KimKhanh & Nguyễn-Lê-Hiếu


Vua Gia-Long

   

Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp.
(Nguồn tài liệu thư viện Pháp)

Mỗi dân-tộc có những niềm hãnh-diện và kỷ-niệm riêng của mình. Ngày nay, hễ gọi nhau là đồng-bào, nhớ ngay đến Mẹ Âu-cơ sinh ra cái túi đựng trăm trứng. Khi kể con Rồng cháu Tiên là nghĩ đến tổ Lạc-long. Sông Bạch-Đằng khiến ta nhớ chiến công của Ngô-Quyền và Trần-Hưng-Đạo đã cho đóng cọc trong lòng sông vào lúc thủy-triều nước thấp, dử địch vào lúc nước cao để cho thuyền địch mắc kẹt. Mười năm kháng-chiến, ba lần lui về Chí-Linh, chuyện Lê-Lợi. Áo bào xám vì thuốc súng khi vào Thăng-long, chuyện Quang-Trung. Nhưng lịch-sử cũng có khi không công-bằng, lại còn dễ quên. Từ bé học câu nước Việt-Nam hình chữ S nhưng ít ai nhớ người đã tạo nên hai hình mũi cong của chữ S đó là ai. Câu cửa miệng từ Ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu quen-thuộc, nhưng cũng ít ai nhớ câu đó có từ thời nào, ai đã tạo nên cảnh đó. Do đó, hôm nay xin tản-mạn về vua Gia-long.

Tóm-tắt sự-nghiệp

Vua sinh năm Nhâm-ngọ, tên là Ánh, con thứ ba của hoàng-tử Nguyễn-Phúc-Côn, lúc đó là con lớn còn lại của chúa Võ-vương. Lúc trước, Võ-vương có lập Phúc-Hạo làm thế-tử nhưng Hạo mất sớm, còn lại một con trai là Phúc-Dương. Hoàng-trưởng-tử Phúc-Chương cũng đã mất; Phúc-Côn là con thứ lớn nhất, tính được nối ngôi chúa. Loạn-thần là Trương-Phúc-Loan gạt ra, bắt giam mà lập con nhỏ của chúa Võ-vương mới lên 11 tuổi hiệu Định-vương.  Phúc-Côn bị bắt, khi thả ra thì buồn mà mất. Lúc đó, Ánh lên 4 tuổi, còn hai người anh. Mấy anh em mồ côi được nuôi trong phủ Chúa. (1)

Năm Giáp-ngọ (1774), lúc Vua khoảng mười-bốn, Đàng Trong có loạn lớn, bên trong Tây-sơn nổi dậy, bên ngoài quân Trịnh xâm đánh; chúa Định-vương mang mấy cháu đi trốn. Năm 1776, Vua lúc đó mười-sáu, chiêu-phục được binh Đông-sơn. Cuối năm 1776, Chúa Định-vương truyền ngôi cho Hoàng-tôn-Dương hiệu là Tân-Chính-vương, mình rút về làm Thái-thượng-vương. Anh em Phúc-Đồng Phúc-Ánh đi theo Thái-thượng-vương. Năm sau, Đinh-dậu (1777) quân Tây-sơn vào, bắt giết cả hai chúa Tân-chính-vương và Thái-thượng-vương. Anh Phúc-Ánh là Phúc-Đồng cũng bị giết lúc đó. (2) Quân Đàng Trong tưởng như rắn không đầu. Năm sau, Mậu-tuất (1778), Đỗ-Thành-Nhơn và các tướng tôn nhà vua làm Nguyên-soái tạm quyền việc nước. Năm Canh-tý (1780) lên ngôi vua. (3) Sau hơn hai chục năm chinh-chiến chống quân Tây-sơn; khi thua chạy ra biển, trốn-tránh bên Xiêm, lập liên-minh quốc-tế; khi thắng, trở lại Sài-gòn, đánh đuổi quân Tây-sơn, bảo-hộ nước Chân-lạp. Tranh-chiến dằng co, vào sinh ra tử, không ngại gian-nan, bền lòng vững chí, rút cuộc Ngài toàn thắng, chiếm Huế khôi-phục Đàng Trong. Rồi tiến ra Thăng-long, thu thiên-hạ bắc nam về một mối; xát-nhập Đàng Ngoài và Đàng Trong thành một đế-quốc hùng-mạnh đầu thế-kỷ thứ 19, nhìn ra Thái-bình-dương ở phía đông, bờ biển hai hình cong họp thành chữ S. Từ đó nước ta mới kéo dài từ Ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. 1802 lên làm hoàng-đế, trị-vì 18 năm, băng năm 1820. Đây là những sự-kiện chính về vua Gia-long. Sách-sử đời sau ghi lại có những nhận-định khác-biệt, đặc-biệt giữa cuốn sử chính đời Nguyễn Quốc-triều chính-biên toát-yếu ghi lại một thế-kỷ sau, (1908) và nhiều cuốn sử hiện-đại, khoảng hai trăm năm sau.

Lời khen thế-kỷ trước

Cuốn sử Quốc-triều chính-biên toát-yếu hoàn-tất năm 1908 khen Ngài trước hết, về lòng nhân-hậu; thờ Chúa, phụng mẹ, tin vợ một lòng trước-sau. Khi còn theo phò Chúa Định-vương, có bận giặc đuổi quá gấp, Chúa dục Ngài lên ngựa lánh trước. Ngài bất-đắc-dĩ phải thọ mạng, đi một chặp, dừng ngựa mà chờ, (ở đó mà) đón rước. Chúa khen Cháu có lòng tốt, trời cũng biết cho. Khi chinh-chiến lúc hàn-vi, Ngài ban cho bà Phi nửa thoi vàng mà căn-dặn: Con ta đi rồi, ta cũng sẽ đi, bà phải ở đây phụng thờ Đức mẹ, chưa biết sẽ gặp nhau lúc nào và ở chỗ nào, vậy lấy vàng này làm tin. Mẹ có lần căn-dặn Ngài con đừng lấy gian-hiểm mà ngã lòng; Ngài kính-cẩn trả lời Xin vâng lời mẹ dạy. (4)

Khen Ngài có tài chủ-tướng. Lúc mười-ba mười-bốn tuổi đầu, Chúa cho Ngài làm Chưởng Sứ Tướng-tá Dực-quân, Ngài tính việc binh giỏi lắm, các tướng ai cũng phục-tùng. Hai năm sau, Ngài chiêu-tập binh Đông-sơn về phò Chúa. Khi ra trận, Ngài ngự áo nhung, nón chiến, đứng đầu thuyền …cầm súng điểu-thương, bắn lại thuyền giặc. ..Ngài bắn súng điểu-thương hay lắm, bắn đâu trúng đó…Khi trú nạn ở bên Xiêm, gặp lúc nước đó có chiến-tranh với Miến-điện, Ngài khẵng-khái nói Tôi giúp sức cho, đánh cho gấp thời chắc được. Khi trở về, vua Xiêm đem vàng lụa làm lễ tạ.

Khen Ngài có đức thu được nhân-tài xứng vai vương-chúa. Lúc nhỡ-bước lưu-lạc bên Xiêm, lòng buồn bực; vua Xiêm hỏi: Chiêu-nam-cốc sợ hay sao? Ngài đáp: Không phải sợ; nhà nước tôi trải đời truyền nối hơn 200 năm, bây giờ quốc vận trung suy, tôi ít đức không tài không giữ-gìn cơ-nghiệp được, vì thế mà buồn. Nghĩ muốn trả thù, bắt giặc Tây-sơn làm thịt mà ăn, nay nằm gai nếm mật, dẫu chết cũng can-tâm, có sợ gì đâu. Có tướng ta bước vào, nghe thấy Ngài nói vậy, bước tới trước Ngài, ôm đầu gối quỳ mà khóc ròng. Vua Xiêm cảm-động, phục chúa khen tôi.(4)

Khen Ngài nhìn xa trông rộng, biết cải-tổ quân-lực, làm thuyền binh từng trên thì giáo-mác, hai bên gài tre, lính thủy ở dưới để mà chèo thuyền, lính bộ ở trên để mà xung trận. (5)  Lại đặt mua vũ-khí tân-tiến từ Jakarta, Bồ-đào-nha và Anh. Cho canh-tân quân-đội chép theo kỹ-thuật Âu-tây, xây thành-cốt theo mẫu Vauban. (6)

Khen Ngài đã trả được thù nhà, dựng xong lại nước, một là báo phục hai là bá-vương. Mấy lần tái-chiếm Gia-định, mấy lần phải rút ra đảo, bôn-ba trên biển cả, lưu-lạc nơi xứ người, hai-nhăm năm chinh-chiến, sáu lần bỏ Gia-định, không nản chí, chẵng khác chi vua Lê ba lần rút về Chí-linh; trời đặt cảnh gian-nan chính vì muốn thử gan anh-hùng vậy.

Khen cái nhìn bao-rộng của đức đế-vương, khi còn loạn-lạc không lơ-là việc che-chở cho chư-hầu, lo bảo-hộ Chân-lạp, biết giao-hiếu với Xiêm làm thế liên-minh tương-trợ; (7)  dốc lòng phục nghiệp nhà; xong rồi thì phóng tầm mắt nhìn xa ra cõi bắc, gom-góp hai Đàng vào chung thành một đế-quốc vững-mạnh, giao-hảo với chính-quyền phương Bắc, thu-phục các nước chư-hầu phương Nam, thực-hiện như lời Bình Ngô đại-cáo, Bắc Nam đều chủ một phương. (8)

Những lời khen có quá chăng? Thưa không. Đó chỉ là dùng tiêu-chuẩn cùng thời mà đánh-giá con người và công-việc. Lúc đó, nước ta đã có tổ-chức quy-củ cả ngàn năm, đem lễ-nghĩa làm giường-cột, lấy trật-tự xã-hội làm nếp sống công-cộng, coi vua là chủ-thể, thay trời lập đạo, chưa có nhân-dân mà chỉ có thần-dân hay con-dân triều-đình. Làm con dân mà nổi loạn là ngỗ-nghịch, chiếm đất xưng vương là nguỵ-quyền, ràng-buộc dân bằng ngụy-luật mới là áp-bức thần-dân. Nhiệm-vụ ông hoàng là dựng lại vương-triều, lập lại trật-tự, cứu thần-dân, những việc này vua Gia-long đã chu-toàn. Nên khen vua trong tiêu-chuẩn thời đó, bối-cảnh đó.

Tiếng chê thế-kỷ sau

Từ tháng 8 năm 1945, nước ta bước sang một thể-chế chính-trị mới, cộng-hòa thay nền quân-chủ. Đứng đầu nước, tùy lúc và tùy nơi, là chủ-tịch, là quốc-trưởng, là tổng-thống. Không còn thần-dân mà nhắc nhiều đến nhân-dân như là thành-phần quan-trọng quyết-định chung, ít nhất trên nguyên-tắc. Nắm cái ảo-tưởng quốc-gia dân-tộc ngày nay, nhìn ngược lại lịch-sử một-trăm-năm-mươi năm trước, nhiều người cao giọng chê-bai.

Chê ông mang quân nước ngoài về tranh-dành trong một cuộc nội-chiến, lời thị-phi thỉnh xà giảo gia kê; quân Xiêm sang tàn-bạo quá, dân ta than-oán, ông có biết chăng?

Chê ông nhờ giáo-sĩ Bá-đa-lộc mang hoàng-tử Cảnh đi cầu viện, sẵn lòng nhượng một phần đất-đai cho Pháp. Lại còn chê hành-động của ông đã mở cửa cho Pháp sau này sang xâm-chiếm rồi lập nền Bảo-hộ. (9)

Trách ông hẹp-hòi với người anh-hùng áo-vải, cho đào mả, giam xọ, dùng làm đồ phóng uế, giết con cháu kẻ thù, hại luôn các danh-tướng Tây-sơn đặc-biệt là nữ-tướng Bùi-Thị-Xuân. (10)

Trách ông vắt chanh bỏ vỏ, thương cho Đặng-Trần-Thường và Nguyễn-Văn-Thành phò ông cũng hết lòng, gian-nan cùng chia, cực-khổ cùng chịu nhưng miếng đỉnh-chung thì không, mà còn mắc vòng lao-lý, mất mạng. (11)

Cõng rắn cắn gà nhà và hẹp-hòi với kẻ thù cùng thân-thuộc cũ là hai cái chê-trách chính của người đời sau chỉ-trích ông, trong cơn lốc cách-mạng chống ngoại-xâm trừ phong-kiến.

Góc nhìn nhân-đạo, tình người

Về chuyện nước Xiêm, cần công-bằng tìm-hiểu cho hết câu chuyện. Vua Gia-long đụng-độ với Xiêm trong vấn-đề bảo-hộ Chân-lạp. Quân hai bên đã đối-diện sẵn-sàng chiến-đấu. Tình-hình nội-bộ Xiêm bất ổn, gia-đình hai tướng chỉ-huy Xiêm là Chất-tri và Sô-ri bị vua Xiêm sát hại. Hai tướng Xiêm bèn xin hòa và tướng ta là Nguyễn-Hữu-Thụy sang trại quân Xiêm hội-ước, tặng tướng Xiêm ba món đồ quý là dao, cờ và gươm. Hai bên giảng hòa, hẹn khi cần sẽ giúp nhau. Các tướng Xiêm về bỏ vua mà tự lập làm vua chánh, vua phó. Từ đó, quân Xiêm và quân của Vua họp thành liên-minh. Mấy năm sau, khi bị thua và tạm-trú ở Hà-tiên, vua Xiêm cho đón mời Vua sang Vọng-các; tiếp đón rất hậu. Mấy tháng sau, Vua về thì Xiêm giúp 20 ngàn quân, 3 trăm chiến-thuyền, nhắc lời ước-thệ khi xưa: hoạn-nạn phải giúp nhau. Tuy được vài thắng-lợi lúc đầu nhưng Vua nghĩ rằng binh Xiêm tàn-bạo quá, dân ta đều than-oán, muốn lui quân về. Đúng lúc quân Tây-sơn dùng mưu đánh bại quân Xiêm. Khi Vua trở lại Vọng-các, kể chuyện quân Xiêm tàn-bạo, vua Xiêm giận muốn chém tướng nhưng Vua can xin cho tha. Sang năm sau, vua Xiêm lại đề-nghị đưa quân về giúp, Vua bàn với tướng-sĩ, có ý-kiến Khi xưa Thiếu-khương chỉ có một toán binh còn khôi-phục được nhà Hạ; ta nên dưỡng sức chờ thời, việc còn làm được, chớ nên đem giặc vào trong nước. Bèn không dùng quân Xiêm nữa. Ít lâu sau, ban đêm để thơ tạ ở chỗ hành-tại, lên thuyền bỏ đi gấp về nước. Nói tóm lại, là Vua lưu-vong, Vua biết lập liên-minh lo tính việc lớn; nhưng khi thấy giặc tàn-bạo hại dân thì Vua biết từ-chối lần sau. (12)

Đối với Pháp, Bá-đa-lộc thay Vua ký-kết hiệp-ước giúp-đỡ quân-sự; để trả giá, sẽ nhượng cho Pháp cảng Đà-nẵng và đảo Côn-sơn. Cả Đàng Trong là tài-sản của nhà Chúa mà hiện nay bị loạn-quân chiếm. Đổi hai mẩu đất để lấy lại cả Đàng Trong là một tính-toán chính-trị không hiếm và chưa chắc đã ngu-xuẩn: nhà Lê trung-hưng từng nhượng Cao-bằng cho nhà Mạc, vua Lê Hiển-tông cắt đất khao quân Tây-sơn vừa diệt được Trịnh. Đấy còn chưa kể là có thể Đà-nẵng và Côn-sơn sẽ trở thành các trung-tâm kinh-tế giàu-mạnh lợi cho nước ta về mặt kinh-tế và là một mô-hình mẫu cho việc hiện-đại hóa cải-thiện kỹ-thuật cho nước ta. Biết đâu lại chẳng dẫn đến cảnh Minh-trị bên Nhật?

Việc trả thù anh em nhà Tây-sơn, nhìn theo quan-điểm nhân-đạo thì quá nghiệt-ngã. Nhưng theo phép cũ thời quân-chủ thì tội của Tây-sơn chồng-chất. Bắt đầu, làm loạn một phương. Khi quân Trịnh xâm-lấn, theo giặc nước mà đánh quân Chúa. Khi Trịnh lui thì rảnh tay, mang quân đánh và giết hai Chúa. Lại đào mả tổ-tiên nhà Chúa đổ xuống sông. Nhà Lê nhà Trịnh hành vua Mạc khi sa-cơ bị bắt (13) tưởng cũng là mức-độ trừng-phạt trả-thù đương-thời không khác gì việc làm của Vua đối với nhà Tây-sơn vậy.

Việc giết công-thần không phải là điều xa-lạ dưới chế-độ quân-chủ chuyên-chế mà là việc lo xa của các nhà vua mở đầu một triều-đại. Đông-cung Cảnh mất vì đậu mùa, con còn trẻ. Cả Lê-Thái-tổ và Gia-long đều gặp cảnh công-thần lớn, khôn-ngoan mà con cháu nổi nghiệp lại hãy còn nhỏ dại. Gương Lê-Sát lộng-quyền lúc Lê-sơ sau bị giết còn đó. (14) Vua Gia-long nhớ mà hai ông Thành và Thường quên. Cái tội-nghiệp cho hai ông Thành và Thường là không biết theo gương Trương-Lương tự rút về quê trước; (15) Vua lại chưa có cái tài cái lượng để tổ-chức bữa tiệc rượu tước binh-quyền như Tống Thái-tổ đã làm. (16)

Cái nhìn chót

Vua Gia-long tạo hoàn-cảnh cho ta hãnh-diện khoe nước ta hình chữ S và trải dài từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. Tháng tư 1945, triều-đình xưng tên nước là Đế-quốc Việt-Nam. Sang tháng 8, thành Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hòa. Rồi xung-đột nảy ra Quốc-gia Việt-Nam. Thời chiến-tranh có hai Việt-Nam, bên Việt-Nam Xã-hội chủ-nghĩa, bên Việt-Nam Cộng-hòa I, II. Hỏi thế cái tên Việt-Nam này có từ đâu mà ra. Xin thưa là cũng do vua Gia-long. Trước đó, thời Pháp-thuộc, có đế-quốc An-nam do Pháp bảo-hộ, An-nam quốc thời đô-hộ và cả độc-lập về sau.

Sử chép Vua chọn tên nước là Nam-Việt. Trung-quốc e Nam-Việt là tên nước hồi xưa bao-gồm cả lưỡng Quảng nên không muốn cho, đề-nghị cứ giữ tên cũ An-nam. Vua không chịu, quốc-thư đi lại hai, ba lần. Vua nhắn nếu không cho đổi quốc-hiệu, thời không thọ-phong. Nghe Vua dọa, Trung-quốc phải chịu nhưng đề-nghị thay vì Nam-Việt, đổi là Việt-Nam. (17) Nước ta có hiệu Việt-Nam cũng là do vua Gia-long vững lòng tranh-đầu cho nước có quốc-hiệu mới, đánh dấu một kỷ-cương mới.

KimKhanh & Nguyễn-Lê-Hiếu

_______

Ghi-chú:

(1) Võ-vương có nhiều hoàng-tử; trưởng hoàng-tử Phúc-Chương mất sớm; hoàng thứ là Nguyễn-Phúc-Côn sinh ra Phúc-Ánh tức là vua Gia-long sau này; hoàng chín là thế-tử Phúc-Hạo mất sớm, có con trai là Phúc-Dương, gọi là Hoàng-tôn Dương, sau được lập làm Đông-cung, và hoàng thứ 16, Phúc-Thuần, lập làm Định-vương lúc mới 11 tuổi. Như vậy, Phúc-Ánh là cháu nội Võ-vương, cháu Định-vương và anh họ Đông-cung. Võ-vương lấy em họ con-chú-con-bác là Ngọc-Cần mà sinh ra Phúc-Thuần. Võ-vươg lúc sắp mất, khoảng 53 tuổi, chỉ-định con lớn còn lại là Phúc-Côn, 33 tuổi, nối ngôi. Quyền-thần Trương-Phúc-Loan bắt giam Phúc-Côn, lập Phúc-Thuần làm Định-vương, rồi tự xưng Phó-vương.

(2) Tướng Lý-Tài, gốc Hoa, ủng-hộ Đông-cung (Hoàng-tôn Dương), làm cuộc đảo-chính cung-đình, đưa hoàng-tôn Dương lên làm chúa, lấy hiệu là Tân-Chính-vương; tôn Định-vương làm Thái-thượng-vương. Nhóm Đông-sơn Đỗ-Thành-Nhơn không đồng ý và không theo Tân-Chính-vương. Nhóm này do Phúc-Anh thu-phục; xưng là Đông-sơn, ngụ ý là chống Tây-sơn mà phó nhà chúa Nguyễn. Mấy tháng sau, quân Đông-sơn giết Lý-Tài. Chẳng bao-lâu, quân Tây-sơn giết cả hai Chúa.

(3) Mấy năm sau, Phúc-Ánh xưng vương và giết Đỗ-Thành-Nhơn. Quốc-triều chánh-biên (CB) ghi vì Nhơn có công mà sanh kiêu-tứ, cho nên phải tội.

(4) Phần lớn các dòng chữ nghiêng trích từ CB, Quyển I. Câu Con ta đi rồi chỉ về việc hoàng-tử Cảnh vừa theo Bá-đa-lộc đi Pháp và Ngài cũng sắp bôn-ba chống-đánh Tây-sơn.

(5) CB, Q.I, Canh-tý 1780:  kể một kiểu thuyền-chiến quân Nguyễn-Ánh đóng.

(6) Trần-Gia-Phụng: Việt-sử đại-cương, t.2: 430-1: dẫn một số chi-tiết về việc mua vũ-khí, xây thành.

(7) Năm 1782, quân Xiêm dưới quyền tướng Chất-tri tấn công Chân-lạp. Chân-lạp cầu-cứu. Nguyễn-Vương mới về Gia-định, cử Nguyễn-Hữu-Thụy qua giúp. Nhưng rồi bên Xiêm có loạn, Chất-tri xin giảng-hòa về nước lo nội-loạn. Lúc giảng-hòa, hai bên Xiêm-Việt kết-nghĩa đồng-minh, làm căn-bản cho việc vua Xiêm giúp Nguyễn-Vương sau này.

(8) Nhiều nhà Việt-học (Viêt studies) hay nhắc đến hai bài Nam-quốc sơn-hà Bình Ngô đại-cáo như là hai bản-văn cùng một ý-chí tuyên-ngôn độc-lập của dân Việt đối với nước láng-giềng khổng-lồ phương bắc. Ở đây, muốn ghi-nhận vài điều. Thứ nhất: bài Nam-quốc do thần-linh ban cho Lê-Đại-Hành; thứ hai: gần một thế-kỷ sau, thời Lý-Thường-Kiệt, quân-sỹ đang đêm nghe thấy bài thơ từ đền thờ vang ra, suy ra là do người dựa vào thần-linh để làm chiến-tranh tâm-lý; thứ ba: cả hai lần, bài thơ đề lên việc phòng-thủ tự-vệ chính-đáng theo thiên-thư, kẻ xâm-lấn sẽ bị thua-bại. Ngược lại, bài Bình Ngô mang tính-cách nhân-bản,  nhấn mạnh vào yếu-tố nhân-sự, con người hào-kiệt thời nào cũng có từ đó dẫn đến cảnh đối-chiếu hai nước nối đời dựng nước, đều chủ một phương; ngụ ý vua Trung-quốc làm thiên-tử ở phía bắc mà vua Đại-nam làm thiên-tử phương nam. Dựa vào thuyết đó mà nhà (hậu) Lê mang tích-chất đế-quốc, chiếm Chiêm-thành, bảo-hộ Chân-lạp và các xứ Ai-lao, Trường-sơn v.v. Việc thành-lập nước Việt-Nam nằm trong chủ-thuyết thiên-tử miền Nam mà ảnh-hưởng dưới thời Minh-mạng là đất-đai quyền-hạn kể là lớn-lao bậc nhất trong lịch-sử nước.

(9) Lý-do Pháp đánh Việt-Nam kể ra thì nhiều lắm, nhưng thỏa-ước de Montigny và Bá-đa-lộc không thi-hành được, lý-do từ phía Pháp (cả chính-quyền mẫu-quốc lẫn chính-quyền hành-chánh ở Pondichéry). Nguyễn-vương cũng đã có quốc-thư bãi-bỏ thỏa-hiệp từ đầu năm 1790. Do đó, lời chỉ-trích mở cửa nhượng đất không chính-xác. Thật ra thì từ thế-kỷ 16, giáo-hoàng đã trao cho Bồ-đào-nha độc-quyền truyền-giáo và sở-hữu các đất sẽ tìm thấy ở Phi và Á châu qua Bull Inter eceatera, được xác-nhận và cụ-thể-hóa bởi các thỏa-ước Tordesillas và Zaragoza giữa Bồ và Y. Do đó, các giáo-sĩ đóng-góp nhiều và sớm vào việc tạo ra chữ Quốc-ngữ hay Việt-ngữ la-tinh thường là gốc Bồ: do Pina, do Amaral và Barbosa. Khi sức mạnh hải-quân và cả vương-triều Bồ suy-kém thì các nước Âu-châu khác đã nhảy vào Á-châu xí-phần trước khi giòng-họ chúa Nguyễn suy-thoái tại Đàng Trong. Giáo-sĩ Pháp Đắc-lộ (de Rhodes) đã đến Đàng Trong từ 1625. Giáo-sĩ Pallu viết thư cho Colbert và cả vua Louis 14 báo-động về các khó-khăn truyền-giáo ở nước ta. Nhưng sự-việc này xảy ra lâu trước khi giáo-sĩ Pigneau de Béhaine lo giúp Nguyễn-vương. Vua Pháp cũng có quốc-thư liên-lạc với các chúa Nguyễn và Trịnh, lâu trước khi Phúc-Ánh nhờ de Béhaine giúp.

(10 Không phải chỉ có những quân-sĩ hai bên Tây-sơn và nhà Chúa bị hại mà chính nhân-dân sắc-tộc cũng chịu việc sát-hại: quân Tây-sơn giết dân Hoa hàng loạt. Dân Chăm cũng bị vạ theo đuôi: Tây-sơn hại dân Chăm theo nhà Nguyễn và phe Nguyễn-Vương hại số Chăm theo Tâysơn.

(11) Trong thời đó, các chủ-tướng giết người như ngóe: Nguyễn-vương giết Đỗ-Thành-Nhơn là người tôn mình lên ngôi; sau này giết Thành và Thường; con là Minh-mạng san bằng mộ Lê-văn-Duyệt. Nhạc giết các phụ-tá cũ là Nguyễn-Thung và Huyền-Khê (những nhà góp của) và Nhung-Huy, Từ-linh (là các võ-tướng gốc lục-lâm đã theo mình từ những ngày đầu). Nguyễn-Huệ cho Võ-Văn-Nhậm giết Chỉnh, trước đã theo về Huệ; sau lại ra giết Nhậm; Nhậm vốn là tiết-chế nhà Nguyễn, sau theo và làm rể Nguyễn-Nhạc, nay bị chú vợ giết.

(12) CB Q.I, năm Giáp-thìn (1784), Ất-tỵ (1785) và Bính-ngọ (1786).

(13) Đại-Việt Sử-ký toàn-thư (TT) ghi là Bắt được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quân. Vũ quận công sai người lấy voi chở cùng với hai kỹ nữ về Kinh sư dâng tù, bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, gửi đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hoa, đóng đinh vào hai mắt bỏ ở chợ.

(14) Khi Lê-Thái-tổ băng, con thứ nối ngôi là Thái-tôn còn nhỏ tuổi, Lê-Sát là cố-thần của vua cha nắm quyền nhiều năm. TT ghi Bấy giờ, vua đã lớn tuổi, xét đoán mọi việc đã sáng suốt, mà Lê Sát vẫn tham quyền cố vị nên vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điều đó…Rồi một ngày, vua định Bãi chức tước của Đại tư đồ Lê Sát…"Lê Sát tội không thể dung thứ, đáng phải chém để rao, nhưng trẫm tha cho không giết” …không giết nhưng sau đó quyết-định Cho Lê Sát được tự tử ở nhà.

(15) Giúp Lưu-Bang thắng Hạng-Võ mà lập ra nhà Hán có ba người gọi là Hán sơ tam kiệt; Tiêu-Hà một thời-gian mắc tù-tội còn Hàn-Tín thì bị giết. Riêng Trương-Lương rút lui nên yên-ổn.

(16) Thạch-Thủ-Tín và Vương-Thẩm-Kỳ giúp cho Tống Thái-tổ lên ngôi nên quyền-hành lớn trong triều-đình. Một bữa, Tống Thái-tổ làm tiệc mời hai người, cuối tiệc, đuổi tả-hữu ra rồi than-thở với hai người là làm vua khổ, ăn ngủ không được. Hỏi tại sao. Vua nói ngôi vua ai cũng ham muốn. Hai người thưa “Nay thiên-hạ đã an-định, kẻ nào còn dám nuôi lòng kia khác?” Thái-tổ giải-thích: “Ta tin các khanh. Nhưng chỉ lo những kẻ dưới quyền các khanh có kẻ mưu-đồ phú-quý, đem hoàng-bào khoác lên cho các khanh, các khanh dù không muốn có được đâu?” Hai người sợ quá, liên-tục đập đầu, xin vua chỉ cho một lối ra. Thái-tổ bèn nói: “Không gì bằng các khanh trao lại binh-quyền về địa-phương làm một chức quan nhàn-rỗi, bỏ tiền ra mua nhà cửa ruộng vườn, làm gia-sản để lại cho con-cháu, sống sung-sướng cho đến cuối đời. Trẫm sẽ kết thân gia cùng các khanh, hai bên không còn ngờ-vực gì nhau, như thế chẳng tốt hơn hay sao?” Hôm sau, hai người xin từ quan, hồi hưu. Tích này gọi là chén (hay tiệc) rượu tước binh-quyền. Xem Lâm-Hán-Đạt & Tào-Dư-Chương: Lịch-sử trung-quốc 5.000 năm, bản dịch tiếng Việt của Trần-Ngọc-Thuận, Hà-nội, 2.000.

(17) CB Q I, Năm Giáp-tý (1804)

 


Cái Đình - 2014