Nguyễn Lê Hồ̀ng Hưng


Chuyện tháng mười hai

Tôi ngồi trong một căn phòng có hơi sưởi ấm, gõ bàn phím laptop ghi đơn đặt hàng gởi đi cho kịp nhận hàng vào tuần tới. Tháng mười hai tây được đặt thêm phần cho tiệc tùng những ngày cuối năm. So với mấy năm trước thời kinh tế khủng hoảng, tiêu chuẩn ăn uống tháng mười hai có thêm gà tây, thỏ, tôm, rượu nho và vài ba món nhậu, ngoài ra công ty chuyển hàng gởi tặng ba tê, cá hồi un khói, bánh, kẹo, sô cô la đủ loại và một thùng rượu nho trắng, một thùng rượu nho đỏ... gồm chung đồ ăn, thức uống ê chề ăn tới ra Giêng vẫn chưa hết. Mấy năm sau này kinh tế èo uột, chủ tàu cắt giảm phần ăn gần phân nửa và cuối năm công ty chuyển hàng gởi tặng chỉ có mấy tờ lịch quảng cáo hình ảnh của công ty, ngoài ra không có thứ gì ăn được và cũng chẳng có giọt rượu nào. Gõ xong đơn đặt hàng, tôi đọc lại thấy quá tiêu chuẩn qui định, có lẽ tôi phải bớt vài món nhưng còn phân vân chưa biết phải bỏ những món nào.

Tôi đứng dậy vươn vai và vói tay vẹt tấm màng khung cửa nhỏ, ngoài trời tuyết rơi nhẹ, chưa vào mùa đông mà đã trải qua hai cơn bão tuyết những bông tuyết li ti bám vào cửa kiếng, đọng bên thềm cửa và trải một lớp dầy trên boong sau làm tôi nhớ tới những ruộng muối trắng của miền Trung Việt Nam nước tôi. Nước nhiễu đóng băng tạo những hình thù ngồ ngộ, cái giống trái cà dái dê, cái như bầu rượu treo lòng thòng phía dưới những song sắt rào cản và phần khác giống sáp đèn cầy đun nóng chảy xuống đọng sau thành tàu trong suốt như pha lê. Nhìn cảnh vật và không gian ủ dột cũng đoán biết bên ngoài trời lạnh ghê gớm lắm, lòng tôi chùng theo cái lạnh tê tái của nước trời.

Tháng cuối năm ở Âu Châu là mùa ăn uống, biết tôi đặt hàng, mấy người đề nghị đặt thêm món này món nọ. Tên thợ máy mập như bò, hám ăn như heo, hắn kêu tôi đặt tôm thẻ hạng nhứt và loại thịt bò mềm làm món bít tết, hắn biết rất rõ chuyện hắn muốn không bao giờ xảy ra trong thời buổi kinh tế khó khăn này, tuy nhiên hắn ta vẫn đề nghị để khi nhận thực phẩm không có những thứ hắn yêu cầu thì dựa vào đó hắn ta nói xỏ xiên: “Ông sợ chủ tàu phá sản à!” Hoặc: “Bộ ông trả tiền hay sao mà hà tiện vậy”. Từ lâu tôi tập nhẫn nhịn nhờ gặp phải nhiều gương mặt khó ưa, nghe nhiều câu nói khó chịu lâu ngày tôi bớt đi tánh nóng. Hổng hiểu sao hôm nay tự dưng nó lởn vởn trong đầu mấy câu trêu chọc của tên thợ máy làm tôi suy nghĩ vẩn vơ.

Tôi nhớ tới những em nhỏ bươi rác kiếm ăn ở mấy nước nghèo, những người tàn tật và các em bán vé số ở quê hương tôi bận áo quần rách tả tơi, miệng gượng nở nụ cười mời người mua lấy vận may. Trong khi ở nơi đầy đủ mọi thứ, con người ta đòi hỏi nọ kia. Nghĩ tới lòng dạ tham lam của con người, tôi bực mình day trở lại bàn, khởi động lại laptop, gõ như trút giận lên bàn phím xóa hết những món đặt thêm cho tiệc tùng và những món tên thợ máy đề nghị, chừa lại gà tây, thỏ truyền thống và một thùng rượu nho trắng, một thùng rượu nho đỏ đúng theo qui định. Sửa xong đơn đặt hàng tôi thấy nhẹ người và quyết định từ đây về sau tên thợ máy hay bất cứ tên nào ọ ẹ nọ kia chuyện ăn uống tôi sẽ dạy cho hắn ta một bài học. Đúng vậy, sanh ra là con người một lẽ, có địa vị tốt, chức quyền cao cũng là một lẽ, nhưng sống cho ra con người thì cần phải học.

Hôm hai mươi lăm tháng mười hai tàu nằm trên biển Nam và phải vật lộn với sóng, gió cấp bảy, cấp tám. Hai ngày sau mới ghé vào Thuỵ Điển lên hàng, xuống hàng bận rộn tới ngày hai mươi tám tháng Chạp tàu ghé cảng Oslo, thủ đô Na Uy. Chiều hôm ấy thuyền trưởng kêu mọi người tụ lại phòng ăn, bia và nước ngọt để sẵn ra bàn, ai muốn gì thì tự lấy khui uống. Sau khi mọi người yên vị đâu đó thuyền trưởng cho biết tàu đậu lại đây được hai ngày, ông nói:

–  Chúng ta ăn Giáng Sinh vào ngày mai.

Mọi người chịu quá hô rân và đưa chai lên cụng. Thấy mọi người vui quá, tôi cũng chen vào dí dỏm hỏi viên thuyền trưởng:

– Ngày Giáng Sinh qua rồi còn gọi là tiệc Giáng Sinh được sao?

– Hỏi rất hay.  

Mọi người im lặng còn thuyền trưởng thì nheo nheo đôi mắt và bành cái mặt thịt ra suy nghĩ, trên tàu chỉ có thuyền trưởng, thợ máy và con nhỏ Mieke phụ máy mập như bò, ba người gộp lại đem cân chắc được non nửa tấn. Cuối cùng thuyền trưởng cũng nghĩ ra, ông nhe răng cười hì và nói:

– Gọi là tiệc Merry Christmas and Happy New Year.

Mọi người cao hứng đưa bia cụng và hô lên:

– Ô...ô... Merry Christmas and Happy New Year !!!

Sau đó thuyền trưởng phân công, thủy thủ lau chùi trong tàu và dọn dẹp phòng ăn, thợ máy gắn lại bóng đèn. Ông day qua tôi:

– Bếp, ông biết làm sao rồi phải không?

– Yes sir.  

Thuyền trưởng phân công xong, tôi  về phòng ngủ sớm. Mấy người ngồi lai rai tán dóc tới khuya. Vậy mà sáng hôm sau tất cả vẫn thức đúng giờ, mặt mày người nào cũng tươi rói. Ăn sáng uống cà phê xong liền bắt tay vào việc.

Mấy hôm trước cây thông đã bị sóng vật ngã mấy lần, lá thông rụng gần hết chỉ còn một vài nhúm màu xanh bám vào nhánh khẳng khiu xám xịt, đồ chơi và dây kim tuyến treo lủng lẳng làm quằn mấy chiếc cành, vài nhành bị gãy cụp xuống, đèn điện bóng cháy, bóng tắc trông căn phòng ảm đạn thê lương. Khi cơn giông gió qua, lòng người phấn khởi, thủy thủ đứa dựng cây thông, đứa căng hoa giấy. Mieke trải khăn bàn, xếp ly, dọn dĩa, nĩa, dao và xếp giấy lau miệng, thợ máy lui cui gắn dây đèn, nhìn hai đống thịt của Mieke và tên thợ máy án chật phòng ăn thì thấy mấy người In Đô teo lại nhỏ xíu.

Tôi thức từ sáng sớm và làm mấy món cần thiết để sẵn. Trước thời kinh tế khó khăn, đầu bếp chỉ cần nấu những món chánh thôi, những món nhậu chỉ tháo bọc đem ra cắt miếng, sắp vào dĩa, trưng bày cho đẹp rồi dọn ra bàn. Mấy năm sau này đầu bếp phải tự chế biến thêm những món nhậu nên phải sắp sếp thực đơn. Fredy phụ tôi làm bếp, tôi chỉ nó cách xẻ đôi trứng gà, móc lòng đỏ để vô tô và để riêng phân nửa lòng trắng vô một tô khác, sau đó dầm nhuyễn tròng đỏ đem trộn ngò, chanh, tiêu, muối, đường, tỏi, mayonais... làm món trứng nhồi trứng. Tôi lấy chiếc mâm vuông dài một thước, ngang năm tấc, lót giấy nhôm lên, đưa cho Fredy và chỉ qua những món đồ tôi bày sẵn trong góc bếp, dặn:

– Mày lấy muỗng múc tròng đỏ trứng gà trộn trét vô lòng tròng trắng và trét patê lên bánh dòn, dưa chuột chua cuốn thịt nguội, phó mát ghim chung với khóm xong rồi sắp mọi thứ vào mâm.

Giao việc cho nó xong, tôi day qua đút con gà tây vô lò nướng, sau đó lấy mấy trái cà tô mát cắt làm bông hồng, củ cà rốt tỉa hoa và xé lá xà lách để lát nữa trang trí mấy mâm đồ ăn. Có tiếng thợ máy kêu bên phòng ăn:

– Bếp! Qua đây coi.

Không hiểu sao nghe tiếng tên thợ máy là tôi bực mình, nhưng tôi cũng bước qua coi thử chuyện gì. Trong ánh sáng mờ mờ, căn phòng rực rỡ nhiều màu sắc chớp chớp, nhá nhá, lóng la lóng lánh ánh kim tuyến vô cùng lộng lẫy. Mặt mày người nào cũng tươi rói, sự náo nức làm cho không khí trong phòng vui nhộn. Ngày thường tôi nhìn mặt thợ máy giống như mặt heo, hôm nay trông hắn giống mặt người, mà là người đẹp nữa, lòng tôi dịu lại reo vui. Tôi đưa ngón tay cái ra gặt gặt:

– Ồ, đẹp quá.

Thợ máy hỏi:

– Được rồi phải không?

Tôi gật đầu:

– Quá được.   

Mấy người trang hoàng phòng ăn xong, ai trở về phòng nấy. Trong tàu trở nên yên ắng và nghe rõ tiếng nhạc Giáng Sinh nho nhỏ phát ra từ hai chiếc loa bên phòng ăn. Tôi quay lại phòng bếp tiếp tục công viêc. Fredy thấy tôi bước vô nó khoe:

– Xong rồi còn gì nữa hông chú?

Tôi nhìn qua thấy nó sắp đồ trên mâm lộn xộn hết. Cười một cái, tôi đi lại bên nó, lấy từng món sắp lại món nào ra món nấy. Sắp xong tôi hỏi:

– Mày thấy sao?

– Ờ, trông đẹp hơn.

Tôi lấy lá sà lách và cái bông hồng đưa cho nó:

– Mày cắt cái rìa lá xà lách này viền chung quanh bìa mâm và để cái bông hồng bên góc là được rồi.   

Thuyền trưởng đánh số trên mỗi gói quà và ghi số thăm trên miếng giấy trắng A4 cắt làm tư xếp lại bỏ vô lon, để lon thăm lên thùng quà, khệ nệ ôm xuống phòng ăn. Ngang qua phòng bếp thấy tôi với Fredy lục đục bên trong, ông bèn dừng lại, hai tay vịn chặt thùng quà, ưỡn cái bụng to ra kê cho thùng quà chìa vô phòng bếp, cười nói:

– Tui xong rồi nè, Bếp xong chưa?  

Tôi ngước lên, thấy mặt thuyền trưởng vui như mặt ông địa, cười một cái, tôi nói:

– Sắp xong rồi, ông chuẩn bị khui rượu là vừa.

Thuyền trưởng vô phòng ăn hổng thấy ai, bèn nhấc điện thoại gọi từng người. Vài phút sau mọi người tụ tập hết vào phòng ăn cũng là lúc Fredy bưng mâm đồ nhắm để ra bàn. Trong lúc tôi lui cui trở và ghim thử con gà tây thì nghe tiếng thuyền trưởng gọi:

– Bếp! Ra đây mau.

– Ô kê, tôi ra liền. 

Thử con gà thấy còn máu, bèn đóng cửa lò lại, đứng lên đi qua bồn rửa rửa tay và lau tay khô tôi mới bước qua phòng ăn. Vừa thấy tôi, thuyền trưởng liền cầm chai Champagne lên bật nút nổ cái bụp, rượu tràn có vòi, mọi người hô to và chìa ly ra hứng. Rót rượu cho mọi người xong, thuyền trưởng nói câu chúc mừng và nâng ly mời tất cả  cùng cạn. Hết đợt champagne tôi và Fredy khui thêm rượu nho trắng và đỏ để ra bàn. Trong khi đó thuyền trưởng đưa lon thăm cho Mieke, nói:

– Đàn bà trước.  

Mieke lấy một miếng thăm, kế tiếp ông đưa lon thăm cho tôi, tôi bốc một cái, sau đó lon thăm được chuyền tay cho mọi người và người cuối cùng là viên thuyền thưởng. Xong phần bốc thăm, tới lượt nhận quà, cũng bắt đầu từ Mieke, thăm số nào thì quà số nấy. Ai nhận quà thì mở liền ra cho mọi người xem, mỗi khi mở quà tiếng hô đồng loạt rân vang... Nhận quà xong mọi người tiếp tục ăn uống. Cụng ly vài ba đợt mâm đồ nhắm đã giựt hơn một nửa. Không khí vui nhộn, tiếng nói tiếng cười át cả tiếng nhạc phát ra từ hai cái loa bên góc phòng. Bình thường tôi không uống bia rượu, hôm ấy vui quá tôi cũng cụng ly với mọi người. Khi thức ăn trong mâm gần hết, tôi đứng lên đi vào bếp mở lò thăm con gà tây, gà cũng vừa chín tới, vặn tắt lửa và đóng cửa lò nướng lại. Tôi ra phòng ăn lấy chiếc mâm, trong mâm còn vài món đồ ăn, tôi đưa cho mỗi người một cái, mâm đồ ăn đã hết và tôi day ngang kêu Fredy theo tôi. Fredy theo tôi vô bếp, tôi đưa chiếc mâm cho nó và dặn:

– Mày thay giấy nhôm và trang trí lá sà lách, tô mát, dưa leo lên xung quanh mâm để lát đựng gà tây.  

Fredy cầm chiếc mâm bắt đầu công việc, tôi day qua bật lửa lò hâm nóng lại món khoai tây xào thịt ba chỉ un khói và mở lò lấy gà tây ra chặt, sắp lên mâm. Gà tây đút lò, khoai tây xào ăn chung với xà lách trộn chua cũng không tệ lắm. Sắp xong mọi thứ đâu vô đó trông cũng bắt mắt, tôi với Fredy bưng hết ra để lên bàn và ngồi vào cùng ăn. Tiệc tùng từ lúc hơn mười một giờ sáng tới hơn hai giờ trưa, thức ăn trên bàn đã hết sạch, vậy mà mọi người vẫn tiếp tục cụng ly. Tôi với Fredy đứng lên dọn dẹp dao, nĩa, dĩa dơ bỏ vô máy rửa. Fredy hỏi:

– Còn gì nữa không chú.

– Cái gì nữa?

– Đồ nhậu.

– À, cái đó hả, có phó mát, salami, bánh phòng tôm, khoai tây dòn... thiếu gì trong kho.

– Mấy năm trước con thấy chú làm thức ăn nhiều lắm.

– Chậc, kinh tế khó khăn.... Ờ mà... tao thấy kinh tế khủng hoảng vậy mà hay. – Hay sao chú?

– Thì cho con người ta bớt tiêu xài, mới thấy giá trị cuộc sống.

– À há...

– Dù sao giảm bớt phần ăn còn hơn là nấu nướng cả đống ăn hổng hết rồi đem đổ.

– Con cũng thấy vậy đó chú.

Tôi bước qua ra phòng ăn hỏi mọi người muốn ăn gì thêm không. Mọi người ưỡn cái bụng ra xoa xoa nói.

– No rồi.

Thợ máy cầm con chuột vi tính đưa qua cho tôi:

–  Cho ông đó.

Tôi lưỡng lự:

– Quà Giáng Sinh của mày mà.

– Nhưng tui có rồi, ông chưa có.

Thấy hắn ta nhiệt tình tôi hổng nỡ từ chối, chỉ còn cách đưa tay lấy con chuột, nói:

– Cám ơn nhiều.

Phần quà thuyền trưởng là cái khăn choàng cổ, ông cũng cho tôi luôn. Nhận thêm hai phần quà, tôi day qua hỏi mọi người lần nữa:

– Ăn thêm gì không?

Mọi người nói không. Thợ máy xoa xoa cái bụng nước lèo của hắn:

– Đi chung với ông tui mập thêm dìa nhà bà xã rầy.

Thuyền trưởng nói:

– Ông đi nghỉ được rồi phần dọn dẹp để đó.

Day qua mấy người ngồi cùng bàn ông nói:

– Lát nữa xong mấy ông thanh toán phần còn lại.

Tiếng hô vui vẻ của mọi người:

– Ô kê...

Tôi trở qua phòng bếp, thấy Fredy đứng xớ rớ. Tôi nói với nó:

– Mày ra ngồi chơi với mọi người, xong chuyện mấy người phụ mày dọn dẹp, tao đi nghỉ đây.

Nó dợm bước ra ngoài. Tôi kêu lại và đưa hai món quà vừa nhận của thợ máy và thuyền trưởng lên, nói:

– Tao để hai cái này trong góc bàn, cho mày đó.

– Nhưng.

Tôi khoát tay nói như ra lịnh:

– Ra ngoài chơi đi, không nhưng gì hết, hai cái này là của mày.

– Cám ơn chú.

Vô phòng tắm rửa thay quần áo xong, thấy trong người khoẻ khoắn. Tôi lên giường nằm định đánh một giấc, chợt nhiên trong lòng áy náy bồn chồn không ngủ được. Cách đây mấy ngày, tôi còn nghĩ rằng những con người thật sự, từ ngàn xưa cho tới ngày nay, họ xem nhẹ chuyện ăn uống, không bao giờ vì miếng ăn mà nói ra những lời thô tục. Cũng vì lẻ đó mà hôm xuống hàng thấy thợ máy tới dòm dòm, tôi chờ cho hắn cất tiếng soi mói bậy bạ tôi sẽ cho hắn một bài học. Nhưng suốt buổi hổng thấy hắn ta nói gì, tôi bèn gợi chuyện:

– Hổng có tôm thẻ và bò bít tết cho mày đâu.

Hắn cười:

– Tui biết, tui đặt phụ tùng và đồ đạc dưới hầm máy, công ty đưa xuống có đủ đâu, thời buổi kinh tế khó khăn phải chịu thôi.

Từ đó về sau tôi nhờ gì hắn làm nấy, lúc nào hắn cũng vô tư nói cười vui vẻ làm cho tôi mất cơ hội dạy đời. Tôi ngồi dậy bước xuống giường đi lại vẹt tấm màn cửa, nhìn ra bên ngoài, từng mảnh tuyết nhỏ như bông gòn nhẹ nhàng rơi, tất cả tự nhiên và yên bình quá. Cũng như cuộc sống, tự nó đã im ả như những bông tuyết nhẹ rơi. Lòng tôi chợt nhiên e thẹn, nhớ tới truyện hai viên gạch nằm xéo trên một bức tường và truyện một chấm mực đen trên tờ giấy trắng, tôi đã đọc qua rất nhiều lần, cả hai truyện rất đơn giản nhưng ý nghĩa thâm sâu, xem ra cho tới ngày nay tôi vẫn chưa học thuộc. Ấy vậy mà lúc nào tôi cũng vạch lá tìm sâu và rình rập muốn lên lớp để dạy đời thiên hạ.

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Địa Trung Hải 30-11-2012

 


Cái Đình - 2012