Nguyễn Lê Hồng Hưng


Góc biển xanh

.

Chương 1.- Lên Đường                                              

.

Chuyến bay qua Madrid, thủ đô Tây Ban Nha lúc bảy giờ sáng, mà chỗ ở của tôi xa phi trường quá, đi xe nhà, xe lửa thì không kịp. Hơn nữa phi trường Schiphol-Amsterdam dạo này thiếu nhân viên làm việc nên hành khách chen chúc, chờ đợi cũng khá lâu, sợ trễ chuyến bay nên công ty đặt khách sạn cho tôi ngủ gần phi trường cho tiện. Tôi đi xe lửa tới phi trường lúc năm giờ chiều. Theo điện thư của công ty cho tôi biết, họ có đặt cho tôi phần ăn chiều và sáng, nếu sáng không ăn tại khách sạn thì có thể nói nhân viên phục vụ gói cho tôi mang theo. Thiệt ra thì từ trước tới giờ phần ăn do công ty đặt ít khi tôi quan tâm. Những lúc bình thường, lỡ đường qua đêm trong thành phố lạ, tôi hay xuống phố đi dạo đã rồi thì tìm ăn chút ít đặc sản miền đó và uống ly rượu hoặc ly bia nội địa cho thoả mãn tánh hiếu kỳ. Hôm nào không ra phố được mà đói bụng, tôi mới xuống búp phê ăn bánh mì, uống vài ly bia hay ly nước gì đó cho hết đói rồi đi ngủ. Dạo nầy trong phi trường Schiphol người ta đông như kiến cỏ, xe bus chở người ra vô khách sạn chuyến nào người cũng chật cứng như nêm. Năm nay Hoà Lan mới mùa xuân mà trời nắng chang chang, nóng nực đổ mồ hôi ướt áo mà phải đứng chờ cả hơn hai giờ đồng hồ mới lên được xe. Khi ra tới khách sạn thì đã hơn bảy giờ chiều rồi, sau khi làm thủ tục nhận phòng xong, tôi kéo vali và mang túi xách lên phòng ở từng hai để đó. Tôi trở xuống từng đưới đi một vòng búp phê coi có gì ăn không? Quả thiệt như tôi nghĩ, chỉ có bánh mì và vài thứ xúc xít, thịt nguội cũng bình thường thôi, không có món nào trông bắt mắt hết. Tôi đi ra quày chào và hỏi anh nhân viên khách sạn:

– Ở gần đây có nhà hàng nào không?

Anh ta chỉ ngón tay trỏ ra trước cửa, bên kia đường, nơi có toà nhà cao, nói:

– Ở bên đó kìa.

Tôi đi theo ngón tay chỉ đường của anh ta. Vô tới phía từng trệt của toà nhà là một cửa tiệm treo lủng lẳng những món đồ kỷ niệm và bên hong góc là một snackbar. Tôi tới chào và hỏi cô gái đứng trong quày bar:

– Xin lỗi, nhà hàng ở đâu?

Cô gái chỉ tay qua chiếc thang máy cuốn và nói:

– Ông lên từng ba.

Theo lời cô gái, tôi đi tới chiếc thang đang chạy, có vài người đứng ở mấy bậc thang trên, tôi cũng bước lên đứng cho thang cuốn lên. Đi hết hai cầu thang cuốn mới tới nơi, nhà hàng thuộc loại búp phê, không sang trọng lắm. Tôi hỏi cô gái đứng trước quày về giá cả. Cô ta cho biết, trả tiền vô cửa ba chục euro được ăn, uống cà phê, trà, nước lạnh, nhưng bia, rượu thì phải trả tiền riêng. Tôi đồng ý và trả tiền xong, vô đứng nối đuôi theo hàng người lấy dĩa, dao, nĩa. Thức ăn trong búp phê trưng bày rất sạch sẽ, sang trọng nhưng vì thực đơn của Hoà Lan nên trông không hấp dẫn lắm. Mấy chục năm qua tôi làm đầu bếp cho tàu buôn của Hoà Lan, chế biến những món ăn của nước này rất thành thạo và biết mùi vị ngon hoặc dở, nhưng ăn cho đỡ đói thì được chớ nhìn thì hổng thấy thèm. Theo tôi những món ăn càng về các nước Bắc Âu thì nó càng nhạt nhẽo, thua xa thức ăn của vùng Địa Trung Hải. Thức ăn ở Địa Trung Hải rất phong phú, đa dạng, nhiều rau, củ và hương vị đậm đà, trưng bày trông bắt mắt. Suy nghĩ vu vơ tôi đi tới cuối búp phê hồi nào không hay, nhìn xuống cái dĩa cầm trên tay còn trống trơn, chưa có món nào ăn được hết. Tôi lưỡng lự một chút, bèn quay trở lại chỗ để đồ nguội, gắp mấy miếng phó mát, vài lát cá hồi hun khói và dưa chua bỏ vô dĩa rồi đi qua quày rượu mua một ly bia đem ra chiếc bàn lớn. Tới nơi tôi thấy chỉ có một cô gái vừa bưng đồ ăn để trên bàn và ngồi xuống chiếc ghế đầu bàn. Thấy vậy tôi đi lại đầu bàn kia, để bia và dĩa đồ ăn lên bàn rồi ngồi xuống chiếc ghế đầu bàn này, vậy là tôi với cô gái ngồi đối diện xéo mặt nhau, tôi nhâm nhi bia và nhìn người ta ăn uống.

Uống được mấy hớp bia thì có hai người Tàu, người con trai bận áo quần màu đen, người con gái bận áo đầm bông màu đỏ, hai người còn đeo khẩu trang, trông có vẻ khác người. Hồi chiều ngoài bến xe bus ở phi trường tôi thấy hai người này tay xách nách mang và còn đẩy hai cái vali bự tổ chảng, không biết hai người làm gì mà đem đồ nhiều quá, làm tôi có cảm tưởng như hai người dọn nhà sang nước nào đó. Tôi đoán hai người hổng phải là hai vợ chồng thì cũng là cặp tình nhân. Bây giờ vô nhà hàng mỗi người bưng một dĩa lớn đầy nhóc khoai tây chiên, xà lách và croquettes đi lại đứng trước chỗ tôi ngồi. Cô gái cất tiếng hỏi tôi bằng tiếng Tàu, tuy hổng hiểu gì ráo, nhưng cũng đoán được cô ta hỏi chỗ ngồi. Tôi chỉ tay xuống chiếc ghế và nói bằng tiếng Anh:

– Tự nhiên. 

Hai người lại ngồi đối diện với tôi rồi kéo khẩu trang xệ xuống càm và bắt đầu ăn. Tôi day lại uống cạn phần bia của mình và đứng lên lấy nĩa ghim miếng phó mát đút vô miệng rồi bưng ly đi lại quày bar mua thêm bia. Mua bia xong, tôi bưng ly bia trở lại vừa để ly bia xuống bàn thì người con trai day qua nói gì đó với người con gái, người con gái bèn day qua chỉ ly bia hỏi tôi bằng tiếng Anh:

– Cái này lấy ở đâu vậy?

Tôi chỉ tay qua quày bar:

– Ở chỗ kia kìa.

Người con gái dợm đứng lên. Thấy vậy tôi liền hỏi:

–  Muốn uống bia hả?

– Yes yes.

Tôi đưa tay ra dấu cho cô gái ngồi xuống và nói:

– Ngồi ăn đi, tui đi lấy cho.  

Tôi trở lại quày bar thấy có năm sáu người tới trước đứng sắp hàng, tôi cũng bước vô đứng sắp hàng chờ mua bia. Khi mua được hai ly bia, đem trở lại cho hai người thì thấy họ đã đớp sạch hai dĩa thức ăn. Hai tay bưng hai ly bia chìa ra trước mặt cho mỗi người một ly, hai người bưng bia lên, sẵn trớn chìa qua mời tôi cụng. Tôi bưng ly bia của mình lên cụng, hớp xong hớp bia tôi để bia lên bàn và ngồi xuống. Cô gái đứng dậy đi lại chỗ để tô, dĩa lấy một cái dĩa lớn nhứt, rồi mới đi tới chỗ để đồ ăn. Trong lòng tôi có hơi thắc mắc, tướng tá cô nhỏ thó mà thân hình thì không được mập lắm, phải nói là ốm tong teo vậy mà mới vừa đớp sạch dĩa thức ăn tổ chảng, giờ lại lấy thêm đồ ăn nữa?! Nhìn chiếc bàn dài và rộng có thể ngồi thoải mái cho mười mấy con người ta. Tôi chợt nhớ ra, hồi nãy có cô gái người da trắng ngồi nơi đầu bàn kia, còn tôi thì ngồi đầu bàn bên này, nhưng cô gái đã đi qua bàn bên góc ngồi chung với mấy người khác rồi. Trong khi các bàn khác người da trắng ngồi chen chúc nhau, còn bàn này chỉ có tôi và cặp người Tàu ngồi, cho nên trông chiếc bàn trống trơn và thấy nó dài ra. Tuy cả Âu Châu đã gỡ bỏ luật phòng chống dịch corona và mọi người đi lại trong những quốc gia Âu Châu không cần phải xét nghiệm cô vít và điền giấy tờ khai báo y tế rườm rà như trước kia nữa. Ngoại trừ khi lên xe lửa và máy bay thì vẫn phải đeo khẩu trang, còn những nơi công cộng thì không bắt buộc đeo khẩu trang, nhưng ai muốn đeo thì đeo hổng đeo cũng không sao. Đã vậy mà con người ta vẫn còn chia cách, nhứt là những người dân da trắng họ còn ngại gần gũi với những người Tàu và người Châu Á. Trước kia, gặp trường hợp như vầy, tôi cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, trong lòng có hơi khó chịu, nhưng sau thời gian đại dịch, những chuyện như vầy hổng khiến cho tôi bực tức nữa. Thật ra thì sự kỳ thị chủng tộc là bản tánh của loài người, bình thường thì không sao, bất kể người nước nào, hễ có biến cố về sắc tộc thì sự kỳ thị nó lộ liễu rõ ràng hơn. Tôi day qua hỏi gã thanh niên bằng tiếng Anh:

– Hai người đi đâu vậy?

Gã lắc đầu đưa tay khoát khoát, miệng nói tiếng Tàu, có ý nói với tôi là gã không biết tiếng Anh. Lúc đó người con gái bưng một dĩa thức ăn đầy nhóc với những món y chang trong dĩa của tôi, chỉ khác chút là cô ta lấy thêm mấy trái ô liu, múc thêm chén nhỏ nước tương và một muỗng nhỏ wasabi. Nhìn bộ dạng hai người tôi đoán họ là người Trung Hoa lục địa, chớ hổng phải là  người Hồng Kông hay Đài Loan. Cô gái chìa dĩa đồ ăn trước mặt tôi nói:

– Ăn đi.

Giờ tôi mới hiểu cô ta lấy mấy món nhậu để làm mồi uống bia chớ hổng phải để ăn cho no. Tôi cảm ơn và lấy nĩa ghim miếng phó mát và trái ô liu đưa lên ăn. Cô gái đưa qua cho gã thanh niên, gã ghim một miếng cá hồi hun khói, xong cô gái mới chịu để dĩa đồ ăn xuống bàn. Gã thanh niên day qua nói nhỏ với người con gái gì đó. Cô ta day lại tôi hỏi tôi:

– Hồi nãy ông hỏi gì?

– Oh, tui hỏi hai người đi đâu?

– Ngày mai chúng tôi qua Anh, rồi sang máy bay qua Mỹ. Còn ông, ông đi đâu?

– Tôi đi Las Palmas.

– Las Palmas là nước nào?

– Tây Ban Nha, sáng mai tôi qua Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha, từ đó sang máy bay ra Las Palmas ở trong quần đảo Canary nằm cạnh Châu Phi.

– Oh, vậy hả? 

Nói vậy rồi cô gái bưng bia lên mời. Giọng nói tiếng Anh của cô gái chậm nhưng rất rõ ràng. Trông bộ dạng nhỏ thó, quê mùa của cô gái, nhưng sự hoạt bát của cô ta làm cho tôi suy đoán; có lẽ cô là người thường đi đây, đi đó ra nước ngoài nên cách cư xử của cô ta lanh lợi hơn gã thanh niên. Nhìn sự nhút nhát rụt rè của gã thanh niên, chuyện gì cũng day qua hỏi của cô gái, tôi đoán anh ta mới ra xuất ngoại lần đầu. Có điều tôi thấy hơi thắc mắc là Trung Quốc trai thừa gái thiếu mà sao cô gái nầy lại cặp bồ với một anh chàng coi bộ ngu ngơ như vậy, nhưng ý nghĩ nầy chỉ thoáng qua trong đầu thôi. Cô gái rất tự tin không dè dặt gì hết và ăn, uống cũng rất tự nhiên, gặp tôi chưa đầy một giờ đồng hồ mà làm như quen thân từ lâu lắm, cô cứ vồn vã đưa bia lên cụng, bưng thức ăn chìa qua mời, uống hết bia cô đứng dậy đi mua bia. Cô ta hay thắc mắc và trò chuyện hơi nhiều. Cô ta hỏi tôi sao không đeo khẩu trang. Tôi nói:

– Âu Châu giờ không bắt buộc nữa.

Cô ta moi trong túi xách ra một cái khẩu trang đưa cho tôi và chỉ qua đám đông nói:

– Người da trắng dễ bị nhiễm virus hơn người Tàu, họ nguy hiểm lắm, một lát đi ra ngoài ông nhớ đeo khẩu trang đó.

Tôi làm bộ ra vẻ hổng biết gì, cầm chiếc khẩu trang đưa lên hỏi:

– Ở nước Tàu còn có cô vít nhiều không?

– Còn nhưng không nhiều. Bên Mỹ và Âu Châu mới nhiều, vì corona có từ bên Mỹ mà.

Không còn nghi ngờ gì nữa, hai người này chắc chắn tới từ Trung Cộng rồi. Chánh quyền Trung Cộng hay thiệt, họ tuyên truyền làm sao mà được dân của họ tin tưởng và sẵn sàng làm “dư luận viên” có tầm vóc quốc tế, bất kể gặp người quen hay lạ, họ cũng tuyên truyền được hết. Vừa qua tôi và các bạn có vô ăn một nhà hàng của Trung Cộng, chủ nhà hàng cũng nói với chúng tôi y chang như vậy đó. Ông ta nói qua đây làm kiếm được mớ tiền làm vốn rồi trở về nước mần ăn sanh sống, chớ ở Âu-Mỹ không an toàn, người da trắng rất dễ nhiễm cô vít. Tôi có thói quen trên đường đi, gặp gỡ chốc lát, hỏi nhau vừa đủ để chuyện trò vui vẻ, chớ không nên tra hỏi nhiều quá làm tốn thời gian vô ích.

Đã từ lâu rồi tôi tránh những cuộc tranh cãi về chánh trị, nhưng qua hồi trò chuyện với cô gái, cô làm cho tôi suy nghĩ. Không biết những người Trung Hoa họ hổng hiểu về đất nước, con người bên Âu Châu hay vì sợ hãi mà nói sai sự thật một cách trơn tru như vầy. Tôi không biết cô gái có biết cô ta đang góp phần lên tiếng cho sự dối trá của chánh quyền ở nước cô không? Làm sao con người ta được mở mang trí óc và đừng sợ hãi để cất lên tiếng nói trung thực và vì lòng trắc ẩn mà vạch ra những sự bất công, dối trá, tham lam, dã man và tàn bạo của một nhóm người! Nếu mọi người trên một đất nước, nói riêng và toàn thế giới, nói chung làm được điều này thì cả trái đất sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt và đẹp đẽ biết bao.

(Còn tiếp)

.

Vigo 15/7/2022
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_1.html


Cái Đình - 2022