Nguyễn Thanh Linh


Phỏng vấn ông Nguyễn Đắc Trung

Với mục đích thực hiện Dự Án thu thập dữ liệu để hình thành một bức tranh tổng quát
tương đối đa diện của Cựu Thuyền Nhân Việt Nam đang định cư tại Hòa Lan,
chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đắc Trung,
hiện là tổng Thư ký Ban Thường Vụ Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan.

.

Nguyễn Thanh Linh: Kính chào anh Nguyễn Đắc Trung. Để đi thẳng vào chuyện, xin anh vui lòng kể về mình một chút, anh đang sống ở đâu, làm gì và hoàn cảnh gia đình hiện nay?

Nguyễn Đắc Trung: Chào anh Linh, tôi hiện đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Hoofddorp, gần thủ đô Amsterdam. Tôi làm Telecom Engineer cho hãng KPN Hoà-Lan 14 năm, sau đó chuyển qua làm việc cho hãng Juniper Networks của Mỹ ở Schiphol Rijk cho đến khi về hưu. Vợ tôi tên Thuý Yên, là trưởng phòng kế toán cho một công ty ở Hoofddorp. Chúng tôi có 2 con gái. Cháu lớn Phi Yến 29 tuổi hiện đang sinh sống và làm việc ở Dusseldorf Ðức Quốc, cháu vừa mới lập gia đình vào mùa hè năm nay. Cháu nhỏ Thuý Hà, 25 tuổi, hiện đi làm và còn sống chung với vợ chồng tôi.

Nguyễn Thanh Linh: À ha, chúc mừng anh chị đã có con rể. Chúc tiếp sớm có cháu để bế anh nhé! Trở về lại ngày đó, chuyện vượt biên. Lý do nào anh quyết định ra đi? Một quyết định không dễ dàng cho bất cứ ai, phải rời bỏ cha mẹ, bao nhiêu người thân yêu, nơi chôn nhau cắt rốn, sinh ra lớn lên với bao kỷ niệm. Đời sống của anh trước khi vượt biển như thế nào dưới xã hội Việt Nam? Có gặp nhiều khó khăn với chế độ mới và những kẻ có quyền hành ở địa phương nơi anh sinh sống?

Nguyễn Đắc Trung: Việc rời bỏ quê hương và gia đình ra đi không là một chuyện dễ dàng, nhưng chỉ là do hoàn cảnh bắt buộc mà thôi. Vào mùa hè năm 1972, chiến tranh bùng nổ mạnh, cộng sản xua quân xâm lăng miền nam tấn công các tỉnh Quảng Trị, Kontum và Bình Long nhưng hoàn toàn thất bại. Chính phủ miền Nam ban hành lệnh tổng động viên. Tôi lúc đó đang là sinh viên năm thứ nhất trường Luật, tôi quyết định thi vào Khoá 6 Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia vì ngành này cũng liên quan đến luật pháp mà tôi thích. Tôi trúng tuyển và theo học khoá này, tốt nghiệp vào tháng 9 năm 1973, ra trường với cấp bậc thiếu uý và về làm việc tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát ở Saigon cho đến ngày 30-4-1975, ngày cộng sản chiếm miền nam Việt Nam. Sau đó, theo lệnh của Việt Cộng, ngày 28-6-1975 tôi phải trình diện để “học tập cải tạo” trong 10 ngày. Tôi trình diện ở trường Nguyễn Bá Tòng Saigon. Tôi phải sống trong các trại tập trung ở Tân Hiệp, Suối Máu (Biên Hoà), Trảng Lớn (Tây Ninh), Bù Gia Phúc (Phước Long), Hàm Tân (Thuận Hải). Tôi được trả tự do vào ngày 31-1-1981, như vậy ở tù tổng cộng 5 năm 7 tháng 3 ngày. Sau khi trở về nhà tôi cũng không có tự do, phải chịu sự quản chế của địa phương Quận 11 Saigon. Mỗi ngày phải trình diện công an phường, tối đến chúng phát cho cây gậy và xung vào toán “phòng cháy chữa cháy” và hầu như đêm nào tôi cũng ngủ ở ngoài đường, thực ra chúng muốn kiểm soát những người tù cải tạo mà thôi. Ðó là lý do mà tôi phải lựa chọn “Tự Do” hay là chết mà rời bỏ quê hương bằng đường vượt biên.

Nguyễn Thanh Linh: Anh đi một mình hay với ai? Lúc đó anh đã lập gia đình hay chưa và vào năm nào? Xin lỗi và mong anh thông cảm, tôi đã hơi đi vào chi tiết.

Vợ chồng ông Nguyễn Đắc Trung trong ngày cưới (Saigon, 1981)

Nguyễn Đắc Trung: Tôi lập gia đình vào ngày 21-3-1981, khoảng 1 tháng rưỡi sau khi ở tù về và đi vượt biên chung với vợ vào ngày 7-5-1981.

Nguyễn Thanh Linh: Anh tự tổ chức đi hay qua trung gian người khác? Chuyến vượt biển của anh diễn ra như thế nào hẳn anh còn nhớ rõ, thuận buồm xuôi gió, lắm gian truân từ bến bãi cho đến khi ra khơi, lênh đênh trên biển bao lâu mới được tàu vớt hay tự tìm đến bến tự do? Đi một lần là được hay là phải lắm chuyến mới thành công?

Nguyễn Đắc Trung: Tôi có người bạn tù tên Lê Văn Thành (hiện đang sống ở Hoorn) rủ tôi đi vượt biên chung. Bạn Thành ở trong nhóm tổ chức vượt biên, biết tôi không có tiền nhiều nên nói giúp với nhóm, tôi và vợ tôi chỉ phải trả 3 cây vàng cho 2 người trong khi những người đi vượt biên khác phải tốn nhiều cây vàng. Tối ngày 7 tháng 5 năm 1981, tôi và vợ tôi chia tay gia đình đi xe xích lô từ nhà ở đường Nhật Tảo đến bệnh viện nhi đồng, ở đó có người dùng xe Honda chở vợ chồng tôi đến một quán ăn bên đường ở cầu Thị Nghè Saigon. Sau đó có người dẫn chúng tôi đến một căn nhà có ghe đậu sẵn, thời đó gọi là “taxi”, ghe này chỉ có một anh lái ghe có nhiệm vụ chở vợ chồng tôi từ Saigon ra điểm hẹn ở Tắc Nữ Vũng Tàu, ở đó sẽ có ghe lớn đón những người vượt biên. Trên đường đi đầy gian nan, tôi thoát bị bắt 3 lần.

Lần thứ nhất ghe tôi bị công an chận lại khi chưa rời khỏi cầu Thị Nghè bao lâu, anh Khánh lái ghe đã được tôi dặn trước khi khởi hành là bằng mọi giá giúp tôi thoát khỏi bị bắt vì tôi là người vừa mới “cải tạo”về, nếu bị bắt lại thì tiếp tục ở tù vô thời hạn. Khi vừa lên ghe tôi đã mang theo số tiền không nhiều chia làm 3: tôi, vợ tôi và anh Khánh mỗi người giữ một phần để xử dụng khi bất trắc. Anh Khánh không tuân lệnh công an, tiếp tục chèo thuyền và bị ghe công an rượt theo. Trong lúc túng quẫn tìm đường trốn, ghe chúng tôi chui vào một con rạch. Tôi ra khỏi ghe và quan sát, thấy ghe công an rọi đèn đi tìm chúng tôi, nhưng không hiểu sao khi chúng đến gần chỗ chúng tôi ẩn nấp thì lại quay đi. Sau khi bọn công an đi khỏi, tôi quay lại ghe lúc đó đã lờ mờ sáng và giật mình khi thấy gần chỗ ghe tôi đậu là một trại lính treo toàn quần áo bộ đội. Chúng tôi lập tức khởi hành trước khi chúng phác giác ra chúng tôi. Ðó là lý do bọn công an không tìm chúng tôi ở con rạch này.

Lần thứ 2 tôi thoát bị bắt khoảng giữa trưa ở một trạm kiểm soát trên sông Ông Tố. Lúc đó tôi nằm cuộn mình dưới khoang ghe, trên người đắp một chiếc chiếu. Ðó là hướng dẫn của anh Khánh vì khi ghe đi ban ngày mà có 3 người thế nào cũng bị chận lại vì công an biết là đi vượt biên. Vợ tôi thì mặc đồ bà ba cũ của người miền quê ngồi ở mũi ghe và anh Khánh thì chèo thuyền. Lúc đi gần tới trạm công an, tôi nghe có tiếng kêu ghe dừng lai để vào trạm kiểm soát. Anh Khánh giả vờ không nghe cứ tiếp tục chèo thuyền, bọn công an cho ghe máy ra chận lại. Từ dưới khoang ghe nhìn lên ghe công an, tôi thấy một tên công an mang súng AK47 chửi thề và bắt ghe chúng tôi quay vào trạm kiểm soát. Rất may chúng không nhìn thấy tôi. Vì ghe công an là ghe máy, nên chúng chạy nhanh hơn…ghe chúng tôi chèo theo sau. Anh Khánh chèo ghe dọc theo bờ rừng và nói với tôi: “phóng đi anh Trung” tôi lập tức phóng ra khỏi ghe và bơi vào bờ, rồi cắm đầu cắm cổ chạy vào rừng…khoảng 1 giờ sau, không nghe động tĩnh gì lạ, tôi quay trở lại bìa rừng, nhìn thấy ghe chúng tôi vẫn còn bị giữ tại trạm kiểm soát. Tôi tiếp tục đợi, cuối cùng bọn công an cũng thả ghe chúng tôi đi. Anh Khánh cho ghe quay lại chỗ tôi trốn lúc nãy, giả vờ luợm củi và tìm tôi. Khi chúng tôi gặp nhau, anh trở lại ghe quan sát, sau đó anh ra hiệu, tôi lại nhanh chóng “phóng” lại ghe và lại nằm cuộn mình dưới khoang ghe, đắp chiếu lên như cũ. Ðến một chỗ vắng, ghe dừng lại, tôi có dịp tắm rửa lại người dính đầy vết máu do trầy sướt bởi gai góc trong rừng. Trong lúc ăn cơm vợ tôi kể lại là chúng muốn bắt vợ tôi vì trên người không mang theo giấy tờ gì hết. Anh Khánh nói là em gái của anh bị mất hết giấy tờ vì bị lật ghe lần trước, chưa xin lại giấy tờ mới. Bọn Việt Cộng không tin lắm và hỏi tại sao vợ tôi đi ghe mà da trắng quá. Anh Khánh nói em gái tôi chỉ ở nhà may vá, lâu lâu mới đi theo anh một lần nên da không bị nám nắng. Sau một hồi lục soát ghe và không tìm được gì, chúng thả anh Khánh và vợ tôi.

Lần thứ ba, chúng tôi đến điểm hẹn ở Tắc Nữ vào giữa đêm khuya và được thông báo là địa điểm đã bị bể, du kích đang truy lùng và phải dời đi chỗ khác. Người thông báo là anh Nguyễn Quyết Thắng giữ nhiệm vụ chôn dầu ở đó. Sau này chúng tôi trở thành bạn và sinh hoạt cùng anh trong đoàn du ca Hoà-Lan do anh ấy sáng lập. Trên đường ghe di chuyển, một lần nữa tôi lại phóng lên bờ ẩn nấp khi ghe của du kích chận ghe chúng tôi. Núp sau bụi cây, tôi thấy chúng lục soát ghe rồi bỏ đi. Tôi leo lên ghe trở lại và được biết chúng đã lấy hết tiền của vợ tôi. Riêng anh Khánh thì anh ấy không mất vì dấu tiền vào mái tranh của ghe và chúng không tìm thấy được. Chúng tôi phải di chuyển nhanh khỏi nơi ấy, vì trước khi đi bọn du kích còn ra lệnh cho ghe phải đậu ở đó và chúng sẽ quay lại sau khi lục soát các ghe khác.

Ðến chiều ngày hôm sau, đó là ngày 9-5-1981, chúng tôi lại tập trung ở một địa điểm để ghe lớn tới đón. Ðó là 1 chiếc ghe dài khoảng 12 m, rộng khoảng 2,5 m và chứa tổng cộng đến 63 người. Tôi và vợ được đẩy vào khoang ghe, cạnh chiếc máy của ghe. Máy kêu rầm rầm, và trục quay của máy không có gì bảo bọc, trông thật nguy hiểm. Mọi người trong khoang ghe ngồi xếp theo kiểu cá mòi, cựa quậy cũng thật khó khăn. Tới khuya, máy bơm nước bị hư, nước bắt đầu tràn vào ghe, hầu hết mọi người đều bị say sóng. Tôi may mắn còn tỉnh táo, cùng một chị nữa sau này đi định cư tại Úc thay nhau tát nước. Có lúc tôi mệt quá thò tay qua cửa sổ lấy nước biển rửa mặt. Tôi giật mình nhận ra rằng chiếc ghe đã quá nghiêng, lúc thường thì từ cửa sổ đến mặt nước biển cách nhau 2m, bây giờ mặt nước và cửa sổ chỉ cách nhau bằng một sải tay của tôi. Sáng hôm sau máy bơm được sửa lại. Tôi và vợ tôi nhờ có công tát nước được chuyển lên khoang trên. Theo đề nghị của bạn Thành, thuyền trưởng Nguyễn Thế Nghiệm cho tôi vào thuỷ thủ đoàn, giữ nhiệm vụ phát thức ăn và nước uống. Trong một lúc phát thức ăn, tôi quên để ý đến trục quay của máy, bị nó phạng vào cổ chân mất một mảng thịt, cũng may không vào xương, đến lúc lên đến trại tỵ nạn vẫn còn phải băng chân. Ghe chúng tôi lênh đênh trên biển gần như thả trôi để tiết kiệm nhiên liệu đã gần cạn và máy bơm nước coi như ngưng hoạt động. Thức ăn thì còn nhưng nước uống đã gần hết. Khi ra đến hải phận quốc tế chúng tôi gặp nhiều tàu qua lại nhưng họ không vớt chúng tôi. Có lúc anh Soạn, tài công đang lái ghe thì thấy mũi ghe càng ngày càng nhổng lên, trong khi đằng sau của ghe lại chìm xuống. Anh chui xuống hầm chứa thức ăn thì thấy nước đang tràn vào các khe nối của ván đã vỡ, mọi người nhanh chóng xé quần áo trám vào chỗ vỡ. Nếu anh Soạn không phác giác kịp thời thì coi như ghe chúng tôi đã chìm. Vào sáng ngày 12-5-1981, thuyền trưởng Nghiệm quá mệt mỏi và say sóng, anh giao quyền điều khiển ghe lại cho bạn Thành và tôi với hải bàn và một cây súng signal với 2 viên đạn, súng này được phi công dùng để kêu gọi cấp cứu khi gặp nạn. Thành và tôi thay nhau làm “thuyền trưởng” bất đắc dĩ. Lúc ở quân trường tôi cũng có học xử dụng la bàn, nhưng hải bàn thì chưa bao giờ đụng đến. Tuy nhiên qua khoá học chớp nhoáng tôi cũng biết “sơ sơ” cách xử dụng. Ðến rạng sáng ngày 13-5-1981, tôi đang mơ màng ngồi ở vị trí thuyền trưởng trước chiếc hải bàn, thì nghe có tiếng người kêu: “coi kìa, có chiếc tàu lớn quá đang đi đến gần chỗ mình”. Tôi choàng tỉnh thì thấy nó đã đến gần và đi ngang qua thuyền chúng tôi. Không chần chờ, tôi vội dùng súng signal bắn lên trời, ánh sáng tức thì toả ra như pháo bông trong đêm tối. Chiếc tàu vẫn không ngừng lại và đi càng ngày càng xa. Tôi nghĩ nó sẽ không vớt mình nên để dành viên đạn cuối cùng cho lần kêu cứu khác. Ðang tuyệt vọng bỗng tôi thấy một vùng ánh sáng toả ra giữa biển đêm. Mọi người la hò mừng rỡ khi nhìn thấy ánh đèn phát ra từ tàu lớn. Anh Phạm Minh Quát Thắng tức tốc mở máy và lạ lùng thay, nhờ ơn trên chỉ một lần là máy nổ như mới ra khơi. Chúng tôi dùng quần áo đốt làm hiệu và cuối cùng tiến đến chiếc tàu. Thuỷ thủ trên tàu quăng thang dây xuống, mọi người được cứu lúc rạng sáng ngày 13-5-1981. Tôi và vợ ngồi đàng sau là những người cuối cùng rời khỏi thuyền. Thật lạ lùng, vợ tôi say sóng và ngủ từ lúc lên thuyền bỗng tỉnh dậy đu vào thang dây và leo lên tàu với sự trợ giúp của tôi. Khi lên tàu, chúng tôi được đón tiếp thật chu đáo, chúng tôi được biết đó là chiếc tàu chở hàng Nedlloy Dejima của Hoà-Lan và họ đưa chúng tôi vào Singapore.

Vợ chồng ông Nguyễn Đắc Trung trong trại tị nạn Singapore

Chuyến đi của vợ chồng tôi đầy gian nan, nhưng chúng tôi cũng thật may mắn chỉ đi vượt biên một lần là thoát.

Nguyễn Thanh Linh:Trí nhớ của anh kinh khủng thật, nhớ cả những chi tiết thật nhỏ của chuyến vượt biển. Chính anh chị chọn đất nước này để định cư hay có duyên cớ khác? Thời gian ở trại tỵ nạn Singapore để chờ đợi đi định cư mất bao lâu, những chung đụng, phiền toái hay thú vị…có để lại trong anh những dấu ấn ít nhiều gì không? Dẫu gì cũng là kỷ niệm và đã là một phần của đời mình anh nhỉ!

Nguyễn Đắc Trung: Khi rời Việt Nam, tôi chỉ nghĩ là thoát khỏi chốn ngục tù cộng sản. Số phận đã đưa chúng tôi đến định cư tại Hoà-Lan, vì theo luật quốc tế lúc đó, thì tàu nào vớt thuyền nhân tỵ nạn thì cũng có trách nhiệm “mời” người đó đến định cư tại nước mình. Chúng tôi sống ở trại tỵ nạn Singapore 3 tháng trước khi đến định cư tại Hoà-Lan. Trại tỵ nạn Singapore đối với tôi là “thiên đường” rồi, được thở hít không khí tự do và ngày nào cũng cơm no áo ấm. Mỗi người được lãnh 2 đồng Singapore một ngày. Vợ chồng tôi dùng 2 đồng đóng tiền ăn một ngày cho nhóm nấu ăn chung. 2 đồng còn lại vợ chồng dùng mua trái cây, ăn giải sầu khi xem đá banh trong trại…Thời gian tại Singapore chúng tôi cũng được nâng cấp từ từ, lúc đầu ngủ ở vỉa hè nhà, sau hơn 1 tháng mới được vào phòng ở chung với người khác. Khi bắt đầu vào trại không lâu, vợ tôi bị đau bụng đi khám bác sĩ mới biết xẩy thai do khủng hoảng sau chuyến đi. Tôi dùng dao đào đất chôn đứa con chưa từng gặp mặt tại sườn đồi của trại.

Nguyễn Thanh Linh: Ôi! Xin lỗi và đã nhắc lại thời điểm chứa đựng nỗi buồn và sự mất mát thương tâm của anh chị.  Đến Hòa Lan. Anh tới đây vào mùa nào trong năm? Tôi thì hạ cánh vào giữa mùa hè, tháng bảy nắng đẹp, mười giờ đêm trời chưa tối. Ngày đầu vô trại chuyển tiếp ở Leerdam, tám giờ tối mấy anh em hí hửng  xuống phố tìm tiệm mua sách học tiếng Hòa Lan, ông chủ tiệm trợn mắt nhìn đám tỵ nạn tự hỏi không biết chúng muốn gì. Anh có ở Leerdam không? Thời gian ở trại của anh kéo dài bao lâu và sinh hoạt như thế nào ngoài giờ học tiếng Hòa Lan?

Nguyễn Đắc Trung: Tôi đến Hoà-Lan vào ngày 20-8-1981, lúc đó vào mùa hè nắng đẹp. Chúng tôi cũng được đưa vào trại tỵ nạn Leerdam và ở đây chỉ 1 tháng, sau đó chính phủ cấp nhà cho chúng tôi tại thành phố Hoorn để sinh sống, chúng tôi là nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên về sinh sống tại Hoorn. Trong thời gian ở Leerdam, ngoài giờ học tiếng Hoà-Lan và giờ ăn chung, vợ chồng tôi thường đi dạo. Thời gian đầu đến Hoà-Lan, hầu như ngày nào vợ tôi cũng khóc, hướng về quê nhà nhớ thương gia đình.

Nguyễn Thanh Linh: Đến ở tại Hoorn, thị xã phía Bắc của Hòa Lan. Một đời sống mới thực sự bắt đầu, mọi sự tự mình xoay sở trong một môi trường hoàn toàn mới lạ. Kinh nghiệm của anh và các thành viên trong gia đình có gì đặc thù không? Chẳng hạn như hàng xóm, người bản xứ chung quanh, đồng nghiệp ở chỗ làm và bạn bè ở trường học của các cháu…v.v

Nguyễn Đắc Trung: Ðất nước Hoà Lan thật xa lạ, hầu như mọi thứ đều khác từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán. Khi còn ở Việt Nam tôi chỉ biết đến Hoà-Lan có một đội banh nổi tiếng thế giới với cặp chân vàng Johan Cruijff và sữa bột Guigoz. Khi đến đây tôi chẳng tìm thấy một lon sữa bột Guigoz, có lẽ họ chỉ sản xuất để xuất cảng ra nước ngoài. Sau khi về Hoorn, chúng tôi được thị xã giúp đỡ thật chu đáo, họ tổ chức khoá học tiếng Hoà-Lan 400 giờ cho người tỵ nạn. Người dân ở đây thật hiền hoà và tử tế, họ rất có thiện cảm với “thuyền nhân” Việt Nam vì họ đã được thông tin qua TV hoặc các đài phát thanh.

Nguyễn Thanh Linh: Lúc ra nhà riêng, hồi đó mỗi gia đình tỵ nạn nào đều có một Bạn Gia Đình để được giúp đỡ trong giai đoạn đầu của đời sống mới. Anh còn liên lạc với những người bạn này không?

Nguyễn Đắc Trung: Lúc đến Hoorn, mỗi gia đình đều có một “gastgezin” (bạn gia đình) đỡ đầu, họ tận tình giúp đỡ chúng tôi trong mua sắm, liên lạc ngân hàng, và các thủ tục giấy tờ mà chúng tôi không am hiểu. Chúng tôi có bạn gia đình thật tốt, ông Dick Wit và bà Tiny Wit. Có thể nói cả gia đình của ông bà đều giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi thân thiết đến độ gọi ông bà bằng papa và mama và họ đối xử với chúng tôi như con cái họ. Chúng tôi giữ liên lạc cho đến khi cả 2 ông bà đều qua đời và đám tang của họ chúng tôi đều tham dự.

Nguyễn Thanh Linh: Sau gần 40 năm sống trên đất nước này công việc và đời sống của gia đình anh tiến triến như thế nào? Anh và gia đình có gặp phải chuyện kỳ thị màu da, việc làm, tiếng nói hay tập tục văn hóa không? Hai cháu ở trường học, với bạn bè và trên con đường tiến thân ở trường đời? Nói gọn lại là tiến trình hội nhập vào xã hội Hòa Lan của anh và gia đình có được gọi là thành công hay không, theo anh?

Nguyễn Đắc Trung: Sau thời gian đi học tiếng Hoà-Lan, cả 2 vợ chồng tôi đều đi học lại để xây dựng cuộc sống mới. 10 năm sau chúng tôi mới có con sau khi ổn định cuộc sống. May mắn thay chúng tôi không gặp kỳ thị khi đi học hoặc đi làm. Các con chúng tôi cũng không gặp phải trường hợp này. Kể từ khi đến Hoà-Lan, chúng tôi đã cố gắng tối đa bằng làm việc và học tập và đạt được những điều mong muốn dù có gặp trở ngại lớn nhất lúc đầu là bức tường ngôn ngữ. Các con tôi đều không trở ngại trong việc học hoặc việc làm. Cả hai cháu đều tốt nghiệp đại học và có được việc làm sau khi ra trường.

Nguyễn Thanh Linh: Anh Trung nè, xoay qua chuyện khác chút nhé. Anh có để ý không? Sau khi ổn định đời sống, công việc yên bình, nhà cửa êm xuôi, con cái trưởng thành, đa số người Việt, nhất là thuộc thế hệ thứ nhất, mặc dù sống ở đây rất lâu năm nhưng lòng vẫn hướng rất nhiều về quê nhà. Anh có tâm trạng đó không?

Nguyễn Đắc Trung: Riêng tôi dù đã ổn định cuộc sống và định cư ở Hoà-Lan trên 39 năm, nhưng lòng tôi luôn hướng về quê nhà, theo dõi từng ngày những tin tức đang xảy ra trên quê hương Việt Nam.

Nguyễn Thanh Linh: Vâng, tâm trạng nhớ nhà yêu nước của mỗi người được thể hiện qua suy nghĩ và hành động của từng cá nhân. Riêng anh, anh chọn con đường dấn thân qua sinh hoạt Cộng Đồng và chính trị đảng phái. Anh có thể trải lòng mình ra được không? Về những buồn vui, khó khăn và thuận lợi trong sinh hoạt cũng như sự đòi hỏi những gì cho ai muốn tham gia theo lối này.

Nguyễn Đắc Trung: Tôi nghĩ người tỵ nạn chúng ta phải thương yêu và tương trợ giúp đỡ nhau trên đất khách quê người, do đó từ khi qua Hoà-Lan, tôi tích cực tham gia mọi sinh hoạt từ tôn giáo đến xã hội. Tôi cùng bạn hữu ngay từ khi đặt chân đến Hoorn đã thành lập các ban đại diện Công Giáo, ban đại diện người Việt tại Hoorn, cùng các bạn hữu sinh hoạt trong nhóm Du Ca đi trình diễn khắp nơi phục vụ đồng hương, đến giúp vui cho những bệnh nhân tâm thần người Việt ờ Arnhem…sau đó tôi sinh hoạt Cộng Ðồng và trực tiếp sinh hoạt vào tổ chức đấu tranh để tranh đấu cho Tự Do và Dân Chủ tại Việt Nam. Ngày nào đất nước còn bị cộng sản cai trị, ngày đó dân tộc ta còn khổ đau và mỗi người Việt Nam yêu quê hương đều có thể góp một bàn tay sớm chấm dứt nỗi khổ này. Ðể làm được việc này, chúng ta chỉ cần tấm lòng và sự hy sinh. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tôi luôn có niềm tin chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng, người dân Việt sẽ có ngày cùng đứng lên chấm dứt chế độ cộng sản. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm được những gì hợp với công tâm, điều đó giúp tôi đã làm việc trong vài chục năm nay.

Nguyễn Thanh Linh: Ngoài lý do nêu trên đã thúc đẩy mình ra làm việc chung, ngoài bổn phận làm tròn nhiệm vụ của công việc anh có hoài bão gì khác hơn nữa không? Với Cộng Đồng người Việt tại Hòa Lan và quê mẹ Việt Nam?

Nguyễn Đắc Trung: Tôi mong muốn cùng mọi người xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Cộng Ðồng chúng ta là một thành trì bảo vệ chính nghĩa của người tỵ nạn. Cộng sản có đại diện của chúng là toà đại sứ ở Hoà-Lan, nhưng có thể nói chúng vẫn chưa dám công khai xuất hiện vì chúng còn e dè với cộng đồng chúng ta. Cộng Ðồng có mạnh thì chúng ta mới góp phần một cách hữu hiệu với người dân trong nước trong công cuộc đấu tranh chấm dứt độc tài cộng sản tại Việt Nam.

Nguyễn Thanh Linh: Câu hỏi cuối đến anh. Suy nghĩ của anh về tương lai, làm thế nào để lớp trẻ thuộc thế hệ thứ hai hứng khởi tham gia sinh hoạt và xây dựng Cộng Đồng bền vững lớn mạnh hơn? 

Nguyễn Đắc Trung: Thế hệ trẻ là quan tâm đặc biệt của tân Ban Chấp Hành Cộng Ðồng. Thế hệ đi trước có nhiệm vụ phải đào tạo và kết nối những người trẻ để trong tương lai họ có thể tiếp tay xây dựng Cộng Ðồng. Tôi nghĩ Ban Chấp Hành Cộng Ðồng phải tạo điều kiện để họ trực tiếp tham gia sinh hoạt của Cộng Ðồng như tổ chức Tết, sinh hoạt văn nghệ, hội thảo về văn hoá, tiếp tay làm báo,…Từ từ qua việc làm họ mới thấu hiểu được những gì mà thế hệ đi trước đã trải qua và hiểu thêm về cội nguồn của họ. Tôi đề nghị các bậc phụ huynh khuyến khích con em tham gia các sinh hoạt của Cộng Ðồng trong tương lai vì dù kế hoạch nào có đề ra, cũng không thể thành công nếu không có sự tiếp tay của quý vị.

Nguyễn Thanh Linh: Chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Chúc anh và gia đình luôn bình an và thành công trong cuộc sống, việc làm và hoạt động hiện nay.

.

(Hình ảnh trong bài do ông Nguyễn Đắc Trung cung cấp).

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvanongnguyendactrung.htm


Cái Đình - 2020