Cái Đình


Hội ngộ cùng thuyền trưởng tàu Neddrill 2

Helmond, 10.02.2018.- Khoảng 100 người thuộc các gia đình thuyền nhân đã được tàu Neddrill 2 cứu giúp vào tháng 06/1979 và một số thân hữu đã có dịp gặp lại ông Han de Jong, cựu thuyền trưởng Neddrill 2 trong một buổi tiệc hội ngộ và tạ ơn vị thuyền trưởng tốt bụng này, được tổ chức tại nhà thờ Paulus (Helmond) trưa ngày 10.02.2018.

Các thuyền nhân này thuộc hai chuyến ghe vượt biên, một ghe đi chui, thường gọi là ghe “63 người” đi từ Phước Hòa (Vũng Tàu) và một ghe đi bán chính thức, thường được gọi là ghe “Long An” (do mang số đăng ký LA9127). Cả hai chiếc ghe đã được tàu giàn khoan Neddrill 2 cứu, cách nhau vài ngày.

Câu chuyện hai chiếc ghe vượt biên này, nếu đi vào chi tiết, là cả một tấn kịch trải dài gần một thập niên, bao gồm số mạng, rủi ro, đấu trí, tình người đối đầu với thủ đoạn, và bao trùm lên hết, là sự may mắn.

Cả hai chiếc ghe ra khơi giữa cơn bão lên tới cấp 8, cấp 9, với những đợt sóng dữ dội. Chiếc ghe “63 người” đi chui may mắn lọt khỏi con mắt canh chừng của vòng đai kiểm soát của VN (do có bão lớn nên các tàu hải quân CS đã được điều về Vũng Tàu tránh bão) để cặp vào tàu giàn khoan Neddrill 2 vào ngày 20/06/1979 và đã được ông thuyền trưởng Han de Jong mở lòng cứu giúp, cho lên tàu ẩn nấp. Neddrill 2 là tàu khoan dầu Hòa Lan, do công ty liên doanh Việt Nam-Tây Đức Deminex thuê mướn với mục đích khoan thăm dò dầu theo hợp đồng với Việt Nam. Deminex hứa sẽ thu xếp cho họ theo một chuyến tàu đến Singapore xin tị nạn.

Ba ngày sau, chiếc ghe “Long An” với hơn 300 người đi bán chính thức cũng áp được vào tàu Neddrill 2 trong tình trạng ghe bị hư hại nặng nề và cuối cùng lật úp khiến một phần tư số thuyền nhân chết đuối ngay trước những con mắt bất lực của nhân viên trên Neddrill 2 (ghi chú: lúc này tàu Neddrill 2 đã thay thuyền trưởng mới, là ông Cees Hoek).

Con số thuyền nhân quá đông đã động đến nhà nước Việt Nam. Họ yêu sách Neddrill và Deminex phải cho Việt Nam dẫn giải toàn bộ các thuyền nhân về lại. Sau nhiều lần giàn xếp, cuối cùng Việt Nam đồng ý để Deminex mua một chiếc tàu của Việt Nam cho tất cả mọi người có thể tiếp tục ra đi, và Deminex cử một chiếc tàu để hộ tống con tàu chở thuyền nhân tới vùng an toàn.

Tuy nhiên, khi mọi người vào hải phận quốc tế, một lực lượng hùng hậu tàu chiến Việt Nam đã dàn đội hình, dùng đại bác bắn uy hiếp, đâm ngang tàu để khống chế và cắt đứt dây chão nối với tàu hộ tống khiến họ không thể nào tiến thêm được. Chiếc tàu bị kéo về Việt Nam, Deminex mất trắng con tàu vừa mua. Nhóm 63 người trên ghe đi chui liền bị tách riêng và tống lập tức vào khám đường Tiền Giang ngay khi cặp cảng với những tội danh: nghi ngờ trốn trại học tập, hoạt động cho CIA, vượt biên bất hợp pháp v.v... Trong khi đó, nhóm đi bán chính thức của ghe Long An được đưa vào một trường học đang nghỉ hè, và được hưởng quy chế tạm trú chờ giải pháp, chiếu theo thỏa thuận mà các quốc gia trong vùng vừa ký tại Geneva về vấn đề thuyền nhân. Kết quả là tất cả – gần 250 – thuyền nhân của ghe này đã được lên đường định cư tại Hòa Lan và Đức (trừ 1 người vì tên trong danh sách ghi không rõ – anh này sau 8 năm khiếu nại đã được chấp thuận cho định cư ở Hòa Lan). Với các thuyền nhân “đi chui” của chiếc ghe “63 người”, mọi chuyện tưởng như tuyệt vọng.

May mắn, những người đại diện chiếc ghe trước đó đã lập danh sách chi tiết các thuyền nhân để giao cho Neddrill 2, và họ đã rất tích cực vận động bằng đủ mọi cách gởi văn thư trình bày đến Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, các giới chức ở Hòa Lan cùng những tòa đại sứ Hòa Lan ở Ý, Pháp, Hoa Kỳ…, và cả ở Việt Nam để kêu cứu về tình trạng các thuyền nhân này. Trong thời gian đó, Cộng sản Việt Nam đã dùng những thủ đoạn không thể tưởng để cố xóa những cách đối xử man rợ với các thuyền nhân, như chối bay chối biến về danh sách thuyền nhân của chiếc ghe, hay gian trá ngụy tạo là những người này đã thay đổi địa chỉ hoặc không muốn rời Việt Nam nữa v.v…. Tuy nhiên, sự can thiệp tích cực từ khắp nơi, cộng thêm sự cộng tác của những người trong thủy thủ đoàn Neddrill 2 cuối cùng đã đưa đến kết quả – sau 9 năm dài giữa tuyệt vọng và hy vọng – là những người thuộc ghe “63 người” vào năm 1988, đã được chấp nhận cho định cư ở Hòa Lan.

Rồi trong một tình cờ, ông Han de Jong, thuyền trưởng tàu Neddrill 2 thuở trước, gần đây đã bắt liên lạc được với cô Hồng Khanh, thuộc thế hệ thứ 2, là con của một thuyền nhân trên chiếc ghe “63 người”. Từ đó một số người thuộc hai chiếc ghe vượt biên đã có ý định tổ chức buổi hội ngộ nói trên, để họ có cơ hội gặp nhau, và nhất là để cám ơn vị thuyền trưởng tốt bụng.

Buổi hội ngộ, với sự có mặt của ông Han và hai người con gái, đã diễn ra trong một bầu không khí thân mật. Sự biết ơn không thể diễn tả hết bằng lời, được biểu tượng bằng một bảng ghi ơn với hình chụp tượng đài thuyền nhân ở Hòa Lan. Ông Đinh Đức Quyết, đại diện nhóm ghe “63 người” đã phát biểu: “…tôi xin chuyển lời tri ân sâu xa dẫu muộn màng của tất cả chúng tôi đến Ông, người đã nhân đạo ra tay cứu vớt chúng tôi trong cơn bão tố khủng khiếp ngày 20-06-1979 tại Pacific Ocean. Cũng như Ông đã cho phép tôi trực tiếp gặp Ông để trình bày hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó…

Các gia đình đã lần lượt đứng chụp hình chung với ông Han – trong số này chắc chắn phần lớn đây là lần cuối họ thấy mặt vị thuyền trưởng 82 tuổi. Mọi người sau đó đã cùng nhau dùng bữa cơm trưa Việt Nam và hàn huyên chuyện cũ.

Buổi hội ngộ được điều hợp bởi ông Đinh Đức Quyết, trái (phần tiếng Việt) và cô Hồng Khanh, phải (phần tiếng HL)

.

Cái Đình
Hình ảnh: Jimmy Israel & Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2018