Nguyễn Lê Hồng Hưng


Luật Chơi

Giang là một thủy thủ tàu viễn dương, anh bỏ nghề để chạy theo tiếng gọi của con tim, trở về đất liền cùng với Thu Hiền xây tổ uyên ương. Hai người sống với nhau theo kiểu Tây phương, nghĩa là ăn ở với nhau trước, đám cưới từ từ tính sau.

Lúc họ dọn vô, căn nhà đồ đạc còn đơn sơ, ngoài vườn cỏ mọc xanh um. Hai người quyết tâm cùng nhau bồi đắp. Đã trải qua ba mùa mưa, nắng. Mỗi đợt xuân về cây anh đào rộ bông màu tim tím và mùa hè lá xanh, bông hồng, bông đỏ, bông vàng rộn ràng đua nở. Trong nhà bàn ăn đã thay hai lần, rách bao nhiêu đợt vải trải giường và chiếc giường đã bắt đầu rên rỉ mỗi khi hai đứa sinh hoạt về đêm. Giang dự định trước ngày cưới sẽ thay chiếc giường mới cho êm ấm cuộc đời. Trong lúc Giang thiết tha mơ ước tương lai một mái ấm gia đình bình thường cũng như bao nhiêu người khác, trái lại Hiền xem chuyện hai người ăn ở với nhau như một trò chơi. Có lần đi dự tiệc cưới, anh hãnh diện giới thiệu với bạn bè, Hiền là vợ của anh. Tức thì cô ta sa sầm nét mặt dẫy nẩy, phân trần:
‘Anh ấy nói bậy đó, tụi tui mới là bạn thôi.’

Day qua anh, Hiền cảnh cáo:
‘Tui cho anh biết, chưa cưới nhau thì tui với anh vẫn còn là bạn là bè, nếu anh còn tái phạm luật chơi thì liệu hồn đó nhé.’
Luật chơi! Anh dằn lòng tự ái vì biết tánh bướng bỉnh ngang ngược của Hiền, không khéo bị cô làm nhục thêm. Anh yêu Hiền thật lòng, anh chấp nhận cái luật chơi mới mẻ do Hiền đặt ra. Anh hy vọng vì tình thương của anh sẽ cảm hóa được Hiền, lúc đó cuộc chơi sẽ chấm dứt bằng một đám cưới linh đình. Nhưng sống chung càng lâu anh càng lo sợ. Hể mỗi lần có chuyện cãi vã là Hiền đùng đùng cuốn gói bỏ đi đâu không biết, đợi anh cuống cuồng tìm kiếm muốn hụt hơi cô mới lót tót trở về. Trước khi cho ngủ chung cô bắt anh phải hứa là không tái phạm lỗi lầm với cô nữa. Cô nói anh có lỗi thì anh phải cúi đầu nhận, anh không cần biết chuyện đó có phải là lổi hay không. Những cái anh có thể nhớ được như không được phép cà kê nhậu nhẹt với bạn bè, muốn mời khách về nhà và muốn đi đâu thì phải xin phép... Còn nhiều cái hổng được nữa, đầu óc nào nhớ hết, nên lâu lâu anh lại tái phạm. Mỗi lần lầm lỗi, nếu giận nhiều thì Hiền cuốn gói ra đi vài hôm, giận ít thì phạt anh ở nhà một tuần nhưng không cho ngủ chung, giận vừa vừa thì cho cho ngủ chung nhưng lấy gối chắn ngang không cho đụng chạm, chừng nào cô muốn thì rủ anh làm tình nhưng không cho bóp vú.

Dũng trước kia là bạn đồng hành với Giang cũng chỉ vì Dũng đeo theo nghề thủy thủ nên Hiền không thích. Cái thằng cũng kỳ, giữa thời buổi con gái Việt Nam khan hiếm mà nó không sợ ế hay sao, hể nghe chuyện trái tai nó không chịu được. Thời gian đó các cô không biết học được ở đâu cách sắp hạng đàn ông, các bà nói đàn ông bên tây phương được sắp hạng thấp hơn các loài chó. Nó liền hỏi lại:
‘Như vậy sao các bà hổng đi lấy chó mà lấy đàn ông.’
Các bà chưa biết trả lời sao, Hiền bực bội mắng thẳng mặt:
‘Cái đồ hải tặc ăn đàng sóng nói đàng gió hơi đâu mà chấp.’
Dũng cũng không vừa:
‘Chắc hồi vượt biển cô bị hải tặc hãm tơi bời hoa lá nên bây giờ thấy thủy thủ cô tưởng hải tặc căm thù chớ gì.’
Từ đó trở đi Hiền ghét cay ghét đắng cái tên thủy thủ ăn đàng sóng nói đàng gió, chẳng những cấm không cho Giang tới lui mà còn cấm anh không được nhắc cái tên Dũng chết tiệt ấy trước mặt cô ta nữa.

Dù sao hai thằng cũng có một thời là bạn bè sống chết có nhau, hơn nữa Giang quí tánh thẳng thắng của bạn. Nghĩ sao nói vậy trên xứ lạ nầy còn được mấy ai. Hôm nay Hiền điện thoại cho biết cô được tên xếp mời đi ăn tối mới về. Mùa hè ban đêm trời vẫn còn nắng. Giang hẹn gặp Dũng trong một quán ba gần nơi anh ở. Thật ra thì Giang muốn gặp bạn là để tìm lại cái không khí tự do, phóng khoáng của một thời hai đứa còn độc thân đi chung trên một chuyến tàu và kể cho Dũng nghe nhiều chuyện ấm ức ở trong lòng từ bấy lâu nay.

Giang ngồi trên chiếc ghế trước quày ba, tay chỏi lên càm, mắt nhìn hai ly bia để trước mặt phía dưới màu vàng, phía trên bọt trắng vun trên miệng ly. Lâu lắm rồi anh mới thấy lại không khí thoải mái làm anh nhớ nhung những ngày tháng còn vẫy vùng trên sóng nước. Giang bưng bia lên mời bạn. Hớp một ngụm bia, để ly xuống, đưa tay chùi bọt dính mép, anh bắt đầu vào chuyện.

‘Mày biết đó, hồi anh em mình còn lênh đênh, có lần Hiền tuyên bố: "Nếu anh còn đeo theo cái nghề ôn dịch ấy thì đường ai nấy đi, nẻo ai nấy bước." Lời tuyên bố hách dịch của cô ta gây tiếng vang khắp cả đồng hương sống trên xứ sở ếch nhái nầy. Nghe chuyện Hiền, các bà nhao nhao lên cho cô ta là người sáng suốt.’

Dũng châm thêm:
‘Rồi mầy nghe theo quan niệm sáng suốt mà bỏ nghề?’
‘Suy cho cạn thì cũng chẳng ma nào sáng suốt và chẳng có ai làm gương cho ai hết. Trước kia còn là thủy thủ thỉnh thoảng gặp đồng hương một lần, hễ chạm mặt là họ khuyên mình về đất liền sống với bà con cho vui. Từ khi tao rửa chưn lên bờ sống, ra đường chạm mặt nhau đàn ông thì lấm la lấm lét, đàn bà thì nghinh nghinh, ngồi lại với nhau như không còn chuyện nào để nói, ngoài chuyện bổn phận, trách nhiệm làm chồng, làm cha chuyện nhà lớn, nhà nhỏ nhà đẹp, nhà xấu. Họ bô lô ba la rất nhiều, nhưng hình như không ai chú ý nghe ai hết. Tao đã lên bờ mấy năm nay rồi mà vẫn có người gặp mặt là kêu tao về sống trên đất liền với bà con cho vui. Có bao nhiêu chuyện lập đi lập lại cho tao nghe riết rồi chẳng nghĩa lý gì hết.’

Dũng rút thuốc mời bạn, bật lửa đốt thuốc rít một hơi dài phà khói và bưng ly lên cụng. Uống xong hớp bia để xuống, anh nói:
‘Thì mầy cũng đương nói với tao những chuyện vô nghĩa đó thôi.’
‘Có lẽ tại tao sống trên đất liền lâu quá.’
‘Chán đất liền rồi sao?’
‘Giang không trả lời, Dũng tiếp:’
‘Bây giờ mầy mần gì?’
‘Phòng lao động kêu tao mần cái gì thì tao mần cái đó. Thỉnh thoảng gặp người mình mần chung xưởng, người nào người nấy cũng vần vật như trâu, như bò, vậy mà khi cứ dênh dênh cái mặt.
‘Nhưng họ vẫn sống nhăn răng có sao đâu.’
‘Nhưng sống một nơi không ai hiểu mình hết chán lắm.’
‘Tại sao mầy bắt thiên hạ phải hiểu mầy?’
‘Nhưng ít ra mình nói cũng có người hiểu chớ.’
‘Mày đừng coi thường người ta quá, nếu ngược lại tao nói mầy hổng hiểu khỉ khô gì hết thì sao?’
Giang nín lặng. Dũng hiểu và hoàn toàn thông cảm cho bạn, sống trên biển đã quen, trở về bờ thấy cuộc sống bon chen của người mình chịu không nổi, đâm ra nói năng bậy bạ. Dũng nói cho qua:
‘Mầy có người yêu, ở nhà với người mình thương thì cũng hạnh phúc lắm rồi, hơi đâu để ý chuyện thiên hạ. Còn nếu mầy cảm thấy đất liền hổng phải là chỗ của mầy thì mầy dẫm chưn lên làm gì, khổ thân mầy đã đành còn gây phiền phức tới người khác nữa.’
Nghe Dũng nói vậy, Giang cũng không biết nói sao, anh ngồi đó nhưng không dám uống bia thêm vì sợ tối về nghe mùi bia Hiền tống cổ cho anh xuống sa lông ngủ thì nguy.

Sau lần gặp gỡ đó Giang không còn gặp lại Dũng nữa. Hôm Dũng cưới vợ có gởi thiệp mời, Giang muốn đi dự, nhưng Hiền không cho. Theo thời gian anh đã quen với luật chơi và sự lo lắng cũng bớt dần theo ngày tháng. Anh thấy chung quanh nhiều đồng hương sống na ná cũng như anh, người đàn ông nào cũng lo chuyện xẩy nhà ra mất vợ, nên tự xích giò mình lại nếu có lỗi thì cũng bị vợ phạt không cho ngủ chung hoặc bị tống cổ cho lang thang ngoài đường giữa mùa đông tuyết phủ. So ra những hình phạt của Hiền cũng còn êm ái hơn nhiều, anh chưa lần nào bị Hiền tống cổ ra sân.

Tưởng đâu yên phận thủ thường, nào ngờ mới hôm kia, trời vừa chạng vạng Hiền kêu anh lên giường và rủ làm tình... đã rồi cô ta day qua ôm anh thủ thỉ:
‘Đêm nay là đêm cuối cùng em ngủ với anh.’
‘Nghĩa là sao?’
Hiền chỉ ngón tay trỏ vô mặt anh, mắng nhẹ.
‘Ngu như bò, nghĩa là bắt đầu ngày mai em dời đi chỗ khác.’
Đã từ lâu anh lòng anh áy náy, cứ nghĩ rồi sẽ có một ngày Hiền gây sự để chia cách tình cảm trước khi nói chuyện ra đi. Nhưng chuyện xảy ra không như anh nghĩ, Hiền ôn tồn hơn mọi ngày thường, cư xử rất điệu nghệ làm anh lúng túng hỏi một câu thừa thãi.
‘Em suy nghĩ kỹ chưa?’
‘Kỹ, rất kỹ nữa đằng khác, em nghĩ mình không còn thương nhau nữa thì chia tay đó là sự chọn lựa sáng suốt nhứt.’
‘Chừng nào mới chia tay?’
‘Mai, sáng sớm ngày mai.’
‘Sao em không nói sớm để anh chuẩn bị?’
‘Anh khỏi lo, em đã chuẩn bị hết rồi, đồ đạc trong nhà em để lại cho anh, em lấy theo đồ cá nhân của em thôi, em đem theo chiếc xe và em trả lại anh nửa tiền, như vậy là sòng phẳng hổng ai nợ ai.’
‘Khỏi chia chác gì gì hết, em thấy cần bất cứ cái gì thì cứ lấy đi.’

Anh day qua ngắm nghía thân thể mập mạp của Hiền, từ lâu anh cứ ngỡ nó là sở hữu của mình. Nhìn mặt mày tươi tươi tỉnh, tay gát lên trán, mắt lim dim như chẳng có gì xảy ra. Anh nghĩ, đến nước nầy nếu anh bày đặt làm ra chiều đau khổ, nghẹn ngào thốt ra câu: ‘Anh vẫn còn yêu em tha thiết...’, chắc chắn Hiền sẽ cười cho anh là cải lương và mắng anh thêm một câu ngu như bò nữa. Anh định hỏi thêm cái gì đó nhưng thấy lời nói của anh lúc nầy chẳng còn ý nghĩa gì cho một kẻ sắp sửa ra đi.

Cái tánh bất cần đời từ lâu ngủ yên, nay phừng lên như ngọn lửa. Giang lắc đầu ngồi dậy, bước xuống giường, lấy áo quần đi qua phòng tắm. Đứng dưới vòi sen anh vặn nước xối xả lên người. Tắm xong thấy tỉnh táo hơn, anh bận quần áo, anh bước vô phòng ngủ, thấy Hiền vẫn còn nằm lim dim, anh ngồi xuống mép giường, lưỡng lự, không biết có nên tiếp tục nằm với Hiền cho tới giờ chia tay hay không. Chợt Hiền ngồi dậy, choàng tay qua vai anh, da thịt của người đàn bà ba mươi tuổi ép sát người anh mềm mại và mát rượi.
‘Anh muốn nữa hông?’

A! Người anh như điện giựt. Thì ra đã từ lâu nay anh ăn ở với Hiền nhờ khoản ‘muốn nữa’ nầy đây. Anh nhìn thái độ trơ trơ của cô bạn gái và câu hỏi hàm ý mặc cả, ngã giá mà anh thường nghe trong thời anh còn là một thủy thủ độc thân. Anh nhún vai một cái, gỡ tay Hiền ra, bật đứng dậy như chiếc lò xo bung. Anh không nhớ thái độ Hiền lúc đó ra sao, anh chỉ nghe cô nói: "Hổng muốn nữa thì em đi soạn đồ đạc đây" Anh đi nhanh qua phòng cạnh bên, khoá cửa lại, leo lên chiếc giường nhỏ nằm xuống và kéo mền trùm bít đầu. Nghe tiếng chưn Hiền bước qua phòng tắm, xối nước rửa ráy lào xào... Sau đó cô leo lên từng nhà trên lục lạo, có lẽ Hiền lấy va li. Một lát sau trở xuống phòng ngủ, nghe tiếng mở tủ. Anh nghĩ cô đương lấy áo quần ra thay, nhưng tiếng động cứ tiếp tục lạch cạch, xột xạt, anh đoán chừng Hiền đương thu xếp đồ đạc vào va li. Đầu óc anh cứ nghĩ, nghĩ lung tung hết chuyện nọ sọ chuyện kia, không được yên chút nào. Anh tốc mền ngồi dậy, đứng lên, đi lại vẹt tấm màng cửa, lúc ấy vầng trăng khuyết vừa nhô lên khỏi ngọn cây anh đào.

Sau khi kể hết câu chuyện Giang đứng chắp tay sau đít, đưa mắt ngó ra ngoài khung cửa kiếng. Đầu óc anh chỉ thu nhận được vầng trăng tròn như chiếc mâm vừa nhô lên khỏi ngọn cây anh đào.
‘Đêm kia trăng khuyết, đêm nay trăng tròn.’
‘Đêm nay mười sáu ông à.’
Hôm qua Dũng nhận điện thoại nghe giọng Giang trong máy không buồn, không vui:
‘Bây giờ tao được tự do rồi mầy à, cứ lại tao đi tao cần nói chuyện với mầy, à nhà có cuốn cẩm nang về hàng hải đem theo cho tao mượn luôn.’
Hôm nay Dũng tới cầm theo cuốn cẩm nang đưa cho Giang và ngồi uống bia nghe Giang kể hết câu chuyện tình, anh ngở Giang sẽ chửi bới cho cái tình đời chó má như những lần trước. Nhưng không, cuối cùng nó lại thốt ra một câu trăng tròn nghe cũng có chất thơ của Hàn Mặc Tử lắm chớ.

Giang ngồi xuống ghế bưng bia lên cụng với Dũng, anh ngước cổ ực một hơi dài, để ly xuống lấy tay quẹt bọt bia dính mép miệng, Giang hỏi:
‘Dạo nầy mầy đi tuyến đường nào?’
‘Từ ngày cưới vợ tao lẩn quẩn ở Âu Châu, hai ba tháng về nghỉ một hai tháng.’
‘Có vợ mà đi hoài hổng thấy phiền sao?’
‘Có chớ nhưng rồi đâu cũng vô đó.’
‘Cuộc sống của mầy coi vậy mà dễ chịu hơn tao.’
Dũng đẩy cuốn cẩm nang qua cho bạn:
‘Ngày trước vì Hiền mầy lên bờ, bây giờ cũng vì Hiền mầy muốn làm lại cuộc đời bằng cách trở lại biển. Mày suy nghĩ kỹ chưa?’
‘Nhưng tao đâu còn con đường nào nữa.’
‘Mày đương có việc làm mà.’
Giang chưa biết phải nói sao thì Dũng nói tiếp:
‘Mày nghĩ coi, tuổi đời không dài lắm, thoáng cái đã trên ba chục hết, mình sống quá nửa đời rồi, mầy nhắm thời gian đủ cho mầy làm một cuộc thí nghiệm nữa không?’
‘Hồi trước có lần mầy nói, nếu đất liền hổng phải là chỗ của tao thì dẫm chưn lên làm gì.’
‘Trước khác giờ khác, hơn nữa chắc gì Hiền bỏ mầy đi luôn.’
Giọng Giang quả quyết:
‘Bây giờ Hiền có trở lại tao cũng hổng cho vô nhà.’
‘Thôi, tao nói là nói vậy nhưng chuyện của mầy tùy mầy quyết định. Khuya rồi, tao còn phải dìa, khi nào buồn cứ lại tao chơi, mấy năm nay về đất liền tao chỉ chơi với vợ con chớ chẳng có bạn bè nào cho đúng nghĩa hết.’
Dũng bưng ly uống hết chỗ bia còn lại, anh đứng dậy từ giã bạn ra cửa khoác áo choàng. Giang mở cửa tiễn bạn. Trở vô anh cầm cuốn cẩm nang hàng hải lên, không hiểu sao anh không lật ra xem mà để trở lại. Anh day ngang dọn dẹp ly và vỏ chai đem vô bếp. Khi anh trở ra thì vầng trăng tròn đã chênh chếch trên cao.’

*

Lâu lắm rồi, đâu bảy tám năm có hơn, Dũng không gặp lại Giang nữa. Bỗng một hôm anh dẫn vợ con đi chợ trời trong một thành phố lân cận, tình cờ anh chạm mặt Giang và Hiền dắt nhau đi trong chợ. Dũng mừng rỡ kêu bạn, nhưng không hiểu sao hai người dòm ngang một cái, không nói một lời hất mặt, lạnh lùng bỏ đi một nước. Dũng hổng biết mình nhìn có lầm người không, Hiền thì không ưa mình đã đành, còn Giang ít ra cũng chào mình một cái chớ có đâu như người chưa hề quen biết. Dũng day qua hỏi vợ. Vợ anh cười khẩy:
‘Thì ông Giang với bà Hiền chớ còn ai nữa.’
Dũng rùng vai một cái:
‘Lạ vậy!’
Anh đương ngơ ngác, chợt đứa con gái nhỏ của anh chạy lan ban vô đám đông người trong chợ. Vợ anh bèn kêu:
‘Anh coi chừng con mình đi lạc kìa, đứng ở đó mà lo chuyện của thiên hạ.’

Nguyển Lê Hồng Hưng


Cái Đình - 2004