Phan Ni Tấn


Nhà văn lang thang trên biển

    

<==Ảnh: Nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng

   

Ngoài nghề viết văn, Nguyễn Lê Hồng Hưng còn là một đầu bếp có hạng, từng hải hành trên các con tàu viễn dương Hòa Lan, vượt trùng dương từ vùng biển Tây Âu qua Bắc Á, từ Đại Tây Dương qua Bắc Hải và từ biển Baltic qua đến tận vùng phía nam Bắc Băng Dương. Tóm lại, với bốn mươi năm hành nghề bếp núc, bếp Hưng theo các con tàu ghé bến hàng chục quốc gia, từ Mỹ, Âu, Phi cho tới Á châu.

Đi nhiều nơi, đến nhiều quốc gia xa lạ, chung chạ với nhiều giống người, tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau đã giúp nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng có nhiều chất liệu cảm hứng để viết ra những cốt truyện thật hay, lạ và thật lôi cuốn.

Đọc tuyển tập truyện ngắn Bốn Biển Là Nhà của Nguyễn Lê Hồng Hưng người đọc nhận thấy cốt truyện nào, đâu đâu cũng tràn ngập hình ảnh của biển. Cái bao la của trùng dương, của mênh mông sóng cả cứ tràn vào, đổ ụp xuống từng trang viết. Lênh đênh trên biển nhiều ngày đến lúc cập bờ là có truyện để tác giả kể ra. Nhà văn rất khéo tả những thành phố, bến cảng đã ghé qua với hàng chục, hàng trăm kỷ niệm vui buồn cùng Helsinki, Stockholm, Baltic, St. Petersburg, Hamburg, Paramaribo, Jakarta, Guyana, Scandinavia, Scarlet Sails, Esplanade, Juhannus, Thái's Wok, Vietnamese's Wok…, cũng như khí hậu, mùa màng, nắng mưa, cùng các quảng trường, công viên, thánh đường, các lễ lạc, âm nhạc, đạo Hin Đu và cả mê tín dị đoan về việc thờ cúng ma quỷ v.v… Ngoài ra tác giả cũng không bỏ qua những lần bù khú cùng các bạn hành nghề biển trong các hội quán Seaman's Club, đặc biệt là cuộc gặp gỡ tình cờ thật lý thú với người Việt tha hương ở những xứ sở xa lạ. Họ gặp nhau trong thoáng chốc rồi vui vẻ xa nhau như ngọn gió.

Ảnh: Tuyển tập truyện ngắn Bốn Biển Là Nhà của Nguyễn Lê Hồng Hưng
(bấm vào ảnh để xem giới thiệu tác phẩm)

Tuyển tập truyện ngắn Bốn Biển Là Nhà của Nguyễn Lê Hồng Hưng cũng gợi cho người đọc để ý đến cách thiết kế một con tàu. Ngoài phòng lái, phòng máy, phòng ngủ, phòng vệ sinh, boong tàu…, thì nhà bếp cũng không kém phần quan trọng. Đối với nghề thủy thủ hay bất cứ nghề gì, nhà bếp có khác gì cái bao tử cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Có thực mới vực được đạo mà. Chính vì vậy mà biển cả và hương vị đồ ăn thức uống cũng bàng bạc suốt từ đầu đến cuối chuyện. Với bếp Hưng, biển cả, tiếng sóng, thủy thủ và mùi nấu nướng của gà tây, thỏ, tôm, nho và vài ba món nhậu nữa…, tất cả đều mang một triết lý rất cụ thể, rất vật chất rút ra từ kinh nghiệm của một người từng trải sau bốn mươi năm lang bạt kỳ hồ trên những con tàu xuyên đại dương.

Đã gọi Bốn Biển Là Nhà, người đọc nhận thấy hầu như nỗi buồn lê thê ít khi có mặt, thật ra cũng có đó nhưng vốn là người bộc trực, thẳng thắn, bếp Hưng đều “sa-va” mọi chuyện, nghĩa là tác giả không chất chứa nỗi buồn bực dai dẳng nào ngoài cái phóng khoáng của niềm vui. Mà đã nói tới cái vui, cái dí dỏm thì cái cười xòa đi đôi liền đó; bút pháp của bếp Hưng cũng vì vậy mà có duyên với những câu đối thoại không vị nể, hết sức thẳng thừng, xông xáo cả vào chốn dung tục khiến người đọc cũng phải bật cười:

– Tao muốn hỏi ai đã làm gì mầy mà suốt ngày nay tao thấy mặt mầy nhăn nhó giống như cái âm hộ vừa mới làm tình.

– Trong lúc người ta cởi quần áo anh ra thay, tui thấy con cu của anh teo thụt mất tiêu.

*

Nguyễn Lê Hồng Hưng đã tận dụng năng khiếu vẽ ra những nơi chốn cũng như những nhân vật sống động phản ảnh đúng lề lối sinh hoạt hằng ngày trên những con đường, trên bến cảng và trong các đô thị ánh sáng muôn màu, thế giới của những con người sống cuồng nhiệt, chìm đắm trong dục vọng qua ánh sáng mờ ảo.

Nguyễn Lê Hồng Hưng tên thật Nguyễn Tấn Hưng, sinh tại Cà Mau, nơi xưa kia muỗi, vắt và đỉa nhiều hơn cỏ cây. Người miền Nam nói chung vốn xuề xòa, tuệch toạc nên ngoài chút tánh bỡn cợt bẩm sinh, văn của Nguyễn Lê Hồng Hưng qua từng câu chuyện là một bức tranh sinh động được vẽ bằng chữ. Nhà văn kể lại nếp sống hải hồ với hết thảy say mê, cởi mở, giản dị như nói chuyện. Đọc Bốn Biển Là Nhà làm người đọc có cảm tưởng như chính mình là thủy thủ lang thang theo nếp sống hải hồ. Với bốn mươi năm hải hành trên các con tàu viễn dương đã thúc đẩy Nguyễn Lê Hồng Hưng vui vẻ tiếp nhận và kiêu hãnh tìm thấy nhân dáng cứng cỏi và tâm hồn dung dị của mình trong nghề bếp núc.

Quê hương miền Nam và sông nước của đất mũi Cà Mau đã un đúc Nguyễn Lê Hồng Hưng thành một con người bình dị, bình dị qua từng lời nói và hành động trong văn chương cũng như trong đời sống hải hồ. Nói đến văn chương, Nguyễn Lê Hồng Hưng vận dụng chữ nghĩa phong phú để gởi gắm tâm tư mình bằng một triết lý nhân sinh sống thực với cảm nghĩ của mình vốn thấm thía và đẹp như thơ.

   

Phan Ni Tấn

________

Xem giới thiệu tuyển tập truyện ngắn Bốn Biển Là Nhà của Nguyễn Lê Hồng Hưng:

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nhavanlangthangtrenbien.html


Cái Đình - 2024