Linh Vang


Ra tù

   

Ngày ra tù hắn được em trai đến rước đưa về nhà ở tạm. Hai vợ chồng người em có một đứa con trai bốn tuổi. Ngày hắn vào tù, thằng con của hắn cũng khoảng đó tuổi. Chính xác hơn là bốn tuổi, tám tháng, vì không lâu sau đó sinh nhật năm tuổi của nó, nó cứ khóc đòi phải có ba. Bấy giờ con bé gái Sophia của hắn được sáu tuổi. Nó đã sớm biết ba nó đang ở đâu, là ba không thể nào về được. Vợ hắn cũng trẻ lắm. Cô mới vừa xong trung học khi gặp hắn trong một đêm đi dự khiêu vũ, rồi sau chịu lấy hắn. Vợ vô tư, nên hắn lo hết việc trong, việc ngoài.

Bây giờ, hắn không còn vợ, không còn con. Vợ hắn đã lấy chồng, chồng Mỹ, và đưa hai đứa con của hắn đi sống ở tiểu bang khác, ở mặt đông. Khi nhắc đến gia đình hắn, em trai hắn nói:

“Ngày ấy, như em đã nói với anh. Em kêu chị Ba để thằng Steve cho em nuôi giùm cho đến khi anh ra mà chị ấy không chịu.”

Hắn buồn buồn:

“Thằng Mỹ còn đòi nhận hai đứa nhỏ làm con, xin đổi họ, anh không chịu.”

“Dĩ nhiên là mình đâu có chịu, cháu Steve là con cháu đích tôn mà.”

Hắn là con trai trưởng. Nhà anh em đông, tất cả còn kẹt lại ở quê hương, chỉ có hắn và thằng em kế là thoát được ra khỏi nước. Một đại gia đình, kể cả dâu rể con cháu, đông mấy chục người như thế mà chẳng ai có công ăn việc làm gì ra hồn. Những năm đó, cha của hắn lại đau nặng. Hắn là đứa thương cha nhất nhà, nên tuy có vợ có con nhỏ mà hắn cứ đi đi về về Việt Nam chăm sóc cha. Mỗi lần về là tốn cả trên dưới 20 ngàn – tiền lo nhà thương, thuốc men cho cha; tiền cho mẹ; chị và đám em.

Qua lại Mỹ, hắn lâm nợ, mấy cái thẻ tín dụng đã vay mượn hết mức rồi. Thế là cùng đường, gặp lúc có người rủ ren, làm liều vô nghề đi bán đi giao xì ke, thuốc phiện. Tiền vô như nước. Đếm không kịp. Sắm xe xịn, mua nhà lớn, mua hột xoàn cho vợ... Gửi tiền thoải mái về Việt Nam. Vợ không cằn nhằn, người bên Việt Nam ai cũng được phần, nên ai cũng vui vẻ mà mong hắn về chơi. Hắn mua đất, mua nhà, sắm TV, đầu máy. Cho em tiền mở tiệm. Giúp vốn cho anh rể làm ăn. Người ta biết mẹ hắn có hai con trai ở Mỹ, nên tự đem tiền đến cho mẹ hắn mượn xài. Vốn đẻ ra lời, số tiền nợ càng ngày càng lớn. Mỗi lần hắn về là hắn mang về một số tiền lớn, trả vốn lẫn lời một cái xoạch. Thành thói quen rồi.

Gia đình khen hắn sống phải, rộng rãi, biết thương cha thương mẹ, thương anh em người thân. Và họ chê trách thằng em kế hắn là đứa ngược lại với hắn, không có những tính tốt như hắn có! Sau này thằng em lấy vợ, nó càng “keo kiệt”, họ lại đoán thêm là nó sợ vợ, chắc vợ nắm giữ hết tiền, làm nó không còn dám nghĩ tới gia đình gì nữa. Mấy tháng trước, cô em dâu đi về Việt Nam rồi vô hãng tâm sự với một bà bạn của cô:

“Cái con nhỏ út tự tử, bây giờ có chồng rồi. Con kế không có làm gì hết, mở tiệm cơm, cũng bán sạch bách rồi. Con 4 đứa rồi mà còn đòi đẻ nữa, nói thích có nhiều con. Móng tay móng chân, kêu thợ tới sơn đỏ chói. Còn hỏi em muốn sơn không? Thằng chồng làm thợ bạc. Kỳ em về, gặp nó ở phố, em giao cho nó $500, dặn bốn trăm đem về cho bà già, một trăm cho nó, nó lấy hết, không đưa cho bà già cắc nào, đem tiền đi tán hết rồi. Chừng em về quê thăm bà già, lại phải cho bà già $200. Bả giận ông xã em lâu nay không liên lạc, nói bộ con sợ mẹ xin tiền hả?

Cả năm nay ông chồng em không gửi tiền. Ổng thất nghiệp mà. Đó là tiền tự em cho. Mà họ cũng sống được thôi. Chồng em giận nhà từ hồi con em út tự tử. Tự ý làm rồi đổ trách nhiệm cho mình. Nó hứa làm ăn với ai đó, rồi ngang nhiên chờ tiền ông xã em gửi. Ổng nói ổng không có tiền, không gửi. Nó tự tử! Làm cả nhà giận ông xã em, đổ thừa tại ông xã em mà nó ra nông nổi đó!

Chuyện anh Ba sắp ra tù. Còn ba tháng nữa mới được ra, nhưng nếu muốn ra bây giờ phải ký bail (1) 5 ngàn. Ổng đòi ra. Tiền đâu mà có 5 ngàn. Chỉ để luật sư ăn chứ họ có làm được gì đâu, tốn 20 ngàn cho luật sư rồi mà cũng tù 5 năm. Đã ở gần 5 năm thì ráng 3 tháng nữa không được sao. Hồi đó, phải lấy giấy nhà đi bail ổng ra chờ ngày ra tòa, em đã khóc quá vì lo, lo không chừng mất cái nhà. Chuyện anh em của ảnh, ông chồng em không cho em xía vô. Nhưng khi anh Ba ra tù, chắc chắn là ảnh sẽ phải ở nhà của tụi em, thì rõ ràng cũng dính líu tới em mà. Tự nhiên lại có một người có án tù ở trong nhà của mình, thấy ghê ghê quá. Chị biết chuyện nhà em từ đầu đến cuối nên em mới dám tâm sự với chị, chứ chị phải giấu chuyện này giùm em, chị đừng cho tụi Mỹ ở hãng biết, mà nhất là mấy người Việt Nam nữa, họ biết họ sẽ khinh khi em đó.”

Ngày hắn gặp “đại nạn” – bất ngờ cảnh sát đến càn quét nhà hắn. Tịch thu tang vật, tiền. Đau là cả mấy cái sợi dây chuyền vàng tây đeo trên cổ của hai đứa nhỏ cũng bị tịch thu. Mấy cái trương mục tiết kiệm mở cho hai đứa nhỏ cũng bị lấy hết. Mà đâu có bỏ bao nhiêu tiền. Hắn nghĩ buồn quá, tội cho hai đứa nhỏ. Có mấy ngàn thôi! Hắn mải mê làm chuyện bậy để có tiền gửi nuôi bên VN, nào có thì giờ nghĩ chuyện dành tiền cho con ăn học đại học. Mà bỏ nhiều thì bây giờ cũng không còn, vì toàn là tiền phi nghĩa cả, cũng bị lấy hết thôi.

Bao năm hắn ở tù, chẳng biết bên nhà có biết vì sao hắn ở tù không? Hắn không cho em hắn nói ra sự thật. Nhưng thời hạn hắn ở tù lâu quá, trước sau gì thì bên nhà cũng biết thôi. Quả như vậy, thắc mắc sao lâu quá không thấy hắn về, không thấy hắn gọi phôn về thăm gia đình, và nhất là sao không thấy... gửi tiền về? Cũng may là ngày gia đình bên VN biết ra hắn ở tù (qua một người đồng hương) thì cha của hắn cũng đã mất được sáu tháng rồi. Ông mất mà vẫn nghĩ lâu nay hắn bận đi làm xa, mãi tận vùng Alaska xa xôi tuyết đóng băng lạnh giá. Vẫn nghĩ, nó là thằng con có hiếu nhất nhà. Trong nhà tù, nghe tin cha hắn mất, hắn khóc nức nở như một đứa trẻ. Cái ngày vợ hắn vào thăm hắn rồi đòi ly dị, hắn đã không khóc như thế. Chỉ khóc thầm trong lòng thôi. Chẳng hiểu tại sao.

Không bao lâu thì mẹ hắn lại nhắn với thằng em đòi hắn bảo trợ qua Mỹ. Người bên này nói nước Mỹ là thiên đàng, mẹ muốn được đi thiên đàng cho biết... trước khi nhắm mắt!

Hắn ở tù, bó tay. Thằng em đang bị thất nghiệp, làm sao bảo trợ được. Bây giờ thì bà hết đòi qua Mỹ rồi. Người con dâu nhỏ nghe vậy cũng nhẹ người. Người lớn tuổi qua xứ này rồi cũng buồn chứ có ích chi. Nhất là người đã bao năm quen sống cảnh ồn ào của xóm giềng, bà con qua lại. Bà lại có con cái cháu chắt ở bên đó đông hơn, gần gũi hơn là cái đám nhỏ bên này.

Vừa vào nhà là đứa em dâu dặn hắn ngay, anh nên cẩn thận trước mặt con em... ở tuổi của thằng bé, nó hay hỏi lung tung. Hắn nghe và hiểu liền ý người em dâu; hắn buồn trong lòng nhưng không dám nói gì, dù sao thì trong những ngày tới hắn cũng phải ăn nhờ ở đậu nhà của đứa em và cô em dâu này.

Em trai hắn đưa hắn xuống basement chỉ cho hắn một cái phòng nhỏ, đưa tay đẩy cửa, bước vô.

“Đây là phòng của anh Ba. Cứ giờ cơm thì anh lên ăn với tụi em, còn anh cứ ở dưới này nghỉ ngơi, đừng có đi lung tung. Nghỉ ngơi cho khỏe đi. Rồi từ từ anh sẽ quen lại đời sống ở ngoài này... Hai đứa nhỏ, em sẽ liên lạc tìm luật sư cho anh, trước sau gì anh cũng gặp được chúng nó.”

Hắn bước vô theo. Căn phòng ẩm thấp. Chỉ có cái giường và một cái bàn nhỏ đặt bên cạnh. Bỏ trống bao nhiêu năm, vài ngày trước nó mới được dọn dẹp qua loa.

Đứa em cẩn thận dặn hắn từng thứ! Giờ giấc đi làm, giờ cơm của vợ chồng nó. Và thêm nữa thường tối thứ sáu có “nhóm đạo”, là một số người ở nhà thờ Tin Lành tới học đạo ở nhà nó. Hắn biết em hắn tuy không nói ra, nhưng mong là hắn nhớ những đêm ấy mà đừng lên phòng khách trên. Vợ chồng em hắn mới theo đạo này trong những năm gần đây thôi. Em hắn cũng không quên nói:

“Em chưa cho mẹ biết, vì không muốn bên nhà làm phiền anh.”

Nửa giờ sau đứa em đã đi lên trên lầu, hắn lẳng lặng ngồi xuống cái giường, thừ người, buồn bã. Nước mắt hắn tự nhiên lại ứa ra, từ từ lăn xuống má. Hắn tự mắng thầm hắn. Đây là gia đình duy nhất của mình mà, khóc cái gì chứ!

Hắn đứng lên, đi lại mở cái cửa sổ, mở toang ra cho nắng rọi vào phòng. Nhìn ra ngoài vườn, trên sân cỏ, có mấy con chim robin đang mổ mồi kiếm ăn. Vài cây hoa hồng gần hàng rào đang nở bông vàng, hồng dễ thương. Chẳng biết hoa có thơm không?

___________

(1) bail: tiền thế chân chờ ngày ra tòa

(2) basement: tầng hầm, tầng dưới thấp nhất

   

Linh Vang

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/ratu.html


Cái Đình - 2024