứ cho bọn giặc thù tàn ác?

– Ừ! Bọn nó cũng đã chết phanh thây rồi đấy? – Hãy nói đi! Ý bạn thế nào? – Phải làm gì bây giờ? – Sao lại lặng im như thế?

– À! mà cũng phải! Hỏi: là đã sai, mà Trả Lời: lại càng sai hơn nữa.

Cuộc chiến thì quá dài và đời lính của tôi quá ngắn, xung phong đầu quân theo tiếng gọi của non sông, tưởng rằng sẽ được góp phần mau chóng dẹp tan nạn cộng sản, mong có một nền hoà bình vĩnh viễn nơi quê nhà, nào ngờ lại bị loại khỏi vòng chiến một cách lãng nhách, vô duyên, một điều không mong tưởng. Đi hành quân, đi chiếm mục tiêu, mở đường, phục kích, mong đối diện quân thù chiến đấu một phen hào hùng, Nào ngờ, phục kích giặc lại bị lọt phục kích giặc, tôi thẹn thùng với chúng bạn, thẹn với chàng Khánh Bộ Binh, thẹn với thằng Hoàng thằng Khoa Thiết Giáp, thẹn với Tấn Lôi Hổ, thằng Tây "Thẹo" Hải Quân, và cả đứa em Trí đăng lính Nhẩy Dù lúc tuổi chưa đầy 18. Tất cả cùng bỏ trường xung phong đầu quân sau Tết Mậu Thân ngập tràn khói lửa.
Ðồi Chư Cúc bên hồ Eaka

Sáng hôm sau, xe chở tôi về Quân Y Viện Sư Đoàn. Nằm trên băng ca được khiêng vào bệnh xá, tôi đã thấy dáng mẹ, cùng người yêu nhỏ bé đứng chờ trước cửa, tất cả mừng rỡ khi thấy tôi xua tay ra hiệu: "không có sao!" cùng ùa theo vào phòng, kể từ hôm đó Minh Chiến bỗng trở thành y-tá riêng săn sóc đặc biệt cho tôi không quản ngại giờ giấc. Hai cánh chân đều bị băng bó, di chuyển thật khó khăn, mãi hai tuần sau tôi mới tự đi bằng nạng gỗ một mình. Người duy nhất của đơn vị đến thăm tôi trong Quân Y Viện là Thượng Sĩ già Trần Văn Khuy ban hậu cần, ông trao cho tôi tiền lương trong tháng và cho biết cả đơn vị đã lên đường qua Hạ Lào. Ông Khuy là người hay kể và khoe với tôi về đứa con gái yêu quí của ông đang còn ngồi trong trường Trung Học, ông rất quí và mong muốn tôi sẽ là con rể của ông sau này.

Thời gian thấm thoát trôi qua gần một năm, tôi ra trình diện Hội Đồng Giám Định Y Khoa tại Quân Y Viện Banmethuột, nơi đây hiện diện khoảng ba chục thương phế binh, Bác Sĩ Hội Đồng Giám Định gồm có Thiếu Tá Lạng, Đại Úy Phu và một Đại Úy khác tôi không nhớ tên, họ kêu tên từng người, đọc lý lịch hồ sơ bệnh án, xem xét vết thương và đưa ý kiến quyết định:

–Thương binh... số quân... cấp bậc... đơn vị... nhập ngũ ngày... bị thương ngày... hoàn cảnh thương tật hiện tại... đề nghị: thương phế binh loại 2.

– Loại 2.

– Đồng ý loại 2, anh có thắc mắc khiếu nại gì không?

Tôi chống nạng, cầm giấy quyết định về trình diện Trung Tâm Giải Ngũ Quân Khu 2 tại Nha Trang để lập thẻ Thương Phế Binh và nhận hồ sơ giải ngũ. Thương Phế Binh loại 2, loại tàn phế nhẹ có thể tự sinh sống được, không nhận sự cấp dưỡng tàn phế của chính quyền. Tôi đi tìm một công việc để sinh nhai và lập cuộc sống mới, Làm thư ký hành chánh thuế má kiểm lâm cho một công ty xuất nhập cảng gỗ tại Nhơn Cơ - Quảng Đức, tình cờ một hôm vào thị xã Gia Nghĩa - Quảng Đức, gặp lại 2 người lính trước kia cùng trong đại đội Thám Kích 411 cũ, nay lại chuyển qua phục vụ trong ngành truyền tin của Địa Phương Quân, Vượng và Toàn rưng rưng kể lại rằng: sau khi tôi bị thương và một số chiến hữu tử trận bên đồi Chư Cúc, đơn vị tôi được điều động sát nhập cùng 2 đại đội Thám Kích khác qua chiến đấu tại vùng Hạ Lào, đa số trong đơn vị tôi đã chết trong những cuộc giao tranh khốc liệt, một số tử nạn vì phi cơ trực thăng tiếp cứu bị rớt trên đường trở về, quân số còn lại quá ít không đủ tái lập đơn vị cho nên họ đã được thuyên chuyển qua những ngành hoặc đơn vị chủ lực khác, Đại Đội 411 Thám Kích bị xóa tên từ đó.

Tôi bôi hồi xúc động, từng khuôn mặt hiện ra trong trí, điểm danh từng người, từ trái qua phải từ trước ra sau dường như thuộc lòng không sót một ai. Những khuôn mặt tuổi từ 18 cho đến 40, luôn rạng rỡ khi được tôi dậy hát những bài ca hùng tráng. Thích thú cười đùa khi tôi dậy hát Qua Cầu Gió Bay – Lý Khỉ Đột. Tôi thấy tôi cũng đã chết theo mọi người trong đơn vị, tự dặn lòng từ nay lặng câm, sẽ không nhắc đến nữa, cuộc đời binh nghiệp của tôi tan tành sau tiếng nổ đầu tiên. Giờ đây tôi không còn được tiếp tục chiến đấu cho quê hương trực tiếp bằng súng đạn nữa. Có chăng chỉ bằng lời ca tiếng hát đánh thức lương tâm con người. Họa chăng chỉ bằng tiếng đàn xóa tan bạo tàn, hận thù, tủi nhục.

Sau bao ngày tháng, những mảnh đạn như những hạt cát nhỏ trên thân thể đần dần lồi lên mặt da, tôi có thể tự nậy, cào, bấm, nặn ra trong những lần đi tắm, mong gột sạch đi tất cả, bàn chân phải vẫn luôn tê buốt, sưng to - bầm tím, tôi phải dùng những cuộn compress quấn chặt lại giống như những Hoàng Hậu bên Tầu với lệ bó chân cổ xưa, hy vọng nó sẽ nhỏ lại để đi lọt đôi giầy, ngoài ra tôi phải chịu điếc một bên tai, những âm thanh như tiếng ve kêu, mưa đổ suốt ngày đêm không bao giờ dứt. Những mảnh lựu đạn vẫn còn nguyên đó, nó vẫn thỉnh thoảng hành hạ tôi mỗi khi trở trời, nhưng nỗi đau ở vết thương nơi bàn chân vẫn không thể so sánh với nỗi đau trong tâm hồn, nó nằm đó, dồn nén, chờ đợi...

Giữa chốn yên bình và dạt dào hạnh phúc nơi mảnh đất Hòa Lan nhỏ bé đã cưu mang một đời sống mới yên bình, đầy ắp tình yêu nhân loại, tình đồng hương và tình bằng hữu, gia đình. Để tưởng nhớ một thời trai trẻ trong chiến tranh tương tàn, của một quê hương ngàn đời đau khổ mất mát qúa nhiều mà giờ đây vẫn còn tiếp diễn. Để gởi đến những khuôn mặt, những tên gọi trong phạm vi bài viết này, một lời cám ơn trìu mến:

– Nguyễn Đắc Trung - Lê Thị Thúy Yên: Đa tạ tình bạn thanh tao, những chén cơm mặn nồng, một chỗ nằm đầm ấm và để trả lời một câu hỏi đã hứa sẽ trả lời từ năm 1981.
– Minh Chiến: Đã săn sóc và giúp đỡ suốt thời gian nhập Viện 1969, trong những hoàn cảnh thật khó khăn, nhưng mặn nồng quyến luyến..
– Vương Quốc Hòa Lan: Hồi phục quyền làm người trong đất nước tự do, nhân bản thật sự. Sau ca mổ đã giúp tôi mang được "Đôi Hia Bẩy Dặm" để vượt qua miền sa mạc Sahara nóng bỏng, leo lên đỉnh tuyết trắng Zermatt buốt giá, mà không trở ngại gì.

Xin gởi đến những người bạn chiến binh đã khuất với những vết thương không bao giờ kín miệng, đã một thời chia cay xẻ đắng:

– Hạ Sĩ  Lê Văn Tây, Hải Quân HQ10: hy sinh trong Hải trận Hoàng sa 1974.
– Chuẩn Úy Phan Hồ Khánh, Bộ Binh: mất tích trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1974.
– Bác Sĩ Đại Úy Phạm Văn Phu: Qua đời vì bệnh kiết lỵ trong lao tù Suối máu 1979.
– Thượng Sĩ Trần Văn Khuy, Ban Hậu Cứ: qua đời vì bệnh ung thư gan BMT 1971.
– Trung Sĩ Trần Châu, Thiết Giáp: Tử nạn trên đèo Phượng Hoàng 1975
– Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Tuấn, Đề Lô pháo binh: Hy sinh tại quận Buôn Hồ-Daklak 1970.
– Và toàn thể Đại Đội 411 Thám Kích, thuộc Tiểu Đoàn 23 Tổng Hành Dinh Sư Đoàn 23 Bộ Binh: Những chiến hữu đã mến thương tôì, cũng là những người tôi hằng qúi mến nay đã nghìn trùng xa cách, với một niềm nhớ khôn nguôi, một nỗi đau không dứt, một tình thương trải rộng và một tiếc nuối vô bờ...

"Một giọt nước mắt này
Thương gởi về nơi ấy
Cứ vui và hãy nhận
Làm quà tặng chia tay".

Nguyễn Quyết Thắng
(Hồi Ký Đời Chiến Binh)


Cái Đình - 2013