Nguyễn Lê Hồng Hưng


Sáng tháng Giêng

Trưa hôm qua tôi với Mieke và Tim dạo phố Venezia, phố kỳ quan nhờ nước ngập. Venezia chỉ có một bến xe bus phía ngoài phố. Du khách không được dùng xe, kể cả xe đạp. Muốn đi ngoạn cảnh phải dùng ca nô, xuồng gondola hoặc đi bộ. Chúng tôi cuốc bộ tham quan Venezia, Tim và Mieke hai đứa còn trẻ, dai sức, tôi đi theo tụi nó muốn hụt hơi. Đi nát mấy khu phố, khi ra tới bến xe thì hai đầu gối tôi muốn sút ra mà trời cũng đã sụp tối, phố xá rực rỡ ánh đèn. Về tới tàu quá nửa đêm, thân thể muốn rã rời, tắm rửa sơ sơ, lật đật lên giường đánh một giấc tới sáu giờ sáng. Tôi có thói quen lên giường mười giờ, mở mp3 nghe tin tức hoặc nghe một đoạn văn để rồi giấc ngủ tự nhiên đến, đánh một giấc thẳng cẳng tới gần năm giờ sáng. Mùa hè tôi ra boong tập dưỡng sinh, mùa đông tập trong phòng. Tập xong, tắm rửa, đánh răng... Sau đó đi lại bàn bấm khởi động laptop, để đó, rồi đi qua phòng bếp pha cà phê, rót một ly bưng trở về phòng. Vừa nhâm nhi cà phê vừa online internet đọc tin tức hoặc xem cái gì đó, hôm nào không nối được internet thì mở những trang lưu trong máy ra đọc.

Sáng nay thức trễ, bỏ tập dưỡng sinh, chỉ xối nước lên mình cho mát, đánh răng, rửa mặt và bật laptop. Tôi đi ra ngoài, bước xuống bếp pha cà phê và bắt đầu cho việc trong ngày. Vừa xuống tầng dưới thì đã nghe mùi thuốc lá, chưa đoán ra ai thì có tiếng Tomy từ phòng ăn:

– Tui pha cà phê sẵn chờ chú nè.

Tôi bước vô phòng ăn, thấy Tomy ngồi trước bình cà phê và một tách cà phê còn bốc khói. Tôi hỏi:

– Chờ tao làm gì?

Nó nói câu chào buổi sáng, cười một cái rồi đứng dậy vỗ tay xuống chiếc băng trước mặt bịt bịt, nói: 

– Chú ngồi xuống đây có vấn đề.

– Mới bảnh mắt mà đã có vấn đề.

Nó cười hì hì... Tôi bước vô phòng và ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Tomy bưng bình, cầm tách rót cà phê ra chìa trước mặt. Tôi bưng tách hớp một ngụm.

– Thơm, ngon, mày pha cà phê bằng nước lọc hả.

Tomy cười cười:

– Đúng ý chú mà.

Trên tàu nấu ăn, pha cà phê, tắm rửa bằng nước lọc ra từ nước biển. Có lần thùng nước bị sét làm nước vàng khè, tôi không dám uống và lấy chai nước lọc pha cà phê, tình cờ khám phá ra cà phê pha nước lọc trong chai ngoài tiệm thơm, đậm đà hơn pha nước lọc từ nước biển và cũng từ đó tôi có thói quen uống cà phê pha nước lọc chai.

– Cám ơn.

Tôi nhìn Tomy dò xét, hình như nó định nói gì đó. Tôi hỏi:

– Chuyện gì vậy ?

Nó thay sắc mặt với vẻ buồn buồn:

– Hồi hôm Dimistri vô phòng hỏi xin bia, tui hổng cho, nó chưởi và nhào vô đòi đánh tui, tui xô nó té, nó đứng lên rồi tri hô là tui đánh nó.

– Có ai nữa hông?

– Có Fredy và Ilfan, nhưng tui hổng có đánh nó.

– Nó có sao hông?

Tomy nhún vai lắc đầu:

– Không, hổng sao.

Tôi hớp một hớp cà phê, cười một cái:

– Tưởng chuyện gì lớn lao lắm, mầy hổng đánh nó còn nó cũng hổng sao thì thôi, chuyện có vậy mà cũng cho làm mày mất ngủ. Khùng!

Tomy rít một hơi thuốc cuối cùng dụi tàn xuống gạt, ngẫm nghĩ lát sau, nó ra giọng làm như bí mật lắm:

– Hôm trước giữa khuya nó phone vô phòng con Mieke rủ Mieke ngủ với nó.

Chuyện này tôi đã nghe từ hôm qua, lúc ngồi trong quán uống cà phê chờ xe bus. Mieke vừa huơ tay ra dấu tục và chê mấy thằng Nga uống wolka quá nhiều nên bộ sinh dục bị liệt hết. Nó nói Dimistri nhậu nhiều quá, không còn sức làm tình nên bị vợ bỏ. Thấy chuyện không mấy sạch sẽ tôi chận:

– Mày nói cho cố, hôm ghé Nga, mày sợ mấy thằng Nga hiếp, chiều tối mầy không dám lên bờ một mình, rủ tao với thằng Tim theo hộ vệ cho mày.

Mieke đưa cánh tay lực sĩ của nó lên gặt gặt:

– Tui hổng muốn đi một mình đó thôi.

Nhìn tay cánh mập mạp, gân guốc của Mieke tôi mới thấy mình hơi quá. Thật ra con mập này nó hiếp người hay không thì thôi chớ ai mà hiếp nổi cái thân thể trâu nước của nó. Vậy là tôi không còn cách nào để chận ngang đề tài của Mieke, đành ngồi chịu trận và nghe nó với thằng Tim vạch tội mấy thằng Nga, lên xe bus hai đứa tiếp tục nói tới lúc xuống xe mới chịu ngưng. Đối với hai đứa chuyện xảy ra làm đề tài cho tụi nó có dịp cười chơi chớ không có gì ghê gớm. Chỉ có mấy người In Đô, nhứt là mấy tên đạo Hồi, hễ gặp đàn bà con gái hở ngực, hở đùi thì dòm thiếu điều nổ con mắt, vậy mà hở cái là đem đạo lý ra phân biệt đúng sai hoặc đem cách sống của đân In Đô ra so sánh.

Tôi nói với Tomy:

– Dimistri đòi ngủ với con Mieke cũng là chuyện bình thường, chừng nào nó đòi ngủ với mày mới là chuyện hổng bình thường.

Nghe tôi nói Tomy phá lên cười. Sau đó nó lái sang chuyện khác:

– Ai nói khoa học tiến bộ làm trái đất thu nhỏ lại và con người trên thế giới gần gũi nhau hơn?  

Tôi quen Tomy tính ra cũng trên mười năm, lúc nó vừa mới chập chững vào nghề. Nó theo đạo Hồi và hay suy nghĩ chuyện người, chuyện đời, chưa đầy bốn mươi mà trên gương mặt rõ nét một ông cụ non giống y như người của một thuở xa xưa nào. Nhìn nó làm tôi nhớ ở Việt Nam cũng có nhiều ông cụ non cũ kỹ, sáng uống trà để ưu tư ba cái chuyện trời trăng mây gió, chiều uống rượu để triết lý hai xu và ra nước ngoài sống trên xứ sở văn minh cả đời mà nhiều ông, bà nghe chuyện có tính dâm dâm thì ra vẻ ghê gớm lắm và đem moral ra giảng.

Tôi hỏi:

– Có gì sai?

– Trên tàu có mười một người mà tới năm quốc tịch.

– Một chiếc tàu sáu bảy chục thước chở năm giống người, vậy thì thế giới thu nhỏ và con người gần nhau, hổng phải sao?

Đã vậy mà nó còn chưa chịu im cái miệng, ngẫm nghĩ một lát nó bắt qua chuyện khác:

– Sau khi thuyền trưởng và thợ máy người Hòa Lan về, kế đó thuyền trưởng và thợ máy người Nga xuống thì đủ thứ chuyện phiền phức hết, làm không khí trên tàu ảm đạm làm sao.

– Mày cảm thấy ảm đạm hay là không khí trên tàu ảm đạm.

– Chú hổng thấy thằng Dimistri sáng say, chiều xỉn, ngày thì mặt mũi lờ đờ tối lại phá phách hết người này tới người kia, làm việc thì ngủ gà ngủ gật. Thuyền trưởng thì không nói chuyện với ai hết, ru rú trên phòng lái, vô phòng ngủ, xuống phòng ăn, tàu ghé bến thì đi mất tăm, chờ khi tàu chạy mới ló mặt xuống.

Tôi đứng dậy vừa cười vừa nói:

– Bỏ đi! Chuyện này không phải chuyện của mình...

– Chú hổng ngồi lại nói chuyện chơi?

– Gần tới giờ làm rồi, tao về phòng thay đồ.

Tôi bưng ly, hớp xong phần cà phê trong tách, rót thêm tách mới bưng trở về phòng. Thật ra chưa tới giờ làm việc, nhưng tôi không muốn mất thời gian cho chuyện tào lao. Nãy giờ lo nói chuyện tầm phào, laptop chờ hông được nó cũng ngủ luôn. Bấm khởi động lại và theo thói quen mở  trang tin quen thuộc ra đọc... Hổm rày tin tức nói nhiều về chuyện xảy ra ở Ucraina... Hình như từ lúc tạo thiên lập địa cho tới nay, loài người không lúc nào sống chung với nhau một cách hòa bình, trên địa bàn lớn thì đánh lớn, trong địa bàn nhỏ đánh nhỏ. Họ đánh nhau đủ cách, đủ kiểu, người chết vô số, ấy vậy mà trên trái đất này con người có giảm bớt đâu. Đương rà internet tìm trang, chợt có tiếng gõ cửa. Tôi chưa kịp đứng lên thì cánh cửa đã mở, Dimistri đầu tóc bù xù, mặt mày âm u ló vào, tiếp theo là thân thể với áo quần xốc xếch, người không ra người ma không ra ma. Là tay ghiền rượu thứ thiệt, từ ngày xuống tàu tới nay nó uống rượu nhiều, làm việc ít và ngủ không thẳng giấc, có lúc giữa khuya nó gõ cửa hết phòng này tới phòng kia hỏi rượu, ngày nào nó cũng say và gây phiền phức tới nhiều người.

Cái thân thể bèo nhèo vừa lê qua ngạch cửa, nó liền ôm cái vai ra vẻ đau đớn và cất giọng nhừa nhựa:

– Ông giúp tui được hông?

– Dĩ nhiên, chuyện gì?

– Hồi hôm Tomy xô tui té cầu thang, có lẽ xương vai tôi bị trặc, ông coi dùm được không.

Trên tàu thủy thủ sơ ý va chạm bị bầm, trặc hay tới nhờ tôi xoa bóp, thường là thủy thủ In Đô còn dân Tây thì đây là lần đầu. Tôi đứng lên vạch áo nó xem bả vai, không có dấu bầm gì hết, tôi kêu nó ngồi lên chiếc băng rồi lấy dầu xanh thoa lên bả vai nó và nắn bóp một hồi.

– Xong rồi, tôi cười hỏi, mày cần  giấy chứng thương hông.

– Để làm gì?

– Kiện Tomy.

– Không, ông làm chứng được rồi.

À, thằng này không phải bị trặc xương, nó lấy cớ và mượn cái miệng tôi làm chứng cho cái chuyện hồi hôm.  Không muốn lôi thôi mất thời giờ, tôi nói:

– Ô kê, nhưng mày đi ngủ đi, tao tới giờ làm đây.

Tôi nhìn đồng hồ tay, gần bảy giờ sáng. Còn hơn nửa giờ nữa tới giờ làm việc, nhìn qua cái laptop, nó ngủ nữa rồi, mặc kệ cho nó ngủ ngon. Xớ rớ chưa biết phải làm gì, đầu óc lộn xộn hết trơn. Tôi thay đồ làm việc rồi đi ra sau lái tàu hít thở không khí và làm vài động tác thể dục.  Không gian bao la, không khí  tinh khiết, gió lành lạnh làm xương sống gờn gợn, gợi trong tôi nhớ nhung một thuở xa xuôi nào, nhơ nhớ mà không biết nhớ cái gì. Tôi rùng mình một cái và đi xuống kho chứa thực phẩm, định lấy những món cần dùng để sửa soạn cho bữa điểm tâm. Thằng Tim từ trong phòng máy đi ra, nó chào buổi sáng với cái bảng mặt chầm dầm. Tôi chưa hỏi gì thì nó chưởi thề và nói:

– Thằng Dimistri ăn cắp mực khô ăn sống.

Mang tiếng là đi tàu viễn dương mà giống như đò ngang và thủy thủ đoàn rảnh rang như khách du lịch. Cả tháng nay, một tuần chỉ có một chuyến hàng từ Venezia qua Triest của nước Ý. Thủy thủ đổ bộ nhiều hơn làm việc, đứa nào không đổ bộ thì ở tàu câu cá. Thằng Tim có tật ghiền câu cá mà lại là tay sát cá, đêm nào cũng câu cả đống cá, mực và được lươn biển, có đêm nó câu cả chục ký lô mực giao cho tôi làm khô. Nhưng thường nếu mực hơi dốt dốt Dimistri lấy nhậu cho tới khi mực khô chỉ còn vài con.

Tôi lắc đầu:

– Thôi, kệ nó đi.

– Mình làm nó ăn.

Thấy Tim bực bội, tôi không muốn nó nói tiếp câu chuyện:

– Hồi hôm mày câu được nhiều không?

Nghe chuyện câu cá Tim phấn khởi lên, nói:

– Hồi hôm tui câu được ba con lươn biển bán được hai mươi lăm euro:

– Mày bán?

– Ừ.

– Ha ha... vậy thì đề nghị công ty mua tàu đánh cá cho mày làm thuyền trưởng.

Cả hai cùng phá lên cười. Tim nói nó đi ngủ và không ăn sáng rồi chào tôi day lưng đi lại hướng thang lên tầng trên.Dợm bước vài bước nó ngoái lại nói:

– Hồi hôm tôi câu được mớ mực, khi nào ông mần sạch rồi đưa cho tui, tui đem xuống phòng máy phơi.

– Ô kê, tôi cười và hỏi, bộ mày sợ Dimistri ăn hết hả?

 – Dĩ nhiên.

Hôm nay chủ nhật, thủy thủ không làm việc nên đầu bếp cũng không bận lắm, thuyền trưởng thì đi chơi chưa về, không cần dọn bữa điểm tâm. Lấy đủ đồ nấu cho bữa ăn trưa, đem mọi thứ lên phòng bếp để đó, tôi bắt đầu công việc pha cà phê và nấu nước pha trà. Thuyền phó bước vô đứng lóng ngóng. Tôi hỏi:

– Có chuyện gì?

– Nó cười hì hì và nói:

– Không chuyện gì.

– Vậy thì gây chuyện.

– Ha ha... nước tui nhiều chuyện quá rồi gây thêm chi nữa. Nói xong nó day lưng đi ra ngoài.

Thuyền phó là người Ucraina, uống bia rượu, chẳng màng ăn uống, nhưng chịu làm việc và tánh tình vui vẻ, cũng say xỉn nhưng không phá phách như Dimistri. Trong khi tôi bật lò, bắt nồi nước lên hầm xương nấu xúp, thì Mieke cầm mấy lát bánh mì vô bếp tự mở tủ lạnh lấy bơ trét, lấy mấy lát phó mát kẹp vô và đứng trong góc bếp ăn ngon lành. Hồi sau cô ả cất tiếng:

– Hồi nãy tui thấy hai tên khùng chưởi lộn ngoài boong.

Nói xong cô cười ha hả, tôi cũng bật cười:

– Tao hổng hiểu nổi, nếu giám đốc công ty biết được nhân viên trên tàu như vầy thì ông ta sẽ nghĩ sao?

– Công ty biết rồi, ông chờ xem.

– OK. Chờ xem.

– Trưa nay ông vô phố với tui không?

– Đi chỗ nào khác đi, vô Venezia vài lần tao còn thấy nó là kỳ quan, nhưng ngày nào cũng đi, riết rồi tao thấy nó kỳ cục, hơn nữa mới vừa nghe đi thôi thì hai chưn tao muốn rụng rồi. Mieke cười hì hì:

– Tui đi siêu thị.

– Vậy mày mua dùm tao thẻ điện thoại.

– Ô kê.

Mieke lấy cái tách rót trà, trước khi bưng tách trà đi ra ngoài nó ngoái lại nói:

– Trưa nay tôi hổng ăn trên tàu.

Tôi nhìn đống thức ăn chưa nấu mà chột dạ, không nấu không được, còn nấu ra thì có mấy người ăn. Từ ngày thuyền trưởng Nga đổi xuống tới nay ngày nào cũng đổ bỏ thức ăn, thấy xót ruột mà không biết phải làm sao.Tôi miễn cưỡng tháo bọc, lấy thịt ra ướp, món này có thể để lâu, khi nào có người muốn ăn thì cứ lấy ăn. Đương ướp thịt, chợt thằng Fredy, thủy thủ In Đô, vô bếp hỏi xin mì gói, tôi hất mặt về phía tủ đựng mì.

– Mày tự lấy làm ăn đi tao mắc bận rồi.

Khi ướp xong mớ thịt day qua rửa tay, thấy nồi nước của Fredy đã sôi nhưng không thấy nó đâu, cái thằng, hổng biết làm gì mà bỏ đi đâu mất. Tôi nhắc nồi nước để qua một bên và bỏ xương vô nồi nấu nước xúp. Tự dưng thằng Dimistri lù lù đi vô, tay cầm con mực tay chai rượu hỏi tôi mượn đồ khui. Tôi đưa cái khui cho nó, nó chần chừ chưa muốn đi. Tôi hỏi:

– Mầy cần gì nữa không?

Nó ấm ức nói:

– Fredy nó nói người Nga tui uống rượu nhiều nên hóa ra đần độn.

– Được rồi, mày uống hết chai này rồi ngủ một giấc thức dậy là hết đần độn liền.

– Họ chưởi tui sao cũng được, nhưng đem cả dân tộc Nga ra nói thì hổng tốt.

Con người ta nghĩ cũng ngộ lắm, mình kêu tên một người nào đó nói xấu thì đương sự ít giận và nổi nóng hơn là nói xấu về dân tộc họ.

Tôi nói:

– Hèn chi Fredy thấy bóng mày nó chạy mất tiêu. Được rồi, để tao nói lại và kêu nó đừng đụng chạm cái nước Nga vĩ đại của mày nữa. 

Trước khi đi nó còn cằn nhằn bằng tiếng gì đó tôi nghe không hiểu gì ráo.

Dimistri đi rồi tôi day lại làm việc nhưng đầu cứ nghĩ ngợi. Sự xung đột trên thế giới cũng giống như chuyện xảy ra trên tàu. Tranh giành quyền lợi, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo. Hổng biết đến bao giờ con người ta được sống chung với nhau một cách vui vẻ đây?

11-04-2014
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 


Cái Đình - 2014