Lê Ngọc Vân


Cuộc cách mạng Vịt: Trí tuệ truyền thống áp dụng vào nông nghiệp bền vững

Ông Takao Furuno (www.livingcircular.veolia.com) và vịt Aigamo

Phương pháp Takao hình thành từ việc sử dụng các nguồn sẵn có và qua quan sát những gì xảy ra trong thiên nhiên. Phương pháp này lấy tên từ một nông dân trồng lúa hữu cơ tiên phong dựa vào lao động ít nhọc nhằn hơn và nhờ vào đội quân vịt.

Vịt được nuôi chung với lúa ruộng; chúng ăn sâu bọ hại lúa cũng như hạt giống và cỏ dại gây hại cho sản xuất và chúng cũng bón phân hữu cơ cho đất, do đó tạo điều kiện cho việc canh tác gây được cây lúa mạnh và cho hạt ngon cơm.

Thay vì sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, có hại và rất tốn kém, các nhà nghiên cứu phương pháp này đã giới thiệu vịt như một loại phân bón hữu cơ và là đối thủ cạnh tranh của côn trùng, chim chóc săn côn trùng và cỏ dại trong đồng.

Đa dạng hóa sản xuất bằng chăn nuôi vịt còn mang lại thêm lợi ích tài chính: đó là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng có chất thịt hữu cơ và luôn có sẵn thịt cho bữa ăn khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp về khí hậu hoặc bị thiệt hại về sản lượng do mất mùa. Phương pháp này có chi phí thấp và tiết kiệm lao động, giảm tác động đến môi trường và tăng cường an ninh lương thực ở cấp địa phương và khu vực.

Nông gia người Nhật, Takao Furuno, tốt nghiệp Đại học Kyushu (tỉnh Fukuoka), đã thử nghiệm thành công hệ thống tổng hợp trong canh tác lúa hữu cơ bền vững bằng cách đưa vịt vào ruộng để bón phân, tăng cường sức sống cho cây lúa và bảo vệ chúng khỏi sâu bệnh cùng cỏ dại, đã chứng minh rằng điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được cho các trang trại nhỏ để thu được nhiều chất dinh dưỡng và năng suất dồi dào hơn, chống lại bão và lũ lụt liên tục, giảm thiệt hại môi trường.

Phương pháp này đòi hỏi ít sự chăm sóc và canh chừng, nó nhắm vào việc thả vịt con thuộc giống Aigamo vào ruộng lúa sau khi gieo mạ khoảng một hoặc hai tuần. Cần từ 15 đến 20 con trong số này cho mỗi 1.000 mét vuông đất nông nghiệp. Cũng phải có mái che để vịt con có thể nghỉ ngơi và đụt mưa. Để che chở chúng khỏi chó, mèo, chồn và quạ, cánh đồng cần được bao quanh bởi hàng rào bằng vật liệu sẵn có tại địa phương.

Nghiên cứu sâu thêm để thâu thập kiến thức và quảng bá phương pháp đã chứng minh rằng vịt Aigamo là loài vịt phù hợp hơn, đây là một giống vịt lai giữa vịt trời (Kamo) và các dòng vịt nhà (Ahiru), vì chúng không thiên di, dễ tìm ở các nước châu Á hơn, chúng ăn ốc bươu vàng tấn công cây lúa, còn thịt chúng rất ngon và bổ dưỡng.

Phân vịt, cũng như phân của một số loài cá được sử dụng trên ruộng lúa ở các nước khác, là nguồn phân bón thiên nhiên quan trọng. Ngoài ra, chúng dùng chân và mỏ bươi đất, hình thức này làm tăng hàm lượng dưỡng khí trong đất, làm đất trở nên màu mỡ hơn cho cây con. Sau nhiều năm thử nghiệm, hệ thống lúa-vịt của Furuno là kết quả của quá trình nghiên cứu liên tục về mối quan hệ cộng sinh tự nhiên và ông phát hiện ra rằng việc bổ sung một số loài cá (như cá chạch) và cỏ dại có tính hút đạm (bèo hoa dâu – Azolla) vào đồng ruộng đã thúc đẩy sự phát triển cùng lúc của lúa và vịt.

Tác phẩm “The Power of Duck” của Takao Furuno (trái) và sơ đồ chu trình “lúa-vịt” do ông đề xướng (phải)

Nhà nghiên cứu Hiroyuki Morii, tại Đại học về Sức khỏe trong Nghề nghiệp và Môi trường (Nhật Bản), ngoài việc điều tra về khí mê-tan từ mặt đất canh tác thoát ra không khí, còn phát hiện ra rằng vịt sống trên ruộng lúa có thể chế ngự khí mê-tan thải ra từ đồng lúa, khí này làm tăng hiệu ứng nhà kính, một nguyên nhân chính gây ra hiện tượng hâm nóng toàn cầu.

Với đầu óc khôn ngoan đặc trưng lưu truyền từ đời này qua đời khác trong nông nghiệp, người dân từ xưa luôn tìm kiếm thu nhập và sự bảo đảm nguồn lương thực nhờ đa dạng hóa canh tác hơn là độc canh. Như trong trường hợp này, việc đưa vịt vào ruộng lúa sẽ tiết kiệm chi phí vì nông dân không phải mua phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu đắt tiền và sản lượng tăng lên (trong một thửa ruộng nhỏ là 50%). Gạo trồng hoàn toàn theo phương pháp thiên nhiên cũng có thể được bán với giá cao hơn, đây là một lợi thế chủ yếu ở vùng cao, nơi diện tích đất trồng lúa quá nhỏ và do đó khó giảm giá thành sản xuất. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chất lượng dinh dưỡng cao ở mức hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu sự suy dinh dưỡng và khi mùa thu tới là thời điểm thu hoạch; những con vịt khi này đã lớn mập và có thể bán lấy thịt hoặc có thể giữ lại để tiếp tục chu kỳ, trả lại sức sống cho thiên nhiên. Ngoài ra, cũng thêm vào một điểm quan trọng không nhỏ, là phương pháp này góp phần vào vẻ đẹp của cảnh quan đồng ruộng.

Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Hiệp hội Vịt và Lúa của tổ chức phi chính phủ do Takao Furuno thành lập, phương pháp này ngày nay đã phổ biến đến các nước trồng lúa như: Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Cuba. Hơn 75.000 nông dân trồng lúa nhỏ ở Nhật Bản đã tham gia áp dụng phương pháp này.

.

Nguyên tác: The Ducks Revolution traditional wisdom for sustainabel agriculture, Kim Assaël
Trích từ: ideassonline.org
Người dịch: Lê Ngọc Vân

____

* Có những người đưa ra một ý tưởng lạ, thiết thực, dễ thực hiện…, và người ta nghĩ là sẽ dễ dàng được sự hưởng ứng sâu rộng. Nhưng thực tế không phải bao giờ cũng vậy. Ý tưởng trong bài trên là một ví dụ. Ông Takao Furuno đã gần 1 thập kỷ tìm cách phổ biến phương pháp của ông đến các nông gia ở các quốc gia chậm phát triển. Tuy nhiên cho tới giờ kết quả vẫn còn rất hạn chế. Một phần, ông không lường được sự ứng xử trong xã hội ở nhiều quốc gia, rất khác xã hội Nhật Bản. Nạn ăn trộm vịt, lùa vịt sang ruộng khác là một nguyên nhân lớn gây ra sự bế tắc. Nguyên nhân thứ hai là những vụ cúm gà, cúm gia cầm trong thập kỷ vừa qua đã giới hạn sự nuôi gà vịt ngoài đồng. Tuy vậy, đây là một phương pháp đơn giản và rẻ tiền mà các nông gia Việt Nam nên chú ý và nghiên cứu cách thực hiện. Lê Ngọc Vân.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/cuoccachmangvit.htm


Cái Đình - 2020