nguyễn như mÂy


Cái chết của con chó ghẻ

   

<====    Tranh: Francisco de Goya

   

Con chó ghẻ đã chết. Nó là một con chó cái nghe nói đã sinh nở mấy lần rồi. Con của nó được người ta chia nhau đem về nuôi trong nhiều gia đình của khu phố này. Nhưng giờ chúng hoàn toàn không hề hay biết rằng bà mẹ già của mình mới vừa chết sáng nay!

Ai cũng gọi nó là “con chó ghẻ” thay vì gọi tên nó là Lu hay Mina như bao đời nay người ta đặt tên con chó nhà mình cho dễ gọi. Khắp thân hình nó đầy ghẻ, một loại ghẻ lở do ăn ở trong những bờ bụi mất vệ sinh lâu ngày nên vi trùng đã sinh sôi nẩy nở bám đầy da đầy thịt làm sạch trụi hết lông trên mình nó. Vì chưa có một ai trong khu phố đến gần nó nên người ta chỉ cho rằng nó bị ghẻ và thấy cần phải xa lánh để khỏi bị lây nhiễm! Nhưng sáng nay nó đã trút hơi thở cuối cùng bên cái miệng cống của đường phố vốn cũng chẳng sạch sẽ chi. Không có một ai biết vì lý do gì mà con chó ghẻ phải lìa bỏ cõi đời ô trọc này!.. Hai mắt nó không chịu nhắm lại khi chết. Đám người đứng coi hồi lâu rồi nói chắc là nó còn muốn “nuối” các con mình. Nhưng những con chó mà từ xưa đều do một mình nó sinh ra bây giờ sống như con cưng của những gia đình giàu có trong khu phố. Có con như muốn làm ra vẻ thương hại nên đã cố gắng dừng chân đứng lại ngửi ngửi gì đó khi thấy đồng loại nằm chết ở vệ đường rồi lặng lẽ bỏ đi như một kẻ bàng quang đi ngang qua trên đường. Đó chính là mẹ ruột nó ngày nào mà nay nó không hề nhận ra! Có thể do đời sống vật chất đầy đủ và sang trọng của những gia đình giàu có kia đã làm thay đổi tâm hồn nó rồi chăng! Nhưng cũng có ai đó quả quyết rằng con nó này đã nhận ra đó chính là mẹ mình nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên đành chịu thua, chỉ ve vẩy cái đuôi để tỏ vẻ có chút động lòng thương xót rồi bỏ chạy ngay vào nhà chủ...

Không ai nhớ con chó ghẻ kia đã tới sống lang thang ở khu phố này từ bao giờ. Nhưng có người cho rằng nó đến đây kiếm ăn từ khi chỉ mới là một con chó con bị ai đó hất hủi ra ngoài đường. Lại có người làm ra vẻ hiểu biết hơn khi nói:

– Nhà nó ở khu phố trên kia. Nó bị lạc mất đường về nên trở thành... bụi đời!

Tuy vậy, người ta vẫn quăng cho nó khi cục xương, khi miếng ăn thừa mứa hay hôi thối nào đó. Nó cần ăn để sống và để lo nuôi con chứ không phải sống để chọn lựa từng miếng ăn thích hợp cho khẩu vị của mình. Hằng ngày, nó quanh quẩn trong chợ hay các con hẻm dọc đường ra bờ sông. Vì ở những nơi đó, người ta tha hồ quăng ra bất cứ gì xuống đất, miễn là giữ được chỗ của mình đang ở không bị ai chê là dơ dáy! Con chó hoang đã sống bình an và yên phận như vậy nhờ vào sự thờ ơ và ích kỷ của mọi người trong xã hội từ năm này qua tháng nọ mà không hề làm cho ai phiền tí gì về nó.

Nhưng rồi nó cũng phải tới lúc mà con người gọi là “tuổi cập kê”. Chồng đầu tiên của nó, theo lời ông khu phố trưởng, là con chó của cặp vợ chồng chú xích lô bụi đời sống lẩn quẩn trong khu vực nhà ga xe lửa. Ông còn quả quyết rằng mình đã tình cờ thấy tụi nó “giao duyên” nhau vào hôm ông đi họp trên phường về. Ai nghe cũng tin vì họ nghĩ cái gì trên đời này mà ông ấy không biết? Trước nhà ông có một bụi cỏ dại nhiều năm liền không nhổ bỏ nên trở thành chỗ tạm trú của con chó, vì ở đó có một bóng cây ngủ chiều râm mát và rộng lớn ít nhất cũng đã vài chục tuổi. Chính nơi đó đã từng diễn ra các buổi họp của khu phố với đủ thứ chủ đề quanh sinh hoạt của nhân dân. Đám trẻ con trong khu phố cũng lấy đó làm nơi sinh hoạt với các trò chơi gây nhiều ồn ào cho cả xóm vào những buổi trưa hè trời “nắng nóng muốn chảy mỡ”...

Con chó chết còn trở thành đề tài nói ra nói vào cho có chuyện của đám phụ nữ có chồng là dân đi biển. Họ ở nhà nuôi con và đánh bài. Chồng đi biển câu mực về, các chị đem thúng mực ra chợ bán. Dọc đường về ghé mua cho chồng chai rượu là xong việc! Vì vậy mà họ thích “bắt quàng” nói về con chó chết như nói tới một kẻ tai to mặt lớn nào mới qua đời. Rồi thôi! Có chị buột miệng nói “chết như chó chết!”, quan tâm làm chi! Nhưng họ chỉ nói trong một lát rồi mạnh ai nấy chia nhau về với việc nấu cơm nước cho gia đình.

Chỉ một người lớn tuổi nhất có lòng quan tâm tới con chó ghẻ mà ai cũng biết, đó là bà Hai bán cóc kẽng trong nhà lồng chợ. Bà hay gọi nó tới ngồi bên rồi săn sóc, âu yếm nó như hai mẹ con nhà nghèo đang tâm sự nhau. Nó cũng biết dành cho bà những tình cảm dễ thương như liếm sạch cho bà mấy cái mụt ghẻ trên hai bàn chân gầy còm của bà. Ai hỏi tên con chó, bà Hai đều bảo:

– Nó là chó thì gọi là chó đi. Bày đặt gọi tên này nọ chi rắc rối?

Rồi bà lấy mình ra làm ví dụ :

– Chớ như tui từ miền ngoài lưu lạc tới ngồi bán ở cái chợ này suốt mấy chục năm nay ni có tên họ chi mô mà gọi! Bà con thấy tui già thì gọi bằng thứ Hai - rứa thôi! Mà tui có cần tên với họ chi mô! Nhà tui còn chưa có nữa thì nói chi cái tên !

Ai cũng biết bà Hai không có gia đình thật. Bà đã che tạm mấy tấm “tôn” với vài miếng “cạc-tông” là thành nơi ở tạm bợ rồi. Chính vì nghĩ về thân phận mình như rứa nên bà Hai thương con chó bụi đời ấy. Có hôm bà để phần cho nó vài miếng xương nhưng nó lại đem giấu dưới gốc cây để đợi lúc đám con nó ngủ dậy có cái mà ăn. Bà Hai theo dõi nhiều lần mới thấy việc đó nên càng quí càng yêu con chó mẹ biết thương đám con nhỏ dại của mình. Và, vì bà là người mau nước mắt nên đã vài lần người ta thấy bà rưng rưng cảm động trước tình thương bao la và cao cả của con chó Phèn. À, tụi nhỏ trong khu phố nhớ chừng như như tên Phèn là do bà Hai đặt cho vì thấy toàn bộ màu lông con chó từ đầu tới chân đều mang một màu vàng vàng như phèn. Có lần thấy bà nựng yêu con chó như đang vuốt ve đứa con mình, ông khu phố trưởng đã vui vui hỏi:

– Bà Hai đăng ký hộ khẩu cho nó chưa?

Bà cười cười rồi nói vui lại, ai nghe cũng cho là bà  mượn con chó để nói “động chạm” tới con người:

– Tui nói thiệt nghe, tuy tui không đẻ nó ra chớ tui thương nó như con vậy. Bà con biết tại sao không?

Rồi bà tự trả lời luôn:

– Vì nó sống có nghĩa có tình, có trước có sau chứ không bao giờ sống giả nhân giả nghĩa để lường gạt ai cả... Nó sợ chi mô ai mà phải đi đăng ký hộ khẩu rứa?

Nghe tới đó, ông khu phố trưởng và những người khác như chột dạ liền lặng lẽ bỏ đi, để lại bà Hai với con chó ghẻ “kinh niên” không bao giờ có thuốc đặc trị nào để chữa!

Hôm nay, người cuối cùng nghe tin con chó ghẻ chết lại chính là bà Hai! Bà bỏ cả hàng quán giữa chợ để vụt chạy tìm con chó. Trong tâm tư, đây là lần đầu tiên trong đời bà đi nhận xác một con vật mà bà yêu quí như con! Vì chưa bao giờ bà có được một mái ấm với chồng con đề huề như bao người trong thiên hạ nên nay có bao nhiêu tình thương bà đều dành hết cho con chó hoang kia. Nếu ai để ý sẽ thấy bà Hai rơm rớm nước mắt khi đưa cả hai cánh tay già nua và ốm yếu ra ôm cái xác lạnh ngắt đã cứng đờ của con chó ghẻ vào lòng như một người mẹ vừa tìm được xác đứa con thân yêu của mình...

   

nguyễn như mÂy

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/caichetcuaconchoghe.html


Cái Đình - 2024