Lê Ngọc Vân
Vì sao chẳng có ai thành công trong việc chấm dứt xung đột ở Gaza: ‘Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Do Thái là điều không thể nghi ngờ’
Một đền thờ Hồi giáo bị tàn phá trong cuộc xâm lăng
của Israel vào Gaza. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Cuộc chiến ở Gaza tất nhiên rồi sẽ kết thúc vào một lúc nào đó. Nhưng có vẻ như điều đó hoàn toàn không xảy ra vào lúc này. Trên thực tế, có vẻ như không ai làm gì để đảo ngược tình trạng khốn khổ này. Và tại sao EU không hành động? Các chuyên gia cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phức tạp của các bên, lợi ích và những khả năng không (hoặc có) thể xảy ra trong cuộc chiến này.
Không phải là không có người chỉ trích những gì đang diễn ra ở Gaza, nhà báo Jack Khoury (của tờ Haaretz của Israel) mới đây đã thở dài ngán ngẩm trong mục nhận định của mình. Chỉ trích thì có đầy rẫy. Nhưng ngoài những điều đó, thì chẳng có bao nhiêu chuyện diễn ra. Ông viết: “Những phê phán kết tội có thể đoán trước được đã trở thành một trong những triệu chứng của cuộc chiến này. Mỗi sự việc đều nằm trong một khuôn mẫu cố định. Một cuộc tấn công của Israel, rồi hình ảnh những xác cháy thành than và người bị thương, sự hỗn loạn trong các bệnh viện quá tải và sau đó là những lời giải thích trái ngược nhau về những gì đã xảy ra. Hamas tố cáo việc tiếp tục giết hại dân thường và kêu gọi can thiệp, Israel nói rằng họ chỉ nhắm vào những kẻ khủng bố. Sau đó là lời lên án trút xuống tới tấp như mưa rồi mọi người lại bước tiếp.”
Cuộc chiến này không còn có thể được mô tả bằng từ 'phức tạp' nữa. Có hai bên đánh nhau; có hàng xóm can thiệp; có đồng minh cung cấp tiền và vũ khí; rồi lại có những đồng minh cũng không thèm biết tới; và có những quốc gia vẫn hoàn toàn thấy cách này là ổn thỏa. Vậy: ai phải ra tay hoặc người đó có thể làm gì? Và tại sao không có gì xảy ra cả?
Đầu tiên là câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng đó. Ông Peter Malcontent của Đại học Utrecht, người thông hiểu về cuộc xung đột Palestine-Israel, cho biết: “Không phải là hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra cả. Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua các nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn và chấp nhận kế hoạch hòa bình của Mỹ. EU và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cấp lãnh đạo nhóm người định cư ở Bờ Tây. Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế muốn ban hành lệnh bắt giữ Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và một số lãnh đạo Hamas, bao gồm cả Yahya Sinwar nữa. Đó không phải là một thành tích nhỏ. Nhưng nó còn quá ít.”
Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế muốn có lệnh bắt giữ nhiều người,
trong đó có lãnh đạo Hamas – Yahya, và Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: AFP
Mỹ
Trong cuộc xung đột này, mọi người chủ yếu trông cậy vào Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel. Nếu có ai đó có thể gọi điện cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu để ra lệnh thì đó chính là nhân vật ở Washington. Có sự chỉ trích mạnh mẽ từ Nhà Trắng, nhưng dòng vũ khí và tiền bạc không thực sự bị cạn. Chỉ có một lô hàng vũ khí (tạm thời) bị giữ lại.
Ông Malcontent nói: “Rất dễ để chỉ trích Hoa Kỳ, nhưng vị thế của họ thực sự rất phức tạp”. Trung Đông có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Washington. Trong lòng đất có dầu, và có kẻ thù nguy hiểm đang rình rập (Iran), có các tuyến đường thương mại và các cường quốc khác cũng đang cố gắng giành được chỗ đứng ở đó. Rồi thêm vào đó là những giá trị dân chủ được chia sẻ và rõ ràng là: sự ủng hộ dành cho Israel là điều không thể nghi ngờ.
Điều này cũng đúng cho chính trị trong nội bộ Hoa Kỳ. Hai nhóm cử tri rất lớn đã cống hiến cả trái tim và khối óc cho Israel: người Do Thái và những người theo đạo Tin Lành. Khối người thứ nhất chủ yếu bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, nhóm người thứ nhì chủ yếu bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa. Do đó, cả hai bên không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ Israel. Nếu không làm thế, họ sẽ phải trả giá đắt bằng rất nhiều lá phiếu.
“Hoa Kỳ đang nằm trong hố chia rẽ,” ông Malcontent nói. "Họ đã từng không mong muốn một cuộc chiến ở Gaza, nhưng giờ đây họ cũng không thể phủi tay và quay lưng lại với nó. Họ chủ yếu cố gắng gây áp lực lên Israel về mặt ngoại giao. Nếu đi xa hơn, họ có nguy cơ làm suy yếu Israel và mời gọi các nước khác tấn công”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc trò chuyện với người đồng cấp của Qatar,
Mohammed bin Abdulaziz al-Khulaifi tại Doha vào cuối tháng trước. Ảnh: AFP
Liên Hiệp Quốc
Một nhân viên của một tổ chức viện trợ quốc tế đã phát biểu với tờ báo này như sau: “LHQ làm những gì họ có thể làm, chắc chắn là khi ta nói đến viện trợ nhân đạo. Nhưng nói cho cùng, nó chẳng qua là một tập hợp công chức mà thôi.” Chúng tôi mong đợi quá nhiều từ Liên Hiệp Quốc, ông Malcontent cũng đồng tình. “Một số người coi đó là một chính phủ thế giới, nhưng tất nhiên không phải vậy. Chính trị quốc tế phần lớn vẫn còn vô chính phủ. Bạn có thể ký kết các hiệp ước và đưa ra những lời hứa, nhưng việc kiểm soát việc tuân thủ chúng là rất hạn chế. Cung cấp các giúp đỡ là điều thực sự duy nhất. Và điều đó vốn đã rất khó khăn vì Israel vốn không thích được giúp đỡ”.
Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất có thể thực sự tạo ra một cái gì có ý nghĩa. Nhưng các nước lớn, vốn là một phần thường trực của hội đồng này (bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga) hầu như luôn bất đồng với nhau về nguyên tắc. Quyền phủ quyết của họ làm cho hội đồng hoạt động kém hiệu năng và kém hiệu quả.
Liên minh châu Âu
“EU từ lâu đã có thể làm được nhiều hơn thế,” ông Malcontent nói. “Nhưng họ không làm vậy. Điều đó rất có thể là do Trung Đông giáp châu Âu, và điều quan trọng là phải có hòa bình ở vùng ngoại biên (biên giới ngoài cùng của khối EU). Suy cho cùng, chúng tôi cũng ủng hộ việc can thiệp vào Ukraine”.
Vấn đề ở đây: làm thế nào để 27 người cùng quay về một hướng. Đôi khi điều này thực hiện được, chẳng hạn như khi hỗ trợ tài chính cho Chính quyền Palestine. Ông Malcoltent phát biểu: "Bằng cách này, chúng tôi tiếp tục tạo môi trường cho một nhà nước Palestine có cơ phục hồi. Bất chấp mọi lời chỉ trích, chúng tôi vẫn tiếp tục việc này.”
Thực sự có những phương tiện gây áp lực và một số trong các phương tiện này đã được sử dụng. Ví dụ, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với các nhà lãnh đạo của các khu họ chiếm đóng ở Bờ Tây. Thỏa thuận liên kết với Israel (trong số những điều khác, mang lại cho đất nước những lợi ích thương mại) cũng đột nhiên được mang ra bàn cãi. “Điều đó bây giờ với người Palestine chẳng có ích lợi gì nữa cả, nhưng thật đặc biệt: vấn đề này trong nhiều năm đã không còn là chủ đề được đề cập đến.”
Sự chia rẽ trong nội bộ EU quá lớn để có thể thực sự làm điều gì đó cho cuộc chiến ở Gaza. Lấy thí dụ, Đức, thành viên lớn nhất EU, sẽ luôn duy trì sự bảo vệ Israel (vì lý do lịch sử). Trong khi đó, Tây Ban Nha, Slovenia và Ireland chính thức công nhận Palestina là một quốc gia. Và nhiều nhà bình luận chắc chắn không coi trọng EU khi mà một Ủy viên tuyên bố trong những ngày sau 'ngày 7 tháng 10' rằng ông sẽ đình chỉ mọi viện trợ cho Chính quyền Palestine, thì người khác vài giờ sau đó nói rằng viện trợ sẽ được cung cấp 'miễn là cần thiết' sẽ được tiếp tục.
Người duy nhất từ trước tới giờ chỉ trích cả Israel lẫn Hamas là Josep Borrell (Đại diện cấp cao về đối ngoại). “Nhưng,” một nhân viên lo việc cứu trợ đã lưu ý chúng tôi một cách tế nhị: “Những gì ông ấy nói không hề mang một tính ràng buộc nào cả.”
Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, Josep Borrell (phải), đã có cuộc hội đàm
với Ahmed Aboul Gheit, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, vào đầu tuần này. Ảnh: AFP
Các lân bang Ả Rập
Các nước Ả Rập trong khu vực, trong nhiều năm, đã lên tiếng thể hiện tình đoàn kết với người Palestine. Nhưng điều đó ngày càng trở thành thứ gì đó dành cho sân khấu: dân 'Ả Rập ngoài đường phố' (ám chỉ những người bình thường) đồng tâm đồng cảm với người Palestine, nên các nhà lãnh đạo không còn lựa chọn nào khác hơn việc gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, trong thực tế, không có nhiều chuyện xảy ra. Hay là, như nhân viên lo việc cứu trợ nói: “Với những người bạn như vậy, người Palestine không cần kẻ thù”.
Các quốc gia như Ai Cập, Maroc, Bahrain, Ả Rập Saudi, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ tốt hơn với Israel và do đó cũng với Mỹ. Khá tầm thường, điều này chủ yếu liên quan đến tiền bạc và thương mại. Ví dụ, Ả Rập Saudi đã đình chỉ các cuộc đàm phán hòa bình với Israel vì chiến tranh, nhưng cánh cửa chắc chắn không đóng lại.
Các nước láng giềng, đặc biệt là Qatar, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas. Không phải vì sự đau khổ của người Palestine mà là vì họ muốn ngăn chặn một cuộc chiến tranh lớn hơn (tất nhiên là có hỗn loạn và khủng hoảng đi theo). Điều không ai muốn nói đến là việc tiếp nhận người tị nạn từ Gaza. Nước láng giềng trực tiếp Ai Cập từ chối mở cửa biên giới, mặc dù điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân Gaza. Lý do rất đơn giản: ai nấy đều sợ rằng họ sẽ không bao giờ rời bỏ nơi họ tị nạn.
Israel và Hamas
Câu chuyện này kết thúc ở nơi mà đúng ra nó phải bắt đầu. Chiến tranh sẽ chỉ dừng lại nếu hai bên tham chiến muốn điều đó (hoặc nếu một bên thắng). Tuy nhiên, ông Netanyahu đã thề sẽ tiêu diệt Hamas và giải cứu toàn bộ con tin. Giờ đây cũng rõ ràng rằng Hamas sẽ không bị cản trở bởi số lượng lớn thường dân bị thương vong và sẽ tiếp tục cho đến cuối cùng (bất kể nó sẽ ra sao). Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai bên hầu như không mang lại kết quả gì, ngoài việc trao đổi tù nhân. Ông Malcontent nói: “Họ thực sự muốn hòa bình, nhưng chỉ theo những điều kiện của riêng họ. Điều đó tất nhiên là khó khăn.”
Nguyên tác: Waarom niemand erin slaagt om conflict in Gaza te stoppen: ‘Steun VS aan Israël is boven alle twijfel verheven’ – Mark van Assen. (Algemeen Dagblad, 12-09-2024).
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/visaochangcoaithanhcong.html