Phạm Đình Lân


Hồ Chí Minh: Người Việt hay Người Tàu?

 

Trong bài viết nầy tôi cố gắng tìm hiểu xem Hồ Chí Minh là người Việt hay người Tàu để góp ý cùng học giả Đài Loan (Taiwan) Hồ Tuấn Hùng trong Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo hiện được lục địa Trung Hoa nhiệt liệt đón nhận. Sự im lặng của Hà Nội làm cho nhiều người nghi rằng Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, một người Tàu giả làm Hồ Chí Minh lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam từ thập niên 1930 đến khi chết năm 1969...

 

Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Cộng Sản Việt Nam và là người được bao vây bởi nhiều chuyện huyền hoặc bí hiểm. Ông có tới 120 tên và bí danh tiếng Việt, Hoa, Pháp, Đức, Nga, Thái, La Tinh, v.v…

Về nơi sinh của ông có sách ghi là làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Có sách lại ghi là làng Hoàng Trù, quê ngoại cùng huyện và cùng tỉnh.

Về ngày sinh của ông chắc chắn không phải là ngày 19-05 như bài ca Mười Chín Tháng Năm Ngày Sinh Bác Hồ và được chánh quyền Hà Nội dùng để tổ chức lễ sinh nhật cho ông. Năm sinh của ông biến đổi từ 1890, 1891 rồi 1892, 1894. Theo tài liệu chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam năm sinh của ông là 1890 (Canh Dần). Các thầy tử vi không biết dựa vào đâu mà cho rằng ông sinh ngày 06-06-1891 (ngày 06-06 là ngày Âm Lịch) năm Tân Mão. Trong bức thơ gởi từ Pháp cho chánh quyền thuộc địa năm 1911, ông ghi năm sinh của ông là 1892, tức năm Nhâm Thìn, v.v…

Trong bài viết nầy tôi cố gắng tìm hiểu xem Hồ Chí Minh là người Việt hay người Tàu để góp ý cùng học giả Đài Loan (Taiwan) Hồ Tuấn Hùng trong Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo hiện được lục địa Trung Hoa nhiệt liệt đón nhận. Sự im lặng của Hà Nội làm cho nhiều người nghi rằng Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, một người Tàu giả làm Hồ Chí Minh lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam từ thập niên 1930 đến khi chết năm 1969. Sự im lặng được hiểu theo ba cách:

1- Người Cộng Sản Việt Nam không biết gì về Hồ Chí Minh. Họ theo Cộng Sản vì thù giai cấp và vì ước muốn cải thiện cuộc sống bởi họ được dạy rằng họ không có cái gì để mất cả. Nếu mất thì mất ngục tù, xiềng xích và sự nghèo khổ. Nếu được thì được tất cả!

2- Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa đại đồng. Hồ Chí Minh là người Tàu cũng không sao vì người Cộng Sản trên thế giới đều tôn thờ Marx, Engel, Lenin, Stalin, những người hoàn toàn xa lạ trong nước họ. Riêng đối với Cộng Sản Việt Nam và Bắc Hàn, ngoài các nhân vật vừa kể, còn có thêm Mao Zedong (Mao Trạch Đông) nữa. Những nhân vật trên không phải là đồng hương hay đồng bào của họ.

3- Người Cộng Sản Việt Nam khép nép và khiếp sợ trước Cộng Sản Trung Hoa nên không dám có ý gì khác với Beijing cho dù biết học giả Taiwan và Cộng Sản Trung Hoa gượng ép sự kiện lịch sử để cường điệu tài năng xuất chúng của người Hoa.

Nói vắn tắt ông Hồ Tuấn Hùng cho rằng Hồ Chí Minh là người Tàu chớ không phải Nguyễn Ái Quốc vì, theo học giả nầy, Nguyễn Ái Quốc tức Tống Văn Sơ đã chết vì bệnh lao trong bịnh viện của khám đường Hong Kong nơi Tống Văn Sơ bị giam giữ sau khi bị bắt ở Hong Kong năm 1931. Ông Hồ Tuấn Hùng cho biết ông thấy giấy khai tử của Tống Văn Sơ chết năm 1932 do chánh quyền Anh ở Hong Kong lưu giữ.

Yếu điểm to lớn của tôi trong bài viết nầy là tôi không có một ngày bên chiến tuyến của Hồ Chí Minh, cũng không có một ngày nào được danh dự đứng gần ông mặc dù tôi là tác giả một cuốn sách về Hồ Chí Minh (1890 - 1969) bằng Anh ngữ.

*

Tên thật của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung, con của nhà nho Nguyễn Sinh Huy và bà Hoàng Thị Loan. Chị của ông là Nguyễn Thị Thanh tức Bạch Liên, anh là Nguyễn Sinh Khiêm. Không biết vì sao và vào lúc nào nhà nho Nguyễn Sinh Huy đổi tên Huy thành Sắc, Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành. Sự thay đổi chữ lót và tên nầy có thể xảy ra trước năm 1901, năm nhà nho Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng. Nó xuất phát từ sự nghèo khó của gia đình ông. Nhà nho chỉ ước mơ đỗ đạt trong kỳ thi tam trường để được bổ nhiệm ra làm quan hầu cải thiện cuộc sống. SẮC là khởi sắc, bằng sắc, màu sắc. TẤT THÀNH và TẤT ĐẠT như là một mệnh lệnh phải thành công, phải đạt được bằng mọi giá. Năm 1900 bà Hoàng Thị Loan chết trong cảnh nghèo khổ.

Nguyễn Tất Thành vào Huế học năm 1905. Đến năm 1910 ông bỏ học vào Phan Thiết và làm giáo viên cho một trường tư thục ở địa phương. Được vài tháng ông rời trường Dục Thanh để vào Sài Gòn. Năm 1911 ông tìm một công việc làm trên tàu Latouche Tréville. Nhờ làm việc trên tàu, ông có cơ hội xuất ngoại. Việc bỏ học và xuất ngoại của ông hoàn toàn vì lý do kinh tế. Cha ông, phó bảng Nguyễn Sinh sắc, bị cách chức tri huyện Bình Khê năm 1909. Ông phải sống phiêu bạt ở Sài Gòn bằng nghề bốc thuốc rồi phiêu dạt về Cao Lãnh (Kiến Phong sau nầy) và mất ở đó năm 1929.

Khi làm việc dưới tàu buôn Pháp, Nguyễn Tất Thành dùng tên Nguyễn Văn Ba. Đến Pháp, ông phục hồi lại tên Nguyễn Tất Thành. Năm 1917 nhà cách mạng Phan Châu Trinh gởi thơ gọi Nguyễn Tất Thành về Paris. Lúc ấy Nguyễn Tất Thành làm thợ nhồi bột để làm bánh ở London. Từ đó Nguyễn Tất Thành được quen với những nhà trí thức Tây học yêu nước ở Paris. Và ông cũng được xem là một thành viên của nhóm trí thức yêu nước, được gọi là nhóm Ngũ Long do Phan Châu Trinh đứng đầu cùng với các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành.

Phan Châu Trinh đậu phó bảng năm 1901 cùng với ông Nguyễn Sinh Sắc. Cả hai đều làm việc ở bộ Lễ dưới quyền của ông Ngô Đình Khả. Phan Châu Trinh rũ áo từ quan để dấn thân vào đường cách mạng và bị xử tử hình năm 1908 sau vụ biểu tình chống thuế rầm rộ ở Quảng Nam, Quảng Ngải, Phú Yên, Thừa Thiên. Bản án tử hình được đổi thành bản án lưu đày Côn Đảo trong khi phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vẫn tiếp tục quan lộ với tư cách tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, cho đến khi bị cách chức vào năm 1909. Phan Châu Trinh đề xuất những bài xã luận trong nhóm Ngũ Long. Tiến sĩ Phan Văn Trường, kỹ sư Nguyễn Thế Truyền, nhà luật học Nguyễn An Ninh khai triển chủ đề bằng tiếng Pháp. Bút hiệu tập thể của nhóm là Nguyễn Ố Pháp (Nguyễn: ám chỉ người Việt Nam, Ố Pháp: ghét Pháp). Nguyễn Tất Thành đem các bài viết cho báo Xã Hội của Pháp đăng. Họ rất thích những bài xã luận của nhóm Ngũ Long và khuyên nhóm nên bỏ bút hiệu Nguyễn Ố Pháp làm mất lòng độc giả Pháp. Từ đó nhóm Ngũ Long dùng bút hiệu Nguyễn Le Patriot, dịch sang tiếng Việt thành Nguyễn Ái Quốc.  Các báo Xã Hội Pháp thấy Nguyễn Tất Thành đem bài viết đến tòa soạn nên tin rằng ông là Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1920 Nguyễn Tất Thành trở thành đảng viên đảng Cộng Sản Pháp dưới bí danh Nguyễn Ái Quấc.  Năm 1924 ông được đảng Cộng Sản cử sang Moscow dự khóa huấn luyện để trở thành một cán bộ Cộng Sản Quốc Tế (Comintern). cuối năm nầy ông được chọn để phục vụ cho Borodin ở Quảng Châu (Guangzhou) với tư cách là một thông ngôn vì ông biết chữ Hán và từng viết chữ Hán trên đồ cổ Trung Hoa giả ở Paris để mưu sinh. Đó là thời kỳ Quốc Cộng Liên Minh ở Trung Hoa khi Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) còn sống. Ở Quảng Châu Nguyễn Ái Quấc lấy bí danh Trung Hoa: Li Shui (Lý Thụy). Ông cùng Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn) và Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1926 ông cưới một nữ y tá và đảng viên Cộng Sản Trung Hoa tên là Zheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh).

Năm 1927 Jiang Zhong Zheng (Tưởng Giới Thạch – Chiang Kaishek) đàn áp Cộng Sản ở Trung Hoa. Lý Thụy trốn khỏi Trung Hoa về Moscow. Đối với Lý Thụy (Hồ Chí Minh), Zheng Xue Ming là vợ của ông. Điều nầy có thể không đúng với đảng Cộng Sản Trung Hoa. Họ muốn dùng mỹ nhân để kiểm soát một cán bộ Cộng Sản Quốc Tế do Liên Sô huấn luyện. Năm 1938 Lý Thụy từ Moscow đến chiến khu Yenan dưới bí danh Hồ Quang rồi từ đó tiến về biên giới Việt-Hoa, nhưng Zheng Xue Ming vẫn không gặp lại ông. Dưới bí danh Hồ Chí Minh ông là chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945, rồi chủ tịch miền Bắc (VNDCCH) từ năm 1954 đến khi mất năm 1969. Trong suốt thời gian nầy ông không hề gặp lại Zheng Xue Ming. Mãi đến thập niên 1990 Zheng Xue Ming mới mất.

Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Hoa hai lần: 1925 - 1927 và 1938 - 1941. Bị ở tù ở Trung Hoa hai lần: 1931 - 1933 va 1942 - 1943. Ông mang nhiều bí danh Trung Hoa như Lý Thụy (Li Shui), Vương (Wang), Vương Sơn Nhị (Wang Shan Yi), Tống Văn Sơ (Song Wen Shu), Hồ Quang (Hu Guang), Hồ Chí Minh (Hu Zhi Ming). Năm 1931 ông bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ dưới bí danh Tống Văn Sơ. Vào năm nầy ông bị tòa án Vinh tuyên án tử hình khiếm diện vì những cuộc bạo động đẫm máu của Phong Trào Sô-Viết Nghệ Tĩnh.

Pháp hay tin "Nguyễn Ái Quấc" bị bắt ở Hong Kong nên yêu cầu nhà cầm quyền Anh ở Hong Kong dẫn độ ông về Việt Nam. Trước kia chánh quyền Anh cũng gặp trường hợp tương tự với Sun Yatsen và nhà Thanh. Họ từ chối không trao Sun Yatsen cho nhà Thanh để bị xử tử về tội chống phá triều đình. Lần nầy Tống Văn Sơ (Hồ Chí Minh) được vợ chồng luật sư Loseby giúp đỡ dưới sự tán đồng của nhà cầm quyền Hong Kong. Tống Văn Sơ được đưa vào bịnh viện để chữa bịnh lao. Tiếp theo đó nhà cầm quyền Hong Kong cho báo chí Hong Kong loan tin "Nguyễn Ái Quấc" chết vì bịnh lao! Như vậy Anh không mất lòng với Pháp vì người tù Cộng Sản Quốc Tế nầy. Giấy khai tử Tống Văn Sơ mà học giả Hồ Tuấn Hùng thấy là giấy khai tử thật, nhưng Tống Văn Sơ (Hồ Chí Minh) không chết. Loseby giúp cho ông rời khỏi bịnh viện ngục thất Hong Kong  và chạy sang Aomen (Áo Môn - Ma Cao), rồi ngược lên Shanghai (Thượng Hải) móc nối với đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông được sự sự giúp đỡ của Song Qingling (Tống Khánh Linh), góa phụ của Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên, linh hồn của cách mạng Tân Hợi năm 1911) để ngồi tàu đi Vladivostok (Hải Sâm Uy). Đây là hải cảng quan trọng duy nhất ở phương Đông của Liên Sô. Từ đó ông ngồi xe lửa về Moscow.

Năm 1938 ông được lịnh của Stalin rời Moscow vượt biên giới Sô-Trung để hướng về chiến khu Yenan (Diên An) nơi Wang Ming (Vương Minh) và ông không được sự tiếp đãi ân cần và nồng hậu của Mao Zedong vì cả hai đều là cán bộ Cộng Sản do Moscow đào luyện. Theo ý muốn của Stalin, Wang Ming được Quốc Tế Cộng Sản cử làm chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Hoa. Nhưng từ năm 1935 Mao Zedong  đã được các đảng viên Cộng Sản Trung Hoa bầu làm chủ tịch rồi. Đối với Hồ Chí Minh (lúc ấy mang bí danh Hồ Quang – Hu Guang), Mao có thái độ tự tôn. Một mặt ông ta ghét những người do Liên Sô đào tạo. Mặt khác ông có mặc cảm tự tôn đối với Hồ, công dân một nước từng triều cống Trung Hoa. Nhưng lúc ấy Mao chưa đủ mạnh để cưỡng lại sự sắp xếp của Stalin. Mao phải nghe theo Stalin liên hiệp với Quốc Dân Đảng lần thứ hai sau biến cố Tây An (Xian) năm 1936 để chuẩn bị chống Nhật. Cộng Sản Trung Hoa giúp đỡ phương tiện cho Hồ đi về phương Nam để:

– Dụ quân Nhật về phía Nam thay vì tấn công tây bộ Trung Hoa và đe dọa cả Liên Sô.

– Lập chiến khu chuẩn bị cướp chánh quyền sau khi Nhật đầu hàng để cho ra đời một nước Cộng Sản đầu tiên ở Đông Nam Á.

Các tài liệu lịch sử của Cộng Sản Việt Nam không nói rõ thời gian và nguyên nhân tại sao Ông Già Thu, biệt danh của Hồ khi ở hang Pắc Bó, Cao Bằng, đổi sang bí danh Hồ Chí Minh. Không cần mất nhiều thì giờ về chuyện nầy, chúng ta tạm chấp nhận bí danh HỒ CHÍ MNH xuất hiện vào năm 1942 hay 1943, tức là năm ông vượt biên giới Việt-Hoa sang Quảng Tây (Guangxi) và bị quân Quốc Dân Đảng bắt cầm tù. Bí danh Hồ Chí Minh là bí danh của Hồ Học Lãm (1884 - 1942, ông gốc người Nghệ An). Hồ Học Lãm là đại tá trong quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Vợ ông là người Hoa. Năm 1936 ông thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội được Hồ Chí Minh dùng và gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh năm 1941. Năm 1942 là năm Hồ Học Lãm mất. Rể của ông là Lê Thiết Hùng hợp tác chặt chẽ với Hồ Chí Minh. Cũng có thể bí danh Hồ Chí Minh được dùng vào năm 1943 sau khi tướng Trương Phát Khuê (Zhang Fa Kui) trả tự do cho Hồ Chí Minh để ông lấy tin tức về hoạt động quân sự của Nhật ở Việt Nam cho Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Chánh phủ Trùng Khánh (Chonqing) lúc bấy giờ chống Cộng mãnh liệt nên người tù Cộng Sản nầy còn mang bí danh của một đại tá Quốc Dân Đảng gốc người Việt Nam. Vị đại tá nầy từng theo nhà cách mạng Phan Bội Châu. Cháu ông là Hồ Tùng Mậu cùng với Lý Thụy (Hồ Chí Minh) thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội năm 1925.

*

Bây giờ tôi xin góp ý cùng học giả Hồ Tuấn Hùng:

Nếu Hồ Chí Minh là một sĩ quan cao cấp người Tàu tên là Hồ Tập Chương thì ông nầy đóng vai Nguyễn Ái Quấc từ năm 1932 về sau, tức là sau khi vị lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam nầy được khai tử vì bịnh lao. Ông Hồ Tập Chương là sĩ quan của Cộng Sản hay Quốc Dân Đảng Trung Hoa? Nếu là sĩ quan của Cộng Sản thì hơi lạ vì lúc ấy đảng Cộng Sản Trung Hoa chưa có chánh quyền mặc dù họ có Cộng Hòa Sô-Viết Giang Tây (Jiangxi) năm 1931. Chánh quyền nầy rất bấp bênh vì liên tục bị quân Quốc Dân Đảng tấn công đến nỗi vào năm 1934 Mao Xedong phải quyết định mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh, bỏ Jiangxi đi lên Shaanxi (Thiểm Tây). Nếu là sĩ quan Quốc Dân Đảng thì có thể học giả Hồ Tuấn Hùng nhầm với Hồ Học Lãm hay Hồ Ngọc Lãm với bí danh Hồ Chí Minh? Năm 1945 khi Hồ Chí Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Lãng ngồi trong tù và nghe người ta bàn tán về bí danh Hồ Chí Minh của Hồ Học Lãm, một đại tá Quốc Dân Đảng Trung Hoa.

Nếu Hồ Tập Chương đóng vai Hồ Chí Minh giả thì ông phải:

1- Có hình dạng giống như Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quấc, Lin, Lý Thụy, Tống Văn Sơ, v.v.).

2- Nói rành tiếng Việt bằng giọng Nghệ An vì người đọc bảng Tuyên Ngôn
Độc Lập ngày 02-09-1945 ở Hà Nội là Hồ Chí Minh. Giọng đọc là giọng Nghệ An. Hai câu đầu của bản Tuyên Ngôn nhấn mạnh đến cách mạng Hoa Kỳ và cách mạng Pháp hơn là cách mạng Tân Hợi hay cách mạng tháng 10 Nga. Do đó người ta nghi ngờ thiếu tá Patti là người soạn Bản Tuyên Ngôn Độc Lập nầy.

3- Nói và viết được tiếng Pháp vì Nguyễn Ái Quấc có viết Le Dragon de BambouLe Procès de la Colonisation Française.

4- Biết rành tiếng Việt từ ngôn ngữ nôm na đến từ Hán-Việt.

5- Biết chút tí tiếng Nga, tiếng Anh (vì Hồ Chí Minh từng đến Hoa Kỳ, sống và làm việc ở Anh) và tiếng Thái (năm 1928 Hồ Chí Minh sống ở Thái Lan dưới biệt danh Thầu Chín - Thầu: tiếng Thái có nghĩa là ông già).

Năm 1933 Hồ Chí Minh trở lại Moscow giữa lúc Stalin phát động cuộc Đại Thanh Trừng nhắm vào phe Trotsky và những đảng viên khả dĩ cạnh tranh quyền hành với ông. Nếu Hồ Tập Chương thay thế Lin, bí danh của Hồ Chí Minh ở Liên Sô, thì viên sĩ quan người Hoa nầy quá xuất chúng vì gạt được mật vụ Nga, Maurice Thorez, Dimitrov và cả Stalin! Lúc ấy Maurice Thorez của đảng Cộng Sản Pháp tố cáo với Stalin rằng Hồ Chí Minh thuộc khuynh hướng Trotskyite. Với lời cáo buộc độc hại nầy Hồ Chí Minh dễ bị thủ tiêu nếu không có sự che chở của Dimitrov, một lãnh tụ Cộng Sản Bulgaria và là cố vấn tin cậy của Stalin lúc bấy giờ. Maurice Thorez là lãnh tụ Cộng Sản Pháp. Nguyễn Ái Quấc gia nhập đảng Cộng Sản Pháp và được đảng nầy gởi sang Moscow thụ huấn. Chẳng lẽ Maurice Thorez không phân biệt được Nguyễn Ái Quấc thật với Hồ Tập Chương giả Nguyễn Ái Quấc?

Dimitrov là chủ tịch Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản từ năm 1934 đến 1943. Ông không đến nỗi hồ đồ và liều lĩnh khi bênh vực cho Hồ Chí Minh nếu ông chỉ biết lờ mờ về người nầy với một trọng tội đáng chết trong tâm não nhà độc tài Stalin: khuynh hướng Trotskyite như lời cáo buộc của Maurice Thorez.

Nếu Hồ Tập Chương giả làm Lin (Hồ Chí Minh) ở Moscow vào năm 1933 thì ông phải bị bịnh lao (TB) vì Lin có một thời gian nghỉ bịnh ở Sochi trên bờ Hắc Hải. Năm 1934 Lin được tái huấn luyện ở Học Viện Lenin. Hồ Tập Chương phải qua mặt trơn tru tất cả các mật vụ, đảng viên Cộng Sản Nga để diễn màn kịch giả nầy bằng cách khai chính xác lý lịch như Lin đã khai từ năm 1924? Hay có chữ viết, chữ ký giống như chữ viết của Lin đã có trong hồ sơ đảng viên lưu ở Moscow? Người ta có thể có hình hài và chữ ký giống nhau, nhưng không có chữ viết, lý lịch, năng khiếu ngôn ngữ và chánh trị như nhau.

Ông Nguyễn Lương Bằng và Phạm Văn Đồng là những người gia nhập vào Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ngay từ ngày mới thành lập, không lẽ không biết gì về Hồ Chí Minh suốt từ năm 1940 đến 1945 và sau đó?

Trong đệ nhị thế chiến lúc lực lượng Pháp Tự Do ở Yunnan (Vân Nam) cho rằng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quấc, là cán bộ Cộng Sản Quốc Tế. Lúc ấy Hồ Chí Minh hợp tác với chánh phủ Chongqing (Zhongqing) dưới bí danh Hồ Chí Minh và với OSS, tiền thân của CIA sau nầy, dưới bí danh Lucius (có nghĩa là "Minh", "Sáng", "Tỏa Sáng"). Vậy chánh phủ Chongqing và Hoa Kỳ đã dùng một người Trung Hoa giả làm cán bộ Cộng Sản Quốc Tế, nghĩa là OSS và chánh phủ Chongqing bị qua mặt dễ dàng? Nếu đó là một người Hoa, tại sao lại đặt tên núi Karl Marx, suối Lenin ở Pắc Bó năm 1941 mà không phải là núi Karl Marx và suối Mao Zedong? Để tránh lộ bí mật?

Nếu Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, thì vào năm 1942 Hồ Tập Chương bị quân Quốc Dân Đảng ở Trung Hoa bắt ở Quảng Tây về tội gì? Tại sao mang bí danh Hồ Chí Minh?

Năm 1946 Hồ Chí Minh sang Pháp. Mật thám Pháp nhận dạng Hồ Chí Minh năm 1946 với Nguyễn Tất Thành năm 1920. Sự cách biệt giữa hình dáng một thanh niên và một người ở tuổi ngũ thập niên có nhiều khác lạ. Nhưng chuyên viên nhận dạng của Pháp xác nhận rằng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quấc, căn cứ vào hình dáng của vành tai. Mặt, cằm, mũi, mí mắt có thể giải phẫu để thay đổi ngoại hình nhưng tai không thể giải phẫu được vì được cấu tạo bằng sụn.

Hồ Chí Minh là người được Liên Sô huấn luyện. Dù bị Stalin đe dọa tánh mạng vào thập niên 1930 và bị bỏ rơi sau khi cướp chánh quyền ở Hà Nội năm 1945 cũng như những năm đầu kháng chiến từ 1946 đến 1950, ông vẫn kính sợ và trung thành với nhà độc tài nầy. Thi sĩ Tố Hữu nhờ làm thơ xu nịnh, bợ đỡ Stalin mà được trông coi về văn hóa, kiểm soát tư tưởng các văn, thi sĩ, nhạc sĩ, kể cả những người dạy học với những câu thơ:

Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin.
*
Thương cha thương một, thương ông thương mười.
*
Thầy không theo Đảng,
Em không theo thầy.

Nhờ những câu thơ nầy mà ông lên đến chức phó thủ tướng!

Trong chiến tranh Việt-Pháp, Việt Minh nhận trên 80% viện trợ từ Trung Hoa Cộng Sản. Nhưng tại văn phòng làm việc của Hồ Chí Minh chỉ có ảnh của Lenin và Stalin mà thôi. Ảnh hưởng của Cộng Sản Trung Hoa rất nặng đối với Cộng Sản Việt Nam vì Việt Minh nhận võ khí, lương thực, thuốc men, cố vấn quân sự, cố vấn chánh trị và huấn luyện quân sự từ Trung Hoa Cộng Sản. Khi hồi sinh lại đảng Cộng Sản (giải tán năm 1945) dưới tên Đảng Lao Động Việt Nam, Hồ Chí Minh có hai mục tiêu rõ rệt:

a- Che dấu dư luận thế giới về sự hồi sinh của đảng Cộng Sản Đông Dương dưới danh xưng đảng Lao Động Việt Nam làm cho người ta nghĩ đến Đảng Lao Động hiền hòa ở Anh.

b- Ngầm cưỡng lại tư tưởng Mao Zedong. Chủ nghĩa Maoism nhắm vào nông dân, ngược lại với điều mà Lenin và Stalin luôn luôn nhấn mạnh và được Hồ Chí Minh tuân phục: Đảng Cộng Sản là đảng của giai cấp công nhân. Nếu Hồ Chí Minh thực sự là Hồ Tập Chương thì không thể nào dám có ý đối nghịch với Mao như vậy được. Không thể nào có sự hạ bệ Trường Chinh hay không trọng dụng Nguyễn Sơn và Nguyễn Chí Thanh, những đảng viên Cộng Sản được xem là thân Trung Hoa Cộng Sản.

Khrushchev hạ bệ Stalin khi vừa mới lên nắm quyền ở Liên Sô. Mao Zedong không ưa gì Stalin nhưng rất thích hiệu năng của chánh sách độc tài, nhẫn tâm và tôn thờ cá nhân của Stalin trong việc bảo vệ và phát huy quyền lực. Ông không ưa Khrushchev vì không thực tâm giúp đỡ cho Trung Hoa Cộng Sản có võ khí nguyên tử. Hồ Chí Minh phải trung thành vô điều kiện với nhà độc tài gốc Georgia nầy nhưng không dám bộc lộ tư tưởng chống chủ nghĩa xét lại của Khrushchev như Mao. Hồ Chí Minh luôn luôn xem Liên Sô là thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa thế giới và là ngọn hải đăng về khoa học kỹ thuật của khối Cộng Sản. Nếu ông là Hồ Tập Chương thì chắc chắn ông không dám bày tỏ sự trung kiên của mình đối với Moscow. Năm 1954 Hồ Chí Minh phải nghe lời Zhou Enlai (Châu Ân Lai) chấp nhận sự chia cắt đất nước giữa lúc Việt Minh nắm ưu thế quân sự ở miền Bắc và thắng Pháp ở Điện Biên Phủ vì ông tùy thuộc vào viện trợ của Trung Hoa Cộng Sản. Nếu ông cưỡng lại ý muốn của Beijing, liệu Việt Minh có thể tự túc để đánh bại quân Pháp trên khắp chiến trường Đông Dương không? Vả lại sự chia cắt Việt Nam được Liên Sô lẫn Trung Hoa Cộng Sản đồng ý. Liên Sô cần xả hơi sau cái chết của nhà độc tài Stalin. Malenkov rồi Khrushchev không muốn có sự căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây Phương. Trung Hoa Cộng Sản né tránh sự đụng độ có thể xảy ra giữa Trung Hoa Cộng Sản và Hoa Kỳ thời hậu Điện Biên Phủ nếu không có hiệp ước đình chiến Geneva 1954 chia đôi nước Việt Nam.

Năm 1957 có tin phe thân Trung Hoa Cộng Sản âm mưu lật đổ Hồ Chí Minh. lúc đó  đang đi thăm các nước Cộng Sản Âu Châu. Nhưng chuyện nầy không xảy ra vì không ai dám đứng ra cầm đầu cuộc "đảo chánh". Nếu Hồ Tập Chương là Hồ Chí Minh giả thì nghĩ đến đảo chánh làm gì? Nếu quả tình Hồ Tập Chương là Hồ Chí Minh giả thì Hồ Tập Chương thành công trong việc gạt Stalin, Malenkov, Khrushchev, Brezhnev của Liên Sô; Nehru của Ấn Độ; Sukarno của Indonesia, thiếu tá Patti của OSS Hoa Kỳ; Salan và Sainteny của Pháp; Zhang Fa Kuei của Quốc Dân Đảng Trung Hoa; 5 đời tổng thống Hoa Kỳ trên ba thập niên liên tiếp! Hồ Tập Chương của học giả Hồ Tuấn Hùng còn hơn...Vi Tiểu Bảo của Kim Dung (Kin Yung) gấp vạn lần!

 Nếu Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, tại sao ông không hưởng ứng Bước Tiến Nhảy Vọt (1958) và Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976) của Mao Zedong? Không chối cãi được rằng sau năm 1954 miền Bắc chịu ảnh hưởng sâu đậm của Cộng Sản Trung Hoa từ cách ăn mặc, âm nhạc, vũ điệu, chánh sách đấu tố trong cuộc cải cách ruộng đất, phong trào chỉnh huấn, trăm hoa đua nở, chế độ đại táo, tiểu táo, v.v… Ảnh của Mao Zedong được đặt bên cạnh ảnh của Hồ Chí Minh và Malenkov. Đó là lúc Trường Chinh còn giữ chức tổng bí thơ đảng Lao Động Việt Nam. Giữa làn sóng càn quét của tư tưởng Mao ở miền Bắc người ta lại nghe văng vẳng "Đây Liên Sô ca hát trên đồng quê" như là sự chống chọi gượng gạo của Hồ Chí Minh đối với "thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa". Năm 1967 Liên Sô trao huân chương Lenin cho Hồ Chí Minh nhưng ông không dám nhận vì sợ phật lòng Mao Zedong giữa lúc Hà Nội cần viện trợ của Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản láng giềng để đẩy mạnh cuộc chiến tranh "Ai thắng ai" ở miền Nam.

*

Bất cứ họ nào ở Trung Hoa cũng được tìm thấy ở Việt Nam. Dù là họ gì và thuộc chủng tộc nào, người sinh, sống và có quyền lợi lẫn bổn phận ở quốc gia nào thì mang quốc tịch của quốc gia đó. Ông Trần Thượng Xuyên không sinh ra ở Việt Nam nhưng có công khai phá Đồng Nai. Ông được phong tước quí tộc cao quí nhất và là Thượng Đẳng Thần. Các ông Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Phan Thanh Giản, Trần Tiển Thành... đều là những người Minh Hương được kính mến và có danh chức cao quí ở Việt Nam. Tất cả đều có những cống hiến lớn cho Việt Nam và hành sử như công dân Việt Nam. Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ đã mất vào thập niên 1860 với tư cách là một sứ thần Việt Nam. Trần Tiển Thành hành sử như một nhiếp chánh đại thần sau khi vua Tự Đức băng hà.

Từ thế kỷ XVIII đến nay các vua Anh đều có gốc Đức. Có phải vì vậy mà họ phục vụ cho quyền lợi nước Đức? Hai trận thế chiến vừa qua đã trả lời cho câu hỏi trên.

Thống chế Bernadotte trở thành vua Thụy Điển nhưng ông chỉ nói rành tiếng Pháp. Không vì vậy mà ông quên rằng ông là vua Thụy Điển. Ông phục vụ cho quyền lợi của quốc gia mà ông sắp đứng đầu khi cầm quân đánh nhau với quân của Napoléon I.

Tướng Eisenhower mang giòng máu Đức trong người. Ông sinh ra ở Hoa Kỳ, hưởng mọi quyền lợi của Hoa Kỳ. Ông là tướng của Hoa Kỳ. Khi được đề cử chỉ huy quân Đồng Minh để đánh Đức ở Âu Châu, ông làm bổn phận của một công dân Hoa Kỳ.

Trường hợp tương tự như thế được tìm thấy nơi Mendès France, người Pháp gốc Do Thái làm thủ tướng Pháp năm 1954; Sarkozy, người Pháp gốc Hung Gia Lợi và có huyết thống Do Thái được bầu làm tổng thống năm 2007; Hollande mà tổ tiên đến Pháp từ Hòa Lan được bầu làm tổng thống Pháp năm 2012. Các vị ấy là người Pháp và phục vụ cho quyền lợi nước Pháp chớ không phục vụ cho Do Thái, Hung Gia Lợi hay Hòa Lan.

Người Nga và Ukraine đều thuộc giống Slav nhưng không thể nói nước Nga và Ukraine là một được.

75% người Singapore gốc người Hoa, kể cả người lập quốc Singapore: Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu). Nhưng nước Singapore và nước Trung Hoa là hai chớ không thể là một nước!

Trong lịch sử Việt Nam có Hồ Quí Ly sáng lập ra nhà Hồ và tự nhận mình là con cháu nhà Ngu bên Trung Hoa nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Khi nhà Minh đem quân tấn công nước Đại Ngu, Hồ Quí Ly đánh trả mãnh liệt trước khi bị bắt đem về Trung Hoa. Sự đề kháng của Hồ Quí Ly trước quân Minh cho thấy ông muốn minh định câu:

Nam Quốc sơn hà nam đế cư

của Lý Thường Kiệt từ thế kỷ XI.

Có thể tôi sai lầm vì không tin có một Hồ Tập Chương đóng kịch giả Hồ Chí Minh gần 40 năm dài. Lý trí tầm thường của tôi cho thấy một nước lớn, giàu, mạnh chinh phục một quốc gia nhỏ bé bằng nhiều cách, kể cả những chuyện cường điệu hoang đường. Theo sự mô tả Hồ Tập Chương là một người siêu phàm, nhưng siêu phàm cách mấy ông cũng thất bại vì không ai biến GIẢ thành THẬT và biến THẬT thành GIẢ gần 40 năm khắp thiên hạ được. Đó là một hoang tưởng.

Dù Hồ Chí Minh không phải là Hồ Tập Chương, ông mang thân xác Việt nhưng tâm hồn Nga. Ông được Liên Sô huấn luyện và trả lương. Ông phải phục vụ cho nước Nga. Ông phục dịch cho Borodin ở Quảng Châu năm 1925. Năm 1927 ông chạy về Moscow để tránh sự đàn áp của quân Tưởng Giới Thạch. Năm 1933 khi thoát khỏi bịnh viện ngục thất Hong Kong, ông tìm đường chạy về Moscow. Vì lợi ích của đế quốc Liên Sô ông gây đổ vỡ cho đất nước Việt Nam, phân ly và chia rẽ dân tộc bằng chủ nghĩa Cộng Sản, sự triệt tiêu và miệt thị trí thức, chiến tranh tang tóc trên quê hương suốt một phần ba thế kỷ XX. Những người Cộng Sản hậu duệ của ông tôn sùng "tư tưởng Hồ Chí Minh", tiếp nối con đường do ông vạch ra bằng thân xác Việt Nam với hồn ngoại quốc, hay nói rõ hơn, bây giờ là xác Việt nhưng hồn Tàu vì Liên Sô không còn nữa. Hậu quả của sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam là:

– Tượng lớn nhất ở Việt Nam là tượng của Lenin ở Hà Nội.

– Việc bang giao giữa CHXHCNVN với CHNDTQ dựa vào Bốn TốtMười Sáu Chữ Vàng.

– Hồng kỳ Trung Hoa có thêm một ngôi sao thấp thoáng xuất hiện ở Việt Nam.

– Ngày Ngàn Năm Thăng Long năm 2010 là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Cộng Sản (01-10).

– Tướng lãnh điều khiển bộ Quốc Phòng CHXHCNVN không ngớt kêu gọi nhẫn nhục ba la mật trước sự xâm lấn của cường quốc lân phương Bắc, quốc gia đồng châu, đồng chủ nghĩa và đồng màu cờ đỏ.

– Tướng công an lên chức dập dìu nhờ năng nổ trong việc đàn áp, bắt bớ và giam cầm những người còn chút ưu tư đến sự tồn vong của đất nước.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

____________

Tài liệu xem thêm:

– Một góp ý khác về vấn đề này, cũng của Phạm Ðình Lân: Vài Sự Kiện Lịch Sử và Giả Thuyết Góp Ý Cùng Tác Giả Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo
– Bài tóm tắt tác phẩm “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của Trần Bình Nam: Một nghi án lịch sử: Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người?

 


Cái Đình - 2013