Hoàng Giang


Thấy gì qua phim “The Vietnam War” của đạo diễn Ken Burns?

.

Sau 10 năm làm việc, bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam mang tên “The Vietnam War” do hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick dàn dựng, hãng Florentine Film sản xuất, đã được PBS cho chiếu trên truyền hình tại Hoa Kỳ trong vòng hai tuần lễ cuối tháng 09.2017.

Bộ phim gồm 10 tập, tổng cộng 18 giờ. Ngoài phiên bản tiếng Anh, còn có phiên bản với phụ đề tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha.

Các tập mang tên:

1. Déjà Vu (1858 - 1961): Bóng Ma Quá Khứ. 1:25:27 giờ
2. Riding the Tiger (1961 - 1963): Cưỡi Cọp. 1:26:34 giờ
3. The River Styx (01.1964 - 12.1965): Bên Bờ Vực Tử Thần. 1:58:02 giờ
4. Resolve (01.1966 - 06.1967): Quyết Tâm. 1:57:31 giờ
5. This Is What We Do (07.1967 - 12.1967): Chuyện Đó Là Bình Thường. 1:28:24 giờ
6. Things Fall Apart (01.1968 - 07.1968): Tan Rã. 1:27:53 giờ
7. The Veneer of Civilization (06.1968 - 05.1969): Nước Sơn Văn Minh. 1:51:00 giờ
8. The History of the World (04.1969 - 05.1970): Lịch Sử Thế Giới. 1:52:15 giờ
9. A Disrespectful Loyalty (05.1970 - 03.1973): Trung Thành Nhưng Bất Kính. 1:52:38 giờ
10. The Weight of Memory (03.1973 - về sau): Ký Ức Trĩu Nặng. 1:51:02 giờ

PBS là mạng truyền thông công cộng, được thành lập từ năm 1969. Mạng lưới gồm 349 đài truyền hình thành viên ở Hoa Kỳ, bao gồm một số đài truyền hình cáp ở Canada. (website: http://www.pbs.org)

Đạo diễn Ken Burns và nữ đạo diễn Lynn Novick cho biết: để thực hiện, toán làm phim đã tiếp xúc với khoảng 1000 người từ đủ mọi thành phần có liên quan đến chiến tranh. Sau khi chọn lựa, những cuộc phỏng vấn thực hiện trên 79 người đã được sử dụng cho bộ phim.

Gần 40 năm trước đây (1980), một bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam trong khoảng thời gian 1962-1975 mang tên “Vietnam: The Ten Thousand Day War” của đạo diễn Michael Maclear với 26 tập, mỗi tập nửa tiếng (sau đúc lại thành 13 tập, mỗi tập 1 tiếng), đã gây nên một làn sóng tranh cãi “đúng/sai” ồn ào trong cộng đồng người Việt hải ngoại, tuy rằng phim đã được giải thưởng phim tài liệu thế giới hay nhất do hội National Education Association bình chọn.

Sau đó, có vài bộ phim tài liệu lớn về chiến tranh Việt Nam (Vietnam: A Television History – 1983, Last Day in Vietnam – 2013, v.v…), mỗi lần ra mắt là một lần nổi lên những tranh luận, nhưng chúng không gây sôi nổi như lần ra mắt phim The Vietnam War năm 2017. Một phần không nhỏ cũng do sự phổ thông của các dạng thông tin trên internet, như YouTube, các Forum và các trang Facebook.

Ken Burns không phải là tên tuổi xa lạ trong làng điện ảnh Hoa Kỳ. Ông đã có 40 năm kinh nghiệm với nhiều phim tài liệu lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Ông được coi là người làm phim tài liệu có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ, đã được 15 giải Emmy Awards và từng 2 lần được đề nghị giải Oscars.

Giờ đây, sau khi nhiều tài liệu mật đã được bạch hóa, cũng như qua thời gian người ta đã chín chắn nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam từ nhiều khía cạnh, cuốn phim được coi là một tổng hợp đồ sộ các tài liệu lấy từ các kho lưu trữ và những phát biểu của một số nhân chứng đã trực tiếp hay gián tiếp có liên quan: từ người phản chiến đến người lính chiến Hoa Kỳ, từ quân nhân Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa, cho đến những người dân thường và gia đình các quân nhân.

Hoàn cảnh xã hội khi cuốn phim ra đời

Năm 2017 có thể coi như hai kẻ cựu thù – Hoa Kỳ và Việt Nam – đã bắt tay nhau thắm thiết và bình thường hóa các mối quan hệ bang giao “ngoài mặt”. Bề trong thì khác. Về phía Hoa Kỳ, dư âm của cuộc chiến Việt Nam vẫn còn mang nặng dấu ấn trong xã hội qua cái gọi là “hội chứng Việt Nam” (the Vietnam syndrome), nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ mang thương tật thể xác hay tinh thần (PTSD – Hậu chấn tâm lý) mãn đời. “Chiến tranh Việt Nam thực là một cuộc nội chiến, ngay cả trong gia đình” (tập 1).

Về phía Hà Nội, đất nước thống nhất về địa lý nhưng ước muốn thống nhất lòng dân vẫn còn là ảo vọng, do bởi tính kiêu ngạo của bên thắng trận, tự mãn đã thắng cường quốc số 1 thế giới, nên mỗi năm một vài kỳ vẫn mang Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa ra bêu riếu công khai. “Chưa bao giờ dân tộc VN bị chia rẽ như bây giờ” (Nguyên Ngọc, tập 10).

Về phần Việt Nam Cộng Hòa, hơn hai triệu người đã phải bỏ hết tài sản, bỏ quê hương sống lưu vong với mối căm thù cộng sản trĩu nặng trong lòng. Cả triệu người bị tù đầy cách vô lý chỉ vì họ “trót sinh nhầm mảnh đất”. Giờ đây, họ đau xót và chua chát nhìn diễn biến trong bang giao Hoa Kỳ - Việt Nam, với chuyến viếng thăm của Bill Clinton (2010), Barack Obama (2016)… rồi bây giờ đương kim tổng thống Donald Trump cũng dành một ngày cho chuyến viếng thăm Việt Nam chớp nhoáng.

Thế giá của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua đang xuống dốc qua những vụ can thiệp chính trị hay quân sự tại các điểm nóng trên thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á, qua kinh nghiệm Việt Nam, dè dặt khi giao tiếp với Hoa Kỳ. Đúng hơn, các quốc gia này đang hướng về Trung Quốc như muốn tìm thế đối trọng. Hoa Kỳ do đó rất cần một cuộc đánh bóng bộ mặt của mình để còn có thể tiếp tục giữ nhiệm vụ cường quốc số 1 thế giới.

Cuốn phim ra mắt đúng vào thời điểm thuận lợi.

Nhân vật

Ngoài những phỏng vấn trong các đoạn phim tài liệu, bộ phim chứa đựng nhiều cuộc phỏng vấn của đoàn làm phim với các nhân vật ở nhiều phe phái và giai tầng xã hội khác nhau.

Các nhân vật Việt Nam thuộc phe CS trả lời bằng tiếng Việt, trong khi có những nhân vật thuộc phe quốc gia khi được phỏng vấn trả lời bằng tiếng Anh! Một lựa chọn thiếu cân nhắc (khi họ thông thạo tiếng Việt hơn)?

Về phía người Mỹ, vì là vai chính, nên rất dồi dào. Có những cuộc phỏng vấn các cựu thành viên OSS (như George Wickes) về khoảng thời gian tiếp xúc với HCM sau thế chiến thứ 2. Có những cuộc phỏng vấn các người biểu tình cả phe chống lẫn phe ủng hộ… Phóng viên Neih Sheehan và nhà văn kiêm nhà báo Tim O’Brien phát biểu cảm nghĩ qua các giai đoạn của cuộc chiến. Nhưng cảm động nhất là những câu chuyện của một số gia đình có người tham chiến ở Việt Nam được chêm vào đây đó, trải dài suốt khoảng thời gian chiến tranh. Đại gia đình của Denton “Mogie” Crocker cho thấy sự chuyển biến tư tưởng – từ hăng hái tòng quân tới chán nản. Hay của bác sĩ đại úy Hal Kushner, đã bị tù suốt 5 năm trong điều kiện khắc nghiệt tại Bắc Việt trong khi bà vợ ở Hoa Kỳ làm đủ mọi chuyện để tác động đến cuộc trao trả tù binh, và rốt cuộc họ lại chia tay – như bà vợ Valerie đã tiên đoán – sau khi đoàn tụ như 30% cựu chiến binh HK tại VN. Hai chiến binh TQLC Vincent Okamoto (gốc Nhật) và Roger Harris (gốc Phi) chia sẻ những cảm nghĩ của họ về sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giai cấp trong xã hội và ngay cả trong quân đội. Những câu chuyện của Thiếu úy Joan Furey, nữ y tá và cái nhìn của TQLC John Musgrave về các vấn đề xã hội tại HK cũng làm động lòng người xem…

Về phía Cộng sản VN, phe đối đầu HK trong cuộc chiến, ngoài một số tướng lãnh và cựu bộ đội, còn có những nhà văn quân đội được nhiều người biết như Bảo Ninh (tác giả “Nỗi Buồn Chiến Tranh”), Huy Đức (tác giả “Bên Thắng Cuộc”), Nguyên Ngọc (biên tập viên, nhà văn, nhà báo, cựu Tổng biên tập báo Văn Nghệ), Lê Minh Khuê (1 trong 6 nhà văn VN có tên trong Dictionary of Literary Biography của nxb. Gale - Cengage Learning).

Phía VNCH, trong những nhân vật được phỏng vấn, nổi bật có Bùi Diễm (cựu đại sứ VNCH tại HK), Lâm Quang Thi (Trung tướng, cựu Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, nguyên Tư lệnh phó QĐ1/QK1), Phan Quang Tuệ (cựu chánh án tại Tòa Di trú Liên Bang San Francisco), Dương Vân Mai-Elliot (tác giả “The Sacred Willow” – Cây Liễu Thiêng), Trần Ngọc Toàn (nhà văn, cựu TĐT/TĐ4TQLC). Hay Trần Ngọc Châu, cựu tỉnh trưởng Kiến Hòa, nơi xảy ra trận Ấp Bắc năm 1963, chiến thắng lớn đầu tiên của Việt Cộng.

Điểm qua những người được các nhà làm phim phỏng vấn, chúng ta có cảm tưởng là một số nhân vật nòng cốt có thể góp tiếng nói nặng ký mà họ có thể dễ dàng tiếp cận đã bị bỏ quên: như tiến sĩ Kissinger, nhân vật quan trọng trong thời kỳ HK chuyển hướng, bắt tay với Trung Cộng và bỏ rơi VNCH; như Bùi Tín (cựu đại tá BV, cựu phó Tổng biên tập báo Nhân dân, người biết nhiều về những vụ đấu đá trong hậu trường chính trị CSBV); như Lê Minh Đảo (cựu thiếu tướng QLVNCH, người giữ mặt trận Xuân Lộc tháng 4/1975, đồng sáng lập viên tổ chức Tập thể Chiến sĩ Việt Nam); như cựu phó TT Nguyễn Cao Kỳ (khi ông còn sống)… Nhưng theo Jennifer Schüssler, hai nhà làm phim đã đề ra một số quy tắc cho cuốn phim: không phỏng vấn các sử gia và những nhân vật nổi tiếng. Những người như John Kerry, John McCain, Henry Kissinger và Jane Fonda chỉ xuất hiện trong phim qua những hình ảnh thời sự. Chính nhà làm phim kể lại là những nhân vật đó muốn được phỏng vấn nhưng Burns từ chối một cách khéo léo.

Phản ứng

Ngay sau khi tập 1 được phát hình vào tối 17.09.2017, một làn sóng phẫn nộ đã nổi lên từ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, với lý do: Việt Nam Cộng Hòa đã bị bôi nhọ và quân lực VNCH bị gán cho nhiều tai tiếng, chưa kể gần như bị gạt hẳn ra ngoài lề. Cuộc chiến được mô tả trong phim là cuộc chiến giữa (quân đội) Hoa Kỳ và quân cộng sản.

Tiếp theo là những bài báo của những cây viết bình luận thời sự quen thuộc, những cuộc phỏng vấn các nhân vật thường xuyên hoạt động trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đều nói lên quan điểm chung: lịch sử bị bóp méo, các chính phủ miền Nam bị mạt sát, những tệ nạn của VNCH được thổi phồng trong khi những khúc phim tài liệu về quân đội cộng sản toàn là những tài liệu tuyên truyền. Những cuộc tàn sát của cộng sản trên dân lành miền nam VN như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, pháo kích trường tiểu học Cai Lậy khiến hơn 200 học sinh tử nạn… không thấy đề cập mà những hình ảnh em bé Napalm Kim Phúc, tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tên du kích Bảy Lốp Nguyễn Văn Lém v.v… được trưng lên như tội ác chiến tranh. Và trên hết: cuốn phim không nói lên được nguyên nhân vì sao có cuộc chiến, và kết cuộc của nó, đó là ngoài sự rút lui của Hoa Kỳ là thảm cảnh thuyền nhân sau ngày 30.04.1975. Như cựu đại tá Vũ Văn Lộc, người thành lập Viện Bảo tàng Quân đội (VNCH) tại San José đã kết luận trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta thua trên từng thước phim.”

Một nhân vật góp mặt trong phim – cựu đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ Bùi Diễm, trong cuộc phỏng vấn ngày 17.10.2017 của chương trình bản tin Hoa Thịnh Đốn/SBTN đã phát biểu: “Tôi hết sức khó chịu khi phải nhìn cuốn phim đó… Tôi hết sức thất vọng vì cuốn phim, bởi vì Ken Burns là một người làm phim tài liệu nổi tiếng… mà cuốn phim này cũng không khác gì mấy những cuốn phim mà cách đây hơn 20 năm chúng ta đã xem rồi…”

Tóm lại, “đây là một cuốn phim không đáng bỏ thời giờ để xem” là kết luận của họ.

Có những phát biểu tốt cho cuốn phim từ phía người Việt, nhưng số đó không nhiều. Trong buổi chiếu thử tại Lincoln, Dau Nguyen, một thành viên trong bàn thảo luận đã nói: “There are no sides in the movie. There is no American side, no North Vietnamese side. It only documents what happened, and that neutrality is important." Hay phát biểu của vài nhân vật tại Cali mà lâu nay người Việt tị nạn vẫn coi họ là những kẻ ưa khuấy rối.

Ngay cả những bạn trẻ trong nước, qua phỏng vấn, cũng bất bình khi thấy vai trò của VNCH trong bộ phim không được đề cập một cách xứng đáng. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, tại buổi họp báo hôm 21/9, trước câu hỏi của phóng viên AFP rằng “chính phủ Việt Nam đánh giá như thế nào về bộ phim và những phản ánh trong bộ phim có thực sự khách quan hay không”, đã trả lời loanh quanh – không đi thẳng vào nội dung: "Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước".

Phản ứng trong dư luận Hoa Kỳ ôn hòa hơn, dường như đa số có cảm tình với bộ phim mà họ cho là dàn dựng công phu, nhiều tư liệu, kỹ thuật quay và ghép phim tuyệt vời chen lẫn những bản nhạc thích hợp trong từng giai đoạn được dùng làm nhạc nền…; và nhất là cho họ sống lại những gì họ đã trải nghiệm khi đó, và nay có thể nhìn lại cuộc chiến mà trước đây họ chỉ được biết một phần, hay không biết. Nhưng cũng có những phê phán về sự không cân bằng trong cách đưa tài liệu, về sự lệch lạc của bộ phim (bài nhận định của Gregory Daddys trên New York Times ngày 27.09 “What Not to Learn From Vietnam”), hay không sẵn lòng giải thích chính xác lý do vì sao HK nhảy vào cuộc chiến tại VN và vì sao họ lại phải khó khăn để có thể thoát ra (bài nhận định “Past All Reason” của Andrew J. Bacevich, một cựu chiến binh HK trong những năm cuối chiến tranh VN, đăng trên The Nation ngày 19.09.2017) là vài dẫn chứng.

Như vậy sự thực ra sao?

Phải nói là khó có thể trình bày về một chủ đề phức tạp như cuộc “Chiến tranh Việt Nam” mà không đụng chạm tới một bên tham dự, vì cuộc chiến này không chỉ là cuộc chiến quân sự giành đất thuần nhất mà còn là cuộc chiến ý thức hệ và cuộc xung đột xã hội.

Rõ ràng, Ken Burns và Lynn Novick muốn đưa ra một cuốn phim gồm những tài liệu họ cho là tiêu biểu nhất để diễn tả cuộc chiến Việt Nam mà không kèm theo lời bình luận hay đánh giá. Lẽ tất nhiên, khi dự định thực hiện một phim tài liệu, các nhà viết kịch bản đã phải nghĩ sẵn trong đầu một số nét chính. Nét chính trong The Vietnam War có thể thấy rõ: đặt người Mỹ và Hoa Kỳ làm trọng tâm. Và mục đích: tìm một giải thích cho kết quả cuộc chiến, bài học có thể được rút ra, và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Bộ phim vì thế không phải là bộ phim tố cáo tội ác cộng sản hay trình bày nó như cuộc chiến giữa Thiện và Ác như đại đa số người Việt mong chờ. Mục tiêu của các nhà làm phim là trình bày những kinh nghiệm của những cá nhân đã tham dự và điểm lại những sự tổn thất, mất mát của nước Mỹ và xã hội Mỹ, nhất là về mặt tinh thần.

Rất tiếc, Ken Burns và Lynn Novick đã cố đi tìm… để rốt cuộc chỉ đưa ra (được) nửa sự thực. Chỉ để đáp ứng sách lược mới của Hoa Kỳ chăng?

Nửa sự thực có phải là sự thực?

Chắc chắn Ken và Lynn đã có đọc qua cuốn tiểu thuyết “1984” của George Orwell, nhưng trong suốt bộ phim không một lời cảnh báo về tính xác thực của những khúc phim tài liệu của cộng sản, chỉ vì các vị muốn đứng ngoài những lời phê phán của người xem. Hay là vì họ cũng không chắc là tất cả các tài liệu bên phía Hoa Kỳ đã không bị nhào nặn cho nên không dám chọn một bên. Đúng vậy. Truyền thông nào cũng có ít nhiều bóp méo để hướng dẫn dư luận, nhưng mức độ bóp méo có khác nhau. Chỉ có những người đã từng sống trong hai thể chế tự do và cộng sản mới thấu hiểu được.

Ai cũng biết là không thể nào thực hiện một cuốn phim trung thực về người dân Nga dưới thời Staline cũng như về xã hội Trung Quốc trong thời Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa. Lẽ dễ hiểu là những tài liệu không có lợi cho nhà nước đã bị xóa sạch; hoặc với những người muốn tìm hiểu thì nhà nước chỉ cho xem những gì được phép. Không có cơ quan truyền thông độc lập đúng nghĩa. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa cộng sản và tự do.

Cũng như, tuy thời gian đã phơi bày rõ ràng sự gian xảo lật lọng của CSVN từ 1954 cho tới nhiều năm sau 1975, nhưng bộ phim đã không đặt ra dấu hỏi về “thiện ý” của Hồ Chí Minh trong thời gian 1945-1956 khi ông ta cầu viện HK, người xem phim phải tự hiểu lấy.

Những tài liệu, phim ảnh về CSVN trong phim, theo kê khai, là được lấy từ Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội (Hà Nội), Thông Tấn Xã VN, Viện bảo tàng Quân khu V, Thư viện Quốc gia VN (Hà Nội), Trung tâm Lưu trữ quốc gia số II (thành phố HCM), Viện bảo tàng Đường mòn HCM, v.v… Người xem, không cần tinh ý, cũng thấy đại đa số những khúc phim này là tài liệu tuyên truyền, vì chúng mang tính khẩu hiệu hơn tính người. Trong chiến tranh, họ bắt buộc phải phát biểu đúng đường lối nhà nước vạch ra nếu không muốn bị đi tù.

Có những đoạn, theo như cung cách dựng phim tài liệu, là phải có đối chiếu. Nhưng rồi ta chỉ thấy mộ của các liệt sĩ CSVN. Còn mộ của tử sĩ VNCH đâu rồi? Đành rằng HN không muốn (hay không thể) dẫn đoàn làm phim đi thăm mộ họ một cách lấy lệ, nhưng chẳng lẽ Ken Burns và Lynn Novick ngu dại tới mức không nghĩ tới chuyện này? Hay không dám mở miệng hỏi?

Việt Nam Cộng Hòa coi như đã bị xóa sổ. Kho tư liệu coi như đã thất lạc gần hết. Phóng viên chiến trường Hoa Kỳ khi đó chỉ lo quay cho chính họ. Người Việt hải ngoại chưa gầy dựng được một kho tài liệu về cuộc chiến Việt Nam và về VNCH theo nhãn quan của họ. Những hình ảnh người chiến binh QLVNCH trong phim quá èo uột so với lượng phim ảnh của Bắc Việt và Hoa Kỳ. Chẳng biết những cố gắng thu thập phim ảnh về phía VNCH của đoàn làm phim trong suốt 10 năm tiến hành ra sao? Chỉ có thể kết luận: phim diễn tả cuộc chiến trong mắt người Mỹ, mà đối thủ của họ đương nhiên là Việt Cộng, không phải VNCH. Chưa kể cách trình bày của phim cho người ta thấy điều tréo ngoe: Hoa Kỳ chỉ đạo VNCH từ đầu đến cuối.

Trước khi Hoa Kỳ tự tiện đổ quân vào Đà Nẵng (làm trước báo sau) năm 1965, Hoa Kỳ giữ vị trí cố vấn cho quân đội VNCH. Nhưng trong phim, các cố vấn tự tung tự tác điều binh khiển tướng, không có một chi tiết nào chứng tỏ họ thông báo (phép lịch sự tối thiểu) kế hoạch hành quân đến các cấp chỉ huy QLVNCH. Hay tình báo HK thu thập đầy đủ tin CSBV chuyển quân để dự bị tấn công mà không báo cho VNCH, vì không tin tưởng sự bảo mật. Hoặc không có ý kiến của VNCH (bố trí phòng thủ Tết Mậu Thân, tập 6). Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết nội dung văn bản hiệp định Paris sau cả những cán binh VC (tập 9), v.v…

Người Việt hải ngoại xem phim bất bình là vậy. Phần mở đầu, kéo dài gần hết tập 1, theo công thức dựng phim phổ thông, là phần giới thiệu các nhân vật chính, do đó phim đã dành cho phần giới thiệu HCM khá kỹ và ca ngợi ông là người ái quốc. Cuộc cải cách ruộng đất và những chống đối chỉ được lướt qua. Người ta chờ đợi màn giới thiệu một nhân vật chính khác, là VNCH, nhưng thất vọng vì nó mờ nhạt và chính phủ Ngô Đình Diệm bị kết tội là tham nhũng và chống lại tự do, làm cho CS mộ quân được ngay cả trong những Ấp Chiến Lược!

Quân đội HK thì đánh theo kiểu dùng số liệu thống kê. “Nhưng cảm xúc của người dân không thể chuyển thành con số. Một làng được báo cáo bình định một phần, nhưng chỉ qua một đêm, VC đột nhập vào khủng bố, giết trưởng thôn, đốt nhà…”, thế là con số coi như bỏ đi (tập 4). Trung úy Philip Brady (USAID) mô tả về sự cố gắng định lượng mọi kết quả qua những con số tới mức chúng quá nhiều để có thể làm thống kê, trong khi Washington chỉ muốn nghe những báo cáo thắng thua với dẫn chứng bằng con số. Lính Mỹ không thể phân biệt ai là VNCH, ai là VC. Nhất là khi tinh thần binh sĩ xuống dốc thì dễ đưa tới tàn sát vô tội vạ. SĐ 9BB Hoa Kỳ báo cáo giết gần 11.000 VC trong vòng 6 tháng, sự thực theo điều tra hơn nửa là thường dân" (tập 7).

Có những sự kiện đã nhiều năm bị lật ngược tới mức người ta mặc nhiên chấp nhận đó là sự thực mà không ai chịu khó rà xét lại xem quả thực có phải như vậy hay không. Một sai lầm quan trọng trong cuốn phim đã dẫn nó sang bước ngoặt khác là “cuộc tổng tuyển cử thống nhất sẽ được tổ chức năm 1956” không nằm trong hiệp định Genève, mà đó là bản tuyên bố miệng sau khi hiệp định ký kết không có sự tham dự của Quốc gia VN (tiền thân của VNCH). Điều này khiến cho người không rõ văn bản hiệp định có ngay thành kiến xấu với VNCH, mặc dù nhà nước này đã được 78 nước công nhận. Đó là điều làm những cựu quân nhân QLVNCH đau xót nhất. Một triệu người bỏ chế độ CS, từ bắc chạy vào nam và QLVNCH chiến đấu để bảo vệ người dân miền nam thoát họa CS, thì nay bị coi như bù nhìn. “Thua là giặc” (1) là vậy.

Chỉ từ tập 6 (Tết Mậu Thân) trở đi, QLVNCH mới được vài lời khen thành thực: “Không đơn vị (VNCH) nào rã ngũ. Dân chúng cũng không nổi dậy” (tập 6). Quân y cứu thương, chữa trị cho cả Bắc Việt và Việt Cộng (tập 8). “Sự dũng cảm của QLVNCH trong chiến dịch mùa hẻ đỏ lửa, dù bị tấn công bởi 14 sư đoàn quân BV” (tập 9)…. Đang từ khinh thường, phóng đại sự yếu kém để khoe khoang tài năng nay chuyển sang ca tụng, nhất là kể từ thời kỳ “Việt Nam Hóa chiến tranh” 1972, nhưng đã muộn.

Có thể nói: những gì trong phim không phải là nửa sự thực, mà là những sự thực đã được gạn lọc.

Đó là chưa kể tới những ngoại cảnh của hình ảnh mà nhà đạo diễn vô tình hay cố ý không nhắc tới. Một bức hình “icon” của chiến tranh VN là hình "em bé napalm" Kim Phúc. Bức hình được giải Pulitzer là bức hình đã bị xén bớt với thông điệp ngầm “sự dã man của chiến tranh trên thường dân vô tội”. Bức hình nguyên thủy cho thấy thông điệp khác hẳn: “sự phi nhân đến vô cảm trong chiến trận”. Em bé đang gào khóc trong khi một phóng viên (Nick Út) lo chụp hình và phóng viên khác (David Burnett của Time Magazine) đang lo thay cuộn phim trong máy hình, còn những quân nhân khác thản nhiên bước đi và ngó quanh quất như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tấm hình chưa bị cắt xén (trái) và Nick Út năm 1972 với tấm hình được giải Pulitzer (phải)

Bức hình “icon” thứ hai, cũng được giải Pulitzer, là hình “Saigon Execution”, cảnh thiếu tướng Cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công Nguyễn Văn Lém không phải là sự đối xử tàn ác với tù binh mà thực ra là cuộc xử tử tên khủng bố trong thời chiến bị bắt tại trận. Điều này chính phóng viên Eddie Adams – tác giả bức hình – sau đó cũng thú nhận: “They are only half-truths”. Hai bức hình trên cho thấy ngoại cảnh có thể thay đổi nhận thức. Trong bộ phim đoạn " xử tử" này không có một lời cho biết lý do. Suốt bộ phim không thiếu những đoạn “không dẫn giải” như vậy. Nhưng đó là cách đưa tài liệu, như đạo diễn Ken Burns cho biết trong những buổi giới thiệu và chiếu ra mắt.

Nhiều người Việt vì thế đã ráng nhẫn nhịn xem hết vài tập đầu nhưng rồi cũng chịu thua vì không muốn chiếc TV bị đập bể.

Nhưng có phải vì vậy mà ta có thể đồng ý với câu kết luận của nhiều người Việt hải ngoại: “Không bõ công bỏ thời gian để xem”?

Không. Có những lý do để những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam cận đại cần (hay nên) xem bộ phim này. Nhất là 5 tập cuối, vì chúng diễn tả cuộc chiến nhìn từ nhiều phía một cách sâu sắc và đa dạng, khi mọi chuyện đã trở nên phức tạp.

Những gì thấy được qua bộ phim?

Không thể chối cãi, bộ phim là một sưu tập giá trị. Nó tóm gọn những nét chính trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, nhìn từ phía Hoa Kỳ. 18 giờ, dài gấp rưỡi thời gian bộ phim “A Television History”, cũng do PBS phát hình, chứa nhiều tài liệu hơn bất cứ phim nào về chiến tranh Việt Nam.

Người Việt trong thời gian chiến tranh không có cơ hội tiếp cận đầy đủ những thông tin về những gì xảy ra trong hậu trường chính trị hay trong xã hội Hoa Kỳ. Một phần vì hoàn cảnh, không có phương tiện truyền thanh truyền hình. Phần khác, vì có nhiều tin thời sự khi đó không được cho phổ biến vì “có hại cho tinh thần chiến đấu của binh sĩ”. Nhất là nơi những người sinh ra sau khi cuộc chiến kết thúc (khoảng 60%), họ hoàn toàn mù mờ. Cuốn phim cho họ thấy khá đầy đủ hình ảnh xã hội thời đó, nhất là về phía Mỹ.

Ngay cả những người đã biết về “phong trào biểu tình chống chiến tranh” tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ, khi xem tập 7, 8 và 9 của bộ phim giờ đây có thể nhận thấy một bối cảnh phức tạp hơn những gì họ từng nghĩ. Không phải chỉ thuần là những cuộc biểu tình rầm rộ là phản đối chiến tranh, mà còn có những cuộc biểu tình lớn đòi tạo công ăn việc làm, chính sách gia cư chèn ép người nghèo, chống bất bình đẳng giới tính, đòi công nhận dân “gay”, v.v… Chưa kể tới chuyện sợ chết tại Việt Nam khi con số thương vong tăng cùng với cường độ chiến tranh. Truyền thông “đánh giá thắng thua với tỉ lệ tổn thất ta-địch, nhưng dân Mỹ chỉ chú ý đến bao nhiêu người Mỹ chết” (tập 8).

Xáo trộn xã hội tới mức quân đội đã bắn đạn thật vào những sinh viên đang biểu tình ở Kent State (tập 8), và cờ Mặt Trận Giải Phóng cũng có cả trong đám biểu tình (tập 8) cho thấy một cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện tại HK. “Tôi thấy những người phản đối chiến tranh phản ánh bức xúc tới các đại biểu dân cử để giải quyết thông qua bộ máy chính quyền. Khi súng nổ và người chết thì rất khó để phản chiến mà không làm lợi cho địch.” (R. Reagan, khi đó là Thống đốc California, tập 8)

Có những màn tranh cãi, đấu khẩu giữa hai phía, một trong những màn đặc sắc nhất là đại úy bác sĩ Hal Kushner (từng bị tù đày khổ ải 5 năm) và một số cựu chiến binh HK chất vấn John Kerry về những tội ác của lính Mỹ mà ông ta bịa đặt hay thổi phồng (tập 9). Hay lời bà Jan Howard trả đũa các sinh viên khi họ rủ rê bà tham gia biểu tình phản chiến vì con bà tử trận: “Ừ, con trai tôi chết trận. Một trong những lý do làm con tôi chết là để các cậu có quyền biểu tình.” (tập 8).

Nhưng quan trọng hơn hết – khi tổng kết các vụ biểu tình – ta thấy một sự chuyển hướng toàn bộ tâm thức con người. Nó khởi đầu trong xã hội Mỹ (và rồi sẽ lan tràn khắp thế giới như chúng ta đã thấy): người ta đã lần lần chối bỏ những gì trước đây họ cho là mẫu mực: trật tự xã hội với những thứ bậc, quyền uy của giới lãnh đạo, nề nếp gia đình… khi mà họ không còn tin tưởng vào những nhân vật lãnh đạo qua những thủ đoạn bị vạch mặt là mưu đồ của cá nhân hay tập đoàn, phe nhóm. Thập niên ’60 là khởi đầu cho hai làn sóng: “Chống lại Quyền uy” và “cá nhân trước đã”. Hiện sinh, hippy, “giao hoan không giao chiến” (make love, not war), Woodstock… là những dấu hiệu rõ nhất về sự tự xét lại tâm thức trong giới trẻ và sự nẩy mầm của cá nhân chủ nghĩa, hiện nay đã trở thành những hiện tượng xã hội như chủ nghĩa tự do, sự phân cực chi ly đến phức tạp trong các đảng phái chính trị hay phong trào bất tuân dân sự chẳng hạn.

Rồi chúng ta cũng nghe đích xác những đoạn trao đổi trong điện thoại được ghi lại, trong đó các tướng lãnh, ngay cả các tổng thống VNCH đã bị các vị lãnh đạo HK như Nixon, Kissinger nhục mạ bằng những từ ngữ thô tục nhất, hay bị đe dọa buộc phải chiều theo họ. Hiệp định Paris thực sự chỉ là cuộc trao đổi sự rút quân của HK để đổi lấy những tù binh ngõ hầu xoa dịu đòi hỏi quyết liệt của gia đình họ, không phải là nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho VN. Qua những mật đàm trong thời Nixon được phơi bày trong bộ phim, hay chi tiết những bàn cãi, thương lượng ngoài phòng họp giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, giờ đây ta có thể có cái nhìn rộng lượng hơn cho những quyết định của chính phủ VNCH trong hai năm cuối của cuộc chiến khi ta tự đặt cho mình câu hỏi: có giải pháp nào tốt hơn không?

Nếu nhìn toàn cuộc Đông Nam Á thời thập niên 50, chỉ có VNCH áp dụng một quốc sách tương đối có dân chủ một chút khi so với các nước khác trong vùng (Bắc Việt, Liên Xô, Trung Cộng, Taiwan, Bắc Hàn, Đại Hàn, Indonesia…), nơi chính quyền áp dụng chính sách độc tài, đàn áp đối lập triệt để. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến VNCH phải trả giá cho sự lội ngược trào lưu để người dân có được 20 năm tương đối tự do.

“Trong trận chiến võ khí, bên nào đánh mà ít băn khoăn nhất thì bên đó sẽ thắng.” (Huy Đức, tập 2). Từ những thanh niên đầy lý tưởng và dũng khí như Denton “Mogie” Crocker, mới 17 tuổi đã nhất định gia nhập TQLC đã thất vọng khi đụng thực tế (tập 3). Hay J. William Fulbright từ ủng hộ sự tham chiến của HK đã quay sang chống (tập 4). Đó là vì họ còn có thể suy nghĩ về số phận con người và về bản chất cuộc chiến.

Nói chung, chỉ vì chiếc ghế quyền lực của một vài cá nhân (HK) hoặc vì một chủ nghĩa (CS) mà người Việt cả hai miền bị lôi kéo vào một cuộc tàn sát lẫn nhau. Nhà văn Bảo Ninh nói trong cuốn phim: “cuộc chiến nào cũng không có người thắng người thua, chỉ quan trọng là sau cuộc chiến bên nào còn lại mà thôi.”. Bởi vậy CSBV mới chủ trương “đánh tới người cuối cùng”, để rồi “…lịch sử sau này sẽ coi xem những cuộc hy sinh như vậy có xứng đáng không.” (tập 2).

Đó không phải là một cuộc chiến vì lý tưởng quốc gia. Đó là cuộc chiến đấu cho lý tưởng của một chủ nghĩa. Như thế có khác gì đạo quân trong những cuộc thánh chiến, hay gần đây nhất, đạo quân ISIS.

Như nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã kể là mọi cuộc chiến đều có hai lần đụng độ: một là cuộc chiến trên thực tế và một trong ký ức.

Tác động của bộ phim lên những người dân miền bắc VN.

Người Việt hải ngoại cũng như người miền nam bất bình vì bộ phim chứa đựng nhiều xuyên tạc, nhưng tác động của bộ phim lên người dân miền bắc VN chắc chắn sâu rộng hơn. Họ được “mở mắt” thấy những gì trước đây họ không ngờ tới. Phim ảnh có giá trị bằng cả ngàn lời nói.

Người Việt miền Bắc, nếu may mắn xem được bộ phim, sẽ không khó khăn thấy hai sự kiện hiển nhiên. Thứ nhất: đó là sự tự do của xã hội miền nam. Và thứ hai: sự nhân bản của kẻ thù.

Bộ mặt thị dân trong những thành phố miền Nam, cho dù những cuộc giao chiến đa phần xảy ra tại phần đất này, vẫn tươi mát hơn những nét khắc khổ, đăm chiêu của người dân Hà Nội. Những tuyên truyền của CS là dân miền Nam bị kềm kẹp khó mà chứng minh được qua bộ phim này, cho dù bộ phim đã bôi nhọ VNCH khá nhiều.

Và cho dù người ta có mỏi mắt tìm trong suốt cuộn phim đầy tài liệu do CSBV cung cấp, nhưng không thể thấy một khúc phim nào mô tả đời sống trong những vùng vừa được VC “giải phóng”.  Không có người dân nào vui mừng chào đón quân Bắc Việt. Chỉ có những bộ mặt sợ đến thất thần của người dân chạy trốn họa CS trước mắt.

Chỉ 1 đoạn ngắn trong tập 7 cũng đủ nói lên tất cả: “…Nhưng dân Saigon được tự do hơn dân miền Bắc rất nhiều. Được phát biểu chính kiến, ủng hộ hoặc phản đối chính phủ trên hàng trăm tờ báo, được biểu tình phản đối tham nhũng…”.

Rải rác trong bộ phim nhiều lần Lê Duẩn bị kết tội đã để cho cả 3 đợt tổng tấn công (1966, 1968, 1972) thất bại hoàn toàn. Bộ đội tử trận, nhiều năm sau gia đình chưa nhận giấy báo tử mà không ai dám mở miệng hỏi, trong khi đó ở HK gia đình các tử sĩ phản đối, yêu cầu cho biết (thân nhân của họ) đã hy sinh ở đâu, ngày giờ nào và đòi nhận xác (tập 9). Trong chiến trận, “con số thương vong của bên CS không bao giờ được công bố, và chưa có trận nào VN (CS) thất bại” (tập 7), thì giờ đây, qua tổng kết, 300.000 bộ đội, dân quân CSBV mất tích không tên tuổi là một con số kinh hoàng. Bảo Ninh thoát chết, sau chiến tranh về đến nhà, gia đình không dám mừng vì hàng xóm có người đi trận vẫn chưa về.

Cay đắng là giờ đây nhìn lại, “những sự hy sinh to lớn của họ có ý nghĩa gì?”. “Gia đình những cán bộ cao cấp thì chạy chọt cho con cái họ đi ngoại quốc.” (tập 7). Với những diễn giả trên sân khấu chính trị, không có bạn và thù. Chỉ có quyền lợi cá nhân và phe nhóm.

Kết luận

Đúng là “cuộc chiến đã chấm dứt nhưng tranh cãi thì không, nhất là về tính chính nghĩa của cuộc chiến” (tập 10). “The Vietnam War” vô hình chung mở lại một vết thương nhiều người muốn quên.

“Hà Nội (trong quá khứ) luôn phủ nhận việc giết hại thường dân vô tội tại Huế trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thì nay phải thú nhận: đó là một vết nhơ trong chiến tranh.” (tập 6). Và “lời xin lỗi đã nhục mạ lính HK (khi họ hồi hương) có làm gì được không? Đã muộn rồi.” (tập 10).

Chiến tranh không có ai thắng ai thua hết, chỉ có tan nát không có thắng thua gì ở đây! Chỉ có mấy ông không bao giờ đánh nhau mới bình luận bên này thắng bên kia thua”, lời phát biểu của Bảo Ninh trong những phút mở đầu bộ phim là câu nói nhận nhiều chỉ trích nhất từ phía người Việt hải ngoại. Đúng vậy, đó chỉ là một cách nói. Rõ ràng CSVN đã thắng, Mỹ đã thua còn VNCH thảm bại do thua trên chiến trường quân sự với VC và thua trên trận đấu trí với HK. Không những “người thắng không rộng lượng với kẻ thua” (Dương Vân Mai, tập 10) mà “HK đã bỏ mặc hàng triệu người VN từng tin tưởng vào họ” (tập 10) kể từ khi “HK đi tìm cô bồ mới (Trung Cộng) vì cô bồ cũ (VNCH) đã già và xấu” (tập 9).

Để khỏi mất mặt vì đã thua một nước nhược tiểu, và để gỡ gạc phần nào danh dự, có một cách tốt nhất là tôn vinh kẻ thù cho xứng tầm địch thủ. Hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick tin là sẽ đạt được mục đích này qua bộ phim “The Vietnam War”. Để thêm thắt, VNCH – bên thảm bại giờ đây không còn tiếng nói gì – nhận một cú đá hậu: bị người bạn đồng minh than phiền vì bị VNCH đâm sau lưng. “Có lúc người Mỹ nghĩ là đã chọn lầm phe, vì Bắc Việt dũng cảm” (tập 7). Hay “trong lúc chúng tôi đánh nhau với VC ở phía Tây thì ở phía Đông họ đánh lẫn nhau” (chỉ vụ biến động miền Trung, tập 3).

Cuối phim, dựa vào những đoạn quay cảnh Tom Vallely vào năm 1985, cũng như những cựu quân nhân HK khác, về VN làm công tác xã hội hay thăm các bộ đội Bắc Việt đã giải ngũ, thân mật cười giỡn với họ, nhiều người đã kết luận là mục đích của bộ phim chính là cổ võ sự hòa giải. Thực ra kết luận này thiếu cơ sở hỗ trợ. Suốt bộ phim, người ta không tìm được dấu tích sự hận thù CSVN của các chiến binh HK, ngoại trừ sự "hăng máu tuổi trẻ" của TQLC Bill Ehrhart "12 tháng chưa bắn được tên VC nào nên Tết Mậu Thân tình nguyện ra tiền tuyến để tìm VC bắn." (tập 6). Còn hiện nay ở VN, các quan chức và nhiều người lắm bạc nhiều tiền đều tìm cách mua nhà, gởi con đi học hay tìm cách định cư ở Mỹ và các nước Âu châu. Như thế thì làm gì có chuyện hận thù cần hàn gắn giữa HK và VN. Hòa giải giữa người Việt với nhau thì không có chỗ đứng trong một phim làm cho Mỹ xem!

Hai chủ đích chính của The Vietnam War như thế chỉ là: thứ nhất, một phim tài liệu cho thế hệ sau tra cứu theo chiều hướng tái lập lịch sử khéo sắp đặt để trả lời cho xuôi khi người ta đặt câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra thế?…”. “…Giờ đây, điều mà đất nước này (HK) cần là hàn gắn vết thương và gác VN vào quá khứ” (tập 1); và thứ hai: nói lên bản chất thực của chiến tranh là ngoài độc ác còn vô lý, phi nhân. “Con người không phải vì tử tế mà trở thành giống loài thượng đẳng” (TQLC Karl Marlantes, tập 1).

Có lẽ khi thực hiện dự án, đoàn làm phim nên đặt tựa là “America in The Vietnam War” (Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam), chính xác hơn.

Điều nguy hại nhất – cho người Việt chúng ta – là bộ phim này đưa ra những sự thực khó phản bác (dù đó chỉ là những sự thực được chọn lọc), để rồi trong tương lai sẽ trở thành một tài liệu chính thống khi người ta muốn tìm hiểu lịch sử. Những miếng puzzle còn lại – mảng tối bên kia – là những điều con cháu ta có thể sẽ muốn được soi rọi thêm. Khi đó, muốn giúp chúng tìm những mảnh đã mất để có được hình ảnh trung thực cuộc chiến Việt Nam từ mọi phía, ta phải biết bức hình puzzle dang dở ra sao. Đó là lý do vì sao ta không nên coi thường bộ phim này.

.

Hoàng Giang

_____

(1) Lấy từ tựa tác phẩm “Losers are Pirates: A Close Look at PBS Series “Vietnam: A Television History” của James Banerian.


Cái Đình - 2017