Phan Ni Tấn


Con Chèm Chẹt

Gởi Y. Nhi, nhớ Phan Huỳnh Trí

Ảnh: Nghị Lê

   

Ông bà Năm Hiền có sáu người con, ba trai, ba gái. Năm người con lớn đều sanh ở quận Kiên An, thị trấn Thứ Ba, tỉnh Rạch Giá, riêng cô út sanh ở Chèm Chẹt.

Trước kia, từ thị trấn Thứ Ba đi Chèm Chẹt mất chừng một giờ tàu đò, không như ngày nay nghe nói chỉ mất khoảng ba mươi phút đường xe. Từ Thứ Ba đi Chèm Chẹt đò phải qua xã Chắc Kha đi thêm mười phút mới tới Chèm Chẹt, đa số người Khmer sống ở đây bằng nghề làm ruộng. Kinh Chèm Chẹt phát nguồn từ cửa sông Cái Bé.

Trước 1975, gia đình ông bà Năm Hiền là một trong những bậc đại phú ở thị trấn Thứ Ba, trung tâm hành chánh của quận. Ruộng ông Năm cò bay thẳng cánh. Lẫm lúa cao ngất trời thiên. Chủ của bốn chiếc ghe chài trọng tải từ ba tới bốn năm trăm tấn.

Tuy giàu có, nhưng ông bà được tiếng là người nhơn đức, thường giúp đỡ người khác, bà con chòm xóm ai cũng nể trọng. Nhà cao cửa rộng vậy, nhưng con cái đều gởi ra tỉnh học khiến cảnh nhà trống huơ. Để lấp đầy khoảng trống, ông bà Năm Hiền cho các cô giáo trẻ ngoài tỉnh vô Thứ Ba dạy học mướn phòng ốc với giá lấy lệ. Ngoài ra các ông sĩ quan trong thị trấn cũng thường ăn cơm tháng ở nhà ông bà, do người làm nấu nướng. Thiếu úy Phan Đình Chí cũng ăn cơm tháng ở đây.

Thiếu úy Chí thuộc đơn vị Nghĩa Quân có nhiệm vụ giữ an ninh làng, xã. Tuy trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu nhưng Nghĩa Quân đặt dưới quyền điều động trực tiếp của các Tiểu khu, Chi khu (Quận). Được biết tiền thân của đơn vị Nghĩa Quân là đồn Dân Vệ, nơi xưa kia là đơn vị hành chánh Kiên An do người Pháp thành lập đầu năm 1936, trụ sở đặt tại chợ Thứ Ba.

Sau 1975, chế độ miền Nam Cộng Hòa sụp đổ, thị trấn Thứ Ba cũng tan hoang. Ông quận trưởng Trần Cối bị Cộng quân bắt xử bắn tại chợ Kiên An, buộc các bổn phố phải tới chứng kiến chúng xử tử ông để răn đe. Mặt khác, các quân quyền chế độ cũ được lệnh trình diện tập trung học tập “cải tạo” tại trại Thứ Bảy Kinh Làng, huyện U Minh Thượng, trong đó có thiếu tá Thần Hổ và thiếu úy Phan Đình Chí.

Học tập đường lối xã hội chủ nghĩa không bao lâu, các chức sắc, đoàn thể chính trị, tổ chức tôn giáo trọng yếu của thị trấn lần lượt chuyển trại đi nơi khác, một số bị đày ra Bắc. Đúng lúc đó đại úy Luân, trung đội trưởng Nghĩa Quân, sếp của thiếu úy Chí, giả dạng thường dân trốn lánh ở kinh Chèm Chẹt bị Công an phát giác bắt dẫn về trại Kinh Làng. Lúc bị tống vô phòng tối cùm chân, thiếu úy Chí kịp nhìn thấy mặt mũi ông Luân sưng vù, bầm tím, máu còn rỉ hai bên mép.

Cuộc đời của thiếu úy Phan Đình Chí vốn trôi nổi như dòng sông dài, khởi nguồn từ sông Hương, Thừa Thiên Huế, luồn theo thời gian mà chảy hoài, chảy mãi xuống tận vùng đất hẻo lánh miệt thứ Kiên Giang. Dưới thời Pháp thuộc, “miệt thứ” là nơi xa xôi hẻo lánh có các kinh rạch được đặt theo số thứ tự, từ Thứ Hai (thuộc địa bàn quận Kiên An) tới Thứ Mười Một (quận An Minh), nơi kết thúc của miền đất Kiên Giang. Tóm lại, Rạch Giá có tổng cộng 10 con rạch xuôi theo dòng kinh Xẻo Rô đổ ra biển.

Ngày tháng lầm lũi trôi đi như những con tàu xuôi về nơi xa xôi nào đó.

Một hôm, sau giờ lao động, ngồi trên bờ kinh, nhìn tàu đò qua lại thiếu úy Chí có cảm tưởng như con đò trôi ra khỏi nỗi buồn nặng trĩu của mình. Sống trên đất Rạch Giá đã nhiều năm, ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh làng xã, thiếu úy Chí không để ý gì tới vùng đất “Kiên An đi dễ khó về” này, lúc sa cơ ở miệt Kinh Làng tự nhiên ông nhớ tới nỗi niềm quê quán của nhà văn Sơn Nam: “Xứ quê của tôi (Rạch Giá) là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh, cây giá giờ đã biến mất, nhưng đã để lại một địa danh, một thành phố hiện đại.”

Đang thả hồn lang thang trong gió, ông Chí chợt tỉnh người khi đại úy Luân xề xuống vỗ vai hỏi còn nhớ gia đình ông bà Năm Hiền không. Nói nhớ nhưng thật tình khi Cộng quân tràn vô Thứ Ba, thiếu úy Chí bị bắt ngay tại trận, ông đâu còn biết gì.

Đại úy Luân nói tình cờ gặp ông Năm Hiền ở kinh Chèm Chẹt, ông Năm cho biết gia đình bị đánh tư sản, nhà cửa, ruộng vườn, ghe chài bị tịch thu buộc cả nhà phải dọn ra khỏi thị trấn. Sếp Luân trầm giọng kể khi ghe chở gia đình ông Năm vừa tấp vô bờ kinh Chèm Chẹt thì trời ngắc ngứ đổ mưa. Lúc đó bà Năm đang mang thai vào thời kỳ đầy mồ hôi và nước mắt, vừa lóp ngóp lên bờ bà sơ ý trợt chân té nhào rồi đẻ rớt đứa con ngay bên bờ kinh Chèm Chẹt. Lúc đó cả nhà đều bấn loạn nhưng khi thấy mẹ tròn con vuông mọi người mới xuýt xoa gọi con bé đẻ rớt là “con Chèm Chẹt”. Riêng ông Năm lại thích gọi “con gái rượu đẻ rớt” của ông là Nữ Nhi Hồng.

Ngày tháng vẫn lầm lũi trôi trên dòng kinh Thứ Bảy, nơi trại Thứ Bảy Kinh Làng, tự nó đã là một cõi lưu đày.

***

Hai mươi năm sau, cựu thiếu úy Nghĩa quân Phan Đình Chí tình cờ gặp lại bà Năm Hiền trong chợ Phước Lộc Thọ, Quận Cam. Dĩ nhiên bà Năm đã già đi nhiều, nhưng trông bà vẫn khỏe mạnh, hiền lành, phúc hậu. Bên cạnh bà là một thiếu nữ độ tuổi đôi mươi, vóc dáng thon thả, nhẹ nhàng, đằm thắm. Mái tóc đen tuyền ôm lấy gương mặt thanh tú, nhưng đôi mắt đẹp trinh nguyên có ánh nhìn tha thiết lại ánh lên một nỗi buồn. Dù bà Năm không nói ra nhưng ông Chí cũng đoán biết đó là cô Út đẻ rớt trên bờ kinh Chèm Chẹt năm nào.

Cuộc đời ông Phan Đình Chí từ lâu sống một mình tưởng đã thành thói quen, ấy vậy mà khi nhìn hai mẹ con bà Năm Hiền đi khuất bên kia đường tự nhiên cái cảm giác mất mát làm máy động lòng ông. Đời ông chưa bao giờ cảm thấy mất mát nào giống như vậy, cái mất mát đã nảy sinh trong ông niềm lưu luyến lạ kỳ.

Chính đôi mắt đẹp mà buồn kia như nói với ông bằng sự giao cảm thay vì bằng lời. Chỉ đến lúc đó, ông mới ngộ ra con mắt có khác nào trái tim tình yêu. Mà đã là tình yêu thì chính ông cần phải hiểu tình yêu qua trái tim, ông phải biết rung cảm.

Nhưng mà ở đời ai biết trước việc gì sẽ xảy ra. Như ông Phan Đình Chí chẳng hạn. Buổi tri ngộ tình cờ đó như thiên duyên tiền định để sau này tình cảm ông Chí gắn bó với cô út, con của ông bà Năm Hiền, dù chỉ một đoạn đời.

Đoạn kết

“Dạ, Út cũng nghĩ vậy. Anh Chí và Út đúng là có mối duyên tiền định, dù chỉ là một đoạn thời gian, như ông anh nói.”

Thưa độc giả, “ông anh” đây là người viết ra câu chuyện kể trên; còn Út là cô Nữ Nhi Hồng, con gái út đẻ rớt của ông bà Năm Hiền ở kinh Chèm Chẹt xưa kia. Khi lập gia đình, cô Út theo chồng sống ở Canada đã nhiều năm, lần đầu tiên mới trở về thăm lại cố hương. Lúc cô xuống Thứ Ba Biển tìm gặp tôi, thú thật ngót năm mươi năm rồi làm sao tôi nhận ra ai nhưng khi cô xưng danh tôi nhớ ra ngay. Tôi vẫn còn nhớ lúc lo cho gia đình ông bà Năm Hiền đi vượt biên thì cô Út mới lên năm. Nay cô đã ngoại tứ tuần trông thật giản dị, hiền lành, thậm chí vẫn chưa gột hết chất quê. Thật thân tình cô nói cô có đọc truyện Con Chèm Chẹt của tôi đăng trên facebook, nhưng “nó” không có “happy ending” như tôi tưởng mà ngược lại. Nhỏ nhẹ, từ tốn, có chút bùi ngùi cô nói anh Chí (tức ông thiếu úy Nghĩa quân Phan Đình Chí) mất vừa tròn ba năm. Anh yêu cô, đến với cô, lo cho cô tươm tất mọi bề rồi anh mãi mãi ra đi.

Nghe những lời tâm tình của cô Út tự nhiên tôi cảm thương cô lạ lùng. Mặc dù ông Phan Đình Chí mất cũng đã ba năm, nhưng khi nhắc lại nỗi oan khiên, bất hạnh của người chồng thân yêu, cô cố cầm nước mắt, vừa nói cô vừa cười rưng rưng.

Đời người như con sông trôi. Cha mẹ và người chồng thân yêu của cô đã trôi xa mịt mù. Nay cô Út lại từ giã quê đi, cái dáng đi toát ra một nỗi buồn buồn. Thương cảnh đời cô Út lẻ loi tôi sực nhớ ra con kinh Chèm Chẹt năm xưa như cũng biết run rẩy trước một người đi.

Cô Út đi xa, xa dần, xa hoài, xa mãi, biền biệt mà không còn thấy cô trở lại quê nhà.

   

Phan Ni Tấn
(Trích Chuyện Quê Nam)

***

Chuyện Tình Xẻo Rô
(Chuyện Quê Nam)

Tuyển tập gồm 25 truyện ngắn

Tác giả: Phan Ni Tấn
Bìa: La Thanh Hiền - Sông Hương

278 trang, bìa mềm.
ISBN: 979-8-3493-4816-7

Nhân Ảnh xuất bản (2025)
Giá: US$ 20

Mua qua amazon

hay liên lạc tác giả: laongoan@gmail.com

 

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/conchemchet.html


Cái Đình - 2025