Nguyễn Song Anh


Ăn cơm mới, nói chuyện cũ

...Ở đồng quê, thế mà lắm chuyện (Phi Vân)

 

“Đồng Quê”, tác phẩm của Phi Vân (1) gồm 2 phần: 12 bài phóng sự ngắn và phóng sự tiểu thuyết “Dưới đồng sâu”.

Tác phẩm được giải nhứt cuộc thi văn chương của Hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943. (2). Lúc đó, Phi Vân 26 tuổi. Tuy chỉ là giải thưởng của một địa phương, một khu vực, nhưng ảnh hưởng và giá trị của tác phẩm đã vượt khỏi không gian và thời gian. Sức thu hút lạ kỳ của tác phẩm chính là ở chỗ, từ những ghi chép, có thật, sống thật ở một vùng tận cùng phía nam tổ quốc: Cà Mau – Bạc Liêu những năm đầu thế kỷ 20 mà trong toàn thiên phóng sự, có lần đề cập đến một câu chuyện vào “năm một ngàn chín trăm ba mươi ba”.

Cho nên ăn cơm mới, nói chuyện cũ là vậy. Nhất là đang ở hải ngoại gần mười năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba mà nhắc lại Đồng Quê của Phi Vân, giống như “đem chuyện trăm năm trở lại bàn”, không biết có cổ lổ sĩ quá không?

Nhưng đọc trong Đồng Quê, có câu Phi Vân viết: “Đó là...ai kìa, chớ tôi, tôi là một kẻ từng lượm mót từ hột ngọc trời, từng cắm từng cọng lúa, có bao giờ tôi đang tay bứt cả cội nguồn.”

Đọc đến mà bàng hoàng, tuy trong tác phẩm, đó chỉ là suy nghĩ của một anh đi câu cá lén.

Như lời tác giả mở đầu thiên phóng sự:

“Đây là những bài báo. Bởi thế cách hành văn cũng như nội dung đều có tính cách “nhật trình”... lối văn gần như cẩu thả... câu chuyện có vẻ nhất thời...

Hình ảnh những nhân vật trong chuyện-những người đã cùng tôi sống chung-ngày nay đã mờ trong ký ức.

Kể lại một quãng đời phải chăng là sống lại với ngày qua? Có lẽ thế. Nhưng tôi muốn xa hơn: vẽ một bức tranh phong tục và tập quán”.

Đọc lại Đồng Quê, chúng ta thấy lối văn chơn chất miền Nam của tác giả không “cẩu thả”, trái lại thật gỉản dị và sinh động.

Nói về phong tục, tập quán, trước là nói về sinh hoạt cơ bản của người dân Cà Mau – Bạc Liêu thời đó. Lao động nông nghiệp giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhưng họ vẫn không nhụt chí. Họ là ai? Có thể nói là những người tận cùng, dưới đáy xã hội đang mưu sinh trên một vùng đất hẻo lánh, xa xôi của tổ quốc. Họ chấp nhận số phận và đem mồ hôi lao động đổi lấy miếng cơm. Họ vẫn có những rung động của con người bình thường, biết thương yêu, biết cảm xúc trước thiên nhiên, ấp ủ những ước mơ, mà từ đó, đã góp phần tiếp nối hình thành dòng văn học dân gian Nam bộ, dòng văn học văn minh sông nước qua các điệu hò, câu hát. André Gide có “ Symphonie pastorale” thi Phi Vân cũng có “Khúc nhạc đồng quê”:

“Tôi chồm ra ngoài nhìn cảnh vắng. Bên vàm, hàng dừa nước âm-u lâu lâu thấy le-lói một ánh đèn; bên bờ kia thỉnh-thoảng nghe tiếng chày giã gạo, tiếng chó sủa đêm. Đêm nay chỉ có vành trăng hai mươi, nhưng sao đầy trời góp ánh sáng lại làm cho cảnh vật thêm ảo-huyền thơ mộng.” (Tiếng hò trong đêm vắng)

Cuộc sống trên sông nước, gắn bó với thiên nhiên ruộng đồng là nền tảng sinh hoạt của cư dân Cà Mau. Cảm xúc trong sáng, dịu dàng trong nỗi vỗ về an ủi của thiên nhiên đã giúp họ quên đi lao công khổ trí:

“Thả câu xong, tôi nằm trên sạp, chờ tới giác đi thăm cá.

Đêm ấy không trăng. Muôn ngàn con mắt long lanh trên nền trời đen thẫm. Cánh đồng lặng ngủ trong ánh sáng mờ-mờ. Gió thoảng từng hồi, từng hồi ngọn lúa cựa mình xào-xạc. Tiếng giạt-sành vang lên trong im lặng xa-xa. Tôi cảm thấy bồi hồi tưởng nhớ đâu đâu, rồi nhẹ-nhàng, rồi khoan khoái, tôi rung đùi ca.” (Dưới đồng sâu).

Hãy quên đi ánh sáng đèn điện, các phương tiện giao thông như xe đạp, xe gắn máy, xe hơi và những xa lộ cao tốc... Quên hết đi các phương tiện văn minh vật chất hiện đang vây phủ quanh ta để đọc Đồng Quê. Họa hoằn lắm trong hôn lễ, trong giỗ quải kéo dần đến đêm hôm, mới có “đèn tọa đăng” hay “đèn măng-sông”, còn không thì chỉ bó lá dừa khô làm đuốc. Đi lại giữa các vùng sông rạch, xẻo, trấp... từ nhà ra ruộng, thăm đồng chủ yếu là... đi bộ, chèo ghe, chống xuồng. Đó là hình ảnh sinh hoạt của nông dân Cà Mau trong phóng sự của Phi Vân. Nhưng không vì thế mà sinh hoạt của họ trở nên bùn lầy nườc đọng, khi họ đã chấp nhận sống chết trên vùng đất đã phải chọn để mưu sinh. Không đi sâu vào cuộc sống của họ, không sống và lớn lên nơi đó, khó mà thấu hiểu được tình cảnh và tâm hồn của họ:

“Năm nay ở sân ông Chủ nhộn-nhịp lắm. Tá điền đập lúa ngày lẫn đêm. Ban đêm, nhứt là những đêm trăng tỏ, không thiếu mặt người nào ở sân lúa. Làm việc dưới ánh trăng đã ít nhọc lại không tốn đèn đuốc...

Trong những lúc ấy, họ nói chuyện tiếu lâm, chuyện ma, chuyện quỷ, chuyện đời.

Lúc nghỉ, họ lại tổ chức nhiều cuộc vui thú vị như là nhảy chan-chán, trốn kiếm, u, cút bắt, nhảy dây, thí võ...

Những trò ấy không phải chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ mà cả đàn ông, đàn bà cũng nhào vô chơi”

Đêm ấy trời trăng sáng như ban ngày.” (Dưới đồng sâu)

Làng Thới Bình có lẽ là hình ảnh tiêu biểu nhất trong tác phẩm Đồng Quê, hình ảnh của đời sống mang tính đặc thù của Cà Mau thời đó. Vẻ thanh bình, thanh thản từ cuộc sống vật chất đến nội tâm của người dân chân lấm tay bùn sau những lo toan của đời thường, được miêu tả trong tác phẩm, dù đã hơn nửa thế kỷ qua, gợi nhớ trong lòng người đọc quê hương bên kia bờ Thái Bình về một dòng sông, một hàng dừa nước, rạch bần, ngọn mù u nơi quê cũ...

“Làng Thới Bình nép mình trong chòm dừa xanh rậm. Vài xóm nhà lá leo-heo ở dọc theo bờ kinh nhỏ, yên tỉnh với tháng ngày.

Cứ mỗi buổi sáng là đàn ông, đàn bà lẩn cả con nít vác cuốc ra đồng, quanh năm làm bạn với mấy mẫu ruộng nhà, vài công rẫy khóm.

Ở đầu kinh thông ra dòng sông Trẹm, một cái chợ nho nhỏ nổi lên. Hai bên, hai dãy phố ngói đứng sùm-sụp chịu đựng với nắng mưa như xiêu vẹo.

Đấy là nơi chứa đựng một phần dân chúng trong buổi sáng, đây là nơi người ta tìm những thức ăn, vật dùng.

Cứ độ hai ngày, con tàu Rạch-Giá ghé ngang, đem lại nhiều hàng hóa ở thị thành.

Mỗi lần tàu xúp-lê đàng xa, là thiên hạ nhao nhao ra đón, chen lấn ồn ào. Rồi mỗi khi tàu đi, chợ tan, làng Thới Bình yên tĩnh trở lại.

Dòng sông Trẹm lững-lờ trôi ngang và ban chiều, trong chòm dừa xanh ấy, mấy làn khói trắng bốc lên.

Người đàn bà xong việc bếp núc, ẵm con ra đợi chồng về, lâu lâu đuổi bầy gà đang bươi trên giồng rau cải.” (Quỷ vương)

Rời làng Thới Bình, tác giả dẫn người đọc “lội” vào các vùng sông nước chằng chịt, nào là: Rạch Ruộng, Rạch Ráng, Rạch Cui, Rạch Bần... nào là Tắc Ông Do, Vàm sông Mang Giỗ, sông Bãi Háp, Mương Chệc Kịch, Tham Trơi, Dớn, Năm Căn... Mới thấy vốn sống thực tế của nhà văn, nhà báo Phi Vân!

– Hò hơ... ớ người không quen ơi,

Nghe anh, em cũng muốn thương nhiều,

Nhưng hoa đà có chủ, khó chiều dạ anh...

-Hò hơ... chim kia còn thỏ thẻ trên cành,

Nghe em nói vậy, dạ không đành rẽ phân...

Buổi ban đầu, văn học miền Nam hình thành từ những giọng hò, điệu hát gắn liền với sông nước gió trăng. Cho nên trong Đồng Quê, tiếng hò cũng góp mặt trong phóng sự.

Cất một giọng hò và chờ đối đáp với niềm vui “điệu nghệ gặp nhau là mầy tao quấn quýt”. Có khi là điệu hò nên duyên nên nghĩa, có khi là điệu hò của khách thương hồ theo cuộc tình gió thoảng mây bay, hoặc bịn rịn hẹn ngày tao ngộ. Nhưng trong phóng sự ngắn “Tiếng hò trong đêm vắng”, tiếng hò đã dẫn tới một bi hài kịch, tiếng hò mồi chài cho một vụ cướp trên sông:

“Tôi hình dung một cô thôn nữ mày liễu, má đào, có vóc mình thon thon, có bộ tịch khả ái...

...Bỗng anh chèo đang ngồi nghỉ tay, giật mình đứng phắt dậy. Trong chớp nhoáng, anh bị một tên lực lưỡng thộp ngực anh, đưa ngọn dao ngay cần cổ ... Tôi giợm la nhưng một thằng trong bọn “ấn” cho tôi một cùi chỏ vào hông...

Đã thế, tiếng con nhỏ hò còn trêu gan trong mui nhỏ:

Chú bảy coi có con đàn bà nào ở trong mui, đè cổ lột cho tôi sợi dây chuyền!...”

Cho nên “ở đồng quê, thế mà lắm chuyện”.

Chuyện gì?

Đầu tiên là chuyện chữa bịnh. Trái gió, trở trời, cảm mạo hay bất cứ bịnh lạ gì thì đều được coi là mắc bịnh tà. Thậm chí ở nhiều nơi, con sanh ra trùng tuổi mẹ hoặc cha cũng là điềm không tốt. Phải mời thầy pháp, thầy cúng tới làm pháp sự, rồi giả bộ đem đứa bé ra bỏ ở gốc cây, bụi cỏ nào đó, rồi một người trong thân tộc làm bộ lượm được đứa bé bị bỏ rơi đem về và cho lại má nó nuôi... Vậy là hai má con không còn kỵ tuổi nữa mà cháu bé lại dễ nuôi.

Do đó, Cà Mau nói riêng, được coi là đất dụng võ của các loại thầy, mà chỉ riêng ở “Xóm Rạch Cóc” “cóc đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn là Thầy Rùa, Thầy Pháp, Ông Đồng, Bà Cốt, Cô Tư, Cô Hai, Cô Bảy... Ở đây có Xác Ông – tức Quan Công – là được nhiều người rước nhất.

Nhưng muốn cầu Đức Quan Thánh về thì phải tốn một con heo (con gỏi)... sau khi lễ đàn rồi, lẽ cố nhiên là phải về tay Ông Xác.”

Hay có đi “qua Rạch Bà Già Sốc thì phải dè chừng thần rừng quỉ bụi đất Khánh Lâm”.

Rồi thêm Ông Thầy Pháp có “bùa tổ” với “đạo phù thần”, bắt ấn quyết và niệm chú “Ôm mà xơ rốp”...”Mà ha xơ rốp”...

Cả nơi sằn dã quê mùa ở tận cùng Đất Mũi Năm Căn còn có sự hiện diện của “Mét Văn Quang (Maitre Văn Quang) là người có tài: Tài đoán số, tài coi tướng, coi tử vi, mà đặc biệt hơn hết là tài “lẻo mép lanh mồm”.

Bùa chú, phù phép, niệm chú, bắt quyết, trấn ếm... từ các nguồn Tây, Tàu, Miên, Lèo... được thi triển trên vùng đất tân bồi, nơi dân Miên đã từng sống lâu đời, cùng những đoàn lưu dân Việt, Trung hoa ( chủ yếu là Triều Châu, Quảng Đông, Phước Kiến).

Phóng sự Đồng Quê của Phi Vân cho thấy tình trạng tối tăm dốt nát của người dân trong xã hội đương thời, ở một nơi mà địa giới hành chánh còn nhiều thay đổi, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, chánh trị và quân sự từng giai đoạn.

Và lúc đó, Cà Mau còn là một quận của tỉnh Bạc Liêu.

Cà Mau là xứ quê mùa

Muỗi bằng gà mái, cọp “tùa” bằng trâu. (3)

Cà Mau khỉ khọt trên bưng

Dưới sông sấu lội, trên rùng cọp um

Bạc Liêu là xứ cơ cầu

Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu...

Tưởng cũng nên lược qua chút ít sử liệu về phần đất cực nam tổ quốc này:

“ Cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu dẫn một số người Trung Hoa bài Mãn phục Minh đến Hà Tiên, chiêu tập đám lưu dân, lập nên bảy xã dọc theo bờ biển, hai xã ở phía cực Nam là Rạch Giá và Cà Mau...

Năm Gia Long thứ 7 (1808) đổi Cà Mau ra huyện Long Xuyên...

Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), đặt một tri huyện để cai trị...

…Qua thời Pháp thuộc, từ khi Cà Mau thuộc về tỉnh Bạc Liêu, thì thường bổ nhiệm một ông phủ, hoặc một ông đốc phủ sứ làm chủ quận...

...Theo hiệp định Genève, ngày 20.10.54, Cà Mau được chỉ định là vùng “tập kết”. Tai Vàm sông Ông Đốc, tàu Nga (Stavropol), tàu Ba Lan (Kelinski) đậu chực sẵn sàng để chở ra Bắc những người đi tập kết... (Cà Mau là căn cứ địa quan trọng của Cộng sản: nơi ẩn núp của đám lãnh đạo Cộng sản như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt... nơi chôn giấu vũ khí và các cán bộ quân sự không đi tập kết, ở lại miền Nam để tiếp tục gây chiến tranh theo lịnh của Bắc bộ phủ và Cộng sản quốc tế.

Theo sắc lịnh số 143/NV ngày 25.10.55 thời Đệ nhứt Cộng Hòa, Cà Mau đổi tên là An Xuyên.” (4)

Từ sau 30.4.75, Cà Mau thay tên là Minh Hài.

Từ tình trạng dân trí thấp kém của đại đa số tá điền, dẫn đến niềm tin mê muội vào các đấng thần linh, mà họ nghĩ rằng sẽ giúp họ tiêu trừ hết các bịnh tật lẫn giải quyết các vấn dề khác trong cuộc sống. Nhiều người tìm Thầy học bùa chú vì tin rằng khi đạo bùa thành, “ thì nó linh nghiệm vô cùng. Theo lời thầy tôi, nó dùng được đủ cách... Trừ tà, ếm quỷ, trị các nọc độc, giải phá bùa khác, làm mờ mắt kẻ thù, làm thương hóa ghét, làm ghét hóa thương, thù ai có thể làm chết được họ, thương ai có thể làm cho họ mê...tùy theo tay ấn mình bắt, tùy theo ý muốn mình quyết định...”

Kết quả thế nào?

– Thằng Năm và Ông Xác chia nhau con heo cúng cho bịnh nhân, bịnh vẫn hoàn bịnh.

(Châu Xương cử thanh long đao)

“Ái ái, thằng cha thầy chó nầy, sao mầy dám ôm tao? Buông ra không?... Buông!... Guốc nè!... và sau cùng là tiếng thằng Năm... “Úi cha! Con ‘tinh' dữ quá!” (Ông tướng thầy ba)

– Thầy Pháp với lá “bùa Tổ” và đệ tử với “ đạo phù thần” cũng không cứu nổi con gái, không cứu nổi người thương: “Ối trời ơi! Ối quỷ thần ơii ! Quỷ vương đã bắt con tôi đem đi theo rồi.” (Dưới đồng sâu)

– Còn thầy tướng số “Mét Văn Quang”, sau khi bị tổ trác, bị đập một trận nhừ tử, đã “trút linh hồn tại xứ Năm Căn: cái xứ mà ‘mét' đã phụ vào một chút công làm trôi mất tiếng quê mùa.”

Trong cảnh cùng quẫn bị dồn đến chưn tường, cũng có hạng người lang bạt sống hôm nay biết hôm nay, khi thân phận cùng đinh đã đưa đẩy họ đến nơi cùng trời cuối đất. Họ quan niệm:

“Ván bài hễ không chín thì bù, đánh “mẹ” nó một tụ, cho nó ra sao thì ra!

Ở đời không làm được Phật, thì làm ăn cướp chớ có gì lo mậy!...”

Tuy sống trong tình trạng dốt nát quê mùa và mê tín dị đoan, họ vẫn gĩữ được bản chất lương thiện của người nông dân thuần phác “tin chắc có sự linh nghiệm của đạo bùa cũng như người ta tin có sự thưởng phạt của đất trời”.

Hết chuyện chữa bịnh, tới chuyện sinh hoạt giải trí.

Tác giả phóng sự Đồng Quê đã đúc kết phong tục, tập quán sống của người dân Cà Mau thời buổi ấy bằng vài nét chấm phá rất sống động!

“Muốn ăn uống? – Có quán cà-phê!

“ Muốn cúng kiến? – Có Miễu Bà!

“Không muốn sống nữa? – Có ông chủ bán hòm.

Nhưng sống vui vẻ, không phải chỉ ăn mà thôi. Cần phải có những cuộc vui khác: hí trường là một sự tối cần; chứng cớ, mỗi lần hát cho Bà xem, người hàng xóm đều đến xem ngập miễu!...

Miễu Bà ở bên kia sông Quan-Lộ! Mà bên kia sông Quan-Lộ nay là xóm... bến xe đò.”

Cà Mau đã có “Mét Văn Quang” đem chút “văn minh” xuống tới Năm Căn thì bây giờ Cà Mau cũng đã có những chuyến xe đò nối liền Cà Mau tới Bạc Liêu, tới các tỉnh miệt trên, lên tận Mỹ Tho, Saigon... Ông chủ bán hòm nghiễm nhiên làm chức Hội trưởng Hội Miễu Bà… Miễu Bà biến thành hí trường nên ông chủ bán hòm, Hội truởng Hội Miễu Bà, kiêm nhiệm Ông Bầu vì ông lập gánh hát bội. Ông nghĩ:

“Mình muốn ích nước lợi dân, đi hát đâu chi cho xa, mỗi đêm ở đây mỗi hát, vừa... cho Bà xem, vừa cầm chân đám dân “thân yêu”. Tốn bao nhiêu? Một cắt bạc!”

Và áp-phích chữ quôc ngữ được dựng lên:

“Đêm nay chúng tôi viễn tuồn: “Quê dun đạo: Tuồn thiệt là ly kỳ... Dô cửa: Một cắt bạc!”

Theo đà phát triển, gánh hát bội “chỉn đốn” theo cải lương - Ông bầu - ông hội trưởng - ông chủ bán hòm... là người kinh doanh.

Vào “năm một ngàn chín trăm ba mươi ba... Một hôm, cái bảng giấy liễn đỏ, đầy đặc những chữ to to bất chấp chánh tả:

Bổn ban mới tiển được nhiều cô đàu khát. Ngoài cô Tư Bé, Xáu Liệu, Ba Kiêm, còn tất cả 9 đàu. Luôn tiện, xửa rạp lại, chia hạn: Thượn hạn:5 cắt, hạn nhứt: 3 cắt, hạn nhì: 2 cắt, hạn ba: 1 cắt. Và mỗi chiều thứ bảy có đêm đặt biệt cho quý Ông, quý Thầy, có chưn bươm bướm. Bổn ban đã chỉn đốn theo cải lươn. Bỏ qua rất uổn... (Chợ hay quê?)

Đọc lại Đồng Quê mà thấy vui niềm vui hồn nhiên dễ dãi của người dân đầu tắt mặt tối chân lấm tay bùn.

Khi cô Tư Bé trong vai Điêu Thuyền, vì được một quan khán giả “chiếu cố” ...sắp sanh một quan con, nên ông bầu phải thay vai đào khác. Tuồng đang diễn, giới khán giả xe đò cũng thành thật góp ý:

“Điêu Thuyền mà “đẹp” như vậy, thì thằng cha Lữ Bố nếu có say mê, chắc là tại nó... buồn ngủ quá rồi !”

Và cô đào thế cô Tư Bé trong vai Điêu Thuyền cũng không ngại tạm ngừng vai diễn để đáp lễ:

“Xin lỗi quý ông, quý bà, khốn nạn cái anh nào nói tôi là Chung Vô Diệm ! “

Hay trong phóng sự “Đổng Trác biết sập giàn”, người đọc như hòa mình vào hoạt cảnh của khán giả, không phải ở tuồng hát mà là phản ứng của khán giả, được Phi Vân lột tả một cách tài tình :

“Anh chàng Lữ-Bố có cái bộ ghen tuyệt diệu. Mỗi lần anh hằn-học với Điêu Thuyền là mỗi lần mấy cô ngồi chen nhau ở “hạng ba” véo nhau gần nhẩy nhổm và hít hà chắt lưỡi như đám thằn lằn kêu đói ở trong đình...

...Bọn thanh niên đầu chải bóng láng, chen chúc nhau đứng cặp-kè, rọ-rạy nói chuyện vang trời...

...Có vài chị đàn bà bồng con, tay vạch áo đưa vú cho con bú mà mắt chăm ngay lên sân khấu, hồn gởi trọn cho Điêu Thuyền. Đứa con ngậm vú không được vùng khóc ré lên. Chị ta không kể đến, cứ đứng sững giơ tay đánh chan-chát vào đít đứa con. Đứa bé khóc ngất...”

Phóng sự ngắn “Quỷ vương”viết về giới trẻ. Cà Mau tuy xa và là xứ quê mùa nhưng làn gió văn minh “dởm” cũng có lần thổi về, mang lại những từ mới như “Văn minh, Hủ lậu, Nữ quyền, Giác ngộ...”, và người ta lấy làm lạ sao thằng Chột con ông Bính lại đổi tên là Hoàng Hoa, lần lần thằng Phinh cháu ông Phó Tám đổi là Tuấn Nghĩa, thằng Tích em Tuần Danh là Vân Mộng, cho đến con Đẹt, em gái chú Phồi cũng xưng là Thúy Liễu và con út của ông Phó Cao là Kiều Nga.

...hễ gặp nhau là cúi đầu rất sâu, chìa tay ra siết chặt :

– Vân Mộng xin kính chào Kiều Nga! hay:

– Thúy Liễu này đa tạ huynh ông Tuấn Nghĩa !

Các bực cha mẹ, cô bác và bà con láng giềng gọi gộp đám trẻ đó là “Quỷ vương”, dùng chổi quét làm “chúng xôn xao, té lăn ra, bò càng, mạnh ai nấy kiếm đường tẩu thoát...

Nhưng “bùa văn minh” còn ảnh hưởng nên chạy trối chết mà vẫn còn vớt vát:

“Minh Tâm thoát được ra ngoàì, hồn phi phách tán, lăn xã theo Vân Mộng kêu khe khẽ:

– Vân huynh, Vân huynh! Đợi đệ theo với!...

Ngoài giới nông dân, còn có các từng lớp khác nữa. Họ có ít nhiều vốn liếng nho học, biết chữ quốc ngữ và tiếng tây. Các nhân vật “thầy giáo” trong “Muốn ăn trứng nhạn”, “Tiếng hò trong đêm vắng”, “Các trò ơi, thầy phen nầy thọ tử”... phải biết “sống chết” với địa phương thì mới trị nỗi đám học trò rắn mắt, vì “đã không có biết bao nhiêu thầy vì chịu không nổi lũ con nít “trời đánh” ấy phải cuốn gói bỏ trường mà trốn đi.”

...Tuy nhiên trong các nghề kiếm ăn, nghề “dạy học” vẫn giữ một địa vị quan trọng ở trong đồng, đâu đâu cũng không dám coi thường.”

Được trọng vọng nhưng trong sinh hoạt thường nhựt, thầy cũng lắm phen thất điên bát đảo, như theo ghe đi đưa dâu lại bị cướp, hú hồn hú vía vì mê giọng hò thôn nữ trên ghe ăn cướp... hay cứ tưởng bị trúng độc bùa ngãi khi ham ăn “heo cấn” và hốt uống “ rượu rừng”.

Nói gì đến những người có chút địa vị vai vế ở nông thôn như Hương Ba, Chánh Khá trong “Trao thân con khỉ mốc” hay Ông Chủ, Phó Xã Việt trong “Đạo”.

Hôn lễ, giỗ chạp là những dịp tụ hội khá đông đủ các nhân vật này và cũng là dịp để họ “nói chữ”.

Bên cạnh cái vui thanh nhã còn có cái vui trần tục rất dân dã mà chỉ ở những đám giỗ, đám tiệc rất bình dân, bản tánh con người được phơi bày rõ nét. Nhất là khi đã vào vai ba chén rượu. Một Đình Úynh mê ăn, một pháp sư Nẫm chỉ chờ cơ hội là “ực một hơi ba ly rượu đế, chấp chấp ngon lành rồi cầm rót thêm ly mình và ly khách”.

Mở đầu cuộc nói chữ, tác giả dẫn người đọc vào “thế trận” bằng cách giới thiệu hai nhân vật chánh :

“Bỗng dưng Ông (chủ) đứng ngay lại, nhìn về phía cuối bàn :

– Úy chà ! Bữa nay có thắng Phó xã nữa chớ. Thằng siêng quá, mầy ở trên Đồng Cộ hay giỗ hồi nào mà xuống đây mậy ?

Phó Xã vui miệng :

– Bẩm Chủ, tôi theo màng mỡ trôi trong rạch mà tìm tới !

Rồi từ chữ “Đạo”, hai người thi nhau lý giải và nói chữ. Nào là “đương vị hành chánh” không “ ỷ chúng hiếp cô”, giờ “ cáo lão hồi gia” lẽ nào “Quân tử bất oán thiên hề bất vưu nhân”... rồi nào là”dõng bất quá thiên, cường bất quá lý”:

Tửu nhập ngôn xuất, Phó Xã Việt lý giải chữ “Đạo” theo lối chiết tự :

“Tự mình thông tri âm dương, biết phân phải trái, biết lẽ chánh tà, mới phải Đạo hoàn toàn chớ. Ấy là tôi chỉ chiết tự sơ sơ như thế, chớ phải nếu giải cho rành thì phải cắt nghĩa tại sao chữ Đạo liên tiếp đến mười hai nét, mười hai hội của khí vận tuần huờn từ “tý, sửu” chí ư “tuất, hợi”.

Đó là phong cách sống của người dân miền Nam. Có điều gì đó mới nhìn ở bề ngoài tưởng chừng như buông thả, nhưng trong đời sống nội tâm, họ vẫn hàm dưỡng đạo nghĩa (điệu nghệ) . Sống ở một vùng đất mới khai phá, đa số họ là lưu dân, nhiều người thân sơ thất sở. Họ muốn tạo dựng cuộc sống mới với một tâm hồn phóng khoáng tự lực tự cường, thoát khỏi ràng buộc khắt khe và bất công của chính quyền. Họ biết đến chữ nghĩa và đạo lý thánh hiền nhưng đồng thời cũng biết áp dụng vào cuộc sống thực tế của họ sao cho phải phải phân phân. Đó cũng là lý do tại sao ở những làng xã miền Nam trước đây, họ đều trọng đãi, mời mọc những “ông thầy Huế” về để dạy dỗ con em .

Hiểu được mạch sống ngầm trong suốt và cao vọng của người dân miền Nam, mới thấy được vì sao mà suốt đời, họ cắm mình trên mảnh đất, chịu đựng một nắng hai sương.

Qua phóng sự”Trao thân con khỉ mốc”, người đọc theo đám rước dâu, theo con tàu chạy “đã hai hôm rồi: sông Ông Đốc, kinh xáng Bà Kẹo, Đầm Cùn, kinh xáng Thọ Mai nhưng xóm Kiến Vàng vẫn còn xa lơ xa lắc”.

Người đọc biết được phong tục tập quán về một lễ rước dâu ngày trước ở sông rạch miền quê, nhưng để ý đến cách đối đáp giữa đàng trai, đàng gái về đôi liễn cưới, sẽ nhận ra ý thức đối kháng giai cấp cầm quyền của họ.

Đọc hai câu liễn :

Thừa long lạc ỷ tam chi thọ

Giá phụng quan thành bách lượng xa

Rễ lành đủ dựa tài lương đống

Dâu thảo vui nên bậc thế quyền

Ông tộc trưởng đàng gái nói thẳng ý kiến của mình:

“Già này thấp thỏi không biết nôm na cao kiến như mấy ông, già chỉ biết rằng trong rừng nho biển thánh, không thiếu chi tiếng dùng, sao lại đem nào là “thừa long... giá phụng”..., tiếng của bậc đế vương vua chúa vô làm chi cho tủi nhục thêm cho con nhà ‘dân dã' chúng tôi.”

Anh đi câu cá lén đã “ từng lượm mót từ hột ngọc trời, đã từng cắm từng cọng lúa”, ông tộc trưởng đã thấm nhuần cái thể, cái dụng của chữ nghĩa thánh hiền, thì có lý nào họ “đang tâm bứt cả cội nguồn”.

Dẫu là lời nói của nhân vật hay là tâm huyết của tác giả Phi Vân, thì mối quan hệ thống nhất giữa nhân vật - tácphẩm - tác giả vẫn tập trung nhất quán. Sự thật thật sự của xã hội

với muôn ngàn khía cạnh chơn chất thô thiển qua sự thật văn học dưới ngòi bút phóng sự được trau chuốt và sàng lọc của tác giả, cho người đọc thấy , lối văn mà tác giả khiêm tốn nói “cẩu thả”,... “có tính cách nhật trình”,... “câu chuyện có vẻ nhất thời”, thực ra đã nổi bật quan niệm sống trung hậu, thủy chung, gắn bó với đất nước trên tinh thần”quan nhứt thời, dân vạn đại” của người Việt miền Nam…

Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu không đề cập đến một vấn đề quan trọng trong đời sống dân quê miền Nam thời ấy. Đó là mối quan hệ giữa tá điền - chủ điền. Tác giả dành hẳn một “phóng sự tiểu thuyết” để viết về mối quan hệ này. Như thể loại được xác định, các vấn nạn thực tế về thảm cảnh của tá điền được phần nào tiểu thuyết hóa, cho người đọc tránh được những cảm giác nặng nề căng thẳng trước những bất công xã hội, trước những thủ đoạn gian trá của kẻ bóc lột.

Sự cả tin của nhân vật Sáu đờn kìm vào “đạo bùa thần” một lần nữa cho thấy trình độ dân trí thấp kém thời đó, dẫn đến đời sống mê muội cùng quẫn của giới tá điền. Mà thật ra, thì dù không mê tín dị đoan, từng lớp tá điền cũng vẫn là nạn nhân của giới điền chủ. Một bên có thế, có lực, có tiền, có điền sản, một bên chỉ có mồ hôi lao động và niềm hy vọng.

Ông điền chủ Trần Háo Nghĩa lại là người háo sắc. Cũng như một số điền chủ không biết nương tay với tá điền, ông đã có sẵn những thủ đoạn để thủ lợi và làm giàu bất chánh. Khi ký tên vào “Tờ lãnh làm ruộng giao” là tá điền đã tự ký bản án mắc nợ chung thân.

Tin vào sự linh nghiệm của “đạo bùa thần”, Sau đờn kìm không thấy những mánh khóe xảo trá của Ông chủ Nghĩa, lúc được che giấu bằng giọng lưỡi ngọt ngào, lúc mua chuộc cảm tình bằng vật chất, lúc lại vừa mơn trớn vỗ về bao che kèm theo những hăm dọa... để chiếm đoạt phụ nữ cô thế... Đụng bất cứ chuyện gì, Sáu đờn kìm “cứ lâm râm đọc thần chú và vẽ bùa”... Lòng tin tưởng ở đạo bùa khiến tôi nói mạnh mẽ quá, hùng hồn quá, chắc chắn quá”... “Trong đêm trường vắng lặng, tôi càng suy nghĩ, càng thêm khoan khoái lạ kỳ? Ôi câu thần chú linh thiêng! Hãy gíúp tôi thêm bao đường vinh quang khác nữa...”, “Trong lúc đó, ông Chủ đã “mám” bùa tôi nhiều thêm, cứ lân la đến nhà tôi chơi mãi”...

Và rồi mối tình thoáng qua đối với cô Yến, mối tình đối với Tám Én – người đã có lần Sáu đờn kìm coi như kẻ tử thù, cả cuộc đời hai mẹ con, dẫn tới bi kịch. Tác giả không lý giải về “mâu thuẫn giai cấp” hay xung đột, đối kháng giữa hai từng lớp xã hội. Cái chết vì bị làm nhục của mẹ Sáu đờn kìm đưa tới hành động của kẻ bị dồn vào chưn tường, phản ứng của “tức nước vỡ bờ”.

Anh tá điền Sáu đờn kìm trước đã lãnh nợ, giờ lãnh án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ.

Có hy vọng gì vào tương lai của cá nhân và xã hội?

Ở đoạn kết, tâm trạng của nhân vật như một nỗi buồn dằng dặc trên sông nước Cà Mau. Mãn hạn tù, Sáu đờn kìm bỏ làng cũ, “cất tạm một căn nhà trên hòn Đá Bạc. Ở đó, ngày ngày nghe gió thét sóng gầm. Chỉ có gió thét sóng gầm mới an ủi được lòng tôi...

Mà thôi, dĩ vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa !...

Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội và của một thời kỳ...”

Còn bao nhiêu con người nữa, từ sau “cuộc đổi đời 75”, chiều chiều đứng bên này bờ đại dương vọng về Quê Mẹ?

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” cũng không phải là vô nghĩa vì “ôn cố tri tân” đó mà !

Cà Mau bên ấy bây giờ ra sao?

Lật tập truyện “Cánh đồng bất tận” và “Tạp văn” mới xuất bản vài năm trước đây ở trong nước của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư, càng thêm thấm thía những điều mà tác giả Phi Vân đã ghi lại từ hơn 60 năm trước. Vẫn là “ở đồng quê, thế mà lắm chuyện”, nhưng Nguyễn Ngọc Tư còn nói thêm, cũng về Cà Mau:

“Cà Mau mình nổi tiếng quá chừng... sở dĩ quê tôi tiếng tăm vang dội vì có quá nhiều chuyện...lu bu.”

Chuyện gi? Chuyện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

“...với làn sóng di cư của hàng trăm, hàng ngàn người từ nơi khác tới, người Đất Mũi khép cửa lòng tin... Những người mới đến sống bằng cách phá rừng, càn quét bãi bồi...”

Hay những câu hát thời đại xã hội chủ nghĩa:

Bữa nay tôm chết thấy buồn

Ngày mai tôm chết lòng còn buồn hơn.”

“Lúa lên giá một, phân vọt lên mười”

Niềm tin của người dân vào chính quyền, vào cuộc sống cũng cạn kiệt theo thời gian:

“ Ba mươi tháng tư này nữa, là tròn hai mươi chín năm hòa bình, con đường quốc lộ ngay xã vẫn ca bài “Đường chỉ đẹp khi còn... dang dở”..., “...Hồi đó Thị Tường có “ba không”, không theo giặc, không bỏ Đảng, bỏ cách mạng... mà bây giờ “tùm lum không” – không gạo, không tiền, không cá, không rau cỏ.”

Hồi xưa vì nghèo dốt quá nên thường mê tín dị đoan, còn trong chế độ xã hội chủ nghĩa “ưu việt”, hầu như ra đường ai cũng lận lưng “bằng đại học” thì:

“Đã vái đủ bốn phương tám hướng, cầu xin trời đất, hồi đầu cúng vuông bằng đầu heo, tôm chết, cúng hột vịt lộn, tôm vẫn lụi đầu, có người bắt chó làm thịt cúng (cúng chó tức là “có trúng”). Chẳng biết ai đầu tiên phát minh ra cách cúng này. Nhưng nghe buồn cười đến rơi nước mắt.”

Từ văn học phản ảnh hiện thực, đến cuộc sống hiện thực “còn nóng hổi, vừa thổi vừa... xem”, đó là chuyện các cơ quan nhà nước tạo điều kiện và hướng dẫn thân nhân tìm mộ liệt sĩ bằng “phương pháp ngoại cảm”. (5)

Rồi thêm chuyện... lu bu về văn minh văn hóa.

“Hỏi cô con gái tên Trang đã học tới lớp mấy rồi, cô cười, nghèo quá, mấy anh em em hỏng ai biết chữ”...

“Và những dứa trẻ lớn lên... Bến đò, cũng là nơi nhiều đứa con gái qua sông lên thành phố rao bán mình trong những “chợ vợ”, để lại mấy thằng con trai chiều chiều ra bến đón đã đời mới ngơ ngác, trời ơi, mình đang chờ ai đây”.

Chuyện... lu bu, cuối cùng cũng vào cốt lõi “cái không cần thay đổi đã thay, còn cái cần thay đổi thì chưa đổi bao giờ” như lời một anh thanh niên:

“Nhà nước hay nói đảng viên, cán bộ là đầy tớ của nhân dân, sao tui thấy “đày tớ” bây giờ sống ngon hơn “chủ” quá trời đất, nhậu chỗ sang, ở nhà lầu. Tui hỏng hiểu gì hết.” (6)

Phóng sự Đồng Quê của Phi Vân gởi đến người đọc dù trước đây, dù hiện tại, hình ảnh cuộc sống của người miền quê Nam Việt. Trải qua vui buồn hay trăn trở một đời trên vùng đất mặn phèn, họ vẫn “không đang tay bứt cả cội nguồn” vì họ tin vào “luật thưởng phạt của đất trời”.

(Mà gẫm lại “trời cao có mắt” chớ! Đâu phải tự nhiên mà vùng Đất Mũi mỗi năm được phù sa tích tụ và bồi thên gần trăm mét. Trời đất công bằng lắm, “thưởng” cho dân miền Nam, vì hải đảo, đất đai biên giới phía Bắc Tổ quốc bị các lãnh đạo Cộng sản, từ Phạm Văn Đồng đến Lê Khả Phiêu, mỗi lần hiệp thương với Tàu cộng về ranh giới lãnh thổ, đều cắt đất dâng cho Tàu cộng, như Nam Quan, Bản Giốc, Trường Sa, Hoàng Sa... Rồi cũng có lúc trời “phạt”!)

“Người ta tin có sự thưởng phạt của đất trời !”

Đó là tấm lòng của người dân quê miền Nam, của Phi Vân trong toàn thiên phóng sự.

Nhưng câu cuối cùng trong đoạn kết của tiểu thuyết phóng sự “Dưới đồng sâu”, lời của nhân vật Sáu đờn kìm không khỏi làm người đọc phân vân:

“Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội và của một thời kỳ...”

Họ ở đây là ai? Là đám đông tá điền một đời tối tăm lam lũ, là những thế hệ tá điền một nắng hai sương chịu nhiều oan ức, tội tình hay bao gồm cả những loại điền chủ như Trần Háo Nghĩa?

Cho nên, phóng sự Đồng Quê của Phi Vân dù đã hơn nửa thế kỷ vẫn còn là quyển sách mở, còn lắm chuyện về cuộc sống và con người ở Đất Mũi nói riêng, của cả đất nước và dân tộc nói chung, cần giải quyết trên cơ sở tự do, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm.

Đối với ai còn nặng lòng với quê hương dân tộc, dù đang ở trong nước hay sống đời lưu vong!

Tháng chín gọi Thu về trên những chiếc lá vàng bắt đầu rơi trong gió nắng. Bên Cà Mau quê cũ, mùa gió chướng cũng đã trở mình.

 

Trung Thu 2008 (14.9)
Nguyễn Song Anh

__________________

Chú thích:

(1) Tác giả Phi Vân, tên thật là Lâm thế Nhơn, sinh năm 1917 trong một gia đình trung lưu ở Cà Mau (An Xuyên). Phi Vân là một nhà văn kiêm nhà báo, chuyên viết truyện ngắn và phóng sự. Từng cộng tác với hầu hết các nhật báo, tuần báo, tạp chí ở miền Nam; từng điều khiển ban biên tập các nhật báo Tiếng Chuông, Dân Chúng, Tiếng Dân, Dân Quí, Thủ Đô, Cấp Tiến, là Tổng thư ký Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt trong liên đoàn ký giả quốc tế (I.F.J.) Đã xuất bản Dân Quê, Tình Quê, Cô Gái Quê nhưng đáng chú ý hơn hết là tập phóng sự Đồng Quê (Giải nhất cuộc thi Văn Chương của Hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943 và đã được một nhà văn Trung Hoa dịch ra bạch thoại năm 1950. (trích lại theo Đồng Quê, bản của nxb Văn nghê tp. HCM-2000).

Theo Vy Thanh (Lớn lên với đất nước), Phi Vân còn có chân trong Ban biên tập báo “Tiếng súng kháng địch” của Quân khu 9 (Cộng sản). Tờ báo phát hành từ 10.1.1947 đến năm 1954, và “trong năm 1949, tôi (Bùi Đức Tịnh tự Thanh Ba) cùng với Lê Thọ Xuân, Nguyễn Văn Hiếu, Phi Vân, Thê Húc lãnh toàn bộ công tác biên tập của nhật báo Thần Chung do Nam Đình làm chủ nhiệm sáng lập.”

(2) Cần Thơ là tỉnh đầu tiên ở miền Tây được lập Hội Khuyến học (23.3.1906) do ông Võ Văn Thơm làm Hội trưởng, hai ông Hồ Hưng Nhường và Nguyễn Háo Văn làm Hội phó.

(3) “Tùa”: tiếng Triều châu (Tiều) có nghĩa là to lớn.

(4) Cà Mau xưa và nay của Nghê Văn Lương, Huỳnh Minh (tr. 13 đến 24).

(5) Báo An ninh thế giới số 641, ngày 31.3.2007 đưa tin:
“Ba cơ quan (Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA), Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an), Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống... hướng dẫn “Chương trình tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm”:
- Phải tiết kiệm, giản dị, tránh ăn uống lãng phí và tránh ở khách sạn sang trọng… vì xác suất thành công rất ít, mọi người thường gọi hiện tượng này là “liệt sĩ cảnh cáo đấy”.
- Cần phải xếp hàng theo thứ tự vì “các liệt sĩ không hài lòng với việc chen ngang nên làm nhiễu thông tin”.
- Riêng các liệt sĩ tình báo thường được làm nhanh và thông tin rõ nét hơn... có lẽ Hội dồng tâm linh “ưu tiên cho các liệt sĩ tình báo...
- Phải là người có vai trò và quan hệ mật thiết nhất đối với người đã khuất, nếu vì lý do chính đáng mà không thể tham gia trực tiếp được thì phải thắp hương ủy quyền cho người có vai trò tiếp theo.
Không biết “Phương pháp ngoại cảm” này có áp dụng trong trường hợp tìm hài cốt quân nhân Mỹ tử trận tại Việt Nam hoặc tìm hài cốt, bia mộ các chiến sĩ Quân đội VNCH và các tù cải tạo của Cộng sản từ sau 75 ?

(6) Xem “Tạp văn “ và “Cánh đồng bất tận” của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư.
“Chính quyền tỉnh Cà Mau, cả các nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng “Cánh đồng bất tận” là thứ văn chương phản động, thậm chí là chống Cộng, tục tĩu, dâm ô, chống lại chủ trương của Đảng và nhà nước....Báo Tuổi Trẻ trích dẫn báo cáo ngày 27.3.2006 của Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Cà Mau như sau: “Hội Văn Học Nghệ Thuật kiểm điểm, phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết...” (Trich lại theo báo Sinh Hoạt Cộng Đồng, số tháng 5.2006).

__________________________

Tham khảo:

– Phi Vân: Đồng Quê, nxb Đại Nam, Cali, USA

– Phi Vân: Đồng Quê, nxb Tiền Giang-Hậu Giang, 1987, Việt Nam. Sách không in lại phóng sự ngắn “ Quỷ vương”

– Phi Vân: Đồng Quê, nxb Văn nghệ tp. Hồ Chí Minh, 9.2000. Sách không in “Lời nói đầu” của tác giả, không in lại câu cuối cùng trong phóng sự ngắn “Ông Tướng Thầy Ba”: “Ở đời không làm được Phật, thì làm ăn cướp chớ có gì lo mậy!...”

– Phi Vân: Dân Quê, nxb Văn nghệ tp Hồ Chí Minh, 8.2002.

– Vy Thanh: Lớn lên với đất nước, Tủ sách Sự-Thật Thật, California, 2006.

– Nghê Văn Lương, Huỳnh Minh: Cà Mau xưa, nxb Thanh Niên, 2003.

– Huỳnh Minh: Bạc Liêu xưa, nxb Thanh Niên, 8.2002.

– Nguyễn Ngọc Tư: Tạp Văn, nxb Trẻ, 2006.

– Nguyễn Ngọc Tư: Cánh đồng bất tận, nxb Trẻ, 2007.

– Sơn Nam: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, cơ sở xb Đại Nam.

– Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường..., Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu long, nxb Khoa Học Xã Hội.

– Nguyễn Quang Thắng: Tiến trình văn nghệ miền Nam, Văn Hiến, 1994.

 

Bấm vào đây để xem toàn truyện "Quỷ vương"

 


Cái Đình - 2008 .