Ngô Thụy Trúc Lâm
.
Lời giới thiệu: dưới đây là bài phỏng vấn ông Trần Văn Vinh (TVV), thực hiện bởi ông Ngô Thụy Trúc Lâm (NTTL).
Ông Vinh là khuôn mặt quen thuộc trong những sinh hoạt cộng đồng tại Hòa Lan.
Ông đã cùng các đồng hương đầu tư nhiều công sức xây dựng cộng đồng người Việt tại vùng Bollenstreek,
nơi mà hiện nay sinh hoạt cộng đồng hoàn toàn do giới trẻ gánh vác.
NTTL: Xin ông kể qua thân thế và gia đình, cũng như về nơi ông sinh trưởng ở Việt Nam?
TVV: Tôi sinh ra và lớn lên tại Vũng Tàu, Việt Nam. Tôi vào quân đội đầu năm 1974, sau 4 tháng quân trường, tôi được bổ xung vào binh chủng Thiết Giáp thuộc Lữ Đoàn 3, Thiết Đoàn 15, căn cứ đóng tại Biên Hòa. Vì thuộc Thiết Đoàn tác chiến nên chúng tôi lưu động, chịu trách nhiệm từ Long Khánh, La Ngà cho đến Biên Hòa, Bình Dương. Nơi nào có nhu cầu thì Thiết Đoàn chúng tôi sẽ có mặt, và chúng tôi chiến đấu cho đến đúng 12:00 giờ trưa ngày 30-04-1975 thì nhận lệnh bỏ súng và tôi đã trà trộn theo làn sóng những người di tản buồn đến trưa ngày 02-05-1975 tôi mới về đến nhà. Tôi còn nhớ hình ảnh của Mẹ tôi lúc thấy tôi về. Khi tôi vừa bước chân vào ngõ, thì em gái tôi nhìn thấy vội vàng kêu lên “Bu ơi anh Vinh về rồi”, nghe thấy thế Mẹ tôi từ trong nhà vội chạy ra cửa ngõ, thấy tôi Mẹ vội ôm tôi vào lòng như ôm tôi lúc còn bé, và Mẹ nói: “Con ơi, Mẹ tưởng con chết rồi”, cho đến hôm nay ngồi đây viết lại kỷ niệm mà đôi mắt tôi đã ướt đẫm từ lúc nào không hay...
Tôi lập gia đình năm 1978 và có 3 con, hai trai và một gái út, tất cả đều có gia đình riêng. Thật ra, tôi lúc ấy không nghĩ đến lập gia đình, vì ước mơ đi tìm tự do chưa đạt, nhưng có lẽ chúng tôi gặp nhau là do ý trời định. Vì trong lúc tôi ở tù, bạn gái đã thăm tôi và gởi cho tôi lon mắm ruốc xào sả ớt với thịt ba chỉ. Những ai đã bị tù cộng sản rồi thì mới thấy lon mắm ruốc xào sả có thêm chút thịt ba chỉ là quý như thế nào… có lẽ vì thế mà tôi đến giờ tôi vẫn chưa trả hết nợ (cười).
Ông TVV ở Nationaal Militair Museum (Soest, 2020)
NTTL: Trong trường hợp nào ông đã quyết định ra khỏi Việt Nam?
TVV: Lý do thì có nhiều lắm, thứ nhất: tôi là quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nên sau ngày 30-04-1975 tôi bị Việt Cộng làm khó khăn đủ mọi mặt. Tôi phải đi làm mưu sinh, nên ít khi có mặt ở nhà, nhưng mỗi khi về nhà thì nghe Mẹ nói: “mấy hôm trước có thằng Công An đến nhà hỏi con đang ở đâu” v.v… Có lần ông trưởng khóm là người rất thương tôi, vì ông ta là người miền nam và ở chung xóm với gia đình tôi, con trai ông ta lại là bạn tôi, đến nhà tình cờ gặp tôi và ông nói nhỏ vào tai “Cháu cẩn thận, Công An khu vực nó để ý cháu đó”. Như ông biết, từ sau năm 1975 tất cả các khu vực đều có Công An với 2 mục đích: thứ nhất là để theo dõi hành động của người dân, thứ hai là để khủng bố tinh thần người dân. Trong khi tôi thường xuyên đi vắng không ở nhà, thì Công An nó để ý lắm.
Nhờ ông ấy báo nên sau này tôi cẩn thận hơn, và đây là một trong nhiều lý do khiến tôi quyết định vượt biển.
NTTL: Chuyến đi có suôn sẻ không ông?
TVV: Chuyện kể thì hơi dài dòng. Năm 1977 chuyến vượt biển đầu tiên bị thất bại và tôi bị bắt giam tại Cần-Giờ, sau đó tôi và 7 người trong chuyến đi bị chuyển trại đến trại giam B5 Biên-Hòa. Trong thời gian bị giam tù ở đây, có 2 chuyện xẩy ra mà tôi còn nhớ, thứ nhất một người bạn trong số 7 người cùng vượt biển với tôi bị ghép oan tội giết chết 2 Công An chỉ để cướp 1 cái áo mưa. Chuyện thứ hai, chúng tôi bị nhốt trong một cái phòng thiếu ánh sáng nên rất cần ánh nắng mặt trời, và mỗi 2 tuần thì quản giáo nó mở cửa cho ra ngoài phơi nắng khoảng 15 phút, trong lúc phơi nắng có ông già 60 tuổi đi hái một bông cúc ăn, không may tên quản giáo khoảng 25 tuổi từ xa đi đến hỏi: “Thằng nào mới ăn cắp cái bông cúc?”. Không ai trả lời, thấy vậy nó nói tiếp “tao sẽ nhốt chúng mày 3 tháng không cho phơi nắng”. Nghe vậy, ông già nói: “tôi hái bông cúc ăn để chữa bệnh”. Thế là tên cai tù thốt ra những lời nhục mạ ông già đáng tuổi cha chú nó, nào là chúng tao cho chúng mày ăn uống đầy đủ có bỏ đói đâu mà chúng mày ăn cắp của nhân dân v.v… Từ hôm đó tôi luôn bị ám ảnh bởi một chính quyền đối xử với dân còn thua một con chó. Như thế thì con cháu mình sẽ ra sao? chính vì thế mà sau khi ra khỏi tù, tôi lại tiếp tục tìm đường vượt biển. Tuy nhiên, lúc này vì còn đang bị quản chế nên sự đi lại của tôi cũng bị chúng nó theo dõi kỹ hơn. Có lần nó đến nhà không thấy tôi, tên Công An khu vực nói tôi phải lên đồn trình diện. Thế là tôi lại bị thêm một lần hú vía. Rồi đến ngày tôi khăn gói đưa gia đình vào cuộc hành trình tìm tự do lần thứ hai, nhưng không may bể bãi, khi ghe chúng tôi vừa cặp bãi thì bị Công An bắn và chúng tôi, những người tổ chức, đã nhảy xuống biển lặn thoát được. Tuy 2 lần thất bại, nhưng vẫn không nản lòng với quyết tâm thà chết dưới biển chứ không chấp nhận sống với chế độ mất nhân tính như thế này được. Có lẽ duyên đến, tình cờ gặp người bạn đã lâu ngày không gặp nhau. Anh ghé thăm tôi và cũng đó là cơ duyên cho anh em chúng tôi hợp tác với nhau trong chuyến hải hành tìm tự do lần thứ 3 này. Sau một thời gian, chuẩn bị xong xuôi. Tối ngày 07-09-1979 chúng tôi bắt đầu khởi hành, nhưng vì đêm đó đám Phường Đội đi tuần cả đêm nên phải đợi đến 05.00 giờ sáng, lúc mặt trời vừa ló dạng mới dám nhổ neo, chạy khoảng 2 tiếng tôi thấy một tàu đánh cá, trên mui cao có để cây đại liên 50 ly được ngụy trang với cái áo súng, sở dĩ thấy rõ là vì trong suốt thời gian tại ngũ tôi đã gắn liền với cây đại liên này. Sau khi phát hiện ghe Việt Cộng, tôi liền hỏi anh bạn xem hai trái lựu đạn anh để đâu rồi, ảnh nói trên kệ này, và tôi cùng anh ấy bàn kế hoạch nếu bị ghe Việt Cộng bắn áp đảo tinh thần thì anh sẽ dừng ghe lại và tôi sẽ ôm 2 trái lựu nhẩy vô phòng lái của nó áp đảo ngược lại để tìm đường sống trong cái chết. May phước ông bà để lại, lần này thoát nạn, và chúng tôi đi được 2 ngày đêm đến hải phận quốc tế thì gặp rất nhiều tàu, nhưng họ chỉ chạy ngang qua chứ không vớt chúng tôi, đến khoảng 08:00 sáng thứ Ba, trên đường đi theo tọa độ ước tính thì chúng tôi phải mất thêm 1 ngày đường nữa mới đến Singapore, phước đức sao gặp được chiếc tàu ngược đường dừng lại và hỏi chúng tôi muốn đi đâu, và anh thông dịch viên đã trả lời: “chúng tôi là những người Việt Nam đi tìm Tự Do” và cuối cùng thì họ cho biết tầu của họ là tầu Hòa-Lan chở hàng từ Singapore trên đường đến Hongkong. Nếu muốn theo thì họ sẽ vớt, dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý. Sau này ông thuyền trưởng cho biết tối hôm ấy sẽ có cơn bão, thật đúng vì sau khi lên tàu thì chiều hôm đó cơn giông tố bắt đầu nổi lên. Lúc đứng trên boong tàu ngước mắt lên trời, tôi cảm tạ Thiên Chúa đã cứu giúp chúng con.
Kho Đen (Hongkong, 1979)
NTTL: Cảm xúc của ông ra sao, khi được tàu Hòa-Lan vớt?
TVV: Thú thật lúc đó trong lòng tôi nghĩ có ai đưa 100 kí vàng để đổi lấy tầu vớt tôi cũng không dám đổi. Trên tàu chúng tôi được đối xử rất tử tế, họ còn cho chúng tôi gởi điện tín ngay lúc còn ở trên tàu về cho gia đình biết tin là chúng tôi đã được tàu Hòa-Lan cứu sống để gia đình an tâm. Sau 3 ngày tàu chạy ròng rã và cặp vào cảng Hongkong. Cảnh sát Hongkong đã đưa chúng tôi đến trai tiếp cư tên “Kho-Đen” (từ chúng tôi tự đặt). Vì theo tôi quan sát, thì đây không phải là trại tiếp cư mà là những kho chứa hàng của cảng được tân trang lại làm nơi tiếp nhận người tỵ nạn, cho nên không được sạch sẽ, ngày đầu tiên vừa đến mắc tiểu tôi nhìn trong nhà tạm trú không thấy có một cái nhà vệ sinh nào, và tôi đi ra ngoài thì thấy cái nhà vệ sinh, nhưng than ôi vừa mở cửa định bước vào thì thấy cả cái nhà vệ sinh toàn là giòi bò nhúc nhích, vì ghê tởm quá tôi vội đóng cửa hết muốn đi tiểu luôn.
NTTL: Ông đã sống ở Hòa-Lan hơn 40 năm. Ông có thể kể một vài kinh nghiệm của mình và có hài lòng với cuộc sống ở Hòa-Lan không?
TVV: Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên khi qua Tỵ Nạn ở Hòa-Lan thì tất cả đều bỡ ngỡ, phải nói là từ A-Z. Mỗi người hay mỗi gia đình mới đến Hòa-Lan đều nhận một gia đình người Hòa-Lan đỡ đầu (gastgezin) để giúp đỡ cho mình về mọi mặt khi cần, nhất là học ngôn ngữ. Chúng tôi được đưa đến tạm trú ở khách sạn De Zeeleeuw tại Thị xã Noordwijk. Thời gian tạm trú ở khách sạn thì nhà nước Hòa-Lan phát tiền cho chúng tôi tự lo đi chợ mua đồ ăn uống, rất là thoải mái, trong suốt thời gian ở đó mỗi buổi sáng từ 09.00 - 12.00 giờ sáng đều có các thầy cô giáo đến dậy học tiếng Hòa-Lan cho chúng tôi, riêng các em còn trong tuổi học trò thì đều được đến trường học. Nói chung là nhà nước Hòa-Lan lo cho người Tỵ Nạn rất là chu đáo về mọi mặt. Tạm trú ở khách sạn được 8 tháng thì chúng tôi được nhận nhà và định cư tại thị xã Lisse. Đến hôm nay nghĩ lại, tôi phải nói dân tộc Hòa Lan là một dân tộc đầy tình người, có lẽ họ đã được giáo dục ngay từ khi còn trong gia đình, đến học đường và khi lớn lên bước vào xã hội thì họ đã được giáo dục căn bản từ trong gia đình nên họ có tâm tốt. Vì khi tôi nhận nhà ở Lisse chân ướt chân ráo, không biết gì nhưng hội Kerngroep đã đem đem đồ đạc đến cho và còn có người trực tiếp giúp đỡ khi chúng tôi cần. Nhờ vậy mà chúng tôi là quen môi trường mới rất mau lẹ.
Và có một chuyện tôi hơi ngạc nhiên, vào một buổi tối đang ngồi trong nhà ông bà đỡ đầu nói chuyện và con gái ông đang coi phim trên TV, và ông ta hỏi xin con gái cho ông ta coi tin tức và đợi con dạ rồi ông ta mới dám mở qua đài khác coi tin tức, nếu người Việt Nam thì bố đâu cần phải hỏi con như vậy. Đó là tinh thần tôn trọng nhau rất hay dù người đó là con cháu mình.
Kerngroep ở vùng Bollenstreek (1981)
NTTL: Việc dậy dỗ con trong môi trường hai văn hóa, Ông đã rút được những kinh nghiệm gì?
TVV: Tôi còn nhớ những năm đầu khi qua đây tôi chưa có con, nhưng có những người đàn anh có con lớn họ đều than phiền con cái sống ở tây phương này rất khó dậy, mình nói gì nếu không đồng ý thì nó cự lại, hoặc mình không muốn con làm cái này thì con nó lại làm v.v… chính vì thế mà khoảng cách con cái với cha mẹ càng ngày càng lớn. Đây là vấn đề vô cùng nan giải nếu không khéo léo thì con sẽ bỏ mình đi, thì mình sẽ không còn cơ hội để dậy dỗ con đến ngày trưởng thành nữa. Cho nên, là cha mẹ cũng phải biết là mình đang sống ở xứ tây phương thì không thể dậy con 100% theo phương pháp Việt Nam mà phải linh động ứng biến tùy theo môi trường thích hợp, đây chỉ là kinh nghiệm của tôi.
Ông TVV và vợ con (khoảng năm 1990)
NTTL: Ông có sinh hoạt trong cộng đồng Tỵ Nạn ở Hòa-Lan, ông nhận xét sinh hoạt này thế nào?
TVV: Vâng, tôi có sinh hoạt trong Cộng đồng Tỵ Nạn Cộng Sản Việt Nam tại Hòa-Lan đã nhiều năm. Theo tôi, là người tỵ nạn cộng sản thì chúng ta cũng nên tham gia vào sinh hoạt Cộng đồng dưới nhiều hình thức, vì tham gia Cộng đồng là mình đã trực tiếp bảo vệ giá trị tỵ nạn của mình và còn bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, sinh hoạt nào cũng có những đặc thù riêng của nó, và nếu vượt qua được những khác biệt thì mình sẽ thành công, chính vì thế mà đã nhiều năm tôi vẫn sinh hoạt cộng đồng.
NTTL: Thế hệ thuyền nhân đầu tiên đến Hòa-Lan hiện nay trẻ thì cũng trên dưới 60 tuổi, nhiều người cũng đã ra người thiên cổ. Ông thấy Cộng đồng nên làm gì không?
TVV: Theo tôi, những quý vị làm việc trong cộng đồng luôn quan niệm là muốn duy trì và phát huy truyền thống văn hóa thì phải duy trì được cộng đồng, vì cộng đồng là nơi quy tụ, là nơi có tiếng nói mạnh mẽ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi bị xúc phạm. Tôi xin đơn cử một chuyện xẩy ra cách nay khoảng 30 năm, tại một làng ở miền đông Hòa Lan, gần biên giới Đức, trước khi vào trong khu phố người ta thấy có tấm biểu ngữ ghi như sau: “Coi Chừng Người Việt Nam Ăn Cắp”. Khi hay tin, Ban Chấp Hành Cộng Đồng cấp tốc cử người đại diện đến nói chuyện với thị xã đó để trình bày, đây là sự sỉ nhục đối với cộng đồng chúng tôi, sau khi nghe ông chủ tịch cộng đồng trình bày có tình có lý thì lập tức ông Thị Trưởng yêu cầu chủ chợ tháo tấm biểu ngữ đó xuống. Tuy nhiên, muốn duy trì cộng đồng lâu dài thì chúng ta rất cần có những nhân sự trẻ, và muốn đạt được thì mỗi người lớn chúng ta cần góp chút công sức truyền đạt cho các bạn trẻ hiểu biết nhiều về quyền lợi của cộng đồng, để các bạn trẻ quan tâm với cộng đồng tỵ nạn hơn. Như những năm đầu khi mới đến Lisse thì số người ở đây rất ít chỉ có 5 gia đình nên chúng tôi đã phối hợp cùng người Việt ở các thị xã chung quanh như: Lisse, Hillegom, Bennebroek, Sassenheim, tổng số người lúc đó khoảng 100 người thành lập được Ban Đại Diện sinh hoạt không ngừng nghỉ cho đến nay đã trên 40 năm. Điểm đặc biệt là Ban Đại Diện ngày nay hoàn toàn 100% là giới trẻ đứng ra gánh vác, đó cũng là nhờ vào những nỗ lực đầu tư của các quý vị tiền nhiệm.
NTTL: Ông có thể mô tả tình cảm của ông với Việt Nam sau 40 không?
TVV: Quê hương là chùm khế ngọt thì làm sao tôi không yêu quê hương được, và yêu quê hương bao nhiêu thì lại thương các trẻ em bấy nhiêu, khi thấy tương lai của các em chỉ là một bầu trời ảm đạm đầy bóng tối. Xin kể một chuyện đau lòng mà chính tôi đã gặp sau những lần về thăm lại quê hương, có lần tôi đi dạo với anh tôi trên những con đường quen thuộc là nơi tôi sinh ra và lớn lên, vì buổi trưa khát nước chúng tôi ghé vào quán nước vừa kêu ly nước dừa chưa kịp uống thì thấy một em bé bị câm điếc khoảng 11 tuổi đến bán vé số, thấy em bé tội nghiệp quá, tôi móc tiền mua cho 10 vé số, trả tiền nhưng cho lại em bé không lấy vé số, khi ấy cô bé vẫn chưa đi, làm hiệu cho chúng tôi biết là em khát nước, thấy vậy tôi liền cầm ly nước dừa của mình chưa uống đưa cho em uống một hơi sau đó em để ly lại bàn và nói cám ơn rồi bỏ đi. Tôi sững sờ vì nghe em nói “cám ơn”, lúc đó mới biết là mình bị em lừa không tức giận em mà tôi lại thầm cám ơn em đã giúp cho tôi nhìn thấy phần nào mặt trái của xã hội Việt Nam hiện nay. Chuyện thứ hai là vào buổi tối khoảng 20:30 giờ tôi đi với mấy người bạn vô quán bún thịt nướng bình dân, trong lúc đang chờ đợi thì có một chị bế đứa con khoảng 1 tuổi tay kia cầm mấy cái quạt giấy mời tôi mua, thấy đứa bé tội quá nên tôi nói với chị ta nếu tôi mua hết số quạt này thì chị có thể về nhà cho cháu ngủ ngon hả? Chị ta gật đầu, tôi móc 5 euro đưa cho chị và nói coi như tôi mua số quạt này của chị vậy bây giờ chị đưa cháu về nhà ngủ đi nhá, khuya lắm rồi và chị đã tặng lại tôi một cái quạt. Đây chỉ là hai trong nhiều chuyện thương tâm mà tôi đã chứng kiến tận mắt. Vì thế, mà tôi tự hỏi trước 1975, mặc dù chiến tranh nhưng miền nam đâu có nghèo khổ thương tâm như vậy, còn bây giờ đã ngưng chiến tranh gần 50 năm rồi sao đời sống người dân lại xuống cấp và đạo đức bị băng hoại như vậy, còn các quan to thì xài tiền ném qua cửa sổ, đó chính là điều bất công phi lý dưới chế độ cộng sản ngày hôm nay. Nhìn qua những góc cạnh trên tôi xin trả lời thẳng tôi sẽ luôn đứng cùng người dân tranh đấu đòi lại công bằng xã hội không phải cho tôi mà cho các thế hệ mai sau trong đó có con cháu tôi nữa. Đây chính là tình cảm của tôi dành cho Quê Hương Tôi.
.
Ngô Thụy Trúc Lâm
Direct link: https://caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvantranvanvinh.html