Gisèle Phương


Chiếu chăn không ấm người nằm một

(Nhận xét bài “Bếp Lạnh”của Võ Kỳ Điền)

    

Xin gởi đến tác giả Võ Kỳ Điền và quí anh chị thuộc thế hệ lưu vong đầu tiên
sống nhờ đất khách nhưng lòng vẫn hướng về quê hương,
bài nhận xét về con Bạch Hổ trong trang tiểu thuyết “Bếp Lạnh"

   

Một trong các nhà văn tinh tế, cảm động trong văn chương hải ngoại ngày nay, tác giả Võ Kỳ Điền trong bài “Bếp Lạnh" đã vẽ lên một bức tranh hài hước về anh chàng Hoàng loay hoay nấu bếp một cách vụng về nhưng đầy thương tâm, với rất nhiều chi tiết khốn khó trong đời sống hàng ngày của hai cha con.

– “Chàng nghe con nói, đau nhói trong lòng, thấy thương và tội nghiệp con… mấy tháng nay ba có nấu nướng gì đâu... chỉ có hột vịt luộc chấm nước mắm, hoặc chả lụa xắt khúc chấm nước tương là xong buổi cơm.

Chỉ với một câu chuyện ngắn thôi mà tác giả đã khắc họa lên được một cách tài hoa tâm trạng cay đắng, ê chề và nỗi buồn ấp ủ trong lòng anh chàng Hoàng. Một người đàn ông không vợ và không quê hương ở xứ lạ đất người! “Chỉ có một cha, một con, buồn và hiu quạnh quá.

Cái cảnh hai cha con lủi thủi, hiu quạnh trong căn nhà lớn mênh mông không có bàn tay người đàn bà chăm sóc, buồn bã và thê lương lắm.

Một bi kịch cá nhân đượm vẻ âu sầu buồn thảm hay là một thảm kịch xã hội của những câu chuyện về cuộc sống phức tạp đầy những thử thách trên đất Tây phương hải ngoại hiện đại của tất cả những kẻ tha hương. (Les multiples défis rencontrés par les immigrants dans le pays d’accueil)

Bài văn khơi dậy lòng cảm xúc sâu sắc, khiến độc giả rung động suy ngẫm về thân phận con người di tản và quá trình mình trên đất khách. Vì tình hình chánh trị trong nước, nên nhiều người buộc lòng phải bỏ xứ sở quê quán ra đi trong tuyệt vọng, để rồi chấp nhận kiếp sống tha hương, ở tạm xứ người. Dù ở quốc gia nào, trong đời sống mới, sự hiện hữu của áp lực luôn luôn có mặt trong mỗi khía cạnh. Ngoài xã hội, không những phải cố gắng hoà đồng vào đời sống vật chất những người tha hương còn phải sống cái cảnh “qua sông phải lụy đò” chịu sự khổ nhục khi đã chấp nhận dừng chưn nơi đất khách, trên đường đi tìm miếng cơm manh áo.

Trong đời sống riêng tư, thì sự xung đột giữa hai nền văn hoá âm thầm len lỏi vào gia đình lưu vong, ngấm ngầm như thuốc độc vô hình nhưng giết người… và từ từ tạo sự rạn nứt của “mái ấm gia đình Việt Nam” (Ce poison mortel devient la ligne de séparation invisible du couple jusqu’au jour où la cellule familiale éclate)

Mệt mỏi với áp lực của xã hội, lại phải chịu thêm sự căng thẳng trong đời sống cá nhân, thì thử hỏi môi trường sống của kẻ xa xứ với hai ngôn ngữ và hai văn hóa, nó vất vả và cay đắng như thế nào!

Vivre à califourchon sur deux cultures exige un effort surhumain d’adaptation avec un constant et douloureux déchirement entre les deux. La douleur dans la blessure de la mémoire et des souvenirs. Les espérances et le désespoir. Une hémorragie permanente des exilés de leur deuil du passé…. Quelque soit le pays d’accueil, les tragédies familiales de ces ex-patriés proviennent du choc de ces deux cultures et souvent mènent à l’éclatement des cellules familiales accompagné du traumatisme. Déception? Blessé? Meurtri?

Đối với một vài người, việc hòa nhập với đời sống mới bằng ngôn ngữ không đòi hỏi nhiều thử thách như sự hội nhập xã hội về tinh thần. Tuy nhiên, ngôn ngữ thực chất là văn hóa; là thế giới của một người. Khi ngôn ngữ đổi khác thì không gian người đó đảo lộn. Chới với trong xã hội xứ người, khí hậu tê buốt, lòng đau nhói tái tê, đó là hoàn cảnh chung của cộng đồng người Việt lưu vong. Xa đất nước, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, không có nghĩa là xa “quê hương” vì quê hương ấy luôn luôn ngự trị ở trong lòng. Làm sao quên được mồ mả ông bà hay kỷ niệm vùng trời thơ ấu đầy mộng mơ ngày nào.

Nhưng lạ cảnh, lạ người, ngôn ngữ mới, khái niệm quốc gia mới… tất cả đều hoàn toàn mới và xa lạ. Mọi thứ xung quanh đổi khác, tạo sự khủng hoảng giữa quan niệm sống của quê cha đất tổ đã cắm rễ sâu trong lòng và đời sống hiện đại thực dụng Tây phương. Vi quan niệm nền tảng đã lung lay nên chính người trong cuộc cũng không biết thế nào là triết lý sống và giá trị đích thực của cuộc đời là gì? Nguồn cội, nồng cốt xưa kia là kim chỉ nam của tư tưởng và hành động không còn là chân lý nữa. Triết lý sống của cá nhân và Cộng đồng di tản Việt Nam đều dựa trên nền văn hóa và tư tưởng triết học cổ điển Á Đông của quê cha đất tổ. Khi nền tảng này sụp đổ, người ta bắt đầu hoài nghi về những quan điểm của mình. Thế nào mới là đúng và đâu là sự thật?

Văn hóa đó ngày nay không còn là chỗ dựa và đang chịu sự phân tách mổ xẻ (questionner la validité, la valeur de ces principes).

Cuộc giải phẫu nào cũng đau đớn, cũng mang vết thẹo trong tim kẻ lưu vong, không ngừng rướm máu. Thôi thì cắn răng chấp nhận “đáo xứ tùy dân, nhập giang tùy khúc”.

Từ cái mâu thuẫn của Đông và Tây nảy sanh ra những sự va chạm đáng tiếc đưa đến những thảm kịch gia đình. Một thí dụ rất nhỏ và cụ thể của hiện tượng xung đột giữa hai nền văn hoá khác biệt (le choc traumatique de la différence de 2 cultures) là tấm giấy khai sanh Việt Nam.

Ngày nhập cư Canada, nhân viên Sở Di Trú té ngửa bởi ngạc nhiên khi đọc hàng chữ dưới tên họ mẹ của một số khai sanh của người Việt. Đó là: rang de femme mariée: premier rang, deuxième rang, 3è rang…. (Xin tạm dịch là ngôi thứ: vợ chánh, vợ 2, vợ 3...). Những hàng chữ đó chứng tỏ cái thế hệ – còn sót lại – năm thê bảy thiếp của Đông Phương và làm cho ta ý thức được cả một bầu trời văn hóa khác biệt giữa người nhập cư và người bản xứ. (La grande différence de culture entre le pays d’accueil (ou pays d’adoption) et mon pays natal. (ou pays d’origine).

Sở Di Trú đề cao Canada như đất nước tuyệt vời để định cư với “môi trường trong lành, tỉ lệ thất nghiệp thấp, phúc lợi xã hội tốt” và là một trong những điều khiến Canada trở thành điểm đến hấp dẫn. (Theo định nghĩa trên mạng) Tuy nhiên, không có gì hoàn hảo hay tuyệt đối trên đời nầy. Nền văn hóa đa bản sắc Tây phương mang nhiều đặc tinh khác nền văn hoá Đông phuong của Việt Nam. Và với khái niệm Quốc Gia còn mơ hồ, những người tha hương không định nghĩa được mình hay thế đứng của mình trong hoàn cảnh mới. Họ sống cái cảnh nửa chừng xuân, một chưn trong nền văn hoá Tây phương và một chưn trong văn hoá Đông phương.

Bài “Bếp Lạnh“ của tác giả Võ Kỳ Điền là một tác phẩm văn chương buồn bã nhưng có một giá trị lịch sử thời đại. Thành công của bài văn nầy không phải chỉ ở tài năng diễn đạt mà còn là kỹ thuật khắc họa ngôn từ của tác giả để người đọc nhận diện mình trong đó và cảm nhận thấu hiểu được sự khó khăn và nỗi đau đớn đằng sau tâm trạng cô đơn của những ông chồng sống trong không gian của môi trường đa văn hoá.

Giống như vô vàn kẻ lưu vong, mỗi người di tản đều mang trong tâm hồn cảm xúc lạc loài, cô đơn và sự ám ảnh hoài nhớ quá khứ của mình.

Điển hình nhất là nhân vật Hoàng trong bài “Bếp Lạnh“. Dù câu chuyện chỉ viết xung quanh người đàn ông tầm thường nhưng tác giả với ngòì bút sống động, châm biếm và kinh nghiệm của một người viết văn lâu năm trong nghề, đã xoay sở tìm cách gợi lên trong trí của độc giả tâm trạng sâu thẳm của thế hệ “gà trống nuôi con”.

Xuyên qua sự vụng về của Hoàng, hiện lên hình ảnh quen thuộc của “thế hệ chồng chúa vợ tôi” hay đúng hơn cái thế hệ “năm thê bảy thiếp” mà các đấng mày râu vẫn còn mang trong người nhiều định kiến và thói gia trưởng di truyền. Hoàng tượng trưng cho những mẫu người đàn ông không đảm đang được một việc nhỏ trong bếp. Tại sao? Vì quen cảnh người hầu kẻ hạ hay là sống theo quan niệm xưa “chồng chúa vợ tôi” không biết giúp đỡ, chia sẻ công việc nặng nhọc hay quan tâm đến kẻ đầu ấp tay gối với mình.

Chính vì cái thói gia trưởng, bảo thủ đó mà cuộc sống hôn nhân của nhiều gia đình hải ngoại sụp đổ. Sự xung đột thường xuyên xảy ra, vì trong xã hội ngày nay và nhất là trên đất Tây phương, quan niệm sống đã thay đổi và khác xa những quan niệm cổ hủ, di truyền của nền văn hóa Việt Nam. Mấy đấng mày râu gia trưởng, với những quan niệm cũ khó dứt, thường thích chỉ tay năm ngón. Sai bảo vợ con phục tùng mình. Tất cả đều phải theo sự quyết định của lệnh ông! Vợ con vừa tôn sùng vừa sợ hãi, giống như con Bạch Hổ trong khái niệm “Tứ Tượng của Phong Thủy” (Thanh Long, Bạch Hổ, Châu Tước, Huyền Vũ) mà nhiều quốc gia Âu châu coi như một loại thần thú. Trong tranh Ngũ hổ, Bạch Hổ ngồi ở giữa và những con hổ khác nhỏ hơn phải chầu xung quanh, giống như mấy ông chồng yêu quí của ta. Nhưng loại Bạch Hổ cực kỳ hiếm được ghi trong danh sách của những loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và ngày nay được xem là một loài đang bị đe dọa nghiêm trọng. Cũng như mấy đấng mày râu của thế hệ lưu vong đầu tiên, cũng đang từ từ… biến mất hoặc không còn hét ra lửa, mửa ra khói nữa. (espèces en voie de disparition)

Tuy nhiên, cái thời kỳ giao điểm trống đánh xuôi, kèn thổi ngược nầy (intersection des 2 cultures) ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống nội tâm và mang đến rất nhiều khổ tâm cho tất cả gia đình Việt Nam ở hải ngoại.

Để làm nổi bật ý tưởng của ảnh hưởng Đông phương trong cuộc sống của gia đình lưu vong, tác giả Võ Kỳ Điền đã cụ thể hóa ý niệm trừu tượng đó qua hình ảnh thiếu nữ trong tranh “Trên tường bức tranh sơn mài vẽ hình cô thiếu nữ mặc áo tứ thân, ôm đàn tỳ bà che nghiêng nửa mặt như nhìn chàng mà cười.” Tác giả đã thành công mỹ mãn khi đặt nhân vật Hoàng trong khung cảnh sống thật Á đông với cách trang trí nhà bằng bức tranh đầy những chi tiết thật tinh tế. Nhà văn đã xoay sở lựa chọn một hình ảnh rất trung thành mang đặc tính hương vị quê nhà.

Bài văn khiến độc giả cảm xúc và rung động khi tác giả ký thác tâm sự của mình qua bức tranh. Người đọc hình dung được tâm trạng và nỗi lòng của tác giả qua nhân vật Hoàng. Người viết chú ý đến trọng điểm và chi tiết nổi bật của xã hội xưa; điển hình với thiếu nữ trong tranh. Chi tiết của “áo tứ thân và đàn tỳ bà” là sự chọn lọc của tác giả để cụ thể hóa bằng hình ảnh ý nghĩ trừu tượng của quan niệm bảo thủ trong xã hội phong kiến.

Độc giả suy ngẫm về căn phòng với bức tranh cổ và đặt dấu chấm hỏi về những chi tiết trên. Sao không hình ảnh nào khác mà lại là cái áo tứ thân?

Áo tứ thân thể hiện cách ăn mặc, phổ biến trong xã hội xưa. Đó là một trong những trang phục truyền thống của phụ nữ vùng châu thổ Bắc Bộ từ thời xa xưa, vào thời Trần thế kỷ XIII và thời Nguyễn. Trần Phu trong “An Nam tức sự” đã để lại ít dòng sơ lược về cung cách ăn mặc và trang điểm của phụ nữ thời Trần “Đàn bà thường mặc áo tứ thân màu đen, cổ áo viền màu trắng, cắt tóc rồi buộc túm lên đỉnh đầu, không để tóc mai…” (2, tr. 27).

Còn cái đàn tỳ bà thì sao?

Trong những văn bản cổ xưa nhất, đàn tỳ bà một nhạc cụ dây gẩy của người phương Đông, có từ thời Trung Hoa cổ đại, theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử.

Theo quan niệm thông thường thì loại đàn nầy có hình dáng giống như lá tỳ bà nên có danh xưng như vậy. Nhưng từ triều đại Tần - Hán cho đến Tùy - Đường, tất cả nhạc cụ gảy dây đều được gọi chung là Tỳ bà. Ngày nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng tỳ bà có khả năng xuất phát từ chữ barbat trong ngôn ngữ Ba Tư. Tóm lại, dẫu thuật ngữ tì bà xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ nào, nó là từ ngoại nhập hay do người Trung Quốc nghĩ ra thì có một điều chắc chắn rằng trong triều đại nhà Tần có một loại đàn gọi là Tần tỳ bà. Mặc dù đàn tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc.

(Trich trong wikipedia.org/wiki)

– Hoàng à, anh vẫn sống với quan niệm và hình ảnh cổ truyền của 2000 năm về trước?

Đừng quên là trải qua những biến chuyển của thời cuộc và lịch sử, của văn hoá, cách trang sức con người, cách sống, cách suy nghĩ đều thay đổi nhiều. Giữa cuộc đời khó nhọc thì gia đình cũng nên theo thời vận mà biến thiên. Không trách thiếu nữ trong tranh “….che nghiêng nửa mặt như nhìn chàng mà cười.” Làm sao hiểu được sức mạnh của nụ cười đó? Giống như nụ cười linh động vô cùng bí ẩn, u sầu của nàng Mona Lisa trong bức họa của Leonardo Da Vinci. Thiếu nữ nở nụ cười thách thức hay châm biếm chế ngạo sự vụng về của “gà trống nuôi con.”

Tác giả hết sức điêu luyện khêu gợi lên trong lòng người đọc trí tò mò và tưởng tượng. Giá trị văn chương của Võ Kỳ Điền thể hiện qua nỗ lực của tác giả trong cách điển hình để độc giả cảm nhận được tâm trạng thầm kín ẩn dấu trong đó. Người đọc thấm thía cái cảnh “lẻ bóng phòng không” của Hoàng qua đoạn văn: “Cái cảnh hai cha con lủi thủi, hiu quạnh trong căn nhà lớn mênh mông không có bàn tay người đàn bà chăm sóc, buồn bã và thê lương lắm.

Tâm sự của Hoàng, của những người lưu xứ hay của tác giả?”

…cha con chàng cố tránh không nhắc... má thằng Bi, vì mỗi lần nhắc tới, Bi buồn bã và Hoàng thì cay đắng. Phải chi có má... câu buột miệng đơn giản vô tình của con, phá toang cái vết thương tình cảm trong tim chàng chưa kịp lành miệng...

Vết thương lòng dù lành vẫn để lại thẹo, cũng như ký ức tuy đã phai mờ nhưng vẫn làm đau xót. Đau khổ nhất là khi yêu thiết tha nhưng vẫn phải mỗi người đôi đường, đôi ngả.

Hương vị của tình yêu không phải lúc nào cũng là màu hồng. Cuộc đời không phải lúc nào cũng tươi đẹp, thế sự thăng trầm, lương duyên có hội rồi cũng tan. Giữa đường đứt gánh tương tư, làm sao tránh khỏi đau buồn.

Cha con Hoàng bồi hồi nhớ về người thân yêu đã ra đi “nó đương nhớ tới người mẹ đã ra đi, thiệt xa, thiệt xa ngoài tầm mắt nhưng không phải trong lòng/….Chàng cố gượng buồn,… nói vội vã để che lấp nỗi trống vắng”.

Danh từ ngôn ngữ được chọn lọc và sử dụng một cách độc đáo nên diễn tả được nỗi dằn vặt đau khổ cùng cực của kẻ ở lại sống với nỗi tiếc nuối, dày vò, dù ngày tháng xa nhau nhưng lòng vẫn nặng trĩu nhớ thương người đi biền biệt, không trở lại.

Một câu chuyện, một cuộc tình, một nỗi buồn sau khi chia tay. Còn yêu, còn thương, còn chờ. Chờ trong hy vọng? Hay chờ trong tuyệt vọng với nỗi đau như xé ruột gan? Đã không giữ nổi bước chân người đi, thì đừng tự giày xéo chính mình nữa. Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không. Hãy nhớ về người cũ còn thương của mình với những kỷ niệm êm đẹp bởi dẫu sao người đó cũng đã từng đi chung với mình một đoạn đường đời.

Vạn vật thiệt là vô tình. Hoàng chua xót, sững sờ và cảm thấy mình bất lực…

Không có người vô tâm hay vô tình, chỉ có người không quan tâm. Có những người vô tâm đến nhẫn tâm. Chuyện tình nào không ít thì nhiều, cũng đầy nước mắt. Nhung không vì lý do đó mà… để tuyệt vọng biến mình thành những tượng đá của hòn Vọng Thê. Thời gian sẽ là liều thuốc xóa nhòa nỗi đau. Cơn bão lòng rồi sẽ lắng dịu đi. Và có thể một không gian ấm áp biết đâu đang chờ người nơi nào đó.

Nhà văn lưu vong Võ Kỳ Điền đã tạo nên một tác phẩm văn chương tuyệt vời, quyến rũ để nói lên những hy sinh vĩ đại nhưng rất đỗi âm thầm cũng như những thử thách mà thế hệ chuyển tiếp đã phải hứng chịu tại hải ngoại. Độc giả động lòng thương xót tình cảnh cô đơn của anh chàng trong bài “Bếp Lạnh”, trôi nổi bềnh bồng giữa đời sống hiện đại nơi đất khách và quá khứ của quê nhà. Tội nghiệp anh chàng Hoàng, nạn nhân bất lực của một thế hệ chuyển tiếp trước hoàn cảnh xã hội, của sự va chạm giữa hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ. Đúng hơn là đời sống hiện đại Tây phương và quan niệm sống theo truyền thống bảo thủ Đông phương.

Nhin về cảnh đàn ông đảm nhiệm một cách vụng về vai trò thiêng liêng của “gà trống nuôi con” và anh Hoàng trong chuyện “Bếp Lạnh” vật lộn với dầu mỡ, tiêu muối, tỏi đường độc giả nào cũng thấy chạnh lòng. Nhưng đồng thời, độc giả cũng ý thức được qua thảm kịch gia đình, tâm sự và sự uất ức của chị em bạn gái sống trong cái cảnh đứng nửa chừng xuân giữa hai văn hoá, vì thương con yêu chồng mà nhiều người phải chịu cảnh tình nguyện tôi đòi “nâng khăn sửa túi cho các đấng mày râu”.

Riêng tôi muốn nhắn gởi đến tác giả Võ Kỳ Điền đừng vì thấy cây cong mà cứ tưởng cánh cung, một câu nói trong phim bộ – “có một người để thương, để nhớ, để hận, còn hơn là đời buồn như một cái giếng khô”.Bởi vì dù với bất cứ lý do gì thì Chiếu chăn không ấm người nằm một”...

   

Gisèle Phương

một độc giả ở phương xa.
(Ngày lễ Tình Yêu 14-2-2019)

   

*****

Dưới đây là truyện “Bếp Lạnh” của Võ Kỳ Điền

Bếp Lạnh   

Một sáng Chúa Nhựt vào khoảng mười giờ, Hoàng đi tới đi lui trong nhà bếp, mắt ngó dáo dác như muốn tìm vật gì. Chàng mở tủ ngăn trên, không có, mở ngăn dưới, cũng không có, ngăn bên giữa, cũng không có luôn. Chàng cũng đã mở hết các hộc kệ bên bồn rửa chén, trên tường, miệng lẩm bẩm – thiệt là kỳ cục, có cái chảo, cất ở đâu kỹ quá, kiếm không ra...

Căn bếp khá rộng, chén dĩa nồi nêu soong chảo, tất cả được để ở đây, ngoài ra đâu còn chỗ nào. Lục lọi hồi lâu không được, tức mình, chàng đi xuống tầng hầm. Căn hầm đã được hoàn tất đẹp đẽ, phòng ốc khang trang, đồ đạc được sắp xếp vén khéo. Phòng làm việc của chàng có tủ sách và bàn viết thật lớn, lò sưởi bằng đồng sáng loáng, cạnh bên là phòng ngủ và phòng chơi đùa của thằng Bi, cùng phòng tập thể dục. Phía sau cùng là một kho đựng những vật liệu sửa chữa nhà cửa, cùng đồ đạc ít dùng. Cũng còn vài thùng cạc tông của chuyến dọn nhà lúc trước, còn nguyên băng keo chưa mở. Cái chảo, cái chảo, hổng lẽ được cất trong mấy cái thùng nầy. Vô lý, ai lại đem giấu cái chảo vô mấy cái thùng cạc tông. Tuy nghĩ như vậy nhưng chàng cũng kiên nhẫn đi kiếm con dao nhỏ, khiêng ra từng thùng và rọc lớp băng keo dán bên ngoài, gia công lục lọi. Toàn là sách vở với báo chí, thư từ cũ...

Buổi sáng trời nắng trong, cả nhà yên tĩnh, không một tiếng động nào ngoài tiếng dép kéo lê trên sàn gỗ của Hoàng, tiếng thùng cạc tông được mở, tiếng sách vở va chạm nhau sột soạt,... tiếng động tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm thằng Bi tỉnh giấc. Bi năm nay cũng đã mười lăm, tuổi nhổ giò nên cao lỏng khỏng. Tánh tình thiệt thà, hiền lành, an phận nhưng dễ đổ cộc, y như Hoàng. Nó cằn nhằn:

– Ba làm cái gì dưới nầy rầm rầm, con ngủ không được.

Nghe tiếng con, chàng mừng lắm. Cái nhà lớn rộng thinh thinh, đi tới nhà trước, đi lui nhà sau cũng chỉ có một cha, một con, buồn và hiu quạnh quá. Trên tường bức tranh sơn mài vẽ hình cô thiếu nữ mặc áo tứ thân, ôm đàn tỳ bà che nghiêng nửa mặt như nhìn chàng mà cười. Chàng ôn tồn trả lời con:

– Ba kiếm cái chảo, nó đâu mất tiêu rồi. Rồi nói tiếp: – mười giờ sáng rồi đó, con thức dậy là vừa, hổng có sớm đâu.

Bi mặc bộ đồ ngủ nhàu nhò bước xuống giường, đứng nhìn chàng và hỏi: mà ba kiếm cái chảo làm chi? – cái thằng, ba kiếm chảo để nấu đồ ăn, chớ con tưởng ba kiếm chảo để đội à...

Thằng Bi cười: – mấy tháng nay mình ăn bánh mì thịt, cá hộp, với mì gói, cũng được vậy ba. Lâu lâu đi phố Tàu mua vịt quay, gà quay, thịt xá xíu, ở tiệm Thái Sơn hay Hồng Kông được rồi... ba nấu nướng làm chi cho mắc công.

Chàng nghe con nói, đau nhói trong lòng, thấy thương và tội nghiệp con, gượng cười: –đâu được nè, cha con mình phải ăn uống đàng hoàng. Lúc trước nhiều công việc bận bịu quá, hết chuyện nầy đến việc kia, ba không rảnh để lo cơm nước, nay thì rảnh rồi. Để con coi, ba làm bếp ngon lắm.

*

Thằng nhỏ tròn xoe mắt ngó chàng, cặp mắt to đen và đẹp giống hệch má nó:

– Bộ ba biết nấu đồ ăn hả ba?

Hoàng bật cười: sao không biết con, ba nấu giỏi lắm, con biết không, hồi đó ba đi học ở Sài Gòn tự nấu ăn đó...

Thằng nhỏ không hề thắc mắc chuyện ba nó lúc nhỏ còn đi học, tự nấu nướng ra sao, đi kiếm cái chảo phụ chàng. Nó chạy lên nhà bếp cũng kéo các ngăn kệ, các ngăn tủ như chàng đã làm, hồi lâu không được. Nóng ruột, nó đề nghị - hay là ba ra tiệm mua cái chảo mới cho rồi, kiếm hoài cũng không ra. – Ừ ừ, chắc là phải mua cái mới.

*

Vừa nói vừa thuận tay chàng vô tình kéo cánh cửa lò nướng của bếp điện, cửa vừa mở chàng thấy bên trong có cái chảo lớn, vài ba cái nồi được xếp kỹ trong đó. Hoàng rất mừng và Bi lẩm bẩm:

– Mấy tháng nay ba có nấu nướng gì đâu nên không biết nồi với chảo để trong nầy...

Chàng vói lấy cái chảo đem lại vòi nước để rửa, miệng nói:

– Ɖể ba làm món cải làn xào thịt bò cho con ăn, ba mua được cải tươi với thịt bò mềm lắm.

Bi thích chí: – dạ dạ, mà ba có dầu hào để xào giống như ở phố Tàu không? – cái thằng, ba làm theo kiểu Tây, dầu hào nhiều chất béo, nghe nói ăn nhiều bị ung thư không tốt đâu.

Thằng nhỏ biết gì đâu, nghe hứa hẹn có thịt bò thì mừng lắm. Mấy tháng nay chỉ có hột vịt luộc chấm nước mắm, hoặc chả lụa xắt khúc chấm nước tương là xong buổi cơm. Đến bữa, cha xúc một tô, con xúc một tô để hột vịt hoặc miếng thịt lên trên cơm trắng, rồi kéo nhau ra ngồi trước máy truyền hình, vừa ăn vừa coi Vi Tiểu Bảo với Trương Vô Kỵ hoặc Lịnh Hồ Công Tử,... cũng xong bữa. Thiệt là gọn.

Hoàng nhớ lại những dĩa thịt bò xào cải làn đã ăn qua, dễ làm quá mà. Chàng lấy tấm thớt ra rửa sạch, đặt miếng thịt lên ngay ngắn và bắt đầu xắt từng lát mỏng. Làm món ăn thiệt là dễ, có gì khó khăn đâu. Cái gì mấy bà nội trợ làm được thì đàn ông cũng làm được, nhiều khi còn hay hơn nữa. Miếng thịt được xắt mỏng xong, chàng bỏ vào chảo mỡ. Thịt gặp mỡ nóng, cháy xèo xèo, mỡ và nước thịt văng tứ tung. Hoàng hấp tấp lấy kiếng ra đeo vào mắt, cẩn thận vẫn hơn, mỡ nóng văng vô mắt dám đui lắm à... Không lẽ vì ham ăn ngon mà phải bị đui con mắt!

Chàng cầm lấy cái hộp đựng muối, nhớ tới ngày nào má thằng Bi lúc làm bếp, nàng thường nhắc đi nhắc lại – muốn nấu ăn ngon là phải có gia vị ngon, chàng cũng bắt chước lẩm bẩm – một chút xíu muối, một chút xíu đường, một chút xíu tiêu... Cầm hộp muối trên tay chàng để trên miệng chảo – một chút xíu muối – và trút nhè nhẹ xuống. Nào ngờ, nắp hộp lỏng le và rơi tuột xuống đống thịt phía dưới, muối bọt trắng xoá tuôn theo. Trời đất, ai mà chơi cắc cớ, không vặn kín nắp. Hoàng phản ứng không kịp nên cả hộp muối bọt nằm ướp trắng xoá trên đống thịt, thấy mà ứa gan! Hoàng quính quáng lấy cái muỗng hớt gạt lớp muối trắng dư thừa phía trên, cố gắng, cố gắng, nếu để quá nhiều như vậy là mặn lắm, tội nghiệp thằng Bi, phải rán hớt lớp muối dư, mặn quá ăn làm sao được, hớt được nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Mà phải tắt lửa, nếu không lửa phừng nóng quá làm không kịp. Nóng quá, nóng quá, thịt phía dưới miếng nào miếng nấy xăn tròn lại, xám đen.

Lửa đã tắt rồi, muối cũng đã hớt hết trơn rồi, không cách gì hớt thêm được nữa, Hoàng lấy đũa gắp thử một miếng và nếm. Trời đất ơi, miếng thịt bây giờ như miếng khô cá mặn chát. Chàng nghe đầu lưỡi như quíu lại. Chết rồi, làm sao bây giờ. Hổng lẽ đem mấy miếng thịt đi rửa dưới vòi nước lạnh, thịt sẽ xác xơ...

Hoàng suy nghĩ, suy nghĩ – ừ, ừ, bây giờ mình có thể đổi lại, thay vì làm món thịt bò xào thì làm món canh thịt bò. Có khác gì đâu. Thêm nước vô nhiều thịt sẽ hết mặn và đỡ phải nêm nếm, chỉ cần một chút đường cho dịu và một chút tiêu nữa là thơm. Chàng nhớ rõ ràng câu ca dao – bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm. Bỏ tiêu thì cay chớ sao lại ngọt, thiệt tình không hiểu! Thôi kệ canh thịt bò cũng y như cải xào thịt bò, chỉ khác một chút là món khô với món nước. Được rồi, Hoàng lấy cái nồi nhỏ đặt trên bếp kế bên, tay cầm cái chảo, trút hết thịt qua nồi rồi thêm nước lạnh. Mở lửa thật lớn để cho nước mau sôi. Cái bếp điện nầy tốt thiệt, vặn số cao có vài phút thì nước đã sôi ùn ụt, cái nồi cỡ một lít nước như vậy thì chắc một muỗng đường là vừa. Mở cái nắp hộp đường chàng xúc đúng một muỗng, được rồi vặn kỹ nắp hộp lại. Nêm xong chàng nếm thử, thịt không còn mặn nữa, mừng quá. Nhưng sao nước hơi ngọt. Nếm thử lại thì ngọt thiệt. Chắc tại cái muỗng canh hơi lớn, nhiều đường.

– Bi ơi, lại nếm thử dùm ba coi ra sao, cái miệng ba sớm mơi tới giờ sao mà đắng nghét, không biết được ngọt mặn gì hết trơn !

Thằng Bi nghe chàng kêu chạy lại, nhìn nồi canh đang sôi, ngạc nhiên kêu lên:

– Ủa ba nói làm món thịt bò xào cải làn mà, bây giờ ba lại nấu canh.

Hoàng chống chế – món canh có nước dễ ăn, bổ và tốt cho sức khoẻ hơn con. Mấy món xào dầu mỡ nhiều, có hại.

Thằng nhỏ cười:

– Ba hổng biết nấu, rồi nói gạt con.

Nói xong nó lấy muỗng nếm thử nước canh rồi ngó Hoàng mà cười: – canh nầy ngọt lờ lợ, ba bỏ thêm chút đường nữa thì thành chè. Phải chi có má thì mình có cải xào thịt bò ngon lành rồi...

Từ lâu hai cha con chàng cố tránh không nhắc tới Liên, má thằng Bi, vì mỗi lần nhắc tới, Bi buồn bã và Hoàng thì cay đắng. Cái cảnh hai cha con lủi thủi, hiu quạnh trong căn nhà lớn mênh mông không có bàn tay người đàn bà chăm sóc, buồn bã và thê lương lắm. Phải chi có má... câu buột miệng đơn giản vô tình của con, phá toang cái vết thương tình cảm trong tim chàng chưa kịp lành miệng. Thằng nhỏ nói lỡ lời, nó chớp chớp mắt như muốn khóc, mặt đỏ ửng, đứng xuội lơ. Chắc bây giờ nó đương nhớ tới người mẹ đã ra đi, thiệt xa, thiệt xa ngoài tầm mắt nhưng không phải trong lòng...

Nắng ngoài trời thiệt sáng và thiệt đẹp. Cây liễu bên bờ rào đong đưa những cành lá xanh biếc. Vạn vật thiệt là vô tình. Hoàng chua xót, sững sờ và cảm thấy mình bất lực, có lỗi với con. Chàng cố gượng buồn, ôm lấy vai Bi, nói vội vã để che lấp nỗi trống vắng:

– Thôi sửa soạn lẹ lên, ba đói bụng rồi, cha con mình đi ăn phố Tàu, món cải làn tiệm Hồng Kông xào dầu hào ngon lắm.

   

Võ Kỳ Điền

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chieuchankhongam.html


Cái Đình - 2024