Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải Hành Mùa Đại Dịch - Chương 10

.

Nơi quày gởi hành lý chuyến bay từ Amsterdam ra Las Palmas de Gran Canaria của phi trường Schiphol hôm ấy khách du lịch đông như kiến cỏ, người kéo, người đẩy đồ đạc lỉnh kỉnh, có một nhóm người đem theo cả ván buồm trượt nước, tất cả trật tự đứng chờ tới lượt gởi hành lý. Vai tôi mang ba lô, tay đẩy va ly nhích lên từng chút trong hàng rào nheo nhóc người, tới khi gởi được cái va li thì mất hết ba giờ đồng hồ. Lấy vé máy bay xong rời khỏi quày ra đứng chỗ trống xem lại vé, coi lại giờ bay và thấy còn mười lăm phút phải lên máy bay, bèn xốc lại ba lô trên vai rồi đi nhanh ra cổng. Khi lên được máy bay thì mệt muốn ná thở luôn.

Hết hè rồi và trong thời đại dịch cô-vít mà du khách vẫn còn đông nghẹt. Sau bốn giờ đồng hồ trên trời, máy bay cũng đáp xuống hải đảo. Lúc máy bay đáp đã nghe anh phi công thông báo ngoài trời mưa và khí trời mười sáu độ C. Khi bước ra ngoài đi tới nơi chờ lấy hành lý thì đã cảm nhận không khí lành lạnh, dù sao tôi cũng vẫn thích cái ánh nắng hanh hanh, một cái lành lạnh nhẹ nhàng và một bầu trời đẹp đẽ của mùa thu trên hải đảo Gran Canaria này hơn. Đương suy nghĩ vu vơ thì đã thấy va li chạy ra trên đường băng, tôi cúi xuống nhấc va li lên, để xuống rồi kéo tay cầm lên và lôi nó đi. Vừa ra ngoài thì đã thấy cô tài xế tắc xi cầm tấm bảng trước ngực có viết tên tôi đứng chờ bên ngoài đám người nheo nhóc, tôi đi tới chào cô ta, giới thiệu tên mình và theo cô ra xe. Trên đường về khách sạn mưa lâm râm làm đường xá ướt mem, mới hơn tám giờ mà bầu trời tối thui, nên trông ánh đèn đường nhoè nhoẹt. Tới khách sạn, sau khi làm thủ tục nhận phòng, cô nhân viên đưa tôi thẻ khoá và nói:

– Vì dịch bịnh mà nhà hàng tạm đóng cửa, phần ăn tối của ông đã dọn được sẵn trên phòng.

Cảm ơn cô tiếp viên xong, tôi day qua cô tài xế tắc xi, cô hẹn tám giờ sáng ngày mai tới rước và đưa tôi xuống tàu. Tôi chào cô tài xế xong day lưng, kéo va li tới bấm thang máy lên phòng. Vô phòng tôi thấy hai dĩa thức ăn để trên bàn, thường thì những món búp phê trong khách sạn, tuy đồ ăn không được ngon lắm, nhưng kẹt phải ăn thì cũng chọn được vài thứ ăn được. Nhưng hôm nay khách sạn dọn cho, mặc dù dĩa thức ăn cũng trang trí xanh xanh, đỏ đỏ và dao, đĩa gói giấy gọn gàng trông cũng bắt mắt nhưng hổng biết là cái món gì mà nguội ngắt và hổng nghe mùi vị gì hết, chỉ nhìn thôi là thấy không thể nào nuốt vô được. Tôi để va li vô góc phòng và để ba lô xuống bên cạnh, mở ba lô ra lấy kem, bàn chải đánh răng và chiếc khăn, thường thì khăn trong khách sạn tôi không dùng, mặc dù nó rất sạch, thơm và trắng nhưng thấy ghê ghê sao đó. Đánh răng rửa mặt xong tôi nhìn vô gương coi lại mặt mình một cái rồi đi ra ngoài.

Tôi ra khỏi khách sạn, ngoài trời vẫn còn mưa và cảm thấy lành lạnh. Đường phố ướt mem và vắng bóng người. Tôi loay hoay tìm đường nhưng chưa biết đi hướng nào. Chợt thấy trong một quán bar còn người, nhưng tôi thì không thích vô bar, tôi bèn đi thẳng ra bãi cát và ngồi xuống chiếc ghế trống trong mái hiên của một quán ăn day mặt ra bãi và kêu một dĩa mực, cá và khoai tây chiên dòn ngồi lai rai với bia lạnh. Nhìn ra bãi biển vắng tanh, tôi nghĩ tới đám người trên máy bay, trong phi trường mới hồi sớm còn thấy lao xao nhưng khi đổ xuống hải đảo thì tản mác mất hết trơn dấu vết. Nhìn những con sóng trắng lùa nhẹ lên bãi cát mà cảm thấy trống vắng làm sao. Cô vít 19 làm cho cả thế giới thay đổi hết, thế sự đổi thay, con người thay đổi cách cư xử từ thái độ và cách sống.

Sáng sớm hôm sau xuống tàu và tàu khởi hành vô đất liền ngay chiều hôm đó, trên đường đi hứng một trận bão và rồi vòng qua Ma Rốc, hôm nay trở lại cảng Las Palmas mất hết bốn tuần lễ.

Sau khi dọn dẹp xong buổi ăn chiều đó. Thuyền trưởng đưa đơn đặt hàng cho tôi và dặn:

– Bếp nhớ đặt thêm thực phẩm cho Giáng Sinh và tết Tây luôn nhé.

Tôi thốt lên không phải vì ngạc nhiên mà là vì chợt nhớ:

– Oh, hết một năm nữa rồi!

Thuyền trưởng cười, nói:

– Thời gian.

Ừ, mới đó mà Thu qua, Đông lại và mùa Giáng Sinh tới nữa rồi. Năm nào cũng vậy, đầu tháng mười hai thì tôi đã nhận tín hiệu Giáng Sinh qua đơn đặt hàng. Thời gian qua mau thật, nhìn lại thì cũng đã hết một đời lênh đênh trên sóng nước. Cả đời tôi làm tiệc Giáng Sinh trên tàu nhiều hơn ở nhà, nghĩ lại hết một đời mà như là một giấc mơ. Tôi cầm xắp đơn đặt hàng đi lên phòng lát nữa tôi sẽ đưa cho Zada. Lên phòng tôi để xắp đơn đặt hàng lên bàn và vô phòng tắm, tắm một cái. Trong lúc dội nước có nghe điện thoại reo, tôi đoán Zada, một thủy thủ người In Đô, gọi tôi. Tắm xong tôi gọi lại Zada, đúng như tôi đoán, vừa bắt máy chưa kịp a-lô thì liền nghe nó hỏi:

– Chú có lên bờ không?

– Có.

– Con đi với chú được không?

– Dĩ nhiên là được.

– Vậy con chờ chú ngoài cầu thang nhé.

– Ok.

Tôi biết Zada hơn ba năm về trước, thằng nhỏ mập thù lù và ăn, uống gấp đôi người bình thường. Tôi sống chung với thủy thủ người In Đô từ đời ông cho tới đời cháu. Cho nên tôi biết ít nhiều về cách sống của họ. Người In Đô khác hơn Hòa Lan, người Hòa Lan họ cũng biểu lộ bất đồng với nhau nhưng với người nước ngoài họ lộ mặt, còn người của họ thì đoàn kết với nhau hơn. Thường thì một thủy thủ In Đô mới xuống hay bị thủy thủ cũ “đì” hoặc người này trội hơn người kia thì tỏ thái độ khinh khi người kém cỏi. Zada cũng vậy, nó bị đồng hương ăn hiếp và hay chọc ghẹo về cái thân thể ục ịch cả trăm ký và chuyện ăn uống của nó, cho nên giờ ăn nó bẽn lẽn bưng cơm ra ngoài boong ăn và ngồi mình ên trong giờ nghỉ giải lao. Lúc đầu tôi không biết, trong một bữa ăn sáng tôi cho thủy thủ ăn mì gói, nó lấy mì của nó mua từ In Đô qua đưa tôi một gói, tôi tưởng nó thích ăn mì mùi vị của In Đô, nên tôi chỉ nấu gói của nó xong đưa cho nó, nó không nói gì, chỉ hỏi xin cơm nguội để bỏ vô mì ăn. Lần sau mỗi khi ăn mì nó đưa tôi hai gói. Thấy cử chỉ nó cứ rụt rè, không dám hỏi chuyện, tôi tò mò hỏi nó:

– Bộ con ăn mì trên tàu hổng được sao mà con mua mì đem theo vậy?

Nó cúi mặt không nhìn tôi và nói:

– Con ăn nhiều quá.

– Nhiều là bao nhiêu?

– Sáng con ăn hai gói mới no, nên đầu bếp trước nói phần ăn của mỗi người một gói, ai muốn ăn thêm thì tự mua mà ăn.

– Chú biết rồi, với chú thì con muốn ăn bao nhiêu cũng được, miễn sao no bụng là ô kê.

– Không sao hả chú?

– Không không, hổng có sao gì hết.  

Từ đó trở đi sáng nào cho ăn cơm chiên thì tôi làm thêm cơm cho nó, còn mì ăn liền thì nấu cho nó hai gói và hai cái trứng, khi chiên khi luộc tùy thích. Cũng từ đó gương mặt nó dạn dĩ và thân thiện với tôi hơn. Tôi có lên bờ chơi nó cũng xin đi theo. Có lần ngồi uống bia nó nói:

– Hôm mới xuống con nghe nói Sesung lấy đồ ăn mà không hỏi chú, chú đánh nó chảy máu miệng vì vậy mà con không dám hỏi.

Chuyện này tôi cũng nghe thủy thủ trong công ty đồn đãi lâu rồi. Có một dòng họ làm cho công ty từ đời ông tới đời cháu, ỷ mình là ma cũ nên rất hống hách hay bắt nạt đồng hương và ăn hiếp những người mới xuống. Tôi cười:

– Chú có nghe rồi, không hiểu sao Richard đánh Sesung, mà giờ đây thành ra chú đánh.

– Oh. Chú cũng biết hả?

– Chú sống với dân In Đô từ đời ông cho tới đời cháu nên chú biết về cái văn hoá lộn xộn của In Đô cũng khá nhiều.

– Nhưng con nghe nói bên Tây phương trong lúc làm việc không được đánh nhau mà chú.

– Có nhưng chỉ dùng cho người Tây thôi, người khác tới làm mà đánh nhau thì họ làm lơ. Chuyện trong đám đồng hương thủy thủ của con cũng hao hao giống chuyện người Việt ở hải ngoại của chú thôi. Con quên đi đừng để ý làm gì, lo học hỏi và làm việc cho tốt thì không ai ăn hiếp con được hết.

Zada đưa ngón tay cái ra gặt gặt, nói:

– Chú tốt quá, con chưa nghe ai nói chuyện với con như chú.

– Người vầy người khác, con sống lâu như chú thì con sẽ thấy có nhiều người tốt hơn chú nhiều.

Tôi không muốn nghe chuyện nó nói về mình nữa nên đổi qua chuyện khác:

– Nhưng mà nè, con cẩn thận chuyện ăn uống. Trước đây không lâu, chú biết có một cô gái người Hòa Lan hồi còn là thực tập sinh cũng mập như con vậy, sau thời gian thực tập cô ta ra trường và làm việc cho công ty lên tới chức thuyền phó thì cô ta bị mập quá, nhứt là những ngày gió to, sóng lớn cô ta lê tấm thân trên một trăm ký, đi ngoài boong hổng muốn nổi. Mới năm trước cô ta mập quá đi tàu không được nữa, ở nhà luôn rồi.

– À, con có nghe nói về bà ta.

– Ừa, bình thường cô ta ăn rất nhiều, nhưng ngoài giờ ăn, làm việc một lát trở vô bếp thấy cái gì ăn được là bốc ăn. Bánh mì dâm bông, phó mát chú để trong tủ lạnh, cho thủy thủ đoàn trực ca đêm, sau phiên trực đêm mình ên cô ta xuống trước đớp sạch hết, mấy người xuống sau hổng có ăn, phàn nàn với chú hoài. Nhưng bỏ ra bao nhiêu cô ta ăn hết bấy nhiêu chú biết làm sao.

Zada cười ha hả. Tôi cũng cười nhưng đổi giọng nghiên túc, chỉ tay vô cái thân hình đồ sộ của nó mà cảnh cáo:

– Con lo cho cái thân cả trăm ký lô của con đi, ở đó mà cười người ta.

Những năm sau này, nhứt là từ khi đại dịch Vũ Hán xuất hiện, tháng mười hai là khoảng thời gian thủy thủ hay chú trọng tới chuyện ăn uống tiệc tùng nhiều hơn là chuyện Thánh Kinh. Nhưng thức ăn càng ngày hãng tàu càng cắt giảm, đã vậy mà còn mua đồ rẻ tiền, chất lượng kém cỏi nên tôi không còn hứng thú lo chọn thức ăn ngon nấu trong những ngày cuối năm. Vì vậy chuyện đặt hàng hay lập menu cho bữa tiệc Giáng Sinh tôi cũng không quan tâm cho lắm.

Thành phố Las Palmas có nhiều di tích lịch sử, kiến ​​trúc thời thuộc địa với những toà nhà và một nhà thờ kiên cố từ hồi thế kỷ mười lăm, mười sáu. Cảnh đẹp của hải đảo luôn lúc nào cũng mới mẻ và thu hút tôi. Tôi thay áo quần xong đi xuống tới gần đầu cầu thang thấy Zada đứng nói chuyện với Sesung. Thấy tôi không mang khẩu trang Sesung nhắc:

– Chú không mang khẩu trang.

Oh! Tôi chợt nhớ ra, chẳng những tôi quên đeo khẩu trang mà còn quên chiếc ba lô nữa, vì trong ba lô luôn lúc nào cũng có nguyên hộp khẩu trang và những đồ dùng đi chơi cần thiết như giấy lau miệng, dao nhỏ, đồ khui, pin dự phòng và cây selfie mà Việt Nam gọi là gậy tự sướng. Tôi trở vô phòng lấy ba lô mở ra kiểm tra lại đồ đạc, thấy thiếu hộp khẩu trang. Tôi mở tủ lấy hộp khẩu trang và rút ra một cái đeo lên bít miệng nhưng chừa hai lỗ mũi ra cho dễ thở, rồi nhét hộp khẩu trang vô ba lô, quảy ba lô lên vai và bước ra ngoài.

Tôi với Zada đi trên con đường dành cho khách bộ hành bên một con lộ đẫn về trung tâm. Khí trời hải đảo luôn hiền hòa và mát mẻ. Zada hỏi tôi:

– Có khi con nghe người thì gọi đảo này là Las Palmas, người thì gọi là Gran Canaria và trên bản đồ ghi Las Palmas de Gran Canaria có gì khác nhau hả chú?

– Gran Canaria là tên của hòn đảo, Las Palmas là tên của thành phố.

– Con cũng nghe nói khách du lịch tới đây nhiều lắm. 

– Đúng rồi, nhờ sự đa dạng và cảnh quan hấp dẫn du khách, nhứt là có những eo vịnh nhỏ và ở phía nam của hòn đảo có một bãi biển bốn mùa yên bình tương phản với các khu thương mại sầm uất và con đường dọc theo bờ biển dài trên hai trăm cây số.

– Ờ, con có đọc qua báo du lịch, Las Palmas là một trong những thành phố lớn và trẻ trung nhứt ở Tây Ban Nha và cảnh quan rất sống động về đêm.

Tôi chỉ tay ra bến cảng:

– Phải rồi, cảng Puerto de la Luz, chỗ tàu mình đậu kia.

Rồi tôi chỉ tay lên dãy phố và chỉ tay xuống bãi cát trước mặt nói tiếp:

– Với một số nhà hàng sang nhất và bãi biển Alcaravaneras là hai nơi hấp dẫn cho du khách. Nhưng đó là thời gian trước đại dịch, du khách khắp thế giới thường đến thăm Gran Canaria vào những kỳ nghỉ, đây là nơi du lịch quốc tế mà, cuộc sống về đêm rất sôi động, ồn ào. Quán bar, hộp đêm mở cửa đến hai giờ khuya và các vũ trường câu lạc bộ thường mở tới sáu giờ sáng.

Tôi và Zada đi vô trung tâm, trên đường phố, khách du lich cũng nhiều nhưng không đông đúc xôn xao như trước thời đại dịch. Zada nhìn quanh và hỏi:

– Bây giờ thay đổi hết rồi chú hả?

– Cảnh vật không thay đổi, chỉ con người thay đổi, cả thế giới đâu đâu cũng thay đổi làm cảnh quan trống vắng buồn buồn.

Thấy cảnh đẹp chúng tôi đứng lại chụp hình. Chụp xong mấy bôi. Zada hỏi:

– Mình đi đâu chú?

– Con muốn đi đâu?

– Con hổng biết mới hỏi chú, chú biết chỗ nào vui thì mình đi.

– Theo quảng cáo du lịch thì đảo Gran Canaria là một nơi rất thích hợp cho các môn thể thao dưới nước như lặn biển, lướt sóng, chèo thuyền và lướt ván. Chú thấy họ quảng cáo còn thiếu.

– Thiếu gì nữa chú?

– Theo chú đi bộ nhìn cảnh đẹp cũng thích hợp lắm.

– Yes, con thấy cảnh đây cũng đẹp.

– Đẹp và lạ hơn Âu Châu vì có hàng phượng, cây thốt nốt với những bụi xương rồng cao ngang mái nhà, bự tổ bố và có một lịch sử lừng danh.

–  Là gì chú?

– Cung điện thống đốc của hòn đảo trước kia đã được Christopher Columbus sử dụng làm nhà trong thời gian ông ở đây.

Chúng tôi đi vào con đường trong trung tâm. Dạo này tôi cảm thấy như cuộc sống trì trệ, con người rời rạc, sự sợ sệt, lo âu hằn trên nét mặt mỗi người. Nhưng có điều là nhiều người đi đường đeo khẩu trang, gặp người đi gần thì né, nhưng vô quán, nhà hàng ngồi chung nhau họ không đeo khẩu trang và nói chuyện lớn tiếng rất ồn ào. Chúng tôi đi qua con đường có hàng phượng, mùa này phượng đã già rồi nên không còn đỏ nữa. Tôi day ngang nói với Zada:

– Cảnh hải đảo thì đẹp, mình không có thời gian đi hết đâu, con muốn vô quán ngồi hay mua bia ra bãi biển uống.

– Chú thấy sao?

– Vô quán thì sợ mắc dịch, ra bãi thì thoải mái hơn.

– Vậy thì ra bãi cho thoải mái.

– Nếu ra bãi thì ghé vô siêu thị một chút.

– Chú mua gì hả?

– Thì mua mới vô chớ.

Tôi kéo khẩu trang lên cho kín hai lỗ mũi. Zada thấy vậy cũng làm theo. Chúng tôi quay trở lại con đường và vô một siêu thị gần đó. Sau khi mua một xâu tám lon bia lạnh, mấy lọn xúc xích của Tây Ban Nha và một hộp ô-liu. Tôi với Zada ra quày tính tiền xong rồi đi thẳng ra bãi biển, phố biển đã lên đèn.

Chúng tôi chọn ngồi trên cao của những bậc thang trong một cái vịnh vòng cung, có hàng cây thốt nốt, ngồi đây thấy được những chiếc tàu đậu trên bến cảng và thấy được đèn những con tàu từ ngoài khơi. Tôi mở bọc lấy bia và xúc xích và mở ba lô lấy ra con dao, lật ba lô lại làm bàn kê cắt xúc xích. Zada khui hộp ô-liu và lấy bia ra khui, đưa tôi rồi nói:

– Thủy thủ mà giống như du khách.

– Thì coi như mình là du khách đi.

Chúng tôi đưa bia lên cụng, uống một ngụm bia, ăn xúc xích và trái ô-liu. Uống chưa hết lon bia, chợt có một gã đàn ông ốm nhôm, cao nhòng, da đen từ dưới con đường bước lên mấy bậc thang rồi dừng lại giữ khoảng cách trước mặt chúng tôi hỏi:

– Các ông cho xin tiền mua đồ ăn, tôi đói lắm.

Zada xua tay định đuổi gã đi. Tôi liền ngăn lại và lấy lon bia chìa ra đưa cho gã, cười và nói:

– Ông bạn uống bia cho đỡ đói.

Gã xua tay:

– Không không, tui đạo Hồi, hổng được uống bia, cho tui tiền mua đồ ăn thôi.

Tôi móc bóp mở ra lấy mười euro đưa cho gã. Gã không dám lại gần, cúi người chồm tới, tay cầm chiếc nón chìa ra trước mặt tôi. Thấy vậy tôi mới đứng lên bước xuống tới gần gã, chợt thấy khẩu trang của gã đeo đã cũ và bị thâm kim rồi, tôi day lại lấy mớ đồ trên ba lô để một bên và kéo mở ba lô lấy hộp khẩu trang rút ra mấy chiếc và kẹp chung với mười euro bước xuống bỏ vô nón cho gã và cười nói:

– Hai năm qua trên đường đi chưa ai dám tới gần hỏi chuyện tôi hết. Bạn là người đầu tiên dám tới hỏi tôi, cảm ơn bạn nhé.

Gã cúi rạp người nói một hơi: 

– Cám ơn, cám ơn...

Khi gã thanh niên đi rồi. Tôi nhét đồ đạc vô ba lô và bỏ bia và đồ ăn vô bọc, xốc ba lô lên vai. Zada ngạc nhiên hỏi:

– Mình đi hả chú.

Theo kinh nghiệm giang hồ, tới những nơi có nhiều ăn xin thì sau khi cho tiền một người thì một lát sẽ có nhiều người khác kéo nhau tới xin nữa, mà cái bóp tiền của tôi thì nhỏ quá nên tôi phải di chuyển đi chỗ khác. Tôi không muốn nói ý nghĩ của mình cho Zada nghe, nên nói khác đi: 

– Ừa. Mình đi dọc theo bãi biển vừa uống bia vừa ngắm trăng cũng thú vị.

Thiệt vậy, trăng sáng quá làm cho tôi suy nghĩ vu vơ. Mặt trăng có tự bao giờ, nhưng lúc cao, lúc thấp, nó không gây chiến tranh, hận thù. Nó không chinh phục và tấn công ai và cũng hổng cố gắng để đè bẹp người khác. Trăng không lo lắng như con người, nó vẫn ở nguyên một chỗ, luôn tuân theo quy trình của nó. Về tư cách thì nó ảnh hưởng rất lớn, mặt trăng trung thành với quy luật tự nhiên nên sức mạnh của nó có thể soi sáng cả một đại dương từ bờ này sang bờ khác một cách mát mẻ và nhẹ nhàng.

Tôi im lặng suy nghĩ về ánh trăng, Zada nghĩ gì hổng biết mà cũng nín thinh. Chúng tôi cứ im lặng mà đi tới bìa nước, sóng nhẹ trườn lên bãi cát thoáng tiếng rì rào nho nhỏ. Đứng dưới ánh trăng nhìn lên phố xá sáng ngời. Tưởng nơi đây vắng vẻ, không bóng người, thiếu ánh sáng và yên bình, bỗng chợt thêm một người da đen lại xuất hiện xin tiền. Không do dự, tôi liền mở ba lô lấy mấy khẩu trang và moi bóp lấy mười euro đưa cho gã. Gã nhận xong rồi cám ơn và quay lưng bước đi. Có lẽ Zada thấy trong bóp tôi toàn là tiền giấy mười euro, nên nó nói:

– Hình như con thấy chú đã chuẩn bị tiền trước để cho mấy người ăn xin.

– Chuẩn bị cho tiện mình thôi.

Zada ra chiều suy nghĩ, thấy vậy tôi đưa bia lên cụng một cái ngước cổ nốc hết phần bia trong lon rồi nói:

– Thiệt ra thì những người da đen này, họ đi chui từ đất liền Phi Châu, ra đây họ sống ngoài xã hội nên họ mới đi xin ăn.

Zada chợt hiểu ra:

– Ờ đúng rồi, là Stowaway.

– Ừa, biết đâu tàu của mình cũng chở họ ra đây.

– Vậy chút nữa có người tới xin chú nữa, hổng lẽ chú cho hoài.

– Vậy mình lên cái bàn trước quán đó ngồi thì hổng có người ăn xin nào tới làm phiền nữa.

Thật ra đi mình ên tôi, tôi có thể cho hết bóp tiền cũng hổng sao, đối với tôi thì có sự chia sẻ mới thấy được lòng mình còn có yêu thương. Ai cũng vậy thôi, làm cái gì cũng phản ảnh cho bản thân, không có gì khác hơn là vì cái tôi của chính mình chớ chẳng cho ai và cũng chẳng hay ho gì ráo. Cũng có lợi cho bản thân là khi mình không còn bị ảnh hưởng những sự chê, khen của người khác, thì mình sẽ không còn là nạn nhân của những sự phiền hà không cần thiết. Nhưng đối với Zada, làm sao nó hiểu được cái nguyên lý này, cái gì nó cũng thắc mắc, tôi thì hổng muốn giải thích lôi thôi, việc mình làm có tốt cách mấy nói ra thì cũng thấy kỳ cục. Định lang thang ngoài đường, nhưng tình trạng này thì đành phải vô quán thôi. Tôi chỉ tay lên một cái bàn trống đặt trước một cái quán vắng người, nói:

– Mình lên quán ngồi thì hết ai quấy rầy.

Chúng tôi lên quán ngồi gọi một dĩa tôm xào tỏi và hai ly bia. Trong lúc nhậu. Zada nhìn tôi một hồi nó nói:

– Chú thú vị thiệt đó.

– Gì nữa vậy?

– Con chưa thấy người nào tốt như chú.

– Oh! Chú nghĩ thiếu gì người còn tốt hơn chú nữa, nếu không thì mấy người ăn xin ở ngoài xã hội họ bị chết đói hết rồi.

Thấy thằng nhỏ cứ nhìn tôi và thắc mắc. Tôi muốn xoay qua chuyện khác nhưng chưa biết chuyện gì thì chợt nhớ ra, tôi nói:

– Một lát về tàu chú đưa đơn đặt hàng cho con, con tự đặt nhé.

– Nhưng chú phải coi lại.

– Ô kê, ngày mai làm xong con đưa lại cho chú được không?

– Dạ được.

Ngẫm nghĩ một chút nó hỏi:

– Có đặt cho Giáng Sinh không chú?

– Ừa con đặt đi, tháng mười hai rồi.

Những ngày này thủy thủ trên tàu ai cũng háo hức tiệc Giáng Sinh nên nghe tôi đặt hàng thì hay nhắc nhở kêu tôi đặt những món ngon đặc biệt. Là một đầu bếp lâu năm tôi mới nhận ra, Giáng Sinh ngày xa xưa hay ngày nay, thấy bên ngoài có vẻ xôn xao nhưng trong lòng ảm đạm hay bình an thì tự mình biết. Mấy năm về trước, giữa tháng mười hai dương lịch, tôi dành một khoảng thời gian ngồi trước laptop, lướt mạng tìm chọn thiệp và moi óc nghĩ ra những câu chữ văn vẻ, hoàn hảo để viết chúc mừng lên facebook hay gởi thiệp chúc bạn bè qua tin nhắn, cứ lăn xăn lộn xộn làm mất rất nhiều thời gian, những thứ đó bây giờ đối với tôi không còn giá trị tinh thần nữa. Mãi cho tới hôm nay, đầu bạc trắng và sói sọi rồi, tôi mới phát hiện ra, Giáng Sinh không phải là một thời điểm cũng hổng phải là một mùa, mà là một trạng thái về mặt tinh thần và không bao giờ thấy quá sớm hay quá trễ để hòa vào tinh thần của Giáng Sinh. Tình yêu nhân loại, quí trọng thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình, nhân đức trong lòng đó mới thiệt là tinh thần của Giáng Sinh. Vậy tại sao chúng ta phải đợi đến ngày Giáng Sinh mới chúc cho nhau lời yêu thương.

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten 15.01.2022

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_10.htm


Cái Đình - 2022