Nguyễn Hữu Thời


Nét chữ

.

Khoa tướng số (Physiognomy) “xem mặt mà bắt hình dong”, còn khoa bút tự học (Graphology) đoán người qua nét chữ. Tôi không hiểu biết gì về 2 môn khoa học nhân văn này, nhưng thú thật rất thích đọc những dòng thư có nét chữ đẹp.

Trọn tuổi thanh niên, tôi đã đi học, để vào đời, bằng và với nét chữ: chép bài, làm bài, viết đơn xin việc, viết thư… Tôi hiểu và thấy nét chữ là (đại diện) một con người. Đọc một bài văn, một lá đơn, một lá thư viết tay là đang lắng nghe tiếng nói của một con người; đang đến với mình, ở bên cạnh mình, nói chuyện với mình.

Những năm đầu trung học, viết thư là một thể loại quan trọng của môn Việt Văn. Tập viết thư chính là “tập làm văn”. Người học sinh đạt điểm cao luôn là người viết thư “hay”, nghĩa là diễn đạt tình cảm đầy đủ và súc tích (tạo được xúc cảm). Nhưng trước tiên, người học sinh đó phải có nét chữ dễ đọc (legible). Chữ dễ đọc là chữ ngay ngắn, đủ nét và rất quan trọng: đúng chính tả.

Tiếng Việt không chỉ đẹp ở giọng nói du dương, trầm bổng nhờ các dấu thanh, mà còn đẹp ở “hình ảnh” của nó; mặc dù không phải là ngôn ngữ tượng hình, nhưng khá mỹ thuật. Thực sự, cấu tạo hay cách ghép các chữ lại thành từ của tiếng Việt đã tạo ra những đường nét đẹp. Chẳng hạn, khi ta viết “mỹ thuật” với chữ y (dài) ta thấy nó cân đối, vững vàng, tự nhiên một cách thẩm mỹ. Thay y (dài) thành i (ngắn) ta thấy nó trơ cục, thô thiển. Thư pháp (Calligraphy), mà tôi không thích, cũng nhằm thể hiện hình ảnh mỹ thuật của chữ Việt. Đến đây, tôi muốn nhắc lại công ơn của giáo sĩ Bồ Đào Nha, Alexandre De Rhodes, người thầy của dân tộc Việt Nam. Ai trong chúng ta cũng đã học cách viết chữ Việt của thầy, một chữ viết đẹp đẽ.

Tôi không thích thư pháp vì tôi nghĩ thư pháp đã phóng tay, bay bướm quá đà khiến chữ không còn dễ đọc (illegible).

Hồi xưa, xa cách nhau, ngoài điện thoại, cách duy nhất và phổ biến, để thăm hỏi và bày tỏ tình cảm với nhau là bằng đường bưu điện, nghĩa là viết thư cho nhau. Một chút thời gian rảnh, tâm hồn lắng đọng, lấy giấy viết thư ra, ngồi cặm cụi viết. Xong, xếp lại, cẩn thận cho vào phong bì, rồi ghi tên người gửi, người nhận. Ra bưu điện, cho thư vào thùng, thấy lâng lâng, bồi hồi…

Chiến tranh làm giao thông gián đoạn nên thư thường đến trễ. Có khi, người vợ hay người yêu ở hậu phương chỉ đọc được lá thư – hình bóng của người lính – sau khi người lính đó đã nằm yên trong Nghĩa Trang Quân Đội. Buồn!

Bình thường, người ta đợi thư nhau đến “dài cả cổ”(!). “Con rùa bưu điện” là cách gọi đầy than phiền của người dân VNCH. Ngay cả quân bưu cũng không thể nhanh được.

Nhận được thư thì không có niềm vui nào bằng. Nét chữ thân quen trong màu mực tím, một thay thế thỏa đáng cho lời nói nhỏ nhẹ, thủ thỉ bao nỗi nhớ thương, có khi là trách cứ, hờn giận vì một giấc mộng chưa thành.

Hãy nhớ lại nét chữ mềm mại, tròn đều, ngay ngắn, bày tỏ những tâm tình trìu mến của người yêu nho nhỏ… Thật dễ hình dung… Cô gái có khuôn mặt sáng, đôi mắt đen láy thông minh và… những kỷ niệm…

Tôi nghe nói người nghiên cứu bút tự học nhìn nét chữ rồi đoán tính cách của một người. Chữ to, chữ nhỏ, chữ đứng, chữ nghiêng, ngã trái, ngã phải thì… làm sao, làm sao… vân vân…

Tôi chỉ biết và tin rằng chữ viết nói lên trình độ học vấn và tình trạng sức khỏe. Chữ viết dễ đọc, đúng chính tả chứng tỏ một học vấn căn bản, có thể gọi là “đến nơi đến chốn”; và ngược lại. Phải không?

Nét chữ xiêu vẹo, mất ổn định chứng tỏ một tình trạng sức khỏe thể chất hay tinh thần sa sút. Một người đang bệnh nặng thì khi viết, chữ sẽ nghiêng đổ, yếu ớt.

Cách đây 10 năm, sau cơn tai biến, 5 ngón tay bàn tay phải của tôi yếu đến mức không cầm nổi cây bút. Đến giao dịch với ngân hàng, tôi phải cầm bút bằng tay trái để quệt đại một chữ ký. Một thời gian sau, tôi tập luyện viết trở lại.

Bây giờ, mặc dù 5 ngón tay còn tê (đến suốt đời!) và thỉnh thoảng bị đơ như vọp bẻ, nhưng tôi đã viết được. Mức độ phục hồi của chữ viết nói riêng và cả thân thể nói chung chỉ là 80%; như thế cũng là đáng mừng. Có thể nói, chữ viết của tôi cũng chứng tỏ một sức khỏe không tốt.

Ngày nay, nhiều nhà tuyển dụng không chấp nhận những lá đơn xin việc (Letters of Application) được đánh máy vi tính rồi in ra, ký tên. Họ đòi hỏi ứng viên phải ngồi trước mặt họ, viết đơn xin việc bằng bút. Tôi đã làm điều này hồi năm 2000 khi là phiên dịch và trợ lý giám đốc cho một công ty giám định, phụ trách phần kiểm tra tiếng Anh của các ứng viên.

Từ lâu rồi, chúng ta đã không còn đọc và viết những lá thư cho nhau.

.

Nguyễn Hữu Thời
11/4/2022
Trích blog tác giả

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/netchu.html


Cái Đình - 2022