Topa


Hoàng Thụy Liên Hoa

 

Tôi trú ngụ dưới gầm cây cầu dài và rộng đã từ chín tháng nay. Tôi là một trong số những người Saigon không còn nhà để ở. Dưới gầm cây cầu này tôi dựng một cái chòi khá chắc chắn và tôi yên tâm không sợ bị công an hỏi đến. Người Saigon đi vùng kinh tế mới trốn về lại thành phố mỗi ngày mỗi đông hơn. Họ sống lây lất khắp hang cùng ngõ hẻm nên, nếu công an muốn bắt thì chỗ đâu mà nhốt cho hết, và làm gì có đủ gạo để nuôi ăn.

Để có tiền sinh sống, vào tháng thứ ba tôi dựng một cái chòi nhỏ cách xa gầm cây cầu khoảng trăm thước và được tôi che chắn bằng những tấm carton cùng những miếng nylon với nhiều màu sắc. Nơi cái chòi nhỏ đó, tôi hành nghề vá -sửa - bơm- bánh xe hai bánh, từ sáng sớm tinh mơ cho đến tận khuya… Hễ có khách thì dù khuya đến đâu tôi cũng không ngại.

Tôi, người thanh niên mới hai mươi bảy tuổi và cao một mét bảy mươi hai với nước da ngâm ngâm đen. Kết quả của những tháng ngày tôi phải ngồi bên lề đường đầy nắng gió và bụi bặm. Tôi làm việc bảy ngày một tuần dù trời mưa, trời bão, hay trời khô nắng nóng như thiêu như đốt.

Một buổi chiều kia khi tôi đang vá bánh xe thì nhìn thấy một cô gái có dáng người cao sang với nước da trắng ngần, thứ nước da thường có của các cô tiểu thư đài các nhà cao cửa rộng. Cô gái đi ngang qua chỗ tôi sửa xe làm cho tôi phải ngừng tay nhìn cô. Cô gái có gương mặt thật đẹp nhưng lại u sầu buồn bã quá. Người Saigon thời gian này hầu như không còn – không thể – nở nụ cười trên môi như ngày nào nữa. Tất cả đều có những nỗi buồn riêng và nỗi sợ hãi. Nhưng, cô gái này thì có gương mặt buồn đến não nuột.

Cô gái đi tiếp đến bên một cái cây cao và lớn gần góc đường, cách chỗ tôi sửa xe khoảng bảy tám chục thước.  Cô gái đứng lại đó thật lâu như chờ người nào sẽ đến với cô. Vì bận công việc nên tôi không để ý đến cô gái làm gì. Nhưng, từ sau buổi chiều hôm đó cho đến nay đã ba tuần trôi qua. Cứ hễ trời chạng vạng tối là tôi đã thấy cô gái đứng đó từ lúc nào rồi. Tôi tò mò muốn biết cô từ đâu đến, và đến với phương tiện gì. Nhưng, vì luôn bận tay sửa xe nên khi tôi nhìn đến chỗ cái cây to lớn là đã thấy cô gái đứng đó rồi. Tôi biết cô gái đang làm công việc gì. Cô gái không phải là người hành nghề chuyên nghiệp. Cô có vẻ rụt rè mỗi khi có người đàn ông nào đến bên cô. Cô luôn phải cầm một vật gì đó trong tay như để có được sự tự tin, và, cũng để khỏi bị trống trải. Khi thì tôi thấy cô cầm quyển sách, khi thì tờ báo; cũng có khi là cái khăn tay. Tự nhiên tôi lại thầm mong cho cô đừng bị bọn an ninh để mắt đến.

Những ngày đầu tôi nhìn thấy cô, có khi cô bước vô ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, có khi cô ngồi sau chiếc xe hai bánh. Và, cũng có hai lần cô ngồi trong chiếc xe Molotova.

Người Miền Nam bị nhà cầm quyền Miền Bắc trả thù rất hèn hạ và rất dã man. Kẻ nghèo đói thường dễ trở thành trộm cướp và giết người. Miền Nam giàu vì có đồng lúa cò bay thẳng cánh. Bị mất tất cả nên cuộc sống của người Miền Nam rơi vào cảnh khó khăn vì vậy mà rất nhiều gia đình đã không có một thứ thực phẩm nào để bỏ vô cái bao tử, vì vậy mà họ phải gỡ gạch trong nhà lên bán sau khi đã bán sạch sành sanh mọi thứ. Một số những người phụ nữ trẻ và có chút nhan sắc đành phải ra đứng đường để bán thân giúp đỡ gia đình, giúp đỡ người thân đang bị đi tù cải tạo. Người không bị tù còn bị đói triền miên thì người bị tù làm sao đủ ăn cho được.

***

Buổi trưa hôm nay vắng khách, tôi ngồi gác hai chân lên cái ghế nhỏ, lưng dựa vô vách dõi mắt nhìn về phía trước như người vô hồn. Trên mặt đường nhựa phía xa ánh lên một vùng sáng choang và đang bốc hơi nóng lên ngùn ngụt tựa như nơi đó là vũng nước. Buổi trưa trời nóng quá nên hai con mắt của tôi nửa nhắm nửa mở dưới cái nón lưỡi trai đã bạc phếch mà tôi đã kéo xuống để che mắt. Tôi mệt mỏi vì cái nóng oi ả giữa trưa hè nên cũng không muốn cử động nhiều để tiết kiệm năng lượng trong người. Tôi ngồi như thế cho đến khi có một bàn tay đặt thật nhẹ lên vai làm cho tôi giựt mình mở mắt ra. Đèn đường đã lên tự lúc nào mà tôi không hề hay biết gì cả. Tôi đã ngủ gục một giấc thật ngon và thật dài. Bàn tay của người đặt trên vai tôi là của cô gái mà tôi nhìn thấy mỗi tối đứng bên gốc cây từ hơn ba tuần qua. Cô gái đang ngậm điếu thuốc chưa đốt và khi thấy tôi choàng mở mắt, cô lấy điếu thuốc ra khỏi môi và nhoẻn miệng cười rồi hỏi rất lịch sự và với giọng nói thật nhẹ nhàng:

“Anh… cho Liên Hoa xin tí lửa vì....”

Tôi không nghe cô gái nói hết câu vì tôi đang luýnh quýnh đến hết quay qua bên phải rồi bên trái để tìm cái hộp quẹt ga nhưng không thấy. Khoảng chục giây trôi qua thì tôi chợt nhớ ra, tôi đưa tay vô túi quần và lấy ra cái hộp quẹt và bật lửa. Cô gái điếm ngậm điếu thuốc lại trong đôi môi đẹp được sơn son màu đỏ chót. Cô đưa điếu thuốc về phía ánh lửa từ cái hộp quẹt đang phát ra. Khói từ điếu thuốc thơm phả vô mặt tôi, cộng với mùi nước hoa, mùi son phấn… làm tôi ngây ngất. Cô gái ho lên sù sụ từng cơn. Tôi chưa biết phải làm gì hay nói gì thì cô gái điếm đưa bao thuốc lá về phía tôi và mời:

“Mời anh hút với Liên Hoa cho... tỉnh ngủ.”

Tôi thèm muốn chết cái hơi thuốc lá thật thơm của cô gái điếm mà từ rất lâu rồi tôi không dám mua, nhưng tôi vẫn lắc đầu:

“Tôi... tôi có thuốc đây mà...”

“Liên Hoa biết anh có thuốc, nhưng đây là Liên Hoa mời để... chuộc cái lỗi đã làm anh thức giấc.”

Tôi nhìn cô gái tên Liên Hoa và nhoẻn miệng cười. Tôi rút ra điếu thuốc và gắn lên môi đốt hút rồi giới thiệu tên tôi:

“Tôi tên Thuận.”

Cô gái nói như muốn thanh minh cho việc cô làm tôi mất giấc ngủ:

“Tại cái nón của anh Thuận làm cho Liên Hoa tưởng anh Thuận đang... cúi đầu nhìn xuống đất, chứ không ngờ anh Thuận đang ngủ.”

Mặc dù người đang đứng trước mặt tôi chỉ là cô gái kiếm sống bằng chính thân xác của cô, nhưng, cử chỉ của tôi thì lại không được tự nhiên. Tôi bị mặc cảm là người thất thế. Tôi bị mặc cảm bởi bộ đồ đang mặc nên tôi có cảm tưởng như hai cánh tay của tôi có vẻ bị thừa thãi. Cô Liên Hoa vẫn ho từng cơn sù sụ làm cho tôi phải lên tiếng:

“Cô đừng hút nữa. Để tôi lấy nước cho cô uống thì có thể sẽ bớt ho.”

Tôi đi vô trong chòi một lúc và khi đi ra tôi cầm theo chai nước nhỏ. Liên Hoa nhận chai nước từ tay tôi và cô liền bỏ điếu thuốc xuống đất rồi lấy chân dí qua dí lại cho đến khi điếu thuốc nát tan ra. Mọi động tác cô Liên Hoa làm thật khoan thai. Cô Liên Hoa nhìn tôi và nói với giọng nói vẫn nhẹ nhàng và rất rõ ràng:

“Liên Hoa mới tập hút… nên chưa quen anh Thuận à.”

Tôi nói để cho có nói vì tôi nói không thật:

“Hút thuốc hại lắm cô ơi. Như tôi đây... buồn quá không biết làm gì thì hút cho... vui chứ tôi đâu thấy ngon lành gì đâu.”

Liên Hoa đưa gói thuốc còn mười tám điếu cho tôi và nói:

“Anh Thuận cầm lấy... hút dùm Liên Hoa đi. Điếu thuốc Liên Hoa vừa hút là điếu đầu tiên và cũng là cuối cùng. Liên Hoa không bao giờ hút nữa đâu.”

Lần đầu tiên chạm mặt và nói chuyện với cô gái điếm tên Liên Hoa… Tôi nghĩ, Liên Hoa là tên giả. Hầu hết phụ nữ làm việc này – trong thời buổi này –  đều lấy tên giả vì nhiều lý do mà lý do về an ninh bản thân là chính. Liên Hoa có nước da trắng và đẹp tựa như hoa sen trắng vậy. Khi nói chuyện lời nói của Liên Hoa phát ra rất rõ ràng, rất nhẹ nhàng và từ tốn, chứng tỏ sự nhận xét của tôi lúc đầu về cô rất chính xác. Có những tối không có khách sửa xe, tôi ngồi kín đáo nhìn về phía cô trong cái áo dài tay được bỏ trong quần jean đứng bên gốc cây. Tôi rất thích nhìn những cô gái mặc quần jean... Gợi lại hình ảnh người con gái đầu đời tôi yêu và yêu tôi. Không biết giờ này người tôi yêu đang ở đâu cùng với gia đình? Người tôi yêu còn sống hay đã mất? Khi Cộng quân đang trên đường tiến vô Biên Hòa thì tôi cũng mất tin tức của nàng. Có lẽ không bao giờ tôi còn được gặp lại người tôi yêu nữa, mặc dù tôi đã cố công đi tìm kiếm khắp nơi. Tôi nhìn cô gái đang đứng trước mặt và làm một cuộc so sánh thật nhanh. Cả hai đều suýt soát tuổi nhau. Nghĩa là cũng chỉ khoảng mười chín đôi mươi thôi. Tuổi đang xuân và đẹp nhất của đời người con gái. Về sắc thì cô gái đứng trước mặt tôi trội hơn người tôi yêu nhiều. Nếu không có một cuộc đổi đời oan nghiệt thì giờ này tôi và người tôi yêu vẫn còn có nhau, và, cô gái đang đứng trước mặt tôi có lẽ sẽ không bao giờ phải có mặt tối nay tại cái chỗ tồi tàn này để xin lửa hút thuốc và... chờ người đàn ông xa lạ nào đó sẽ đến đón đi. Những đêm trước, khi có khách là cô lên xe và đi luôn cho đến tối hôm sau tôi mới thấy lại cô. Nếu không có chuyện xin tí lửa như hôm nay thì không biết đến bao giờ tôi và cô Liên Hoa mới quen nhau. Ngày trước tôi bạo dạn bao nhiêu thì ngày nay tôi nhút nhát bấy nhiêu. Tôi nhút nhát là vì sợ và, cũng vì quá khổ. Nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt đã thành công khi làm cho mọi công dân Việt phải sợ hãi họ bằng những hành động ghê tởm mà, một trong những hành động đó là, không cho ăn nhưng lại bắt phải làm việc không lương mà họ gọi là… làm việc xã hội chủ nghĩa. Người nào trốn hoặc chống đối liền lập tức bị bắt. Người Miền Nam nào cũng đều hiểu mình là những tội phạm hờ có thể bị bắt bất cứ lúc nào dù chẳng làm gì nên tội. Có lẽ cô Liên Hoa thấy tôi không có vẻ lưu manh vì ánh mắt của tôi luôn nhìn ngay mắt cô mỗi khi nói? Có lẽ cô thấy tôi không có cái nhìn chằm chằm thèm muốn như những người đàn ông mà cô đã gặp qua?... Tôi và cô gái điếm tên Liên Hoa quen nhau từ buổi tối hôm đó.

Ngày hôm sau, trời vừa chập choạng tối thì cơn mưa kéo đến bất chợt và thật lớn. Tối nay tôi thấy lạnh trong người. Tối nay tôi thấy không được khỏe lắm nên không muốn ngồi chờ khách đến sửa xe như mọi đêm. Càng lúc tôi càng cảm thấy lạnh hơn vì có nhiều gió quá. Tôi thèm ăn tô cháo vịt và uống vài ly rượu cho ấm rồi đánh một giấc tới sáng cho khỏe. Đang lui cui dọn dẹp đồ nghề thì một chiếc xích lô đạp trờ tới. Tôi cảm thấy chút thất vọng vì tôi sẽ không thể từ chối những người đang cần đến mình. Người phu xích lô lẹ làng bước xuống xe và mở nhanh cái bạt che mưa để cho khách bước ra. Tôi mở lớn hai con mắt lên đồng thời nhoẻn miệng cười và trong lòng thì thật vui khi nhìn thấy cô Liên Hoa ngồi trong xe cũng đang cười với tôi và ngoắc tôi lại gần. Khi tôi đi đến bên, cô Liên Hoa nói những lời thật trìu mến kèm chút nũng nịu:

“Anh Thuận ơi, đi ăn với Liên Hoa đi rồi đêm nay anh Thuận cho Liên Hoa ngủ lại chỗ của anh Thuận nhe. Liên Hoa... thấy mệt nên không muốn... gì hết.”

Những gì tôi suy đoán về cô Liên Hoa đều đúng cả. Liên Hoa khôn ngoan nên ăn nói rất biết lựa lời. Liên Hoa không có những hành động hay lời nói của những cô gái điếm chuyên nghiệp mà tôi từng gặp qua. Đêm đó Liên Hoa không ngờ là tôi lại ngủ dưới gầm cây cầu và trong cái chòi tồi tàn bên cạnh dòng nước đen và hôi hám. Nhưng, Liên Hoa vẫn vui vẻ chứ không hề tỏ thái độ nào làm cho tôi buồn lòng. Liên Hoa và tôi nằm bên nhau rồi tâm sự cho nhau nghe câu chuyện về cuộc đời mình... “Anh sinh ra nơi vùng cao nguyên đất đỏ. Vùng đất mà thi sĩ Vũ Hữu Định đã viết:

Phố núi cao phố núi trời gần

Phố xá không xa nên phố tình thân

Đi dăm phút đã về chốn cũ...

Ngày chưa... đứt phim anh cũng đã từng lãnh nhận những công việc quan trọng cần đòi hỏi nhiều đến trí óc và, anh cũng có rất nhiều người phụ công việc cho anh. Anh hiện sống độc thân và gia đình của anh thì không còn một người nào trên cõi đời này nữa. Tất cả ba người, ba mẹ và đứa em gái nhỏ đã bị chiến tranh cướp đi mạng sống trước ngày mất nước khoảng chỉ hai tháng. Vì phụ trách công việc “quan trọng” nên anh có rất nhiều tiền. Anh sống vì bạn và hơn nữa anh cũng ăn xài khá rộng rãi nên bạn bè đặt cho anh biệt danh : “Thuận công tử.” Có bao nhiêu tiền là anh vui thú với bạn bè hết. Để các bạn đừng ngại nên nhiều lần anh đã nói: “Tao còn độc thân thì tụi mày cứ để hết cho tao... thầu. Mai đây nếu tao có gia đình rồi và chẳng may bị... xuống chó thì tụi mày cho tao ăn lại chứ có gì mà tụi mày phải bận tâm.” Nghe anh nói như vậy nên bạn bè cũng chìu theo. Trong nhóm khoảng chục đứa thì chỉ có anh là được hoãn dịch vì công việc. Còn ngoài ra thì đều là lính cả, mà, lương Thiếu úy, Trung úy thì có là bao. Tuy vậy chứ cứ năm ba chầu thì bạn bè cũng giành trả một... Cho đến ngày tất cả phải chia tay nhau để đi vô tù cải tạo. Ngày anh… xuống chó thì các bạn của anh cũng xuống theo nên không ai giúp được ai. Anh không phải là “Ngụy quân” nhưng vẫn phải đi trình diện theo diện “Ngụy quyền.” Anh biết rất rõ là không bao giờ có chuyện đi dăm ba bữa nửa tháng hay một tháng rồi về. Việt cộng đồng nghĩa với xảo trá và độc ác nên không bao giờ biết nói thật và có tình người; vì vậy anh quyết định không đi trình diện. Anh rời khỏi nhà và thay tên đổi họ rồi ra sống ngoài đường phố. Ngày trước, dù anh có tưởng tượng phong phú đến cỡ nào thì cũng không làm sao anh tuởng tượng nổi ra cái cảnh có ngày anh phải sống dưới gầm cầu bên dòng nước thì đen thui và thúi hoắc, như hiện tại. Đang từ một người ngồi trên voi, muốn ăn gì thì ăn, muốn ở đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi... Chớp mắt một cái, anh bị dìm xuống tận cùng hố sâu thăm thẳm để không có cái mà ăn, không có nơi để mà trú thân. Anh phải chọn gấp nơi này để lánh thân là vì anh có quen một người trong một tổ chức tranh đấu vì có cảm tình với cộng sản. Ngày trước anh không muốn hắn bị đi tù mà chỉ muốn giúp hắn nghĩ lại những việc làm của kẻ thù chẳng khác nào những tên khủng bố độc ác và nguy hiểm. Hắn biết nhà của anh và nghi ngờ công việc làm của anh. Nhà cầm quyền này sẽ thủ tiêu những thành phần mà họ cho là nguy hiểm… được những người nằm vùng, những cảm tình viên, hoặc, những người theo họ ngày 30 tháng tư chỉ điểm.

Sau khi chọn chỗ này để tá túc. Mấy tháng sau anh dựng cái chòi để sửa xe - mà hôm qua em và anh gặp nhau - để làm kế sinh nhai qua ngày. Anh tin con người có số. Định mệnh của mỗi một con người đều đã được sắp đặt sẵn bởi Thượng Đế. Anh tin cuộc sống hiện tại của anh cũng chỉ là thử thách tạm thời mà anh phải trải qua. Nói theo tín ngưỡng của anh thì anh đang phải vác thập tự giá. Anh vui vẻ vác và tin tưởng cách mãnh liệt là rồi đây anh sẽ thoát ra khỏi cảnh khốn cùng này. Anh thương cho hoàn cảnh của em đã sinh ra không đúng nơi không đúng thời nên gặp những tên cướp nước cướp nhà để thân em phải bơ vơ không nơi nương tựa và tạm thời phải làm vợ khắp thiên hạ. Anh tin rồi đây cuộc đời của em sẽ xán lạn chứ không tối tăm vì em có tướng sang và quý phái. Anh tin chắc như vậy em Liên Hoa à. Mà… Liên Hoa là tên thật hay…”

Liên Hoa cười lớn và nói:

“Tên họ của em là Hoàng Thụy Liên Hoa. Cái tên của em cũng là một câu chuyện thú vị lắm anh Thuận à. Để em kể đầu đuôi vì sao em có cái tên đó anh nghe nha. Ba mẹ em thương nhau và tưởng chừng như sẽ không được chung sống với nhau, vì, ba em theo đạo Thiên Chúa còn mẹ em thì theo đạo Phật. Sau bao trắc trở và cuối cùng hai bên thỏa thuận, người nào giữ đạo của người nấy. Ba mẹ có một giao ước là, nếu đẻ con trai thì đặt tên Hoàng Quang Minh; còn con gái thì Hoàng Thụy Kim Linh. Kim là tên của mẹ và Linh là tên của ba. Một ngày kia mẹ em đi thăm một ngôi chùa mà mẹ đã từng đến. Chùa có tên là Liên Hoa Tự. Mẹ em thích đến chùa này vì chùa có một cái hồ rộng lớn trồng toàn sen nhìn rất đẹp và thơ mộng. Đang thăm viếng thì bất ngờ mẹ chuyển bụng và… sinh ra em sớm mười ngày tại ngay ngôi chùa đó và được các sư cô giúp đỡ rất tận tình. Để kỷ niệm và cũng là để cám ơn các vị sư cô, nên mẹ đặt tên Liên Hoa cho em và ba em cũng tán thành. Ba mẹ em chỉ có mình em là con nên ba mẹ cho em theo học trường nội trú, thuộc dòng nữ tu Công giáo do các Sœur giảng dạy; từ khi em lên sáu tuổi. Trường nữ nội trú này có lẽ anh cũng biết, hoặc, có nghe qua vì anh cũng từng có rất nhiều năm học nội trú ở Dalat.

Gia đình em thuộc thành phần trung lưu. Ba của em là thương gia xuất nhập cảng mười tám ngành và khá nổi tiếng ở đất Saigon này. Khi thành phố Dalat phải di tản thì em cũng phải rời khỏi trường  và về sống với gia đình trong căn nhà rất rộng lớn ngoài mặt tiền đường Hiền Vương Sàigòn. Thế rồi… trong khi ba mẹ đang tìm phương tiện để thoát ra khỏi Việt Nam thì chẳng may ba mẹ bị tai nạn và cả hai người cùng qua đời khi chẳng còn bao ngày nữa thì Sàigòn thất thủ. Vì từ nhỏ em sinh sống trên Dalat nên em không có tên trong tờ khai gia đình chung với ba mẹ. Ngày tang của ba mẹ chưa qua thì đại tang kế tiếp lại đến với đồng bào Miền Nam. Người của chế độ mới muốn chiếm đoạt căn nhà của ba mẹ nên đã cố tình không đếm xỉa gì đến tình trạng của em. Họ buộc em trong bốn ngày phải ra khỏi nhà. Và... em được một Ma Sœur giới thiệu cho em tạm trú nơi người từng làm việc trong nhà dòng của Sœur. Cũng vì em chưa từng biết qua một người thân nào của gia đình nên em không còn cách nào hơn là phải làm... như đang làm để kiếm sống qua ngày. Cũng may là em chưa gặp người đàn ông nào đối xử thô bạo với em…”

Tôi nằm im lắng nghe từng lời tâm sự của Liên Hoa, người con gái có hoàn cảnh thật quá đỗi bi đát. Tôi thương hoàn cảnh của Liên Hoa cũng như thương chính hoàn cảnh mình. Nếu tôi là gái thì biết đâu tôi cũng đã làm như Liên Hoa; như biết bao cô gái Miền Nam thân yêu cũng đang làm như vậy.Thành phố tối tăm vì không có điện cũng chẳng khác gì cuộc sống tối tăm của cả Miền Nam này… rồi sẽ ra sao và đến khi nào mới sáng tỏ? Càng nghĩ tôi càng thấy mình bất tài và bất lực nên có lúc tôi thở dài. Liên Hoa nghe tôi thở dài thì liền ngẩng đầu lên nhìn ngay mặt tôi xem có chuyện gì mà tôi phải thở dài. Thấy tôi nằm im và nhắm mắt nên Liên Hoa nằm xuống nhè nhẹ thì bất ngờ tôi quay người qua và úp mặt vô cái ngực trần của Liên Hoa, đồng thời hai tay tôi siết thật chặt tấm thân không mảnh vải trên người nàng. Một luồng nước nóng ấm thấm vô ngực của Liên Hoa. Liên Hoa siết đầu tôi sát vô ngực của nàng hơn. Đêm nay tôi đã thật sự yếu hèn vì thấy mình bất tài và bất lực nên tôi khóc. Liên Hoa cũng khóc đồng thời lại nói bên tai tôi những lời đã làm cho tôi quyết định phải cứu Liên Hoa thoát khỏi cái đất nước khốn nạn với cuộc sống tủi nhục này. Liên Hoa nói:

“Anh cứ khóc đi anh. Con người có nhiều lúc cần phải khóc để được vơi đi phần nào nỗi khổ đau. Em cũng đang khóc và khóc gần như là mỗi đêm khi nhớ đến ba mẹ và hoàn cảnh hiện tại của mình. Ngoài trời sau cơn mưa lớn rồi cứ rã rích mãi. Mưa Saigon là thế. Mưa Dalat cũng vậy. Những trận mưa lớn và những đợt mưa cứ kéo dài ra nhiều ngày... Anh vẫn còn nhớ những ngày mưa ở Dalat chứ anh? Em nhớ là đã có những lần khi trời đang mưa, em mặc áo mưa chạy xe lòng vòng ngoài đường không có nơi đến và cảm giác thật thú vị làm sao! Cũng trong trạng thái đó, em chạy xe Honda đến hồ bơi. Trong hồ nước em như tìm được người bạn thân và em đã vùng vẫy dưới nước thật thoải mái. Chỉ ở hồ bơi em mới có thể vẫy vùng mà không bị một ai cản trở. Em…”

Tôi ngẩng cao đầu và nhìn ngay mặt Liên Hoa rồi nói như ra lệnh:

“Em nghe anh nói đây. Em chuẩn bị… tinh thần để chỉ trong nay mai thôi, khi nào anh nói đi là em phải đi ngay. Em phải thoát ra khỏi đất nước này càng sớm  càng tốt. Em xứng đáng nhận cuộc sống tốt hơn nơi chỉ có thù hận, tối tăm, gian  xảo, và bẩn thỉu này. Người Miền Nam bị hận thù do bởi những con quỷ đội lốt người… chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.”

Quá bất ngờ khi nghe tôi nói nên Liên Hoa hỏi lại vẻ lo lắng:

“Anh... anh có đi cùng với em không? Và... có... tốn nhiều tiền không anh?”

“Em không phải tốn đồng bạc nào cả. Mọi chuyện anh sẽ lo hết nhưng anh thì chưa đi được. Anh còn phải ở lại để giúp những người bạn của anh. Khi em đi rồi anh cũng sẽ rời khỏi chỗ này và không còn sửa xe nữa.”

“Bộ anh trong... Hay là anh... cho em chờ đi cùng với anh luôn được không anh?”

“Không. Em phải nghe anh và đừng hỏi nhiều, cũng đừng làm khác những gì anh đã tính. Nếu em đi không thoát được thì còn có anh ở ngoài để lo cho em và tiếp tục nữa chứ. Hai đứa cùng kẹt thì ai lo cho mình.”

“Dạ, em nghe anh. Anh nói em làm gì là em sẽ làm như vậy.”

“Như vậy là em ngoan lắm! Thôi, bây giờ mình ngủ vì cũng sắp sáng rồi em à.”

Tôi vừa nằm xuống lại thì Liên Hoa nói nhỏ bên tai tôi:

“Anh à. Em muốn...”

Ngay sau câu nói thì bàn tay của Liên Hoa cũng đang lần đến dây nịt quần của tôi. Tôi nuốt nước miếng. Tôi định ngăn bàn tay của Loan lại. Nhưng, không hiểu sao tôi vẫn nằm yên không động đậy. Liên Hoa chồm người lên nằm trên mình tôi. Tôi nhắm mắt lại và để cho Liên Hoa chủ động mọi việc cho đến khi nàng và tôi buông nhau ra.

***

Vừa đậu xe vô bãi để xe, tôi bàng hoàng đến sửng sốt. Tôi nhìn theo người đàn bà tuổi trung niên đang nắm tay một đứa bé khoảng trên mười tuổi cùng bước vô tiệm ăn nhanh Burger King tại thành phố Amsterdam. Tôi tin ở cặp mắt của mình. Tôi không thể nhìn lầm được. Chắc chắn người đàn bà đó là Liên Hoa. Tuy đã hơn bốn mươi năm không gặp lại nhau, nhưng, dáng người đó, khuôn mặt đó, vẫn không thay đổi nhiều… thì làm sao tôi có thể không nhận ra được.

Tôi bước ra khỏi xe và đi thật nhanh vô tiệm để gặp Liên Hoa thì vừa lúc đó, Liên Hoa và đứa bé, với một người đàn ông đang quàng cánh tay trái qua vai Liên Hoa,cánh tay phải của ông thì cầm túi thức ăn của tiệm…cùng bước ra cửa. Liên Hoa nhìn ngay tôi và giật mình đứng khựng lại. Tôi cũng nhìn ngay Liên Hoa nhưng hai chân của tôi bước đi tiếp vô bên trong. Tôi vừa kịp nghĩ, không nên làm cho cuộc sống của Liên Hoa bị xáo trộn.

Khi Liên Hoa cùng chồng con vô ngồi trong xe và chạy đi. Tôi nhìn theo bảng số xe thì biết đó là xe đến từ Pháp Quốc. Tôi đoán vợ chồng Liên Hoa và con đến thành phố Amsterdam du lịch.

Tôi vô ngồi trong xe nhưng không chạy đi. Tôi ngồi yên đó và hồi tưởng lại cái ngày của hơn bốn mươi năm về trước. Ngày đó tôi đưa Liên Hoa đi là chuyến đầu tiên mà tôi được tham gia vô tổ chức, và, chuyến đầu tiên đó đã đi thoát. Trước khi Liên Hoa bước vô ngồi trong lòng chiếc ghe. Liên Hoa đã nói nhỏ – thật nhỏ – những lời âu yếm bên tai tôi mà chắc chắn trong suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được: “Anh ráng bảo trọng lấy thân và nhớ đi sớm nghe anh. Em mong chúng mình sẽ gặp lại nhau dù thời gian có là bao lâu. Em yêu anh! Em yêu anh suốt cuộc đời dù sau này thời gian có bào mòn hình hài hai đứa ra sao thì em vẫn nhớ mãi ngày hôm nay. Anh là người đàn ông đầu tiên mà em yêu. Anh đã đối xử với em thật độ lượng. Tiếc là thân em không còn...” Tôi nắm chặt hai bàn tay Liên Hoa áp vô ngực tôi và nói:  “Em là hoa sen! Hoa sen trắng và rất quý… nên trong bùn mà không bị hôi tanh mùi bùn. Anh cũng yêu em và sẽ không bao giờ quên em. Anh sẽ nhớ mãi buổi chia tay hôm nay. Anh và em chắc chắn sẽ gặp lại nhau. Anh tin chắc như vậy.”

Sau chuyến đi của Liên Hoa, tổ chức mà tôi may mắn được tham gia đã đưa được hơn mười chuyến nữa, trong đó có nhiều bạn bè ngày xưa của tôi trở về sau những năm tháng bị trả thù và bị sỉ nhục. Người tổ chức là Đại úy thuộc Binh chủng Công binh, cũng là vị chỉ huy của một người bạn của tôi mà tôi đã từng có nhiều lần gặp mặt ông và cùng ngồi ăn uống với ông ngày trước. Một hôm kia ông đang trên đường đi ra Bà Rịa thì chiếc xe Honda của ông bị bể bánh. Định mệnh đã run rủi cho ông và tôi được gặp lại nhau. Ông và tôi đã ôm nhau và cả hai nước mắt cứ chảy ròng ròng mà không ai nói lên được một lời nào... Và, bây giờ tôi cũng đang nhớ về ông, nhớ về kỷ niệm với người con gái tên Loan mà tôi vừa gặp lại trong hoàn cảnh mà tôi phải làm như vừa rồi. Sau khi tôi đi thoát, vị sĩ quan Công Binh dự định sẽ cùng gia đình đi chuyến kế tiếp thì... ông bị bắt và bị hành hạ thật dã man.

Tôi luôn tin con người có số. Định mệnh của mỗi một con người đều đã được định đoạt bởi Thượng Đế. Ngày đó tôi không bao giờ có thể tưởng tượng nổi sẽ có ngày một con người hiền lành, có uy tín và luôn coi trọng danh dự như ông, cuối cùng lại là người bị hành hạ đến thành phế nhân. Ông bị đánh đến bán thân bất toại và hiện vẫn còn ở lại quê nhà…

“Phải... anh là anh Thuận không?”

Tôi đang gục đầu trước tay lái thì giật mình ngẩng lên nhìn người vừa hỏi. Liên Hoa đang đứng bên cửa xe và hỏi. Tại sao Liên Hoa không đi luôn mà quay lại tìm tôi để làm gì. Mặc dù từ bao năm qua tôi vẫn cố tìm và dò hỏi tin tức của Liên Hoa. Nhưng, trong tình trạng hiện tại thì một mình tôi buồn… là được. Tôi đã quen rồi với những chuyện buồn đau. Người đàn ông và đứa bé… không có lỗi chi cả. Nghĩ vậy nên tôi làm như mình là người Đài Loan không hiểu tiếng Việt. Tôi hỏi lại Liên Hoa bằng tiếng Hòa Lan:

“Xin lỗi, bà hỏi gì ạ?”

Liên Hoa vẫn nói với tôi bằng tiếng Việt Nam:

“Chính anh là anh Thuận mà. Em thương nhớ anh nên không thể quên được giọng...”

Tôi cố làm vẻ mặt ngơ ngác như không hiểu và hỏi lại cũng câu hỏi cũ. Liên Hoa dùng tiếng Anh nói với tôi:

“Anh chính là anh Thuận mà. Làm sao em có thể quên anh cho được chứ. Em vẫn luôn tìm anh với hy vọng…”

Hai con mắt của Liên Hoa đã đổi màu. Liên Hoa sắp sửa khóc. Tôi cũng đang cố dằn nỗi xúc động nhưng vẫn làm điệu bộ gật gật cái đầu ra vẻ hiểu ý của Liên Hoa. Tôi lấy cái bóp từ túi quần sau và lấy ra cái bằng lái trong đó ghi tên họ người sử dụng hoàn toàn tên Hòa Lan. Tôi đã đổi cả họ lẫn tên từ ngày rời khỏi Việt Nam. Tôi đưa cho Liên Hoa xem và nói bằng tiếng Anh:

“Tôi không giận, không phiền về sự lầm lẫn của bà đâu.”

Nói rồi tôi đút cái bóp vô lại túi và mở công tắc cho máy nổ. Tôi lái xe thật chậm chạy ra khỏi bãi đậu xe. Tôi nhìn trong kiếng chiếu hậu và thấy Liên Hoa vẫn  đứng tại chỗ nhìn theo xe tôi. Tôi lái xe qua một khúc quanh để không còn nhìn thấy Liên Hoa nữa.

Tôi đang buồn vui lẫn lộn. Tôi buồn là vì tôi vẫn còn yêu Liên Hoa. Tôi vui vì tôi vừa gặp lại Liên Hoa mà tôi tin là nàng đang sống hạnh phúc bên chồng và con.

Trên đường về thì trời bắt đầu mưa nên tôi muốn ghé quán rượu gần nhà uống vài ly rượu mạnh trước khi về nhà. Tôi biết đêm nay và những đêm kế tiếp tôi sẽ rất khó ngủ. Tôi ngừng xe rồi bước vô quán rượu quen thuộc cách nhà tôi chỉ hơn hai trăm thước và gọi ly rượu cognac.

“Liên Hoa… vẫn như ngày nào. Vẫn lịch sự và vẫn thật dễ thương.” Tôi nghĩ vậy nên lấy quyển sổ tay ra và viết vô đó:  “Ngày… Liên Hoa em. Anh vẫn yêu em vì vậy mà bao năm qua anh luôn tìm kiếm và mong được gặp lại em. Vì yêu em nên không một ‘bóng hồng’ nào làm cho anh quên được em. Anh đã hành động đúng khi làm như không nhìn ra em. Làm sao anh có thể không nhìn ra em được? Anh không muốn em phải bị khó xử. Anh không bao giờ quên được cái đêm đầu tiên em nằm bên anh trong cái chòi tồi tàn dưới gầm cây cầu cạnh bên dòng nước đen hôi hám. Anh không quên được hôm anh tiễn em vô ngồi trong chiếc ghe đi tìm tự do… Anh xin em hiểu và tha lỗi cho anh. Anh chúc Liên Hoa của anh sống thật hạnh phúc và luôn được bình an… cho đến ngày sau cùng!”

Người chủ quán rượu quen biết và rất vui tính thấy tôi cắm cúi viết đến không nhìn ông nên ông để ly rượu trên bàn rồi lẳng lặng đi đến đứng sau quày rượu. Khi tôi viết xong và nhìn lên, ông liền đưa ngón tay cái của bàn tay phải lên và đồng thời chỉ vô ly rượu của tôi. Ly rượu đầu ông mời tôi như ông vẫn thường làm vậy trong những lần tôi đến quán. Tôi cầm ly rượu đưa lên cao như để cám ơn ông rồi… uống cạn hết ly rượu.

Tôi trở về nhà vào khoảng mười hai giờ đêm. Trời vẫn còn rả rích mưa. Tối nay nhìn mưa nơi xứ người làm tôi nhớ quê hương, nhớ Dalat quá đến nỗi tôi suýt la lên một tiếng thật lớn cho vơi bớt nỗi nhớ nhung. Thật may là tôi vẫn còn tỉnh táo để không làm chuyện đó. Tôi nhớ lại buổi chiều nay Liên Hoa đứng im tại bãi giữ xe nhìn theo xe tôi mà thấy thương Liên Hoa quá. Liên Hoa nghĩ gì về tôi? Dù sao thì tôi cũng vui vì đã được gặp lại và tin rằng, Liên Hoa đang sống hạnh phúc. Hơn bốn mươi năm qua chắc chắn Liên Hoa vẫn thường nhớ đến tôi cũng như tôi vẫn thường nhớ đến Liên Hoa. Đêm nay tôi nhớ Liên Hoa, tôi nhớ đến câu nói trong đêm mưa năm nào dưới gầm cây cầu… “Mưa Saigon là thế. Mưa Dalat cũng vậy. Những trận mưa lớn và những đợt mưa cứ kéo dài ra nhiều ngày... Anh vẫn còn nhớ những ngày mưa ở Dalat chứ anh?”

Tôi buồn quá nên không thể ngủ được. Tôi mở nhạc nghe cho đừng suy nghĩ. Nữ ca sĩ khả ái Thiên Trang đang hát bài “Căn Nhà Ngoại  Ô” làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Thiên Trang hát: “… Niềm tin là một ngày mai non nước chung màu cờ vàng…” Chung màu cờ vàng? Hay quá! Đây là lần đầu tôi thấy chữ cờ vàng rất có ý nghĩa, bởi từ trước đến nay tôi vẫn không thích gọi cờ vàng. Tôi vui và thầm nghĩ: “Chắc chắn quê hương Việt Nam sẽ thật sự có tự do, và, chung màu cờ vàng!”

.

Topa (Hòa-Lan)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/hoangthuylienhoa.htm


Cái Đình - 2020