Ngô Thụy Trúc Lâm


Phỏng vấn ông Trần Quốc Sủng

Lời giới thiệu: ông Trần Quốc Sủng (TQS), sinh năm 1941, nguyên là đại úy trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
đến tỵ nạn tại Hòa Lan từ năm 1982, trả lời phỏng vấn của ông Ngô Thụy Trúc Lâm (NTTL).

***

NTTL: Xin ông kể qua về thân thế và gia đình, cũng như về môi trường nơi ông sinh trưởng ở Việt Nam?

TQS: Tôi sinh trưởng trong một gia đình có 7 anh chị em. Cha mẹ tôi thuộc thành phần trung nông, sinh sống tại một làng nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam-Bắc Việt. Tôi là anh cả, hiện các em tôi sống lưu lạc các nơi, một sang Mỹ theo diện HO, một vượt biển hiện sống tại Canada, một đã mất trong thời gian chiến tranh, và số còn lại ở VN.

Ông TQS (hàng đầu, thứ hai từ phải sang trái) về quê năm 2006

NTTL: Ông sinh trưởng ở miền Bắc, vào Nam từ năm 1951, sinh hoạt của người Bắc di cư vào Nam trước năm 1954 như ông ra sao? Hiệp định Genève có ảnh hưởng gì đến gia đình của ông như thế nào?

TQS: Trong giai đoạn giao tranh giữa Cộng Sản Bắc Việt và chính phủ Quốc Gia, đời sống dân quê gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Đêm thì Cộng Sản ngày là Quốc Gia, nên cha mẹ cho tôi và người em kế cùng bà nội tôi vào Sài Gòn năm 1951, sống với người bác và chú tôi đã lập nghiệp ở đây từ lâu. Khi hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 được ký, theo hiệp định quy ước người dân hai miền Nam-Bắc được quyền chọn nơi sinh sống, nhưng hầu hết người dân miền Bắc đều muốn từ bỏ chế độ Cộng Sản và chọn di cư vào miền Nam để được tự do sinh sống. Thời hạn lựa chọn di cư được quy định trong thời gian rất ngắn nên người đi cũng bị hạn chế, hơn nữa phe Cộng Sản dùng mọi cách ngăn cản không cho người dân đi vào miền Nam. Gia đình tôi ở làng quê hẻo lánh nên không tiếp cận được tin di cư kịp thời. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi cha tôi vẫn cố gắng bằng mọi cách muốn đưa hết cả gia đình cùng đi, nhưng không thể được vì đoạn đường phải vượt qua quá nhiều trạm kiểm soát của cán bộ Cộng Sản. Chẳng đặng đừng, cha tôi buộc lòng phải để mẹ tôi ở lại với 3 em nhỏ. Chuyến đi đó, ông chỉ mang theo một đứa em trai, vượt bao gian khổ, qua các ngõ ngách, thoát khỏi các trạm kiểm soát và cuối cùng đến được ủy ban tiếp nhận người di cư. Đây cũng là giờ phút cuối cùng, của chuyến tàu cuối cùng rời bến giã từ Cộng Sản Bắc Việt. Trường hợp của riêng tôi, đi từ năm 1951, được coi như diện đoàn tụ gia đình, không như những người di cư đi năm 1954, họ được chính phủ miền Nam phân phối nơi cư ngụ, trợ giúp tài chánh, ruộng đất v.v… để ổn định sinh hoạt trong thời gian đầu tái lập đời sống.

NTTL: Ông vào quân đội từ năm 1964, ông đã phục vụ những đơn vị nào? Ông có gặp những nghịch cảnh gì không?

TQS: Năm 1964 chánh phủ ban hành lệnh tổng động viên, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ vào khóa 21 sỹ quan trừ bị Thủ Đức. Thời gian học mỗi khóa là 9 tháng, sau giai đoạn đầu 3 tháng, tôi được chuyển qua trường Quân Cụ, theo học về chuyên môn vì tôi đã tốt nghiệp ngành cơ khí. Ở đây phải học thêm 6 tháng về kỹ thuật chuyên môn, quản trị và tiếp liệu, rồi ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. Sau khi ra trường, chúng tôi phân nửa số khóa sinh, được biệt phái qua Trung Tâm Bình Định Phát Triển Nông Thôn, trực thuộc Phủ Thủ Tướng, tôi được phân phối về tỉnh Lâm Đồng. Chương trình này được hợp tác rất chặt chẽ giữa Việt Nam và chánh phủ Mỹ. Nhằm mục đích giữ an ninh và phát triển kinh tế, kiện toàn nền tảng hành chánh cho các xã ấp.

Đến năm 1970 tôi xin trở về quân đội, trình diện Cục Quân Cụ và được phân phối phục vụ tại đại đội 837 thuộc tỉnh Bình Dương. Trở về quân đội làm việc đúng với khả năng chuyên môn của mình, tôi cảm thấy hứng thú hơn. Đơn vị có nhiệm vụ yểm trợ sửa chữa, bảo trì quân dụng cho toàn khu 32 chiến thuật (Bình Dương, Phước Long, Bình Long, Tây Ninh…). Công việc gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhất là thiếu cơ phận thay thế, an ninh vận chuyển và có những trường hợp khẩn cấp đáp ứng chiến trường (pháo binh, thiết giáp, máy phát điện) phải cần đến trực thăng yểm trợ.

Đầu năm 1975 tôi thuyên chuyển đến Liên Đoàn 333 Yểm Trợ Tiếp Vận tại Củ Chi. Vào những ngày tháng 4/1975 đơn vị hứng chịu nhiều trận pháo kích, doanh trại bị thiệt hại nhiều, ngày đêm phải làm việc dưới hầm và giao thông hào. Đến đêm 29/4/1975 thì nhận lệnh di tản, trên đường di chuyển tôi bị bắt tại Lái Thiêu và rất may mắn thoát chết. Chúng giam giữ tôi 7 ngày rồi thả về chờ ngày trình diện học tập cải tạo.

NTTL: Sau năm 1975 ông bị đi học tập cải tạo, tình hình trong trại cải tạo ra sao?

TQS: Sau vài tuần tôi nhận được giấy gọi trình diện đi học tập cải tạo của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn. Tôi từ giã cha mẹ, vợ con ra trình diện tại một trường học tiểu học ở Bà Chiểu làm thủ tục giấy tờ. Đêm ngày thứ hai thì họ tống lên xe bít bùng chở đi đâu thì lúc đó không ai biết, xe chạy đến rạng sáng thì đến Long Giao. Những ngày đầu ở đây là tự lo ổn định chỗ ăn ở, cứ 50 người sống chung trong một lán (nhà dãy) thì có một bộ đội quản giáo, mỗi doanh trại gồm nhiều lán như vậy. Công việc kế tiếp là dựng hội trường, làm nhà bếp, nhà vệ sinh, đào giếng v.v… Tiếp đến là khai báo lý lịch ba đời tổ tông, đây là một việc làm mà người học cải tạo cần phải thận trọng trong từ chữ. Mỗi người bị yêu cầu làm đi làm lại nhiều lần, cán bộ theo đó so sánh, đối chiếu và bắt lập lại cho đến khi họ vừa ý.

Thời gian học tập chính trị giai đoạn đầu là 3 tháng. Ban ngày lên lớp nghe cán bộ giảng chính trị “tẩy não”, tối họp tổ để thảo luận đề tài và luôn có cán bộ kiểm soát. Tựu chung tất cả mọi người đều phải phát biểu ca tụng đường lối lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Cuối giai đoạn học, lại phải khai lý lịch lần nữa. Sau đó chúng tôi được nghỉ một ngày để chuẩn bị phân chia thành từng đội đi lao động với sự hướng dẫn của bộ đội bảo vệ có trang bị súng đạn đầy đủ. Mỗi ngày đúng 8 giờ sáng họ đẩy vào rừng, chiều 5 giờ cho về trại. Công việc là lấy gỗ với những dụng cụ tay như búa, dao, cưa với nhiều loại cây rừng. Cuối ngày cán bộ kiểm tra nếu ai không đủ tiêu chuẩn sẽ bị cảnh cáo và phải làm bản tự kiểm.

Sáu tháng sau tôi phải chuyển trại qua Hốc Môn, tôi được chỉ định thành lập và phụ trách một lò rèn để chế biến các dụng cụ lao động như: dao, búa, cuốc, xẻng v.v... Muốn cho lò rèn hoạt động được ở đây thật khó khăn vô cùng, vì thiếu dụng cụ, máy móc, vật liệu, tất cả đều phải tự túc, vận dụng chế biến. Cũng may nơi đây trước kia là doanh trại của Công Binh nên trong vòng một tháng công việc cũng tạm ổn. Còn về nhân sự thì không biết tìm đâu ra?

Sau gần 3 năm lao động gian khổ, tôi được phép 7 ngày về thăm gia đình. Hết phép trở lại trại thì được chuyển ngay qua nơi khác, bị biệt lập trong một căn nhà đúng 30 người. Nơi đây tôi gặp lại những thầy, bạn cũ của trường kỹ thuật Cao Thắng, mới nhận ra toàn là dân kỹ thuật. Ở đây mọi người thấp thỏm bàn tán, lo lắng không biết chuyện gì sẽ xẩy ra đây? Vài ngày sau được lệnh tập trung nghe cán bộ đọc thông báo  “Các anh đã được tuyển dụng làm nhân viên kỹ thuật cho công trường khai thác lâm sản. Các anh ở đây nghỉ ngơi chờ cán bộ công trường đến tiếp nhận. Lúc đó chúng tôi đều nghĩ rằng mình sẽ không còn hy vọng có ngày về với gia đình nữa. Chờ mãi đến 3 tháng vẫn chưa thấy ai đến nhận, sau đó một điều vô cùng ngạc nhiên là tất cả chúng tôi đều được trả tự do về với gia đình. Vậy là đúng 3 năm cải tạo, chúng tôi được giấy xuất trại. Tuy nhiên về địa phương còn phải trình diện công an phường và chịu áp lực quản chế.

NTTL: Sau khi được thả, sinh hoạt của gia đình ông ra sao?

TQS: Sau khi được thả về, sinh hoạt của gia đình chúng tôi rất khó khăn về kinh tế, có lúc vợ tôi buôn bán ngược xuôi, khi về các tỉnh miền Tây, lúc thì lên miền Trung để lấy hàng ở các chợ nuôi sống 5 đứa con nhỏ. Riêng tôi sau khi trở về trước tiên là phải tìm cách che mắt công an phường, vì nếu không có công việc làm thì họ buộc phải lên vùng kinh tế mới, nên tôi lập một tổ hợp làm guốc ngay tại nhà, chỉ cách công an phường vài trăm mét, đóng thuế hàng tháng cho công an khu vực. Thế là tạm ổn!

Sau một thời gian cảm thấy đời sống của các cháu ở xã hội này sẽ không có tương lai, nên tôi tìm mọi cách vượt biên và được cha tôi khuyến khích và giúp đỡ, rộng đường tìm cho một cuộc sống tự do phát triển của thế hệ con cháu.

NTTL: Ông vượt biên khỏi Việt Nam với những ai trong gia đình? Chuyến đi của ông có gặp khó khăn gì không? Có chuyện gì xẩy ra khiến ông không thể nào quên?

TQS: 2 lần đầu vượt biên tôi dẫn theo đứa con trai nhưng thất bại, lần sau cùng thì đi một mình.

Chuyến đầu đi tại Kinh 5 Rạch Giá gặp nhiều gian nan thất bại. Chuyến thứ hai hợp tác chung với người bạn tù, khởi hành từ chợ Long Xuyên rồi được ban tổ chức đưa đến vùng cận biển, sau đó xuất phát. Tàu chỉ di chuyển khoảng 30 phút thì bị công an biên phòng phát giác và bị bắt giam tại Rạch Giá. May thay chỉ một tháng sau, không biết vì lý do gì, chúng thả hết tất cả 30 người trong thuyền chúng tôi.

Chuyến thứ ba tại Vũng Tàu. Sau khi được thả ra từ trại tù Rạch Giá được vài ngày, sức khỏe còn chưa ổn định thì lại tiếp tục chuyến kế tiếp, chuyến này do ba tôi sắp xếp, chủ tàu cũng là người quen biết, họ tổ chức có tánh cách gia đình nên cũng đỡ lo lắng. Chúng tôi di chuyển đến địa điểm tập trung và ngay đêm đó di chuyển ra bờ sông lên "taxi". Đò chèo khoảng 1 giờ thì cập ghe lớn và chuyển nhanh qua đó rất an toàn. Nửa giờ sau, cuộc hành trình vượt biển bắt đầu với 70 thuyền nhân nằm chen chúc dưới hầm tàu, im lặng, hồi hộp, lắng nghe tiếng động bên ngoài, chỉ nghe tiếng chạy xình xịch của máy tàu. Khoảng một giờ nữa trôi qua, bỗng nhiên nghe tiếng súng AK vang lên từ xa xa rồi rất gần, tôi nhận ra ngay là chúng đã phát hiện và đang theo sát tàu mình, đã có vài viên đạn trúng vào thành tàu nhưng vô hại. Người tài công rất can đảm vững lòng tin, vận hành con tàu vượt sóng ra khơi, chúng rượt không kịp, nên đành phải bỏ cuộc. Không bao lâu sau tàu đã ra đến hải phận quốc tế. Sau đó mọi người đều kiệt sức vì say sóng và mùi hôi tanh của ói mửa... Ba đêm bốn ngày lênh đênh trên biển cả, may mắn được tàu chở hàng Hòa Lan cứu vớt, chúng tôi đã thật sự thoát khỏi thiên đàng Cộng Sản. Chúng tôi đã thoát hiểm, thật quá đỗi vui mừng.

NTTL: Lúc được tàu Hòa Lan vớt, cảm xúc của ông ra sao?

TQS: Cảm giác khi được đặt chân lên con thuyền chở hàng của Hòa Lan, chúng tôi cảm thấy như đã chết đi được sống lại. Đây là con tàu hàng trên đường đến Đài Loan và họ dự tính sẽ gởi chúng tôi vào trại tị nạn tại đây, nhưng vì trại đã quá tải nên tiếp không nhận. Chúng tôi được ở yên trên tàu chờ lệnh của chánh phủ Hòa Lan giải quyết. Khi ấy tôi hoàn toàn không biết vị trí, địa thế hay nhân văn lịch sử của Hòa Lan như thế nào. Chỉ duy biết là Hòa Lan có hãng Phillips và những sản phẩm về đồ điện. Từ đó tôi rất háo hức được đến với đất nước này. Sau 2 tuần ở trên tàu, chúng tôi được đưa sang sân bay Hồng Kông, đáp chuyến bay đến Hòa Lan vào ngày 27 tháng 5 năm 1982.

NTTL: Khi đến Đài Loan số phận của ông và những người cùng tàu được giải quyết thế nào?

TQS: Tất cả 70 thuyền nhân chúng tôi đều không được bước xuống đất Đài Loan giây phút nào cả. Trên tàu chúng tôi được ông Thuyền Trưởng và thủy thủ đoàn chăm sóc rất chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, quần áo, giầy dép... Khi về đến Hòa Lan chúng tôi thường đến thăm viếng gia đình ông. Nhớ lại ngày đầu tiên cả nhóm đến thăm Ông Bà và tất cả các con đón tiếp rất trọng thể, thân mật. Điều này làm cho chúng tôi thật ngỡ ngàng và cảm mến.

NTTL: Sau khi đến Hòa Lan ông đã đi học và đi làm gì?

TQS: Đến Hòa Lan tôi được học tiếng bản xứ trong suốt thời gian ở trại tiếp nhận tại Apeldoorn, sau đó được về ‘s-Hertogenbosch cư ngụ đến ngày hôm nay. Thời gian đầu được học 400 giờ tiếng Hòa Lan, sau đó là các khóa về cơ khí và kỹ nghệ họa. Sau thời gian học là phải tự đi xin việc làm, nhưng gặp nhiều khó khăn vì lý do tuổi tác. Cuối cùng qua sự giới thiệu của phòng lao động được vào làm công việc lắp ráp cho một xí nghiệp cho đến khi về hưu. Bà xã tôi cũng được vào làm việc ở đây cho đến lúc hưu trí.

NTTL: Việc dạy dỗ con cái trong môi trường đa văn hóa, ông bà đã rút được những kinh nghiệm gì?

TQS: Việc dạy dỗ con cái ở đây thì chúng tôi vẫn theo văn hóa Việt Nam. Cả nhà vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, vẫn duy trì truyền thống gia đình, phong tục tập quán dân tộc. Tuy nhiên đối với các cháu nhỏ thì có chút khó khăn về viết và nói tiếng Việt, vì hằng ngày chúng tiếp cận với thầy bạn trong trường nhiều hơn với cha mẹ ở nhà. Để duy trì truyền thống văn hóa Việt ở xứ này, theo tôi, bậc cha mẹ phải tạo điều kiện cho các con sống chung trong gia đình, trao đổi với nhau bằng tiếng Việt, sống hòa nhã, yêu thương, biết kính trên nhường dưới, thường tâm sự, chia sẻ với nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Khuyến khích chúng tham gia vào các tổ chức xã hội, văn hóa nghệ thuật v.v... để chúng biết sống hài hòa với hai nền văn hóa Hòa-Việt.

Ảnh đại gia đình tại Hòa Lan năm 2019

NTTL: Ông đã sinh hoạt trong ban trị sự chùa Vạn Hạnh ở Hòa Lan đã lâu, nhìn lại những năm đầu gầy dựng mái chùa, hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm. Ông có thể kể vài kỷ niệm?

TQS: Tôi đã sinh hoạt với chùa Vạn Hạnh từ khi bắt đầu công trình xây dựng chùa cũ ở Nederhorst den Berg, chùa nay đã được chuyển về Almere. Nhớ lại kỷ niệm thời gian đầu công việc vận động xây cất ở cả hai địa phương thật khó khăn, vất vả. Quý thầy có chương trình đến tận các địa phương để thăm viếng phật tử và trình bày kế hoạch xây cất chùa. Riêng ở Den Bosch, tôi tổ chức buổi họp mời tất cả các Phật tử đến để cùng đón tiếp thầy Minh Giác. Thầy trụ trì buổi họp và hoan hỷ giải thích rõ ràng công trình xây cất và thời gian hoàn thành và phật tử rất vui vẻ, vì Hòa Lan sẽ có ngôi chùa khang trang trong tương lai. Sau lần đầu với kêu gọi trực tiếp của Thầy, sau đó tôi cùng vài phật tử làm chương trình đến nhà từng Phật Tử để quyên góp, kết quả rất khả quan. Tôi nhớ có lần đến một gia đình, gặp chủ nhà và khách đang trò chuyện, họ đều vui vẻ hưởng ứng, có một trong số những người hiện diện cúng dường 25 xu tôi cũng nhận và ghi tên vào danh sách đầy đủ. Ra về các bạn tôi có vẻ không mấy vui hỏi tôi sao anh lấy 25 xu làm gì bẩn tay. Tôi lặng thinh suy tư, nhớ lại câu truyện đạo bà lão ăn mày nghèo đói cúng dường 3 xu dầu thắp sáng trong Pháp hội hoa đăng, đến khuya ngài Mục Kiền Liên đi tắt đèn, nhưng có ngọn đèn ngài dùng hết thần thông để thổi, đèn vẫn không tắt, ngài đến hỏi Đức Phật, Đức Phật dạy đó là đèn của bà già nghèo, xin được 3 xu nhịn đói mua dầu cúng dường, đó là thể hiện cúng dường Ba La Mật nên ngọn đèn không tắt, sáng mãi trong đêm. Tôi nghĩ ít hay nhiều cũng là sự cúng dường đóng góp xây ngôi Tam Bảo, nên vẫn nhận. Đây là sự kiện mà tôi không bao giờ quên. Tuy nhiên khi làm việc công đức, ít nhiều cũng va chạm lắm phiền não, nhưng phải chấp nhận để việc lớn được thành đạt. Kỷ niệm vui buồn ở chùa thì nhiều lắm, nhưng buông bỏ là pháp tu của người Phật tử để bình an.

Kỷ niệm 25 năm Gia đình Phật tử Chánh Tín, chùa Vạn Hạnh, Hòa Lan.
Từ trái sang phải: ông Lê Giao, hòa thượng Thích Minh Giác, ông Nguyễn Thanh Quang, ông Trần Quốc Sủng (2010)

NTTL: Ông đã nhiều năm hướng dẫn Gia Đình Phật Tử. Ông có thể hình dung sinh hoạt GĐPT ở Hòa Lan trong 20 năm nữa sẽ như thế nào?

TQS. Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam được thành lập đến nay đã hơn 70 năm, với mục đích là giáo dục thanh thiếu và đồng niên thành người Phật Tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo, được tổ chức từ trung ương đến địa phương. Ngày nay hiện diện trên toàn thế giới, nơi nào có Phật Tử, có chùa là nơi đó có tổ chức GĐPT. Tại Hòa Lan GĐPT chính thức thành lập từ năm 1990 được thầy Minh Giác khuyến tấn, nâng đỡ mọi mặt và đặt danh hiệu là GĐPT Chánh Tín. Thầy cũng là Cố Vấn Giáo Hạnh phụ trách phần giáo lý cho đơn vị này. Từ đó đến nay GĐPT Chánh Tín sinh hoạt rất đều đặn hằng tháng tại chùa. Đoàn sinh đông nhất hiện tại là ngành Đồng niên (các em Oanh Vũ). Chương trình sinh hoạt hàng tháng được áp dụng chung theo Ban Hướng dẫn Âu Châu.

Hiện tại thì tôi không còn sinh hoạt với tổ chức nữa vì tình trạng sức khỏe, nhưng Ban Huynh Trưởng vẫn có đủ nhân sự phục vụ cho tổ chức, với khả năng và thiện chí của các anh chị này, tôi tin rằng GĐPT Chánh Tín sẽ tiếp tục tiến triển trong tương lai.

NTTL: Ông đảm trách trật tự trong các ngày lễ tết ở chùa Vạn Hạnh, những gian hàng phải hội đủ những điều kiện gì theo nội quy của chùa Vạn Hạnh? Ông có gặp khó khăn gì không?

TQS: Chùa Vạn Hạnh thường tổ chức 3 ngày lễ lớn trong năm là: Lễ tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản và lễ Vu Lan. Vào những ngày này Phật Tử và đồng hương về tham dự rất đông, mỗi kỳ lễ có thể lên đến khoảng ba, bốn ngàn người. Trong sân chùa còn có các gian hàng bán thực phẩm chay, rau quả và trái cây, cho nên Ban Trị Sự phải lập ra một ban trật tự để duy trì an ninh trật tự cho các ngày lễ đó. Các phần vụ trong ban được phân chia cho từng cá nhân đảm trách và phối hợp giải quyết.

Khóa tu học năm 2017

Những điều khó khăn mà chúng tôi thường gặp như:

Công việc của ban trật tự là phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến cuối ngày lễ rất mệt nhọc về thể chất lẫn tinh thần, nhưng với tinh thần "phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật" nên tất cả đều hoan hỷ phụng hành.

Các mặt hàng phổ biến trong những ngày lễ là sự hoan hỷ cúng dường Tam Bảo. Phần nội quy cho các gian hàng thì tạm nêu lên một vài điểm chính như:

NTTL: Ngoài sinh hoạt trong ban trị sự, ông là một thành viên kỳ cựu của hội Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa ở Hòa Lan, ông có thể hình dung sinh hoạt của hội trong 10 hoặc 20 năm nữa sẽ ra sao không?

TQS: Hội Gia Đình Quân Cán Chính VNCH tại Hòa Lan đã được chính thức thành lập đến nay đã hơn 35 năm, với lập trường và chủ trương:

Hàng năm Hội thường tổ chức những buổi sinh hoạt như: Tết Nguyên đán, ngày lễ kỷ niệm Quân Lực VNCH, ngày cứu trợ Thương Phế Binh v.v… để gây quỹ cho việc giúp đỡ các chiến hữu già yếu, bệnh, tàn tật hiện còn đang sinh sống lây lất tại VN.

Hiện tại những thành viên trong ban chấp hành chúng tôi đều đã lớn tuổi, người nhỏ nhất cũng đã trên 65 tuổi, nhưng chúng tôi luôn phối hợp hỗ trợ lẫn nhau để duy trì hoạt động, và cũng đang vận động thêm hội viên, hậu duệ tham gia vào BCH phục vụ cho tổ chức được phát triển hơn. Chúng tôi tin rằng trong tương lai rất gần, chế độ độc tài Cộng Sản sẽ tự biến mất, không còn tồn tại trên quê hương VN nữa, như các nước cộng sản Đông Âu, Đông Đức, Liên Xô chẳng hạn. Chế độ tàn bạo nào rồi cũng bị tiêu diệt. Đó là quy luật tự nhiên của thế gian này.

NTTL: Ông có thể mô tả tình cảm của ông với Việt Nam sau 40 năm không?

TQS: Rời khỏi Việt Nam đến nay là kể như gần 40 năm, nhưng nói xa quê hương thì với tôi là đã hơn 70 năm. Bởi tôi đã phải hai lần phải đành lòng xa rời quê nhà. Quê tôi là một làng nhỏ hẻo lánh, thuộc tỉnh Hà Nam Bắc Việt, nơi đây tuy sống không lâu nhưng đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Từ con đường làng, ngôi nhà, vườn rau, ao cá, ruộng nương tạo nên một bức tranh thật tuyệt vời giữ mãi trong tâm mà tôi không bao giờ quên được. Năm 1951 vì tình hình chiến tranh giữa Cộng Sản (Việt Minh) với Quốc Gia nên tôi phải rời bỏ nơi đây để lại cha mẹ, các em nhỏ bé vào Sài Gòn sinh sống với ông chú, bà bác, thế là tôi đã chạy trốn Cộng Sản từ năm đó. Cho đến năm 1982 lại phải một lần nữa từ giã nơi ăn chốn ở và lần này là xa quê hương, đất nước thật rồi. Tôi sống với cảm giác lạc lõng, bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Nhiều đêm không ngủ được, tâm trí đưa tôi trở về với hình ảnh quê nhà, cha mẹ thân yêu, lòng ngậm ngùi thương nhớ.

Tôi rời xa mẹ từ năm lên 10, mãi đến năm 1976 mẹ tôi từ Bắc vào Nam thăm tôi trong trại tù cải tạo. Đoàn tụ không được bao nhiêu năm, tôi vượt biển ra đi ở xứ người và năm 1998 bà mất ở quê nhà ngoài làng nên tôi không về được. Năm 2004 cả gia đình trở về làng cũ thăm viếng họ hàng và mộ phần tổ tiên. Đến năm 2007 Cha tôi mất, tôi về lo tang chế xong rồi trở lại HL ngay. Thế là sau gần 60 năm tôi mới trở về lại quê cha đất tổ. Tôi cảm thấy mình như đứa con đi hoang, lạc lõng, bơ vơ trên chính ngay quê hương mình, đi tìm mãi bức tranh hình ảnh xa xưa trong tâm tưởng, không thấy, không dấu vết. Tự vấn mình? Thực sự ta đã mất hết rồi sao? Nếu suy tư như thế thì quê hương đã mất từ lâu rồi. Nhưng nếu đem quê hương về với cội nguồn, gốc rễ, bản sắc của mình thì nó vẫn còn mãi trong tâm, trong từng nhịp tim, từng hơi thở của mỗi chúng ta.

Trải qua thời gian dài như thế, tiếp cận với nhiều tình huống gian nan trong cuộc đời nên tâm tư tình cảm vẫn dạt dào lắm, nhất là với người lính chiến, nay đây mai đó trên khắp miền đất nước nói sao cho hết. Những kỷ niệm vui buồn thì nhiều lắm, nhưng diễn tả thì có hạn vì sức khỏe và tâm trí đã suy giảm nhiều theo thời gian. Ấn tượng nhất vẫn là thời thơ ấu và thời chinh chiến. ÔI ! tình quê hương thân thương sâu thẳm quá.

.

Ngô Thụy Trúc Lâm

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvantranquocsung.htm


Cái Đình - 2021