Nguyễn Hồng Lam


DÂN RƠM TRỒNG CỎ

Kỳ IV: Nỗ lực chống một thảm họa

.

Sự “mềm mỏng” trong quy định của luật pháp Anh vô tình đã trở thành một trong số nguyên nhân khuyến khích các băng nhóm buôn “dân rơm” người Việt chọn đảo quốc sương mù làm “đất hứa” để đẩy mạnh nghề “trồng cỏ”. Từ năm 1978, cần sa đã bị luật pháp Anh liệt vào nhóm B trong bảng chất gây nghiện, đụng vào nó là phải ngồi tù. Không hiểu sao, vào năm 2004, luật pháp Anh lại chuyển cần sa từ bảng B xuống bảng C.

Cần sa không bị xem là ma túy. Người sở hữu, sử dụng hoặc trồng cần sa với số lượng không lớn, nếu bị phát hiện cũng chỉ bị phạt hành chính, cùng lắm cũng chỉ bị án treo, không bị phạt tù. Đúng giai đoạn này, các băng đảng cần sa người Việt ở Canada lại bị “lốc ổ”. Vậy là chúng ùn ùn chuyển địa bàn sang Anh. Nguồn cung quá lớn, không đủ đáp ứng từ nguồn nhân lực sẵn có chuyển từ Canada sang, các băng nhóm người Việt bắt đầu đẩy mạnh việc chiêu dụ nguồn nhân lực từ Việt Nam sang làm “công nhân nông nghiệp” tham gia trồng cần sa bán cho thị trường Anh.

Nhập cư lậu, lao động chui đương nhiên là bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc, nhưng thu nhập khá lớn nên nó vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều người Việt trong nước và cả một số lao động Việt bất hợp pháp đang có mặt tại các nước châu Âu khác, nhất là các nước trong khối XHCN cũ đã sụp đổ. Đằng nào thì cũng sống chui, làm việc chui, họ chọn sang Anh nơi có điều kiện kiếm tiền dễ hơn, trong khi các quy định cư trú lại không quá hà khắc.

Ở Anh, nếu không vi phạm pháp luật, người nhập cư hầu như không bị cảnh sát hỏi tới. Trong trường hợp có vi phạm nào đó, việc kiểm tra hành chính xảy ra, người nhập cư chui sẽ bị tạm giữ sau đó sẽ bị trục xuất về lại quốc gia mà từ đó họ nhập vào Anh. Biết kẽ hở này, người nhập cư thường hủy hết giấy tờ, không khai báo xuất xứ. Cùng lắm, họ sẽ bị tống trở lại Pháp, Đức, Ba Lan..., những nơi cảnh sát có thể chứng minh được là nơi họ xuất phát. Để một thời gian, những cung đường buôn người lại tiếp tục đưa họ vào Anh lần nữa. Nếu chưa bị trục xuất, chỉ bị tạm giữ trên đất Anh, họ sẽ lại tìm cách trốn, sống bất hợp pháp tiếp. Và đã ở chui là ở luôn, không dám về Việt Nam. Về thì dễ, chỉ việc ra khai báo tên họ, quê quán... là sẽ được mua vé máy bay rời Anh ngay. Nhưng một khi tên tuổi trong hồ sơ đã kèm với quá khứ nhập cư lậu, họ sẽ vĩnh viễn bị cấm đặt chân sang Anh lần nữa.

Trước thời điểm 2004, chỉ có 15% cần sa tiêu thụ trên đất Anh được trồng tại chỗ. Từ khi có sự thay đổi thang bậc trong quy định luật pháp, cùng với sự trỗi dậy quy mô của các băng nhóm người Việt, gió đã đổi chiều. Điều tra viên cao cấp John Lindsay của Sở Cảnh sát London khẳng định: “90% cần sa tiêu thụ tại Anh hiện đều được trồng ở Anh. 10% còn lại tuy được nhập vào Anh nhưng chỉ là quá cảnh để đến một nước khác. Từ 2010, các băng nhóm người Việt nắm 75% tổng lượng cần sa này. Ngoài ra, còn có 15% cần sa tiêu thụ tại Hà Lan được cung cấp từ nước Anh, hoàn toàn do các băng nhóm người Việt chi phối”.

Dẫn nguồn từ báo cáo của Cảnh sát Anh tờ Metro London ngày 18/8/2010 cho biết : “Năm 2009, cảnh sát đã bắt được 6.866 vụ trồng cần sa, tăng 30% so với 4.951 vụ của năm 2008”. Chỉ trong hai năm, gần 12.000 “trang trại trồng cỏ” do người Việt điều khiển đã bị bắt giữ, trong khi số không bị phát hiện có thể còn lớn hơn nhiều! Trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang vào tháng 9/2008, Tư lệnh cảnh sát Đô thành London Allan Gibson đã khẳng định: “Giá trị thương mại của cần sa sản xuất tại Anh mỗi năm đã lên đến hàng tỉ bảng”.

Ở quy mô trung bình, một trang trại “trồng cỏ” trong nhà tại Anh sản xuất được từ 500 - 1.000 chậu cần sa, nếu trót lọt sẽ cho lợi nhuận từ 200 - 500 ngàn bảng Anh. Chi phí trồng, chăm sóc, chế biến chỉ chiếm 10% con số đó. Giả sử trồng 1 năm 4 vụ, bị cảnh sát phát hiện và tiêu hủy mất 3 vụ, chỉ trót lọt 1 vụ, “dân rơm” vẫn không lỗ. Có phát hiện, cùng lắm cảnh sát cũng chỉ bắt giữ được “người làm vườn”, không mấy khi lần ra được “chủ trại” – những con cá mập thực thụ.

Tuy nhiên, số phận của “dân rơm” lại chưa bao giờ là vấn đề mà các ông trùm của những băng đảng tội phạm chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán cần sa phải quan tâm. Lợi nhuận, thu nhập quá cao vẫn là món mồi nhử hấp dẫn thu hút dân nhập cư lậu ùn ùn kéo vào nước Anh, bổ sung cho đội ngũ “công nhân trang trại” đã bị bắt, bỏ tù và trục xuất. Nghề buôn người vào Anh đã phát triển và chuyên môn hóa cao độ, cùng với cần sa lậu trở thành một ngành kinh doanh béo bở.

Ngày 29/6/2010, Cảnh sát Anh đã dẫn độ Nguyễn Đỗ Huân một kẻ thừa hành đắc lực trong tổ chức tội phạm buôn người cho Hungary xử lý. Tên tội phạm gốc Việt này đã đưa hơn 50 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh. “Dân rơm” người Việt được đưa sang Nga, Hungary. Huân và đồng bọn sẽ “mượn” hộ chiếu người Hung gốc Việt cho họ, sau đó hóa trang, đội tóc giả sao cho họ gần giống người trong ảnh, từ đó đàng hoàng nhập cư vào Anh bằng cổng chính theo đường du lịch và... biến mất! Đưa đi 50 người, nghiễm nhiên Huân và đường dây của y đã đút túi 1 triệu USD cái gọi là “lệ phí đưa đường”. Dĩ nhiên, đích đến của những con thiêu thân này sẽ là những “trang trại trồng cỏ”.

Lợi nhuận quá lớn, không chỉ những người nhập cư bất hợp pháp, không nghề nghiệp mà ngay cả những người định cư đã thực sự thuộc về giới thượng lưu, có chuyên môn và thu nhập cao cũng bị lôi cuốn vào những công việc có liên quan đến cần sa. Tháng 3/2009, ông Nguyễn Chinh, một bác sĩ người Việt bị kết án 5 năm tù vì đã cùng vợ là Nguyễn Thị Tâm và em vợ Nguyễn Kính Quốc trồng cần sa và rửa tiền. Nhóm này đã chuyển gần 3,5 triệu bảng Anh về Việt Nam cho gia đình vợ bác sĩ Nguyễn Chinh. Vị bác sĩ này là một chuyên viên phẫu thuật chỉnh hình xương và cột sống, đã từng điều trị cho ngôi sao bóng đá Thierry Henry. Thu nhập từ nghề bác sĩ của ông ta không dưới 200.000 bảng một năm.

Thậm chí, nhiều tay cự phú của nước Anh cũng bị lóa mắt bởi lợi nhuận từ cần sa nên đã đổi nghề. Sau khi trả xong bản án 16 năm tù, tên cướp người Anh lừng danh Thomas kẻ từng tham gia vụ án chấn động cướp đi 40 triệu bảng đồ trang sức của nhà thời trang kim hoàn Graff cũng đã chuyển đổi nhà riêng của mình thành một trang trại cần sa. Khi cảnh sát phát hiện, tầng trên cùng của nhà y đã có hàng chục chậu cần sa sắp thu hoạch đang được sưởi ấm bằng đèn điện!

Từ Anh, phong trào “dân rơm trồng cỏ” của người Việt đang có xu hướng gia tăng rất mạnh ra rất nhiều quốc gia khác. Phổ biến nhất là ở các nước châu Âu có cộng đồng người Việt đông đảo như Thụy Điển, Đức, Ba Lan, CH Séc... và hai quốc gia nói tiếng Anh khác ở phía nam địa cầu là Úc và New Zealand.

Tin tức về những vụ triệt phá, bắt giữ những trang trại cần sa của người Việt đã trở nên không xa lạ gì, thậm chí xuất hiện nhiều trên báo chí các nước. Ngày 18-6-2010, Cảnh sát Ba Lan tấn công cùng lúc 6 vườn cần sa do người Việt quản lý tại miền Trung và miền Bắc nước này, bắt giữ 12 người Việt, 3.000 chậu cần sa và 20 kg cần sa đã sấy khô. Ngày 11/9/2010, tại Oberwittighausen (CHLB Đức), Cơ quan điều tra ma túy bắt giữ 9 người Việt gồm 4 nhân công làm thuê, 5 chủ trại, thu giữ 1.187 cây cần sa, trị giá khoảng 300.000 euro. Hệ thống công nghệ trang thiết bị máy móc để trồng, thu hái, chế biến cần sa bị cảnh sát phá hủy.

Tại CH Séc, ngày 21/10, cảnh sát đã bắt 2 người Việt ngay tại vườn cần sa mà họ thiết lập ở làng Strmilov thuộc vùng Jindichuv Hradec. Chỉ 20 ngày sau, ngày 8-11, thêm 3 đối tượng gốc Việt Nam lại bị Cảnh sát CH Séc bắt tại chỗ với một vườn cần sa khổng lồ hơn 10.000 cây.

Rầm rộ nhất, ngày 23/11/2010, tại tiểu bang Victoria, Úc, một lực lượng liên ngành gồm 630 cảnh sát bang, được sự hỗ trợ của Cảnh sát Liên bang và nhiều cơ quan khác của tiểu bang và liên bang như Thuế vụ, Di trú, Hải quan đã thực hiện một cuộc bố ráp lớn chưa từng có. 64 căn nhà ở 32 địa điểm tại các vùng Dandenong, Melton-Footscray, Horsham, Geelong, Ballarat và Warrnambool trên toàn bang Victoria đã đồng loạt bị khám xét. Cảnh sát bắt giữ 43 người, thu giữ hơn 20 triệu đôla Úc, nhiều loại ma túy, thuốc lắc và gần 8.000 chậu cần sa trị giá hơn 395 triệu USD. Đây là đoạn kết thúc của “Chiến dịch thực thể” (Operation Entity) được cảnh sát hai nước Úc và New Zealand phối hợp thực hiện trong gần 2 năm.

Cảnh sát nghi ngờ hơn 395 triệu USD thu từ việc bán cần sa sẽ được dùng để mua hêrôin từ nước ngoài đưa vào Úc. Tiếp đó, thêm khoảng 100 ngôi nhà ở cả Úc và New Zealand đã bị lục soát, thêm một số đối tượng bị bắt. Tất cả đều là người Việt, trong đó có cả sinh viên, du học sinh được các băng đảng tội phạm thuê mướn.

“Dân rơm trồng cỏ” người Việt thật sự đã trở thành một thảm họa quốc tế. Chính phủ và luật pháp nhiều nước có đông người Việt sinh sống đã đưa cảnh báo vấn đề này lên mức báo động nghiêm trọng. Năm 2007, Chính phủ Anh đã lại nâng cần sa từ bảng C lên bảng B, làm cơ sở để tống giam những kẻ trồng và chế biến cần sa.

Theo điều tra viên John Lindsay, mức án cụ thể cho các tội danh như sau: người làm vườn: 18 tháng đến 3 năm tù giam; kỹ thuật về điện hoặc sở hữu vài cơ sở trồng tài mà, hoặc làm một số việc bất hợp pháp khác: 4 - 6 năm tù giam; ông trùm từ 6 năm trở lên, cao nhất có thể bị 14 năm.

Để mạnh tay giải quyết vấn đề “dân rơm”, nước Anh đã thành lập một lực lượng liên ngành với sự góp mặt của Biên phòng, Bộ Ngoại giao, Cảnh sát, Cơ quan Chống tội phạm tổ chức nghiêm trọng (SOCA)... Hầu hết các vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp vào Anh trong thời gian qua đều do lực lượng này trực tiếp thực hiện. Một đơn vị đặc biệt khác cũng đã được tổ chức, đặc trách truy lùng và triệt phá các trang trại cần sa của người Việt ở vùng Lancashire. Trang bị của họ rất hiện đại với cả trực thăng, máy tầm nhiệt, thiết bị quan sát gắn hồng ngoại, máy chụp X-quang v.v....

Từ năm 2006, Cảnh sát Anh đã có sự hợp tác với cảnh sát Việt Nam, bắt đầu bằng việc ký kết tại London Biên bản ghi nhớ về đấu tranh chống tội phạm nghiêm trọng. Buổi ký có sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lê Hồng Anh. Cảnh sát Anh còn hỗ trợ nâng cao năng lực cho Bộ Công an Việt Nam trong các lĩnh vực như phòng chống rửa tiền, phòng chống lạm dụng trẻ em, điều tra tài chính, tội phạm công nghệ cao, v.v...

Ngoài ra, phía Anh còn tài trợ tiền cho Tổ chức UNODC phối hợp với Bộ Công an Việt Nam để thực hiện các dự án phòng chống tội phạm, buôn bán người và ma túy cùng các tài trợ khác nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát và công an hai nước, tiến tới việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa chính phủ hai nước.

Trong một số vụ án cụ thể, Bộ Công an Việt Nam cũng đã cử cán bộ phối hợp, hỗ trợ đắc lực, giúp các cơ quan chức năng Anh tìm ra thủ phạm. Thanh tra Steve Wagstaff, Ban chuyên án Bắt cóc Cảnh sát London cho biết: “Riêng trong năm 2008, sự phối hợp, giúp đỡ từ phía Công an Việt Nam đã giúp Cảnh sát Anh khám phá thành công ít nhất là 5 vụ bắt cóc có liên quan đến người Việt Nam”. Ông cũng nhấn mạnh: “Tội phạm người Việt ở Anh - dù là người định cư hợp pháp hay nhập cư bất hợp pháp đều liên quan đến các cơ sở trồng tài mà. Từ đây, ở Anh có những băng nhóm tội phạm là người Việt Nam”.

Đối với nhiều nước khác, Việt Nam cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ và hữu hiệu trong vấn đề chống tội phạm quốc tế, nhất là từ thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập đội ngũ Interpol. Trong vụ bà trùm Lê Thị Phương Mai, Interpol Việt Nam đã phối hợp rất tốt để xác minh rõ tất cả những địa chỉ giúp nữ trùm tội phạm rửa tiền bẩn thu được từ cần sa.

Không thể bắt giữ đối tượng khi y thị chưa có hành vi phạm tội cụ thể ở Việt Nam, Cơ quan Interpol Việt Nam đã chủ động “rung chà cá nhảy”, khiến đối tượng hoảng sợ phải quay về Canada, chui thẳng vào lưới mà cơ quan luật pháp nước này đã giăng sẵn.

Hàng loạt đối tượng giết người, cướp của, tội phạm ma túy nghiêm trọng, sừng sỏ khác bị Hoa Kỳ, Nga, Úc, Canada, Anh... và nhiều nước khác truy nã gắt gao nhưng chưa bắt được, cuối cùng cũng đã bị Công an Việt Nam phát hiện, bắt giữ và dẫn độ.

Tuy nhiên, đối với vấn nạn “dân rơm trồng cỏ” người Việt ở nhiều nơi trên thế giới, nỗ lực đấu tranh phòng chống không thể chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác, hỗ trợ vụ việc cụ thể. Vấn đề cần được xem xét như một thảm họa quốc tế nghiêm trọng, cần có những biện pháp mang tính quyết sách, chiến lược.

Thực tế, với nguồn lợi tài chính khổng lồ thu được từ “công nghệ cần sa”, tội phạm người Việt ở nước ngoài đang mạnh dần lên, nói không ngoa là đang hình thành những tập đoàn mafia mạnh, tầm cỡ quốc tế. Nếu không ngăn chặn, triệt phá tận gốc, không lâu nữa, chúng ta sẽ phải chứng kiến những cuộc chiến băng đảng đẫm máu xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Đó là đụng độ giữa băng đảng người Việt với người Việt, giữa người Việt ở Canada với các tập đoàn ma túy Trung Mỹ, là đụng độ giữa mafia Việt Nam với các tập đoàn buôn người, buôn ma túy Trung Âu hoặc với các băng nhóm mafia Anh, Úc...

Thảm kịch cũng có thể xảy đến ngay khi vừa chớm bắt đầu, ngay cả khi những người nhập cư chưa kịp đặt chân đến nơi tìm đến. Vụ 39 người thiệt mạng trong container đông lạnh được phát hiện ở Essex là một thảm họa quá đau xót. Nạn nhân đều là những thanh niên trẻ tuổi đang hừng hực nhiệt huyết và khao khát đổi đời. Họ đã vội gặp kết thúc bi thảm khi chưa kịp đặt chân vào đất hứa, chưa kịp chạm tay vào tương lai.

Không nghi ngờ gì nữa, về mặt cạnh tranh quốc tế, “dân rơm trồng cỏ” đã trở thành lĩnh vực mà người Việt... “thành công” nhất. Có điều, đó là một “thành công” không nên có, cũng không ai mong đợi. Đó là một “thành công” chỉ mang lại thảm họa mà xã hội cần cương quyết đấu tranh để sớm ngăn chặn, loại trừ trước khi quá muộn!

.

Nguyễn Hồng Lam
(Trích FB cá nhân)

_____________

Xem lại các bài trước:

Bài 1: Đời chuột chũi trong rừng đại ma

Bài 2: Bán mạng trong “Lò Thiêu Xác”

Bài 3: Gỡ bảng số giang hồ trên đồng cỏ quốc tế


Cái Đình - 2019