Minh Hạnh


Có thể nào sắp tới đây ly hôn sẽ thành tiêu chuẩn mới? ‘Sẽ có thêm nhiều người phải chia tay nhau’

Trong số mười cuộc hôn nhân thì có bốn sa lầy. Mới đây, nhà triết học Stine Jensen đã viết:
“Ly hôn giờ đây là tiêu chuẩn”. Một nhà đạo đức học, một triết gia và các chuyên gia thâm niên
tìm hiểu về tiêu chuẩn vừa được xướng ra này.

©Suzan Hijink

Theo nhà đạo đức học Petruschka Schaafsma, thuộc Đại học Thần học Tin lành, vấn đề ly hôn là vấn đề hiện đại của tình yêu. “Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng ta đã được nuôi dưỡng cho khôn lớn với hai giá trị: bạn phải tự lựa chọn và định hình cuộc sống của mình, và bạn phải tự lập và độc lập. Điều đó đã đưa chúng ta tiến bộ, nhưng nó lại làm cho chúng ta có thể ứng phó tệ hại với sự phụ thuộc và với những thứ ta không có quyền lựa chọn, là những hoàn cảnh thực tế. Vậy là tôi tự hỏi mình: có gì cản ta khi bị lệ thuộc vào nhau? Vì con cái mà phải ở cùng nhau chăng? Con cái không phải là một sự lựa chọn, bởi vì bạn không biết phải chọn cái gì. Cũng như bạn không biết mình đang lựa chọn điều gì nếu bạn nói: đây hẳn là người sẽ đi cùng tôi cho đến cuối đời. ”

“Chúng ta đang phải tự luyện tập lại cách thức làm sao kết hợp những giá trị mới đó với thực tế. Bạn có thể nghĩ: ê, cái bạn đang đi đó coi hay quá đi, làm cách nào bắt cặp được, thế nhưng bạn đã có sẵn mối quan hệ và vì vậy bạn đã không làm điều đó,” bà Schaafsma nói.

'Triết gia tình yêu' Jan Drost cũng đã chỉ rõ điều này trong cuốn sách về ly hôn Khi Tình Yêu Đã Nguội (Als De Liefde Voorbij Is) (2017) của ông. “Chúng ta đã được học cách nhìn thế giới như thể đó là một cửa hàng hoặc một cuốn danh mục, chúng ta luôn sục tìm món hàng tốt nhất, và luôn luôn giữ biên nhận trả tiền. Nếu chiếc xe hoặc điện thoại hay người mà ta yêu thương làm cho ta thất vọng thì ta có thể đổi lấy cái khác tốt hơn.” Chúng ta là ‘người tiêu dùng trong chợ tình’. “Và điều đó dẫn đến tai họa trong quan hệ.”

Drost đang kịch liệt chống lại sự cám dỗ của ‘văn hóa biên nhận’ đó – phong cách cho phép bạn lúc nào cũng có thể đổi món quà sinh nhật lấy món khác. “Địa ngục trong tình yêu, nó không nhất thiết phải là những thứ khác, mà địa ngục trong tình yêu là nó cho các lựa chọn của bạn luôn được để mở.” Qua đó ông châm ngòi cho mạng Tinder bùng cháy, và hy vọng rằng việc tắt cái ứng dụng hẹn hò này sẽ trở thành một nghi thức của thế kỷ 21 trong các mối quan hệ mới – mà biết đâu tình cờ chúng lại có thể bắt nguồn từ ứng dụng đó.

Một hình thái đầu hàng

Bà Schaafsma có nói là: Trong ‘màn tập dượt cho tiết mục ly hôn’ thường dội lên động lực thúc đẩy tiến trình phát triển: làm thế nào bạn có thể tiếp tục lớn khôn như một con người nếu bạn ở bên nhau từ 19 đến 90 tuổi? Mỗi giai đoạn của cuộc sống đều có những nhu cầu mới, với một bạn đời, có phải vậy không? “Đúng vậy, bạn có thể sục sạo trong Tinder, hoặc tìm một bạn đời mới, vì nếu không, bạn không thể khôn lớn được. Đó là một phần của con người hiện đại, những sinh vật có tự chủ trong lựa chọn trong suốt cuộc sống. Mặt tối của nó là người ta vì vậy sẽ phải chia tay. Tôi không muốn biến điều đó thành chuẩn mực. Tôi nghĩ đó là một hình thái đầu hàng được tập trung vào giai đoạn hậu ly hôn. Tại sao chúng ta không làm gì thêm để phòng ngừa nó?”

Tình yêu trong thời của Tinder gợi ra trong ta rằng có rất nhiều sự chuyển đổi. Nhưng dù có rất nhiều vụ ly hôn, bà Schaafsma vẫn nghi ngờ là không rõ tính hữu hạn của các mối quan hệ đã thực sự ngấm sâu vào trong xã hội thành một chuẩn mực hay chưa. “Tiêu chuẩn vẫn là ‘sống bên nhau’. Bà Stine Jensen viết rằng con gái của bà, ngay cả sau khi cha mẹ ly hôn, vẫn bám lấy lý tưởng là mãi mãi vẫn chỉ một người. Cô nàng có lý, không có người nào khi lấy nhau là tính ngay đến chuyện: rồi chẳng bao lâu mình sẽ bỏ nhau? ”

Điều này được xác nhận bởi giáo sư triết Frank Hindriks của đại học Groningen. Ngay cả ông cũng không tạo các mối quan hệ để rồi kết thúc nó – vì vậy ly hôn không phải là chuẩn mực, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

Vào năm 2017, ông Hindriks, trong tuyển tập Nghịch Lý của Tình Yêu (De Liefdesparadox), đã mô tả tình yêu là sự chia sẻ ‘giá trị của sự ràng buộc’, được hỗ trợ bởi ‘chuẩn mực của sự ràng buộc’. “Những giá trị đó bao gồm sự dịu dàng, ai cũng có khuyết điểm, và tình dục. Chuẩn mực có thể là một vợ một chồng, nhưng cũng có thể là chia sẻ sự thân mật với những người khác, là đa ái. Mỗi người đều có sở thích riêng của họ. Chuẩn mực mà những người yêu nhau ở bên nhau qua những bước thăng trầm, khi bệnh tật và lúc khỏe mạnh, cũng như trong thời nghèo khó và lúc giàu sang, chứa đựng một khái niệm về sự chung thủy không nhất thiết phải một vợ một chồng. Tại sao bạn lại đi vào một giới hạn như vậy? "

Ông Hindriks không coi ‘ly hôn là chuẩn mực’ là đúng đắn. Tốt hơn hết là bạn thấy trước được sự đổ vỡ. “Xe của bạn được kiểm tra mỗi 10.000 km, tại sao bạn không làm vậy với mối quan hệ? Bạn hơi ngớ ngẩn rồi đó. Khi bắt đầu bước vào một mối quan hệ, tôi đã bàn trong vài tháng đầu rằng hai năm nữa chúng tôi sẽ nói chuyện với chuyên gia tư vấn hôn nhân. Bất kể là mọi việc đang diễn ra như thế nào đi nữa. Bạn cũng phải sơn nhà vài năm một lần đấy chứ”.

Ngày hết hạn của mối quan hệ

Bà Schaafsma cho rằng bạn nên học cách duy trì và đánh giá cao mối quan hệ. Ông Hindriks lại đưa ra phương cách một thử nghiệm với ‘ngày hết hạn của mối quan hệ’. “Cha mẹ tôi là những người đầu tiên trong nhóm đi nhà thờ của họ đã chia tay nhau. Thời đó, đây là một thảm kịch. Bây giờ ly hôn là bạn đã đạt được mục đích. Tôi tin vào sự hữu hạn của các mối quan hệ. Đôi khi chúng gặp rắc rối chỉ vì sự lười biếng, sau đó người ta hầu như không quan hệ tình dục nữa và họ không tiêu tốn sức lực để lo cho nhau nữa. Tuy nhiên, họ không chịu cho rằng mối quan hệ của họ đã kết thúc. Đó là lý do tại sao tôi đưa ra đề nghị: sau năm năm, thị xã nơi đã làm thủ tục đăng ký kết hôn sẽ gửi thư tới với lời nhắn: ‘Mối quan hệ của bạn sắp kết thúc. Bạn có thể chọn cách gia hạn nó thêm 5 năm nữa, nhưng không cần thiết phải làm như vậy.’”

“Điều đó sẽ làm tăng sự nhận thức một cách đáng kể”, ông Hindriks nghĩ. “Và nó cũng giảm bớt áp lực cho các mối quan hệ. Bạn phải chịu đựng năm năm, và nếu muốn tiếp tục, bạn phải làm cái gì đó. Đừng hiểu lầm tôi, tôi biết những người đã có hạnh phúc bên nhau hàng chục năm, vì vậy điều đó là có thể xảy ra. Nhưng nếu cứ lười lĩnh, ỷ y coi thường thì đó là một tai hại cho mối quan hệ. Vì vậy, điều đó có thể là một sự nhẹ nhõm là bạn có thể thấy nó không còn cần thiết nữa.”

Ở mốc thời gian mỗi 5 năm, các cặp đôi cũng có thể chọn thay đổi chuẩn mực, chẳng hạn bằng cách từ bỏ thỏa thuận một vợ một chồng. “Tôi biết những người có một bạn đời chính và các mối quan hệ phụ để có thể thay đổi. Miễn là bạn công khai nó. Không ai muốn gian dối cả”.

Anne Buiskool, người hướng dẫn các thủ tục ly hôn: ‘Buổi lễ trọng đại cuối cùng trông giống như một đám cưới’

“Trong nền văn hóa của chúng ta, chúng ta không được học rằng có sự khác biệt giữa những gì bạn làm và bạn là ai. Đó là lý do tại sao mọi người, khi họ mắc lỗi là bắt đầu nghĩ: ồ, tôi không ổn, tôi sai rồi. Tôi cố gắng nói rõ trong các cuộc trò chuyện rằng mọi người đã làm những gì họ đã có thể làm. Khi ly hôn, là bạn đã cố gắng làm mọi cách để cứu vãn mối quan hệ của mình. Có những điều bạn hối tiếc, nhưng bạn có thể nhận trách nhiệm cho những điều đó. Sau khi ly hôn, bạn có thể trở thành cha mẹ tốt hoặc ngay cả có thể trở thành bạn bè.

Tôi đã hướng dẫn các thủ tục ly hôn từ năm 2011. Đầu tiên là thực hiện chúng như các nghi lễ riêng biệt, nhưng bây giờ chúng là một phần của phương pháp Schip. Đó là một lộ trình trong đó bạn học cách chuyển những người bạn đời khi đang yêu thành những người bạn đời trong nhiệm vụ làm cha mẹ. Phương pháp này cũng bao gồm một nghi lễ. Người ta tổ chức những chuyện như vậy rất khác nhau; buổi lễ trọng đại cuối cùng rất giống đám cưới của những người ly hôn. Họ ăn bánh mì do con cái họ nướng, cùng nhau cắt dây ruy-băng, cho trích máu và để máu chảy xuống cát như một biểu tượng của sự kiện rằng họ sẽ mãi là cha mẹ.

Tôi cũng từng có lần hướng dẫn người ta viết thư cho nhau và sau đó họ đã cùng nhau đốt nó. Cũng có sự biết ơn; các bạn cũng muốn cảm ơn nhau vì những phẩm chất của người kia và những khoảng thời gian tốt đẹp mà các bạn đã có với nhau.”

Daniëlla den Iseger, hòa giải viên và luật gia: ‘Đôi khi có vẻ như bạn đời của bạn phải có thể làm được mọi thứ’

“Trước khi lập văn phòng riêng, tôi là cảnh sát. Chính ở đó, tôi phát hiện ra là mình quan tâm đến những mối xung đột. Quan điểm của tôi là xung đột nảy sinh bởi vì chúng ta mang trong mình những mất mát chưa thể giải quyết: những vết thương nào đó còn hở miệng trong cuộc sống của một ai đó, có thể đó là bệnh tật hoặc cái chết của một người thân, bị cha mẹ lạnh nhạt hoặc một giấc mơ mà bạn đã phải quên nó đi. Ví dụ, nếu ai đó gặp căng thẳng trong cuộc sống, thì người đó có thể bị đưa đến xung đột.

Đối tác của bạn nhìn thấy bạn hàng ngày và họ có thể là cái mầm gợi nên sự mất mát. Điều này có thể dẫn đến những cuộc cãi vã và cuối cùng là ly hôn. Với tư cách là người hòa giải, tôi đã thành công giúp người ta ‘tách rời’ ra khỏi mối quan hệ của họ.

Một cuộc khủng hoảng làm hiển thị những gì đã có, hoặc những gì còn thiếu giữa mọi người. Trong giai đoạn đầu tiên của Covid-19, mọi người vẫn còn chần chừ trong việc đưa ra các quyết định lớn, bây giờ mọi người đang đưa ra quyết định. Tôi cũng thấy những tình huống đáng buồn. Ví dụ, những người buộc phải sống trong túp lều sau khi ly hôn vì thị trường nhà cửa bị đứng chựng.

Với vai trò của mình, tôi không có nhận định về việc người ta chia tay nhau. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta hiểu rõ hơn về sự đau buồn chưa được giải quyết có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào, chúng ta có thể bắt đầu nghĩ khác về các mối quan hệ và sự ly hôn. Có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ về những kỳ vọng mà chúng ta dành cho người khác. Đôi khi có vẻ như người bạn đời của bạn phải có thể làm được mọi thứ. Khó đấy.

Tôi là con của hai vợ chồng đã kiện tụng suốt 34 năm để ly hôn. Vì điều này mà tôi đã mất liên lạc với cha tôi trong 30 năm. Bây giờ tôi biết: bạn có thể phục hồi trái tim của mình và trải nghiệm được hạnh phúc trong tình yêu bằng sự chăm chỉ. ”

Danielle Duthler hoàn toàn thỏa mãn khi ly hôn: 'Nhiều người nên chia tay hơn'

“Tôi thấy hài lòng 300% với quyết định ly hôn người bạn đời của mình. Tôi rất vui vì chúng tôi đã không chờ đợi quá lâu, mà đã quyết định dứt khoát. Kết quả là mối quan hệ giữa tôi và người yêu cũ đã không bị hủy hoại vì quyết định đó. Con trai tôi bây giờ có hai bố mẹ hạnh phúc, những người thực sự có thể nói chuyện với nhau, không chỉ về những thứ bị bắt buộc.

Đừng xem nhẹ quyết định ly hôn. Nhưng tôi thực sự tin rằng ly hôn không hẳn là một thảm họa. Theo tôi, quan điểm chung về ly hôn là hơi quá nặng nề.

Mọi người thường có ấn tượng rằng những đứa trẻ bị vướng vào rất nhiều nỗi đau từ cuộc ly hôn. Cha mẹ nào mà nghịch tính với nhau thì con cái quả là khổ sở vì điều đó. Nhưng ly hôn tự nó không hẳn là nguyên nhân đưa tới chuyện này; thường thì sự khổ đau đã diễn ra trước đó rồi. Nhiều người nên chia tay trước khi mối quan hệ của họ bị phá tan.

Chúng tôi đã chia tay nhau được một năm, sau khi chung sống bên nhau tám năm. Tất nhiên, khi chúng tôi kết hôn, tôi nghĩ đó là mãi mãi, mặc dù tôi biết thực tế là có rất nhiều người cuối cùng rồi sẽ ly hôn.

Người yêu cũ của tôi là một người biết tôn trọng người khác, đó là lý do tại sao quá trình của chúng tôi diễn ra rất tốt đẹp. Anh ấy cũng không bao giờ tỏ ra tiêu cực một chút nào với tôi sau khi ly hôn. Tôi tự cho mình là người may mắn vì chúng tôi đã làm được theo cách này”.

.

Nguyên tác: Kan scheiden straks de nieuwe norm zijn? ‘Meer mensen zouden uit elkaar moeten gaan’ –
Lodewijk Dros & Robin Goudsmit. Trouw, 16.12.2021
Người dịch: Minh Hạnh

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/cothenaosaptoiday.htm


Cái Đình - 2022