Nguyễn Lê Hồng Hưng


Chuyện Tháng Tư

.

Cái ấn tượng cuối cùng trước ngày tôi rời khỏi quê hương là vào tháng Ba âm lịch, nhằm tháng Tư dương lịch, năm một ngàn chín trăm bảy mươi sáu. Tháng Ba ở quê hương tôi là mùa gió chướng, cũng là mùa tôm, cá, nhưng nổi tiếng nhứt là mùa tôm bạc rại và mùa cá đường hội. Sau một năm sống dưới chánh quyền mới, dân chúng quê tôi khổ cực vô cùng, một phần vì thiếu dầu máy, một phần vì thanh niên ngư phủ trong xóm bị bắt đi làm thủy lợi hết, cho nên ghe cào, ghe te và các loại ghe lưới ở Sông Đốc Vàm cũng hạn chế ra bãi và ra khơi đánh bắt.

Tôi cũng như bao thanh niên trong xóm đi đào đất đắp nghĩa trang ở Bạc Liêu. Khi tôi về tới Sông Đốc thì mùa tôm, cá đã qua rồi, theo ghe ra biển chỉ vớt vát được tôm, cá lặt vặt cuối mùa. Những năm đầu miền Nam rơi vào tay cộng sản. Sông Đốc vàm bị thất mùa thê thảm, nhiều gia đình thiếu gạo ăn, phải vô rừng bắt vọp, bắt cua, chặt cây làm củi bán mua gạo sống cầm chừng. Đã vậy mà báo chí của nhà nước lại viết, tôi chỉ nhớ đại khái rằng, là nhờ cách mạng giải phóng, dân ngư được yên ổn mần ăn, cho nên ngày mùa ở Sông Đốc vàm xôn xao mùa cá đường hội và được trúng mùa tôm bạc rại. Dân chúng vùng ven hồ hởi, phấn khởi lắm. Trong những năm thiếu thời, tôi hay tò mò nhiều chuyện, cho nên mỗi khi đọc những bài báo như vậy, trong lòng tôi ray rức và canh cánh buồn cho cái thời đại, mới bắt đầu mà đã dối trá rồi. Nên tôi hay chú ý tới thế sự đổi thay qua những chiếc loa công cộng với những câu, những chữ mới lạ tôi còn nhớ những khẩu hiệu, những từ như: “hồ hởi, phấn khởi, khắp nơi reo mừng, nhờ ơn bác đảng, áo ấm cơm no...” Nhứt là một đoạn văn mở đầu của ban thông tin mỗi khi đọc: “Nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân thị tứ, lúc đó Sông Đốc còn là thị tứ, nói riêng đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vâng lời bác Hồ dạy không có gì quý hơn độc lập tự do.” Hình như ban thông tin văn hoá thấy lời bác dạy còn thiếu nên họ thêm hai câu nữa cho nó hợp với thời đại: “Quê hương nay giải phóng rồi, người dân làm chủ cuộc đời từ đây.” Chắc họ đắc ý với đoạn văn mở đầu này lắm, cho nên ngày nào cũng nghe mấy cái loa bự tổ chảng, treo theo mấy cái cột cắm từ khu một tới khu ba, sáng nào cũng cứ ra rả đọc đi đọc lại cho tới ngày tôi vượt biển vẫn còn đọc. Có lẽ cũng vì sáng bảnh mắt đã nghe cho tới tối, trước khi ngủ vẫn còn nghe nên nó ăn sâu vào lòng tôi cái đoạn mở đầu “hay quá xá” ấy cho tới ngày hôm nay tôi vẫn nhớ.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn chương cách mạng là cuốn tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức, tôi nhận thấy nhân vật trong sách người nào cũng thuộc loại siêu anh hùng, ngang tầm những truyện khoa học viễn tưởng (Science fiction). Hòn Đất là cuốn tiểu thuyết cách mạng, chớ hổng phải là truyện tưởng tượng như tiểu thuyết của Kim Dung. Nhưng dù sao tiểu thuyết Kim Dung cũng còn có đạo lý, có lý lẽ, văn hóa và con người hào phóng hơn những nhân vật “siêu anh hùng” trong tiểu thuyết Hòn Đất. Cho nên từ đó trở đi tôi mê đọc kiếm hiệp hơn là đọc sách cách mạng. Nhưng tôi có thói quen đọc báo, xem tin tức và những tạp chí văn học. Hổng hiểu sao thanh bình rồi mà văn chương, thơ ca, sách báo viết toàn những truyện viễn tưởng nhiều vô số. Nhứt là tuyên dương bác, đảng, anh hùng cách mạng và  ngợi ca cái thiên đường chủ nghĩa xã hội ở nước Tàu và nước Liên Xô vĩ đại nào đó. Họ ca ngợi quá nhiều về cái thế giới Đại Đồng, nghĩa là cả thế giới ai cũng bình đẳng ngang nhau trong một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nghe đẹp quá, hay quá và mới quá, nhưng lạ quá và còn mơ hồ chưa biết nó ra làm sao. Nhứt là cách chánh quyền cư xử với dân, họ thu góp đồ đạc từ giày dép cho tới những đồ quý giá như truyền hình, tủ lạnh, đầu máy họ chở ra Bắc hết và nghe khắp miền Nam đâu đâu cũng có toà án tử hình. Thấy cảnh ngột ngạt phát sợ làm cho tôi đâm ra nghi ngờ cái câu “độc lập tự do” Ngặt cái là đọc, nghe biết thôi, còn thắc mắc đâu dám nói đi nói lại và hỏi ai. Xui xẻo lỡ lời nói đụng đến mấy ông nhà nước, cách mạng thì bị cán bộ, công an mời ra cơ quan làm việc và cũng có thể bị bắt cho đi cải tạo mút mùa Lệ Thủy.

Với nhà thơ Y Thanh (bìa trái) trong buổi ra mắt Dòng Sông Sữa Mẹ (1994)

Nhưng rồi mùa đồng chung năm sau tôi vượt biển, may mắn trót lọt. Cuối năm bảy mươi tám tôi sang định cư Hoà Lan. Lúc còn trong trại tỵ nạn, vào dịp Tết ta, nhà thơ Y Thanh và nhà thơ Nguyễn Hoàn Nguyên có làm tờ báo Xuân, kêu gọi trại viên viết bài đóng góp, mặc dù ngoài trời mùa đông, dạo đó mùa đông ở Hoà Lan lạnh thấu trời xanh và tuyết rơi ngập đất, nhưng tôi cũng tham gia viết một bài cho nó có... mùa Xuân. Tôi còn nhớ là bài đầu tiên tôi viết về Tết trên quê hương tôi. Lúc đó tôi viết sai chánh tả tùm lum, nhà thơ Y Thanh lấy bài tôi về sửa lại rồi cho đăng, không ngờ sau tết năm đó tôi được anh em cộng đồng chú ý và rủ rê tôi viết bài cho tờ Việt Nam Mến Yêu do hoạ sĩ Thái Tăng An làm chủ bút. Dạo đó tôi viết bằng tay, khi thì Y Thanh, khi thì Nguyễn Hoàn Nguyên sữa lỗi chánh tả và chỉ dạy tôi cách viết, xong đâu đó mới gởi cho báo. Sau này nhà thơ Nguyễn Hoàn Nguyên lên làm chủ bút, lúc đó báo Việt Nam Mến Yêu đã đổi tên thành Việt Nam Nguyệt San, nhà văn Nguyễn Hiền phụ giúp trong phần biên tập và lên bài. Tôi viết bài gởi về nhà thơ Nguyễn Hoàn Nguyên, anh giao cho nhà văn Nguyễn Hiền vừa đánh máy và vừa sửa lỗi chánh tả. Nhờ ba anh Y Thanh, Nguyễn Hoàn Nguyên, Nguyễn Hiền khuyến khích, chỉ dạy làm cho tôi thích thú “hồ hởi, phấn khởi” viết. Tôi viết say mê, từ Việt Nam Mến Yêu tới khi đổi tên thành Việt Nam Nguyệt San, tờ báo cho tới bây giờ vẫn còn sống. Khi anh em thấy tôi viết vững vàng rồi, khuyên tôi chọn truyện ngắn nào vừa ý gởi cho những tờ báo văn học của cộng đồng người Việt bên Mỹ và bên Canada. Nghe lời anh em “xúi” tôi làm theo. Nhưng không ngờ gởi truyện nào họ đăng truyện đó và được độc giả đón nhận rất tận tình. Điều làm tôi vui sướng nhứt là được độc giả viết thư khen tôi viết truyện thiệt quá. Cũng trong thời gian đó, nhà xuất bản Cái Đình ra đời, các anh gom truyện ngắn của tôi lại rồi in cho tôi tập truyện ngắn đầu tay là Dòng Sông Sữa Mẹ. Tôi vui lắm, vui vì mình có sách và hãnh diện mình cũng thành một nhà văn.

Tôi thừa thắng xông lên, học hỏi và vừa đọc vừa viết về đề tài chung quanh dòng sông Ông Đốc quê hương tôi, nhưng rồi Dòng Sông Sữa Mẹ cũng cạn nguồn. Hết đề tài viết rồi, mặc dù lúc đó tôi đã là thủy thủ. Định rửa tay gác... viết, không làm nhà văn nữa mà làm khách giang hồ.

Tôi hải hành đó đây được một thời gian, thì chánh trị nước Nga thay đổi. Thủ tướng nước Nga là Mikhail Gorbachev vừa lên, ông liền xoá sổ cái thiên đường xã hội chủ nghĩa của Liên Bang Xô Viết. Công ty tàu tôi ký hợp đồng chở hàng từ cảng Antwerpen qua Leningrad, tức là St. Petersburg. Tôi thích thú muốn qua xem cái thiên đường xã hội chủ nghĩa nó giàu đẹp ra làm sao mà mấy nhà văn nhà thơ, nhà cách mạng cộng sản ở miền Bắc nước tôi viết bài in sách ca ngợi quá trời. Nhưng khi đặt chưn lên đất Nga, tôi ngạc nhiên thấy Leningrad nó te tua, tàn tạ, tanh bành té bẹ hết... Tuy hổng còn viết văn đăng báo nữa, nhưng tôi có tánh hay viết, đi tới đâu ghi chép tới đó. Nhưng tới đây một thời gian, tôi có ý viết lại và viết về những chuyến đi của tôi. Tôi ghi nhận những chuyện xảy ra trên mặt đất ở Nga chớ không như những nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng ở Bắc Việt nước tôi viết về một cái thiên đường trời ơi đất hỡi nào đó, đã vậy mà còn đem về truyền bá khắp ba miền đất nước Việt Nam. Tôi viết hết chuyện bên Nga rồi viết qua nước khác và chuyện trên tàu, viết lai rai như vậy cho tới ngày hôm nay gom lại cũng được năm tập truyện và đã xuất bản được ba tập. Thiệt tình về chuyện văn chương tôi dốt lắm, hổng biết phân tích dù cho khi đọc bài nào đó có thấy gai trong mắt. Thí dụ như đọc thơ ông Tố Hữu: “Thuở Anh (Lenin) chưa ra đời Trái đất còn nức nở Nhân loại chửa thành người Đêm ngàn năm man rợ”. Tôi tìm đọc tiểu sử ông Lenin, được biết ông sanh ngày 22 tháng 4 năm 1870. Lúc đó nhân loại người ta văn  minh lắm rồi, đâu có rừng rú, man rợ như ông đại thi hào Tố Hữu viết. Tôi thấy nó hổng trúng trật gì hết ráo, nhứt là đoạn sau ông tả cảnh con người: “Nước mắt, máu, mồ hôi. Đong hàng bát, hàng bát. Bán đổi lấy cơm ôi. Nhặt từng hạt, từng hạt...” Cái chuyện này ai đã trải qua những ngày tháng sắp hàng mua thực phẩm trong chánh quyền Cộng Sản thì đã biết. Ngay cái nước Nga, lúc đó tôi đổi một trăm đô, xài cả tháng hổng hết, thiệt ra thì không có gì đáng để mua. Cái chuyện “Nhặt từng hạt, từng hạt...” nó xảy ra ngay trong những nước xã hội chủ nghĩa do những người lãnh đạo keo bẩn và bần tiện mà ra. Còn một nhà thơ khác thì trong khi nhà nông bị bắt ép vào mấy cái hợp tác xã bát nháo, đói thấy mẹ luôn thì Chế Lan Viên viết “Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt/Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt/Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta/Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác/Chim cu gần, chim cu gáy xa xa”. 

Nhiều lần nghe tôi kể về chuyện quê hương, người ghét chế độ thì chửi, người ra vẻ bao dung thì nói: “Chuyện cũ rồi nói lại làm gì”. Riêng tôi thấy nó hổng cũ chút nào. Nó vẫn còn bám theo thời gian, từ đó tới nay đã qua mấy thế hệ rồi, nó vẫn còn nguyên vẹn đó. Những lứa tuổi em út của tôi nay cũng trên bốn mươi, cô giáo, nhạc sĩ và cũng có nhà thơ. Có lần cũng vào tháng Tư, một cô bạn gởi cho tôi Bài Ca Tháng Mười của ông Tố Hữu, cô hỏi tôi biết bài này không và cô khen: “Hay lắm đó”. Tôi bèn chuyển bài thơ cho mấy em, mấy cháu ở Việt Nam hỏi ý chúng. Đứa thì khen hay, đứa thì nói: “Em là đảng viên đảng Cộng Sản nên không dám phê bình thơ của ông ấy.” Đó là những đứa em, đứa cháu thầy giáo dạy học bình thường thôi. Còn giáo sư, tiến sĩ, học giả thì có người viết báo tâng bốc bài thơ lên tới tận mây xanh. Tôi có quen với một cô gái Hà Nội, cô là một giáo sư dạy văn có tầm cở và cũng có tác phẩm, cô lấy chồng người Hòa Lan. Có lần trò chuyện văn nghệ văn gừng, tôi hỏi cô ta về cuốn tiểu thuyết Hòn Đất, cô ta thốt lên: “Cuốn đó hay đấy chứ, đó là loại sách truyền thống mà anh”. Ồ, thì ra văn học truyền thống của nước ta, có những “siêu anh hùng”. Như là bộ đội ta đánh trận, bị địch bắn gãy xương cánh tay, da còn dính lòng thòng, anh bộ đội bèn dùng tay kia rút dao cắt đứt chỗ da ra, lấy cánh tay liệng bỏ và cầm súng lên tiếp tục chiến đấu, hoặc có một anh hùng cách mạng bị địch bắn lòi phèo, lòi ruột liền lấy tay nhét ruột vô xong rồi một tay bồng súng lên bắn tiếp hoặc là có đồng chí vác B40 leo lên cây dừa bắn rớt máy bay... Văn chương như vậy nó đã thấm sâu trong lòng người đọc và đã trở thành truyền thống văn hoá của các nước cộng sản. Cũng giống như bộ đội Trung Cộng lên núi đặt chất nổ, chờ máy bay địch bay tới liền đốt châm ngòi cho nổ chất nổ, làm cho máy bay banh xác và rơi lả tả... Bởi vậy mới có những người sống từ đời cha xuống tới đời con, đời cháu trong xứ chủ nghĩa xã hội, đọc riết mấy chuyện nầy, nó thấm sâu vô máu cho nên có thể xạo, đía tùm lum mà hổng biết mắc cỡ.

Tôi hổng phải là nhà phê bình văn học nên nhận xét về văn chương tôi mù tịt, hổng biết phân tích như những nhà văn, nhà giáo tiến sĩ nào đó. Nhưng qua kinh nghiệm sống, tôi biết rằng văn chương hiện thực thì có thể hư cấu để tái tạo lại câu chuyện, nhưng không ra ngoài sự thật. Nếu sự dối trá cho cả nền văn học của một nước và người dân đọc những câu chuyện dối trá đến mức không thể phân biệt được đúng sai thì cá nhân họ đánh mất tất cả sự tôn trọng đối với bản thân. Nếu không còn sự tôn trọng bản thân thì còn nói gì đạo đức và tình thương. Thương một con thú cũng hổng xong nói chi yêu thiên nhiên, yêu con người hay yêu quê hương đất nước!

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten 18-4-2022

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/chuyenthangtu.html


Cái Đình - 2022