Trần Kim Bằng


Qua Cơn Mê – Tản mạn âm nhạc

Mùa hè hay mùa hạ? dùng trong trường hợp nào? tiếng Việt chữ nghĩa phong phú. Đại khái, mùa …hạ buồn vì Covid-19, tiểu bang Cali đối phó cơn dịch này bằng cách giới hạn nhiều mặt trong các dịch vụ làm ăn, sinh sống.  Sau 4, 5 tháng mà lão Thống đốc vẫn chưa cho mở cửa lại bình thường, thế thì đành ngồi nhà vi vu trên net, nghe you tube, rồi may mắn được thưởng thức cô Hà Vân ca Qua Cơn Mê (QCM) xúc động thiệt, bèn viết nhăng nhít, chia sẻ chút chyện âm nhạc kỷ niệm của mùa hè xưa …

Thủa ấy, một trong những ca khúc ưa thích là bài “Qua Cơn Mê”, đài phát thanh cho nghe hàng ngày, thấy hay, lời ca giản dị, ước mong sau chiến tranh, thanh bình tôi về lại với người yêu, thăm từng con đường đất nước, theo các em học hành như xưa đã bỏ lỡ… Ca khúc này ra đời ở khoảng thời gian mà tiếng súng ầm ì trên mọi miền đất nước, nay tin đánh chỗ này, mai nơi khác.

Cho tới lúc đó cuộc chiến ôi sao dài quá, những đứa trẻ con nhỡ nhỡ như mình cũng bắt đầu biết mệt mỏi, đôi khi có chút xíu suy tư? Chiến tranh gây bao cảnh tang thương, mất mát, làm nhiều gia đình nạn nhân đau khổ, giọt nước mắt… Bữa nay nghe QCM chợt nhớ lại xưa cũng chẳng hiểu sao tối ngày thích đàn, ca bài này? trong tiềm thức phải chăng có gì đó cũng mong hết chiến tranh dù ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới?

Xứ đạo, lớn mà nhỏ, hầu như có chuyện gì thì từ đầu trên, xóm dưới… ai cũng biết “bán anh em xa, mua láng giềng gần”

Thời gian khi những người anh lớn hầu hết đã lên đường nhập ngũ, làng xóm vắng vẻ, chỉ còn lại ít đứa làng nhàng như mình chưa tới tuổi đi tòng quân, được chứng kiến nhiều mất mát người thân trong gia đình hàng xóm chung quanh. Những giọt nước mắt, những nét mặt đau khổ của người cha, mẹ, góa phụ chung quanh mà… oải!

Về các chàng trai ra đi, gia nhập cuộc đời chiến binh. Lâu lâu cũng có anh đi phép, có anh về bị thương với tay chân băng bó, anh đụng trận nơi xa xôi nào đó, anh kể chuyện về trận đánh anh tham dự và tại sao anh bị thương mà mê, nghe thật vui, hào hùng, đầy ngưỡng mộ. Hồi đó, nghĩ mình cũng hơi điên, thầm cầu cho mau lớn để đăng lính, uýnh giặc ngon lành như các anh, thứ “chì” mà. Rồi cho đến khi cái anh ở nhà ngay sau lưng nhà mình, cũng về nhưng anh nằm im trong …2 lớp quan tài kín, thì cảm nhận tài tử của bọn trẻ như mình hết thiệt! chấm dứt với đầy chua xót! Thì ra, súng đạn không phải chuyện giỡn chơi, kiểu ta coi mấy phim cao bồi, bắn đùng đoàng qua lại, lăn quay ra ngủm là xong!

Trận Hạ Lào 1972, Nhảy Dù chết nhiều, anh lên lon Trung úy, kèm Bảo quốc huân chương, gắn trên lá cờ phủ. Ông bà Giáo vật vã kể lể là từ khi anh đăng lính cho tới khi gặp lại thì đây cũng là lần đầu tiên anh được về phép! cái chết từ xa đã về đến tận nhà, hoang mang quá! chưa tin là thật? hình như anh đi và sẽ chẳng bao giờ về nữa! Cả xóm ai cũng thương tiếc. Bọn loai choai đã biết rầu rĩ, cứ nhắc nhau, mới ngày nào cả xóm, có cậu Tú, tức ông anh còn ngồi chơi, cả bọn đàn đúm với nhau mỗi buổi trưa. Ôi buồn! Nhưng không chỉ thế, còn nhiều anh khác thì không bao giờ về lại. Cũng trong trận Hạ Lào, một anh đi Biệt Động Quân, đơn vị cho về với cả tay lẫn chân đều còn băng bó, chống nạng. Anh cho biết trận đánh lớn lắm, dai dẳng, nhiều ngày, anh bị thương, anh bạn cùng trung đội thì bị trúng đạn, nằm chết chỉ khoảng mấy chục thước trước mặt, liều mạng lên mấy lần vẫn không lấy xác về được! 2 anh này trong xóm cùng rủ nhau đi đăng lính, giờ chỉ còn 1, gãy gọng! Thấy mắt anh lúc nào cũng đỏ ngầu. Hỏi anh có khóc? anh nói khóc rồi, anh nghĩ gì? dĩ nhiên buồn nhưng ngoài chiến trận, chỉ biết thi hành lệnh cấp trên, không nghĩ ngợi gì, đời lính thấy chết chóc nhiều quá nên chai đá, thực ra hết khóc nổi, nghĩ không chừng mai kẻ nằm xuống là mình.

Ở họ đạo, khi nghe hồi chuông đổ không đúng giờ lễ sáng chiều, là chuông báo tử, tiếng chuông cho biết vừa mới có người trong làng qua đời để mọi người dừng công việc lại, đồng quỳ xuống đọc kinh Cầu Vực Sâu cầu cho các linh hồn…. Xứ mình, thanh niên chết trận nhiều, chỉ số ít sau ngày 30-4-1975 về lại thì mới là thọ… Tóm lại khoảng thời gian đất nước u ám, những tin tức các trận đánh hầu như trên toàn lãnh thổ miền nam đều được báo chí tường trình. Trước đó năm 1968, Tết Mậu Thân, mấy ổng tổng tấn công đợt 1 và 2, tiếng súng vào trong tận thành phố, nổ ì xèo sát gần nhà. Lửa cháy nhiều khu vực, nhà sập vì đạn pháo, súng cối. Trẻ con, người lớn vừa chạy vừa khóc! kế đó chứng kiến người ta bỏ nhà cửa chạy lánh nạn từ xa xôi về, rách nát, thê thảm, gia sản mất hết, rồi tin thảm sát mấy nghìn đồng bào vô tội ngoài Huế… Lúc này dính cái “job” ngày ngày đọc báo cho ông bác nghe nên hình ảnh chết chóc trên báo chí chắc cũng in vào trong đầu cháu nó, tự trong lòng tuy cũng mơ hồ lắm, thấy chiến tranh sao cứ kéo dài mãi? vận nước thời điêu linh liệu có ảnh hưởng trẻ con như mình? Chả biết? Giờ nơi xứ người, hàng năm đi sinh hoạt hội ái hữu thấy các bác lớn tuổi vẫn ngồi ôn lại, nói chiến tranh hồi đó tiêu hao nhiều thanh niên làng tôi! kể ra những anh nào các bác nhớ, đi lính gì? đóng tiền đồn nơi đâu? con cái nhà ai? nhà ở khu mấy? chết trận ở đâu?… lúc chia tay về luôn dặn theo các anh chị nhớ đọc kinh nguyện cầu cho họ.

Trở lại ca khúc Qua Cơn Mê, nhớ thời gian người dân miền nam được nghe “QCM” trên đài phát thanh Sài Gòn? mang máng hình như ca sĩ Băng Châu ca bài này? Ông bố mình, vốn thích mua, sưu tập những bản nhạc, có ấn bản Qua Cơn Mê ngay khi nó được in bán trên thị trường, thế là mang ra cùng bạn trong xóm nghiên cứu, mò mẫm ghi chép, đặt gam gảy đàn… Hồi nhỏ mê guitar, thấy hay là đờn ca theo sở thích mà vui, nào biết nghĩ gì? Giờ ngược dòng cảm nhận, ngồi nghiệm lại lời nhạc xưa, thấy có vẻ như gần nửa thế kỷ từ khi ca khúc QCM ra đời, và từ sau tháng 4-1975 chiến tranh chấm dứt, những kỳ vọng của nhạc sĩ sáng tác cũng là những ước vọng chung của người Việt thì đã có phần nào đáp ứng được?

Trích:
“Tình người sau cơn mê vẫn xanh
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng bóng mai ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa”…

Người lính miền nam sau khi buông súng 1975, đã không theo lũ em học hành như xưa, nhưng cũng được kẻ thắng trận ưu ái cho đi học, học tập cải tạo! bố khỉ  chú bác, cha anh của chúng tôi bị ai kia ma mánh chữ nghĩa, lươn lẹo, dối gian! các cụ bị quả lừa to, lùa vào những trại tù nơi rừng thiêng nước độc và nhiều người đã bỏ mạng. Chán và cũng tiếc nhỉ! toàn là những người có trình độ, những chất xám cần thiết thích hợp cho việc dựng xây lại quê hương sau bao năm… giá mà!

Trích:
“Rồi mai qua cơn mê, sông cạn lại thành giòng, xuôi về ngọt quê hương.
Ngày đó tay em dài, vun cuộc tình thật đầy, mơ toàn chuyện trên mây”.

Thật phí của! Sau 1975 sông cạn thành giòng, nhưng không xuôi về ngọt quê hương mà chỉ toàn cay đắng, hành hạ, tù đày, đói khổ. Cả nước thành nhà tù lớn với những kềm kẹp, mất hết tự do, tương lai thật đen tối khiến người dân, cả triệu người phải liều thân vượt biên, vượt biển ra đi tha phương. Nhiều người xác thân nuôi cho béo cá! Cái ước mơ lãng mạn của người miền nam được nuôi dưỡng trong nôi nhân bản trở thành ngây thơ đối với kẻ đi xâm chiếm, theo chủ thuyết marxist, đấu tranh giai cấp!

Trích:
“Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành, hái đem cho mọi người.”

Thời gian qua mau, có gì là bất biến? cả 2 nhạc sĩ Trần Trịnh – Nhật Ngân sau thời gian dài ngóng cổ chờ “Dream come true” cũng đã thành cánh chim bay về trời, sau khi lưu vong, bỏ nước mà đi? mầm xanh tươi mang về gieo như lời nhạc hứa hẹn quả thật không có chỗ đứng trong xã hội mới, cái tương lai xây dựng con người Việt Nam hiền hòa, nhân bản, biết chia sẻ yêu thương cho nhau khi tàn chinh chiến thực xa xỉ. Hiện tượng trái cây, thịt heo tiêm thuốc, tiêm nước, hàng hóa, vật phẩm, thuốc tây giả mà chán. Cả nước thấy kiệt quệ quá, tin tức về tham nhũng, gian dối tràn lan. Giới trẻ qua gần 2,3 thế hệ bị bưng bít thông tin, thật ngu ngơ. Nghĩ cũng buồn cười? đứa cháu bên VN tuy đi làm cho nhà nước, tháng lương lãnh về rất gầy nhưng xài I- phone X, thứ xiệng cả hơn nghìn đô? vợ nó than chiều nào cũng bia bọt tới đêm muộn, chán cái là luôn mồm năm miệng mười chửi tư bản là …ngu! nhưng lạ cái lý tưởng của nó là mau được bảo lãnh qua Mỹ:) Bố khỉ, cái thằng đểu quá:) Hic hic! Nhìn chung, đất nước hy vọng gì? những thế hệ sau chăng?

Nhân tiện xía vô chút về phần sáng tác ca khúc QCM, bài này có tới 2 tác giả, Trần Trịnh và Nhật Ngân. Nhạc sĩ Trần Trịnh thì nổi tiếng rất giỏi về melody (giai điệu?) e nhạc sáng tạo ở dạng bán cổ điển? bạn thử nghe lại “Lệ Đá” ông phổ nhạc từ thơ Thi sĩ Hà Huyển Chi. Theo Wikipedia bài hát “Lệ Đá” tức khắc được mọi người yêu thích, có số bản nhạc in phá kỷ lục. Sau này tại hải ngoại, với Album để đời có tên “Trái Sầu Đầy”, Nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác bài nào cũng nhẹ nhàng, thấm hồn người, có cái gì đó lãng đãng, mênh mang, mong chờ, rạo rực, rất thú vị. Mình thích lối chọn lọc khá kỹ lưỡng giai điệu của ông, câu cú liền lạc, rất sáng bài.

Về Nhạc sĩ Nhật Ngân, chúng ta có “Một mai giã từ vũ khí” hay “Xuân Này Con Không Về”, bài sau thuộc dạng “Bolero Top Ten” và một số nhạc phẩm khác… đều là những ca khúc nổi tiếng, phần lời kể lại tâm sự thật thà, đậm tình quê nghèo, đơn giản của người lính xa nhà… Khi đặt lời cho nhạc, ông thường nói lên cái chung. Trong mọi hoàn cảnh, nhạc sĩ như đại diện cho con người Việt Nam, chia sẻ những ước mơ hiền hòa, nhân bản.

Tóm lại, qua tìm hiểu về 2 nhạc sĩ này, ta thấy mỗi người đều có cái độc đáo riêng của họ, tức sở trường, giới văn nghệ thường hay đùa gọi “chuyên trị”, vậy nên khi cùng phối hợp nơi lãnh vực sáng tác nhạc, chung dưới cái tên “Trịnh Lâm Ngân”, hai ông cho ra đời nhiều ca khúc xuất sắc, thâm sâu, đi vào lòng người, riêng ca khúc QCM thật hay cả về nhạc và lời là việc khỏi bàn cãi. Chỉ tiếc lúc 2 ông còn tại thế thì họ, mình cũng bận bịu quá, không có cơ hội cho lớp trẻ học hỏi thêm với, mấy lần gặp chỉ gật đầu chào, nhớ hồi đó cũng được dựa hơi quen quen các ngài qua 1 vài người bạn văn nghệ.

Vài hàng suy tư ghi lại khi nghe trên Youtube ca sĩ Hà Vân & Thanh Điền Guitar trình bày QCM, họ biểu diễn thật mộc mạc nhưng tạo nhiều cảm xúc, y chang như những buổi tối đêm nào, chúng tớ, cũng chỉ tiếng ca, tiếng đệm đàn guitar…chay, từ 1 góc hàng hiên vẳng ra, nhưng sao vẫn thật đầy. An ủi nhứt là cả xóm, nhà nào nấy tuy cửa đóng then cài, nhưng tất cả đều yên tĩnh lặng, nằm lắng nghe? Vụ này thì hơi chủ quan, bà con làng xóm nào thấy đúng thì làm ơn ghé ngang xác nhận dùm nha:)

Tò mò xem thêm nơi phần “Comment” QCM, có bạn Hank Khavo dịch bài này sang Anh ngữ, thật hay và cảm động quá “It’s wonderful and very touching”, làm như có gì đó thôi thúc, bèn phóng bút viết vài hàng:)

Kết: Mùa hè năm nay khá yên lặng vì Covid-19, chia sẻ đôi dòng tâm sự để nhớ về một mùa hè năm nào vô tư, hồn nhiên, tuy đất nước chiến tranh, nhưng nhờ bao công lao cha anh tích cực bảo vệ xóm làng, mình mới có may mắn sống thanh bình nơi hậu phương mà yên ổn dệt nên những kỷ niệm của 1 thời, cùng mong thắp lên nén nhang thơm cho các vị chiến sĩ nói chung, và những anh lớn người cùng làng, chung xứ đạo, mà từ hồi xưa đó đã ra đi về nơi nào miên viễn. Hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước, đồng bào, khi tuổi đời các anh còn quá trẻ!

.

Cuối Hạ 2020, Trần Kim Bằng

_________

Hình ảnh lấy từ internet.

Nghe "Qua Cơn Mê" Youtube

Lời tiếng Việt và tiếng Anh do Hank Khavo dịch

Qua Cơn Mê “Thereafter the Madness”

Part 1.

Một mai qua cơn mê,
Xa cuộc đời bềnh bồng
Anh lại về bên em
Ngày gió mưa không còn.
Nên đường dài thật dài,
Ta mặc tình rong chơi.

Cùng nhau ta sẽ đi,
Sẽ thăm bao nơi xưa,
Vui một thuở lênh đênh
Ta sẽ đi thăm từng người,
Sẽ đi thăm từng đường,
Sẽ vô thăm từng nhà.

.

One day after all this madness,
Leaving this mad life adrift behind,
Thereafter, I return by your side.
Stormy days are behind us
For long we walk those winding paths,
We forgot all protocol to roam free.
Together we will embark,
Revisit our vestiges of nostalgia,
Happy as our aimless days of innocence
Let’s revisit each person,
Let’s revisit each road,
Drop by to visit each family.

[Chorus]

Tình người sau cơn mê vẫn xanh!
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng ta mai ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa

.

Hometown hospitality is alive after all this madness!
Despite months, years of crushing heartbreak
My familiar grade-school yearns for my return tomorrow
We rejoin little grade-school kids just like children long ago

Part 2.

Rồi đây sau cơn mê,
Sông cạn lại thành dòng
Suối về ngọt quê hương
Ngày đó tay em dài
Vun cuộc tình thật đầy
Mơ toàn truyện trên mây.
Còn tôi như cánh chim
Sẽ bay đi muôn phương
Mang về mầm xanh tươi
Khi lá hoa thật nhiều
Trái yêu thương đầy cành
Hái đem cho mọi người.

.

Now, thereafter the madness,
The tides abate rivers into creeks
The streams return sweetness to our hometown
That day, embraced in your slender arms
Fulfilling an overflowing love
Dreamy, as if amongst the clouds
And I am like the wings of a bird
Will take flight in all directions
Returning with fresh green seedlings
When leaves and flowers bloom plentiful
Branches full of lovely fruits
Let’s pick them to share with everyone.

Trích Blog tác giả, 08.09.2020

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/amnhac/quaconme.htm


Cái Đình - 2020