Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hải Hành Mùa Đại Dịch – Chương 11

.

Thường những ngày gió lặng, biển im, sáng thức dậy sớm pha cà phê để đó, rồi ra boong tập thể dục. Sáng nay bấm nút điện máy pha cà phê xong, ra boong chưa kịp khởi động bài tập Dịch Cân Kinh, thì nghe tiếng mở cửa. Tôi ngoái lại thấy Tamela, thằng nhỏ mới xuống thay cho một thủy thủ đã hết hợp đồng, lần đầu mới gặp tôi mà nó tỏ vẻ thân thiện như quen biết từ lâu, tôi đoán chừng nó là con hay cháu của đồng nghiệp nào đó. Mấy hôm nay thời tiết xấu quá, ai cũng mệt mỏi nên gặp mặt chào nhau một cái và sau giờ làm việc mạnh ai nấy về phòng nằm nghỉ, nên tôi chưa có dịp nói chuyện với nó.  Tamela vui vẻ chào:

– Chào buổi sáng, chú.

Tôi chào lại và xớ rớ chưa biết làm sao thì nó chỉ tay vô đất liền hỏi:

– Nước nào vậy chú?

Tôi nhìn theo tay nó, thấy bầu trời xanh ngắt, lấp thấp là dãi đất liền, tiếp theo có vài  chiếc tàu buôn xuôi ngược trên mặt biển xanh trong vắt và láng mượt như mặt thủy tinh. Nghe khí trời âm ấm, tôi biết tàu đã qua hải phận Phi Châu rồi, tôi nói:

– Ma Rốc.

Nó nói:

– À, ba con gởi lời thăm chú.

Thời gian sau này những câu hỏi như ông con gởi lời thăm ông, hoặc ba con gởi lời thăm chú từ những đứa thủy thủ trẻ rất thường, nên tôi hổng thấy làm lạ lắm. Tôi day qua hỏi nó:

– Ba con là ai?

– Johannes Beslar.

– Oh! Johannes Beslar! Anh ấy giờ sao rồi?

– Hai chưn ba con hơi yếu, đi phải chống gậy, nhưng tinh thần còn sáng suốt lắm.

– Năm nay ba con trên bảy mươi tuổi mà còn như vậy thì cũng khá lắm rồi.

– Hôm con sắp đi, nghe Zanda nói có chú ở đây, ba con có kể cho con nghe về chú, trước kia chú là Boat people.

Tôi hỏi nó:

– Con biết Boat people là gì không?

– Dạ, là người Việt tị nạn Cộng Sản mà hồi đó cả thế giới tự do gọi là Boat people.

– Đã lâu lắm rồi chú mới nghe có người nhắc hai tiếng Boat people. Nhứt là người trẻ tuổi như con vẫn còn biết cái thời người Việt tị nạn Cộng Sản của mấy chục năm trước,

– Con chỉ nghe ba con kể lại thôi, chớ cái lúc đó con chưa chào đời mà.

Vậy là sáng nay coi như bỏ tập thể dục rồi, thấy trời còn sớm. Tôi hỏi nó:

– Con uống cà phê không?

Nó liền nói:

– Dạ, để con vô lấy.

Nói đoạn nó day lưng đi nhanh vô trong. Tôi nhớ lại những năm người Việt tị nạn vượt biển qua tạm dừng chưn những đất nước tự do Đông Nam Á để chờ định cư nước thứ ba, trong đó có đất nước In Đô. Johannes Beslar cũng như nhiều đồng nghiệp người In Đô, là lớp thủy thủ trước tôi, có người cũng cứu vớt người Việt lâm nạn trên biển, nên rất am hiểu nỗi gian nan của người Việt vượt biển. Ngày đó tôi còn nặng lòng với quê hương đất nước, nên trong lòng cứ canh cánh nhớ nhà nên mặt mày lúc nào cũng bí xị. Nhờ làm việc chung với những người In Đô, tôi được họ cảm thông chia sẻ vui buồn và giúp đỡ rất nhiều về mặt tinh thần. Thời gian trôi qua nhiều năm, nay đầu tóc đã bạc, sói sọi và trí nhớ mù mờ, chuyện cũ lúc nhớ, lúc quên. Nay nghe Tamela nhắc lại cái thời nghiệt ngã ấy, tôi cũng nhớ lại nhưng hông còn ray rức như xưa nữa.

Những ngày sống chung với đám trẻ In Đô sau này, tôi phát hiện ra, cái nỗi nhớ quê hương đất nước, nhớ nhiều, nhớ ít là do thời đại. Không riêng gì người Việt chúng tôi lúc đó, vì hoàn cảnh tị nạn tha phương cầu thực, mới biết nặng lòng với quê hương đất nước. Người In Đô cũng thiết tha với quê hương đất nước của họ lắm, điển hình như Johannes Beslar, và nhiều thủy thủ In đô cùng thời. Cách đây hơn ba mươi năm, thực phẩm Á Đông bên Âu Châu này rất hiếm, mỗi khi tàu về lại Rotterdam Johannes Beslar và những người đồng hương hùn tiền nhau đưa cho một người, rồi bao tắc xi đi cả chục cây số tìm Toko của In Đô mua Ketjap, trasi, mì gói, rau muống và vài ba bó rau thơm, khi nào mua được ớt hiểm thì cả đám vui mừng lắm. Luôn cả lịch treo tường, cuối năm bên Âu châu người ta tặng cho cả đống, nhưng những người In Đô không treo trong phòng mà cũng phải lên phố tìm mua cho bằng được những tấm lịch có cảnh thành phố bên In Đô hoặc ít ra cũng phải có cảnh cây cây dừa, núi non cho giống đất nước hải đảo của họ họ mới chịu. Lúc đó chưa có internet, chưa có điện thoại cầm tay. Xài điện thoại công cộng hoặc vô hội quán, gọi viễn liên mắc tiền nhưng hổng phải nước nào cũng gọi được, cho nên liên lạc với gia đình bằng thư viết tay, gởi đi nhận lại có khi cả một hai tháng. Có lẽ mất nhiều thời gian như vậy nên lúc nào trong lòng cũng canh cánh nhớ quê. Còn đám trẻ ngày nay, sanh ra và lớn lên nhằm vào thời đại 4.0 này, quê hương đất nước lúc nào cũng nằm gọn trong túi áo, túi quần thì làm sao tụi nó nhớ nhung như thời của cha, ông nó. Tụi nó giảm đi nỗi nhớ quê hương rất nhiều, mặc dù những tiệm bán đồ Á Đông bây giờ có mặt khắp nơi, nhưng ít khi tụi nó ngó ngàng tới. Mỗi lần đổ bộ, tụi nó vô nhà hàng ăn pizza, hoặc doner kebab và thỉnh thoảng chơi sang thì tìm quán bán đồ biển nhậu. Có lẽ vì nhờ internet bây giờ rẻ tiền, tin tức nằm trong lòng bàn tay, nên chúng nhắn tin, gọi nói chuyện về nhà mỗi ngày và những món ăn ngon được quảng cáo trên mạng quá nhiều nên làm cho chúng quên đi mùi vị và niềm nhớ quê hương chăng?

Tamela hai tay bưng hai tách cà cà phê ra, nó đưa tôi một tách. Chúng tôi đi lại ngồi trên đầu cột trụ cột dây. Hớp một hóp cà phê tôi nói:

– Chú với ba con sống với nhau trên hai chục năm, lúc vợ trước của ba con bịnh ung thư chết, ba con buồn đi miết, hơn hai năm mới về lại In Đô thì cưới má con. Lúc đó ba con mới làm việc bình thường lại. Ba con cũng có cho chú biết, má con có đứa con trai riêng.

Tamela cười ha ha:

– Dạ, đứa con trai đó là con nè chú.

– Ngày ba con về nghỉ hưu, chú và ba con ngồi nhậu trên hội quán ở Hamburg cho tới khuya.

– Dạ, ba con thường nhắc chú, ba con có kể, hồi đó khi tết Tây vừa qua thì chú nhớ tới tết Việt Nam và thường nấu những món ăn ngon truyền thống của Tết Việt cho thủy thủ ăn. Vào ngày mùng một Tết, nếu tàu trên biển thì chú làm những món nhấm như chả giò, tôm chiên bột rồi bày tiệc nhậu với thủy thủ. Nếu Tết trong bến thì chú mời thủy thủ lên hội quán hoặc lên ăn, nhậu trong nhà hàng.

Lâu lắm rồi tôi không còn thiết tha tới ngày Tết cổ truyền, tuy vẫn còn nhớ, nhưng nỗi nhớ nhung không còn thiết tha như ngày xưa nữa. Hôm nay nói chuyện với thằng nhỏ, bỗng dưng tôi lại nhớ về như những năm dài xa xứ. Nhớ vùng ven biển trong những ngày cuối năm, với con trai, con gái bận áo, quần mới đi chùa đi chùa lễ Phật, cảnh ngày tết vui vẻ vào đêm ba mươi có bánh tét, bánh ít trong giờ giao thừa và nhớ nồi thịt kho ba ngày tết, nhưng chỉ nhớ thoáng qua thôi. Tuy trong dạ có chút bồi hồi, nghe buồn man mác nhưng hổng còn thèm thuồng đến thắt ruột như cách đây mấy mươi năm. Mới hay nỗi nhớ quê hương dần dà lu mờ trong tâm trí của những kẻ xa quê quá lâu, nó cũng không còn thấm đậm trong tim như ngày xưa nữa.

Tôi nói với Tamela:

– Bây giờ chú vẫn đi chơi với tụi con mà, lần nào cũng có chuyện vui như… Tết.

– Con có nghe Zanda khoe, tuần trước, chú dẫn nó lên Las Palmas.

– Năm nay tàu trở lại Vigo nhằm Tết Việt Nam nếu chú còn trên tàu thì tụi con lên bờ nhậu với chú.

Tamela vui mừng hô:

– Ô kê chú, con hy vọng chú ở lại tới qua tết Việt Nam.

Zanda từ trong mui tàu mở cửa ló đầu ra, chưn ngoài, chưn trong nó ngó qua ngó lại, chợt thấy tôi với Tamela, tay vịn cánh cửa. Nó chồm ra hô lớn:

– Good morning!

Tôi và Tamela cùng nhau nói good morning lại. Zanda bước hai chưn ra ngoài, đóng nhẹ cánh cửa, đi ra đứng cạnh tôi. Nó nhìn về phía trời đông nói:

– Trời đẹp quá chú?

– Rất đẹp, tết Tây đã qua, những cơn bão lớn cũng đã qua, biển êm và trời trong.

Tamela nói:

– Đúng vậy, sau cơn bão gió êm, biển lặng.

Tôi chỉ tay về một đám mây phản chiếu ánh sáng khi mặt trời nhô lên khỏi mặt nước phương Đông:

– Coi kìa! làm sao mà một đám mây nhỏ màu hồng bay lơ lửng như một chiếc lông từ một con chim hồng hạc khổng lồ nào đó rớt ra.

Tamela cười:

– Ha ha... chú hay thiệt đó, thấy một đám mây mà thành ra lông của chim hồng hạc.

Cả tháng qua gió bão, sóng gió nhiều làm việc xong mạnh ai nấy về phòng riêng nên không có dịp nói chuyện với nhau. Hôm nay trời đẹp nên thấy trong người thoải mái hơn, gặp mặt chào nhau vui vẻ, chớ không lơ là như những ngày giông bão. Tôi cười và chỉ tay về phía mặt trời, nói:

– Con hổng thấy sao! Trời xanh, mây trắng, mặt trời hồng, biển im lìm và thánh thiện. Khi chúng ta có mặt vào buổi sáng thì phải tạ ơn một đặc ân quý giá của thiên nhiên ban cho. Khi biết ta còn sống, hít thở, suy nghĩ, tận hưởng và yêu thương, thì để cho tâm thức biến những cái bình thường nó trở nên đẹp đẽ hơn.

Hai đứa cười ha hả Zanda nói:

– Chú là nhà văn.

– Mỗi khi nhìn biển, trời đẹp đẽ chú hay suy nghĩ vu vơ vậy thôi.

Zanda hỏi tôi:

– Con vô nấu mì nhé chú?

– Ừa, con nấu đi.

Zanda day ngang hỏi Tamela ăn mì không nó nấu luôn. Tamela gật đầu đồng ý. Zanda day qua tôi nói:

– Chú ngồi chơi đi, con nấu mì cho thủy thủy thủ In Đô và dọn bữa ăn sáng cho officers luôn.

– Ok, thank you.

Zanda đi trở vô bếp nấu mì. Tamela day qua cười nói:

– Cái thằng mập vậy mà ăn nhiều quá.

Nó nhìn về phương Đông, ánh mặt trời đã nhô lên khỏi mặt nước trông như chiếc mâm. Một bầy chim nhàn tìm mồi bay lượng, vài con chim nhỏ bay trên ngọn cần trơi. Tamela hỏi tôi:

– Chim én (Swallow) phải không chú?

– Ờ đúng rồi.

– Con tưởng Âu châu hổng có loài chim én.

Tôi giải thích:

– Có chớ, Swallow là tên gọi thông thường của các loài chim cùng họ, ở châu Âu như một từ đồng nghĩa với chim én là chim martins cũng là một nhóm chim trong họ Hirundinidae, chúng có mặt khắp nơi trên thế giới.

– Sao nó bay ra tới đây?

Tôi chỉ tay vô dải đất liền, nói:

– Con coi kìa, gần bờ mà.

– Oh, nhưng ra đây rồi lấy gì nó ăn?

– Theo chú biết loài chim én có đặc điểm là chúng thích hợp với việc kiếm mồi trên không. Chim én có mặt khắp thế giới và sinh sản ở tất cả các lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Những chuyên gia am hiểu về chim chóc họ cho rằng, loại chim này có nguồn gốc từ Châu Phi, chúng thường làm làm ổ trong bọng cây, tuy nhiên Châu Phi cho tới nay vẫn còn có nhiều loại chim to con nhứt. Chúng cũng xuất hiện trên những hòn đảo giữa đại dương. Còn một số sống bên châu Âu và Bắc Mỹ là loài chim di cư đường dài; ngược lại, có một giống chim én ở Tây phương và Nam Phi thì chúng hổng có di cư.

Chợt nhiên một con chim nhỏ đáp xuống boong, nó đi tới đi lui trông nó không có gì hốt hoảng và nó cũng không bay lên được nữa. Thấy con chim có vẻ khác thường, Tamela tới bợ nhẹ nó lên, nó kháng cự yếu ớt và nằm gọn trong lòng bàn tay của Tamela. Tamela nói:

– Để con vô lấy nước cho nó uống và bánh mì cho nó ăn.

Tôi ngăn lại:

– Đã nói là loài chin én không ăn, uống được những thức ăn trên trái đất mà.

Tamela lưỡng lự, hỏi:

– Vậy để nó đâu chú?

– Con buông chim ta và cứ để nó tự nhiên đi.

Tamela buông chim ra, chim thong thả đi lại nơi góc khuất đứng đó. Tamela nói:

– Thấy nó tội nghiệp quá chú.

– Con cứ để nó tự sanh tự diệt đi, mình không nên can dự vào đời sống của các loài chim, chúng có cách sống riêng của chúng. Con để nó tự do, có thể một lát nó khoẻ lại và nó sẽ tiếp tục bay đi, con bắt nó nhốt lại nó sẽ chết.

Zanda mở cửa ló đầu ra kêu Tamela vô ăn. Tamela day ngang:

– Con vô ăn nhé chú.

– Ok. Ăn ngon.

Tamela đi rồi, tôi nhìn qua góc khuất chỗ con chim én. Không thấy nó, tôi ngó quanh thì thấy nó đứng trên cuộn dây. Tôi bước tới thì nó lấy trớn bay vút về hướng đất liền. Tôi cũng thấy vui và nhìn theo con chim tới khi chấm đen biến mất trong cái không gian trong lành và thánh thiện. Ánh mặt trời chen mình vô đám mây tụ màu xám và toả ánh sáng ra đám mây cạnh bên màu trắng mỏng manh. Tôi nghĩ tới ánh mặt trời chiếu sáng khắp mặt đại dương, loan ra miền núi, rừng cây, ruộng lúa, vườn rau và dân gian sống trong các làng mạc trên khắp vũ trụ hành tinh này. Nhưng tôi cam đoan rằng từ người trí thức, người làm chánh trị, những nhà lãnh đạo các nước và người đang làm một công việc vặt vãnh xa mù chì ở tuốt trong đất liền, cho tới thủy thủ chúng tôi ở giữa biển khơi; kẻ lương thiện, người dã man, nếu họ biết nhìn nhận được những đẹp tuyệt vời này thì tất cả sẽ thấy những tham vọng, phấn đấu nó nhỏ bé trước cảnh quan đẹp đẽ và hùng vĩ của Thiên nhiên như thế nào!

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haihanhmuadaidich_11.html


Cái Đình - 2022