Phạm Đình Lân


Vài Sự Kiện Lịch Sử và Giả Thuyết Góp Ý Cùng Tác Giả Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo

 

Tôi đã viết một bài góp ý với tác giả Hồ Tuấn Hùng về Hồ Chí Minh: Người Việt Hay Tàu? Trong bài viết nầy tôi không lập lại những gì đã viết mà chỉ bổ túc một số chi tiết cần mổ xẻ và thảo luận cặn kẽ trong việc tìm kiếm sự thật. Sự kiện lịch sử có tính vô tư và bất di bất dịch. Nó luôn luôn được giới hạn bởi không gian và thời gian. Sự hiểu biết của tôi không được phong phú lắm nhưng tôi vẫn mạnh dạn nêu ý kiến của mình trong việc tìm kiếm sự thật vì tôi quá "thán phục" cách diễn tuồng giả của ông Hồ Tập Chương.

Theo tác giả Hồ Tuấn Hùng:

I- Hồ Tập Chương là một trong bảy người đại diện các tổ chức Cộng Sản thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930.

Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời ở Hong Kong vào ngày 03 tháng 02 năm 1930. Theo tác giả, Hồ Tập Chương là người Trung Hoa trong số bảy đại diện các tổ chức Cộng Sản Việt Nam hợp nhất để thành lập ra đảng Cộng Sản Việt Nam. Bảy người đó là Trịnh Đình Cửu (1906 - 1990), Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932): đại diện cho tổ chức Cộng Sản ở Bắc Kỳ; Nguyễn Thiệu (1903 - 1990), Châu Văn Liêm (1902 - 1930): đại diện cho tổ chức Cộng Sản ở Trung Kỳ và Nam Kỳ); Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau nầy), Hồ Tùng Mậu (1896 - 1951), Lê Hồng Sơn (1899 - 1933): đại diện tổ chức Cộng Sản hải ngoại. Trong bảy người nầy có một người họ HỒ là Hồ Tùng Mậu. Ông nầy là người Nghệ An, cháu của Hồ Học Lãm, một đại tá của Quốc Dân Đảng Trung Hoa có vợ người Hoa. Năm 1923 Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ tách ra khỏi Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và Cường Để để thành lập Tâm Tâm Xã. Năm 1925 Lý Thụy (Hồ Chí Minh) cùng Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn) thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Hồ Tùng Mậu bị phi cơ Pháp bắn chết ở Thanh Hóa năm 1951.

Điều ngộ nghĩnh là trong cuộc họp mặt của bảy người lại có hai người có hình hài và lý lịch giống nhau như đúc, một Việt, một Hoa và cả hai đều là cán bộ Cộng Sản Quốc Tế. Vậy mà không thấy tài liệu nào đề cập đến trước khi cuốn sách của ông Hồ Tuấn Hùng được viết ra!

II- Hồ Tập Chương là một cán bộ Cộng Sản Quốc Tế

Trong 28 Bolsheviks Trung Hoa do Moscow đào luyện ở Đại Học Sun Yatsen vào giữa thập niên 1920 đến đầu thập niên 1930, không có người nào họ HỒ âm theo quan thoại là HU cả. Tôi xin dài dòng ghi lại danh sách 28 Bolsheviks Trung Hoa vào thập niên giữa 1920 và đầu thập niên 1930: Wang Ming, Meng Qingshu (vợ Wang Ming), Bo Gu, Zhang Wentian, Yang Shangkun, Chen Changhao, Du Zuoxiang (vợ của Chen Changhao), Shen Zemin, Zhang Qinqiu (vợ của Shen Zemin), He Kequan tức Kai Feng, Xia Xi, He Zishu, Sheng Zhongliang, Wang Shengrong, Wang Yuncheng, Zhu Agen, Zhu Zhishun )nữ', Sun Jimin, Song Panmin, Chen Yuandao, Li Zhusheng, Li Yuanjie, Wang Shengdi, Xiao Tefu, Yin Jian, Yuan Jiayong, Wang Badi, Wang Jiaxiang. Người dự khuyết số 29 là Xu Jixin . [Ghi chú: Chữ HE: Hà (Hà: sông, họ Hà) chớ không phải Hồ]. Hồ Tập Chương bị tội gì với comintern (Quốc Tế Cộng Sản) đến phải bị triệu về Moscow năm 1933 và có thể bị tử hình?

Chúng ta chưa có câu trả lời về chuyện nầy dù là câu trả lời vu vơ, mù mờ. Trái lại, chúng ta có sự kiện hiển nhiên nầy: Năm 1933 báo chí Hong Kong loan tin Nguyễn Ái Quấc dưới bí danh Tống Văn Sơ (Song Wen Shu) đã chết để chánh quyền Anh ở Hong Kong không giao Nguyễn Ái Quấc cho chánh quyền Pháp ở Đông Dương. Lúc ấy Paul Vaillant Couturier, một Ủy Viên Trung Ương đảng Cộng Sản Pháp có mặt ở Shanghai (Thượng Hải). Ông giúp Nguyễn Ái Quấc móc nối với đảng Cộng Sản Trung Hoa. Nguyễn Ái Quốc được sự giúp đỡ của bà Song Qinling (Tống Khánh Linh), góa phụ của Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) và chị vợ của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch), để xuống tàu đi Vladivostok (Hải Sâm Uy) rồi ngồi xe lửa về Moscow. Về Moscow Lin, tên Nga của Nguyễn Ái Quấc, gặp vô vàn khó khăn trong cuộc đại thanh trừng của Stalin. Maurice Thorez tố cáo ông có khuynh hướng Trotskyite và còn nặng lập trường ủng hộ giới nông dân giống như Mao Zedong mà Stalin không thích, lập trường "quốc gia" chống Pháp với câu hỏi đầu môi tại đại hội Tours cuối năm 1920 Quốc Tế nào giải phóng thuộc địa? và cách mạng toàn thế giới sau cách mạng quốc gia (giống như chủ trương của Trotsky) như đã ghi trong cuốn Đường Kách Mệnh do ông viết ở Guangzhou (Quảng Chấu) năm 1926.

Hitler là người chống Cộng Sản cuồng nhiệt sắp nắm chánh quyền ở Đức. Stalin thấy có nhu cầu cần liên kết với Pháp, quốc gia có quá khứ lịch sử không mấy thân thiện với Đức, để chống lại chủ nghĩa phát xít. Ngày 29-11-1932, hiệp ước bất tương xâm Pháp-Liên Sô được ký kết. Một thỏa ước khác được ký ngày 05-12-1934. Năm 1935 thủ tướng Laval sang Moscow và ký hiệp ước tương trợ hỗ tương với Liên Sô ngày 02-05-1935. Tội của Lin (Nguyễn Ái Quấc) dưới mắt Stalin là tội đáng tử hình vì được xem là có khuynh hướng Trotskyite. Những hoạt động chống Pháp lại sai với đường lối của Cộng Sản Quốc Tế. Sau khi Laval từ Moscow về nước, đảng viên Cộng Sản Pháp hát quốc ca La Marseillaise chớ không hát bài L'internationale (Quốc Tế Ca)! Ngày 10-12-1944 De Gaulle sang Moscow và ký hiệp ước tương trợ hỗ tương với Liên Sô trong vòng 20 năm nên Stalin không có một lời ủng hộ Hồ Chí Minh khi ông kêu gọi chống Pháp năm 1946. Dưới thời chánh phủ Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) của Léon Blum (1936) đảng Cộng Sản Quốc Tế ủy nhiệm cho đảng Cộng Sản Pháp giám sát đảng Cộng Sản Đông Dương. Chính Hà Huy Tập (được huấn luyện ở Moscow năm 1929) cũng lên án Nguyễn Ái Quấc đi sai đường lối của Quốc Tế Cộng Sản trong đại hội đảng ở Ma Cao năm 1935. Hà Huy Tập biết Nguyễn Ái Quấc tức Lin (tên Nga) chớ không biết Hồ Tập Chương nào cả.

Lin thoát chết năm 1933 là nhờ sự đỡ đầu của Georgi Mikhalovich Dimitrov (1882 - 1949), một cố vấn có ảnh hưởng đối với Stalin và tổng bí thơ của Comintern (Quốc Tế Cộng Sản) từ năm 1934 đến 1943.

III- Bà Vera Vasilieva thấy Hồ Tập Chương có lý lịch giống Nguyễn Ái Quấc tức Lin nên chọn Hồ Tập Chương giả làm Nguyễn Ái Quấc.

Ở điểm nầy chúng ta thấy có sự vô lý vì vào thập niên 1920 có nhiều người Việt Nam được Quốc Tế Cộng Sản huấn luyện ở Moscow như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo. Vào đầu thập niên 1930 có Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn, v.v... Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu là đảng viên đảng Cộng Sản Pháp từng học và sống ở Pháp. Năm 1935 Lê Hồng Phong được Quốc Tế Cộng Sản bầu làm Ủy Viên Trung Ương đảng Cộng Sản Quốc Tế trong khi Lin không được danh dự nầy. Điều nầy cho thấy Lin (Nguyễn Ái Quấc) bị Stalin nghi ngờ và thất sủng. Nhờ sự che chở của Dimitrov ông thoát chết và được đưa đi học ở Học Viện Lenin năm 1934. Vậy phải kiếm người đóng vai Nguyễn Ái Quấc giả làm gì? Lê Hồng Phong hay Hà Huy Tập đều là Cộng Sản Quốc Tế có tên Nga. Lê Hồng Phong sinh năm 1902. Năm 1923 ông là một trong những người sáng lập ra Tâm Tâm Xã, một tổ chức của các đảng viên trẻ của Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và Cường Để. Lúc ấy ông mới 21 tuổi. Năm 1925 ông cùng Lý Thụy (Hồ Chí Minh) và một số đảng viên Tâm Tâm Xã thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Lê Hồng Phong (1902 - 1942) được xem là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Đông Dương sau khi Trần Phú chết năm 1931. Năm 33 tuổi ông được bầu làm Ủy Viên Trung Ương Cộng Sản Quốc Tế. Như vậy ông không xứng đáng bằng Lin (Nguyễn Ái Quấc) hay sao mà phải tìm người giả Nguyễn Ái Quấc là một người Hà Cá Đài Loan (Taiwan)? Sự thật Nguyễn Ái Quấc vẫn còn sống và bị bịnh lao. Ông bị Stalin thất sủng vì lời tố cáo của Maurice Thorez và vì ông quá hăng say trong vai trò chiến sĩ Cộng Sản chống thực dân, tư bản Pháp nên không thấu triệt đường lối của Stalin, linh hồn của Cộng Sản Quốc Tế, như đã trình bày ở phần trên.

Vấn đề được đặt ra là đưa một người Trung Hoa đóng vai Nguyễn Ái Quấc giả như vậy có lợi gì cho Liên Sô giữa lúc Stalin khó chịu về sự đối kháng bộc phát lẫn ngấm ngầm của Mao Zedong?

Câu hỏi nầy không có câu trả lời thỏa đáng.

Tôi không tin việc đóng kịch Nguyễn Ái Quấc giả nầy do đảng Cộng Sản Trung Hoa dựng lên vì lúc bấy giờ Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây) bị quân Chiang Kaishek ráo riết tấn công đến nỗi phải mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934 - 1935) để tự cứu. Hai con của Mao Zedong với bà vợ thứ nhì bị quân Quốc Dân Đảng giết chết. Bà vợ thứ nhì của ông trở nên điên loạn. Mao Zedong vốn không thích những người từ Moscow về vì những người ấy đe dọa địa vị của ông nếu ông nghe theo sự chỉ huy của Stalin. Mao từng xung đột nẩy lửa với Zhang Guotao (Trương Quốc Đào, 1896 - 1979), người chủ trương theo đúng giáo điều do Quốc Tế Cộng Sản vạch ra. Zhang Guotao chịu lép vế trước Mao sau khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh kết thúc ở Shaanxi (Thiểm Tây). Năm 1937 Zhang bị loại ra khỏi đảng. Năm 1938 ông trốn theo Quốc Dân Đảng. Năm 1949 ông không theo Chiang Kaishek ra Taiwan mà sống ở Hong Kong. Năm 1968 ông được con bảo lãnh sang Toronto và mất ở đó năm 1979.

Tác giả Hồ Tuấn Hùng có lẫn lộn chuyện Hồ Tập Chương (?) cán bộ Cộng Sản Quốc Tế (?) bị triệu hồi về Moscow năm 1933 với chuyện tổng bí thơ đảng Cộng Sản Trung Hoa Li Lisan (Lý Lập Tam, 1899 - 1967; tổng bí thơ: 1920 - 1930) bị Quốc Tế Cộng Sản gọi về Moscow năm 1930 và bị giam 16 năm trường vì không trọng dụng 28 Bolsheviks Trung Hoa, đứng đầu là Wang Ming (Vương Minh)? Khi Li Lisan ở Moscow, Wang Ming lên làm tổng bí thơ đảng (1930 - 1931). Trong cách mạng văn hóa Li Lisan bị bưộc tội thân Liên Sô và có vợ Nga. Ông bị hành hạ, nhục mạ đến chết năm 1967.

IV- Hồ Chí Minh không tiếp anh (Nguyễn Tất Đạt) và chị (Nguyễn Thị Thanh) vì ông ta không phải là Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quấc mà là Hồ Tập Chương.

Các cán bộ Cộng Sản Việt Nam giải thích thái độ lạnh nhạt nầy bằng cách nói rằng "Bác" quá bận rộn quốc sự nên không có thì giờ tiếp người thân! Cả hai cách giải thích trên chỉ thuyết phục người nghe lối 20% - 30% mà thôi.

Hồ Chí Minh là người du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam thay cho Quốc Tế Cộng Sản do Lenin thành lập năm 1919. Ông được dạy phải vất bỏ ý niệm về quốc gia (tổ quốc), gia đình, tôn giáo. Stalin rất hỗn hào với mẹ ông và oán ghét cha ông. Mao Zedong thương mẹ nhưng luôn luôn chống đối cha. Hồ Chí Minh đoạn tuyệt với cha sau khi bị cha ông rầy vì thiếu lễ độ với Phan Châu Trinh (bạn của cha ông và là người ơn của ông) sau khi ông gia nhập vào đảng Cộng Sản Pháp. Ông phải lãnh đạm với người trong gia đình để nêu gương người Cộng Sản chân chính. Ông cần danh hiệu Cominterchik (người xả thân cho Quốc Tế Cộng Sản) chớ không cần chữ HIẾU. Chữ nầy vắng bóng trong tâm não người Cộng Sản.

95% những người lãnh đạo Cộng Sản đều xuất thân từ những gia đình khá giả và có học nhưng ai cũng nói mình xuất thân từ giới bần nông vô sản! Đó là thuật mị dân và tuyên truyền dối láo. Lenin tốt nghiệp đại học luật khoa; Trotsky có bằng tiến sĩ; Mao Zedong tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm; Zhou Enlai du học ở Nhật, Pháp; Deng Xiaoping học ở Pháp, Liên Sô; Fidel Castro có bằng tiến sĩ. Thân phụ ông Hồ Chí Minh là quan lại ở bộ Lễ rồi tri huyện Bình Khê. Cha ông Phạm Văn Đồng là quan lại triều đình thời vua Duy Tân. Gia đình Trường Chinh Đặng Xuân Khu là gia đình khoa bảng, quan lại giàu có ở Hành Thiện, Nam Định. Thân sinh Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) là tổng đốc v.v… Vậy phải tin như thế nào mới đúng? Im lặng là chấp nhận mọi sự đúng, sai như nó đang diễn ra.

Nếu cho rằng Hồ Chí Minh không tiếp anh, chị vì đó là Hồ Tập Chương chớ không phải Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quấc, vậy tại sao năm 1957 ông lại đi thăm làng Kim Liên?

Tại sao ông mời Loseby sang Hà Nội làm gì cho dễ lộ tông tích?

Nếu Hồ Tập Chương đóng tuồng giả khéo léo gần 40 năm, gạt hàng trăm triệu người trên thế giới, sao lại thất cẩn đến thế? Trước khi Hồ Tuấn Hùng nói về Hồ Tập Chương giả làm Hồ Chí Minh, không thấy một ký giả Tây Phương hay Việt Nam phi Cộng Sản nào biết Nguyễn Ái Quốc vào những năm 1920 và 1930 nêu lên một sự hoài nghi tối thiểu nào về Hồ Chí Minh giả.

Ở tuổi 55 Hồ Chí Minh xưng CỤ HỒ rồi BÁC HỒ với đồng bào ông. Hình tượng ông được tìm thấy khắp nơi: công sở, bến xe, trên giấy bạc, trên tem thơ, v.v... Ở điểm nầy chúng ta thấy ông xem thường các anh hùng dân tộc với sự nghiệp bảo quốc hào hùng và kiến quốc vĩ đại như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung, v.v... Ben Gurion có công lập quốc Do Thái năm 1948. Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) có công lập quốc Singapore. Cả hai quốc gia đều phồn vinh; dân chúng sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Nhưng cả hai vị ấy không hề xưng là Cha Già Dân Tộc, không dựng tượng mình khắp các nẻo đường đất nước hay đặt bài ca đinh tai điếc óc rỉ rả suốt năm nầy đến năm nọ.

Với một người kiêu ngạo, say sưa danh vọng và quyền hành như vậy thì việc ông Hồ Chí Minh không tiếp anh chị của ông vì ông tự hào với danh phận hiện có và cảm thấy không có danh dự gì có anh chị quê mùa. Đó là chưa nói đến cảnh xa mặt cách lòng của một gia đình ly tán trên 30 năm liền nên không còn nhung nhớ, thương yêu theo tình ruột thịt. Bà Thanh, ông Đạt là những người quê mùa sống thiếu thốn ở Huế và Nghệ An. Còn người kia sống ở Pháp, Anh, Nga, Trung Hoa, được trang bị bằng nếp sống thành thị, văn hóa phương Tây và văn hóa Marx-Lenin. Chắc chắn giữa Hồ Chí Minh và bà Thanh, ông Đạt tức Khiêm không có điểm chung nào cả.

V- Bà Zeng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh) không gặp được Hồ Chí Minh vì ông là Hồ Tập Chương chớ không phải Lý Thụy (Nguyễn Ái Quấc), người cưới bà vào năm 1926.

Zeng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh) là nữ đảng viên Cộng Sản Trung Hoa. Có thể bà cũng yêu Lý Thụy thật lòng nhưng đảng Cộng Sản Trung Hoa bố trí cho bà làm vợ Lý Thụy là để làm công tác gián điệp hơn là làm vợ theo nghĩa bình thường. Lý Thụy (Nguyễn Ái Quấc) xa vợ năm 1927. Năm 1930 ông trở lại Hong Kong để thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam. Bà Zeng Xue Ming cũng không gặp lại ông. Năm 1931 ông bị bắt và đưa về Hong Kong. Năm 1938 ông trở lại Trung Hoa hoạt động. Zeng Xue Ming trong thời gian nầy vẫn còn sống và không gặp lại ông lần nào. Bà chết vào năm 1991. Cộng Sản Trung Hoa giấu mỹ nhân để Cộng Sản Việt Nam thần thánh hóa lãnh tụ của họ bằng cách loan truyền rằng ông là người độc thân vì suốt đời chỉ hy sinh cho đất nước và đồng bào. Sự thần thánh hóa lãnh tụ trở thành một nhược điểm to tát của Cộng Sản Việt Nam vì Beijing tung ra những sự thật "thật" lẫn sự thật "giả" để phá vỡ thần tượng của cả một dân tộc khi họ thấy cần phải làm như vậy!

Hiện họ đang làm công việc ấy bằng nhân vật Hồ Tập Chương của "học giả" Hồ Tuấn Hùng khiến Cộng Sản Việt Nam phải ngậm đắng, nuốt cay và đau khổ trong thầm lặng. Họ làm như vậy vì trong quá trình hoạt động cho đến khi có quyền, lúc nào Hồ Chí Minh cũng trung kiên với Liên Sô và dè dặt với Trung Hoa (hiệp ước sơ bộ 06-03-1946 đẩy quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra khỏi Bắc Bộ); tên đảng Lao Động Việt Nam năm 1951; không trọng dụng Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh trong thời kỳ kháng chiến; hạ bệ Trường Chinh (1956); không hưởng ứng sự chỉ trích của Mao Zedong đối với chủ nghĩa xét lại của Kruschchev; không hưởng ứng Bước Tiến Nhảy Vọt của Mao (1958); không hưởng ứng Cách Mạng Văn Hóa của Mao và Jiang Qing (Giang Thanh) (1966 - 1976); được huân chương Lenin (1967), v.v...  Beijing chỉ phái một phó thủ tướng đi dự đám tang Hồ Chí Minh năm 1969 chứng tỏ họ không mặn nồng với Hồ Chí Minh lắm.

Là người Cộng Sản say sưa với danh tiếng và sự nghiệp trong thế giới Cộng Sản, Hồ Chí Minh không ngừng biết ơn Lenin, Stalin, Quốc Tế Cộng Sản Liên Sô chớ không đề cập một chữ nào về cha mẹ hay anh em mình, đừng nói chi đến vợ con. Không phải ông không có vợ. Trái lại ông có rất nhiều tên phụ nữ được gắn liền với tên ông như Lê Thị Huệ thời thanh niên ở Sài Gòn, Zeng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh) ở Guangzhou (Quảng Châu), Nguyễn Thị Minh Khai (Hong Kong vào năm 1930), Đỗ Thị Lạc (Pắc Bó), Nông Thị Xuân thời kháng chiến chống Pháp, v.v... Nhưng không ai là vợ chánh thức và không đứa trẻ nào ra đời được ông nhìn nhận cả vì ông muốn tự Thánh hóa và được người đời tôn sùng là Cha Già Dân Tộc.

VI- Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai làm lễ cưới ở một quận trong thành phố Moscow trước sự hiện diện của Lin (Nguyễn Ái Quấc) chứng tỏ rằng Lin đó là Hồ Tập Chương chớ không phải Nguyễn Ái Quấc.

Năm 1931 lễ truy điệu Trần Phú được các học viên ở Moscow tổ chức. Nhiều tài liệu cho rằng lễ truy điệu dành cho Nguyễn Ái Quấc và Trần Phú. Trần Phú là tổng bí thư của đảng Cộng Sản Đông Dương. Ông từng được huấn luyện ở Moscow. Ông chết vì bịnh tim năm 1931. Vào lúc nầy chưa có tin Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quấc) chết vì bịnh lao trong bịnh viện khám đường Hong Kong nên không thể nói là truy điệu cho Nguyễn Áí Quấc được.

Nguyễn Ái Quấc đã chết rồi còn phải giả làm gì? Tên Lin vẫn còn? Đám cưới giữa Lê Hồng Phong-Nguyễn Thị Minh Khai trước sự có mặt của Lin (Lin giả theo Hồ Tuấn Hùng) chứng minh Nguyễn Ái Quấc đã chết nên Nguyễn Thị Minh Khai tự nhiên có chồng khác?

Liên hệ Nguyễn Thị Minh Khai-Nguyễn Ái Quấc ở Hong Kong năm 1930 là chuyện tình vụng trộm của một người thơ ký trẻ tuổi, xinh đẹp với một ông "chủ" hay "xếp" giả hoạt động bí mật. Đó là phương cách chấm dứt cảnh cô đơn và giải quyết nhu cầu cần phải có của những người cô đơn và hoạt động bí mật. Theo dư luận họ là vợ chồng. Nhưng họ không có gì ràng buộc để đối xử với nhau như vợ chồng cả (không hôn lễ, không hôn thú, không chứng nhân trong ngày cưới, không con cái, v.v…).

Nguyễn Thị Minh Khai sinh năm 1910, Nguyễn Ái Quấc (HCM) sinh năm 1890. Sự cách biệt tuổi tác giữa hai người là 20 tuổi. Trong một xứ nông nghiệp, xã hội Khổng Giáo, 60 tuổi được xem là trường thọ thì sự cách biệt 20 tuổi là tuổi của cha và con. Năm 1935 Nguyễn Thị Minh Khai đến Moscow dự đại hội Cộng Sản Quốc Tế với tư cách nữ đảng viên của đảng Cộng Sản Đông Dương. Lúc ấy bà mới 25 tuổi. Bà dùng tên của Lin như chồng bà khi đặt chân lên vùng đất xa lạ, mật vụ chằng chịt để tự trấn an lấy mình. Nếu năm 1930 bà xem Nguyễn Ái Quấc là thần tượng được Quốc Tế Cộng Sản huấn luyện và trao cho nhiệm vụ chánh trị to lớn trên một địa bàn mênh mông thì cái nhìn của bà vào con người ấy vào năm 1935 hoàn toàn trái ngược. Lin (NAQ) tiều tụy vì bịnh lao, chao đảo sợ sệt vì bị xem là Trotskyite. Lin bị thất sủng. Năm ấy Lin (NAQ) 45 tuổi. Nguyễn Thị Minh Khai gặp Lê Hồng Phong, 33 tuổi, trẻ đẹp và đầy sức sống, lại được huấn luyện chánh trị lẫn kỹ thuật lái phi cơ ở Liên Sô. Trên thực tế người thanh niên này là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Đông Dương sau cái chết của Trần Phú. Lin không được mời dự Đại Hội Quốc Tế Cộng Sản năm 1935. Thân phận của ông lúc bấy giờ là thân phận của người bị điều tra và xét xử. Trái lại Lê Hồng Phong tham dự đại hội và được bầu làm Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương Quốc Tế Cộng Sản. Việc Nguyễn Thị Minh Khai lựa chọn Lê Hồng Phong làm chồng không có gì là bất thường  hay khó hiểu cả. Đối với Quốc Tế Cộng Sản sự lựa chọn ấy không có gì thiệt hại cho tổ chức cả vì cả hai đều là người Cộng Sản thuần thành. Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh cho rằng năm 1935 là năm ông mất địa vị trong đảng Cộng Sản Quốc Tế dưới mắt Stalin và mất người yêu trẻ Nguyễn Thị Minh Khai. Để tránh sự thương tổn tâm lý của Lin (NAQ) tài liệu Cộng Sản Việt Nam cho rằng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai làm một lễ cưới sơ sài ở Shanghai (Thượng Hải) chớ không phải ở Liên Sô nhưng họ không nêu rõ năm nào.

VII- Chỉ có Nguyễn Ái Quấc giả tức Hồ Tập Chương mới đủ trình độ sáng tác tập thơ Nhật Ký Trong Tù.

Tác giả Hồ Tuấn Hùng muốn dùng thi phong của Nhật Ký Trong Tù để chứng minh tác giả là Hồ Tập Chương, người Hà Cá Đài Loan tức là Hồ Chí Minh giả (lúc ấy đã có bí danh Hồ Chí Minh). Hồ Tuấn Hùng không cho người đọc biết tại sao có bí danh Hồ Chí Minh, cũng không hề đề cập đến Hồ Học Lãm, một đại tá trong quân đội Quốc Dân Đảng gốc ở Nghệ An. Chính Hồ Học Lãm có bí danh Hồ Chí Minh và là người thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội ở Nanjing (Nam Kinh) năm 1936. Năm 1941 Hồ Chí Minh (NAQ) mượn danh xưng tổ chức nầy để khai sinh ra Mặt Trận VIỆT MINH (1905 - 1941).

Tác giả Hồ Tuấn Hùng có thể là một đảng viên Cộng Sản nên ít để ý đề cập đến Zhang Fa Kui (Trương Phát Khuê) và Quốc Dân Đảng trong việc xử dụng Hồ Chí Minh để lấy tin tức quân sự của Nhật ở Đông Dương cũng như OSS xử dụng Hồ Chí Minh trong công tác tương tự dưới bí danh bằng tiếng La Tinh LUCIUS có nghĩa là "Sáng", "Minh", "Chiếu Sáng" đối lại với MINH trong bí danh Hồ Chí Minh của Hồ Học Lãm (1884 - 1942) mà ông dùng từ năm 1942 cho đến khi chết. Hồ Chí Minh và Phan Bôi (em của Phan Khôi) là hai người Việt Nam cộng tác với OSS trong đệ nhị thế chiến. Vô tình hay cố ý tác giả có vẻ biết rất ít về các nhà cách mạng Việt Nam thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa: khuynh hướng Cộng Sản (Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Sơn, v.v.), Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh, Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm, v.v.), thân Nhật với Việt Nam Quang Phục Hội rồi Phục Quốc (Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội) (Trần Trung Lập, Hoàng Lương, Bồ Xuân Luật,v.v.).

Dùng thi phong trong Nhật Ký Trong Tù để chứng minh tác giả không phải là Hồ Chí Minh người Việt có vẻ không vững lắm. Năm 1925 Nguyễn Ái Quấc đến Guangzhou (Quảng Châu) để làm thông dịch cho Borodin, cố vấn của Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) trong thời kỳ Quốc-Cộng Liên Minh lần thứ nhất (1923 - 1927). Chắc chắn ông nói, nghe và hiểu thông suốt tiếng Nga và tiếng Quảng Đông hay Quan Thoại. Thân sinh Nguyễn Tất Thành (NAQ) là một phó bảng, tức là người có trình độ chữ Hán cao hơn cử nhân. Ông ngoại của Nguyễn Tất Thành là thầy dạy học của cha ông. Như vậy chuyện giỏi chữ Hán đối với gia đình ông không phải là một điều lạ. Ở Trung Kỳ mãi đến năm 1918 Hán học mới bị bãi bỏ nên Nguyễn Tất Thành có học chữ Hán lúc ấu thời. Khi ở Paris Nguyễn Tất Thành từng mưu sinh bằng nghề viết chữ Hán trên đồ cổ Trung Hoa giả để độ nhật. Ở Paris ông sống gần gũi với phó bảng Hán học Phan Châu Trinh, bạn đồng liêu của thân phụ ông. Cũng không chối cãỉ được rằng ông đã viết Dragon de BambouProcès de la Colonisation Française bằng tiếng Pháp. Dĩ nhiên cũng có người giúp sửa chữa chút ít. Ông không có học vị nhưng ông có quyết tâm làm sao cho người khác hiểu ý mình muốn nói. Nhật Ký Trong Tù ra đời cũng giống như Ngục Trung Thư khi Phan Bội Châu bị Long Shiguang (Long Tế Quang) cầm tù ở Guangzhou năm 1913 hay Mein Kampf được Hitler viết ra từ ngục tù Munich. Trình độ học vấn của Hitler và Hồ Chí Minh ngang nhau. Hồ Chí Minh biết nhiều ngôn ngữ và nhiều quốc gia trên thế giới hơn Hitler. Khi ở Paris, lúc hoạt động bí mật ở Trung Hoa hay trong chiến khu, ông vẫn thường viết báo (bằng tiếng Việt và Pháp) và viết sách như Đường Kách Mệnh (1926), Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc (viết trong thời chiến tranh Việt-Pháp) v.v... Như vậy có gì lạ khi ông là tác giả tập thơ Nhật Ký Trong Tù?

Vào thập niên 1860 hoàng đế Napoléon III ngạc nhiên về khả năng nói và viết tiếng Pháp của Pétrus Trương Vĩnh Ký. Sau đệ nhất thế chiến các nhà trí thức Việt Nam ở Paris hân hạnh với Nguyễn An Ninh khi ông lấy cử nhân luật khoa trong một năm (đặc ân dành cho thí sinh có khả năng bị gián đoạn việc học hành vì đệ nhất thế chiến 1914 - 1918). Nguyễn Mạnh Tường lấy tiến sĩ luật và tiến sĩ văn chương cùng một năm khi mới 23 tuổi. Trần Đức Thảo đậu thủ khoa thạc sĩ triết học năm 1943. Nghệ thuật diễn thuyết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh làm cho trí thức Pháp ngạc nhiên. Các ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Ngọc Bích (kỹ sư, bác sĩ), Ngô Đình Nhu, ... từng thu hút sự chú ý của người Pháp ở chính quốc. Ông Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Văn Hinh đều là tướng lãnh trong quân đội Pháp v.v.

Ông Nguyễn Hải Thần là đại tá và giáo sư chánh trị trường Võ Bị Huang Pu (Whampoa - Hoàng Phố). Hồ Học Lãm là đại tá có uy tín trong quân đội Quốc Dân Đảng; Vũ Hồng Khanh, Trương Bội Công là tướng trong Quân Đội Quốc Dân Đảng. Nguyễn Sơn là tướng trong quân đội Cộng Sản Trung Hoa. Chắc chắn các vị nầy nói tiếng Trung Hoa lưu loát như người Trung Hoa.

Ngay từ thập niên 1920 Nguyễn Khánh Toàn đã dạy ở Moscow.

Ông Huỳnh Sanh Thông đã được giới trí thức Hoa Kỳ khen ngợi khi dịch những tập thơ cổ của Việt Nam ra Anh ngữ. Những trường hợp điển hình trên cho thấy khả năng thích ứng ngôn ngữ của người Việt Nam không đến nỗi tệ.

Tập thơ ngũ tự Nhật Ký Trong Tù có phải là một áng văn tuyệt tác quá tầm tay của Hồ Chí Minh không? Nếu cho rằng Hồ Chí Minh (thật) không làm nổi những bài thơ ấy thì đọc giả cũng có thể hỏi lại tác giả Hồ Tuấn Hùng: "Ông Hồ Tập Chương học ở đâu và trong bao lâu mà nói được tiếng Việt giọng Nghệ An, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Thái để đóng vai Nguyễn Ái Quấc và gạt được hàng trăm triệu nhân loại ‘khù khờ’ trên thế giới?"

Người Việt Nam giả làm người Trung Hoa dễ hơn người Trung Hoa giả làm người Việt Nam. Hồ Tuấn Hùng đưa ra nhân vật Hồ Tập Chương giả làm người Việt Nam nhưng ông không thấy được những khó khăn ngôn ngữ và giọng nói địa phương.

1- Người Trung Hoa phát âm lẫn lộn giữa:

D = T (Đô-Tô, Tali: Đại Lý)
D = L (Đầu: Lầu, Rê: Lê)
R = L (Rome: La Mã, Paris: Ba Lê, Rousseau: Lư Thoa)
R = G (Rùa: Gùa v.v.)
S = X (Sương: Xương, Sô Viết: Xô Viết)
TR = CH (Trương: Chương)

Sự phát âm của người Trung Hoa và người Việt có nhiều khác biệt rõ rệt.

2- Đại danh từ ngôi thứ nhì của người Trung Hoa giống như của Anh, chỉ có You (Anh) hay NỊ trong tiếng Hoa. Trái lại đại danh từ trong tiếng Việt rất nhiều, đôi khi người ngoại quốc không phân biệt đó là đại danh từ hay danh từ: Anh, Em, Cô, Ông, Bà, Mầy, Tụi Bây, Chúng Bây, Tụi Mầy, Chúng Mầy. Người Trung Hoa giả Việt Nam chỉ cần dùng chữ NỊ là bị phát hiện ngay.

3- Tiếng Việt địa phương rất khó. Ngay cả người Việt Nam ở các miền khác nhau cũng không hiểu nhau nếu dùng tiếng địa phương. Vì vậy mới có câu chuyện cười dưới đây:
" Một người Sài Gòn ra Huế thăm một người bạn. Trong lúc đi kiếm số nhà, anh ta bị một con chó sủa và nhe răng như muốn cắn anh ta. Bà chủ nhà từ trong nhà nói vọng ra: "Không có răng! Không có răng!" Người Sài Gòn vừa sợ vừa tức giận nói: "Răng chơm chởm như vậy mà nói không có răng!"

4- Giọng Nghệ An lại càng khó bắt chước. Một học sinh việt Nam viết một tựa bài chánh tả hai chữ nhưng sai đến 4 lỗi. Ông thầy đọc: "Con cóc. Chấm chấm, xuống hàng". Người học sinh viết: Con cóc chậm chậm xuống hang. Thế là sai 4 lỗi. Tựa: Con cóc. Chấm (.), chấm (.) (lập lại). xuống hàng (à la ligne).

Tất cả đều chứng minh Hồ Tập Chương khó làm Nguyễn Ái Quấc tức Hồ Chí Minh giả được.

VIII- Năm 1938 Hồ Quang (Hu Guang tức Hồ Chí Minh) đến Diên An (Yenan) trao mật lịnh của Stalin cho Mao về việc thống nhất và hợp tác với Chiang Kaishek chống Nhật.

Ý nầy không phù hợp với thời gian và diễn tiến lịch sử. Trước sự bành trướng của Nhật tiến về lục địa Đông Bắc Á Châu, Stalin lo ngại Nhật sẽ đe dọa Liên Sô giữa lúc nước nầy chú trọng đến Đức ở phía Tây nhiều hơn. Phía đông của Liên Sô tuyết băng trùng điệp, biên giới không được canh giữ chặt chẽ. Nếu Cộng Sản và quốc Dân Đảng Trung Hoa liên minh thì sự kháng cự của Trung Hoa giảm thiểu hiểm họa xâm lăng của Nhật. Nhờ vậy biên giới của Liên Sô sẽ được yên ổn. Sự liên minh Quốc-Cộng lần thứ hai hình thành năm 1936 sau khi Zhang Xue Liang (Trương Học Lương) và Yang Hucheng (Dương Hồ Thành) bắt cóc Chiang Kaishek thị sát ở Xian (Tây An). Zhang Xue Liang liên lạc với Zhou Enlai (Châu Ân Lai) thương thuyết với Chiang về việc liên minh Quốc Cộng để chống Nhật. Chiang Kaishek chấp nhận liên minh Quốc Cộng và được thả về Nanjing (Nam Kinh). Về thủ đô Chiang ra lịnh quản thúc Zhang Xue Liang. Năm 1949 Zhang được đua ra Taiwan với quân Quốc Dân Đảng. Tại đây Zhang tiếp tục bị quản thúc cho đến năm 1992 mới được đi đứng tự do (1936 - 1992: 56 năm!). Như vậy Liên Minh Quốc cộng lần thứ hai đã có từ năm 1936. Trước đó Stalin thúc giục Mao Zedong xúc tiến việc liên minh với Chiang Kaishek để bảo vệ Liên Sô. Sau khi Chiang chấp nhận liên minh với Cộng Sản, Stalin cho phép con trai của ông là Chiang Ching Kuo (Tưởng Kinh Quốc) về nước năm 1937. Ông nầy học ở Liên Sô và có vợ Nga. Ông bị giữ lại ở Liên Sô từ năm 1927 khi Chiang Kaishek phá vỡ Liên Minh Quốc Cộng lần thứ nhất và đàn áp Cộng Sản ở Trung Hoa.

***

Nhóm Pháp thân De Gaulle ở Yunnan (Vân Nam) trong đệ nhị thế chiến nhận dạng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, một đảng viên Cộng Sản Quốc Tế, để khuyên chánh phủ Chongqing (Trùng Khánh) và OSS đừng dùng Hồ Chí Minh. Như đã nói ở bài trước, Pháp xác nhận Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quấc qua hình dạng của vành tai khi ông đến Paris năm 1946. Ông Nguyễn Hải Thần, tức Vũ Hải Thu, biết Lý Thụy (Nguyễn Ái Quấc) từ năm 1925 vì ông thuộc Tâm Tâm Xã. Nhóm nầy với Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Lâm Đức Thụ đều cùng Lý Thụy (Nguyễn Ái Quấc) thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Nguyễn Hải Thần không gia nhập vào tổ chức Marxist nầy mà theo Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Năm 1943 Nguyễn Ái Quấc mang bí danh Hồ Chí Minh, bí danh của đại tá THQDĐ Hồ Học Lãm chết năm 1942, tuyên thệ gia nhập vào Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần trước sự hiện diện của tướng Zhang Fa Kui (Trương Phát Khuê) khi ra khỏi cửa ngục. Không ai nghe ông Nguyễn Hải Thần nói người tù vừa được tha là Hồ Tập Chương giả làm Hồ Chí Minh. Trái lại ông thừa biết đó là Nguyễn Ái Quấc, người được Cộng Sản Liên Sô đào tạo vào năm 1924 và 1934. Mang bí danh Hồ Chí Minh (Hu Zhi Ming) đã là giả rồi vì đó là bí danh của một đại tá người Việt có nhiều uy tín trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng vừa mất năm 1942. Nhưng cái giả đó được Zhang Fa Kui chấp nhận vì ông cần chánh phủ Chongqing chấp thuận dễ dàng để Hồ Chí Minh làm công tác tình báo cho Quốc Dân Đảng. Chánh phủ Quốc Dân Đảng có thể bác bỏ sự thu nhận một người phục vụ cho họ có lý lịch Cộng Sản nếu mang tên Nguyễn Ái Quấc, Lin hay Li Shui (Lý Thụy) chẳng hạn.

Nếu là người giả, nghĩa là không phải Nguyễn Ái Quấc, Hồ Chí Minh không nói chuyện huyên thiên với tướng Salan trên chiếc phi cơ chở ông sang Pháp năm 1946 vì Hồ Tập Chương nào đó có ở Pháp hồi nào đâu mà nói chuyện về nước Pháp và bằng tiếng Pháp! Ở Pháp Hồ Chí Minh rất năng động. Nếu là người giả thì ngồi một chỗ, thậm chí còn đổ quạu nếu có người nào hỏi tới hỏi lui nhiều câu hỏi vụn vặt, tầm thường nhưng ông không sao biết được. Vì là người thật nên ông tiếp xúc, thăm viếng bạn bè trong đảng Xã Hội và đảng Cộng Sản Pháp một cách vui vẻ và thân tình vì đó là những người ông quen. Đường phố Paris rất quen thuộc với ông vì ông đã sống ở đó. Nếu là một người giả thì làm sao làm như vậy được? Chỉ vài câu nói lạc đề hay sơ hở thì người nghe sẽ đặt nghi vấn và báo chí sẽ phanh phui ra ngay. Nước Pháp là nước tự do nên báo chí có quyền ngôn luận rộng rãi, khác với những gì mà ông Hồ Tuấn Hùng thấy ở Đàì Loan và lục địa Trung Hoa. Việc phát hiện những điều mới lạ giúp cho tờ báo của họ tăng thêm uy tín với đọc giả đồng thời cũng giúp cho đất nước họ điều chỉnh đường lối đối với người mà họ tiếp xúc. Thủ tướng Ấn Độ Nehru và Nguyễn Ái Quấc (Hồ Chí Minh) biết nhau từ năm 1928 tại Brussels. Năm 1954 thủ tướng Nehru thăm viếng Hà Nội. Năm 1958 Hồ Chí Minh thăm viếng New Delhi. Vậy Nehru gặp Nguyễn Ái Quấc giả mà không biết hay sao, lại còn mời sang thăm viếng New Dehli?

Bây giờ kiểm nhận thật giả bằng DNA thì có câu trả lời chính xác ngay. Cách đơn giản khác là giảo nghiệm chỉ tay và chữ viết bằng những tài liệu lưu trữ trong văn khố và thư viện Pháp, so sánh với chữ viết trong di chúc 1969. Chữ ký là hình vẽ nên bắt chước được. Trái lại không ai nhại chữ viết được. Thế giới có hàng tỷ nhân loại nhưng không ai có chỉ tay giống nhau. Hai tai của Hồ Chí Minh không có hình dạng đều nhau. Tai bên phải có vành cong và gãy (hình chụp ở Tours năm 1920) trong khi tai bên trái không có đường gãy nhỏ trên vành tay. Sự nhận dạng của các chuyên viên Pháp năm 1946 không hẳn là thiếu tính khoa học.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 

Ghi chú: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Lin, Tống Văn Sơ, Lý Thụy, Hồ Chí Minh là một người.

_________

Tài liệu xem thêm:

– Một góp ý khác về vấn đề này, cũng của Phạm Ðình Lân: Hồ Chí Minh: Người Việt hay người Tàu?
– Bài tóm tắt tác phẩm “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của Trần Bình Nam: Một nghi án lịch sử: Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người?

 


Cái Đình - 2013