Thanh Tâm


Đặc Biệt Chưa Từng Biết – Kế hoạch thực hiện tài liệu bằng phim về người tị nạn

 

Tiffany Pham và một số phỏng vấn viên

 

“Ongekend Bijzonder” – (Chuyện) Đặc Biệt Chưa Từng Biết, với chủ đề là “tìm nguồn cảm hứng” cho một kế hoạch cho người tị nạn ở Hòa Lan đủ sức hấp dẫn tôi ghi tên tham dự buổi hột thảo chiều ngày thứ sáu 24/10/2014 tại Planetarium, Amsterdam.

Thực ra, một phần cũng do hội đoàn đứng tổ chức – BMP (Bevordering Maatschappelijk Participatie – Khuyến Khích Tham Gia Xã Hội), mà đôi lần tôi có dịp tiếp xúc, đã cho tôi một ấn tượng tốt khi nhận thông báo qua một người bạn.

May mắn, tôi gặp vài người từng quen biết, và gặp lại bà Saskia Moerbeek, hiện là chủ tịch BMP. Sau 10 năm kể từ lần gặp nhau cuối cùng trong một buổi hội thảo, rất lạ là bà nhận ra tôi liền. Tôi nhớ là khi đó, vào năm 2005, BMP đã cho ra mắt một tập sách cùng tên – Ongekend Bijzonder – với 6 mẩu chuyện về những vị cao tuổi, trong số đó có một người Việt. Tôi hỏi bà Saskia, phải chăng buổi hôm nay là một tiếp nối của kế hoạch mười năm trước đó. Nhưng bà cho biết không hẳn vậy, lần này là một kế hoạch “mới” hoàn toàn. Đương nhiên, tôi đã nghĩ như vậy, bởi lần này là cho người tị nạn, và điều đó cũng có nghĩa là phần lớn những người trong buổi chiều này, luôn cả tôi nữa, là những người từ tứ xứ tới. Chẳng cần ai chỉ bảo, chỉ nhìn dáng vẻ, nghe tiếng nói chuyện cũng đủ biết đây là một thế giới thu nhỏ.

Không hẳn thế. Khi nhìn quanh, trong số gần trăm người trong phòng tiếp đón đang uống cà-phê, ăn bữa trưa nhẹ…, tôi chợt nhận ra sự thay đổi trong thành phần “người tị nạn” theo chuỗi thời gian mấy chục năm qua. Làn sóng thuyền nhân Việt Nam đã lắng từ lâu, lớp người chạy từ những xứ Đông Âu khi chế độ cộng sản sụp đổ hàng loạt chắc cũng đã “êm ấm cửa nhà”, nên một số đông người tham dự buổi hội thảo chiều nay là những người từ những quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, Nam Phi…, những xứ hiện đang là điểm nóng trên thế giới. Thật là kỳ diệu khi chỉ nhìn vóc dáng, nghe tiếng nói là có thể khoanh vùng lập tức.

Tôi được cô Tiffany Phạm tiếp chuyện, cô là một trong những cộng tác viên cho “kế hoạch” lần này của BMP. Cũng nhờ thoát rào cản ngôn ngữ, tôi nhanh chóng được biết là BMP đang thực hiện một dự án thực hiện một kho dữ kiện về người tị nạn trong xã hội Hòa Lan qua những cuộc phỏng vấn thu hình. Cũng nhờ được chuẩn bị trước như vậy, tôi đã hiểu ngay qua những lời giới thiệu cho buổi hội luận. Trước đây, Hòa Lan đã có những đợt di dân, tị nạn lớn như những người Hugenoten vào thế kỷ 16, những người Bỉ sau thế chiến I (cả nửa triệu người!), rồi người Do Thái, Indonesia (cũng khoảng nửa triệu)… Trong những đợt di dân lớn như thế, đã có nhiều sách vở, tài liệu… viết về họ, và sau này có phim ảnh v.v… Nhưng vấn đề tị nạn hiện nay phức tạp hơn vì nó đan xen giữa những quốc gia với nhau. Còn kỹ thuật đã tiến sang giai đoạn số thay chữ, màn hình computer/tablet thay sách. BMP vì thế nảy ra ý định làm một số phim ghi lại câu chuyện cuộc đời của những người tị nạn trong 4 thành phố lớn của Hòa Lan (Amsterdam, Den Haag, Rotterdam và Utrecht). Con số dự trù là 200 khúc phim, chia đều ra cho bốn thành phố. Phim sẽ được lưu giữ trong kho tài liệu của những thành phố và BMP, những tài liệu này sẽ chỉ dành cho những người nghiên cứu tham khảo. Công trình được tài trợ bởi Quỹ Fonds 21 và Quỹ Người Tị Nạn Âu Châu, cùng sự giúp đỡ phương tiện của thành phố Amsterdam và Utrecht.

Thành phố Utrecht được giao cho việc thực hiện những khúc phim về câu chuyện cuộc đời của 4 sắc dân, trong đó có Việt Nam (người Việt tị nạn sống tại Utrecht và vùng phụ cận).

Trong phần giới thiệu, BMP cũng trình bày phương pháp làm việc, cách thức phỏng vấn, việc huấn luyện những chuyên viên phỏng vấn về kỹ thuật hỏi và quay phim video, thực hiện tài liệu v.v… Để có ý niệm cuộc phỏng vấn diễn tiến ra sao, tôi được mời tham dự một cuộc phỏng vấn tiêu biểu, cùng 15 người nữa. Những người còn lại được sắp xếp vào những nhóm hội luận với những chủ đề khác nhau.

May mắn, Tiffany Phạm được xếp vào trong nhóm của tôi để làm công việc hướng dẫn. Trong những buổi hội thảo, có đồng hương bên cạnh bao giờ cũng ấm lòng. “Nạn nhân” là một anh chàng người Irak. Người phỏng vấn là cô Ferdows Kazemi. Cuộc phỏng vấn lấy hứng từ một kỷ vật yêu quí mà người tị nạn mang theo. Thật hồi hộp, vì trong trường hợp của tôi, khi chuẩn bị xuống bãi, tôi đã vơ vội một số đồ đạc tùy thân, nhưng qua nhiều trận sóng gió mọi người đã phải quăng hết mọi vật dụng, cho nên cuối cùng tôi chẳng có gì gọi là “vật yêu quý mang theo”. Anh chàng Irak này mang theo gì đây nhỉ?

Thì ra đó là một tấm hình quê anh. Anh tên Baban Kirkuki. Anh không hẳn là dân Irak, mà là người Koerd. Koerd (cũng như Do Thái khi xưa) là một giống dân bị nhiều quốc gia không ưa vì mộng gây lại một xứ sở riêng cho họ. Baban là tên một dòng vua lớn ở vùng đó vào thế kỷ 18, còn Kirkuk gợi cho mọi người nhớ ngay đến thành phố ở Irak mà những toán quân Liên Hiệp Quốc đã được gởi đến để giữ an ninh. Cha mẹ anh hẳn đã gửi gấm những gì tôn kính thân thương của vùng đất thân yêu vào tên người con trai. Nhưng người Koerd ở Irak vừa chịu liên tiếp hai cuộc chiến tranh: ngoại xâm do Iran khơi nên, sau đó là nội chiến thời Saddam Hussein. Tất cả chỉ vì người ta tìm thấy dầu hỏa ở Kirkuk. Baban rời Kirkuk mang theo tấm ảnh chụp con sông Khasa kết liền với tuổi thơ. Tấm ảnh đã cho anh cảm hứng để làm nên những bài thơ về quê hương. “Có những lần đi dọc con kinh Oudegracht ở Utrecht mà tôi nhớ sông Khasa vô cùng, nơi ngày xưa tôi chơi đùa với những bạn cùng tuổi, bơi lội, đi dạo, ăn uống… mọi sinh hoạt đều gắn liền với con sông này”, anh nói trong xúc động. Tôi chợt nhớ tới một chuyến du lịch tại Úc, khi đi đò trên dòng sông Parramatta, cảnh sông nước, nhà cửa hai bên… sao nó giống hình ảnh quê tôi chi lạ. Hay đó chỉ là quê trong trí tưởng tượng của người lưu vong chăng, vì tôi cũng như bạn, dù tìm mỏi mắt cũng không thể nhận ra một nét nào giống nhau giữa con kinh Oudegracht và bất cứ con sông nào trên thế giới, ngoại trừ nước, những thuyền bè và quán xá hai bên bờ.

Trong suốt cuộc phỏng vấn dài 30 phút, anh đã nói về tuổi thơ, chiến tranh, chặng đường tị nạn và những gì anh làm trong suốt 25 năm ở Hòa Lan. Trong câu chuyện, anh cũng bày tỏ nhiều cảm nghĩ về nước Hòa Lan và người dân ở đây. Có điều lý thú là anh thấy vài sự khác biệt quá xa trong phong tục tập quán. Thí dụ khi dự đám tang, người Hòa Lan ăn mặc trịnh trọng và cố gắng để không biểu lộ tình cảm thương nhớ ra ngoài mặt, trong khi ở xứ anh người ta khóc than thả giàn khi đi đám ma. Kỳ quá và không hiểu được, anh nói, nhưng phải chấp nhận, phải tập làm quen thôi, cũng như anh phải làm quen với chuyện ở Hòa Lan khi đến thăm ai thì không được tự ý xuống bếp mở tủ lạnh lấy đồ ăn thức uống như anh từng quen bên ấy.

Ở Hòa Lan, anh đã chuyển tâm tư của mình thành những vần thơ, đã có 4 tập thơ được xuất bản mà anh mang theo cho mọi người xem. Khi được hỏi là anh viết những bài thơ bằng ngôn ngữ nào, anh cho biết là phần lớn bằng tiếng Hòa Lan, vì ngoài chuyện có thể phổ biến rộng rãi, những bài thơ tiếng Hòa Lan sẽ có tác dụng mạnh hơn. À, tôi học được một điều hay từ anh: những bài văn viết bằng tiếng Việt Nam của tôi chắc cũng chẳng có tác dụng bao nhiêu đối với người Việt, vì sự thực tôi chỉ là con bò đang nhai lại không ít thì nhiều những điều hàng trăm hàng ngàn hàng chục ngàn… người Việt tị nạn đã viết và nhai đi nhai lại từ bốn chục năm nay. Nhưng nói cho ngay: viết tiếng Hòa Lan không dễ.

Cuộc phỏng vấn “tượng trưng” đã cho những người tham dự một ý niệm những gì sẽ chờ đón họ nếu họ đồng ý cho nhóm công tác tiếp xúc thực hiện phỏng vấn. Có người thắc mắc là cuộc đời của một số người tị nạn có thể sẽ rất đơn giản: chạy trốn rồi hàng ngày đi làm, mong chờ ngày trở về hay mong mỏi một đời sống khá hơn nơi đất người. Phỏng vấn những người này chỉ cho một câu chuyện nhàm chán? Nhưng theo bà đại diện các phỏng vấn viên, trong khóa học sáu tháng, toán làm công tác này đã được huấn luyện về cách “khơi chuyện”. Cuộc đời bất kỳ người nào cũng có những mặt lý thú của nó, chỉ có điều làm sao khơi dậy được chúng mà thôi.

Trong một nhóm hội luận khác, những người tham dự đã kể sơ lược về “vật yêu quý” của họ. Rất ngạc nhiên khi thấy là hơn một nửa trong số này cho biết hình ảnh gia đình hay người thân là kỷ vật họ mang theo và luôn trân quý. Cũng có người mang theo chiếc đồng hồ, người khác mang theo một bức tượng… Qua vài câu tóm tắt, người ta hình dung ra ngay cả một khoảng đời thân thương trong mỗi người. Một bà người Bosnië hiện sống ở Amsterdam say mê kể về chiếc hộp đựng bộ đồ nghề pha cà-phê gọn nhẹ khi trước gia đình bà vẫn dùng khi leo núi ở quê nhà, và hiện nay bà vẫn mang theo mỗi khi đi dạo.

Monir Goran, nhạc sĩ người Koerd –– Baran Kirkuki và Tiffany Phạm trong cuộc phỏng vấn

Những tiết mục văn nghệ: hát, múa, kịch… xen kẽ đã mang lại những nét sống động cho buổi giới thiệu kế hoạch “Đặc biệt chưa từng biết”. Tôi đặc biệt chú ý đến màn trình diễn những bài hát của người Koerd qua guitar và đàn ūd của anh Monir Goran, những bài hát mang phần nào âm hưởng nhạc Việt. Màn diễn lại cảnh đắn đo phải mang theo những vật dụng gì trong cuộc chạy trốn cũng rất cảm động khi thấy, qua diễn viên, những cân nhắc mang vật này, bỏ vật khác lại. Thứ nào cũng quý, thứ nào cũng cần, nhưng biết làm sao nhét vừa chiếc túi nhỏ. Nhiều khi, như trong trường hợp riêng mình, tôi cũng đã đắn đo bàn tính nhiều ngày, lấy ra rồi lại thêm vào, để cuối cùng, trong một thoáng chốc, tất cả phải bỏ lại hết trên đường vượt biển.

Trong phần tiếp xúc cuối buổi, tôi hỏi Tiffany Phạm về những người Việt cô đã hay sẽ phỏng vấn. Tiffany cho biết cô đã tìm được vài người và phỏng vấn họ. Việc tìm ra người chịu cho phỏng vấn một hai tiếng đồng hồ bằng tiếng Hòa Lan không phải dễ dàng. Cô nói việc chiếm nhiều thời gian nhất là phải ghi lại toàn bộ câu chuyện ra giấy, chính xác từng chữ. Đúng là “việc của thầy tu” (monnikenwerk), tôi vừa nghe đã ớn. Nhưng cô cho biết là với kỹ thuật Wave, người ta có thể cho máy tự động ngắt thành từng đoạn vài giây đồng hồ, tuy nhiên đó vẫn là một công việc rất tốn công sức. Khi từ giã, tôi chỉ biết chúc cô thành công trong công tác, sẽ phải đúc kết trong năm 2015, và hứa sẽ tìm cách giúp cô tiếp cận những người Việt trong vùng Utrecht. Tôi nghĩ biết đâu Tiffany đang “chấm” tôi như là một đối tượng sẽ phỏng vấn.

Thanh Tâm
(10/2014)

Website BMP: http://www.stichtingbmp.nl/cms/

 


Cái Đình - 2014