Nguyễn Lê Hồng Hưng


Tôi cũng phải về

 

Tuấn và Thanh đứng bên một ngọn đồi thấp, nơi đây hai người ngắm được bãi cát dài và biển của Nha Trang. Xa xa bóng những hòn đảo chập chùng và những ghe đánh cá thấp thoáng giữa trời nước mênh mông. Gió biển lồng lộng mang theo không khí trong lành, mát rượi. Hằng thế kỷ qua nơi nầy đã làm rung động biết bao tâm hồn nghệ sĩ và được người dân ưu ái tặng cho cái tên rất là thơ – Miền Thùy Dương Cát Trắng.

Tuấn nói:

– Cát Nha Trang trắng quá và nước biển trong, xanh hơn vùng Ðịa Trung Hải.

Thanh hỏi Tuấn:

– Anh có muốn về đây sống luôn không?

Tuấn trả lời:

– Nơi nào đất lành thì chim sẽ đậu. Em biết không, những năm lưu lạc xứ người anh không nghĩ rằng mình có thể trụ lại bất cứ nơi nào, nếu không có chị em và mấy cháu ở châu Âu thì anh cũng không về đó làm gì.

– Em nghe chị Hai nói, chỉ sẽ không về đây nữa.

– Ðó là cơn giận nhứt thời, chớ là người thì ai quên được nơi chôn nhau cắt rún.

– Chị còn giận ba, má?

– Giận thì giận thương thì thương.

Thanh khúc khích cười:

– Việt Kiều mà cũng biết hát quan họ à.

– Có nghe chớ không có hát, nhưng đó cũng là tâm trạng của chị Hai em, nếu không thương ba má và các em thì làm sao chị Hai em chịu cực chịu khổ, mùa đông tuyết lạnh cũng như mùa hè nắng nóng, mỗi ngày đạp xe hàng chục cây số đi làm dành dụm tiền gởi về nuôi cả gia đình hơn chục năm qua.

– Em biết, nhưng sau chuyến về lần đó chị có than phiền chuyện gia đình với anh không?

– Than phiền thì lúc nào cũng có, nhưng cần nên lập lại không?

– Em thấy cần và em muốn hiểu vì sao hơn mười năm qua chị không về đây nữa, trong khi đó chị nói với em chị đi du ngoạn hết nước nầy sang nước kia.

*

Tuấn nhớ cách đây hơn mười năm Thu nghe tin ba bịnh hấp hối, cô tức tốc xin nghỉ việc, ôm hai đứa nhỏ từ Âu Châu bay về cho kịp chịu tang. Nhưng khi về tới nhà thì Thu chưng hửng, không thấy ba bịnh hoạn gì hết. Hỏi, thì ông cười xòa và nói tỉnh bơ:

– Ba nhớ con và hai đứa cháu ngoại của ba nên nói như vậy để con về.

– Trời đất! Bộ ba tưởng từ Âu Châu về đây giống như từ trung tâm Nha Trang về xóm Bóng vậy sao.

Tuy có hơi bực mình nhưng Thu nghĩ, vì thương nhớ con, cháu ba mới làm chuyện thiếu suy nghĩ như vậy. Thôi thì coi như một chuyến về thăm quê cũng được.

Niềm vui trở lại quê nhà chỉ được mấy ngày đầu. Những ngày sau đó Thu cảm thấy bị tù túng, đi đâu cũng có người kèm theo, không có thời gian nào rảnh hết. Má thì kêu lại than thở, không có vàng đeo để đi đám tiệc cho nở mày nở mặt với người ta, buộc lòng Thu phải lấy sợi dây chuyền của mình đưa cho má đeo. Ba thì than chiếc xe mua cho năm năm trước đã cũ chạy không còn êm nữa, thấy vậy Thu cũng móc tiền ra cho ba đổi xe mới. Em út, cháu chít đứa vài chục, đứa một trăm. Ăn ở nhà cha mẹ mà ngày nào cô cũng phải bỏ tiền túi đi chợ, về mới tuần đầu đã hết hai ngàn đô. Ở Âu châu cả gia đình đi nghỉ hè ngủ khách sạn, ăn nhà hàng hai tuần lễ cũng chưa hết chừng đó tiền. Cho nên chuyện tiền bạc Thu phải dè dặt trước mặt mọi người, mỗi lần cô xem lại tiền của mình mà cô phải len lén như sợ kẻ gian ngoài chợ rình móc túi. Bực mình nhưng biết nói làm sao. Có lần cô lưu ý ba không nên đi đá gà và phung phí tiền bạc, thì ông gắt lên:

– Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Công ơn cha mẹ là trời biển ai lại không biết, cô cũng đã có hai đứa con rồi, và cô cũng biết làm mẹ là trời biển như thế nào. Tại sao ba, má không nghĩ lại coi, người làm cha mẹ có xứng đáng hay không? Từ ngày gả Thu theo chồng ba má tưởng té xuống hầm vàng hay sao mà không chịu theo nghề đánh cá nữa và cũng không chịu làm ăn gì hết để cho tinh thần lẫn thể xác bịnh hoạn đến đổi khô khan tình cảm con người. Ngày trước gia đình nghèo cha mẹ nuôi con cho ăn gì thì con ăn nấy, mặc áo quần vá chùm vá đụp con cũng không dám phàn nàn. Tới tuổi dậy thì không có áo nịt ngực, ra đường bị con trai đi theo dòm mắc cở tê người cũng không dám than, mơ ước có chiếc áo dài nhưng biết nhà nghèo cô cũng không dám hỏi. Gia tài riêng của Thu chỉ có hai bộ quần áo mới. Bây giờ nhà cửa khang trang, xe hai ba chiếc, nhưng vẫn còn than thiếu thốn, nếu Thu không cung cấp cho xài thì hâm he bán đồ bán đạc trong nhà. Lần nào về quê tiền túi hết sạch, nữ trang mất đi vài món. Khi trở ra cô có cảm tưởng như bị kẻ gian trấn lột.

Biết vậy, nhưng giờ đây trong hoàn cảnh này Tuấn không muốn nói chuyện dài dòng, nhứt là những chuyện như vầy nó đã tràn lan trong xã hội chớ đâu riêng gì gia đình Thu. Anh nói ngắn gọn:

– Chị Hai em không về quê là muốn giữ hình ảnh đẹp của ba má hồi lúc nhà còn nghèo. Nhưng thôi, chuyện không vui nói làm gì?

– Em muốn biết anh có ý kiến gì về chuyện nầy không?

– Theo anh thì thời gian có đi chớ không có lại. Chuyện qua thì qua rồi, chuyện tới thì chưa biết. Còn ý kiến, thì nói gì đây? Anh đã đi khắp năm châu và đã chứng kiến con người ở những nước nghèo nàn lạc hậu, từ người giàu có tới người nghèo rớt mồng tơi, ai cũng tham lam, lọc lừa giống như nhau. Có điều anh chỉ hơi buồn cho cái thời buổi gì mà kỳ cục, từ trong nhà ra ngoài đường, riết rồi không biết phải tin ai.

– Cuộc sống càng ngày càng vô nghĩa phải không anh?

– Không nên bi quan như vậy, mình cũng có thể cho nó một ý nghĩa để sống chớ?

– Em chưa hiểu ý anh.

– Nghĩa là chúng ta vẫn đi, đứng, nằm, ngồi và hít thở...

– Ðơn giản quá hả anh?

– Nhưng rắc rối lắm, thôi bỏ qua chuyện nầy, mình đi vô phố chơi một lát, em còn phải về cho kịp lo cơm cho thằng Hùng. Còn anh, anh cũng phải ra dịch vụ gọi điện về cho chị Hai em, sau đó anh về nhà ba má, hình như ba muốn nói với anh chuyện gì đó.

Mặt Thanh u buồn:

– Nhưng...

Tuấn chận:

– Không nhưn nhuỵ gì hết, đi chơi không nói chuyện nhà nữa.

Tuấn chỉ tay dọc theo bãi biển trước mặt:

– Em thấy không, quê vợ anh đẹp đâu thua gì những thành phố biển bên châu Âu.

*

Tuấn và Thanh men vào khu hàng quán ven biển. Xa xa ngoài dãi nước xanh những chiếc mô-tô-nước và vài chiếc ca-nô phả sóng vẽ lên mặt nước những đường bọt trắng ngoằn ngoèo. Trong bãi cạn lưa thưa người bơi lội, phần đông người da trắng bận đồ tắm nằm trên những chiếc ghế màu trong những chòi lá.

Thanh nói:

– Em nghe chị Hai nói, bãi biển Salau bên Tây Ban Nha rất giống Nha Trang.

– Xa quê lâu năm, chị em tưởng tượng ra mà nói vậy chớ Salau làm sao sánh bằng nơi đây.

– Thiệt vậy hả anh?

– Thiêt mà, Nha Trang sang trọng hơn Salau nhiều. Theo anh nghĩ cũng vì Nha Trang Tây quá Tây nên không hấp dẫn cho du khách Âu Mỹ.

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là những khách du lịch sành điệu của tây phương đi du lịch thắng cảnh để tìm những nét đặc thù của xứ xở mình đặt chưn tới. Thức ăn trong khách sạn nơi đây cũng thịt bò bít tết, tôm hùm, phó mát dâm bông…, những món nầy không cần bay từ Âu Châu qua đây tìm ăn. Tuy Nha Trang có vài món đặc sản như gỏi sứa, yến sào…, nhưng không thể nào thu hút được khách du lịch có tánh hiếu kỳ.

– Anh nói làm em hết tự hào Nha Trang của mình rồi.

– Em phải tự hào chớ, ít ra nó cũng thu hút được khách du lịch trong nước, em không thấy sao, du khách từ Sài Gòn mỗi ngày đổ ra nườm nượp và người Việt ở nước ngoài về cũng ra thăm Nha Trang. Anh thích buổi chiều nơi đây, người trong phố đổ xô xuống tắm biển đông nghẹt. Nếu ông tây bà đầm nào tới một lần không thích thì họ có thể đi một khu du lịch khác ngoài Khánh Hòa hoặc lân cận Nha Trang, nơi đó cũng có rất nhiều cảnh thiên nhiên.

– Anh quảng cáo du lịch?

– Anh muốn nói về vùng đất mình yêu thích vậy thôi.

– Vậy anh nói thử nghe, anh thích chỗ nào.

– Lần đầu anh ra Nha Trang, chị Hai em và các bạn có dẫn anh đi những con suối trên lưng chừng núi ngoài Vạn Thắng, cho nên mỗi khi nhớ về quê vợ thì anh nhớ tới những thác nước thiên nhiên tươi mát. Nhứt là dãi núi Phước Hà đứng mỗi góc thấy hình dáng thay đổi khác nhau rất là ngoạn mục. Có lần anh ra Ninh Hoà nhìn dãi núi Phước Sơn thấy mây choàng đỉnh núi anh có thể hình dung ra “Mây Hòn Hèo” và cũng có theo chị Hai em ra Tu Bông, nhờ hứng gió mùa hè mà anh biết gió Lào nóng như thế nào và anh hiểu được tại sao có danh từ Tụ Phong và câu vè “Gió Tu Hoa”.

Thanh cười thành tiếng:

– Một bài vè có sáu câu chỉ đặc tính cho sáu địa danh, anh biết hết hai nhưng sai một.

– Vậy sao, sai chỗ nào?

– Hòn Hèo không có mây bay hay mây choàng đỉnh núi, đây là một loại cây, cây mây. Mây ở đây lâu năm nên cọng bự và cứng, người ta lấy về làm cây hèo rất tốt nên có câu vè “Mây Hòn Hèo”.

– Vậy sao?

– Còn bốn nơi kia anh muốn biết không?

– Có thời gian anh sẽ đi cho biết, nhưng chắc không tới Ðồng Lớn vì tánh anh rất sợ ma.

– Cọp không sợ, anh lại sợ ma.

Tuấn cười khôi hài:

– Sợ bẩm sinh mà, tuy nhiên anh có đọc đâu đó có viết, nơi Ðồng Lớn ngày xưa là một bãi chiến trường, có nhiều người chết oan, những hồn oan không đầu thai được hoá ra ma, vất vơ vất vưởng, quấy phá những người qua lại trong vùng.

– Anh là khách phương xa mà biết như vậy cũng là nhiều.Vậy thì cuối tuần nầy em đưa anh đi suối.

Tuấn nói:

– Hôm nay thứ ba rồi, vậy thì tính như vầy đi, chiều nay anh về nhà ba má ở đó chơi một ngày, ngày mốt anh ra thăm cậu, mợ và mấy cháu ở Vạn Giả và đi xem vịnh Vân Phong. Sau đó ghé nhà em rồi mình lên suối chơi.

*

Nhà Thanh nằm trên bờ ruộng không xa đường xe lửa, nhìn ra thấy quốc lộ một, nhìn vào thấy đoạn cuối của dãi Trường Sơn. Chồng Thanh đã bỏ cô lúc thằng Hùng còn lẫm chẫm đi, từ đó tới giờ vợ chồng Tuấn phải cưu mang luôn hai mẹ con. Trong gia đình chỉ còn có Thanh là người hiểu biết. Cô không bao giờ hỏi xin tiền vợ chồng Tuấn, nhà nghèo cô tần tảo bán buôn nuôi con. Năm nay Hùng được mười bốn tuổi và đã lên trung học. Về đây Tuấn thích ở lại với hai mẹ con Thanh hơn. Nhà cửa đơn sơ nhưng sạch sẽ gọn gàng, ăn uống rau cải, dưa cà, tuy đạm bạc nhưng thức ăn, nhẹ nhàng, tinh khiết và nói chuyện với Thanh thoải mái vì cô rất thành thật và hiểu biết nhiều.

Hồi trưa Tuấn và Thanh đi chơi trên suối. Hai anh em leo lên phía trên nguồn, tìm đoạn suối sạch sẽ, ít người. Họ dừng lại một bụi cây mà trước đây đã có nhiều người tới ngồi, nên được dọn trống như một cái nhà chòi của mấy đứa trẻ chơi. Sau khi để đồ đạc vô ‘chòi', để giữ cho nước ngọt khỏi bị nóng, Tuấn đem mấy lon nước bỏ vô một khe nhỏ bên bờ suối nơi nước có đủ độ mát. Sau đó hai người đi xuống suối ngồi ngâm mình bên một tảng đá. Tuấn nói:

– Từ dưới leo lên tới đây nóng đổ mồ hôi, được ngâm mình xuống nước mát, thật tuyệt vời.

Thanh nói:

– Người Tây thích phơi nắng còn người mình thì sợ nắng ăn, da đen nên tìm những nơi mát mẻ.

– Buổi trưa người ta tụ lại hết trên nầy, hèn nào bãi biển vắng hoe.

– Có nhiều người cũng bắt chước Tây ra bãi biển nằm phơi vài lần, bị lột da hoặc bị đen thui, sợ quá không dám phơi nữa.

– Người Tây ở nơi ít ánh nắng mặt trời, thiếu vitamine D nên họ mới tìm ánh nắng, vì trong ánh nắng có vitamine D bồi bổ cho da, ngoài ra họ cũng thích nước da ngâm ngâm cho dáng người thêm mạnh mẽ và cho mọi người biết mình đã từng đi du lịch đó đây, nhưng khi phơi nắng họ thoa kem chống nắng cho da không bị cháy. Còn người Việt thấy Tây làm gì thì làm theo chớ không chịu tìm hiểu chuyện làm có thích hợp với mình hay không. Cũng như tắm bùn vậy, thấy người Nhựt tắm người mình cũng bắt chước nhưng không chịu tìm hiểu nguyên nhân tại sao người Nhựt tắm bùn. Nơi nào cũng có tánh địa phương riêng, ngay trong nước Nhựt có nhiều nơi người ta đâu chịu tắm bùn.

– Theo anh những người lên đây là hợp lý?

– Nếu không thì họ lên đây làm gì?

– Anh với em cũng hợp lý?

– Đương nhiên rồi.

– Anh thấy ở đây con người ta sống với thiên nhiên nhiều hơn người Tây Phương.

Lúc đó phía dưới nguồn có một đám con gái bận đồ tắm đùa giỡn tạt nước nhau tung toé trông đẹp mắt vô cùng. Tuấn đi vô chòi lấy máy chụp hình ra chụp. Chụp xong mấy cô gái anh định cất máy, chợt thấy Thanh ngồi cao lên chiếc áo mỏng ôm sát thân hình dựa lưng vô tảng đá. Trên bờ suối cây rừng san sát nhau, không một bóng người, thân hình Thanh hài hoà với thiên nhiên trông rất là hoang dã. Anh quay máy nhắm ngay cảnh trước mặt nhá hai ba cái. Bất ngờ làm Thanh giựt mình hụp người xuống nước. Anh đi tới kêu cô leo lên tảng đá đứng, ngồi làm kiểu cho anh chụp thêm vài bôi nữa. Sau đó anh lại khe suối lấy hai lon Cocacola đem lại đưa cho Thanh một lon, hai người ngồi bên nhau vừa uống vừa bấm hình lại xem. Máy điện tử chụp hình rõ quá, Thanh phát hiện ra cô không bận nịt ngực nên chiếc áo mỏng dán sát vô người trông rõ cặp ngực tròn như trái bầu treo phía trước và lộ rõ hai núm vú thâm đen. Cô chỉ vô máy nói:

– Cái nầy kỳ quá, anh bấm bỏ đi.

– Đâu, đẹp đó chớ, quả là gái một con trông mòn con mắt.

– Mòn còn đỡ, anh móc mắt liệng đi.

– Tại em có ý tà nên mới kêu anh móc mắt.

Thanh chỉ tay lên giữa trán Tuấn:

– Anh cũng biết Kinh Thánh?

Không đợi Tuấn trả lời, cô nói tiếp:

– Chị Hai nói hồi trước về anh chụp hình mấy chị bạn của chị cũng sexy như vầy.

– Ban đầu chị Hai em cũng thấy kỳ, đòi anh bỏ hết mấy bức hình chụp mấy cô bạn trên suối nhưng bây giờ chị thích lắm và định rửa thêm gởi cho mấy cô bạn. – Còn trẻ, đẹp nên chụp hình dành về già xem lại cho vui, chớ chờ già khú rồi chụp cho ma coi.

Thanh cười rất tự nhiên và nhìn xuống ngực mình:

– Em cũng già rồi đẹp gì nữa.

– Em đẹp đâu thua gì các sơn nữ trẻ, bên Âu Mỹ mùa hè nhiều bà già vú móm nhăn nheo giống như vú con bò già hết sữa, vậy mà cũng xuống nằm phơi trên bãi cát.

Thanh không nói thêm, cô đứng lên đi về chòi lấy chiếc khăn choàng lên vai và đi lại ngồi cạnh bên Tuấn.

– Em lạnh?

– Không anh, em sợ ngồi một lát nắng đốt cháy da.

– Anh có chai kem chống nắng để anh lấy thoa cho em.

Tuấn qua chòi mở giỏ lấy chai kem đi lại, kêu Thanh day qua cho anh thoa kem lên lưng. Vừa thoa kem cho Thanh anh vừa nói:

– Hình như người Việt Nam mình ít dùng kem chống nắng.

– Có chớ anh nhưng người giàu mới xài, anh nghĩ coi mua gánh bán bưng như em, hoặc những người làm cỏ, gặt mướn thì làm sao dám xài một chai kem giá mấy chục ngàn đồng.

– Vậy mà anh tưởng người mình không quen xài kem.

– Anh nói người Việt mình ưa học theo Tây mà, mấy chuyện nầy sao bỏ qua được, thoa kem không bổ da cũng cho người ta biết mình giàu và sang giống Tây.

– Vậy anh thoa cho em rồi đó trông em có giống Tây chút nào không.

Tuấn đưa chai kem qua cho Thanh:

– Em tự thoa đi.

Thanh day lại ngã mình nằm ngửa ra tảng đá:

– Sẵn thoa thì anh thoa luôn cho em.

– Anh thấy em giống Tây rồi đó, nhưng hồi nãy chỉ nhìn vô hình thôi em đòi móc mắt anh liệng bỏ, bây giờ đụng vào chắc phải chặt luôn cánh tay quá. Thanh ngồi bật dậy nhéo lên vai Tuấn một cái thiệt mạnh rồi giựt lấy chai kem vén áo vừa thoa lên ngực, lên bụng vừa nói:

– Tới ngày Chúa phán xét những người trên thế gian tay, chưn, mắt, môi, mũi, lưỡi sẽ bị thẻo trụi lủi hết.

– Bỏ tất cả vô cối quết nhuyễn nhừ như tương còn chưa thấy gì nói chi tới tay, chưn, mắt, môi, mũi, lưỡi.

– Thà một lần như vậy còn hơn sống chẳng được gi.

– Em còn ngon như vậy mà thằng Phong không biết thưởng thức, thiệt là thằng ngu.

Chợt nhiên Thanh day qua trừng mắt nhìn Tuấn:

– Anh…

Cô định nói gì đó nhưng ngưng lại, rồi kéo khăn trải lên tảng đá và nằm xuống.

Tuấn cũng nằm xuống cạnh bên, nói:

– Nằm phơi một lát rồi thu xếp đồ đạc, mình còn đi đón thằng Hùng là vừa.

 

Từ lúc trên suối về không hiểu sao, thái độ Thanh thay đổi hẳn. Cô trầm ngâm như suy nghĩ chuyện gì lung lắm. Về nhà tắm rửa thay áo quần màu trắng, cô đốt nhang bàn thờ. Không biết cô thờ ai mà không thấy hình, tượng gì hết. Chỉ thấy vài cuốn kinh Phật để cạnh bên bình bông và lư hương đầy chưn nhang. Sau khi đốt nhang cắm lên bàn thờ, cô quỳ xuống, hai gót chưn kê hai mông, hai tay để lên hai bắp đùi đầu cúi xuống, tóc xõa dài xuống lưng. Thấy cảnh tôn nghiêm quá, Tuấn bèn đi ra ngồi lên chiếc võng mắc hai đầu trên thân hai cây dừa phía sau nhà. Tuấn ngồi đu đưa trên võng nhìn hoàng hôn êm đềm trùm lên đồi núi. Chợt thằng Hùng đi ra nhờ anh chỉ nó nói vài câu chào hỏi bằng tiếng Anh. Thấy vậy anh mới hỏi nó:

– Con có muốn học tiếng Anh không?

Mắt nó sáng ngời:

– Con thích lắm nhưng không có tiền đóng học phí.

– Dượng sẽ cho con.

Nhìn thằng nhỏ như cánh chim non chập chững tập bay và thèm biết cảnh trời cao đất rộng, Tuấn nhớ bữa trước anh ghé nhà cậu ba, cậu ấy đãi anh một tiệc linh đình, sau đó cậu nói, nếu có khoảng hai chục ngàn đô cậu ấy sẽ làm giàu bằng cách nuôi tôm hùm. Và hỏi Tuấn có thể giúp cẩu không.

– Dĩ nhiên là không, Tuấn nói, cộng hết tài sản nhà tui lại cũng chưa có tới chừng đó tiền, thì lấy đâu ra mà giúp cho cậu.

Bữa tiệc linh đình nhưng có lẽ vì câu nói này nên kết cuộc không được vui vẻ cho lắm.

Tuấn vuốt đầu thằng Hùng, chỉ có mấy đứa nhỏ tâm hồn còn trong trắng, anh sẽ bàn với Thanh cố gắng vun trồng cho nó nên một người đàng hoàng. Anh nói với Hùng:

– Chuyện học hành của con, một lát nữa dượng sẽ bàn với má con, học sinh ngữ phải tới trường lớp đàng hoàng chớ học như vầy ra đường nói bậy nói bạ người ta cười.

Hùng dạ nhỏ một tiếng và mặt nó rạng rở một niềm vui.

 

Ðêm xuống ánh trăng mỏng manh như chiếc đèn cong hình lưỡi liềm hòa cùng những vì sao toả ánh sáng yếu ớt trùm lên những mái nhà lá trên bờ ruộng. Thanh tay xách chiếc đôn từ trong nhà đi ra, cô đặt chiếc đôn và ngồi xuống trước mặt hai dượng cháu. Cô nói với thằng Hùng:

– Con vô nhà học bài, xong rồi đi ngủ, để má với dượng nói chuyện.

Thằng nhỏ ngoan ngoãn, đứng dậy khoanh tay chào Tuấn rồi đi vô nhà.

– Lâu lắm nhà không có hơi đàn ông, có anh nhà ấm lại.

– Vậy sao em không bước thêm bước nữa?

– Em thương cho thằng Hùng và tội nghiệp anh Phong.

– Thằng Hùng thương thì phải rồi. Còn thằng Phong bỏ em chớ đâu phải em bỏ nó đâu mà tội nghiệp.

– Anh không hiểu anh Phong đâu, cũng tại ba má mà ảnh bỏ đi.

– Ba má làm gì nó?

– Anh coi, trong thời buổi kinh tế khó khăn, ảnh làm không ra tiền, nghèo khổ chúng em cũng cắn răng chớ không dám hỏi nhờ ai hết. Ba má không giúp tụi em gì thì thôi còn nói nầy nói nọ, mỗi lần anh chị gởi tiền về cho tụi em, em ra lấy thì ba má cứ so sánh giữa anh Phong và anh để nói hành nói tỏi riết rồi sau nầy tụi em nghe anh chị gởi tiền về cho, tụi em cũng không dám ra nhà ba má lấy nữa.

Nói tới đây Thanh gục mặt xuống hai đầu gối khóc.

Tuấn chờ cho cô dịu xuống, anh mới nói:

– Ba, má vô lý thật.

– Nhớ lại nhiều chuyện làm em khóc hoài. Trước khi gả chị Hai cho anh tuy nhà nghèo, nhưng ba má thương tụi em lắm, trên thuận dưới hòa, gia đình rất là vui vẻ. Một trái xoài xẻ ra cũng chia đều cho mỗi đứa, có khi ba má phải nhịn phần mình cho con cái ăn. Khi mưa dông kéo về, nhà bị dột, chị em trong nhà đứa xách thau hứng chỗ nầy, đứa xách thùng hứng chỗ kia, rồi ngồi co ro trong góc nhà chờ mưa tạnh.

– Nhưng chẳng lẽ vì chuyện nầy mà Phong lại bỏ em?

– Hồi sanh thằng Hùng ảnh không làm ra tiền, buộc lòng ảnh ra hỏi mượn má, má nói sao anh biết không?

– Sao?

– Má nói “hồi đó biết mầy tệ như vầy tao gả con Thanh ra nước ngoài cho nó sướng thân.” Tánh anh Phong cực khổ sao cũng được, nhưng ảnh không thể chịu được sự sỉ nhục của gia đình. Anh buồn quá trở về nhà bán miếng đất của ba ảnh để lại cho ảnh, lấy tiền giao hết cho em rồi trong đêm đó ảnh bỏ ảnh đi.

– Nhưng Phong nó đi đâu?

– Ảnh đi biệt cả năm sau mới gởi thư về cho em. Trong thư ảnh nói, ảnh tu trong một ngôi chùa ở Huế nhưng ảnh không cho em biết là chùa nào.

– Cũng tại anh cưới chị Hai em mà gia đình em đổ vỡ, nhưng em có dự định gì tương lai cho mẹ con em không?

– Nếu em tái giá chắc anh Phong buồn lắm và tội cho thằng Hùng sống với dượng ghẻ biết có được sung sướng không.

– Theo anh nghĩ, nếu Phong đi tu thiệt thì nó sẽ vui khi hay tin em lấy chồng.

– Anh Phong khuyên em nên noi theo gương công nương Yasodhara.

– Qui y như nó luôn hả? Cái thằng kỳ cục, xuất gia rồi mà còn lo lắng nhiều quá thì bao giờ mới thành chánh quả. Nhưng công nương Yasodhara ngày xưa sống trong hoàng cung, có người hầu kẻ hạ. Còn em với thằng Hùng sống nơi đồng không mông quạnh như vầy, ngoại trừ em biến nơi đây thành một cái am và em là một ni cô thật sự, chớ sống tiên không ra tiên tục không ra tục thì cũng khó cho em.

– Theo anh nói thì trong hai cách sống em nên chọn một?

– Dỉ nhiên, em chọn ra đường rồi thì em mới có hướng đi.

– Trước kia anh thấy chuyện gia đình làm chị Hai em khổ sở mặt mày lúc nào cũng cau có, đôi khi cọc cằn với anh vô cớ, hai đứa cháu em còn nhỏ xíu mà bị nó la chửi hoài, có lúc bị chị em đánh đòn. Gia đình cứ xào xáo hoài, cũng chỉ vì ba cái tiền bạc gởi nhiều gởi ít. Anh chán quá, đôi lần anh định bỏ đi, nhưng nghĩ lại anh đi rồi và ở bên nhà ba má có thay đổi được gì và gánh nặng lại trút lên mình chị Hai thêm và còn hai đứa nhỏ nữa, không có anh tụi nó lớn lên sẽ ra sao. Thay vì bỏ đi, anh ở lại nhà tìm cách dìu dắt chị em vượt qua trong lúc khó khăn. Bây giờ mọi chuyện coi như tạm ổn rồi anh cũng thấy yên tâm.

– Phải chi anh Phong nghĩ như anh thì ảnh đâu có bỏ em.

– Mỗi người có cách nghĩ khác nhau, Phong đi tu mấy năm rồi.

– Lúc thằng Hùng lên bốn tuổi.

Mười năm trôi qua, có lẽ Phong đã lên hàng đại đức.

– Nếu một đại đức hoàn tục trở về sống với em thì em nghĩ sao?

Thanh ngẩng người:

– Chuyện nầy trước tới giờ em chưa nghĩ tới.

– Vậy thì nghĩ thử coi.

– Anh Phong khuyên nên em nên tĩnh tâm, giữ năm giới của đạo Phật, nhưng nhiều lúc ngồi một mình trong căn nhà giữa đồng không mông quạnh như vầy em thấy buồn khủng khiếp.

– Nếu em chịu không được sự cô đơn thì coi ai thương mình thật lòng thì làm đám cưới với họ. Em đâu cần phải đi tu, sống ngoài đời em vẫn giữ được những giới cấm của nhà Phật.

Thấy không khí có vẻ nghiêm trang Tuấn khôi hài:

– Còn nước còn cái như em mà vô chùa thì sẽ làm mấy ông sư điên đảo hết tâm thần.

– Cái anh nầy.

– Nhưng yêu đương là chuyện riêng tư của em thì em tự tính lấy. Phần anh, anh định nhận thằng Hùng làm con nuôi, anh chị sẽ lo cho nó ăn học. Em nghĩ thế nào?

– Dượng, dì thì cũng như cha, mẹ anh tính như vậy cũng được, nhưng anh chị lo cho ba, má, còn lo cho mẹ em nữa có gánh nặng lắm không?

– Không sao, từ đây trở đi anh dồn tâm trí lo cho những đứa nhỏ, thằng Hùng cũng như con anh, hai chị nó bên bển có gì thì ở đây nó có nấy, chúng nó cần được săn sóc dạy dỗ thành một một người sống có tình có nghĩa, đừng để chúng dẫm theo cách sống của những con người đầu óc tối tăm mà tánh tình thì tham lam và bịp bợm không ai bằng.

 

Một hồi còi xe lửa vang dội núi rừng làm hai người im lặng hồi lâu. Tuấn nói:

– Kèn xe lửa lúc nào nghe cũng buồn.

Thanh nói:

– Chuyến tàu từ Hà Nội vào Thành Phố.

Ngày xưa nghe hai tiếng Hà Nội anh tưởng chừng xa thăm thẳm, bây giờ anh thấy gần xịt.

– Lần sau anh đưa chị em ra Hà Nội chơi.

– Lần sau là bao lâu?

– Tùy hoàn cảnh thôi.

– Anh có định về đây ở không?

– Đất lành thì chim đậu.

– Đất ở đây rất lành nhưng nhiều thợ săn quá sợ không giữ nổi cánh chim bạt ngàn như anh.

– Đúng hay sai gì thì cũng là quê hương.

– Chớ không phải nơi nào có tự do nơi đó mới là quê hương sao?

– Anh nghĩ, người nào nói ra câu đó thì người đó sẽ không bao giờ có được một quê hương thật sự.

Cơn gió thoáng ngang. Tuấn nghe người thấm lạnh, anh nói:

– Khuya rồi, em vô lấy chiếc nóp anh để bên góc buồng đem ra cho anh rồi em vô ngủ đi.

– Anh vô nhà ngủ, em đã giăng mùng cho anh ở phía trước, càng về khuya sương xuống càng nhiều, nằm ngoài nầy ướt hết.

– Không sao đâu, chiếc nóp của anh có thể ngủ được ngoài mưa, huống hồ chi mấy thuở mới ngủ được ngủ giữa núi đồi đồng ruộng, thêm chút sương ướt cho thắm đượm tình quê.

 

Thanh đứng lên đi vô nhà lấy chiếc nóp cuốn tròn trong chiếc túi nylong đem ra đưa cho Tuấn, cô nói:

– Anh không nghe em, anh ngủ ở đây sáng bịnh thì hết về thành phố.

– Hêt về thì ở lại chơi với mẹ con em thêm một ngày nửa.

Thanh vừa trở vô nhà vừa càu nhàu:

– Nghệ sĩ mười người hết chín đầu óc luôn lúc nào cũng có vấn đề.

 

Bao nhiêu năm sống căng thẳng trên các thành phố Tây Phương, lắm khi những tiếng động của công xưởng, xe cộ làm anh mất ngủ, nay trở về được nằm giữa đồng ruộng, núi đồi của quê hương đất nước, lòng anh êm ả vô cùng, anh bắt đầu đều hoà hơi thở theo tiếng kêu rỉ rả của côn trùng và đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị…

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng


Cái Đình - 2006