Nguyễn Lê Hồng Hưng


Chép Lại Thư Nhà

 

Đầu tháng một Tây. Trên bến Bremer thuộc về miền bắc nước Đức, tuyết ngập lên tới mắt cá chưn và trời đất thì lạnh giống như trong phòng đông đá. Tôi vào hội quán thủy thủ, mua một ly rượu vang, một gói da heo chiên giòn và đi thẳng vô phòng internet, nối mạng soát thư. Mở ba cái e mail, thấy ba thiệp chúc Tết, cái nào cũng na ná như nhau trong những mẫu thiệp post sẵn trên mạng. Bạn bè chúc tôi được mùa xuân an khang thịnh vượng hoặc làm ăn phát đạt, phát tài... Nhìn lại thằng tôi suốt cả đời chỉ đạt được có mỗi cái…đi! Còn ra chỉ là con số không tổ bố và tài cán cũng chẳng ra trò trống gì ráo trọi. Cố gắng lục lạo trong tim và moi trong óc coi còn có cảm xúc Tết nhứt nào không. Chán thiệt, tất cả ngủ yên, tuyệt nhiên không có một nỗi xốn xang nào hết. Tôi mỉm cười, Tết lạnh lùng đến như vậy thì còn gì để nói. Tôi không gởi phản hồi vì trộm nghĩ, bạn bè có lẽ cũng như tôi, đọc thiệp xuân trên e mail vô vị giống như nhìn phần ăn đã nguội ngắt. Còn một cái e mail cuối cùng, chắc cũng là thiệp chúc Tết, tôi hờ hững nhấp chuột, màn ảnh hiện lên một bức thư của thằng cháu kêu bằng chú ở Việt Nam. Nó trả lời cái e mail tôi gởi về cách đây mấy tuần. Tôi đọc một hơi hết sạch hơn hai trang e mail của nó.

Chuyện là vầy, khoảng đầu tháng mười một, tôi đọc báo thấy có một em gái ở Hà Nội bị chủ đánh đập hành hạ ngót hơn mười năm mới được báo chí đưa tin và đầu tháng mười hai thêm chuyện người đàn bà ‘của' thành phố Hồ Chí Minh bắt em gái chín tuổi đi ăn mày, mỗi ngày phải xin đủ hai ngàn đồng, nếu không thì bị bà ta đánh đập và đổ nước sôi lên người... Thiệt là hết nói nổi! Tôi e mail gởi về than phiền với thằng cháu, c hưa đầy một năm mà báo chí phanh phui bao nhiêu chuyện động trời. Một em trai mười ba tuổi vì danh dự phải tự tử với giá hơn bốn chục ngàn đồng và một cô bé bị thầy giáo đưa cho công an tra khảo phát điên cũng với số tiền tương tợ. Chuyện thầy, cô giáo đem học trò mình giao quân đội. Mấy người lính nầy bắt các em lột hết quần áo, bịt mắt, còng tay, sau đó với những cái đấm, cú đá chí mạng vào khắp thân mình...

Hôm nay nó e mail lại cho tôi biết nhiều chuyện xảy ra trong nước bằng lời lẽ lộn xộn với giọng điệu đầy bức xúc. Đọc xong tôi ngồi chết lịm một hồi... cuối cùng tôi quyết định sắp xếp lại bức thư cho có thứ tự và bỏ bớt những chỗ thô tục, rườm rà và sẽ gởi tới bạn đọc gần xa thay lời chúc Tết.

*

Bao nhiêu đó mà nhằm nhò gì chú, hàng ngày trên đất nước Việt Nam mình xảy ra biết bao nhiêu chuyện tàn ác, bất nhân chớ đâu phải chỉ có chuyện ông bà chủ hành hạ người ở, kẻ bất nhân lường gạt trẻ con...

Này nhé, những chuyện cấp trên hành hạ cấp dưới, bắt phải mua quà biếu xén không thì bị đì mút chỉ cà tha. Thầy giáo bắt học sinh, sinh viên phải học thêm môn của thầy, sinh nhựt cô phải mua quà đúng giá do cô chọn. Rồi chuyện nhà chức trách đề ra, doanh nghiệp nào không đút lót, bôi trơn thì đừng hòng trúng thầu xây dựng của nhà nước. Không trúng thầu thì doanh nghiệp phá sản, công nhân không có việc làm. Những cán bộ đảng viên cao cấp ăn nằm với Ô-sin có chửa. Vợ ông ta biết được đánh đập chị Ô-sin đáng thương kia và đuổi ra đường như người ta đuổi một con chó ghẻ. Con cái của họ đua xe đụng chết người, công an bắt vô rồi thả ra như người ta bắt cóc bỏ dĩa… Những chuyện nầy đố báo chí nào dám đụng tới...

Ôi! Lương tâm của người Việt Nam bị thách đố và đạo đức đã đến hồi phá sản trước những kẻ quan quyền chỉ biết ăn hối lộ và bảo kê cho những tên đầu nậu, tú bà, tú ông để dụ dỗ hàng trăm cô gái vô khách sạn giữa thành phố Hồ Chí Minh sắp hàng cởi hết quần áo cho một vài tên ngoại quốc bịnh hoạn, kịch cỡm, lố bịch lựa mua như người ta lựa gà lựa vịt... Chuyện con người chà đạp lẫn nhau trên quê hương mình xảy ra từng giờ, từng phút chớ đâu như chú đọc báo thấy cả tháng mới lòi ra một chuyện thì đã kêu trời.

Suốt mấy chục năm qua nghe báo, đài lặp đi lặp lại câu ‘xã hội công bằng văn minh' riết rồi nhàm tai dân chúng. Thật ra thì chẳng có công bằng văn minh con khỉ khô gì ráo. Dân quê vẫn còn nghèo rớt mồng tơi. Học sinh và những người nghèo đô thị xất bất xang bang vì vật giá leo thang, tăng vọt. Trong khi đó thì những đại gia thừa tiền lắm của qua tận bên Tây, bên Mỹ mua chó và mua vé máy bay đưa cả bầy chó về Việt Nam. Họ tổ chức hợp báo và khoe với báo chí mỗi tháng tiền cho chó ăn lên đến hàng chục triệu đồng. Mấy con chó được ngồi trên những chiếc xe hơi bóng lộn, mang vòng hoa, đội vương miện đi vào cuộc thi, gia đình đại gia ăn bận chỉnh tề đi theo đuôi chó giống y đám tùy tùng theo ủng hộ tinh thần mấy cô thi hoa hậu hoàn vũ. Những phóng viên được đại gia mướn viết nhiều kỳ về những con chó quý giá của họ và được cho đăng trên trang nhứt của những tờ báo có tầm cỡ quốc gia. Đài phát thanh, truyền hình trong nước và đài truyền hình phát sóng ra nước ngoài, tường thuật rất cặn kẽ về những cuộc thi chó hoành tráng độc nhứt vô nhị của nước Việt Nam.

Trong lúc dân chúng chết vì sập cầu, mất nhà vì thiên tai lũ lụt, bỏ xứ đi khắp nơi tìm kế sinh nhai thì Đài truyền hình VTV3 chỉ đưa vài mẩu tin qua loa ngắn gọn, sau đó đánh lạc hướng đồng bào bằng cách thổi phồng chuyện bậy bạ Vàng Anh lên tầm cỡ quốc gia cho bà con ta đừng quan tâm tới chuyện chết người và chuyện nhà tan cửa nát. Báo, đài Việt Nam phản ảnh xã hội giống như tạt nước thúi vào mặt đồng bào, cho nên dân chúng không đọc báo. Báo bán không chạy bèn nghĩ ra kế sách thoả thuận với nhà cầm quyền xin cho phóng viên lượm lặt tin tức như người ta đi lượm rác ngoài đường rồi đưa lên mặt báo để cho những kẻ còn chút lương tâm mua đọc và mỗi sáng ra quán cà phê ngồi phẫn nộ bàn tán ồn ào chơi...

Cũng mấy ông nhà báo, muốn xoa dịu dân chúng lại loan tin đã bồi thường tiền bạc cho em gái bị mất trí. Công an ăn hiếp dân bị phạt từ khu vực nầy cho đi làm việc ở khu vực khác. Mấy tên đầu nậu bất nhân dụ dỗ gái quê đã bị bắt và đã đưa ra tòa án xét xử mấy trăm vụ, nhưng không thấy báo loan cũng hổng nghe đài nói mấy tên đầu nậu, tú ông, tú bà nào bị ở mấy năm tù. Còn những tên lính hành hạ trẻ em học sinh thì cho ra khỏi đơn vị coi như huề cả làng. Tự biên tự diễn xong báo, đài Việt Nam tiếp tục ca ngợi xã hội công bằng và văn minh... Những câu chuyện động trời trên kia dần dần cho đi vào quên lãng. Cuối cùng chỉ có đám dân ngu khu đen lãnh đủ mọi tội lỗi và chịu thiệt thòi. Còn giữa nhà nước và nhà báo thì ‘hai bên cùng có lợi.'

*

Sắp xếp thư của thằng cháu coi như tạm được, tôi ngồi thừ ra và chợt nghe trong lòng xốn xang khó tả. Không phải xốn xang vì nhớ Tết nhớ quê mà vì cả một dân tộc đương bị một hệ thống quyền hành chà đạp, sỉ nhục đến mất hết niềm tin. Tôi nhìn ra ngoài trời, tuyết vẫn nhẹ nhàng rơi. Cái lò sưởi phả hơi ấm áp khắp căn phòng, nhưng sao tôi nghe tim mình giá buốt. Tôi nhép miệng vừa ngâm nho nhỏ vừa gõ một bài thơ:

Xuân về sao tuyết trắng bay
Không, đó là cái chi chi nho nhỏ
Dán trên khung cửa
Trải thảm vườn hoa
Nhuộm trắng hiên nhà
Bay xa cửa kiếng
Xuân về sao có tiếng hát ca
Không, tiếng nức nở của người xa xứ
Đời vô nghĩa lý
Trời không xanh mây không đẹp
Tâm cảnh đời hạn hẹp thế ư...

Xong bài thơ, chợt một nỗi buồn dâng lên cùng khắp. Ngày cuối năm! Nghe xa lạ như chưa từng có trên đời. Tôi bưng ly rượu lên hớp một cái nhưng không thấy giọt rượu nào dính môi, nhìn xuống ly, rượu đã cạn từ hồi nào. Tôi đứng lên, bước ra quày ba mua thêm một ly rượu, trở lại bàn vi tính ngồi nhâm nhi và đọc rà lại e mail trước khi bấm gởi, hầu mong chia xẻ với bạn đọc gần, xa...

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 


Cái Đình - 2007 .