Nguyễn Lê Hồng Hưng


Mùa Hè Trắng

 

Lịch trình chiếc Fenja khởi đầu từ cảng Hamburg qua Stockholm và St. Petersburg. Trên tuyến đường tàu có thể ghé vài hải cảng không nhứt định trong vùng Scandinavia. Tất cả tàu buôn lớn nhỏ cho tới những chiếc ghe buồm tí teo của khách du lịch, từ biển Nam, Bắc Đại Tây Dương muốn thu ngắn đường vào biển Baltic và Scandinavia thì phải qua ngang con kinh Kiel miền bắc nước Đức. Sáng hôm ấy chiếc Fenja qua khỏi kinh Kiel, trong sương mù ban sáng xuất hiện hàng ngàn cánh buồm trắng dọc ven bờ. Tôi lên phòng lái hỏi thuyền trưởng:

– Ghe buồm đâu mà nhiều quá?

Ông nói:

– Năm nào cũng có tàu buồm khắp nơi tập trung về đây dự lễ hội.

– Lễ hội ghe buồm?

Ông gật đầu và chú tâm điều khiển con tàu. Thấy ông bận rộn tôi không làm phiền nữa. Tôi trở xuống phòng lấy máy chụp hình, ra sau ra lái chụp đám tàu buồm, chụp xong mấy cái, tôi ngó quanh xem còn cảnh nào chụp được nữa không. Chợt thợ máy người Nga bận bộ overall màu cam, từ trong bước ra chào tôi. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ gia đình tôi, hắn nói:

– Chắc ông quên tui rồi.

Vừa nói chuyện tôi vừa quan sát bộ râu quai nón và mặt mũi hắn, cố moi óc nhận dạng, cuối cùng đành chịu. Thủy thủ thay đổi hàng kỳ và mỗi lần đi tàu cũng khác nhau. Tôi làm bếp gần ba mươi năm, qua bao nhiêu mặt người làm sao nhớ hết. Thật tình tôi không nhớ là ai:

– Xin lỗi, hổng nhớ.

– Tui là Ivan lần đầu gặp ông bên chiếc Gotland.

Bây giờ tôi mới nhớ ra:

– À! Ivan, nhớ rồi và cũng trên tuyến đường này.

– Đúng rồi, trên tuyến này.

– Lâu quá rồi, với lại hồi trước mày đâu có râu.

Ivan cười hì hì:

– Bảy năm rồi.

– Chậc, thời gian... 

– Mấy tấm hình chụp chung với ông ở Stockholm tôi còn giữ, hôm nào tôi cho ông xem.

Tôi gật đầu và nhớ lại lần đầu Ivan xuống tàu cùng với một đồng hương của nó. Tôi hỏi:

– À, còn cậu đi chung với mày lần đó, bây giờ sao rồi?

– Poris, bây giờ là thuyền phó bên chiếc Tanja.

– Suốt mùa đông rồi tao ở bên chiếc Tanja với thuyền trưởng Mike nhưng không gặp Poris.

– Đúng rồi, lúc đó nó nghỉ đông. Hôm qua tui phone thuyền trưởng Mike, có nói đi chung với ông, Mike rất vui, nhắn lời thăm ông và nói khi tới St. Petersburg ông ấy xuống chở tui với ông lên bờ xem lễ hội Đêm Trắng.

– Tốt, chuyến này thế nào tao cũng học hỏi thêm về văn hóa của lễ hội Đêm Trắng ở St. Petersburg.

– Cái này ông biết nhiều rồi, chuyện cầu giở, pháo bông và hàng triệu con người ta tụ tập bên bờ sông Neva và chen chúc nhậu nhẹt trên đường phố...

Nhìn những chiếc tàu buồm trong vịnh, tôi mới nhớ ra một điều:  

– Nhưng tao chưa xem Scarlet Sails (Tàu Buồm Đỏ). Nghe nói trong lễ hội Đêm Trắng ở St. Petersburg có một con tàu lớn với những cánh buồm đỏ rực, một biểu tượng rất độc đáo cho lễ tốt nghiệp của các sinh viên nước Nga.

– Nhưng ông phải thức suốt đêm.

– Không sao, có dịp thức suốt đêm cũng không sao, hơn nữa mùa hè sống trên vùng này tao ít ngủ lắm. Nghe nói Scarlet Sails biểu tượng St. Petersburg mới có lại năm 2005. Vậy là hồi thời cộng sản bị cấm hả?

– No no... Ivan lắc đầu lia lịa... Scarlet Sails trong thời cộng sản mà.

– À, mày đúng, màu đỏ là biểu tượng của đảng Cộng Sản, cộng sản cái gì cũng màu đỏ.  

Ivan nói tiếp:

– Lễ hội Đêm Trắng ở St. Petersburg tổ chức vào ngày thứ bảy, tuần lễ thứ tư, cuối tháng sáu hàng năm. Scarlet Sails ra đời khoảng thập niên sáu mươi. Chánh quyền tổ chức vinh danh cho sinh viên tốt nghiệp, như ông cũng đã biết, người cộng sản làm bất cứ chuyện gì cũng trong tinh thần cách mạng và phô trương ầm ĩ cái chủ nghĩa vô sản của họ mà thôi.

– Egocentrism (Chủ nghĩa ích kỷ).  

Ivan cười hì hì và tiếp:

– Tới năm 2005 một giám đốc nghệ thuật hiện đại “lái” cho con Tàu Buồm Đỏ trở về tinh thần St. Peterburg.

– Tinh thần cách mạng với tinh thần St. Peterburg khác nhau như thế nào?

– Tinh thần St. Petersburg là sống lại không khí lãng mạn huyền bí (mystic romanticism), muốn hát bài gì thì hát, không căng biểu ngữ hô hào này nọ hay ca ngợi thành quả cách mạng, đặc biệt là trai gái yêu nhau khỏi phải báo cáo...

Tôi cao hứng chen vào, nói:

– Thật tuyệt vời, chỉ có một nhà nghệ thuật lớn, một tâm hồn nghệ sĩ lớn mới chuyển đổi được truyền thống tiêu cực qua tích cực một cách nhẹ nhàng. Tao không thể tưởng tượng nổi, hàng triệu con người tụ tập hai bên bờ sông Neva xem pháo bông, và những chiếc cầu bắt ngang sông được giở lên với đèn màu rạng rỡ trong ánh sáng lãng mạn (romantic light), cũng có người gọi đó là ánh sáng của phù thủy (magician’s light), một chiếc tàu buồm màu đỏ vinh danh các sinh viên tốt nghiệp của thành phố giương buồm chầm chậm xuôi ra vàm sông Neva trong lúc tiếng reo hò của hàng triệu con người trên bờ sông và pháo bông tua tủa giữa không trung màu trắng...

Ivan cười cười và gật gật cái đầu ra vẻ tự hào cho quê hương đổi mới, nó hãnh diện nói:

– Hàng trăm ngàn đôi trai gái tìm được tình yêu trong Đêm Trắng và tui với vợ tui yêu nhau cũng trong không gian đầy lãng mạn ấy.

Chợt tiếng còi báo trục trặc gì đó dưới hầm máy, nó cụt hứng, chửi thề một cái và lật đật day lưng chạy xuống hầm máy xem có chuyện gì. Thợ máy lúc nào cũng bận rộn ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu còn trẻ và còn đi học, tôi sẽ không chọn nghề thợ máy, nhứt là thợ máy tàu buôn.

Chỉ còn hơn ba mươi giờ nữa tàu tới cảng Stockholm, trong lòng tôi bỗng nhiên hứng khởi lạ thường, tôi nao nức được trở lại sống với những con người hiền hoà, nhân bản và trong phong cảnh đẹp đẽ, mát mẻ, múi non với rừng thông bạt ngàn của vùng Scandinavia thanh bình.

Tàu cặp bến Stockholm vào giữa trưa và sẽ khởi hành vào sáng mai. Chiều hôm ấy tôi lên phố, Ivan muốn đi theo. Tôi nói với nó:

– Tao đi bộ.

– Không sao.

Vậy là tôi với nó tà tà ra phố, chúng tôi đi trên đường nhiều cây xanh. Đi gần tới phố Ivan chỉ tay lên tháp cao và nói:

– Ở đây giống như Venezia. 

– Giống chỗ nào?

– Rất nhiều nước.

– Đơn giản vậy sao?

– Ừ, thì thành phố cổ, nhà cửa cũ kỹ...

Tôi khoa tay về phía chiếc cầu và những chiếc đò ngược xuôi dưới dòng nước nói:

– Nhưng ở Venezia xe không chạy được, và tàu đò đâu có rầm rộ như ở đây. Đi trong phố Venezia tao có cảm giác như đi trên một sàn nước khổng lồ làm bằng xi măng và tưởng chừng nó có thể bị xụp xuống hoặc nước ngập bất cứ lúc nào.

– Ừ...

Thấy Ivan ấm ớ tôi cũng hổng nói thêm làm gì. Mỗi lần dạo phố Stockholm tôi rất tự tin và nhiều phấn khởi. Có lẽ đường xe điện ngầm nơi đây thu hút, cho nên mỗi khi lên phố tôi đi về hướng nhà ga trước, sau đó mới tà tà ra khu trung tâm Sergels Torg. Từ bến cảng lên tới phố mất gần một tiếng đồng hồ. Tôi với Ivan ghé vô quán, tôi hỏi:

– Uống bia?

Ivan lưỡng lự:

– Bia ở đây mắc lắm. 

Tôi gọi hai ly bia. Ivan nói:

– Bên Nga có nhiều thứ hưởng thụ và rẻ tiền hơn ở đây.

– Tiền nào của nấy, phong cảnh đẹp, chất lượng tốt thì giá tiền cao.

– Xem ra ông thích nơi đây.

– Tao thích kiến trúc nơi đây tuy lâu đời, nhưng trông rất hiện đại, nhứt là xe điện ngầm, cách họ thiết kế trên những tuyến đường khác nhau.

– Xe điện St.  Petersburg tốt hơn đây.

– Đường xe điện ngầm St. Petersburg sâu hơn ở đây một hai tầng.

Dù sao Ivan cũng còn có một đất nước để tự hào và ít nhiều gì cũng còn có lòng tự tôn dân tộc, nếu tôi nói thật lòng thì sợ nó buồn. Thật ra con người xô bồ xô bộn trên đường phố không an toàn và mất vệ sinh của St. Petersburg thì làm sao so sánh được với Stockholm. Nhứt là những người ra vào nhà ga lúc lưa thưa cũng như khi đông đúc, họ không ồn ào giữa kiến trúc xam xám nâu nâu đùng đục trong ánh sáng nhẹ nhàng đã tạo ra một bầu không khí thanh tao làm con người ta đẹp tao nhã rất tự nhiên, tôi tưởng chừng như họ bước ra từ trong tạp chí người mẫu thời trang. Uống xong ly bia tôi với Ivan thả tà tà ra trung tâm. Hình như đi chơi như vầy Ivan không thích, mỗi khi tôi dừng lại xem một dàn nhạc hoà tấu hoặc xem cảnh phun nước dưới chưn toà tháp cao thì Ivan lơ là ngơ ngáo. Tuy nhiên nó cố gắng lê cái thân nặng nề theo tôi cho tới khi mặt trời lặn. Nó nhìn đồng hồ và hô lên:

– Mười giờ rồi, tui phải về.  

Tôi thì bịn rịn cái hoàng hôn xuống muộn, Ivan trông mệt mỏi đi theo tôi như chiếc bóng. Tôi nói:

– Thôi được, mày về trước đi.

Ivan không lưỡng lự, liền chào tôi rồi đi te te lại bến đón tắc xi. Tôi tiếp tục đi trong ánh hoàng hôn muộn toả trên những mái nhà chọc trời loang xuống đường phố. Trên toà cao có gắn một màn hình  vuông rộng, người ta chiếu phim với câu chuyện gì đó, dưới đường phố nhiều người ngước mặt chăm chú nhìn lên xem. Chợt nghe tiếng  vỗ tay vang lên bên góc phố, tôi ngó qua thấy một nhóm người bu quanh xem biểu diễn gì đó, tôi bèn men lại xem. Trong vòng người vây quanh, một người đàn bà da trắng bận áo vàng và đỏ bóng, đội vương niệm màu vàng, trán và hai mí mắt có điểm kim tuyến. Có lẽ bà ta vừa múa xong và đương cầm micro giới thiệu điệu múa tiếp theo. Đây là điệu múa Balinese, theo tôi biết thì điệu múa này có nguồn từ đạo Hindu. Tôi đứng xem bà múa, nhìn mặt mày, đôi mắt và  tay, chưn bà ta cử động làm tôi nhớ lại một điệu múa của người Miên, nhưng ở đây tay, chưn và mắt bà múa theo tiếng nhạc, chớ không lắc lư cặp mông như những cô gái Miên múa điệu lâm-thôn. Điệu múa của bà chấm dứt, thêm một tràng pháo tay, đây cũng là màn cuối, bà chào mọi người xong rồi cùng những người theo bà thu dọn đồ đạc đem ra xe... Đám đông từ từ giải tán và tôi tiếp tục đi. Đi trong cái ánh sáng nhẹ nhàng làm tôi quên luôn giờ giấc. Tôi đi hết khu phố này tới công viên nọ, khi mỏi thì ngồi trên bực thạch nghỉ chưn. Khi ánh sáng loà ra và nghe không gian âm ấm, tôi ngước mặt nhìn lên. Phía Đông ánh mặt trời đã nhô lên soi sáng những mái ngói chung cư nằm trên đồi núi.

– Ồ, mặt trời mọc!

Nhìn đồng hồ, mới hơn ba giờ rưỡi. Mọi sinh hoạt lắng xuống từ hồi nào và người ta đi đường thưa thớt. Trong ánh sáng dịu dàng các cô gái da trắng nõn nà với mái tóc vàng óng ngồi trên chiếc bè nép bên kè đá, trông giống y như nữ ngư nhân huyền thoại, từ lòng biển trồi trên ngồi bên ghềnh đá tắm nắng. Bên bến đò, những chiếc tàu màu trắng đã đậu lại, có lẽ nhân viên trên tàu đã ngủ say để lấy sức cho ngày mai còn phải phục vụ cho những đoàn khách. Là thủy thủ, tôi không đủ thời gian tham quan được nhiều nơi, hy vọng ngày nào đó tôi sẽ ngồi lên những con đò ấy đi xem mười bốn hòn đảo nối kết nhau tạo nên thành phố Stockholm này.

Tôi trở về tàu khi ánh nắng đã chói chang, dĩ nhiên tôi không còn thời gian để ngủ. Lạ thật, tính ra tôi đã thức suốt đêm nhưng sao không buồn ngủ và cũng không mệt mỏi, duy có đầu óc lâng lâng và thấy mọi vật hư hư thật thật. Tôi vô bếp pha cà phê và rót một tách bưng ra lái tàu ngồi nhâm nhi. Renado, thủy thủ người In-Đô, gác cầu thang, hồi xuống tàu thấy nó ngồi trên ghế cạnh mui, mặt ngửa lên trời, miệng há lớn ra như hớp ánh sáng và ngủ ngon lành, nếu ở những cảng khác tôi đã kêu nó dậy nhưng ở Stockholm thì không sao. Mặt mày nó còn ngái ngái, có lẽ nó vừa mới thức, nhưng làm ra vẻ tươi tỉnh đi tới chào tôi và hỏi;

– Chú còn cà phê hông?

Tôi chỉ tay vô bếp:

– Tao mới pha một bình trong bếp, mày vô lấy uống cho tỉnh.

Nó vô lấy cà phê, trở ra đứng bên tôi và nói:

– Tàu khởi hành mười giờ sáng nay và ghé Kronshtadt trước khi qua St. Petersburg.

– Vậy à.   

Nói xong nó bưng tách cà phê đi lại chiếc ghế đầu cầu thang ngồi tiếp tục gác.

Chiều hôm ấy tàu đã vô tới vịnh Phần Lan. Khí trời mát mẻ, không khí sạch sẽ và mặt trời lơ lửng phía Tây, chiếu xuống mặt mước xanh màu vàng lóng lánh. Tôi định lên phòng tắm và đi ngủ sớm nhưng vì còn bịn rịn buổi chiều vàng đẹp tuyệt với mặt biển phẳng lặng như tờ và bầy nhàn bay liệng trắng trên không. Ivan tới đứng bên tôi, nó cho tôi biết chuyện đổi tuyến đường và lấy làm tiếc khi tàu tới St. Petersburg thì lễ hội Đêm Trắng đã qua.

Tôi nói với nó:

– Ở Nga lễ lạc thường xuyên.

– Ông nói đúng, nó kể ra thêm ba bốn cái lễ gì đó rồi tiếp, chỉ sợ mình tới không đúng ngày.

– Không sao, mùa hè người Nga của mầy ngày nào cũng tiệc tùng lễ lạc, nhưng tao thấy ở Kronshtadt cũng vui.

– Có cái chợ nhỏ xíu.

– Một cái bar đủ rồi.

– Nhưng tui hổng lên bờ được.

– Sao vậy?

– Tàu phải lấy thêm dầu.

– Mình còn ghé qua St. Petersburg nữa, ở đó tới hai ngày mặc sức cho mày sáng say chiều xỉn. Thôi tao đi tắm đây, có điện cho thuyền trưởng Mike cho tao gởi lời thăm.

***

Tôi hồi tưởng lại, từ khi nước Nga mở cửa tới nay tôi tới St. Petersburg nhiều lần. Trời đông băng, tuyết lạnh cóng người hoặc xuân, thu mát mẻ hay hè nắng ấm tôi thường lang thang bên bờ sông Neva hoặc chen chúc trên đại lộ Nevsky Prospekt. Tôi nhớ đầu tiên tới St. Petersburg, tôi sợ nhứt là đám hải quan, họ kéo nhau xuống tàu cả trung đội, mặt mày như cai ngục, không biết cười, họ chui vào kẹt hóc lấy cây xỉa xói và vô phòng lục lạo tùm lum. Trong mắt tôi lúc đó thành phố St. Petersburg không khác gì những thành phố trong các nước nghèo ở Phi Châu. Tuy tôi có tham quan bảo tàng viện và nhiều thắng cảnh đẹp trong thành phố, nhưng ấn tượng mạnh trong tôi lúc đó là các cô gái Việt Nam bán hàng rong khắp những con lộ đông người, các cô tụ tập nhiều nhứt trên đường Nevsky Prospekt, một con đường lớn ở trung tâm thành phố. Tôi có nghe các cô nói về lễ hội đêm trắng St. Petersburg nhưng tôi chỉ nghĩ và xót xa tới thân phận tha phương cầu thực của các cô gái Việt Nam nơi xứ lạ quê người hơn là để ý về nếp sống nơi đây. Mấy năm sau này tôi thường chung chạ với người Nga trên những chuyến hải hành và thường đi lại St. Petersburg, dần dần tôi có cảm tình với đất nước và con người nơi đây. Mặc dù thành phố đó có nhiều di tích lịch sử có tầm vóc quốc tế như bảo tàng viện Hermitage, vườn hoa Mùa Hè bên bờ sông Neva, nhà hát lớn trên phố... Xe đường hầm St. Petersburg sâu, kiên cố và lâu đời làm cho tôi ngưỡng mộ. Nhưng có lẽ vì ấn tượng đầu tiên, cộng thêm cảnh con người xô bồ xô bộn, trộm cướp làm tôi bất an mỗi khi lên phố. Cho nên St. Peterburg đối với tôi là tới dạo chơi và ra đi không nhớ nữa.

Ngủ trong cái không khí tươi mát, khi thức dậy khoẻ khoắn thể chất lẫn tinh thần. Tôi bước ra boong  định làm vài động tác thể dục, chợt thấy trên boong ướt sũng. Mưa đêm? Tôi tự hỏi và có chút ngạc nhiên khi nhìn vô bờ, trời trong vắt, dải đất liền đậm hơn, những đám mây xám nặng nề phủ phía chưn trời dường như vừa vén lên và đường chưn trời hiện rõ nét, trong cái ánh sáng chan hoà một cánh buồm nhỏ xinh xắn, trắng tươi in trên mặt nước xanh như một chấm phá. Tôi tự nghĩ, có lẽ những người trên chiếc ghe buồm ấy cũng không ngủ hoặc có ngủ cũng ngắn như tôi và cũng đương nhìn ánh sáng thay đổi và thấy thời gian chầm chậm trôi qua theo ánh mặt trời từ từ nhô lên trên viền nước. Chưa bao giờ tôi thấy không gian trong sạch đến đỗi không tin rằng nó có thật trên trần gian.

 

Scandinavia, mùa hè 2014
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 


Cái Đình - 2014