Nguyễn Lê Hồng Hưng


Còn có gì để mang theo 

 

Tặng Mỹ Nương, người em gái quê hương...

Năm ngoái anh về vào cuối tháng hai ta, lúc gió bấc già đã qua lâu nhường lại cho mùa chướng non hiu hiu thổi. Sau khi ra nghĩa trang thăm mộ người thân và bạn bè, trên đường về em hỏi anh:

– Sao, về sống với quê hương anh thấy thế nào?

Anh không biết nói sao, chỉ biết lướt mắt nhìn dãy mồ mả, nghĩa trang nâng cấp khá khang trang, phần đông được tráng xi măng, nhiều mả dán và lót gạch bông màu mè hoa lá cành và có mái ngói che mưa. Anh thắc mắc, không hiểu sao người cất nhà che cho cái mớ xi măng vô tri ấy, trong khi nhiều người sống không nhà. Tuy nhiên trong đám mả mồ sang trọng đó vẫn còn nhiều mả đất, có nhiều ngôi đã lạng và cỏ mọc xanh um. Chậc! người chết ra ma mà còn phân biệt giàu nghèo. Anh ngước mặt ngó lên nhìn trời, nhìn mây mới phát hiện ra trong gió cũng có sự biến đổi. Gió mang theo hơi  nóng, cái nóng cộc cằn gắt gao hơn xưa nhiều. Trời! Mới hơn ba mươi năm mà đã xa xưa lắm rồi.

Ngày xưa đó, trẻ con đón ngọn gió chướng mát mẻ dịu hiền và thả những con diều giấy nhiều màu sắc lên không gian rộng có mây trắng bay và thăm thẳm trời cao xanh biếc. Những ngày tháng ba ấy, nhứt là khi chiều xuống, ghe te, ghe cào ồ ạt ra vàm, tới đầu bãi nghe cào thả cào kéo, ghe te thì thọc gọng xuống đẩy. Xa khơi nhìn vào, đèn ghe từng cụm như khu phố nổi trên nước và ánh sáng tỏa rộng lên không. Tiếng máy rù rù xuyên qua khu rừng mắm lan vào xóm biển ru ngủ những người thân thương của ngư phủ suốt đêm. Sáng sớm ghe vô, chiếc nào chiếc nấy khẳm mẹp, trên khoang ghe đầy ắp nhiều cần xé tôm bạc rại trắng tươi. Ngay khi đó cả xóm cào, te nhao nhao nổi lửa lò cho nước vào chảo đụng, chốc lát sau hơi khói bốc lên ngào ngạt mùi tôm luộc lan tỏa khắp thị tứ ven vàm. Khi mặt trời nhô lên, ngư phủ khiêng những cần xé đầy tôm luộc đổ lên những chiếc đệm và được những đôi tay khéo léo của các bà, các cô cào ra trải đều trên những tấm đệm hình vuông nối liền trên những mảnh sân nhà và lan ra khắp mặt đất đỏ ối màu tôm bạc luộc. Còn những ghe lưới gộc thì đã ra khơi từ đầu con nước và chuẩn bị vô mũi Cà Mau đón cá đường hội vào con nước chết tháng ba... Nhớ nhung vu vơ vậy thôi chớ nào dám nói ra, sợ em chỉ tay lên trán nhiếc anh và cho anh là người về từ dĩ vãng.

Cuối hè này anh về em cũng hỏi một câu tương tợ, chợt anh bật thốt lên:

– Trời! Quê hương... nhưng...nhưng anh thấy là lạ kỳ kỳ...

Thấy anh ấm ớ, em gái cười cười:

– Là lạ kỳ kỳ sao hả anh?

– Quê mình đổi thay nhiều quá.

– Hơn ba mươi năm rồi còn gì.

Anh nhìn ra khoảng sân hẹp và ngoài kia là con lộ xe gắn máy chạy ào ào, trời mưa thì văng bùn, trời nắng thì bụi bay.

– Ờ hén! Thời gian xóa đi nhiều thứ cũ, thay vào nhiều thứ mới làm người đi xa trở về lúng ta lúng túng trước cảnh đổi thay.

– Anh nói gì mà nghe như đọc truyện vậy.

– Mỗi khi nghĩ dìa quê hương, anh mới nhận ra rằng quê mình đất hổng thiêng, hổng nồng ấm và hổng rộng lượng bao dung như con người ta tưởng.

– Vậy sao.

– Anh hổng nói quá lắm đâu, cô coi, ngày trước anh em mình đứng đây nhìn ra là thấy ghe, xuồng xuôi ngược trên dòng sông, bây giờ bị dãy nhà lầu che khuất, gần sông mà hổng thấy sông đâu, đứng trên bờ mà hông thấy đâu là bến...

– Tại anh quên rồi, hồi anh đi dân số nơi đây có vài ba ngàn, bây giờ bốn năm chục ngàn rồi.

– Ờ, anh nhớ rồi, lúc anh đi người Hà Nam Ninh di dân vô đây đông nghẹt, mấy người đó bây giờ đâu mất hết rồi?

Cô em gái trố mắt nhìn anh:

– Chèn ơi, hôm qua anh ngồi ở quán cà phê bên bờ rạch Ruộng, chỗ đó là dân Hà Nam Ninh không hà.

Anh ngạc nhiên:

– Ủa, sao anh hổng nghe giọng Bắc Kỳ nào hết.

– Mấy chục năm qua người ta lai hết trơn rồi.

– Dậy sao? Nhưng mà...

– Sao anh?.

– Bạn bè anh dân Bắc cũng nhiều, họ vô Nam năm năm tư nhưng họ đâu có nói giọng miền Nam.

– Ừ... vụ này có lần nghe nói, tại vì Sông Đốc mình dân tứ xứ tụ lại nên ai tới đây cũng phải tập nói cho giống người bản xứ để dễ bề giao tiếp.

– Cũng có lý, ông bà mình có nói, nơi đây là linh địa, thiên nhiên hào phóng bao dung tất cả và sẵn sàng hòa đồng văn hóa bốn phương.  

– Anh vừa mới nói quê hương mình đất hổng thiêng, hổng nồng ấm và hông che chở bao dung...

– Hì hì... cái này là ông bà mình nói mà... nhưng xưa lắm rồi.

– Anh nói chuyện lúc dí dỏm, lúc nghiêm túc, lúc xa xuôi lộn xộn quá, em hổng biết đâu, em thấy người đông chừng nào khó sống chừng nấy.

– Cô nói vậy chớ thị trấn mình ngày nay giàu lắm, nhà lầu mọc lên như nấm mọc đầu mùa mưa và lúc nào dân chúng cũng ăn uống nhậu nhẹt hớn hở đờn hát vui ca trong cảnh thái bình.

– Xí, chủ cả, ghe lớn, nhà lầu, anh thấy họ ăn, họ nhậu vậy chớ phần đông nợ ngập đầu, anh coi mấy đứa cháu mình thì biết, đứa nghèo thì nợ ít, đứa giàu thì nợ nhiều...

Sợ cô em bắt chuyện than phiền anh bèn dí dỏm đọc nhại mấy câu thơ: 

– “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, ghe ra nhậu đế, ghe về nhậu bia”.

– Anh ở đó mà thơ với thẩn, em đi chợ, à thằng Tư điện thoại nói một lát ghé ngang chở anh đi uống cà phê.

– Ờ, anh nhớ rồi.

Hồi sáng thằng Tư, cháu rể, rủ anh lát trưa ra bờ biển Tây ngồi cho mát. Anh giựt mình, nhớ có lần thằng em vợ rủ anh đi chỗ tươi mát chơi, anh tưởng nó rủ anh đi uống cà phê máy lạnh, ai dè nó chở anh tới chỗ có mấy cô gái nhỏ nhỏ, tuổi đáng con đáng cháu, trời nóng như thiêu, mấy nhỏ ăn bận gần giống như tắm biển, cả bầy ùa tới vây quanh và kêu anh bằng anh ngọt sớt. Anh hoảng hồn đứng phắt dậy ra lịnh cho thằng em vợ chở anh về ngay lập tức. Bây giờ nghe thằng cháu nói mát mát mẻ mẻ gì đó, sợ nó chở anh tới chỗ bậy bạ, anh bèn nghiêm giọng nói:

– Con đừng hỗn.

Thằng cháu ngạc nhiên, ngơ ngác:

– Dạ, có gì đâu chú?

Ông anh đứng bên hiểu ý cười to rồi giải thích cho anh nghe chớ không thôi anh rầy oan thằng cháu.

Bờ biển Tây nằm bên tay phải vàm Sông Ông Đốc, không gian thoáng và mát, xa xa ngoài vàm biển rộng minh mông. Trong khí âm ẩm của mùa đồng chung tháng tám, hòn chuối xa xa mờ mờ như in vào phía trời Tây trông giống như bức tranh sơn thủy. Nơi đây cũng rất lý tưởng cho chỗ ngồi hóng mát và ngắm cảnh trên sông. Trên dòng sông rộng, những chiếc vỏ lải đò dọc ngược xuôi, bên kia bờ nhà cửa san sát đặc khừ. Thấy anh nhìn bốn chiếc ghe lớn nối hàng dọc mũi hướng thẳng ra vàm ào ào lướt nước. Thằng Tư nói:

– Chiếc chạy trước là chiếc áp tải.

– Áp tải gì vậy con?

– Dạ, chở nước đá, thực phẩm... cung cấp cho ghe đánh cá và mua cá đem dìa đó chú.

Anh chỉ tay ra mấy chiếc chạy nối đuôi.

– Còn mấy chiếc kia?

– Dạ, mấy chiếc lưới đèn đó chú.

– Ghe con cỡ mấy chiếc đó hông?

– Dạ, ghe con lớn hơn chú.

Nhìn mấy chiếc ghe trang bị hai giàn đèn trước ca bin trông giống như hai giàn tên lửa, anh cười nói:

– Ghe đánh cá mà giàn giá trông giống những chiến hạm ở Hoàng Sa.

– Dạ, bây giờ là vậy đó chú, ghe nào cũng trang bị máy định vị, máy tầm ngư... còn hai giàn đèn chụp, mỗi giàn mười hai bóng trên hai ngàn watt:

– Chong đèn cần phải nặng watt dữ vậy sao?

– Bây giờ là phải vậy mới bắt sạch cá chú, dàn đèn bây giờ mà chụp xuống một cái là bầy cá dưới đáy sâu cỡ nào cũng trồi lên hết, nhiều con bị ánh sáng làm nổ đui mắt chết tươi.

– Dữ vậy hả con?

– Dạ.

Thằng Tư dạ một cái rất tự tin, còn anh thì hoài nghi trong bụng. Ghe lớn trang bị máy móc tối tân gặp mé cá là bắt sạch, vậy mà mấy trăng qua tài công đánh thất, sợ mất mặt với đồng nghiệp không dám chạy ghe vô, phải neo  ngoài hòn chờ trăng sau đánh tiếp. Nhìn thằng cháu mân mê chiếc điện thoại thông minh, anh mới nhận ra, hổm rày anh thấy nhiều người mua điện thoại đắt tiền để làm đồ trang sức hơn là để xài. Những nhiệt huyết lý tưởng con trai, con gái thì dành hết cho chuyện đờn ca nhậu nhẹt. Còn nhiều cô gái trẻ thì mơ ước ra đi một nơi nào mà các cô chưa biết nó ra sao, đánh đổi tuổi xuân, bất chấp hiểm nguy, miễn ra đi là được. Những hào nhoáng bên ngoài không che dấu được cái lạc hậu tâm thức với nét văn hoá khoác lác, phóng đại của bác ba Phi trước đây một hai thế hệ...

Anh đã về lại Âu Châu nghỉ ngơi vài tuần rồi tiếp tục lên đường. Khi biết anh lênh đênh, em gái e-mail hỏi. Đi hoài anh có nhớ nhà không? Thật ra thì khi anh nhớ khi đất liền nơi mình đương sinh sống, khi thì nhớ quê hương đất nước, tùy lúc, tùy nơi, tùy cảnh vật, khi nhớ chỗ này lúc nhớ chỗ kia. Tuy nhiên những tháng ngày lang bạt anh hay nhớ quê hương. Còn hiện giờ thì anh nhớ những ngày anh về Sông Đốc vàm, nơi anh em mình cùng chôn nhau cắt rún, cùng sống với nhau đến trưởng thành.

Em lại e-mail hỏi anh:

– Vậy thì đi xa anh có mang theo được những gì của quê mình?

– Trời! Lại kêu trời nữa, biết trả lời sao cho em gái hiểu đây, giữa khi đất trời Châu Âu đã cuối thu, cuối mùa thu nơi đây lá vàng rơi nhiều lắm nhưng mưa ướt nhẹp hết, những con nai trong sở thú đứng cúi đầu giữa không gian tê tái lạnh. Khí trời không ấm áp, nắng không đủ để phơi những chiếc lá vàng khô như cảnh thu vàng trong tranh của thi sĩ họ Lưu đâu.

Chơn trời mây xám giăng, bầu trời mưa trắng xóa, mùa hè bỏ qua mau, quê nhà xa xa quá,  em anh nay tóc trắng, áo thâm kim giãi nắng, dầm mưa hết một đời, anh một trời lưu lạc, nhìn mây trắng bay ngang,  nhắn gởi gì theo gió, tiếng thở dài mênh mang...”.  

Đầu cô bạc trắng hết rồi! Ðây là hình ảnh mà anh mang theo mùa hè năm nay khi anh rời khỏi quê hương đất nước.

Anh trả lời như vậy em gái không hài lòng và e-mail qua trách anh hay thơ thẩn, nhứt là khi biết anh lênh đênh trên vùng biển lạnh, em lặp lại câu hỏi rõ ràng như sợ em hỏi một đàng anh trả lời một nẻo:

– Những ngày tháng lênh đênh, anh có mang theo ấn tượng nào của quê hương mình?  

Đầu hai thứ tóc mà em vẫn thơ ngây và nôn nóng chờ anh trả lời, làm như quê hương ấy là của riêng em vậy. Thiệt tình thì anh không thể nhớ nhung như ngày xưa anh từng nhớ mùi cá, tôm khô nồng nàn bay trong gió vào những ngày mùa và những bếp un trên những căn nhà sàn ven sông, cạnh tán rừng cuộn khói vào những chiều hôn. Tiếng ghe te, ghe cào đêm đêm ngoài bãi rù rì vọng vào ru ngủ bà con trong thị tứ... những thứ đó đã phôi phai trong anh từ hồi nảo hồi nao. Và món ăn cua luộc, cá kèo kho, vọp hấp và nướng mà em đã đãi anh hôm anh về nó không còn mùi vị và chất ngọt ngào tự nhiên như ngày xưa nữa. Nhà cao cửa rộng, xe cộ dâp dìu, ghe đánh cá chiếc nào cũng lớn và ráp máy hiện đại, thiết bị tối tân nhưng sao anh thấy tất cả nghèo nàn, cũ kỹ hơn xưa nhiều lắm. Dân Vùng Ven hiền lành và hào phóng thấu trời xanh của một thời, nay biến đâu mất hết. Đứng giữa lòng quê hương anh vẫn thấy mình cô độc. Vậy thì hỏi em nơi đó còn có gì để cho anh mang theo?

 

Dronten 31-1-2014
Nguyễn Lê Hồng Hưng


Cái Đình - 2014