Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Trung Quốc trở thành chủ nhân trên Biển Ɖông

90 phần trăm Biển Ɖông (1) là của chúng tôi, Bắc Kinh đã giành chủ quyền như thế. Ɖiều đó cũng dần dần trở thành hiện thực. Bằng “trò chơi chiếm đất”  trắng trợn. – Marije Vlaskamp.

 

Người Việt Nam không còn ngăn chận các ngư phủ Trung Quốc từ Tanmen  nữa. “Cách đây ba năm họ còn bắn vào những chiếc thuyền phát xuất từ làng của chúng tôi”, một ngư dân trên một hải cảng nhỏ của đảo Hải Nam ở Biển Ɖông đã nói. “Bây giờ họ sợ Trung Quốc”. Với đôi  bàn tay đen sậm ông đã móc ra bộ đồ lòng từ những con mực trong một túi giữ lạnh.

“Ɖám mực lớn này tôi bắt được ở Palau. Vùng biển của chúng tôi đã bị lưới cạn sạch cá, vậy cho nên tôi đi về hướng Nam Dương, Phi Luật Tân, biển Nam Thái Bình Dương. Không ai dám cả gan ngăn cản một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc.”

Nhiều thế kỷ qua cư dân của Tanmen là những ngư phủ bình thường – hay là những người săn bắt trộm, bởi vì ở nơi đây chẳng ai làm khó dễ gì về việc những con rùa biển được bảo vệ nằm trong lưới. Kể từ tháng 4 năm 2013 lại càng có nhiểu ngư dân hơn: họ được công khai vinh danh là “đội tiền phong kiên cường bảo vệ chủ quyền hằng bao thế kỷ của Trung Quốc trên Biển Ɖông.”

Nơi đây trên bến cảng chủ tịch nước Xi Jinping đã công nhận việc gạt bỏ đi những lằn ranh của lãnh hải Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử. Giờ đây cứ mỗi một trăm thước những bảng gỗ được đóng chặt vội vã vào trong đất minh chứng sự kiện rằng ngư dân Tamen như là “một nhóm người duy nhất trong lịch sử thế giới đã đánh cá không hề gián đoạn trên Biển Ɖông.“

Trên nền tảng của lịch sử đó và các bản đổ cổ Bắc Kinh cho rằng 90 phần trăm của 3,5 triệu cây số vuông hải phận Ɖông Nam Á là lãnh hải Trung Quốc. Cái gọi là “ranh giới 9 điểm” đã đánh dấu sát rạt vào bờ biển của Việt Nam, Phi Luật Tân, Ɖài Loan, Mã Lai, Brunei và các quốc gia này lại cũng đòi hỏi chủ quyền trên những phần biển. Hải phận này chiếm khoảng mười phần trăm hài sản đánh bắt được của toàn thế giới, ở đáy biển lại có dầu khí và ngoài ra đây cũng là những hải lộ quốc tế quan trọng nhất của tàu bè: nơi đây lưu thông phân nửa số lượng của các tàu vận tải trên thế giới.

Vùng chiến lược nầy tuy nhiên đã trở thành sân khấu của một cuộc chiến tranh thầm lặng từ nhiều năm mà Trung Quốc sẽ dần dần thắng trận mà không cần phải chiến đấu. Chiến lược của Bắc Kinh cũng y hệt như các quốc gia khác: chiếm những vùng biển và tìm cách để chiếm giữ lâu dài. Cũng như thế hải quân Phi Luật Tân canh giữ biển trong một chiếc tàu rỉ sét tàn tạ. Việt Nam cắm những lá cờ trên những mỏm đá, càng nhiều càng tốt. Nhưng người Trung Quốc thì có mặt khắp nơi và có nhiều tiền của hơn cho những phương tiện càng ngày càng tốt hơn so với các quốc gia khác ở Ɖông Nam Á. Chỉ một mình lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đã lớn hơn các lực lượng của Nhật, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương và Phi Luật Tân nhập lại và đoàn thuyền đánh cá của Trung Quốc hiện giờ lớn nhất thế giới.

Sự xung đột dai dẳng ở Biển Ɖông không thể thấy được và cũng không thể thấu suốt được. Từ không gian các vệ tinh ghi nhận sự xây dựng những hải đảo Trung Quốc hoàn chỉnh, trên biển những người hải hành nhìn thấy Bắc Kinh đã  tăng cường thêm sự hiện diện Trung Quốc mỗi lần thêm một ít như thế nào. Ɖôi khi có những đụng độ nhau. Các thuyền đánh cá Trung Quốc và Việt Nam đâm xả vào nhau hay hải quân Phi Luật Tân đã bắn trực xạ và mọi người đều ý thức sự nguy hiểm về một xung đột nghiêm trọng trên biển sẽ lớn lao và sẽ làm đảo lộn các tương quan ở toàn Á Châu như thế nào.

Loại sò khổng lồ

Các vảy cá lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời ở Tanmen. Du khách tản bộ qua bốn trăm cửa hàng bán các đồ vật kỷ niệm giống nhau. Các món này đều được làm bằng các loại sò khổng lồ (2). Giết chết những con sò sống lâu hàng trăm năm và sau đó mài giũa vỏ sò để làm thành các… tượng Phật nhỏ bé bán đắt tiển là điều bất hợp pháp. Nhưng đó chỉ là chuyện phụ ở Tanmen, nơi mọi người đều bận tâm  đến việc cung cấp vật liệu và thực phẩm cho mặt trận trên biển của Biển Ɖông. Những thùng đựng vật liệu để xây dựng các đảo nhân tạo và thực phẩm cho các đội tuần duyên và hải quân được đưa ra khơi từ Tanmen. Công nghiệp đánh cá của Trung Quốc đã được tổ chức thành các lực lượng bán quân sự ở khắp nơi dọc theo bờ biển phía nam. Họ hoạt động thận trọng hơn hải quân hay tuần duyện. “Trong y phục ngụy trang họ là quân đội, cởi bỏ y phục ngụy trang, họ là những ngư dân hiền lương”, theo sự mô tả của Nhật Báo Quân Ɖội Nhân Dân Giải Phóng.

Không tên tuổi và không hình ảnh ở Tanmen. Ɖó là vấn đề nhạy cảm để nói về nó. Nhưng nếu ẩn danh thì những “ngư dân hiền lương” này chịu mở ra trang sách về cuộc chiến trên biển. Họ chửi rủa các đồng nghiệp Việt Nam và những người này cũng đang thực hiện chiến tranh du kích trên biển. Ngoài ra ngư dân Việt Nam có vũ khí trên thuyền. Nhưng do tàu có tốc độ nhanh hơn và lại được tài trợ nhiên liệu của nhà nước, những ngư dân Trung Quốc sẽ chiến thắng trong thời gian dài: họ càng lúc càng xâm nhập vào sâu hơn trong các vùng biển ở Ɖông Nam Á.

“Chúng tôi báo cáo với với lực lượng hải quân đang hiện diện trong quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi kêu gọi họ và họ có mặt ngay.” Vào năm rồi tàu đánh cá bằng lưới rà của họ đã nhận được một biến thể của hệ thống GPS theo kiểu Trung Quốc, một hệ thống điều hướng và định vị của Beidou. Hệ thống này nối liền liên lạc với hải quân và tuần duyên. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Beidou đã được trang bị cho khoảng 50.000 tàu đánh cá. Ở Tanmen nhà nước trả cho họ 80% các phí tổn. “Việt Nam và Phi Luật Tân đều biết rõ về hệ thống Beidou, nên họ tránh xa chúng tôi trong khoảng thời gian sau nầy.”

Những người nước ngoài không được cùng tham dự cuộc du lịch yêu nước trong bốn ngày bằng tàu, khởi hành từ địa điểm nghỉ mát Sanya. “Bạn cũng chẳng bỏ lỡ  điều gì đặc biệt. Câu cá, lặn và bơi lội, mỗi thứ một chút”, một tham dự viên đã tóm tắt về  chuyến đi. Ɖiểm lu lịch là một thị xã Trung Quốc đang còn gây ra nhiều tranh cãi: Sansha (Tam Sa) trong quần đảo Hoàng Sa. Một thành phố hoàn toàn mới đã được xây dựng vào năm 2012 trên một mảng san hô với chi phí gần bốn tỷ Mỹ kim. Nơi đây hiện có một ngàn người đang sinh sống cộng với các đơn vị quân đội đồn trú được bao quanh bởi hai triệu cây số vuông biển. Du khách đi đến bằng tàu, hàng trăm người cùng lúc. Việt Nam và Phi Luật Tân vô cùng bực bội về các chuyến du lịch bằng tàu nầy: ngay khi những người Trung Quốc tấp vào nơi nào, họ tự động biến khu vực đó trở thành một phần của “lãnh thổ lịch sử.”

Sau chuyến viếng thăm của Xi Yinping, Tanmen đã vội vả xây dựng thêm một bến cảng mới cho các tàu đánh cá có lưới rà to lớn hơn. Các tàu này càng lúc càng nhiều, bởi vì ai mua một chiếc tàu 80 tấn, sẽ nhận được trợ cấp tài chánh của nhà nước. Theo một website của địa phương, Tanmen phải trở thành một căn cứ xuất phát cho tất cả các tàu thuyền  đánh cá ở vùng Ɖông Nam Á. Hiện giờ nơi có 31 ngàn cư dân vẫn đang còn thiếu thủy thủ đoàn.

Trên bến cảng mới được thiết lập đông nghẹt những nhân công được thuê mướn, những người đàn ông đến từ lục địa lần đầu tiên trong cuộc đời nếm được nước biển mặn. Họ có đầy dẫy tự tin. “Tiền rừng bạc biển nằm ở nơi này và không ai có thể làm gì được chúng tôi.” Họ chỉ vào một tấm bảng lớn với chân dung của Xi Jinping và lời tuyên bố của ông về chủ quyền lịch sử. Bốn ngọn đèn pha chiếu vào làm cho nó trở nên một cột mốc làm hiệu trên biển vào ban đêm.

Nguyên tác : China Wordt Baas in Zuid-Chinese Zee ( De Volkskrant, 11-04-2015).
Tác giả: Marije Vlaskamp.
Chuyển ngữ: Nguyễn Thị Quỳnh Anh

______________________________

Chú thích (NTQA):

(1) Tác giả bài viết sử dụng từ Zuid-Chinese Zee (South China Sea), người dịch dùng từ Biển Ɖông để dịch cụm từ này.

(2) Sò Tricdagna gigas thuộc gia đình Caediidea. Vỏ sò rất lớn có màu trắng hay nâu, thường được dùng làm các bể nước cho nghi lễ thánh tẩy (rửa tội) trong các giáo đường.

 


Cái Đình - 2015