Phạm Ɖình Lân


Vài chuyện lạ về thảo mộc

.

Thông thường cây cỏ được trồng từ hột trong trái. Đối với cây ăn trái có thân mộc người ta gây giống bằng cách trồng hột hay chiết nhánh.

Hoa vạn thọ, hoa mồng gà, rau húng quế... được trồng từ hột của hoa già.

Có những loại thảo mộc được trồng bằng củ như hoa tulip, hoa huệ chẳng hạn.

Củ sắn (củ đậu) trồng bằng củ thì ra trái. Hột trong trái chín khô được dùng để trồng để lấy củ. Trồng củ ra trái và trồng hột ra củ.

Cây sống đời được trồng bằng lá hay bằng thân cây già. Từ những răng cưa của lá nẩy mầm ra rễ. Rễ bám dưới đất để lớn lên thành cây có lá và hoa.

Khoai lang được trồng bằng dây. Nếu trồng để ăn đọt thì khoai không có củ.

Thơm được trồng bằng đầu thơm mặc dù trái thơm có nhiều hột nhỏ li ti.

Chuối, mía, tre có có những điểm chung sau đây:

1. cách trồng: trồng bằng cây con (chuối), bằng mầm (mía và tre)
2. tre và mía có hoa. Mía trổ cờ (hoa) thì mất mật. Tre trổ hoa thì chết. Thường thường cây tre từ 25 đến 40 tuổi mới trổ hoa, ra trái và chết. Khác với cây ăn trái có thân mộc, chuối trổ hoa (bắp chuối) và ra trái một lần mà thôi. Sau khi thu hoạch trái thì cây chuối bị chặt bỏ để các cây chuối non lớn lên và ra trái.
3. Chuối, mía, tre tự tăng thêm cây con và tăng trưởng thành bụi dù không có sự hoà hợp Âm (-) - Duong (+).

Cây Chuối

.

(Ảnh: https://zoom.nl/)

.

Chuối thuộc dòng thảo mộc Musa, thuộc gia đình Musaceae. Ở Liberia người ta gọi chuối là bana. Dựa vào đó người Pháp gọi là banane và Anh: banana.

Cây chuối là một loại cây ăn trái, thân có nhiều sợi và mọng nước. Chuối được trồng bằng cây chuối con trong các tàu lá để gió không lay động cây chuối trong thời kỳ mọc rễ để quen với môi trường sống. Chuối trồng 6 tháng mới bắt đầu ra hoa và kết trái. Hoa chuối gọi nôm na là bắp chuối. Trong thời kỳ phát triển và ra trái có nhiều cây chuối con mọc lên quanh gốc chuối mẹ. Từ quan sát này ca dao Việt Nam có câu: Chuối cậy lòng chuối đồng trinh
Chuối ở một mình sao chuối có con?

Ở Việt Nam không chồng, không vợ mà có con là một chuyện lạ. Ở Hoa Kỳ cây chuối, mía, tre được liệt vào cây "single parents" vì không vợ chồng vẫn có nhiều con.

Chuối chỉ sinh con một lần rồi tự héo tàn hay bị người ta đốn chặt làm thức ăn cho gia súc nhất là trư tộc sau khi hòa cám với chuối xắt và bằm nhuyễn.

Chuối là trái cây ăn tráng miệng hiếm hoi ở các quốc gia ôn đới vào thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Hiện nay có 107 quốc gia trên thế giới trồng chuối. Lợi tức do việc xuất cảng chuối trên thế giới chỉ kém hơn lợi tức do lúa gạo, lúa mì và bắp mang lại mà thôi.

Có hàng trăm loại chuối khác nhau trên thế giới. Ở Việt Nam chuối được dùng để chưng vào những ngày Tết Nguyên Đán, làm mứt chuối, kẹo chuối, chuối sấy, chuối chiên, chuối xào dừa, bánh chuối ăn với nước cốt dừa và muối đậu phọng, làm giấm v.v..

Hai loại chuối thông dụng ở Việt Nam là chuối sứ hay chuối Xiêm và chuối hột. Trái chuối có đường, protein, Fe, Mg, Mn, P, nhiều potassium, sinh tố B1, B2, B3, B5, B9 và sinh tố C. Dầu chuối C7H14O2 rất thơm. Nó được dùng để gia tăng hương vị cho bánh ngọt. Ngoài ra người Việt Nam thích ăn bắp chuối sứ và chuối hột. Lá và thân hai loại chuối này rất đắc dụng. Lá dùng để gói bánh. Polyphenols thấm vào bánh làm cho bánh có hương vị hấp dẫn đặc biệt. Thân chuối dùng để lấy sợi, xắt nhuyễn, trộn với cám làm thức ăn cho heo. Trong những năm thiếu lương thực người ta ăn củ chuối hay phần lõi mềm của thân cây chuối để sống còn. Người ta nuôi con giấm bằng trái chuối sứ chín.

Gọi là chuối sứ vì do các nhà ngoại giao đi sứ đem về. Chuối sứ còn được gọi là chuối Xiêm vì các nhà ngoại giao đem giống chuối từ Xiêm tức Thái Lan ngày nay về nước. Người Thái gọi là Pisang Siem hay Kluai Siem dưới tên khoa học Musa paradisiaca (Nàng Thơ Thiên Đàng – dịch nguyên từ).

Chuối sứ (Ảnh: https://giongcay.net/)Chuối hột (Ảnh: https://www.ydhvn.com/)

Cây chuối hột cao lớn hơn cây chuối sứ. Trái chuối to và có nhiều hột to màu đen tựa như hột tiêu. Người ta không ăn chuối hột chín vì có nhiều hột mặc dù chuối có vị ngọt khi chín. Trái chuối hột non được ưa chuộng khi ăn với khế và rau thơm miền nhiệt đới ăn với thịt bò, thịt heo nướng với mắm nêm. Tên khoa học của chuối hột là Musa balbisiana. Người Anh gọi là Thai Black Banana.

Chuối hột rất đắc dụng vì:

Người Việt chưa biết công dụng của hột trái chuối hột. Hột nầy không được dùng để trồng cây chuối giống như hột trái thơm nhỏ li ti không được dùng để trồng thơm. Không biết rõ công dụng của một vật gì người Việt Nam thường kết luận vắn tắt: để làm thuốc. Vậy hột chuối hột và hột trái thơm làm thuốc trị bịnh gì?

Người Việt Nam không trồng chuối trước nhà vì sợ cuộc đời chao đảo, chúi nhủi. Trái lại người Ấn Độ xem cây chuối là biểu tượng của sự sinh sản và phồn thịnh. Người ta dựng tàu lá chuối trước cửa nhà vào ngày cử hành hôn lễ. Ở Mã Lai phụ nữ sinh con được 15 ngày phải tắm bằng nước nấu với lá chuối.

Ở Trung Mỹ người ta xem nước lấy từ cây chuối như thuốc kích dục.

Trong y học dân gian Việt Nam người ta chặt cây chuối hột và khoét một lổ to trên mặt phần cây chuối còn lại để lấy nước uống trị tiểu đường.

Ở Ấn Độ người ta dùng nước vắt của bắp chuối kết hợp với sữa đông để trị tiêu chảy, kiết lỵ, kinh nguyệt quá đà.

Tro vỏ chuối được dùng làm xà bông. Vỏ chuối đắp vào vết chích của muỗi làm giảm sự đau nhức và vết chích không bị sưng phồng lên. Vỏ chuối được dùng để trị chứng tuyến tiền liệt nở rộng. Ăn chuối để tiêu hóa và tăng hồng huyết cầu vì chuối có nhiều chất sắt (Fe). Chuối có nhiều potassium nên nhuận tiểu và giúp đề phòng chứng cao huyết áp.

Chuối có serotonin C10H12N2O được gọi là kích thích tố hạnh phúc vì làm cho người ăn phấn chấn và cảm thấy sung sướng. Chuối trung hòa vị chua trong dạ dày. Phụ nữ mang thai và hay ụa mửa lúc ban mai, ăn chuối để làm dịu dạ dày (y học dân gian: dùng phục long can, lòng hỏa lò rửa sạch, nung đỏ nấu nước uống). Các sinh tố trong trái chuối giúp cho người hút thuốc bỏ thuốc có thể sớm phục hồi khỏi sự phá hại do nicotine gây ra.

Ca dao Việt Nam nói về chuối như sau: Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp ngọt, như đường mía lau.

*

Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường.

Cây Mía

.

(Ảnh: https://kienthuctrongtrot.com/)

.

Cây mía và cây tre đều thuộc gia đình thảo mộc Poaceae của cây lúa. Hai loại thảo mộc này có vài tương đồng:

Người ta cho rằng sinh quán của cây mía là New Guinea. Cây mía được trồng ở Ấn Độ vào năm 5000 trước Tây Lịch. Các thương nhân Ả Rập đem giống mía về trồng ở Trung Đông. Cây mía được du nhập vào Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ VIII sau Tây Lịch. Christopher Columbus du nhập mía vào đảo Santo Domingo vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI. Ngày nay mía được trồng nhiều trên các đảo trong vùng biển Caribbean, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Brazil trở thành quốc gia sản xuất nhiều mía nhất thế giới. Hiện nay mức sản xuất mía trên thế giới trên 1,5 tỷ tấn. Brazil chiếm 30% tổng số mức sản xuất nầy. Các quốc gia sản xuất nhiều mía khác là Ấn Độ, Trung Hoa và Thái Lan. Ở Hoa Kỳ mía được trồng ở Texas, Florida, Hawaii.

Tên khoa học của cây mía là Saccharum officinarum thuộc gia đình Poaceae. Người Anh gọi cây mía là sugar cane, noble cane. Theo từ Hán Việt cây mía gọi là cam giá và mía lau là địch giá. Mía được trồng bằng mầm. Cây mía cao từ 1,5 m đến 2,5 m. Thân cây có nhiều nước (75%), sợi. Cây có nhiều lông. Rễ mọc ra từ các mắt mía khi đặt xuống đất. Lá mía dai, sắc bén và có lông mịn. Mía có nhiều màu: đỏ-tím, tím, vàng, trắng mốc, vàng-xanh. 12 tháng sau khi trồng người ta bắt đầu đốn mía. Một đám mía có thể thu hoạch 3 hay 4 mùa. Những mùa sau năng suất mía giảm đi. Do đó cần phải trồng mía khác để có năng suất cao. Trên đảo Réunion trong Ấn Độ Dương mía thu hoạch 10 năm liền mới trồng lại.

Cây mía có công dụng đa dạng: lá mía là thức ăn ưa thích của động vật có vú. Voi thích ăn cây mía. Nhưng mía có ác xít hydrocyanic rất độc với mã tộc. Từ cây mía người ta làm đường, si-rô, nước giải khát, làm giấy, làm cát-tông, làm cao su nhân tạo, chất nổ, cất rượu RUM, sản xuất ethanol chạy máy như Brazil đã làm. Gốc mía phơi khô là nguồn chất đốt quan trọng.

Người ta đánh giá mức sống của một dân tộc qua việc tiêu thụ đường. Điều này được kiểm chứng đối với các tù nhân lao động cải tạo từ năm 1975 đến 1995.

Đường có protein, sucrose, Fe, Ca, P, K, các sinh tố B và C. Y học cổ truyền Ấn Độ để cao tính năng trị liệu của nước mía và đường trong việc điều hoà máu và mật (bile), thanh hóa chức năng của gan. Đường được dùng để chữa hoàng đản, hưng phấn cơ thể, tăng hồng huyết cầu (chất Fe, carbohydrates), kích dục, gia tăng tinh dịch, tăng cường khả năng sinh lý, trị chứng liệt dương, trị ho (lợi phế), nhuận tiểu (rễ mía), nhuận trường. Tôi xin nhấn mạnh đây là phương cách chữa trị cổ truyền ở Ấn Độ. Ở Việt Nam người ta trị ho bằng cách dùng gừng, chanh non lát mỏng chưng với đường phèn để uống. Trước thời Pháp thuộc ở Việt Nam không có đường cát trắng hay đường cát mỡ gà mà chỉ có đường tán, đường thẻ, đường khạp và đường phèn hiếm và đắt giá. Người nghèo ở miền Nam vào đầu thế kỷ XX thường dùng đường tán, đường thẻ hay đường khạp trong các bữa ăn thiếu thịt, cá và các chất dinh dưỡng khác. Mãi đến thập niên 1950 mới xuất hiện những xe nước mía giải khát. Một thời nước mía Viễn Đông nổi tiếng ở Sài Gòn bên cạnh các gánh hàng lưu động bán gỏi đu đủ với gan bò.

Ca dao và những khúc hát ru con ở Việt Nam nói về mía và đường như sau: Mía sâu có đốt,
Nhà dột có nơi.

*

Đi ngang lò mía thơm đường
Muốn vô kết nghĩa cang thường với anh.

* Chiều chiều vịt lội, cò bay
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng...

Cây Tre

(Ảnh: https://nl.pinterest.com/)

.

Nhìn tổng quát ta thấy cây tre là một loại thảo mộc miền nhiệt đới và bán nhiệt đới. Ở vài vùng ôn đới lạnh của Trung Hoa, Triều Tiên, đảo Sakhaline và Nhật Bản cũng có rừng tre. Loài gấu Panda chỉ ăn lá tre, trúc mà thôi.

Tre, trúc, tầm vông đều là thân thuộc. Theo Hán-Việt TRÚC ám chỉ cây tre. Người Việt Nam phân biệt tre, trúc và tầm vông qua hình dáng: trúc bộng ruột như tre nhưng cây nhỏ và thấp hơn cây tre (tre có thể cao đến 30m nên người Việt Nam hay nói: Cao như cây tre miễu). Tầm vông đặc ruột nên người Anh gọi là solid bamboo.

Về nguồn gốc của cây tre có hai giả thuyết:

1. Tre, trúc, tầm vông gốc ở miền Hy Mã Lạp Sơn. Xứ Phật được người Trung Hoa gọi là Tây Trúc.
2. Sinh quán của cây tre là các hải đảo trong Thái Bình Dương. Giả thuyết này căn cứ vào cách gọi tên cây tre trên các hải đảo Thái Bình Dương.

Cư dân trên đảo

Tên gọi cây tre

Kusai

Bamboo

Palau

Bambuu

Tuvalua

Pampu

Indonesia

Bamboo

Người Anh gọi cây tre là bamboo như các tên gọi trên. Người Pháp cũng gọi tương tự: bambou. Người Indonesia gọi cây tầm vông là bamboo batu.

Tên khoa học của cây tre là Bambusa vulgaris thuộc gia đình Bambusaceae. Trên thế giới có rất nhiều loại tre khác nhau thuộc nhiều dòng thảo mộc khác nhau như dòng: Bambusa, Arundinaria, Phyllostachys, Dendrocalamus.

Làng mạc Việt Nam ngày xưa luôn luôn có lũy tre xanh bao quanh. Đó là ranh giới của làng đồng thời cũng là thành lũy thiên nhiên bảo vệ làng. Tuổi thọ của cây tre lối 25 tuổi. Trong thời gian từ 25-40 tuổi tre trổ bông, ra trái và chết. Nhưng dòng giống cây tre không mất vì:

Tre tàn, măng mọc.

Cây tre có công dụng rất lớn trong đời sống của người Á Đông và nói riêng của người Việt Nam. Tre dùng để làm:

Tre, trúc là biểu tượng của người quân tử, là đề tài hội hoạ với nhánh trúc cành mai. Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

(Ca dao)

* Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu biển cả càng dài tình sông.

*

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.

(Nguyễn Du)

*

Trong Lục Vân Tiên, nhà thơ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) viết: Tiên rằng: "Ông quán chớ cười
Đây là nhớ lại bảy người trúc lâm."

Trúc lâm thất hiền là: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Nhung.

Măng và tre là hình ảnh của tuổi trẻ và tuổi già. Măng có thể cao hơn tre nhưng chưa đủ cứng để xử dụng. Đó là sự tương phản giữa Trẻ-Già, Tiến Bộ-Bảo Thủ, Nhiệt Huyết-Kinh Nghiệm.

Trong huyền sử Việt Nam có chuyện Phù Đổng Thiên Vương nhổ bụi tre để đánh giặc Ân. Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tôn) sáng lập ra Trúc Lâm Thiền. Vào thập niên 1920 Nguyễn Ái Quấc (Hồ Chí Minh) có viết vở kịch Le Dragon de Bambou (Con Rồng Tre). Huy hiệu của VNCH thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm là khóm trúc biểu tượng sự thanh bạch của người quân tử như cây trúc mọc thẳng, chấp nhận điều kiện sống trong môi trường khắc nghiệt nhưng lúc nào cũng bổng ruột.

Cây tre là nguồn vật liệu và nguồn dược thảo. Măng tre là nguồn lương thực và cũng là nguồn thuốc. Từ thế kỷ VI sau Tây Lịch Hoa y cổ truyền đã dùng trúc hoàng (màng mỏng trong ống tre) có nhiều silicicum để trị chứng viêm mũi, tê thấp, bịnh thần kinh. Lớp vỏ xanh của cây tre (trúc nhu) nấu nước uống làm mát cơ thể. Tro của lớp màng mỏng của tre (trúc hoàng) cầm máu và trị ói mửa. Rễ tre nhuận tiểu và gây phản hạn (đổ mồ hôi). Lá tre, thân cây tre nhuận trường, hạ sốt. Lá tre có nhiều protein. Lá sắc nước uống để hạ sốt, điều kinh, lợi phế, kích dục, hạ đường trong máu. Lá tre dùng để gói bánh ú. Măng tre là một thức ăn ngon và bổ dưỡng. Măng tươi, măng lên men chua, măng khô dùng để nấu canh, hầm giò heo. Măng luộc được ăn như rau cải chấm với nước mắm hay mắm nêm dầm cá chiên. Ngày nay măng tre được vô hộp. Măng tre có protein, carbohydrates, khoáng chất, ít chất béo và ít đường. Tỷ lệ nước trong măng tre rất cao. Măng tre có nhiều phytosterols, hợp chất phenol giúp cho sự tiêu hóa dễ dàng, gây thèm ăn, kháng trùng, kháng khuẩn, kháng ung thư, lợi cho bịnh tim mạch v.v. Măng tre được ưa thích ở Việt Nam là măng tre Mạnh Tông. Nhưng măng tre có hydrocyanic acid HCN là một độc chất có thể gây tử vong cho người. Do đó khi ăn măng tươi cần phải luộc chín để loại độc chất. Không nên dùng nước vừa luộc măng để nấu nướng. Đó là cách ăn măng tre mà không sợ bị độc chất giống như cách ăn khoai mì vì ăn khoai mì sống có nhiều độc chất như măng tre.

Hoa Kurinji

.

(Ảnh: https://alchetron.com/)

.

Sự hiểu biết về loại hoa Kurinji chưa được đầy đủ. Hoa này được nhà thực vật Đức Daniel Nee Von Evenbeck (1776 - 1858) đề cập đầu tiên vào thế kỷ XIX. Cho đến bây giờ người Anh vẫn chưa có tên gọi thông thường dành cho loài hoa này.

Tên khoa học của hoa Kurinji là Strobilanthes Kunthiana, S. nilgirianthus, Phlebophyllum kunthianum thuộc gia đình Acanthaceae. Tiếng Hindi gọi là Kurinji hay Neelakurinji. Cây cao từ 50 - 80 cm; lá dày có răng cưa nhuyễn. Hoa hình chuông màu tím nhạt hay màu xanh dương mọc thành chùm trông đẹp mắt. Vì hoa Kurinji mọc đầy trên các đồi núi Tây Ghats, Ấn Độ, nên vùng nầy mang tên Nilgiri có nghĩa là núi đồi xanh, tên địa danh gợi lên sự hiện diện của nhiều bụi hoa thanh dương mọc hoang trên sườn đồi.

Chữ Kunthiana trong tên khoa học phát xuất từ tên sông Kunthi trong tiểu bang Kerala. Người địa phương cũng dùng hoa Kurinji để cúng thần Murukan. Họ dùng hoạt chất của cây hoa Kurinji để trị rắn cắn, làm thuốc nhuận tiểu và thuốc trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tủy. Hoa Kurinji không được các nước Âu- Mỹ biết đến nhiều vì cây ra hoa từ 12 đến 16 năm một lần! Chánh quyền tiểu bang Kerala bảo vệ hoa Kuringi chặt chẽ vì sợ bị tuyệt giống vì đơm hoa, kết quả chậm: từ 12 - 16 năm một lần!

Kinh nghiệm y học cổ truyền về việc dùng cây hoa Kurinji của cư dân sống quanh đồi Nilgiri đang được các nhà khoa học lưu ý để kiểm chứng hiệu năng trị liệu của loài thảo mộc chỉ nở hoa một lần trong 12 đến 16 năm.

Thiết Mộc Lan: Cây Phát Tài

(Ảnh: https://species.wikimedia.org/)

.

Cây phát tài còn được gọi là thiết mộc lan (vì cây có hoa và có gỗ rất cứng. Ngày xưa người ta dùng gỗ thiết mộc lan làm binh khí), cây báng hay cây tương. Ngày nay cây phát tài được quảng bá khắp nơi trên thế giới như là một cây phong thủy. Ngay cả các công ty và văn phòng làm việc của người Âu-Mỹ cũng có cây phát tài.

Tên khoa hoc của thiết mộc lan là Dracaena fragrans (vì hoa rất thơm) thuộc gia đình Asparagaceae hay Agavaceae hay Dracaenaceae. Người Anh gọi cây phát tài là Chinese money plant mặc dù sinh quán của nó là Mozambique, Sudan (Phi Châu). Cây phát tài được tìm thấy nhiều ở Đông Phi lẫn Tây Phi. Ngày nay nó được trồng khắp nơi trên thế giới vì trồng trong chậu và đất trong nhà nên người ta có thể trồng nó khắp các vùng khí hậu khác nhau. Cây không cần nhiều ánh sáng mà chỉ cần một ít nước.

Tộc Chagga ở Tanzania gọi cây phát tài là Masale, một cây thiêng đối với họ. Cây phát tài cao từ 1 - 2m nếu trồng trong chậu. Trong ngoài đất cây có thể cao đến 15m. Lá dài và láng. Về hình dạng lá hơi giống lá bắp. Vì vậy người Anh gọi thiết mộc lan là Corn plant. Thiết mộc lan mọc thẳng, gỗ rất cứng. Thân có mắt, ít khi có nhánh. Vì cây chậm tăng trưởng nên nó chậm ra hoa. Có khi cây được 10 - 15 tuổi mới có hoa nhưng hoa không trở định kỳ hàng năm. Hoa chùm kết hợp nhiều hoa hình ống nhỏ tụ lại. Hoa màu trắng với tia hồng hay màu trắng ngà với tia hồng. Hoa rất thơm và kết thành chuỗi dài cả thước rũ xuống mặt đất. Thiết mộc lan có trái và có hột nhưng người ta không dùng hột để nhân giống mà dùng một thân cây có mắt ghim xuống đất và giữ ẩm độ cho đất để cây chóng nảy mầm non, bắt rễ và sống vững chắc. Người ta cũng có thể chiết một phần vỏ có rễ dưới gốc và ươm xuống đất cho nảy mầm non.

Việc thiết mộc lan trổ hoa được xem là một hiện tượng hiếm hoi giống như quỳnh hoa nở hoa vậy. Đó là điềm may mắn? hay xui xẻo? Chỉ có người trồng nó mới biết rõ đó là sự may mắn hay điềm bất lành.

Thiết mộc lan có nhiều saponins không tốt cho chó và mèo nếu ăn lá.

Ở Phi Châu người ta dùng lá phơi khô để làm trà hay cho vào rượu, bánh ngọt...để có hương vị đặc biệt. Vỏ thiết mộc lan có hợp chất diosgenin, neuroscogenin, dracogenin, spiros sapogenin. Người ta tin rằng côn trùng xa lánh cây thiết mộc lan. Cây, lá, rễ được dùng để trị viêm da. Lá thiết mộc lan kháng trùng Plasmodium falciparum gây ra bịnh sốt rét rất mạnh. Rễ sắc nước uống hạ sốt.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/vaichuyenlavethaomoc.htm


Cái Đình - 2020