Huỳnh Minh Triết


10 chuyển động của thế giới trong năm 2021

Ở nhiều khía cạnh, đại dịch đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Ảnh: Nikkei, Getty, Financial Times.

Năm 2020 đầy biến động đã khép lại, nhưng những dư chấn của nó thì vẫn sẽ tiếp tục được cảm nhận trong năm mới. Luật Khoa trích lược giới thiệu những xu hướng đáng chú ý của năm 2021, với các sự kiện tiếp nối từ năm cũ, cùng những chuyển động mới được dự báo sẽ là tâm điểm trên thế giới.

1. Thế giới hậu Trump

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Thế giới hậu Trump có thể nhanh chóng quay trở về một trật tự như bốn năm trước hay không? Nước Mỹ có thể nhanh chóng quay lại cầm chịch các tổ chức đa phương, lấy lại niềm tin của đồng minh và đối tác được hay không? Mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại lãnh đạo vũ đài quốc tế, đa số các nhà quan sát nói rằng mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Trump có thể thất cử, nhưng “chủ nghĩa Trump” sẽ tiếp tục tồn tại. 

Năm 2021 sẽ chứng kiến nỗ lực của chính phủ Biden nhằm ghép lại các mảnh vỡ của nước Mỹ cũng như của trật tự thế giới trước Trump. Thỏa thuận khí hậu Paris và Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là hai khởi đầu của ông. Tuy các lãnh đạo phương Tây tỏ ra “nhẹ nhõm” sau khi Biden thắng cử, họ vẫn e ngại liệu các cam kết lâu dài của Mỹ có thể bị xé toạc khi một người như Trump (hay chính Trump) lại đắc cử hay không.

Di sản mà ông Trump để lại ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ là một nước Mỹ chia rẽ cùng cực và một cuộc bầu cử mà ông và hàng triệu người ủng hộ tuyên bố là gian lận. Nước Mỹ bị cho là như “một nước ở thế giới thứ ba”, thua kém cả Afghanistan về công bằng và minh bạch bầu cử. Với nhiều người, Mỹ không còn là thành trì dân chủ, là biểu tượng của bầu cử liêm chính nữa. Trước đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có thể, và chính đáng, công kích cuộc bầu cử tại Venezuela là gian lận. Nhưng vị ngoại trưởng kế tiếp ông khó có thể dễ dàng làm điều này mà không khiến các nhà độc tài khác cười vào mặt. Quyền lực mềm của Mỹ phần nào đã bị suy yếu trầm trọng.

2. COVID-19 và cuộc chiến vaccine

Ảnh minh họa: Nikkei.

May mắn là vào những ngày cuối cùng của năm 2020, chúng ta đã tìm ra được những loại vaccine đặc hiệu chống lại COVID-19. Tuy vậy, một số nhà quan sát bi quan nhận định rằng năm 2020 chỉ là trailer, năm 2021 còn tệ hơn nhiều. Các nhà khoa học đang lo sợ loại virus biến chủng đang nổi lên ở Anh (và lan ra khắp nơi) có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng virus cũ. Thậm chí, một chủng mới đang có mặt ở Nam Phi có nguy cơ kháng các loại vaccine mà thế giới rất vất vả mới có được.

Theo dự đoán, dịch bệnh sẽ tiếp tục là vấn đề chủ đạo cho đến nửa đầu năm 2021. Sáu tháng tiếp theo, một phần lớn người dân các nước giàu sẽ được tiêm vaccine hay tiếp cận phương pháp điều trị hiệu quả. Điều này kéo theo sự khôi phục và mở cửa kinh tế.

Dẫu vậy, năng lực sản xuất và khả năng phân phối hạn chế sẽ làm cho cuộc chiến ngoại giao vaccine nổi lên giữa các quốc gia. Các công ty Mỹ – Âu hiện sở hữu hai loại vaccine tốt nhất, bao gồm: vaccine của Pfizer-BioNtech (Mỹ – Đức) và của Moderna (Mỹ). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang khuyến cáo sử dụng hai loại này. 

Ngoài ra, một loạt vaccine khác của Oxford-AstraZeneca (Mỹ - Anh) đang có kết quả đầy hứa hẹn và đã được Anh chấp thuận sử dụng. Loại này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng diện rộng (giai đoạn III). Đây là loại rẻ hơn và có thể trữ ở nhiệt độ bình thường trong tủ lạnh, dễ vận chuyển hơn hai loại vaccine trên. 

Joe Biden đã chỉ trích rằng với tốc độ phân phối hiện tại của chính quyền Trump, phải mất đến cả năm thì mới tiêm chủng hết được cho người Mỹ. Trong khi đó, bắc bán cầu đang tiến vào giữa mùa đông, nghĩa là virus corona có điều kiện lây lan mạnh hơn.

Các quốc gia khác cạnh tranh nhau để mua được vaccine tốt sớm hơn. Philippines đã đe dọa nếu Mỹ không sớm cấp vaccine thì sẽ chấm dứt liên minh quân sự.

“Nếu họ không mang tới ít nhất 20 triệu liều vaccine thì họ nên biến khỏi đây. Không có vaccine thì đừng hòng ở đây”, tổng thống Rodrigo Duterte nói. Các nước khác, dẫu không nói thẳng ra như ông Duterte, nhưng sẽ tìm mọi cách ngoại giao, thương thảo với các nước Mỹ – Âu để mua được các loại vaccine tốt nhất.

Tuy vậy, các nước nghèo hơn ở châu Á và châu Phi không có nhiều tiền, quyền lực hay đòn bẩy như Philippines sẽ phải chờ đợi đến cuối năm, hoặc mua các vaccine kém hiệu quả hơn của Trung Quốc hoặc của Nga. 

Một loạt các tổ chức như Ân Xá Quốc Tế, Frontline AIDS, Global Justice Now và Oxfam đã cảnh báo rằng khoảng 70 nước nghèo sẽ chỉ tiêm chủng được cho 1/10 dân số trong năm 2021.

3. Khôi phục kinh tế 

Vẫn còn quá nhiều biến số và chướng ngại để mong đợi mọi nền kinh tế sẽ sớm trở lại như cũ. 

Hoạt động tiêm chủng vaccine không đồng đều, cộng với diễn biến bất thường của dịch bệnh đã khiến châu Âu phải phong tỏa trở lại. Việc này có thể ngăn cản đà hồi phục của những nước này.

Về mặt con số, các nhà kinh tế nhận định rằng kinh tế sẽ khôi phục mạnh mẽ trong năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,2%; hãng phân tích tài chính Morgan Stanley dự đoán kinh tế sẽ tăng tới 6,4% với việc các nền kinh tế mới nổi dẫn đầu và sau đó là sự mở cửa của các nền kinh tế phát triển.

“Việc tìm ra vaccine là một liều thuốc cho nền kinh tế, nhưng phải tới năm 2022 mới có hiệu lực”, các nhà kinh tế của tập đoàn Citi nói trong một báo cáo hồi tháng 12/2020. “Tuy vậy, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng rõ rệt trong năm 2021, một phần bởi vì không khó để tốt hơn năm 2020”. 

Các nhà kinh tế học dự đoán rằng du lịch, nhà hàng và hàng không vẫn sẽ ảm đạm. Các nước sẽ chủ yếu tập trung vào du lịch nội địa cũng như tìm kiếm sức mạnh nội tại và giải quyết xung đột trong nước do các vấn đề kinh tế đem lại.

4. Bình thường cũ - bình thường mới

Làm việc ở nhà trở thành bình thường mới. Ảnh minh họa: AFP.

COVID-19 đã thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc, giải trí, và tương tác với nhau. Trong năm nay, cuộc sống khó có thể trở lại như trước đại dịch. Chúng ta vẫn sẽ chứng kiến những đợt phong tỏa cục bộ rồi mở cửa trở lại. Sẽ ít ai còn bất ngờ khi nhìn thấy thông báo duy trì giãn cách xã hội, khuyến cáo không bắt tay nhau hay biết chuyến bay của mình bị hủy.

Ngoại giao sẽ là lĩnh vực đầu tiên trở lại “bình thường cũ”. Việc các nguyên thủ họp với nhau chỉ qua các phần mềm gọi video vừa kém an toàn, vừa thiếu ý nghĩa. Các sự kiện quốc tế bị hoãn lại trong năm 2020 sẽ được khởi động lại vào năm nay, chẳng hạn cuộc họp các nước thuộc G7, Hội nghị Khí hậu COP26 và Thượng đỉnh Âu - Phi.

Làm việc từ xa sẽ trở thành một xu hướng mới được các công ty ưa chuộng. Twitter đã cho phép nhân viên làm việc ở nhà vô thời hạn. Google bắt đầu thử nghiệm cho phép nhân viên làm việc tại nhà ba ngày và đến công sở hai ngày trong một tuần. Với sự trợ giúp của công nghệ và những lợi ích của làm việc phi tập trung, nhiều doanh nghiệp sẽ áp dụng cách làm việc này hơn.

Đại dịch đã vùi lấp vô số ngành kinh doanh, nhưng cũng đem về lợi nhuận to lớn cho các công ty điện toán đám mây cũng như các doanh nghiệp cung cấp giải pháp liên lạc và lưu trữ trực tuyến.

5. Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu

Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chạm ly
tại quốc yến năm 2015 ở Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Việc Joe Biden lên nắm quyền không xua tan ngay lập tức bầu không khí đối đầu Mỹ – Trung căng thẳng. Chính quyền Biden có thể còn mạnh tay hơn người tiền nhiệm về vấn đề nhân quyền Trung Quốc, đặc biệt là tại Tân Cương và Hong Kong.

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khởi xướng sẽ được sử dụng để làm con bài mặc cả với Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà quan sát đều đồng ý rằng Biden sẽ không tùy tiện đánh thuế như người tiền nhiệm. Điều này có thể khiến giới doanh nghiệp, vốn đang kiệt quệ vì dịch bệnh, dễ thở hơn một chút.

Trung Quốc đã chứng minh cho Mỹ thấy rằng họ không dễ thua trong một cuộc thương chiến. Họ là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng dương trong năm 2020. Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đặt ra mục tiêu độc lập công nghệ khỏi phương Tây vào năm 2035. Quá trình “tách rời kinh tế” vẫn sẽ diễn ra, nhưng ít ầm ĩ hơn và hai bên đều e dè nhau hơn.

Nhân cơ hội Mỹ thoái lui, Trung Quốc đã ký hai hiệp ước kinh tế quan trọng với Đông Nam Á (RCEP) và Châu Âu (Hiệp ước đầu tư toàn diện Trung Quốc – EU). Trong năm nay, Mỹ sẽ phải tìm cách lấy lại niềm tin của khối đồng minh và níu kéo ảnh hưởng ở Châu Á. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến Biden hiện thực hóa cam kết “kiềm chế Trung Quốc bằng các hợp lực đồng minh” như thế nào.

6. Chống biến đổi khí hậu

2021 sẽ là một năm quan trọng của công tác chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2020 (COP26) đã bị hoãn lại tới tháng 11 năm nay. Đây có lẽ là một điều may mắn bởi vì tới khi diễn ra ở Scotland, Tổng thống Biden có thể đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris. COP26 sẽ rà soát lại các cam kết cắt giảm khí thải của chính phủ các nước và đưa ra các cam kết mới, được kỳ vọng là tốt đẹp hơn cho môi trường. 

Thỏa thuận Paris 2015 có mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C. Nhưng cho tới nay, tổng cộng nỗ lực giảm khí thải carbon của gần 200 quốc gia không đủ để thực hiện mục tiêu này. Các mô hình dự đoán chỉ ra rằng tới trước năm 2100, nhiệt độ thế giới sẽ tăng tới 3 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Để bù vào sự thiếu hụt này, lãnh đạo các nước được trông đợi sẽ cam kết cắt giảm khí thải mạnh hơn nữa. EU tuyên bố sẽ giảm phát thải ròng khí nhà kính xuống bằng không trước năm 2050. Tương tự, Joe Biden cũng công bố mục tiêu giảm phát thải ròng xuống mức không trong vòng 30 năm tới. Đáng ngạc nhiên là Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ đạt mục tiêu này vào năm 2060.

Các hứa hẹn trên có thể xa vời, nhưng chúng thể hiện một tinh thần chung hướng tới việc cứu lấy hành tinh của chúng ta trước khi quá muộn. 

7. Xe điện trở thành xu hướng

Elon Musk và chiếc Cybertruck – chiếc xe bán tải “đến từ tương lai”. Ảnh: The Verge.

Giới doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt xu hướng giảm thải carbon. Năm 2021 sẽ là năm của xe điện khi ngày càng nhiều các hãng xe nổi tiếng tung ra các mẫu xe hơi không dùng xăng.

Từ tháng Tám, General Motors sẽ bắt đầu sản xuất loạt xe bán tải hoàn toàn chạy điện đầu tiên mang thương hiệu Hummer. Cuối năm nay, Elon Musk cũng sẽ bắt đầu bàn giao Cybertruck, một loạt xe bán tải động cơ điện mang dáng dấp tương lai.

Đầu tư vào phát triển xe điện đã tăng vọt trong năm qua. Hiện hơn 250 công ty đang sản xuất xe hơi điện và gần 50 nhà máy sản xuất pin điện cho xe hơi đang được xây dựng. Xu hướng ưa chuộng xe không phát thải khí nhà kính đã giúp cổ phiếu của Tesla tăng vọt, đưa Elon Musk trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

8. Phong trào dân chủ tiếp tục bị thách thức

Bobi Wine, thủ lĩnh phong trào dân chủ People Power, bị cảnh sát Uganda đưa đi. Ảnh: Reuters.

Năm 2020, các nền dân chủ xói mòn trong đại dịch. Virus corona trở thành cái cớ để hàng loạt các chính phủ siết chặt quyền công dân, kìm kẹp truyền thông và bắt bớ phe đối lập.

Năm 2021, các phong trào dân chủ sẽ tiếp tục bị thách thức mạnh mẽ trước sức nóng của một loạt các cuộc bầu cử.

Ngay những ngày đầu năm, 53 nhà hoạt động dân chủ Hong Kong bị bắt vì vi phạm luật an ninh quốc gia. Đây là một điều luật mà Trung Quốc cưỡng ép áp đặt lên Hong Kong từ tháng 7/2020 mà không thông qua cơ quan lập pháp của đặc khu. Nhà quan sát của Human Right Watch cho rằng chính quyền Trung Quốc đang muốn xóa bỏ hết dấu vết dân chủ khỏi thành phố này.

Hong Kong sẽ tổ chức bầu cử vào năm nay, sau khi phải hoãn vì dịch bệnh. Tuy vậy, với đà bắt bớ và bỏ tù của nhà cầm quyền thân Bắc Kinh, hiện chưa thấy được ai có thể đại diện phe đối lập ra tranh cử.

Theo Freedom House, kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhân quyền và dân chủ đã suy giảm ở 80 quốc gia, phần lớn là ở Châu Phi. Một ví dụ nổi bật là Uganda, nơi lãnh đạo phe đối lập, ca sĩ rap trẻ “Bobi Wine” mới bị tạm giam vì “vi phạm quy định giãn cách xã hội” khi đi vận động.

Bobi Wine đại diện cho thế hệ thanh niên trẻ Uganda, mong muốn thay đổi và thách thức quyền lực của Tổng thống Yoweri Museveni, người đã nắm quyền suốt 35 năm qua. Năm 2017, Museveni đã sửa hiến pháp để tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ sáu.

Tháng Một này, Uganda sẽ tổ chức bầu cử. Những thanh niên ủng hộ Bobi Wine tuyên bố họ đã sẵn sàng chiến đấu vì tương lai của mình.

9. Điện ảnh Trung Quốc vượt mặt Hollywood

Một cậu bé đang xem poster phim Mulan tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/ Getty Images.

Đằng sau cánh gà của cuộc chiến thương mại là cuộc chiến ít ầm ĩ hơn trên màn ảnh rộng. Năm 2021, Trung Quốc sẽ lật đổ một thế kỷ thống trị phim ảnh của Hollywood, ít nhất về mặt tiền bạc. Dự đoán của tờ Economist cho thấy doanh thu phòng vé của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm nay. 

Ngành điện ảnh của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. Năng lực làm phim ngày càng tiến bộ giúp Trung Quốc không phải phụ thuộc vào các bộ phim chiếu rạp nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong dịch bệnh, khi các phim trường của Mỹ tê liệt và các phòng vé phải đóng, thì các rạp của Trung Quốc đã có thể mở cửa với tỷ lệ lấp đầy tới 75%. Trung Quốc ngày càng không phụ thuộc vào các bộ phim của Hollywood.

Thị trường đông đảo người trẻ thích xem phim của Trung Quốc mang sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với các nhà làm phim Hollywood. Phần thứ tám của loạt phim “Fast and Furious” thu từ Trung Quốc số tiền gần gấp đôi so với doanh thu tiền vé ở Mỹ. Nhưng từ đây, người ta thấy một xu hướng đáng lo ngại là các nhà làm phim phương Tây “tự kiểm duyệt” để chiều lòng Bắc Kinh.

Bộ phim “Doctor Strange” đã thay đổi nhân vật Ancien One từ một nhà sư Tây Tạng sang người Celt. Phim “Mulan” (Mộc Lan) của Disney, được hoan nghênh nhiệt liệt ở Trung Quốc, có nhân vật người cha giống hệt Tập Cận Bình. Sang năm 2021, sau một năm “thất thu” vì dịch bệnh, xu hướng nhân dân tệ chi phối các nhà làm phim Mỹ sẽ chỉ có tăng lên.

10. Kiềm chế “big tech”

Mark Zuckerberg, người sáng lập của mạng xã hội Facebook. Ảnh: Financial Times.

Ở hai cuộc bầu cử 2016 và 2020, thế giới đã chứng kiến quyền lực chưa từng thấy và ngày càng áp đảo của các công ty công nghệ lớn (big tech). Facebook, Twitter và Youtube trở thành công cụ hữu hiệu nhất để vận động bầu cử, nhưng cũng là phương tiện dễ dàng nhất để phát tán tin giả và thuyết âm mưu nguy hại.

Các hãng công nghệ khổng lồ này nắm trong tay quyền lực tác động đến lá phiếu của hàng triệu cử tri. Họ cũng có thể làm dấy lên một phong trào xã hội bất cứ khi nào họ muốn.

Quyền lực đáng sợ này khiến cả những người bảo thủ yêu thị trường tự do nhất ở Mỹ cũng phải lên tiếng đòi kiềm chế các “big tech”. Trong năm 2020, các vụ kiện chồng chất của chính phủ Mỹ chống lại các công ty này thể hiện rõ thái độ trên.

Cả hai đảng ở Washington đều ủng hộ vụ kiện của chính quyền, yêu cầu Facebook phải tách nhỏ làm ba. Google cũng đang bị một loạt các bang kiện độc quyền. Apple và Amazon cũng bị Bộ tư Pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ điều tra.

Biden đã đánh tiếng là ông sẽ còn mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Nhưng câu hỏi là ông sẽ phải làm thế nào? Đây là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ với nước Mỹ và thế giới tự do.

Washington không có quyền lực kiểm soát kiểu độc tài như Trung Quốc. Các vụ kiện chống lại đội ngũ luật sư của các công ty này thì quá tốn thời gian. Một giải pháp đang được cân nhắc là cập nhật hệ thống luật lệ đang lỗi thời so với sự phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc này yêu cầu hai đảng đang chia rẽ sâu sắc ở Washington cùng ngồi lại thảo luận và nhượng bộ.

Dẫu sao, “big tech” cũng sẽ xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận năm nay, như một mục tiêu mà ai cũng có thể chỉ trích, nhưng chưa chắc làm gì được.

.

Huỳnh Minh Triết
Trích từ: Luật Khoa tạp chí, 07.01.2021

_________________

Một số nguồn tham khảo chính:

CNBC, 5 charts show COVID impact on the global economy

Foreign Policy, 2021 Outlook: A Quick Recovery but a Slew of New Economic Problems

The Economist, Ten trends to watch in the coming year

The Economist, The World in 2021: five stories to watch out for 

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/10chuyendongcuathegioi.htm


Cái Đình - 2021