Cao Xuân Tứ
Lời giới thiệu
Anne Frank viết nhật ký từ ngày 12 tháng Sáu 1942 cho đến ngày 1 tháng Tám 1944.
Thoạt đầu cô chỉ viết riêng cho mình cô mà thôi. Thế rồi một ngày mùa xuân năm
1944, ông Bolkenstein, Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ lưu vong tuyên bố
trên đài tiếng nói Tự Do Hà Lan là một khi chiến tranh chấm dứt, ông sẽ cho
sưu tập và công bố tất cả tài liệu làm chứng nhân cho nỗi thống khổ mà dân chúng
Hà Lan phải gánh chịu trong thời kỳ bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Ông đặc biệt
lưu ý đến các tư liệu như thư tín, nhật ký…
Lời tuyên bố gây ấn tượng mạnh cho Anne, và cô nảy ra ý định sau này sẽ cho xuất bản một cuốn sách dựa trên tập nhật ký này. Từ đó cô dọn lại những trang nhật ký cho gọn gàng hơn, cắt bớt những đoạn mà cô thấy không mấy hứng thú, đồng thời bổ túc những chi tiết còn nhớ được. Trong khi ấy Anne vẫn tiếp tục ghi chép vào tập nhật ký ban đầu, toàn bộ tài liệu được ra mắt năm 1986 dưới dạng ấn bản ‘nghiên cứu’, còn gọi là bản A, để phân biệt với bản B, là văn bản thứ hai được Anne thu dọn lại. Ngày cuối cùng ghi ở tập nhật ký là 1 tháng Tám 1844. Ngày 4 tháng Tám 1944, tám người sống ẩn nấp trong Căn Nhà Bí Mật bị công an đặc biệt đến bắt đem đi.
Miep Gies và Bep Voskuijl, hai cô thư ký làm việc ở văn phòng tầng dưới, tìm thấy những trang nhật ký của Anne nằm vung vãi dưới sàn nhà. Họ thu nhặt lại, cho vào ngăn kéo cất giữ cẩn thận. Chiến tranh chấm dứt, và sau khi biết chắc chắn Anne đã chết rồi, họ giao nguyên tập nhật ký chưa hề đọc qua một lần cho thân phụ của Anne là ông Otto Frank.
Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, ông Otto Frank quyết định thỏa mãn ý nguyện của con gái thủa còn sinh thời, và cho xuất bản tập nhật ký vào năm 1947. Ông chọn lựa những đoạn từ cả hai bản A và B, thu gọn lại thành một bản rút ngắn, gọi là bản C. Bản này đã dược dịch ra nhiều thứ tiếng và qua tay hàng triệu độc giả khắp thế giới. Sở dĩ ông phải rút gọn như thế cho phù hợp với khuôn khổ của loạt sách đang được nhà xuất bản ấn hành lúc ấy. Ngoài ra ông bỏ đi một số đoạn có liên hệ đến vấn đề tình dục; cũng nên nhớ ở thời điểm 1947 khi tập nhật ký được xuất bản lần đầu, ‘sex’ là điểu cấm kỵ, nhất là trong những sách báo dành cho thanh thiếu niên. Và cũng để tôn trọng hương hồn những người đã khuất, ông Otto Frank cũng bỏ những đoạn ‘không mấy đẹp’ Anne viết về bà Frank, mẹ cô, và về một vài người khác một thời đã sống trong Căn Nhà Bí Mật. Anne Frank bắt đầu cuốn nhật ký khi cô mới 13 tuổi và buộc phải bỏ dở ở tuổi 15, suốt thời gian ấy lúc nào cô cũng viết thẳng tay về những gì mình yêu hay ghét.
Trước khi Otto Frank qua đời vào năm 1980, ông giao quyền quản lý tất cả bản thảo của con gái ông cho Viện Quốc Gia về Tư Liệu Chiến Tranh, trụ sở đặt tại Amsterdam. Bởi vì từ những năm 50 có nhiều nguồn dư luận nghi ngờ tính cách xác thực của tập nhật ký, viện này cho mở một cuộc điều tra nghiên cứu quy mô. Sau khi khẳng định dứt khoát tính cách xác thực của nó, viện cho ấn hành toàn thể tập nhật ký, cùng với kết quả của công trình nghiên cứu. Như vậy ấn bản ‘nghiên cứu’ in năm 1986 không những bao gồm toàn bộ bản thảo nhật ký của Anne Frank mà thôi, nó còn thêm nhiều thông tin khác về gia đình Anne Frank, về trường hợp gia đình bị bắt và tống khứ khỏi Hà Lan, cùng với các chi tiết kỹ thuật, chẳng hạn như loại giấy Anne dùng để viết những trang nhật ký, dạng chữ viết tay của Anne Frank, v.v... Ấn bản này còn miêu tả chi tiết sự phổ biến rộng rãi của tập nhật ký Anne Frank khắp nơi trên thế giới.
Quỹ Anne Frank, trụ sở đặt tại Basel, Thụy Sĩ, là pháp nhân thừa hưởng gia tài của Otto Frank, trong đó có tác quyền tập nhật ký Anne Frank. Hơn bốn thập kỷ sau, quỹ này quyết định cho ra đời một ấn bản mới, nới rộng thêm nữa, nhằm vào giới độc giả đại chúng. Sự ra đời ấn bản mới không có nghĩa là ấn bản cũ (1947) do Otto Frank biên tập giảm đi giá trị. Nên nhớ rằng đây là ấn bản đã được hàng triệu độc giả trên khắp thế giới say mê đọc cho đến thời điểm này.
Việc biên tập ấn bản mới được giao cho Mirjam Pressler, nhà văn và cũng là dịch giả. Bà bổ túc bản do Otto Frank chọn lọc, thêm vào nhiều đoạn từ cả hai bản A và B. Bản do Mirjam Pressler biên soạn và được Quỹ Anne Frank chấp thuận, có thêm chừng ba mươi phần trăm tư liệu so với bản Otto Frank, nhờ đó độc giả có thể nhận thức sâu sắc hơn về thế giới độc đáo của Anne Frank. Bản này mệnh danh là bản ‘chung thẩm’ ra mắt độc giả vào năm 1991. Bản Việt ngữ sau đây là dịch theo bản này.
Khi viết lại tập nhật ký (bản B), Anne Frank dùng những tên giả để chỉ những nhân vật có thật ngoài đời. Thoạt đầu cô muốn dùng tên Anne Aulis, và sau đó Anne Robin, để gọi chính mình. Ông Otto Frank trong bản C giữ nguyên tên vợ chồng con cái ông, và dùng tên giả cho những người đi trốn khác như Anne Frank mong muốn. Thời gian trôi qua, danh tính những ân nhân đã cứu giúp gia đình Frank không còn phải giấu diếm, và ấn bản mới dùng tên thật của họ. Tất cả những người khác sẽ được gọi theo đúng danh tính ghi trong ấn bản ‘nghiên cứu’, theo đó Viện Tư Liệu Chiến Tranh đã đơn phương đặt những tên viết tắt cho những ai muốn khuyết danh.
Tên thật của những người đi trốn khác:
Gia đình van Pels (gốc gác ở Osnabruck, Đức):
Auguste van Pels (sinh ngày 29 tháng chín 1909)
Herman van Pels (sinh ngày 31 tháng Ba 1898)
Peter van Pels (sinh ngày 8 tháng Mười một 1926)
Trong bản thảo được Anne đặt tên là Petronella, Hans va Alfred van Daan; trong
ấn bản này mang tên Petronella, Herman và Peter van Daan.
Fritz Pfeffer (sinh năm 1889 tại Giessen, Đức), trong bản thảo được Anne đặt
tên là Alfred Dussel; trong ấn bản này không thay đổi.
Cao Xuân Tứ dịch theo ấn bản 1991 có phần bổ túc, in lần thứ 21 (2000, do nhà xuất bản Bert Bakker)