Tam Hợp


Phỏng vấn nhà hoạt động Trần Quốc Hiền

Lời giới thiệu: Có lẽ nhiều người trong chúng ta đến nay vẫn chưa biết là
luật sư bất đồng chính kiến Trần Quốc Hiền đã đến tỵ nạn tại Hòa Lan từ nhiều năm nay.
Để hiểu rõ thêm về hoạt động của ông, Tam Hợp đã có cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với ông
sau dịp bầu cử ban chấp hành Cộng Đồng Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan vào tháng 9 năm 2020. 

Luật sư Trần Quốc Hiền, Giám đốc Công ty tư vấn Luật Sài Gòn bị tuyên án 5 năm tù
về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” và tội “Phá rối an ninh” vào năm 2007

Hỏi: là một luật sư và nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam, ông đã tham gia đấu tranh kêu gọi xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp Việt Nam, đòi thực hiện đa đảng nhân dịp phái đoàn của Mỹ sang Việt Nam dự Hội nghị APEC vào tháng 11 năm 2006. Trước khi bị bắt, ông là giám đốc Công ty Tư vấn luật Sài Gòn. Ông cũng là thành viên của tổ chức hoạt động vì dân chủ, Khối 8406. Ngày 15 tháng 5 năm 2007, ông bị đưa ra xét xử ở tòa án ở Việt Nam và bị xử phạt 5 năm tù. Với bề dày hoạt động như thế, ông có dành thời giờ để viết hồi ký chưa ạ?

Đáp: Tôi chưa viết hồi ký, vì tình hình những năm gần đây biến chuyển mau lẹ. Hơn nữa, với cuộc sống mới ở Hòa Lan, tôi phải nỗ lực lại từ đầu. Vì thế có ít thời gian để viết hồi ký.

Hỏi: Ông sinh hoạt trong những tổ chức nào tại Việt Nam?

Đáp: Tôi là thành viên của Khối 8406, một phong trào ủng hộ dân chủ Việt Nam. Như ông đã biết, đây là tổ chức của nhiều nhà hoạt động như cha Nguyễn Văn Lý, anh Đỗ Nam Hải, cựu binh Trần Anh Kim và giáo sư Nguyễn Chính Kết v.v… Nhiều người trong số này vẫn còn chịu cảnh lao tù hoặc bị quản chế nghiêm ngặt ở Việt Nam. Sau này, tôi bị chính quyền Việt Nam bắt giam vì hoạt động công đoàn. Tôi trở thành phát ngôn nhân của Tổ chức Đoàn Kết Công Nông, sau khi bốn nhà lãnh đạo khác làTrần Thị Lệ Hằng, Nguyễn Tấn Hoành, Đoàn Văn Điển và Đoàn Huy Chương bị bắt trước Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Thái Bình Dương tại Việt Nam. Trước đó, tôi đã từng là cố vấn pháp lý cho tổ chức này.

Hỏi: Động cơ nào đã thôi thúc ông đứng ra đấu tranh cho dân chủ?

Đáp: Trước nhất, là do truyền thống gia đình. Bố mẹ tôi là người bắc công giáo di cư vào miền nam. Bố tôi là quân nhân quân đội VNCH. Sau năm 1975, với các chiến dịch đánh tư sản ở miền nam, tôi đã chứng kiến một cụ bà treo cổ tự tử trước nhà do bị cộng sản chèn ép. Hình ảnh đó gây một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của một thanh niên trẻ như tôi. Tôi không tin vào những tuyên truyền láo khoét của cộng sản. Hình ảnh cụ bà treo cổ trước nhà mà tôi chứng kiến đã làm tôi nhớ đến những cuộc đấu tố trước đây ở miền bắc mà tôi đã được cha anh kể lại. Trước những cảnh đàn áp, bắt bớ thủ tiêu nhan nhản hàng ngày. Tôi nhận thức là mình phải đấu tranh để bảo vệ cái thiện và chống lại cái ác.

Thêm vào đó, từ những năm 1993 trở đi, do cộng sản VN có bang giao với Mỹ, tôi nhận định đây là một cơ hội cho phong trào dân chủ, nhưng rồi sau nhiều năm sau, tình hình không thay đổi như tôi nghĩ, ngay cả khi cộng sản VN tham gia tổ chức Mâu Dịch Quốc Tế, tôi không thấy có hy vọng là cộng sản sẽ cởi mở hơn, vì nhiều nhà hoạt động vẫn chịu cảnh tù tội.

Vào năm 2001, tôi có dịp làm quen với anh Đỗ Nam Hải trong một quán internet ở Sài Gòn. Tâm đầu ý hợp, tôi tham gia tổ chức 8406, và xem đó là viên gạch lót đường cho phong trào dân chủ. Lúc ấy, chúng tôi không có lực, chỉ có một tấm lòng, một lý tưởng, nhưng không hề sợ hãi, dù biết là mình tay không, thì cường quyền dễ dàng bóp chết.  

Hỏi: Việc giam giữ ông đã dấy lên sự phản đối bởi một số tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Văn Bút Quốc Tế, Human Rights Watch, Phóng viên không biên giới và Tổ chức Ân xá Quốc tế. Tổ chức vừa nêu đã phong ông là tù nhân lương tâm. Trong thời gian ấy, ông có liên hệ với tổ chức nào của người Việt ở hải ngoại không ạ?

Đáp: Tôi có tiếp xúc với một số cá nhân qua diễn đàn Paltalk thịnh hành trong những năm 2003-2004. Lúc ấy, mọi người đều sử dụng tên giả. Sau này, khi sang đây tôi mới nhận ra một nickname trong diễn đàn khi ấy là ông Nguyễn Hữu Phước ở Hòa Lan. Sau này, khi vượt biên sang Thái Lan, tôi có liên hệ với nghị sĩ Ngô Thanh Hải ở Canada và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng ở Mỹ. Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã bảo trợ cho nhà hoạt động Đặng Chí Hùng sang tỵ nạn ở Canada. Còn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng bảo trợ cho anh Trương Quốc Huy sang Mỹ.

Hỏi: Trường hợp nào khiến ông phải vượt biên sang Thái Lan?

Đáp: Sau khi mãn hạn 5 năm tù, tôi phải chịu 2 năm quản chế. Trong thời gian bị quản chế, tôi tham gia tổ chức biểu tình với những người đi khiếu kiện chính quyền tịch thu đất đai, tôi cũng viết các bài báo chỉ trích chính quyền trên mạng. Mặt khác, tôi bị cộng sản bao vây kinh tế. Con tôi không được đi học. Họ vận động hàng xóm cô lập gia đình tôi. 

Đến tháng 8 năm 2012, tôi trốn sang Miên bằng đường bộ. Ở đó, tôi gặp lại vợ con tôi đi đường du lịch sang Miên, rồi chúng  tôi trà trộn theo những nhóm lao động từ Miên sang Thái Lan để nộp đơn xin tỵ nạn tại Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.

Hỏi: Lý do gì khiến ông chọn Hòa Lan để đến định cư?

Đáp: Trong thời gian ở Thái Lan, an ninh mật vụ Việt Nam trà trộn ở đó. Khi Đặng Chí Hùng bị cảnh sát Thái Lan bắt do yêu cầu của phía VN. Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc khuyên tôi nên đi sớm, khi nào có nước nào đồng ý nhận mình. Thế là chúng tôi chọn Hòa Lan, vì Hòa Lan đồng ý nhận gia đình tôi sang tỵ nạn.

Hỏi: Ông ở Hòa Lan đã năm sáu năm. Ông có nhận xét gì về cộng đồng người Việt ở đây?

Đáp: Cộng đồng người Việt ở Hòa Lan là một cộng đồng nhỏ so với cộng đồng ở Úc hay ở Mỹ, vì thế sức liên kết không mạnh được như ở Úc hay Mỹ. Tuy cộng đồng có chút phân hóa, nhưng điểm son là vẫn tồn tại sau nhiều song gió. Sinh hoạt vẫn nề nếp. Vẫn rực lửa đấu tranh và trung thành với lý tưởng.   

Điểm đáng lo là những người kế thừa. Tuổi trẻ ở đây bị hạn chế ngôn ngữ tiếng Việt. Các cháu vì thế không có điều kiện để tìm hiểu quá khứ của cha anh và giá trị nhân văn của truyền thống văn hóa Viêt Nam. Muốn uốn cây được tốt, thì phải uốn từ lúc cây còn non. Không quan tâm đến điều này, tôi e là mình sẽ muộn.

Hỏi: Ông thấy phong trào ở trong nước hiện nay như thế nào?

Đáp: Lực lượng trong nước vẫn còn yếu. Có điều kém sôi nổi hơn 10 năm về trước. Nhưng tình hình quốc tế có thay đổi góc độ, khiến chúng ta sẽ có hy vọng hơn. Hai cường quốc Mỹ Trung đang căng thẳng. Tình hình có thể thay đổi đột biến như năm 1945, khi cộng sản còn yếu nhưng lợi dụng thời cơ mà cướp được chính quyền. Phong trào trong nước không nên để lệ thuộc nhiều vào hải ngoại. Vì lệ thuộc thì mình sẽ kém tự tin.

Hỏi: Thế thì nhiệm vụ ở hải ngoại bây giờ là gì?

Đáp: Truyền thông. Phải giao lưu với người trong nước để họ biết so sánh. Khi có biến chuyển, thì chính người dân trong nước sẽ nổi dậy.   

Hỏi: Ông nghĩ thế nào về ban chấp hành mới của cộng đồng Hòa Lan?

Đáp: Họ là những vị dày dạn kinh nghiệm. Tôi nghĩ họ sẽ biết cách để làm tốt hơn trước.

Xin cám ơn ông đã dành thời giờ quý báu cho cuộc phỏng vấn này. Cũng cám ơn ông chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Quang Kế đã làm trung gian giúp tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Vẫn biết, cuộc phỏng vấn chớp nhoáng này không nói lên hết những tâm tư của ông, nhưng thiết nghĩ đây là bước đầu để ghi nhận lại những suy nghĩ của một nhà hoạt động như ông.

.

Tam Hợp

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/phongvannhahoatdongtqh.htm


Cái Đình - 2020