Đào Viên


Chú tôi

“J’entendis des cris, des cris humains, plaintifs, étouffés,déchirants.” – Guy de Maupassant

Lời giới thiệu – Chú Tôi – Mon oncle Jules – là tên một truyện ngắn cũa một nhà văn lớn, người Pháp của thế kỷ thứ XIX, ông Guy de Maupassant. Ông tên thật là Henri-René Albert Guy de Maupassant, sinh ngày 5 tháng 8 năm 1850, mất ngày 6 tháng 7, năm1893, hưởng thọ 42 tuổi. Ngôi sao de Maupassant đã vào vòm trời văn học Pháp năm 1880, ở tuổi 30, sáng rực như một ngôi sao băng nhưng chỉ 10 năm sau, 1890, đã ra khỏi như một sét đánh (1), rồi tắt lịm: Ông đã phải vào dưỡng trí viện rồi mất tại đó. Cùng với Gustave Flaubert và Emile Zola, ông đã được liệt vào những đại văn hào của Pháp với sáu cuốn tiểu thuyết và nhất là rất nhiều tập truyện ngắn, một sở trường của ông. “Mon oncle Jules” là một trong những truyện ngắn của nhà đại văn hào này.

<=== Guy de Maupassant (1850-1893)

Guy de Maupassant được xếp vào loại nhũng nhà văn hiện thực. Văn phong của ông rất hiện thực, đơn giản,trực tiếp, đôi khi tàn nhẫn, nhìn sâu vào những tình cảm thầm kín của nhiều hạng người – nghèo khổ, trung lưu, nhỏ nhen, ích kỷ, hợm hĩnh, vênh váo, đầy mặc cảm – đến mức chua chát, cay đắng, để lại cho người đọc một dư âm thương cảm, buồn bã.

Bài viết này được chuyển ngữ từ nguyên bản Pháp văn ông viết từ năm 1883. Xã hội Pháp ngày ấy rất khác với xã hội Âu Mỹ bây giờ, nhất là ngôn ngữ, áo quần và tiền tệ. Về ngôn ngữ chúng tôi cố gắng dịch Pháp văn sang Việt văn cho sát nghĩa. “Y nghĩa bất y ngữ”. Tuy nhiên nếu có chỗ nào “dịch là phản dch” xin quý độc giả niệm tình tha thứ.

Tiền Pháp căn bản hồi đó là đồng “franc”, được dịch ra là đồng Phật Lăng, hay còn là Quan Pháp, gọi tắt là Quan tiền. Một Quan tiền đổi được 20 xu (5 quan tiền đổi ra được 100 xu), xin nói rõ vì trong bài nói tới tiền tệ Pháp.

Độc giả nào muốn đọc nguyên tác – Mon Oncle Jules – xin xem tronghttps://peachflowergarden.wordpress.com/2012/06/29/mon-oncle-jules/

Trân trọng.

Đào Viên

*******

Một người hành khất già, râu đã bạc, đến xin chúng tôi tiền. Bạn tôi là anh Joseph Davranche đã cho ngay ông ta 100 xu. Tôi rất ngạc nhiên. Anh ấy bảo tôi: “Gã hành khất này đã làm tôi nhớ lại một một câu chuyện tôi sẽ kể cho anh nghe. Kỷ niệm này cứ theo đuổi tôi hoài. Câu chuyện là như sau”:

***

Gia đình tôi quê ở Le Havre (2) không giầu có gì. Chúng tôi chỉ ráng xoay sở mà thôi. Bố tôi đi làm, ở sở về rất trễ, mà có kiếm được bao nhiêu tiền đâu. Tôi có hai người chị.

Mẹ tôi rất buồn bực vì gia đình nghèo túng. Mẹ tôi lại hay nói những lời cay nghiệt với chồng, trách móc, nói xa nói gần. Bố tôi mỗi lần như vậy hay có một cử chỉ làm tôi não lòng. Người lấy tay đưa lên trán như muốn xoa hết mồ hôi trán, mà làm gì có. Người cũng chẳng nói gì. Tôi cảm thấy Bố tôi rất đau khổ, bất lực chẳng biết làm sao.

Chúng tôi tiết kiệm đủ thứ. Không bao giờ dám nhận lời mời ăn với ai chỉ vì sợ phải mời lại. Đi chợ thì mua những hàng bán “sale” rẻ nhất. Các chị tôi phải may lấy quần áo, thảo luận với nhau mãi về giá cả vải viền, thực ra chỉ 15 xu một thước. Thức ăn thường là món súp ngoáng mỡ và thịt bò ăn với đủ loại nước sốt, trông có vẻ lành mạnh, dễ ăn. Riêng tôi thích ăn món gì khác hơn. Mỗi khi quần bị rách hay áo quần mất cúc là chúng tôi bị la rầy dữ lắm.

Thế nhưng cứ mỗi sáng Chủ nhật, chúng tôi đều ăn mặc thật chỉnh tề đi ra bờ biển. Bố tôi mặc một cái áo ngoài như một áo măng tô rộng (redingote), đầu đội mũ cao, tay đeo găng, đưa cánh tay cho mẹ tôi khoác. Mẹ tôi trang điểm mặc quần áo đẹp giống như một chiếc tầu thủy được trang hoàng trong ngày hội. Các chị tôi, áo quần sẵn sàng xong trước, chỉ chờ khởi hành. Tuy nhiên, lúc cuối, mọi người thấy cái áo măng tô của ông chủ gia đình có một vết bẩn gì đó. Thế là mọi người lại phải vội lấy một cái khăn ướt thấm ét săng lau đi cho sạch.

Bố tôi kiên nhẫn đứng chờ mọi người làm xong, đầu đội mũ, chỉ mặc áo sơ mi, trong khi mẹ tôi sửa ngay ngắn lại đôi kính cận, đôi găng trong tay, bà không đeo, sợ làm hư mất.

Chúng tôi khởi hành đi một cách rất trịnh trọng. Hai bà chị tôi, tay trong tay, đi trước. Hai chị tôi đã đến tuổi cập kê cho nên phải ra ngoài cho mọi người trông thấy. Tôi đứng bên bên trái mẹ tôi, bên phải bà là Bố tôi.

Tôi còn nhớ dáng đi bệ vệ của hai người đáng thương là bố mẹ tôi đi chơi trong ngày Chủ nhật, vẻ mặt cứng cỏi, đi đứng trang nghiêm. Hai người bước từng bước trầm tĩnh, lưng thẳng, đôi chân cứng nhắc, làm như hai người đang có một việc rất quan trọng mà phải đi như vậy.

Cứ mỗi sáng Chủ Nhật ra bến tầu ngắm nhìn những tầu thủy cập bến, đến từ những nước xa xôi chưa từng biết, Bố tôi lại nói một câu y chang như những lần trước:

“Này! nếu chú Jules có trên đó trở về thì thật là bất ngờ!”

Chú Jules tôi, em ruột của Bố tôi, nay là nguồn hy vọng độc nhất của gia đình chúng tôi, cũng như đã từng là nỗi kinh hoàng của gia đình. Khi tôi còn nhỏ, mọi người đã kể chuyện chú Jules cho tôi nghe. Tôi có cảm tưởng rằng nếu gặp chú Jules tôi sẽ nhận ra ngay, vì tôi đã biết chú quá nhiều. Tôi biết chi tiết cuộc đời chú tôi cho đến ngày chú đi Hoa Kỳ. Khi nói đến quãng đời đó, mọi người chỉ nói nhỏ đủ nghe thôi.

Dường như chú tôi ngày trước là một người rất nhăng nhít, nghĩa là ông ấy xài tiền bất kể, đó là một tội ác lớn trong một gia đình nghèo khổ. Trong những gia đình giầu có, một anh chàng tiêu quá chớn thì được cho là đã làm bậy một chút. Mọi người sẽ vừa cười vừa nói đó là một tên thích du hí mà. Nhưng trong một gia đình túng thiếu, một ông con trai đã moi tiền bố mẹ, phải lấy tiền để dành ra, thì hết chỗ nói, đó là một thằng khốn nạn.

Nói như vậy là đúng, mặc dầu sự việc là như vậy, nhưng hậu quả của sự việc ra sao mới làm cho hành động trở nên nghiêm trọng. Cuối cùng là chú Jules đã làm cho phần gia tài còn lại – phần bố tôi rất mong chờ – chẳng còn bao nhiêu, sau khi ông ta đã tiêu sạch phần mình.

Thế là mọi người, giống như người khác đã làm hồi đó, bèn tống cổ ông chú tôi lên một chiếc tầu hàng hải thương thuyền đi Hoa Kỳ, từ Le Havre đến Nữu Ước.

Ông chú Jules của tôi sang đó đi buôn đi bán gì đó, tôi cũng chẳng rõ, có viết thư về nói là đã kiếm được ít tiền, và nói là hy vọng sẽ có thể bồi thường bố tôi về những lỗi lầm đã làm khi trước.

Bức thư đó đã cho gia đình tôi rất cảm động. Chú Jules trước đây mọi người coi là một cái giẻ rách, bỗng nhiên bây giờ trở thành một người lương thiện có tấm lòng vàng, là một người của dòng họ Davranche chân chính, rất quang minh lỗi lạc như mọi người có tên là Davranche.

Một người thuyền trưởng có kể chuyện cho chúng tôi biết rằng chú tôi đã thuê được một cửa tiệm lớn và ông ấy đang làm ăn buôn bán lớn lắm.

Hai năm sau, lại có một lá thư gửi về viết cho bố tôi:

Anh Phìppe thân mến. Tôi viết cho anh lá thư này để anh khỏi lo về sức khỏe của tôi, tôi vẫn khỏe mạnh. Công việc của tôi vẫn tốt đẹp. Ngày mai tôi sẽ đi xa, một chuyến đi Nam Mỹ. Có lẽ tôi sẽ không thể báo tin cho anh trong nhiều năm tới. Nếu tôi không viết thư cho anh được, xin anh chớ lo. Tôi sẽ trở về Le Havre một khi tôi đã làm ra khá tiền. Tôi hy vọng ngày ấy sẽ không lâu đâu và anh em ta sẽ cùng sống những ngày sung sướng bên nhau…”

Lá thư dó đã trở thành một thứ như kinh thánh của gia đình. Lúc nào có dịp là mang ra đọc, mang ra khoe với tất cả mọi người.

Quả thật suốt mười năm sau, chú Jules không cho biết tin, nhưng trong khi ấy niềm hy vọng của bố tôi lại lớn theo thời gian. Mẹ tôi lại thường nói:

Bao giờ chú Jules về đây, tình trạng gia đình chúng ta sẽ thay đổi. Chú ấy đúng là một người biết cách xoay sở”.

Thế là cứ mỗi sáng Chủ Nhật, khi trông thấy đến từ chân trời, những làn khói đen phun lên trời như những con rắn khổng lồ, bố tôi lại nói câu cố hữu:

Này ! Nếu chú Jules có trên đó trở về, thì thật là bất ngờ!”.

Chúng tôi tưởng như sẽ thấy chú Jules, tay cầm khăn tay, vẫy chúng tôi mà la lên: “Anh Philippe ơi!”

Chúng tôi nghĩ ra đủ thứ chương trình cho ngày trở về chắc chắn ấy. Chúng tôi hẳn đã nghĩ đến việc mua – bằng tiền của chú tôi – một căn nhà nhỏ đồng quê gần Ingouville. Tôi không dám chắc là bố tôi chưa bắt đầu thương thuyết với ai chuyện này.

Bà chị lớn của tôi khi đó đã 28 tuổi, bà kia 26. Cả hai đều chưa có chồng và đó là mối lo âu cho tất cả mọi người.

Một anh chàng đến ngỏ ý muốn lấy cô em. Anh chàng này làm thư ký, không có nhiều tiền, nhưng cũng đàng hoàng. Tôi vẫn tin là lá thư chú Jules gửi về, cho mọi người xem, đã làm cho anh chàng hết do dự mà đi đến quyết định.

Thế là mọi người đều chấp thuận ngay lập tức và quyết định là sau lễ cưới tất cả gia đình chúng tôi sẽ cùng đi chơi ra đảo Jersey (3).

Đi ra đảo Jersey là cuộc đi du lịch lý tưởng cho những người nghèo. Không xa, chỉ việc xuống một chiếc tầu thủy ra biển là tới một mảnh đất của người ngoại quốc rồi. Hòn đảo đó thuộc người Anh. Như vậy, một công dân Pháp, đi tầu thủy hai tiếng là có thể đến thăm một kiều dân bạn, ở đó nghiên cứu phong tục tập quán của họ – thực ra rất chán – trên một hòn đảo nhỏ xíu, dùng một lá cờ đế quốc Anh Cát Lợi là đủ che kín.

Cuộc du lịch ra Jersey đã làm cả gia đình tôi rất bận tâm, chờ đợi, mơ tưởng suốt ngày. Sau cùng, chúng tôi khởi hành. Bây giờ tôi còn nhớ rõ như chuyện mới xẩy ra hôm qua: Trên bến tầu ở Granville, còn tỏa hơi nóng của chiếc tầu thủy, Bố tôi bận rộn trông coi ba thùng đồ mang lên tầu, mẹ tôi lo lắng dắt tay bà chị chưa có chồng của tôi. Chị tôi, từ ngày em xuất giá, cảm thấy rất cô đơn, như là một con gà mái nằm một mình trong ổ. Đằng sau chúng tôi là cặp vợ chồng mới cưới, bao giờ cũng vậy, làm tôi luôn luôn phải ngoảnh lại nhìn họ.

Con tầu kéo còi. Tất cả chúng tôi lên tầu và chiếc tầu thủy ra khơi, mặt biển phẳng lặng như một phiến đá cẩm thạch mầu xanh. Đúng trên boong tầu chúng tôi thấy bờ xa dần, lòng cảm thấy rất sung sướng và hãnh diện, tâm trạng của những người ít đi du lịch.

Bố tôi rất khoan khoái trong bộ áo măng tô mà ngay cả sáng nay, mọi người đã dùng khăn ẩm, thấm ét săng, chùi sạnh những vết bẩn, y như những sáng Chủ Nhật khác chúng tôi ra ngoài, không khí thoang thoảng có mùi ét săng lan tỏa.

Bỗng nhiên Bố tôi trông thấy có hai người đàn bà sang trọng đang được hai người đàn ông mời ăn sò. Một người lính thủy ăn mặc rách rưới dùng dao mở đôi con sò ra, rồi đưa cho hai người đàn ông. Hai vị này đưa lại cho hai bà. Các bà ăn sò rất khéo. Họ đặt con sò lên một cái khăn tay, đưa ra phía trước mà đặt miệng vào ăn ruột sò để khỏi làm bẩn bộ quần áo. Ăn xong họ húp nốt nước sò rồi nhanh nhẹn vứt ngay vỏ sò xuống biển.

Bố tôi chắc hẳn đã thấy cái lối ăn sò trên boong một chiếc tầu đang chạy này rất lịch sự. Bố tôi thấy đó là một chuyện rất tế nhị, tuyệt vời cho nên người đã đến gần mẹ tôi và hai chị tôi mà hỏi rằng:

Tôi có thể mời mọi người ăn sò không?

Mẹ tôi lưỡng lự, vì sợ tốn tiền, nhưng hai bà chị tôi đã chấp thuận ngay. Mẹ tôi trả lời không vui vẻ chút nào:

Tôi e rằng sẽ bị đau bụng. Ông cho lũ con ăn đi, nhưng đừng cho chúng ăn nhiều quá, kẻo làm chúng mắc bệnh.”

Mẹ tôi quay lại tôi, nói thêm:

Còn thằng Joseph này, nó không cần đâu. Không nên chiều con trai”.

Thế là tôi phải đứng cạnh mẹ tôi, mắt nhìn theo Bố tôi rất hãnh diện đưa hai cô con gái và anh con rể đến ông lính thủy già, rách rưới bán sò.

Hai bà khách trước đã đi khỏi. Bố tôi liền chỉ cho các chị tôi cách ăn sò thế nào để nước sò khỏi chẩy ra ngoài. Người còn muốn chứng minh bằng cách lấy ngay một con sò, rồi bắt chước hai bà khách; người ăn thế nào mà làm đổ luôn nước sò vào cái áo măng tô.

Tôi nghe thấy mẹ tôi càu nhàu:

Cái ông này! chẳng chịu đứng yên!”

Bỗng nhiên tôi thấy như Bố tôi đang lo sợ điều gì, Người lùi lại mấy bước, nhìn các con đang xúm lại người bán sò, rồi hớt hải chạy về phía chúng tôi đứng. Tôi thấy Bố tôi mặt tái mét, mắt thất thần. Người nói khẽ với mẹ tôi:

Lạ thật, tên bán sò kia sao trông như chú Jules

Mẹ tôi quá ngạc nhiên, hỏi lại:

Jules nào?”

Bố tôi nói:

Jules … là em tôi đó. Nếu tôi không biết là nó đang có công ăn việc làm bên Mỹ thì tôi đã tin ngay thằng này là nó”.

Mẹ tôi quá sợ, nói lắp bắp:

Ông điên à! Ông đã biết không phải là nó rồi, sao ông lại nói nhăng nói cuội thế?”

“Thì bà ra mà xem. Tôi muốn bà ra nhìn tận mắt xem”.

Mẹ tôi đứng dậy ra chỗ hai cô con gái. Tôi cũng đi theo, nhìn người bán sò. Đó là một ông già, ăn mặc bẩn thỉu, da nhăn, đang mải làm việc mở sò.

Mẹ tôi quay trờ về. Tôi thấy mẹ tôi hơi run rẩy, Bà nói nhanh:

Tôi cũng nghĩ đó là Jules. Ông hãy ra gặp ông thuyền trưởng mà hỏi tin tức chuyện này. Ông hỏi cẩn thận, đừng để cho tên ăn mày đó nhận diện ra chúng ta, ông đi ngay đi!”

Bố tôi ra đi, tôi cũng đi theo. Tôi thấy trong lòng một tình cảm khác thường.

Thuyền trưởng là một người đàn ông cao lớn, hơi gầy, có râu mép, đang đi lại trên boong tầu, dáng dấp quan trọng như là truyền trưởng điền khiển một chiếc hải thuyền lớn trên đại dương.

Bố tôi đến gần, trịnh trọng hỏi thăm ông thuyền trưởng về nghề nghiệp của ổng, điểm theo những lời khen ngợi.

Ông hỏi thêm đảo Jersey có gì hay? sản xuất những gì? dân số nhiều ít? phong tục tập quán ra sao? đất đai thế nào? Y như hỏi thăm về nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vậy. Hai người lại nói tới cái tầu thủy, chiếc Express, của ông thuyền trưởng, rồi nói tới thủy thủ đoàn trên tầu.

Sau cùng Bố tôi hỏi:

Ông có có một ngườithủy thủ già bán sò đằng kia, trông rất đặc biệt. Ông có biết gì về anh chàng ấy không?

Ông thuyền trưởng có vẻ hơi khó chịu, trả lời không vui vẻ gì:

Hắn ta là một tên ma cà bông già người Pháp. Năm ngoái tôi gặp bên Mỹ, bây gi đưa nó về nước. Dường như hắn ta có họ hàng ở Le Havre, nhưng không muốn về nhận họ, vì còn nợ tiền chi đó. Tên nó là Jules, Jules Darmanche hay là Jules Devranche đại khái như vậy. Dường như có một thời bên Mỹ hắn giầu sang lắm, nhưng bây giờ ông thấy đấy, hắn chẳng còn gì.”

Bố tôi mặt tái mét, mắt thất thần, cổ khô lại, lắp bắp nói:

À ra thế! Thực vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cám ơn ông thuyền trưởng lắm”.

Bố tôi đi khỏi, ông thuyền trưởng nhìn theo rất ngỡ ngàng.

Bố tôi về chỗ mẹ tôi ngồi, vẻ mặt điêu tàn khiến mẹ tôi phải nói:

“Ông ngồi xuống đi. Mọi người sẽ trông thấy ông kỳ cục lắm”.

Bố tôi ngồi phịch xuống ghế, lắp bắp nói:

“Đúng rồi! đúng là hắn rồí!”

Rồi ông hỏi:

Phải làm sao bây giờ?”

Mẹ tôi nói ngay:

“Đừng để lũ con đến gần hắn. Joseph đã biết chuyện rồi, bảo nó kêu chị nó về. Cần nhất là đừng để cho thằng rể biết, nghi ngờ mọi chuyện”.

Bố tôi hoàn toàn thất vọng, nói nhỏ:

Trời ơi! Thật là một đại họa!”

Mẹ tôi trở nên giận dữ:

Tôi vẫn nghi là cái thằng ăn cắp ấy sẽ chẳng làm gì nên thân, để rồi về ăn vạ chúng ta. Lại một tên Davranche vô loài!”

Bố tôi lại đưa tay lên trán như mỗi khi bị mẹ tôi la rầy. Mẹ tôi nói thêm:

Cho tiền thằng Joseph để trả tiền sò đi. Chỉ còn thiếu đường là tên ăn mày đó nhận ra ông. Sẽ là một trò cười cho thiên hạ trên tầu. Bây giờ chúng ta hãy ra phía đầu tầu đằng kia, đừng để cho hắn ta đến gần”.

Mẹ tôi đứng dậy, hai người từ từ đi xa sau khi đưa cho tôi một đồng tiền 100 xu.

Không thấy Bố tôi đến, các chị tôi rất ngạc nhiên. Tôi xác nhận là Mẹ trong người hơi mệt vì sóng biển. Tôi hỏi ngay người bán sò:

Thưa ông, tôi phải trả bao nhiêu cho tiền sò?” Tôi muốn hỏi “Thưa chú”.

Ông già trả lời:

Hai quan rưỡi”.

Tôi đưa cho ông ấy đồng 100 xu. Ông ấy trả lại tiền lẻ.

Tôi nhìn bàn tay ông già, một bàn tay nhăn nheo. Tôi nhìn bộ mặt, một bộ mặt một người già khốn khổ, lo lắng, buồn rầu. Trong lòng tôi nghĩ:

Đây là chú tôi, em của Bố! Chú tôi đây mà!”

Tôi để lại cho ông ta 10 xu tiền thù lao. Ông ấy cám ơn tôi:

Trời Phật sẽ phù hộ cho cậu”.

Nghe một người hành khất, nhận tiền của người cho, phải nói cám ơn như vậy, tôi thầm nhủ, hồi còn bên ấy, ông ta cũng đã phải đi ăn xin như thế.

Hai chị tôi nhìn tôi, rất ngạc nhiên khi thấy tôi rộng lượng như vậy. Khi tôi đưa 2 đồng quan tiền trả lại cho Bố tôi, mẹ tôi cũng rất ngạc nhiên mà hỏi rằng:

Mất ba quan à? Sao đắt vậy?”

Con cho ông ấy 10 xu tin thù lao rồi”, tôi nói.

Mẹ tôi giật mình. Nhìn thẳng vào mắt tôi nói:

“Mày điên rồi à! Sao mày lại cho 10 xu cho thằng ăn mày ấy?”

Mẹ tôi không nói tiếp khi thấy Bố tôi đưa tay chỉ ông con rể. Mọi người không ai nói gì nữa.

Nhìn về chân trời, hiện lên một mầu tím thẫm nhô lên khỏi mặt biển. Đó là đảo Jersey.

Khi thuyền sắp cập bến, tôi cảm thấy rất muốn nhìn thấy chú tôi một lần nữa, đến gần để nói lên vài lời an ủi, vài lời dịu dàng âu yếm. Nhưng vì trên tầu không còn ai muốn ăn sò nữa, ông ta đã biến mất, chắc là đã xuống cái hầm tầu hôi thối dành cho những kẻ khốn nạn rồi.

Trên chuyến về, chúng tôi về bằng chiếc thuyền Saint Malo để khỏi gặp lại chú tôi.

Mẹ tôi lo sợ quá rồi. Tôi không bao giờ gặp lại chú tôi, người em của Bố tôi nữa.

***

Bây giờ thì anh đã hiểu là tại sao tôi hay cho 100 xu cho những người hành khất rồi.

.

Đào Viên
Trích blog của tác giả

________________

(1) Lúc còn sinh thời, vào gần cuối đời, ông đã viết: “Je suis entré dans la littérature comme un météore, j’en sortirai comme un coup de foudre”.

(2) Le Havre là một thành phố khá lớn thuộc miền Haute Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp, ngay cửa sông Seine chẩy ra biển La Manche (English Channel). Dân số lối 180.000 người (2009). Mật độ dân số 3.800 dân/cây số vuông.

(3) Đảo Jersey là đảo lớn nhất trong một quần đảo, sát bờ biển Normadie, nhưng dưới quyền kiểm soát cũa người Anh. Diện tích 116 km vuông. Dân số khoảng 98.000 người. Mật độ dân số là 783 dân/cây số vuông

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chutoi.htm


Cái Đình - 2021