Ngô Thụy Trúc Lâm


Phỏng vấn ông Huỳnh Văn Công

Lời giới thiệu: là một cựu sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa,
một nhà giáo và một mục sư Tin Lành, ông Huỳnh Văn Công (HVC)
đã dàn trải tâm tình của mình với ông Ngô Thụy Trúc Lâm (NTTL).

.

NTTL: Xin chào anh Công, trước hết cũng xin cám ơn anh đã dành thời giờ quý báu cho cuộc phỏng vấn này. Cũng cám ơn anh cho phép phỏng vấn như mình nói chuyện thân tình từ trước đến nay. Xin anh kể qua về thân thế và gia đình, cũng như về nơi anh sinh trưởng ở Việt Nam?

HVC: Thân chào chú Trúc-Lâm! Phải hơn hai mươi năm, chúng ta không gặp nhau nhưng không vì thế mà quên đi những tình thân mật đã có. Như mọi người tha hương bất đắc dĩ, anh tìm sống tự do qua chuyến vượt biên hãi hùng nhưng được thương thuyền của Vương Quốc Hòa lan cứu vớt trong cơn nguy nan; ký ức còn đó, khó quên?

Chúng ta cùng làm lại cuộc đời, sớm vươn lên với sức sống mới. Rất vui được Chú Lâm gợi ý, anh xin góp phần về đời mình và đời thuyền nhân của mình. Thăng trầm theo vận nước, nếp sống khi suy, lúc thịnh, chuỗi ngày dài cứ thế trôi qua! Sau đây, anh xin dùng “tôi” với độc giả Việt Nam Nguyệt San.

Tôi được sinh ra năm 1940 tại cù lao nhỏ tên gọi Phú thành, ven xã Quới sơn, quận Châu thành, tỉnh Bến tre, bên bờ sông Tiền giang. Cư dân hiền lành, sống đầy tình nghĩa với nhau nhưng oan trái thay Cộng sản đã lợi dụng nơi bờ xôi giếng mật, nhưng nhiều bất cập về địa thế để thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (1959); nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra! Năm 1975, sau khi cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa, trong hệ thống tuyên truyền; Bến tre được gán cho mỹ từ huyền ảo: Quê hương đồng khởi!

Ba Má tôi, thế hệ thứ hai khẩn hoang, khai mương lập vườn, đã sinh hạ 10 người con: 6 gái và 4 trai; vì vậy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gia đình tôi có 5 quân nhân gồm 3 người con trai và 2 người con rể góp phần bảo vệ đất nước; đến ngày 30-04-1975 chỉ một mình tôi là con trai út còn ở lại trong quân đội; các anh lớn đã giải ngũ, về quê an cư hoặc ở lại thành thị tiếp tục những việc làm trước đó.

Gia đình ông bà Huỳnh Văn Công (2013)

Tuổi nhỏ, tôi theo học Trường tiểu học Quới sơn. Học được vài năm thì má tôi qua đời 1947. Dù mồ côi mẹ sớm, nhưng Ba tôi và anh chị vẫn bao bọc êm ấm trong gia đình thuận hòa. Tôi học xong bằng Tiểu học đến Mỹ tho vào học Trường Trung học Nguyễn đình Chiểu. Hoàn tất chương trình trung học lên Sài gòn học tiếp ngành Sư phạm, tốt nghiệp được bổ nhiệm dạy học ở tỉnh Long an. Dạy học vừa đúng một tuần về thăm Ba. Sau mươi ngày vui bên gia đình, trở lại nhiệm sở. Bốn ngày sau có người nhà đến báo tin Ba vừa mới mất: "tôi xin nghỉ phép về quê thọ tang." Sau vài năm tang chế, các anh chị hối thúc tôi lập gia đình Trong thời gian học ở Sài gòn, tôi quen bạn học: cô Trần Thị Vân, về dạy tại Mỹ tho; chúng tôi lập gia đình với nhau, hai năm sau có đứa con trai đầu lòng.

Trong lứa tuổi động viên, ngày 24 -08-1965 tôi được gọi nhập ngũ Khóa 21 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Tôi được chuyển về Sài gòn với 36 sinh viên khác học Khóa 13 Sĩ Quan Căn Bản Quân Nhu. Mãn khóa học với cấp bậc Chuẩn úy, tôi được bổ nhiệm đến Đại đội 2 Quân Nhu, đồn trú bên cạnh phi trường Quảng Ngãi, yểm trợ tiếp liệu cho Sư đoàn 2 Bộ Binh. Phục vụ tại đây gần một năm rưỡi, theo đơn xin tôi sẽ được thuyên chuyển về miền nam sau Tết Mậu thân (1968). Trong mấy ngày Tết có hiệp ước ngưng chiến để hai bên cùng dự Tết cổ truyền của dân tộc. Phần đông Sĩ quan và binh sĩ trong đơn vị hơn trăm người, có gia đình ngoài thị xã nên về nhà với gia đình trong chiều giao thừa. Tôi và mười lăm binh sĩ cùng xa nhà và thêm một Tiểu đội Biệt động quân vừa tăng cường, ăn Tết trong doanh trại: canh gác, ứng chiến như thường lệ. Ngờ đâu, Việt cộng đã bội ước, tấn công trên toàn diện lãnh thổ; là sĩ quan duy nhất hiện diện, chỉ huy nhóm quân ít ỏi còn ở lại, khi địch tấn công, để bảo vệ chính sinh mạng mình và đồng đội, chúng tôi phải chống trả. Mục tiêu nhắm đến đầu tiên của Việt cộng là Bộ chỉ huy Trung đoàn 4 Bộ Binh có binh sĩ quen trận mạc. Các đơn vị yểm trợ tiếp theo như Đại đội công binh, Đại đội Quân cụ, Đại đội Quân nhu, Kho xăng cùng đóng quân theo thứ tự bên trái, dọc theo phi trường Quảng ngãi từ thành phố đi vào phía núi; chỉ biết nhiều về chuyên môn chứ súng đạn không quen sử dụng! Chiếm được Trung đoàn 4 Bộ Binh, chúng sẽ đánh ngang hông, các đơn vị yểm trợ đâu đủ sức đối đầu. Việt cộng tính sai, vì Đại đội Quân nhu mới vừa được tăng cường một Tiểu đội Biệt động quân loại hai, là các tay súng thiện chiến (quân nhân bị thương ngoài chiến trường, đã được chữa lành nhưng không còn đủ sức hành quân và chiến đấu, còn khả năng canh gác, chống địch tấn công sau phòng tuyến). Muốn đến mục tiêu tấn công, Cộng quân phải vượt bờ đê và làm mồi cho Khẩu đại liên và trung liên, tiểu liên chờ đợi.

Sáng hôm sau, Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh và Trung tá chỉ huy trưởng Trung đoàn 4 Bộ binh, thị sát mặt trận cho biết địch để lại bên kia bờ đê 34 xác chết, những người chết tuổi chưa đầy hai mươi. Cấp chỉ huy nhận định, nếu không nhờ khẩu súng đại liên của Đại đội Quân nhu và quân trợ chiến, không biết hậu quả của trận chiến ra sao? Tôi được thưởng Anh dũng bội tinh và thăng cấp Thiếu úy, chỉ sớm mấy ngày. Tôi đã mang cấp bậc Chuẩn úy hơn 17 tháng và nếu không được vinh thăng thì mươi ngày nữa đủ 18 tháng sẽ được thăng cấp đương nhiên. Dù vậy, thăng cấp sớm một ngày cũng vui một ngày và vinh dự hơn là trễ? Binh sĩ tham dự cũng được thăng mỗi người một cấp, một số tiền khao quân.

Ba ngày sau, có chuyến bay quân sự Quảng ngãi - Sài gòn tôi lên đường về phục vụ tại Kho 131 Thực Phẩm Quân Trang, đồn trú xã Hạnh thông tây, quận Gò vấp; trọn thời gian phục vụ tại đây tôi liên tục giữ chức vụ Trưởng ban cấp phát thực phẩm hành chánh, yểm trợ Quân khu 3 và Khu chiến thuật Tiền giang, các hải đảo Côn sơn, Phú quốc và Trại giam tù binh cộng sản Thủ đức, Phú quốc, Côn sơn. Trong thời gian phục vụ, tôi được thăng cấp Trung úy và năm 1973 đơn vị giải tán để hợp với các đơn vị yểm trợ khác, thành lập Liên Đoàn Yểm Trợ, đồn trú bên sau Trại Lê Văn Duyệt, thủ đô Sài gòn. Thật bất ngờ, tôi không theo Liên đoàn tân lập lại được thăng cấp Đại úy và bổ nhiệm chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Quân Nhu thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Gần năm sau, tôi nhận lệnh thành lập Phòng Kế Toán Tiếp Liệu nhằm giảm bớt quân số các đơn vị chuyên môn để quân nhân thặng dư ưu tiên cho chiến trường.

Theo vận nước, trưa ngày 30-04-1975, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung tự giải tán. Sĩ quan, quân nhân và khóa sinh thay quân phục, mặc quần áo dân sự, rời doanh trại, không cần bàn giao! Từ đó tôi sống lưu đày trong quê hương như những thành phần quân-cán-chính khác hơn 5 năm!

Trưa ngày 24-06-1975, với vài người bạn trình diện tại Trung Tâm Dự Bị Khoa Học Sài gòn đường Trần Hoàng Quân. Theo thông báo chỉ cần đem theo mền,mùng,vài bộ đồ thay đổi, ít đồ tế-nhuyễn, thuốc men cần thiết, ít tiền đủ cho mươi ngày ăn. Sau bữa ăn chiều, chúng tôi được sắp xếp để di chuyển đến Thành Ông Năm (căn cứ công binh trước đây ) ở Hóc môn, và ở đây hơn 3 năm gọi là học tập cải tạo hay tù không tội!

Nửa tháng đầu tiên, chúng tôi không có việc gì phải làm hơn là ổn định chỗ ngủ. Khối 3 chúng tôi, 180 người được dồn vào xưởng làm gạch xi măng của Tiểu đoàn 4 Công Binh Kiến Tạo ngày trước. Một tháng sau đó, chúng tôi đến hội trường lớn, sắt chữ U đóng thành những hàng ghế dài trong dãy nhà tole rộng, đủ chỗ ngồi cho 180 người để học 10 bài học chính trị căn bản (tẩy não). Sau 10 bài học chính trị, kéo dài hơn tháng; chúng tôi từng tổ, từng đội hợp lại để thảo luận. Chính trị gì? chỉ nhồi nhét Chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, lại bị sỉ vả, mạt sát thậm tệ, buộc tội đáng chết nhưng nhờ “Cách mạng khoan hồng và Nhân dân tha tội!” Cán bộ quản giáo thuộc bài gần như cả dấu chấm, dấu phẩy "tẩy não" chúng tôi nhưng sau này mới thấy rõ chúng bị phản ứng ngược, chúng học lại văn minh chúng ta! Mỗi cá nhân viết bài tự kiểm, tự kết tội, tội của tổ tiên mấy đời ... và tự hứa sẽ sửa chữa vào quyển tập 100 trang, sau đó kiểm thảo lẫn nhau dưới sự kiểm soát của bộ đội quản giáo. Sau này có dịp chúng tôi thấy những tập tự kiểm đó chất thành đống ở nhà kho của Ban chỉ huy trại. Bộ đội quản giáo nào có can đảm đọc hết những bài thi bất đắc dĩ như vậy?

Quyết định thả tù cải tạo (1980) và Ông bà Huỳnh Văn Công (2010)

Tôi bị giữ ở Trại tù Hóc môn ba năm, sau đó vì trận chiến giữa Trung quốc-Việt nam; họ đánh nhau vì môi hở răng lạnh, nhưng người tù chúng tôi lãnh đủ. Họ cần bộ đội tác chiến và cũng sợ hoảng vì nghĩ rằng những kẻ sa cơ này sẽ nổi dậy, nên tù nhân được chuyển đến Phước long và Hàm tân; nhà tù Hóc môn giải tán. Tôi đến Hàm tân, Trại Z30C nơi nổi tiếng hắc ám vì bọn cai tù là công an được huấn luyện độc ác! Nghỉ ngày Chúa nhật, mỗi ngày trong tuần, chúng tôi mỗi đội 60 người phải phá 12 mẫu rừng từ cỏ dại đến những bụi tre chằng chịt, những cây cổ thụ với dao trành được chế biến từ cọc sắt ấp chiến lược. Nguồn nước sử dụng chỉ có con suối: Suối Nước Lạnh cạn trong mùa hè và tràn ngập trong mùa mưa. Nước nấu ăn, nước uống, tắm giặt, tưới rau, cây trồng... cũng từ nguồn nước này thật dơ bẩn.

Sáng ngày 11-09-1980 tôi và 24 người đồng cảnh ngộ được cấp Giấy Ra Trại. Chúng tôi được lời hứa có xe đưa về lúc 10 giờ, nhưng chờ mãi đến 1 giờ trưa không thấy xe cộ gì! Lại bị lừa? nóng lòng gặp vợ con, cùng với 4 người bạn, chúng tôi xin được về tự túc. Được đồng ý, lội bộ gần 3km đường rừng, nhưng đi mau lắm, không biết mệt là gì! Thoáng đó đã đến bến xe Hàm tân, được tiếp đón vui vẻ; chủ xe chuyến chót trong ngày, chỉ lấy một nửa giá tiền; quý hành khách có chi ăn cũng đưa ra mời. Từ đó, thấy tình người dân với những quân nhân bất hạnh, rất hậu hỉ! Tấm lòng với nhau giữa thường dân và phó thường dân vẫn còn nguyên vẹn; trái lời Vẹm luôn nói “nhân dân căm thù các anh”. Đường không xa nhưng xe chạy bằng than củi, chậm lắm nên chiều tối hôm đó mới về đến nhà. Gặp lại, vợ con khóc òa trong vui mừng. Lối xóm nhiều người đến thăm nói chuyện râm ran, công an khu vực cũng đến để biết chuyện gì xảy ra!

Sáng sớm, bữa ăn sáng xong, các con dắt nhau đi học, vợ chuẩn bị đi dạy nhưng trước hết đưa tôi đến trình diện Công an Phường. Từ nhà tù nhỏ, tôi được ra trại nhưng vào nhà tù lớn, xã hội ngoài đời trở nên khó sống. Ngày đầu tiên trình diện Công an Phường đã được đóng dấu quản chế bên sau Giấy ra Trại và nhận thêm cuốn tập 100 trang, dặn kỹ những tiếp xúc với những ai, phải ghi nội dung tiếp xúc và giờ, ngày, tháng... mỗi tuần trình diện công an khu vực với cuốn tập này vào sáng thứ bảy. Trình diện xong, theo lời vợ dặn, tôi đến đường Phát Diệm để thăm gia đình bà chị, con nhà Bác của vợ tôi. Anh chị đã biến nhà in Tân Việt thành xưởng lọc đường cát trắng và sấy chuối khô ngay sau khi đổi đời, sách in đã bị tịch thu và máy in xếp vào góc. Anh mới mất vài năm qua và Chị rất giỏi, thay anh tiếp tục trông coi, phát triển cơ sở và bao dung gần 30 công nhân; hầu hết là bà con trong gia đình đã là công chức, quân nhân... xong án tù, đã về sống ở quê vì áp lực của chế độ mới, nhưng đã đóng tiền cho địa phương lên thành phố, làm việc tại đây để được gần vợ con! Công nhân bất đắc dĩ, đâu có kinh nghiệm này, và tôi đến đúng lúc, được chị kêu tiếp tay. Lương bao nhiêu mỗi tháng? Năm chục đồng bạc Việt Nam và ăn cơm trưa với gia đình Chị chủ, trừ bớt hai chục đồng bạc, còn lại trao cho vợ hai mươi lăm đồng, giữ lại năm đồng phòng hờ sửa xe đạp dọc đường bị hư.

NTTL: Vì sao anh đã quyết định ra khỏi Việt Nam?

HVC: Cá nằm trên thớt là hoàn cảnh của người tập trung cải tạo về và tôi được kể là cá ngon nên dễ bị săm soi của kẻ có lòng tham là tên Trưởng phòng công an quận. Hắn hoặc người của hắn cứ đến cơ sở làm việc của tôi thăm chừng và kiếm ăn. Phải trình với Chị chủ để chi tiền lai rai cho chúng là điều bất dĩ và khó khăn quá? Dẫu mình làm được việc, được tín nhiệm, lương bổng hậu hỉ nhưng bị cảnh này thật ê chề? Cái cớ Công an quận Gò vấp thường kiểm soát là trong Giấy ra Trại của tôi không có đóng dấu quản chế của Phòng Quản lý trị an của thành phố. Lần trình diện 3 tháng đầu, tôi phải viết tờ tự khai dài mấy trang giấy, kể rõ việc làm 3 tháng đã qua, bị tra hạch đủ điều. Sau đó phải làm đơn để đến Phòng quản lý trị an thành phố xin đóng dấu quản chế. Tôi đến và nơi này đã giải tán, thành lập Trung Tâm Quản Lý Người Học Tập Cải Tạo Được Về. Mang đơn đến đó, được hẹn 15 ngày sau đến nhận Giấy Ra Trại với con dấu quản chế, nhưng ngày đến nhận giấy chưa xong, lại được hẹn thêm hẹn 10 ngày nữa. Được giấy nhập hộ khẩu thành phố, tôi xin nghỉ việc vài tuần về Phú thành thăm anh chị em và bà con quê nhà. Dự tiệc cưới đứa cháu và gặp nhiều người trong xóm làng. Các anh chị , muốn tôi cầm đầu một chuyến vượt biên, đưa con cháu ra nước ngoài: chiếc ghe lớn của anh rể tôi có thể chở hơn 50 người lớn, nhỏ. Mọi tiện nghi cần có cho chuyến hải hành được chu cấp và thủy thủ đoàn được sắp xếp, ghe vượt biên sẽ được công an biên phòng hộ tống đưa ra cửa biển Bình đại (sông Tiền giang, phía Bến tre).

Về Sài gòn kể lại, vợ tôi mừng lắm nhưng Chị thứ bảy của tôi ngăn lại: “cậu đừng vội, có kinh nghiệm gì về biển đâu mà nhận, trách nhiệm nặng lắm. Chị biết có tổ chức vượt biên, thành công nhiều lần, cần cậu lắm đó”. Nghe ra, tôi muốn biết tổ chức nào? Chị yên lặng, tôi không hỏi tiếp!

Tôi ngơ ngác như chim lạc đàn nhưng biết làm sao? Tôi tin chắc: “Chúa nắm giữ tương lai mình” và “Ngài hằng đi trước tôi”.

NTTL: Chuyến đi của anh có suôn sẻ không? Anh được tàu vớt trong trường hợp nào? Sinh hoạt của anh ở trại tỵ nạn ra sao?

HVC: Cửa tiệm tạp hóa của gia đình chị tôi ở đường Sư Vạn Hạnh, đối diện cửa ra vào Bệnh viện Nhi đồng có nhiều khách hàng tới lui và từ vài năm qua, tổ chức vượt biên thường xuyên gởi một số người chờ di chuyển và những vật cần thiết như thức ăn, nước uống cho các chuyến đi. Mươi ngày sau đó, có thơ tay của chị tôi nhắn cần gặp gấp; tôi đến nhà chị. Người tổ chức vượt biên, nhờ tôi đi trong chuyến này với nhiệm vụ duy nhất: trông coi trật tự trong nhóm hành khách cho chuyến vượt biên vào đêm nay (27-09-1981). Trong chuyến đi này có hai con gái của chị và con trai lớn của tôi mười sáu tuổi rưỡi; lộ phí chị tôi đã chi. Riêng tôi, nếu thuận đi có thể đem theo một người và cả hai được hoàn toàn miễn phí. Nếu không đem người nhà thì tìm ai đó cho đi tự thu lệ phí. Tôi nhận lời và được hẹn có người đến rước tại nhà chị tôi lúc 3 giờ chiều.

Tôi về nhà, ghé trường nói với vợ xin nghỉ dạy buổi sáng, đến nhà chị để có mặt bên cha con tôi khi tạm biệt. Hành trang của tôi chỉ có Quyển Kinh Thánh, quyển Từ điển Anh Việt / Việt Anh, Giấy Ra Trại và Phiếu Đề Xuất Đăng Ký Hộ Khẩu. Cha con tôi, ngoài bộ đồ đã mặc, chỉ thêm bộ nữa thay đổi và vài vật tế nhuyễn, mỗi người thêm chai nước nhỏ. Hành trang chỉ có vậy. Các con nhỏ, còn đi học, tôi không thể đến trường tạm biệt, thôi thì để mẹ chúng nói lại sau!

Tôi đến Sở làm thăm qua công việc của anh em làm ở đó, không lộ ý ra đi. Người cần gặp sau cùng là Chị chủ cơ sở, tôi trình sổ sách chi tiêu, hoàn lại tiền đã được ứng trước và sổ sách tồn kho hàng sản xuất và nguyên vật liệu, Chị chủ can ngăn hết lời vì trong gia đình nhiều người đã ra đi nhưng không ai vượt thoát. Chị lại đem Bộ bài tây ra đoán xem chuyến đi của tôi có thành công hay không? Chị nói, khó lọt chuyến này lắm nhưng nếu tôi đã quyết tâm thì chị không cản được.

Ba giờ chiều có chiếc xe Lambretta chở khách đến đón hai cha con tôi, trong xe đã có hai thiếu niên trạc tuổi con tôi. Xe đưa chúng tôi, đến một quán Cà phê trên đường gần Cầu Chữ Y. Ngồi uống nước ở đó chờ taxi đường sông chuyển tiếp. Ngồi chờ mà lòng hồi hộp quá đỗi nhưng cố trấn an con và hai cháu cố gắng bình tĩnh! Chúng tôi dặn nhau, nếu có công an hay bất cứ ai hỏi đều trả lời: “ngồi chờ người rước đi dự tiệc cưới bên kia sông.” Nửa giờ sau, có người đến rước với chiếc ghe tam bản nhỏ, ngụy trang ghe chài lưới chèo tay, nặng nề và chậm chạp nên lòng lại càng lo lắng hơn; ghe cứ đi mỗi đoạn sông ngắn, lại nghỉ dưới bóng những tàn cây lớn de ra, quan sát đoạn đường kế tiếp; 8 giờ tối qua ngang Trạm kiểm soát lớn “Tắc Cây Khô”, lọt qua Trạm này đã thấy yên tâm, người lái taxi đường sông, nói vậy. Chú tài xế taxi đường sông này, bảo 3 cháu trai nằm xuống, lấy lưới phủ lên, còn tôi ngồi trước mũi ghe cầm cái dầm bơi phụ. Đoạn sông này rộng chưa tới 300 mét, đèn pha của trạm kiểm soát cứ quét ánh sáng tới lui, thỉnh thoảng bắn vài tiếng súng nghe nhói tim. Người lái ghe, cứ cập sát bờ đối diện, chèo nhẹ, ghe lướt tới từ từ; qua khỏi đó không xa, 3 cháu trai phải lên bờ ngồi trong ruộng lúa hơn nửa giờ, chờ vắng mấy chiếc tàu tuần sông của công an đi ngang qua. May mắn, đoạn đường còn lại ba cháu trai không phải lên ruộng lúa trốn tránh nữa! Nửa đêm, ghe tam bản đưa chúng tôi đến cái chòi lá nhỏ bên hóc cái rạch lớn có chiếc ghe lớn đậu trong khu Rừng sát, có nhiều người ngồi chờ đợi. Tất cả im lặng, nhìn qua ghe lớn, thấy còn tốt, loại đò máy đưa khách ven sông, lượng chừng chiều dài 12 mét, rất tiện nghi chỉ điều hơi cũ. Phần trước là khoang ghe chính, chở hành khách dài chừng 8m, hai bên có băng dài, làm chỗ ngồi; giữa trống chứa hàng hóa. Tiếp theo, cái sạp ngồi, nối với khoang sau qua cái cửa; sáu người có trách nhiệm đưa ghe vượt biển, đã đến trước, có mặt ở đây:

- một thiếu tá, cựu sĩ quan hải quân ngồi xem hải bàn, hải đồ, cùng đi có cô em vợ.
- một thanh niên, trong gia đình với người tổ chức và bạn gái, thỉnh thoảng giúp tài công lái ghe.
- tài công lái ghe đã có kinh nghiệm nhiều với sóng nước và vợ con cùng đại gia đình đang ở Hoa kỳ; chỗ tài công ngồi giữa 10 can nước ngọt bên hông.
- một thợ máy.

Phía trước mũi ghe là khoảng trống nhỏ, có cột lẫn chèo gác đó và mỏ neo. Một cái cửa rộng đủ một người ra vào; nơi này cũng là cầu vệ sinh dã chiến nếu có ai muốn sử dụng.

Các taxi đường sông, đưa hành khách đến dần, lên khoang ghe rộng ở giữa. Tôi điểm lại hành khách theo danh sách hơn 50 người nhưng số hiện diện chỉ mới có 25 người lớn, nhỏ. Giờ hẹn vượt biên cho mọi người đúng 2 giờ đêm 28-09 nhưng không đủ số. Thấy có vẻ êm ả, chờ đến 2:30 giờ, không thấy ai đến nữa, chúng tôi đồng ý nhổ neo ra đi.

Lâu lắm, sau khi ổn cư, chúng tôi nghe nói có nhiều hành khách trên đường di chuyển từ các nơi đến Sài gòn, đã bị bắt giữ lại trong chốn lao tù một thời gian mới được tự do!

Ghe ra khỏi cửa biển, khoảng 10 giờ sáng những người có trách nhiệm đưa thuyền vượt biên đã thấy một chiếc ghe đánh cá quốc doanh hay tàu công an tuần biển, lớn ngang tầm ghe vượt biên, đang từ xa chạy tới. Chừng 20 phút sau nghe tiếng súng nổ, ghe vượt biên tăng tốc độ, nhưng loại ghe chạy trong sông, sức máy có hạn nên dù chạy hết tốc lực chừng nửa giờ thì ghe đánh cá quốc doanh hoặc tàu tuần đuổi theo gần kịp. Cha con tôi và cha con anh rể cùng cầu nguyện trong niềm tin của chúng tôi và các anh chị em các tôn giáo khác cũng đọc kinh, cầu nguyện theo niềm tin của họ.

Đạn đã bắn tới trúng vài viên qua ván thành ghe nơi hành khách ngồi, không ai bảo ai tất cả đều cúi rạp xuống. Vài viên đạn đã xuyên vách ghe; tôi dùng vải lau ghe có sẵn bịt kín lại. Bên sau, vài viên đạn xuyên qua mấy can nước ngọt, nhưng tài công không bị thương, nhanh tay, xé khăn lau, bịt kín, nhờ đó đủ nước ngọt nấu ăn, uống cho đến khi được tàu vớt vẫn còn.

Lời cầu nguyện của người có lòng thành, thật có linh nghiệm nhiều; chiếc ghe quốc doanh hay tàu tuần không thấy hung hăng rượt theo nữa. Nhiều tiếng êm dịu: Tạ ơn Chúa, Tạ ơn Đức Phật, Tạ ơn Đức Mẹ Maria. Thuyền vẫn đi theo tốc độ của nó; nhưng than ôi! chưa tới 2 giờ chiều, mọi người nghe tiếng nổ bất thường của máy. Anh thợ máy, lấy thùng đồ nghề ra cùng với chú tài công, tháo chỗ này, mở chỗ kia gần 2 tiếng đồng hồ... sau cùng nghe tiếng máy ịch- ịch rồi tắt lịm. Ghe trôi theo làn gió thổi, nhè nhẹ nên thơ nhưng lòng người hoảng loạn. Trong đức tin tôi, khuyên mọi người không nên sợ hãi, gây đau yếu, mệt mỏi cho mình và làm nản lòng đến người khác nhưng nên cầu nguyện trong niềm tin tôn giáo của mình. Thuyền cứ trôi nhẹ nhàng và nhiều người đều nghĩ chuyến đi bất thành, nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn bình an! Anh Cựu sĩ quan hải quân chịu trách nhiệm định hướng cho chuyến hải hành cùng tôi trấn an nhóm hành khách; như 2 thuyết trình viên trình bày những hi vọng cho thuyền nhân nhưng chính mình chưa qua kinh nghiệm này! Dù vậy, tôi thấy có sự an tâm của nhiều người.

Hết ngày rồi qua đêm, ghe vẫn trôi theo hướng gió, theo dòng chảy, nhưng trời biển mênh mông, biết đâu là bến, biết đâu là bờ, đến những cánh chim biển cũng không thấy bay lượn, chúng tôi đang ở đâu? Máy hư, ghe trôi chỉ loanh quanh trong vùng vịnh Thái lan nhưng không biết gần bờ biển phía nào: phía đông về phía Việt nam, Nam dương quần đảo, hay phía tây gần Thái lan, Mã lai! Con thuyền không bến, ai biết về chốn nao? Hải đồ và hải bàn có đó nhưng vô dụng.

Ngày 30 tháng 9 sắp qua, ngày 01 tháng 10 đang đến và chỉ 2 ngày nữa thôi, sinh nhật thứ 41 đời tôi sẽ tới, biết ra sao ngày sau! Nhớ năm vừa qua, từ Trại tù về được nhận làm việc chưa đầy tháng, nhằm ngày sinh nhật được thưởng 50 đồng bạc Việt Nam. Quà tặng đáng giá một tháng lương đem về trao cho vợ mua thức ăn cho các con cùng ăn, ăn ngon, ăn no cho chúng đã thèm!!!

Thuyền vượt biên vẫn trôi theo mùa gió chướng; toán người điều hành ghe vượt biên lo sẽ tấp vào bờ biển từ Phan thiết, Phan rang hay xa hơn ở Miền Trung Việt Nam, công an cộng sản vùng này đối với thuyền nhân ác ghê gớm lắm, họ sẽ lục soát cướp của và giết chết hết người để bịt miệng! Nghe nói nhiều người lo sợ, lại cầu nguyện cho được bình an. Bình an thế nào trong hoàn cảnh này, cho 31 mạng người lớn nhỏ!

Được tàu vớt:

Bất chợt có tiếng loa với mệnh lệnh Anh ngữ. Thương thuyền Nedlloyd Bangkok báo tin: “cứ để cho ghe trôi trong khoảng nửa giờ sẽ tấp ngang hông tàu chúng tôi, có phao để đỡ cho ghe không va chạm mạnh.” Như nghe tiếng Thiên sứ báo tin lành, ghe cứ trôi và tấp vào bức tường phao, có tiếng va chạm nhưng nhẹ nhàng. Một cái thang dây thả xuống và tôi leo lên tàu lớn, hông tàu nổi cao như bức tường dầy. Người đón là vị thuyền phó, bắt tay tôi và tự giới thiệu tên Wim Steinhauer và tên 2 thủy thủ đứng gần; đáp lại tên tôi Công văn Huỳnh. Ông cười, nói có tên Hòa lan (van: chữ lót) và hỏi “dưới ghe vượt biên có bao nhiêu trẻ con, đàn bà và đàn ông.” Tôi cho biết số người và được giải quyết ngay: thả đệm phao cho đàn bà và trẻ em dưới 16 tuổi lên trước; thanh niên và đàn ông lên sau, lần lượt bằng thang dây.

Tôi không cần trở xuống thuyền nữa; được đưa cho cái loa báo tin vui và giải thích cho người dưới ghe. 15 phút sau tàu nhận 18 người lớn nhỏ. Những người này được đưa ngay vào hội quán trên tầng thượng. Vị thuyền phó đổi ý, nói qua tôi: chuyển đệm phao xuống nhận hết mọi người, không cần để họ leo lên tàu bằng thang dây! Mọi người đã lên tàu lớn, 2 thủy thủ của thương thuyền xuống ghe vượt biên tháo cái chân vịt và đụt cho ghe chìm. Ngày sau, thấy Cái chân vịt được đánh bóng gắn bên vách Câu lạc bộ, ghi ngày-tháng-năm và số người lớn nhỏ được tàu vớt.

Chúng tôi quây quần trong Câu lạc bộ, mỗi người được cấp áo quần, khăn tắm, lần lượt phụ nữ, thiếu niên, thanh niên và người lớn được thay phiên tắm gội. Tắm xong những người không có trang phục riêng sạch sẽ để thay, mặc quần áo thủy thủ rộng thùng thình ngồi đó. Mọi người tắm xong, áo quần dơ, được đưa ngay vào máy giặt, máy sấy khô; hai giờ sau tất cả đều mặc áo quần sạch của mình như khi đi ra khỏi nhà vượt biên. Thủy thủ đoàn tàu này này không có việc làm hay sao? năm - bảy người trong họ cứ gần gũi, giúp đỡ thuyền nhân hoạn nạn tận tình? Thì ra, hết phiên làm việc, thay vì họ nghỉ ngơi đã dành thì giờ đó giúp đỡ chúng tôi!

Sáng ngày 03-10-1981, con trai tôi thay mẹ và 3 em còn ở lại nói lời: chúc mừng sinh nhật thứ 41 của tôi. Nước mắt tràn mi, tôi ngước mắt nhìn lên cao tạ ơn Chúa và cúi xuống cảm ơn con. Cha con tôi cùng hôn lẫn nhau trong niềm vui, trong hân hoan. Tàu Nedlloyd Bangkok đến Singapore nhưng không lên hay xuống hàng hóa; điện thoại vào đất liền và tàu chở khách ra đón đưa vào đất liền, tiếp theo một chiếc xe bus ra đón, đưa chúng tôi về trại tỵ nạn. Chúng tôi cám ơn Thuyền trưởng, Thuyền phó và thủy thủ đoàn. Thuyền phó thân mật cho biết sẽ gặp lại khi tôi ổn cư ở Hòa lan. Thật vậy, tháng 7 năm 1982 chúng tôi đã được đã định cư ở thị xã Hoensbroek. Từ trú quán Holte, vượt đường xa hơn 200km Ông bà đã đến thăm và ở lại vài ngày, thăm mọi người đã được tàu vớt. Mươi năm trước đây, Ông trước Bà sau vài năm, lần lượt qua đời, vợ chồng tôi có đến nơi dự lễ an táng.

Sinh hoạt ở trại tị nạn:

Vào trại, được chỉ định tạm trú, được cấp mền, mùng, chiếu gối, dụng cụ nấu ăn và cũng được trợ cấp chi tiêu hằng ngày. Khi tôi đến, Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn có đủ người phụ giúp, vì vậy trong Trại chỉ góp phần vệ sinh chung quanh khu vực nơi tạm cư cho được sạch sẽ. Trường Thần Học Tin Lành ở Singapore, mỗi tuần vào chiều thứ năm, từ 3 giờ có chiếc xe bus vào trại, mời thuyền nhân đi nghe giảng Tin Lành. Sau vài tuần, Thông dịch viên đã đi định cư Úc châu nên tôi được mời thay thế. Như vậy, hai cha con chúng tôi cùng đi với nhiều người khác nghe giảng đạo, có thì giờ thảo luận, được đãi ăn cơm chiều rồi xe đưa trở về.

Có những phái đoàn phỏng vấn thuyền nhân về việc định cư nhưng tôi không cần tiếp xúc vì được Ông Thuyền phó tàu Nedlloyd Bangkok khuyên nên đi Hòa-lan từ trước; ở đó cuộc sống không quá khó khăn, dễ cho vợ con đoàn tụ gia đình và cũng thuận lợi cho người theo đạo Tin Lành; vả lại anh rể và cháu gái của tôi phải đi Hòa lan vì cháu trai lớn của gia đình này đã đến Hòa lan. Khi chúng tôi đến Trại Leerdam cháu chưa ra nhà riêng đã đến Leerdam ở chung và cùng về Hoensbroek định cư.

Mỗi tuần, có hai nữ nhân viên từ Tòa đại sứ Hòa lan vào Trại dạy Hòa ngữ, hai cha con chúng tôi theo học. Lớp học chưa tới mươi người, dù danh sách thuyền nhân đến Hòa lan rất đông. Tôi khuyên con trai đừng lêu lổng, ráng học vì ngôn ngữ rất cần nơi mình sẽ đến nhận làm quê hương. Ngày 14-12-1981, chúng tôi được chuyển đến Hòa lan, có hai cán sự xã hội và thông dịch viên đến đón tại Phi trường và đưa về Trại tỵ nạn Baarle Nassau. Đang ở vùng nhiệt đới, nắng nóng, đến đây nhằm lúc tuyết đổ dày gần nửa mét, nhiều người không chịu chuẩn bị áo quần, mũ ấm đã lấy mền đắp trên máy bay quấn quanh người chống lạnh, đoàn lữ hành kỳ lạ. Suốt tuần lễ, tôi không rời khỏi tòa nhà vốn là tu viện Công giáo nằm sát biên giới Hòa lan và Bỉ quốc; tuyết rơi trắng xóa như bông, phủ đầy mặt đất dày hằng nửa mét!

Vài ngày sau, cả đoàn được xe đưa đến Bệnh viện Tilburg để khám sức khỏe và mươi ngày sau, chúng tôi được chuyển đến Trại tị nạn Leerdam, cách trung tâm thành phố không xa nên sinh hoạt vui vẻ hơn. Ngày làm việc trong tuần, chúng tôi được học Hòa ngữ. Ngày 27 tháng 4 năm 1982, được đưa về Hoensbroek định cư, nơi trước đó vài tuần chúng tôi đã đến để làm quen với gia đình bảo trợ, xem qua căn nhà được cấp.

NTTL: Khi sang Hòa Lan anh và gia đình có khó khăn gì trong hội nhập hay không? Em đã có cơ duyên gặp anh ở Almere, lúc anh dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở đây. Anh thấy việc giáo dục tiếng mẹ đẻ và văn hóa có kết quả thế nào?

HVC: Đồng hương chúng ta ở Heerlen có nhiều con trong tuổi thơ ấu và sau vài năm học ở các trường tiểu học, gần như quên hết tiếng nói đầu đời đã được cha mẹ dạy cho. Trong các lễ lộc do Stichting Sài gòn tổ chức, chương trình thờ phượng và học Kinh thánh hằng tuần của nhóm tín hữu Tin Lành. Hầu hết các cháu quây quần bên nhau tại phòng riêng cạnh bên với những trò chơi giải trí có sẵn, tất cả dùng Hòa ngữ. Hầu hết các cháu không hiểu được quốc ngữ nên không cảm thông được những lần tổ chức như vậy. Kẻ ở người đi, khi được thơ từ gia đình Việt Nam hay các điện đàm, các cháu không hiểu được gì với người thân đã nói; thiếu sự cảm thông với nhau. Tôi nhận lời giúp các cháu xóa nạn mù Quốc ngữ.

Dạy Việt ngữ ở Hoensbroek:

Tôi đã 44 tuổi và vẫn lãnh trợ cấp thất nghiệp vì nền kinh tế Hòa lan lúc đó đâu đã khởi sắc lắm, nên rất khó cho người lớn tuổi tìm được việc làm, vì vậy rất vui nhận lời dạy giúp các cháu vào chiều thứ tư và sáng thứ bảy mỗi tuần. Lớp học đầu tiên có 17 cháu được học ở ngôi trường khu trung tâm thị xã Hoensbroek. Qua giới thiệu đôi vợ chồng người Hòa lan, đã giúp con trai của tôi và vài cháu thanh niên về các bài học khó hiểu của chúng ở trường học. Tôi mượn một phòng của Trường đặc biệt dạy các thiếu niên Hòa lan, lứa tuổi 16-17 vì lẽ nào đó đã thôi học ở các Trường trung học hay Trường dạy nghề chính thức.Hòa lan cưỡng bách giáo dục đến 18 tuổi, nên các thiếu niên nêu trên phải có 2 ngày học mỗi tuần. Các cháu học sinh Việt ngữ được ưu ái của Ông hiệu trưởng, mua cho bàn ghế vừa lứa tuổi, thêm máy pha chocolate và nước giải khát uống miễn phí trong giờ giải trí. Sau 3 tuần, học sinh đông đến 40 cháu,cứ tăng dần. Ngoài học sinh tại địa phương, nhiều cháu đến từ các thị xã lân cận như Heerlen, Kerkrade, Sittard, Brunssum. Ông hiệu trưởng cho mượn lớp học, báo tin cho tờ báo Limburgs Dagblad, tờ báo chính thức của tỉnh; phóng viên đến phỏng vấn thầy trò, chụp hình giờ học, giờ chơi. Báo phát hành được vài ngày, tôi được cái hẹn qua điện thoại từ Phòng Giáo Dục của thị xã, có nhân viên đến xem qua chương trình dạy và học Việt ngữ vào chiều thứ tư sau. Sau đó, Phòng giáo dục thị xã mời tôi đến phỏng vấn riêng về khả năng sư phạm, kinh nghiệm dạy học bên Việt nam.

Chương trình Việt ngữ trong kế hoạch do Bộ Giáo Dục thực hiện từ niên học 1982-1983.

Niên học 1983-1984 tôi bắt đầu dạy học. Học sinh ở cách xa trường điểm hơn 2,5 km có taxi đưa đón. Có mươi em học sinh Trung học muốn theo học, nhưng tôi nhận thấy các cháu có bài học quá nhiều ở trường Hòa lan, nên không mở lớp học chính thức, dù vậy mỗi sáng thứ bảy các cháu đến học do tôi dạy miễn phí.

Dạy Việt ngữ ở Almere:

Gần cuối niên học 1985, vợ tôi còn đang học Hòa ngữ và thầy Paul cũng đã dạy tôi học thêm ở Avond College Heerlen, chuyển cho tôi tờ báo Algemeen Dagblad, có thông báo từ Phòng giáo dục của thị xã Almere tuyển một giáo viên dạy Việt ngữ; tôi không chú tâm vì Hoensbroek đến Almere là chặng đường dài 220km nếu đi xe hơi và chuyển xe đến 3 lần nếu đi xe lửa: Heerlen-Sittard-Amsterdam-Almere. Thảo luận trước với vợ tôi, thấy tốn kém về di chuyển nhiều hơn lương hằng tháng, tôi lần lữa và còn vài ngày hết hạn nộp đơn. Thầy Paul hỏi và vợ tôi trả lời như ý tôi đã bàn; chiều đó thầy Paul đến bấm chuông nhà và vào vừa ngồi yên đã nói, khi đi quên số nhà nhưng nghe mùi thơm của chả giò chiên nên đến đúng ngay. Câu đùa vui, lúc đó chả giò Việt Nam nổi tiếng quá? Thầy Paul giải thích ở Hòa lan đi làm việc có phụ cấp di chuyển và ăn uống, hoặc làm việc trên 27 giờ, ưu tiên được chuyển nhà đến gần nơi làm việc và có phụ cấp chuyên chở. Lá đơn được viết sẵn, có phong bì dán tem, thầy nhỏ, trò lớn tuổi hơn, cùng đi ra góc đường gởi thư vào chiều thứ sáu đến trưa thứ tư tuần sau có thơ mời phỏng vấn vào ngày thứ sáu sau với 5 thầy cô giáo khác có đơn xin. Người phụ trách tuyển chọn cho biết số lượng học sinh hơn 60 em. Phụ huynh học sinh Almere, đã trình bày về ước muốn cho con học Việt ngữ và Phòng giáo dục sẵn sàng tổ chức lớp học. Sau phỏng vấn, tôi được ưu tiên vì đã có giấy phép dạy học của Bộ giáo dục, thêm nhiều chứng chỉ theo học các khóa học trong những năm rảnh rỗi. Thành phố Almere lúc đó chỉ có Almere-Haven đông cư dân Việt Nam nên học sinh nhiều, tôi sắp xếp dạy các ngày thứ năm, thứ sáu. Almere-Stad có ít học sinh hơn nên sáng ngày thứ tư.

Tôi dồn học sinh ở Heerlen lại dạy ngày thứ hai và thứ ba. Đến cuối niên học năm 2000, lớp học tại đây chấm dứt và tôi lãnh tiền trong vòng 5 năm, nhưng sau đó chẳng bao lâu tôi được thị xã Houten mời tổ chức và dạy các cháu ở các trường tiểu học, tôi nhận lời. Cả hai nơi dạy học mới ít hơn 27 giờ mỗi tuần nên không cần dọn nhà về gần nhiệm sở nên nhận trợ cấp đặc biệt di chuyển và ở trọ, ăn uống 10.000 gulden mỗi niên học. Lương bổng trả theo ngạch trật đã có như ở Heerlen. Được tuyển dạy học ở Almere và sau ở Houten cũng rất thuận lợi cho chương trình truyền giáo; từ trước tôi đã có những địa điểm sinh hoạt ở Duivel, Drachten, Purmerend lại thêm ở Almere, Houten. Nhớ lại những ngày dạy tình nguyện của tôi ở Hoensbroek thì nhiều nơi khác cũng có những giáo viên tiên phong và lần lượt nhiều lớp học được thành lập Enschede, Hoorn, Alkmaar, Delft, Nieuwegein, Purmerend, Drachten, Amersfoort, Lelystad, Spijkenisse, Houten, Sittard và Helmond.

Chương trình Việt Ngữ đến hết niên học 2003-2004 thì chấm dứt . Phòng giáo dục thị xã Almere có tổ chức tiệc khoản đãi Giáo viên, tặng thùng quà lớn và cho biết Bộ giáo dục thêm số tiền 7000 euro cho người thôi việc, được chuyển thẳng vào Quỹ Hưu Bổng Giáo Chức. Bắt tay từ giã, Trưởng ban nhân viên của Phòng giáo dục cho tôi biết sau nghỉ hè cứ tiếp tục dạy đến tuổi hưu ngày 01-11-2005.

Sau khi chấm dứt dạy học, chúng tôi Giáo viên tiểu học Việt Ngữ thành lập Hội giáo chức, hằng năm có ngày họp mặt để nhắc nhau những kỷ niệm đã có, an ủi nhau những ngày còn sống tha hương. Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản ở Hòa lan đã và đang góp công không ít trong gìn vàng giữ ngọc, giữ lửa quê hương tự do và chương trình phỏng vấn thuyền nhân giúp đồng hương hiểu được ý nguyện của tiền nhân, không chỉ cho mình nhưng con cháu truyền đời kế tục.

Hội thánh Tin Lành Heerlen & vùng phụ cận

NTTL: Anh là nhà truyền giáo Tin Lành cho người Việt Nam ở Hòa Lan. Việc trở thành một nhà truyền giáo trong trường hợp như anh đã diễn tiến thế nào? Sinh hoạt hội thánh cho đến nay ra sao?

HVC: Hòa lan là đất nước của nhiều người theo Tin lành, đã cải chánh từ Giáo hội Thiên Chúa Giáo từ thế kỷ XVI. Có nhiều người Hòa lan tuân đạo vì đức tin. Hiện nay, theo thống kê con số người theo đạo đã giảm lần nhưng những người giữ vững đức tin vẫn còn đó.

Lúc tuổi còn thơ ấu, tôi đã gia nhập Ban thiếu nhi của Hội thánh, học Kinh thánh có tranh vẽ kèm theo, lần hồi đọc Kinh Thánh theo từng câu chuyện và sau đó học trọn bộ Kinh thánh: lịch sử, văn thư, giáo huấn đủ thể loại. Tôi say mê đọc Kinh Thánh từ nhỏ và hiểu biết thêm nhờ các sách giải kinh của nhiều học giả. Trong gấp rút ra đi tìm tự do, tôi không quên mang theo; hiện cháu nội đích tôn của tôi đang giữ quyển Kinh Thánh này là của gia bảo.

An cư tại thị xã Hoensbroek, những tín hữu Tin Lành ngồi lại với nhau bắt đầu chương trình thờ phượng trong ngôn ngữ của mình vào mỗi Chúa nhật do tôi hướng dẫn. Khởi sự ít người mượn phòng nhỏ sau đông hơn vì những tín hữu trong khu vực phía nam cùng đến, nên mượn hẳn ngôi giáo đường của những tín hữu nói tiếng Anh. Hiện nay, chúng tôi vẫn sử dụng ngôi giáo đường này để nhóm họp và thờ phượng hoặc lễ lộc riêng tư của gia đình tín hữu.

Tôi không phải người tiên phong thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở Hòa lan, nhưng trước tôi không lâu,cũng đã có 2 nhóm tín hữu ở Spijkenisse và Dordrecht. Liên lạc được với nhau, rất vui mừng và hợp nhau thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Hòa lan. Theo từ ngữ tôn giáo, trong hoàn cảnh này: “Chiên dắt chiên” đó thôi!

Chẳng bao lâu, chúng tôi biết được bên Bắc Mỹ, đông tín hữu Tin lành và trong đoàn người di tản cũng có nhiều Mục sư nên sớm thành lập các Hội thánh, có cơ sở ấn loát và phát hành sách báo và đặc biệt có cả Viện Thần Học giúp huấn luyện những người đặt đức tin lo việc giáo hội trong cả hai phương diện: học tại chỗ (phải đến Hoa kỳ), học hàm thụ (qua thư tín và mỗi năm hai lần: trong dịp Giáng sinh và hè đến Hoa kỳ).

Tại Âu châu, đầu tiên chỉ có 3 Mục sư ở Đức (du học), Pháp (truyền giáo cho người Việt Nam ở Lào đến) và Thụy sĩ (gia đình vượt biên). Liên lạc được với nhau, chúng tôi đã tổ chức hội đồng và thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Âu châu, ưu tiên huấn luyện nhân sự . Viện thần học (hàm thụ), với giúp đỡ của Viện Thần Học Bắc Mỹ đã thành lập, hiện tại vẫn còn hoạt động, có nhiều sinh viên theo học. Tài liệu thụ huấn học viên nhận và tự học. Mỗi năm hai lần vào mùa hè và Giáng sinh họp nhau lại, Giáo sư huấn luyện các nơi đến giúp, chỉ dẫn thêm và khảo thí.

Học hàm thụ nên phải mất nhiều năm để hoàn tất, vừa học vừa hành. Tôi được phong chức Mục sư năm 1990. Lần lượt đến nay có thêm 5 Mục sư đảm trách chức vụ và thêm 2 sinh viên đang học thần học. Thế hệ trẻ, am tường Hòa ngữ nên vào thẳng các Trường Thần học Hòa lan. Trong tích cực truyền giáo, tín hữu Tin lành Việt nam tại Hòa lan tăng dần. Chúng tôi cũng gửi Mục sư đến truyền bá Phúc âm cho đồng hương Việt Nam đang sinh sống tại Tiệp Khắc. Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại Hòa lan được Chính phủ chính thức công nhận và có tư cách pháp nhân từ ngày thành lập, do một Ban Chấp Hành điều hành. Hằng năm có tổ chức những ngày Lễ quan trọng vài ngày hay trong ngày: Phục sinh, Ngũ tuần, tết Nguyên đán, Giáng sinh, Trại hè cho gia đình tín hữu, Trại thanh niên & thiếu niên. Hội thánh địa phương và vùng miền, sinh hoạt thờ phượng hằng tuần vào mỗi Chúa nhật. Mục sư là người hầu việc Chúa nên làm gì phải hưu trí? Tôi, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn được tín nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Chấp Hành. Dù vậy, những người trẻ đảm đang tích cực hơn và tôi góp phần trong an ủi, khích lệ, cầu nguyện cho tinh thần dâng hiến nhiệt thành của những nhà truyền giáo và tín hữu khắp nơi.

NTTL: Đã từng trải với cuộc đời hơn tám mươi năm qua, là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một nhà giáo, một nhà truyền giáo, anh thấy có điều gì nhắn nhủ với cộng đồng tỵ nạn nói chung không?

HVC: Câu hỏi rất hay và quá lớn cho tôi vì những việc làm đã trải qua hay còn tiếp tục trong đời mình như một giấc mơ. Thành công có, thất bại có, tôi đã mãn nguyện với những đóng góp tích cực cho quê hương yêu thương nơi trần thế và cũng đóng góp tích cực cho cõi lai sinh trong niềm tin. Còn có điều gì nhắn nhủ với cộng đồng tỵ nạn? Những điều cần nói tôi đã nhiều lần bộc bạch thuyết trình, những điều cần viết tôi đã viết để vận động, học hỏi với đồng hương chẳng những tại Hòa lan nhưng với đồng hương cư ngụ tại nhiều quốc gia khác trong Thế Giới Tự Do. Mỗi chúng ta, trong cộng đồng tỵ nạn mãi mãi vẫn phải gìn giữ ngọn lửa yêu thương và tự do cho tổ quốc Việt Nam. Chính trị bạo động, độc tài chỉ nhất thời nhưng nhân dân Việt Nam vẫn trường tồn. Qua lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung, có chế độ độc tài, tàn ác nào tồn tại không?

Nỗi đau của Cộng sản Việt Nam là lo sợ nổi dậy trong nước và tiếp tay của tinh thần Việt Nam Cộng Hòa ở ngoại quốc. Yêu nước Việt Nam Tự Do là chính nghĩa, bảo vệ Việt Nam Tự Do là tự hào và chính đáng. Đời chúng ta không thành công; con cháu chúng ta tiếp tục.

Nếu có thể, cứ tiếp tục duy trì quốc ngữ là sức sống của cộng đồng và hồn dân tộc; bảo toàn niềm tin tôn giáo là sức sống tâm linh cho cá nhân và tôn giáo của mình Đừng vì những thất bại hiện tại nản lòng, bỏ cuộc!

Là con người, chúng ta thường có xu hướng muốn thể hiện đời mình qua nhiều cách khác nhau.

Thành công trong cuộc sống, chúng ta thấy thỏa lòng, hãnh diện. Trong niềm tin lại thấy ân sủng quý báu được dành cho mình nhưng chút ít thất bại đã thấy nản lòng. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, trong cố gắng của tôi đều hết sức mình dẫu năm tháng khác nhau, thăng trầm có lúc. Qua những chuyện kể tôi sống thanh thản, hồn nhiên trong tuổi thơ ấu, tuổi học sinh và vào đời hết sức giản dị; tôi nhớ mãi đời sống tươi đẹp của đoạn đầu đời nhưng lại hồi hộp, lo âu trong tuổi trung niên nhưng kết thúc là những chuỗi ngày vui với đời sống ý nghĩa hơn.

Đời sống giáo chức là lý tưởng, tôi đã thể hiện được, học sinh học được trong môn dạy của mình. Mấy năm yên hòa, lý tưởng ban đầu đã thực hiện nhưng gián đoạn. Chiến tranh quốc-cộng xảy đến thật bất ngờ. Chúng ta những người muốn sống đời tự do, không thể chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, lý thuyết mơ hồ, ảo tưởng nhưng hết sức tàn bạo.

Tôi không hối tiếc những ngày trong quân đội, đã tận sức mình phụng vụ, tôi đã vận dụng hết sức mình để hiếu trung vẹn toàn. Những năm tù không tội, tại sao phục vụ đất nước lại gọi là tù, trở lại nhà không có quyền công dân và chế độ hà khắc luôn quản chế! lịch sử sẽ xét xử công minh. Những năm lao tù đã qua, ngày được tự do lại càng tăm tối, không thấy tương lai gì cho mình và con cháu, sự ra đi tìm tự do là dám sống chết với chính sinh mạng mình.

Đến được bến bờ:

- được đào tạo thành nhà giáo dục, góp phần giữ lại Quốc ngữ nơi tha hương, cũng là cống hiến khả năng giữ lửa, bảo vệ cho Quê Hương Việt Nam Cộng Hòa.
- được huấn luyện trở nên Sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn ghi lòng, tạc dạ Tổ Quốc-Danh Dự -Trách Nhiệm. Quê hương, tổ quốc còn đó và con cháu sẽ kế thừa khi cơ hội đã đến, chúng tôi vẫn giữ ngọn lửa thiêng.
- đời sống đức tin là hồng ân được Đấng Chí Cao ban cho, tôi phải phụng thờ, hiến thân trong chức vụ Truyền giáo, rao giảng Tin Lành cho đồng hương cùng cảnh ngộ, bày tỏ tình thân ái, nghĩa đồng bào; thể xác đời người ngắn ngủi nhưng linh hồn bất diệt, khẩn thiết mời gọi đồng hương đặt niềm tin nơi sự Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế Jesus.

Thuật lại đời mình, nhiều người nói tôi được may mắn. Không, tôi không tin như vậy vì tôi biết:

Đấng Nắm Giữ Tương Lai Mình, Ngài Đi Trước Tôi.

Cộng Đồng Tị Nạn chúng ta không vì lý do gì phải nản lòng khi nhận thấy 46 năm qua Cộng Sản Việt Nam vẫn còn cai trị độc tài, bóp nghẹt tự do. Ngọn lửa đấu tranh giành độc lập tự do vẫn còn cháy tốt, nếu trong đời ta không thành công; con cháu chúng ta sẽ kế tục. Lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chứng minh.

NTTL: Khi nghĩ về Việt Nam, anh có mong ước gì không?

HVC: “Tôi sống mỗi ngày” là lời cầu nguyện đầu tiên trong ngày mới của đời tôi còn trên dương thế, là phương châm cuộc sống: mỗi sớm mai khi thức dậy có được sức khỏe, có lòng trung tín trong niềm tin cho dân tộc, đất nước Việt Nam được tự do, chính phủ cộng sản giải thể, Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Chính Trị tại Hòa lan và Thế Giới Tự Do là ngọn đuốc giữ lửa quê hương; lời cầu nguyện này có được nhậm lời không? Tôi tin Chúa sẽ nhậm lời cầu xin “vì nếu Chúa không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công; nhược bằng Chúa không coi giữ thành, thì người canh thức canh luống công”. (Thi thiên 127:1).

“Ăn trái, nhớ kẻ trồng cây,
Uống nước, nhớ người đào giếng”

Câu ca dao dạy con cháu từ tuổi ấu thơ trong gia đình đến học đường và xã hội; giúp con dân Việt Nam không vong ân bội nghĩa?

Tôi hãnh diện làm người Việt Nam và sống vui với Cộng Đồng Việt Nam nơi tôi sinh sống. Chúng ta, thế hệ thứ nhất, thứ hai, thứ ba đã và đang bắt nhịp cầu và tiếp tục các thế hệ mai sau thẳng tiến vươn lên. Ngày tươi sáng cho Quê hương và Đất nước Việt Nam sẽ trở lại vì có chế độ bạo tàn nào vĩnh cửu.

Trong dịp dự tiếp tân trong ngày vui của một Tân Khoa Tiến Sĩ tại Đại Học Khoa Học Maastricht, vị Đại sứ từ nước chúng ta ra đi, đã hỏi tôi: “Anh đã về thăm quê hương chưa? Anh về thăm đi, đất nước bây giờ đã thay đổi, thay đổi nhiều lắm!

Tôi trả lời: “Chưa, tôi chưa về và không tin như vậy. Tổ quốc trong tôi, trong gia đình tôi: Sơn-Hà-Việt-Nam, tên 4 con chúng tôi đang sống hiếu thảo, thuận hòa với cha mẹ, anh chị em và con cháu, đời sống ổn định trong đất nước chúng tôi đang sống rất tự do, dân chủ.

Trong đối thoại chỉ ngắn gọn vậy thôi. Tôi liều chết ra đi để tìm đời sống tự do, nhân bản và văn minh; nơi nào không có độc tài đảng trị là quê hương tôi. Mất lòng đó, nhưng ngại gì? Tổ quốc là đất nước, là quê hương, là con dân đùm bọc lẫn nhau nhưng chúng ta không thể thuận hòa với chế độ tàn bạo?

Tôi còn nhớ câu thơ của Chế Lan Viên, tác giả Hận Đồ Bàn, học đòi chiêu hồi một chiều:

“Đất nước ta có chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu!”

Không phải trăm con nhưng gần 100 triệu con người Việt Nam theo thống kê gần nhất, nếu có điều kiện, những người không là cộng sản đã ra đi hết rồi.

Ca sĩ hài Trần Văn Trạch đã trả lời báo chí Pháp khi được phỏng vấn: “ở Việt Nam với chế độ cộng sản, nếu cột đèn biết đi thì cũng đi rồi.”

Tuyệt vời, ngắn gọn nhưng đủ nghĩa chính trị đang thời và cho đến ngày nay. Tôi mong ước con dân Việt Nam không ra đi tìm tự do nữa vì chế độ bạo tàn cáo chung và mọi người sống trong đất quê hương, yêu mến lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc và đất nước “phú thành” như tên Cù lao nhỏ trên sông Tiền giang, nơi tôi được sinh ra.

Cám ơn chú Ngô Thụy Trúc Lâm đã phỏng vấn và cám ơn Việt Nam Nguyệt San cho tôi kể lại một ít về quãng đời tại thế của mình ở quê nhà và quê người. Cám ơn quý vị độc giả của Việt Nam Nguyệt San đã đọc bài phỏng vấn.

NNTL: Cũng rất cám ơn anh đã tin tưởng để giãi bày tâm sự. Chúc anh chị nhiều sức khỏe.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvanhuynhvancong.htm


Cái Đình - 2021