Topa


Thành phố quỷ.

.

Tôi bắt tay từ giã người bạn thân khi trời đã khuya. Bạn nắm chặt tay tôi không muốn rời. Bạn tỏ rõ sự lo lắng cho tôi khi nói: “Anh một mình đi trong đêm khuya vắng vẻ ở một đất nước mà “ma quỷ” hiện diện khắp mọi nơi, làm tôi không yên tâm một chút nào cả.”

Lúc này đã hơn mười hai giờ khuya và tôi phải qua sông Saigon để trở về khách sạn. Tôi hy vọng sẽ kiếm được một chiếc ghe còn người thức khuya để đưa tôi về bên thành phố. “Anh xa Saigon lâu quá nên anh quên. Phà Thủ Thiêm chỉ hoạt động đến mười giờ khuya là ngưng” - Bạn tôi đã nói vậy khi biết không thể cầm tôi ở lại nhà bạn đêm nay. Bạn không thể đưa tôi về lại bên thành phố vì bạn đang bị bệnh, hơn nữa bạn lại cũng không có phương tiện. Tôi phải trở về bên thành phố chứ không thể ngủ ở nhà bạn được.

Người bạn rất thân mà tôi đến thăm từ trưa, là người trong nhóm bạn năm đứa thân thiết từ thời trung học cho đến khi lên đại học; rồi vô quân đội. Bạn và tôi còn sống. Sau khi đi tù cải tạo về, bạn muốn ở lại Thủ đô Saigon cũ chứ không đi qua Mỹ theo diện H.O. Ba người bạn kia thì hai người đã trở về cõi vĩnh hằng trong cái gọi là, trại cải tạo Hoàng Liên Sơn giữa núi rừng Tây Bắc. Hai bạn bị giam quá nhiều năm trong khu kiên giam lạnh đến cắt da cắt thịt và không được ăn no cũng như không được mặc đủ ấm. Một người bạn là lính Hải Quân đã qua đời vì bệnh tại Hoa Kỳ.

Bốn đứa chúng tôi cùng đi trình diện một ngày… cùng với Quân Cán Chính toàn miền Nam. Chúng tôi phải buông súng nhưng với lòng tin sẽ được hòa giải hòa hợp với “những người anh em phía bên kia” như họ từng tuyên bố nhiều lần qua làn sóng điện. Nhưng, bốn người chúng tôi vì quên câu nói của vị Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh Tối Cao Nguyễn Văn Thiệu nên phải ôm hận mà đi tù; thay vì theo tàu của người bạn Hải Quân trong nhóm ra đi trước một ngày Sàigòn thất thủ. Sau khi ra tù, tôi làm người lưu vong rồi trở về thăm lại Thủ đô Sàigòn xưa và thăm bạn sau hơn hai mươi năm xa quê hương.

Qua những câu chuyện trao đổi với bạn, tôi được biết hơn hai năm nữa, đúng vào ngày ba mươi mốt tháng mười hai năm hai ngàn mười một, những chiếc phà Thủ Thiêm sẽ bị nhà nước dẹp bỏ; sau một trăm năm hoạt động. Khu dân cư Thủ Thiêm đã và sẽ tiếp tục bị giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới cho những công ty ngoại quốc cùng những người có tiền có quyền đến đây cư ngụ. Khi nào bạn tôi nhận được tiền đền bù, bạn tôi sẽ dọn về ở trong khu Thanh Đa. Nhưng, theo như tin mà bạn được biết qua các nguồn tin ‘đáng tin cậy’ thì, phần lớn đất đai sẽ bị chiếm đoạt chứ không được bồi thường bởi những người có quyền… hành dân của thành phố. “Số tiền đền bù may mắn lắm tôi mới nhận được một ít gọi là. Đến như ngôi chùa Liên Trì là ngôi chùa đã có từ hơn nửa thế kỷ mà vẫn bị các quan chức của thành phố đòi san bằng để lấy đất. Nhà nước muốn vị sư trụ trì phải giao đất ngay tức khắc. Nghĩa là phải tự nguyện ký tên hiến dâng ngôi chùa cho nhà cầm quyền đập phá đi để xây biệt thự… thì xá gì những căn nhà của người dân, vốn là tài sản nhỏ nhoi và ít ỏi của những người lao động và cô thế. Anh cũng biết, Phật giáo là tôn giáo có rất nhiều ‘cảm tình viên’ với Việt Cộng trong thời chiến. Thế mà… có nghĩa lý hay tình nghĩa gì đâu. Những gì anh nhìn thấy tại Thủ Thiêm ngày hôm nay, rồi sẽ chỉ còn trong dĩ vãng mà thôi.” Bạn tôi đã nói với vẻ cay đắng và lòng căm phẫn.

Khu Thủ Thiêm đêm nay, một đêm của tháng chín năm hai ngàn lẻ chín, nhưng vì bị cúp điện nên tôi phải bước thật chậm từng bước vì là đường đất nên có nhiều ổ voi lẫn ổ gà. Tôi bước đi trong đêm vắng và nghe rõ từng bước chân của mình. Tôi nghĩ mình thật dại khi trong đêm khuya vắng vẻ lại đi một mình ở một nơi mà từ bao năm qua mình chưa một lần đến. Thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, khu Thủ Thiêm cũng được xem là “khu anh chị.” Nhưng, đánh chém nhau giữa các nhóm giang hồ và cướp của cũng như ăn cắp vặt thì có. Giết người để cướp của thì chưa bao giờ xảy ra. Bây giờ tệ nạn cướp giật và giết người xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Bọn cướp của giết người không hề biết gớm tay là vì bọn chúng được che chở bởi nhà cầm quyền thành phố từ những cán bộ có quyền. Nhà cầm quyền cần bọn này để phá rối các cuộc biểu tình và các cuộc xuống đường phản đối; để tránh tiếng với thế giới là đàn áp. Trong cái xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa có tiền mua tiên cũng còn được, nên nhiều đảng viên và các quan chức cao cấp đã bị tha hóa. Cán bộ xem luật pháp của đảng chỉ là thứ để trừng trị người dân thấp cổ bé miệng mà thôi. Tội ác thù hằn nhắm vô những người Miền Nam trong thế không thể chống đỡ được là tội ác sẽ được ghi nhớ đời đời kiếp kiếp.

Chợt thấy có bóng người từ xa đang đi về phía tôi mà trên tay người đó có cầm một cái cây thật dài. Tôi đứng nép mình dưới mái hiên nhà nơi tôi đang đứng vì nơi đây tối thui. Bóng người đi đến gần hơn cho tôi thấy đó là người đàn ông lớn tuổi. Cái cây dài mà ông cầm đó là cái mái chèo. Khi còn cách tôi khoảng hơn chục thước, người đàn ông rẽ theo hướng đi xuống bờ sông, chỗ đó tôi nhìn thấy có một chiếc ghe nhưng không có mui. Không để cơ hội quý hiếm đi qua, tôi liền bước ra khỏi bóng tối và lên tiếng:

“Ông ơi… xin ông làm ơn giúp chở tôi qua bên thành phố được không ông?”

Người đàn ông đứng sững lại nhìn tôi. Một thoáng sau ông mới lên tiếng với giọng nói đứt quãng như có vẻ sợ hãi:

“Trời đất… quỷ thần ơi! Thầy… làm tui muốn đứng tim luôn… rồi nè. Tại sao thầy… đứng trong đó?”

“Dạ… tại tôi sợ.”

“Thầy làm tui sợ quá. Tui muốn… đứng tim luôn nè. Thầy muốn qua bên thành phố hả?”

“Dạ.”

“Thầy… theo tui xuống ghe rồi tui đưa qua bển cho.”

“Dạ.”

Khi ngồi vô trong lòng ghe, tôi gợi chuyện như là cách tỏ sự thân thiện:

“Khuya rồi ông chưa đi ngủ sao mà còn tính đi đâu nữa vậy?”

“Tui đi dìa Cát Lái. Nhà tui ở Cát Lái chứ đâu phải ở đây. Còn thầy, giờ này mà thầy còn đi đâu lang thang một mình ở bên này. Thầy không sợ ma hả?”

“Dạ, cũng sợ lắm chứ. Nhưng… ma sống thì sợ hơn. Ma sống hãm hại người khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào. Tôi đi thăm một người bạn lâu ngày mới gặp nên quên mất giờ về.”

“Bạn của thầy không đưa thầy dìa sao?”

“Anh ấy đang bị bệnh. Vả lại tôi tưởng tôi có thể về bên thành phố dễ dàng chứ nào ngờ khuya quá nên không còn chiếc ghe nào hoạt động.”

“Thầy đi đêm như thế này nguy hiểm lắm. Cướp của giết người bây giờ cứ như rươi đó thầy ơi. Cũng may là thầy gặp tui, chứ không thì thầy đứng đó chưa biết đến bao giờ mới gặp được người có phương tiện để đưa thầy dìa  bên thành phố.”

Chiếc ghe đã ra giữa dòng sông. Đêm nay có trăng và có gió nhẹ làm cho tôi cảm thấy dễ chịu nên tôi hỏi chuyện như là cách cảm ơn vị ân nhân của đêm nay:

“Ở Cát Lái có gì đặc biệt không ông?”

“Dạ có. Có nhiều cái đặc biệt lắm thầy ơi.”

“Ở đó có món ăn gì gọi là “đặc sản” không ông?”

“Dạ có thầy. Có món chem chép hấp bia nổi tiếng dà món lòng bò cuốn bánh tráng chấm dới mắm nêm nhậu ngon bất biết luôn đi thầy ơi. Hai món đó là “đặc sản” của Cát Lái đó nghe thầy. Thầy chắc biết con chem chép chứ gì? Con chem chép người ta còn gọi là con lồn tiên dì chung quanh mình nó có nhiều lông dà… cũng giống lắm đó thầy.”

“Con chem chép hay con lồn tiên thì tôi cũng có nghe nói đến, nhưng chưa được ăn qua lần nào cả.”

“Quán của tui có bán hai món này. Nếu thầy muốn thưởng thức dà muốn biết Cát Lái thì chiều ngày mai khoảng ba giờ, thầy tới chỗ mà lát nữa tui bỏ thầy lên bờ, tui sẽ tới đưa thầy đến quán của tui. Thầy mà ăn hai món đó ở quán của tui rồi thầy sẽ nhớ suốt đời luôn á. Hôm nay tôi dìa khuya cũng dì ở đây có người đặt hai món đó mà tôi thì tìm hoài mới ra được nhà.”

Tôi vui trong lòng nên nhắc lại:

“Vậy là chiều ngày mai vào khoảng ba giờ tôi sẽ đến chỗ mà lát nữa ông bỏ tôi lên bờ phải không?”

“Dạ, xin thầy đừng quên nhe. Tui sẽ chờ thầy ở đó đó nhe.”

***

Thành phố Saigon giờ này đã gần như ngưng mọi sinh hoạt. Tôi đang đi qua tiệm bánh mì bánh ngọt nổi tiếng Như Lan trên đường Hàm Nghi. Tôi nhìn thấy thấp thoáng dưới những mái hiên nhà bên kia đường có những người cầm vũ khí mà tôi đoán đó là cảnh sát cơ động. Nhìn họ trong bộ đồ bông hoa làm tôi nhớ đến những đơn vị thiện chiến của Việt Nam Cộng Hòa trong thời chiến tranh xâm lược từ những người miền Bắc theo cộng sản. Mấy ngày qua tôi cũng có nhìn thấy cảnh sát cơ động nhưng, thật sự tôi thấy họ yếu xìu chứ chẳng có vẻ gì là oai hùng cả. Như để che dấu cái yếu điểm đó, nên người nào cũng cố tạo cho mình có cái gương mặt nhìn thật “ngầu”. Mắt lúc nào cũng nhìn trừng trừng vô người đi trên đường như sẵn sàng ăn tươi nuốt sống họ.

Người lính Việt cộng thì người miền Nam nào cũng đều biết rõ, đó là những người… nói vậy mà không phải vậy, chứ không hiền không dễ thương không giúp đỡ không che chở đồng bào như những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Nơi nào mà cảnh sát cơ động được điều đến là nơi đó sẽ có đàn áp. Những người cảnh sát cơ động đang đứng dưới những mái hiên nhà kia, theo tôi đoán thì, chỉ một lát nữa đây họ sẽ ra chận những xe đi đêm để làm tiền.

Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà tôi đã về đây gần hết ba tuần rồi. Chỉ còn hai ngày nữa là tôi phải rời thành phố Saigon thân yêu ngày nào để về bên trời Âu giá buốt. Rồi công việc hàng ngày sẽ lại tiếp diễn cho đến kỳ nghỉ tới. Kỳ nghỉ tới tôi sẽ không trở về lại Việt Nam nữa. Nước Việt Nam có quá nhiều rủi ro. Thành phố thân yêu của tôi, của người Miền Nam… ngày nào, đã được nhiều người, cũng như được bạn tôi gọi là ‘thành phố quỷ’ vì, “mọi tệ nạn xấu xa và những điều bất công nhất trên cõi đời đều có hiện diện ở thành phố này. Tôi chưa đến miền Bắc bao giờ, nhưng, tôi được biết nơi đó ít có những sự bất công và những điều khốn nạn xảy ra. Tại sao lại có điều bất hợp lý như vậy? Câu trả lời có lẽ anh đã có.” Bạn tôi đã kết luận cách chắc nịch như vậy. Người dân từ mọi miền quê hương đã ùn ùn kéo nhau về đây vì dễ kiếm được việc làm và dễ sinh sống. Người miền Bắc đa số đều thích sống trong thành phố này. Và, họ vẫn xem thường người miền Nam. Người miền Trung và các vùng khác, họ nghĩ ở Sàigòn dù sao cũng dễ thở hơn ở những vùng xa xôi hẻo lánh, đỡ bị những tên công an ‘trời đánh thánh đâm’ ăn hiếp, đỡ bị những con quỷ đỏ có chức có quyền hoạnh họe này nọ.

Một chiếc xe hai bánh lạng qua lạng lại trước mặt tôi như mời chào. Cô gái ngồi phía sau anh chàng mặt mày coi cũng sáng sủa lắm. Nhưng, đây chỉ là “hàng” thường thôi. Bây giờ người ta “đẻ” ra những dịch vụ thật trời ơi đất hỡi. Anh nhân viên của khách sạn nơi tôi trú ngụ đã gạ tôi: “Nếu anh muốn có người làm vợ một ngày, một tuần, hoặc dài hơn nữa đều có hết… mà giá cả cũng thật mềm. Bảo đảm anh dắt đi phố là… hết ý”.

Thân phận người phụ nữ Việt Nam hiện bị xem như những món đồ chơi. Người phụ nữ Việt Nam bây giờ đã được giải phóng cho ngang hàng với loài thú vật khi phải trần truồng như con nhộng để cho người ngoại tộc chọn như người ta chọn súc vật. Tôi luôn tự nhủ là đừng ham muốn chi những cái đó vì bây giờ khó mà biết được những gì sẽ xảy đến cho mình.

Tôi ghé vô một quán bar. Giờ này chỉ những quán bar ở khu Tây ba lô này là còn nhộn nhịp. Tôi gọi lon bia lạnh. Mấy cô gái điếm ế khách ngồi bàn đối diện nhìn tôi cười xã giao. Tôi cười chào lại và mời các cô uống bia. Các cô hỏi xin tôi thuốc lá. Tôi không hút thuốc nhưng tôi mua cho các cô một gói thuốc lá. Uống hết hai lon bia và tán dóc với các cô gái một lúc, tôi đi về khách sạn vì chỉ trong giây lát nữa đây, một ngày mới sẽ lại được bắt đầu.

***

Bến phà Thủ Thiêm lúc nào cũng đông người qua lại. Tôi đến đây trước nửa tiếng theo giờ hẹn với người đã… đưa tôi sang sông đêm hôm qua.

Đứng nhìn cảnh sinh hoạt và nhìn lượng người qua lại bến đò. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày xa xưa. Ngày trước nơi đây thật đẹp và thật hữu tình. Những buổi chiều tôi vẫn thường cùng các bạn ra đây ngồi uống nước để rồi được nhìn những cô gái Saigon tuyệt đẹp và tuyệt dễ thương trong những chiếc áo dài tha thướt đi dạo phố bên người yêu là những chàng trai lính biển hào hoa. Ngày đó tôi thường mơ ước sau này mình cũng sẽ là người lính Hải Quân vì tôi rất thích biển. Tiếc là, mộng và thực chỉ xảy đến với những người có số đỏ. Số của may mắn. Số của tôi xanh lè nên phải mặc bộ đồ lính xanh của Sư Đoàn hai mươi lăm.

Bên kia ngày trước còn là vùng đất hoang vắng với đồng ruộng bao la mà tôi chưa một lần đặt chân đến. Bây giờ người khắp tứ xứ đã tràn vô thành phố nên những thửa đất hoang ngày ấy nay đã được tính bằng “cây” một mét vuông. Rồi đây xóm lao động bên đó, cũng như những chiếc phà Thủ Thiêm thân yêu này sẽ chỉ còn là dĩ vãng, sẽ chỉ còn trong ký ức của những người mới hôm qua và hôm nay vì bị nhà cầm quyền cho dẹp bỏ. Tôi ghi vô đầu hình ảnh chiếc phà Thủ Thiêm… cuối cùng mà tôi nhìn thấy chiều nay đang có thật đông người và xe cộ… Tôi cúi nhìn những bước chân mình đang bước đi đến nơi hẹn với một nỗi buồn da diết như ngày nào tôi đã bàng hoàng biết tin mình bị mất quê hương.

Tôi bước đi thật chậm rãi như người đang đi dạo mát… cho đến khi đến nơi hẹn. Người đàn ông có chiếc ghe và có cái quán ở Cát Lái đã có mặt tự bao giờ. Ông đang đứng hút thuốc và nhìn trời. Tôi đoán tuổi của ông cũng vào khoảng sáu mươi lăm, và, có lẽ ông còn theo xưa nên gọi những người ăn mặc lịch sự như tôi là thầy? Tôi nhìn vô cái đồng hồ đeo ở tay. Hai cây kim chỉ đúng ba giờ. Chiếc ghe hôm nay đã được ông gắn thêm cái máy đuôi tôm. Tôi lên tiếng chào khi ông nhìn thấy tôi:

“Chào ông, ông đến lâu chưa?”

“Chào thầy. Tui mới tới thôi thầy ạ. Mời thầy bước xuống ghe.”

Trong lòng chiếc ghe ông đã đặt sẵn một cái ghế nhỏ có lưng dựa. Ông chỉ tôi ngồi vô cái ghế đó. Trong khi ông làm động tác nhỏ cho cái máy nổ, tôi nhìn qua lại hai bên bờ sông. Chiếc ghe lướt nhẹ trên sông… vào một buổi chiều vẫn còn nắng nhưng có nhiều gió đã làm cho tôi cảm thấy thật sảng khoái. Dọc hai bên bờ sông Saigon bây giờ cũng có nhiều bảng quảng cáo to lớn như những ngày xa xưa. Nhà cửa bên khu Thủ Thiêm vẫn là những căn nhà như tôi đã nhìn thấy trong thời chiến tranh. Bạn tôi ngày hôm qua có nói: “Nếu Saigon không bị mất vô tay Việt Cộng thì đến hôm nay, chắc chắn đã phát triển gấp nhiều chục lần hơn. Cũng vì Saigon bị mất nên con người bây giờ đã thay đổi hoàn toàn cho thích nghi với những điều mà nhà nước mong muốn. Họ sống thật hối hả. Kiếm tiền thật hối hả. Yêu nhau cũng thật hối hả. Trước kia trai gái yêu nhau bằng tình yêu chân thật phát xuất tự con tim thì, bây giờ phần nhiều yêu nhau vì tiền. Trai gái muốn tìm một người yêu chân thật như trước kia không phải là chuyện dễ dàng nữa. Những cô sinh viên là những người mà tôi luôn xem là… con nhà lành, thì giờ đây… chỉ có trời mớì biết họ còn lành hay đã rách tả tơi. Tất cả cùng chạy theo cuộc sống đua đòi và hưởng thụ. Tin tức trên các báo từng đưa tin có những cặp trai gái yêu nhau thắm thiết và rồi sau một thời gian, anh chàng đã nhẫn tâm bán người yêu vô các động để làm điếm, hoặc giết chết để cướp của mà nhiều khi chỉ là đôi ba trăm ngàn đồng.” Người bạn bệnh hoạn của tôi đã tâm sự tiếp những lời với tôi: “Đất nước của chúng mình bây giờ đã tan nát hết rồi… kể từ ngày đen tối ba mươi tháng tư. Cả nước đều do những con ác quỷ điều hành nên mọi người đều đã sống và đối xử với nhau rất ác chứ không bằng tình cảm của con người như ngày trước nữa. Chắc anh cũng đã nghe những câu chuyện thật đau lòng là, chỉ vì tiền mà cha mẹ ông bà cô bác anh em ruột thịt… trong gia đình đã hãm hại lẫn nhau, gạt gẫm lẫn nhau, và, đưa nhau ra tòa. Chế độ này chủ trương đả phá các tôn giáo, gạt bỏ mọi tình cảm trong gia đình và khuyến khích những việc làm gian dối, khuyến khích tố cáo lẫn nhau dù người bị tố là đấng sinh thành ra mình.

Cũng vì có ngày ba mươi tháng tư mà những kẻ mê muội vì hai chữ “giải phóng” đã phải cười đau khóc hận… vì đã chống phá chính phủ của miền Nam. Hối hận quá họ đã lập ra những cái gọi là ‘Câu Lạc Bộ’ này nọ chứ có người nào dám xuống đường… như ngày trước đâu. Có mà chết không kịp ngáp. Một nhân vật rất nổi tiếng của miền Nam là ông Hồ Hữu Tường. Ông Hồ Hữu Tường cũng là người được “sáng mắt sáng lòng” khi cộng sản chiếm được miền Nam. Trước đó ông là Dân Biểu Hạ Viện. Một ngày kia, sau khi tắm rửa và cạo đầu, ông mặc áo nâu sòng và đeo tràng hạt rồi ra ngồi trước cửa Hạ Viện và nói: “Chỉ còn một mét nữa là tới hòa bình.” Đó là một lời tiên tri bệnh hoạn. Vì, sau năm bảy lăm ông “được” cộng sản cho nếm mùi hòa bình trong trại cải tạo. Trước khi chết trong tù, ông đã nói: “Cộng sản chỉ là sự ngu dốt cộng với tính xảo trá bất tận. Lịch sử phát triển của đảng cộng sản Việt Nam chính là lịch sử của những cuộc thay đào đổi kép nhưng không đổi tuồng. Thay đổi đào kép chỉ nhằm mục đích dối gạt dư luận là tuồng đã đổi. Chính sách hòa hợp nhưng không hòa giải là vở tuồng mới. Tuồng cũ là tuồng chuyên chính vô sản. Vở tuồng này ngay từ đầu đã đi ngược lòng dân, đã xa rời thực tại…”. Tôi thấy thật đáng thương cho một người được xem là trí thức của miền Nam Việt Nam.”

Nhìn người đàn ông đang đưa tôi đến quán của ông, thái độ của ông như cam chịu như an phận với cuộc sống hiện tại. Mà, không an phận không cam chịu thì còn làm gì được hơn khi tuổi của ông đã… bắt đầu về chiều. Thấy tôi nhìn, ông nhoẻn miệng cười  mà “hai hàng tiền đạo” đã biến mất hết rồi. Cái miệng tuy móm vì không còn răng. Nhưng, tấm lòng của ông… có lẽ ‘vẫn còn đầy đủ’ vì ông lớn lên từ một xã hội nhân bản và khai phóng.

Chợt nhớ ra tôi hỏi ông:

“Tôi phải về lại đây lúc mấy giờ hả ông?”

“Thầy đừng lo. Nếu thầy thấy dui thì tui có phòng đầy đủ tiện nghi cho thầy nghỉ qua đêm. Còn nếu thầy muốn dìa bất cứ lúc nào tui cũng đưa thầy dìa được mà.”

“Có làm phiền ông không?”

“Có gì mà phiền thầy. Tất cả cũng chỉ là công việc để kiếm miếng cơm đắp đổi qua ngày thôi thầy ạ.”

Trong một lúc vui hứng tôi đã nhận lời đi đến đây, bây giờ nghĩ lại mới thấy mình quá phiêu lưu quá liều lĩnh. Đất nước này còn người nào để cho mình tin tưởng được nữa không? Mọi người đã nói láo một cách nhuần nhuyễn. Họ đã biết dối gạt lẫn nhau kể từ sau cái ngày ba mươi tháng tư oan nghiệt nên quen rồi. Mấy mươi năm sống với ma sống với quỷ và chứng kiến chúng múa may quay cuồng nên con người luôn trong thế sẵn sàng hãm hại lẫn nhau. Người Việt Nam không còn tỏ một chút gì gọi là xấu hổ mỗi khi dối gạt nhau. Hàng ngày hàng tháng hàng năm… thậm chí hàng giờ hàng phút hàng giây, lúc nào người dân cũng bị dối gạt bởi những người cầm quyền với những lời hứa hẹn không đi đôi với việc làm nên mọi người luôn trong thế thủ, và, đối xử với nhau cũng bằng những thủ đoạn gian dối. Những người dân cư ngụ bên Thủ Thiêm có một ai tin tưởng sẽ được nhà cầm quyền này trả tiền đền bù để di dời đi nơi khác cách công bằng không.

Cuối cùng cái quán của ông cũng xuất hiện sau hơn một tiếng đồng hồ lướt sóng trên con sông mà ngày trước, người bạn Hải Quân trong nhóm thường lấy tàu chở chúng tôi đi vào những ngày chúng tôi được nghỉ phép.

Quán không lớn nhưng nhìn bề ngoài rất đẹp với tấm bảng ghi bán hai món gọi là “đặc sản” của vùng này. Quán được dựng bên cạnh con sông lớn và cách một cây cổ thụ khoảng hai mươi thước. Ông nói khi chuẩn bị cột chiếc ghe:

“Quán hôm nay đóng cửa dì người phụ giúp tui xin dìa quê thầy ạ. Nhưng quán luôn có sẵn hai món đặc sản để thầy dà tui lai rai. Tui đãi thầy hai món đó. Thầy chỉ trả tiền rượu bia mà thầy uống thôi. Tui không uống dì tui bị đau bao tử.”

Khi ông và tôi bước đến thềm nhà, một cô gái từ phía sau nhà đang đi ra cửa. Cô gái rất đẹp và rất trẻ. Cô vừa bước đi vừa cười thật tươi khi nhìn thấy tôi.Tôi gật đầu chào cô. Tôi đoán tuổi của cô chỉ khoảng mười tám mười chín thôi. Ông giới thiệu: “ Nó là cháu của tui tên Loan từ dưới quê lên phụ giúp tui trong thời gian những người làm xin dìa quê.”

Quay qua cô gái, ông hỏi:

“Chừng bao lâu thì thầy đây được thưởng thức hả cháu?”

“Dạ… chừng mười phút thôi ông à.”

Cô gái quay lưng đi ra nhà sau. Tôi ngồi vô bàn theo sự chỉ dẫn của ông chủ quán. Ông chủ quán đi đến bên cái tủ lạnh và lấy ra một lon bia. Chiều Sàigòn mà uống bia lạnh một mình làm tôi nhớ người bạn bệnh hoạn mà tôi đã đến thăm ngày hôm qua. Những ngày xa xưa lắm, nhóm năm đứa chúng tôi thường có hẹn mỗi sáu tháng phải gặp nhau ít ra một lần vào buổi chiều tại một quán ăn nào đó ở Sàigòn mà chúng tôi đã hẹn trước. Trước là họp mặt để ăn uống. Sau là để xem có còn đủ mặt nhau không. Trong thời chiến làm sao chúng tôi biết được đứa nào còn đứa nào mất. Những ngày bom đạn nổ ầm ì khắp các mặt trận, vậy mà nhóm chúng tôi không đứa nào bị gì cả. Chỉ sau khi chiến tranh chấm dứt thì sự tan tác, chia ly và thống khổ đã đày đọa bốn đứa chúng tôi cùng mấy chục triệu con người chỉ muốn đất nước được thanh bình để làm ăn tạo dựng cuộc sống an lành cho mình và cho gia đình.

Đúng mười phút, cô Loan dọn lên bàn món chem chép - con lồn tiên - ướp với gia vị và hấp với bia nên mùi thơm đến nức mũi. Đây là lần đầu tiên tôi ăn món này. Chem chép hấp với bia nên mềm giòn và ngọt chứ không mềm nhủn. Tuy đã có ướp với gia vị rồi, nhưng cô Loan vẫn để thêm chén nước mắm chanh pha ớt thật ngon. Phải chi bạn tôi không bị bệnh thì hôm nay vui biết bao.

Khi tôi ăn xong món chem chép, cô Loan đem món lòng bò luộc với bia dọn lên bàn. Ông của cô Loan nói: “Lòng bò phải luộc dới bia để khi ăn không bị nặng mùi mà lại được luôn giòn chứ không bị dai.” Món lòng bò khi ăn được cuốn với bánh tráng cùng với rất nhiều loại rau sống và chuối chát cùng với khế chua; chấm với nước mắm nêm được pha chế thật đặc sắc. Từ mấy mươi năm qua, hôm nay tôi mới được ăn lại lá rau cần nước. Tôi đã ăn thật ngon miệng và cũng uống thật nhiều bia… cho đến khi tôi gục ngay tại bàn đến không còn biết trời trăng mây nước là gì nữa.

Đúng ba giờ sáng tôi chợt thức giấc. Tôi nhìn quanh và nhận biết mình đang nằm trong căn phòng thật đẹp và thật sạch. Tôi biết ba giờ sáng là vì trên tường có treo cái đồng hồ lớn. Căn phòng đầy đủ tiện nghi như trong các khách sạn mini mặc dù nó đang nằm lẻ loi ở một con đường vắng vẻ và bên cạnh con sông lớn.

Ánh trăng sáng rọi vô phòng làm tôi không thể ngủ tiếp được, tôi ngồi lên để đi kéo cái màn cửa lại cho kín. Khi đi đến bên cửa, tôi nhìn ra ngoài xa và thấy con sông về đêm lung linh dưới ánh trăng sáng sao đẹp quá. Thay vì kéo màn cửa lại, tôi bước ra ban công nhìn trời và hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai. Dưới ánh trăng, mặt nước con sông Cát Lái lung linh huyền ảo và đẹp như trong những bức tranh đẹp mà tôi từng thấy qua; nếu như có một hay hai chiếc ghe nhỏ có mui và cây sào dài cắm bên chiếc ghe… thì đúng là bức tranh đẹp tuyệt vời.

Tôi vừa cúi mình xuống để đập con muỗi chích vô chân, và, khi ngẩng mặt lên tôi nhìn thấy một chiếc tàu bằng cây rất lớn neo giữa sông ngay bên bóng trăng phản chiếu từ dưới lòng sông… mà khi ra đứng đây tôi đã không nhìn thấy. Chiếc tàu cây lớn không thể mới chạy đến được vì nó đang đứng im lìm bất động. Nhìn chiếc tàu lớn bằng cây tự nhiên tôi nhớ lại, những năm sau khi chiếm được miền Nam, vì muốn đuổi người Tàu ra khỏi nước nên nhà cầm quyền đã tổ chức cho người Tàu đi vượt biển bằng các chiếc tàu cây lớn như chiếc đang đậu trước mặt tôi; và gọi là, đi vượt biển bán chính thức có thu vàng. Qua đó, đã có rất nhiều người Việt thoát được bằng cách làm giấy tờ giả người Tàu. Nhiều người đã đến được bến bờ tự do. Nhưng cũng có không ít người đã làm mồi cho cá.

Bỗng hai con mắt của tôi như bị thôi miên làm cho tôi phải nhìn ngay chiếc tàu cây đến không chớp được mắt. Tôi rùng mình khi thấy chiếc tàu đang bị bốc khói từ mũi ra đến tận sau lái. Tôi chưa thể đoán được chiếc tàu bị làm sao thì nó từ từ… từ từ… chìm xuống lòng sông. Chiếc tàu chìm mau quá. Mới đó mà chiếc tàu đã chìm hẳn dưới lòng sông. Tôi còn đang quá bàng hoàng quá sửng sốt thì, ngay chỗ chiếc tàu chìm, cạnh bóng trăng dưới lòng sông nhô lên nhiều cái đầu. Rất nhiều và rất nhiều cái đầu nhô lên cùng một lượt. Nhiều cái đầu quá mà tôi độ chừng cũng phải vài ba trăm chứ không ít. Tôi dụi mắt cũng như tự tát vô má bên phải nhiều lần để tin rằng, cảnh đang diễn ra dưới sông là có thật. Những cái đầu hết nhô lên rồi lại liền hụp xuống… Nhô lên rồi lại hụp xuống nhiều lần làm cho tôi cứ đứng ngây mặt ra mà nhìn. Sau đó tôi đã hiểu ra, những cái đầu đó khi hụp xuống là vì muốn lặn tìm những đồ vật đã bị chìm theo chiếc tàu. Những cái đầu cứ trồi lên rồi hụp xuống một lúc thì… không trồi hụp nữa mà cùng một lượt bơi vô bờ. Mấy trăm cái đầu đang nhấp nhô hướng vô bờ mà, trong những cái đầu đó, tôi kinh hoàng khi nhìn thấy rất rõ… mặt của hai ông cháu cô Loan. Nhờ có ánh trăng rọi sáng, tôi thấy hai ông cháu cô Loan đang bơi vô bờ cho đến khi gần đến bờ đất trước cửa nhà, tôi liền bước lùi lại phía sau vài bước để hai ông cháu cô Loan đừng nhìn thấy tôi. Ngay lúc đó bỗng có một luồng gió thật mạnh và thật lạnh thổi ngay tôi. Tôi bị lạnh quá vì đang cởi trần nên phải vội vàng đi vô lại trong phòng và lên giường lấy mền trùm kín đầu cho ấm. Tôi bị lạnh quá nhưng cũng kịp nhớ lại là, tại sao tôi chỉ nhìn được mặt của hai ông cháu cô Loan thôi? Còn những ngươi kia tại sao tôi chỉ nhìn thấy cái đầu thôi? Tôi co người lại như con tôm cho bớt run. Những câu hỏi cứ liên tục hiện ra trong đầu tôi: “Người ta đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt mà đông quá vậy? Tại sao chiếc tàu bỗng dưng lại bị chìm? Tại sao bỗng dưng tôi lại bị lạnh quá?…” Không biết đến bao lâu, nhưng tôi đã bị chìm vô cơn mê lúc nào tôi không hề ý thức được. 

***

Cô Loan lay tôi nhiều lần, vậy mà không làm sao tôi nâng nổi cái đầu đang như bị đeo tảng đá lớn. Trong tâm trạng nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe rõ ông thúc giục cô Loan đi lấy khăn nóng lau mặt cho tôi. Tôi chỉ ngồi dậy được vào lúc trời đã tối hẳn. Đầu tuy còn nhức, nhưng tôi đã khá tỉnh táo.

“Thầy dậy ăn miếng cháo chem chép cho tỉnh rồi tui đưa thầy dìa lại thành phố.”

“Bây giờ là mấy giờ rồi ông?” Tôi hỏi.

“Bẩy giờ hơn rồi thầy ạ.”

“Tại sao tôi lại có thể ngủ một giấc ngủ dài như vậy được?”

“Dạ… thầy bị trúng gió. Tui dà con Loan đã cạo gió cho thầy dà cho thầy uống thuốc cảm rồi.”

Trong lúc đang ăn tô cháo chem chép, tô cháo lồn tiên rất đặc biệt vì rất ngon và rất cay, tôi mơ màng nhớ lại chuyện mà tôi đã chứng kiến đêm qua. Tôi không biết có nên hỏi hai ông cháu cô Loan hay không. Lúc nhìn đám người dưới sông, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Thế nhưng sau đó tại sao tôi lại có thể ngủ một giấc ngủ quá dài như vậy được. Tôi chợt có một quyết định là, phải ghé lại người bạn bên Thủ Thiêm để nhờ bạn tìm cho ra nguyên nhân mà tôi rất muốn phải biết rõ. Tôi không còn thời gian ở thành phố này để tự tìm hiểu sự việc được nữa. Trưa ngày mốt tôi phải rời khỏi thành phố này rồi.

***

Sài Gòn ngày 19 tháng 09 năm 2009

Bạn thân mến,

Như đã hứa với bạn, sau khi bạn rời khỏi thành phố, thành phố mà một thời bạn, tôi, và các bạn của chúng ta đã có những tháng ngày sống thật vui, thật hạnh phúc và, thật nhiều kỷ niệm bên nhau. Tôi đã dẹp tất cả mọi công việc qua bên để đến ngay Cát Lái khi sức khỏe vừa hồi phục. Tôi cũng muốn được ăn và ngủ trong cái quán tọa lạc bên dòng sông và cạnh cây cổ thụ… như bạn. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy cô gái tên Loan mà bạn đã hết lời khen, cũng như được thưởng thức hai món “đặc sản” mà bạn nói… ngon hết xẩy. Nhất là món lồn tiên.

Tôi đã hỏi thăm cư dân vùng Cát Lái gần cả một ngày trời. Nhưng, không một người dân nào biết đến cái quán có bán hai món mà bạn đã ăn qua. Ngày hôm sau tôi trở lại Cát Lái thật sớm và tìm kiếm tiếp. Cuối cùng tôi được biết: Vùng Cát Lái chỉ có một chỗ duy nhất có cây cổ thụ đứng cạnh bên con sông rộng và sâu, nhưng, không có cái quán nào cả. Ngày hôm sau nữa tôi được đôi vợ chồng già có nhà cách chỗ cây đa khoảng một cây số cho biết sự việc như sau: “Khoảng mười năm trước, cứ vào những đêm có trăng của tháng chín hàng năm, chúng tôi vẫn được chứng kiến một cảnh tượng ma quái là, vào khoảng ba giờ sáng, dưới lòng sông chỗ có cây cổ thụ xuất hiện nhiều bóng người lặn ngụp trong lòng sông như để tìm kiếm một vật quý giá nào đó. Nhưng, cuối cùng thì tất cả đều trở lên bờ với hai bàn tay không. Hiện tượng huyền bí đó chúng tôi đã được chứng kiến rất nhiều lần. Nhưng không dám nói cho người khác nghe vì sợ công an ghép tội “truyền bá chuyện dị đoan để dọa người khác với mục đích mờ ám.”

Sau đó hai ông bà khuyên tôi nên đến gặp vị sư ông trụ trì trong ngôi chùa cách cây cổ thụ khoảng hai cây số. “Chắc chắn vị sư ông sẽ nói cho ông biết tất cả sự thật.” - Hai ông bà đã nói vậy. Và, tôi đã gặp được vị sư ông. Sau khi nghe tôi thuật lại những điều mà bạn đã chứng kiến và nhờ tôi, vị sư ông đã cho biết sự thật như sau: “Chuyện mà bạn ông được chứng kiến là hoàn toàn có thật. Đó là những oan hồn chưa siêu thoát được nên đã hiện về mỗi năm một lần để tái diễn lại cái ngày mà nhà cầm quyền này đã nhẫn tâm cho chiếc tàu chở hơn ba trăm con người trong cái gọi là, ‘vượt biển bán chính thức’ vào năm một chín bảy chín … nổ giữa lòng sông để cướp tài sản. Nhà cầm quyền biết người Hoa có nhiều vàng và của cải nên muốn chiếm đoạt. Khi nghe tiếng nổ giữa đêm khuya và được chứng kiến sự việc tận mắt, lúc đó tôi còn trẻ nhưng đã bị nhà cầm quyền bắt phải im lặng. Nếu không thì…

Vị sư lắc đầu và nhìn tôi nhưng không nói tiếp.

Bạn thân mến,

Từ sau ngày oan nghiệt ba mươi tháng tư một chín bảy lăm, thành phố Saigon thân yêu của chúng ta tạm thời không còn tên Saigon nữa, mà phải mang tên của con ác quỷ. Con ác quỷ Hồ Chí Minh cùng đồng bọn đã nhuộm đỏ Miền Nam bằng vũ khí của Nga Tàu… khi chúng ta đã bị đồng minh bỏ rơi. Mỗi ngày bọn quỷ đỏ với những vũ điệu ma quái mà mục đích là làm cho đồng bào Miền Nam phải sợ hãi. Một trong những vũ điệu đó là bọn chúng đã lừa gạt đồng bào vô tội đưa vô trong những chiếc tàu cây cũ kỹ để thu vàng rồi cho nổ giữa dòng sông để cướp tài sản; là tội ác man rợ. Tội ác vẫn đang thường xuyên xảy ra cho đồng bào thân yêu của chúng ta hàng ngày như cướp nhà cướp đất, mà, sắp tới đây sẽ xảy ra tại Thủ Thiêm. Chỉ khi nào bọn quỷ đỏ bị đánh đổ thì khi đó người người mới được yên lòng và vui sống.

Vị sư ông suy nghĩ lâu lắm, rồi Ngài nói cách quả quyết: “Bạn của ông là người có cơ duyên nên mới được trực tiếp gặp gỡ hai oan hồn hiện về và cho thấy rõ mọi sự việc. Hai ông cháu cô Loan là hai oan hồn trong hơn ba trăm oan hồn đã bị nhà cầm quyền này gạt gẫm và sát hại.”

Tôi có đề nghị với vị sư ông cúng giải cho các oan hồn được sớm đi đầu thai. Vị sư ông nói: “Tôi cũng đã làm rồi. Nhưng, nhà nước này đã gây nên nghiệp ác quá lớn. Các oan hồn đó chỉ là một nhóm nhỏ trong hằng triệu triệu những oan hồn bị nhà nước giết hại bằng đủ mọi cách… đã phải diễn lại hằng năm trò man rợ đó như là một nhắc nhớ tội ác  rồi đây sẽ bị trừng phạt thích đáng. Chỉ khi nào kẻ gây sự ác bị trừng phạt, khi đó hơn ba trăm oan hồn kia sẽ tự động được siêu thoát.”

Bạn thân mến,

Qua sự việc đã xảy ra trong đêm mà bạn lại là người may mắn được chứng kiến, tôi có điều suy nghĩ như sau: Đồng bào trong nước vẫn hàng ngày bị bức hại, bị sự lừa dối, bị sự cai trị hà khắc… chưa biết đến ngày nào mới chấm dứt. Thành phố Saigon, thành phố phải mang tên Hồ Chí Minh chỉ là tạm thời thôi. Công an đã và vẫn đang bao che cho những tên du thủ du thực du côn du đãng để chúng sẵn sàng hành hung đồng bào và, nếu cần thì giết người những khi mà nhà cầm quyền ra tay cướp của cải và ruộng đất của đồng bào. Sinh mạng của bạn - của người Việt đang sinh sống ở hải ngoại rất đáng quý và sẽ là nhân tố làm cho nhà nước này phải từ bỏ mọi tham vọng quyền lực.

Tôi thân ái chào bạn, nhưng không mong gặp lại bạn tại thành phố mà ngày nào vẫn còn những con quỷ đỏ khát máu chiếm đóng.

Chúc bạn luôn mạnh mẽ với niềm tin, nước Việt Nam của chúng ta sẽ lại xán lạn như xưa và, sẽ được trả lại tên Saigon cho thành phố thân yêu, và, cho đồng bào Miền Nam Việt Nam.

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/thanhphoquy.htm


Cái Đình - 2021