Phạm Ɖình Lân


Vài chuyện quen thuộc không được lưu ý

Những điều người đọc thấy trong bài viết nầy đều là những điều thường thấy, thường nghe rất quen thuộc.
Tò mò một chút, chúng ta thử đi vào nguồn gốc của vấn đề quen thuộc.
Mỗi sự kiện đều có lịch sử và nguồn gốc của chúng.
Một sự kiện nào cũng có nguyên nhân, thời gian và không gian nơi nó xảy ra.

***

Danh xưng Nam Việt

Nam Việt thời cổ (257 - 111 tr. Tây lịch)

Vua Hùng Vương XVIII là vị vua cuối cùng của nước Văn Lang và họ Hồng Bàng. Nước Văn Lang rơi vào tay của Thục Phán vào năm 257 trước Tây Lịch. Thục Phán lên ngôi tức là vua An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc. Lúc ấy Qin Shi Huang (Tần Thỉ Hoàng) xưng đế sau khi lập ra nhà Tần (Qin hay Ch’in). Nhà Tần chỉ kéo dài 15 năm ngắn ngủi với hai vị hoàng đế:

- Qin Shi Huang (Tần Thỉ Hoàng) ngự trị từ năm 221 - 210 trước Tây Lịch.

- Qin Er Shi (Tần Nhị Thế) ngự trị từ năm 210 - 206 trước Tây Lịch.

Dưới thời Tần Thỉ Hoàng (Qin Shi Huang) đại bộ phận của Bách Việt (Po Yue) trên lãnh thổ Trung Hoa chia ra làm:

a- Nam Hải (Guangdong – Quảng Ɖông).

b- Quế Lâm (Guilin – Guangxi – Quảng Tây).

c- Tượng Quận (Xiang Qu – tức xứ Âu Lạc, ám chỉ châu thổ sông Hồng xuống tận vĩ tuyến 18).

Bản đồ Bách Việt (https://luocsutocviet.wordpress.com/)

Năm 208 trước Tây Lịch thái úy quận Nam Hải (Nan Hai) là Chao Tô (Zhou Tou – Triệu Ɖà) đánh bại vua An Dương Vương. Nước Âu Lạc bị sát nhập vào quận Nam Hải. Chao Tô (Zhou Tou) lập ra nhà Triệu (207 - 111 trước Tây Lịch), đặt tên nước là Nam Việt (Nan Yue), đóng đô ở Phiên Ngung (Panyu). Nước Nam Việt (Nan Yue) bao gồm:

Quảng Ɖông (Guangdong) + Quảng Tây (Guang Xi) + Âu Lạc.

Nam Việt rộng gần 600.000 km2, tức lớn hơn diện tích Việt Nam 1,8 lần.

Quảng Ɖông đóng vai trò trọng yếu vì đó là đất phát tích của Chao Tô (Triệu Ɖà), cũng là vùng đất trù phú và đông dân cư. Quảng Ɖông gần Việt Nam nhưng không có biên giới chung với Việt Nam. Việt Nam chỉ có biên giới chung với Trung Hoa ở hai tỉnh Yunnan (Vân Nam) và Guangxi (Quảng Tây).

Bản đồ Nam Việt (https://anhxua.net/)

Yunnan (Vân Nam) là địa bàn cư trú của người Nam Chiếu (Nan Chao), tổ tiên của người Thái.

Guangxi (Quảng Tây) có nhiều núi non. Ɖó là địa bàn của các dân tộc thiểu số ở Trung Hoa, nhất là người Zhuang (Choang) mà người Việt Nam gọi là người Tày-Nùng như Nùng Trí Cao, Nông Văn Vân, Nông Ɖức Mạnh, Bế Văn Khôi tức Lê Văn Khôi, dưỡng tử của tổng trấn Lê Văn Duyệt và là người cầm đầu cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ năm 1833 v.v., người Dao (Mán), người Ɖồng, người Miêu (Mèo) v.v..

Zhuang có nghĩa là mạnh mẽ. Một số những người thiểu số ở Guangxi di chuyển về phía nam và sống trên miền núi ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Những họ Âu, Dương, Thục, Nông, Nùng, Bế, Linh là những họ thường thấy trong cộng đồng người thiểu số ở Guangxi và các tỉnh biên giới miền thượng du Bắc bộ. Như vậy Thục Phán tức vua An Dương Vương không có liên hệ chủng tộc hay địa lý với xứ Thục (Shu) ở Sichuan (Tứ Xuyên) mà có liên hệ sắc tộc với người thiểu số ở Guangxi, địa bàn cư trú của người Zhuang hay Choang, tức Tày-Nùng và các tỉnh biên giới giữa Guangxi-Việt Nam như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Người Tày-Nùng tỏ ra rất thiện chiến. Việc Thục Phán đánh bại vua Hùng Vương thứ XVIII, xóa quốc hiệu Văn Lang, chấm dứt triều đại Hồng Bàng vào năm 258 trước Tây Lịch cho thấy sự thiện chiến của họ Thục.

Nam Việt thời Quốc Trưởng Bảo Ɖại (1949- 1955)

Trước  khi nhập tịch Việt Nam, vùng đất phía nam lãnh thổ được gọi là Thủy Chân Lạp (Water Chenla) đối lại với Lục Chân Lạp (Land Chenla), tức nước Cambodia bây giờ.

Bản đồ vùng đất Chân Lạp (https://danviet.vn/)

Dưới triều vua Gia Long đó là Gia Ɖịnh Thành có ngũ trấn: Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Ɖịnh), Ɖịnh Trấn (Ɖịnh Tường), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long) và Hà Trấn (Hà Tiên).

Bản Đồ Xứ Gia Định, Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 18.
Vẽ lại một phần từ lược đồ của tác giả Tạ Chí Đại Trường (1973),
Lịch sử Nội Chiến Việt Nam 1771- 1802, Sài Gòn: Nhà xuất bản Văn Sử Học, tr. 95  (https://vi.wikipedia.org/)

Dưới triều vua Minh Mạng đó là Nam Kỳ lục tỉnh (Biên Hòa, Gia Ɖịnh, Ɖịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine.

Bản đồ Việt Nam với Nam Kỳ lục tỉnh (https://vi.wikipedia.org/)

Năm 1945 Nam Kỳ được cải thành Nam Bộ.

Năm 1949 Bảo Ɖại về nước cầm đầu chánh phủ Quốc Gia với tư cách một Quốc Trưởng. Có một vài thay đổi trong guồng máy chánh trị và hành chánh. Quốc hiệu lúc bấy giờ là Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam). Quốc gia Việt Nam có ba miền: Bắc Việt (Nord Vietnam thay vì Tonkin tức Bắc Kỳ), Trung Việt (Centre du Vietnam thay vì Annam tức Trung Kỳ) và Nam Việt (Sud Vietnam thay vì Cochinchine tức Nam Kỳ). Ɖứng đầu mỗi tỉnh có một tỉnh trưởng người Việt. Ɖứng đầu Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt có ba vị Thủ Hiến người Việt Nam. Tiếng Việt được dùng trong các văn thư. Ɖịa danh Nam Việt thay thế Nam Kỳ như xóa đi quá khứ phong kiến, thuộc địa và những cuộc chém giết đẫm máu vào thế kỷ XIX. Những người cầm đầu những cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ như Lê Văn Khôi, Lâm Sâm, một sư sãi Khmer ở Trà Vinh được triều Nguyễn xem là thủ lãnh của Nam Kỳ Tặc Khấu.

Nam Việt dưới thời Quốc Trưởng Bảo Ɖại (1949 - 1955) chỉ rộng lối 65.000 km2, tức chỉ bằng 10.83%  diện tích của Nam Việt (Nan Yue) thời Triệu Ɖà. Từ năm 1956 đến 1975 Nam Việt được đổi thành Nam Phần. Sau năm 1975 nó được gọi là Nam Bộ như đã gọi vào năm 1945.

Phiên Ngung – Guanzhou - Canton

Phiên Ngung (Panyu) là kinh đô của nước Nam Việt (Nan Yue) thời nhà Triệu. Kinh đô nầy nằm trong tỉnh Guangdong (Quảng Ɖông). Ɖó là thành phố Guangzhou (Quảng Châu), thủ phủ của tỉnh Guangdong. Hiện nay ở Guangzhou (Quảng Châu) có một khu phố mang tên Panyu (Phiên Ngung).

Bản đồ các quận phía Đông Bắc nước Nam Việt với kinh đô Phiên Ngung (https://fr.wikipedia.org/)

Ở Trung Hoa Quảng Châu (Guangzhou) nổi tiếng về thức ăn ngon: Tô Châu (Suzhou) nổi tiếng về các mỹ nữ và Hàng Châu (Hangzhou) nổi tiếng về phong cảnh đẹp. Ɖối với người Trung Hoa thực hiện được câu: Ăn cơm Quảng Châu
Cưới vợ Tô Châu
Chết ở Hàng Châu

là đạt được hạnh phúc của kiếp người trên trần thế.

Guangzhou (Quảng Châu) là nơi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt giam năm 1913. Ông viết Ngục Trung Thư từ ngục thất của thành phố nầy.

Năm 1925 Nguyễn Ái Quấc sang Guangzhou phục vụ cho Borodine với tư cách một cán bộ của Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) sau khi học xong khóa huấn luyện tại Moscow năm 1924. Borodin đến Guangzhou như Cố Vấn của Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) trong thời kỳ Quốc-Cộng Liên Minh lần thứ nhất. Tại đây Nguyễn Ái Quấc lấy bí danh Lý Thụy và cùng Lê Hồng Phong, Lâm Ɖức Thụ, Hồ Tùng Mậu… thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ɖồng Chí Hội. Năm 1926 Lý Thụy cưới một nữ y tá Cộng Sản Trung Hoa tên Zheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh) và cho ra đời quyển Ɖường Kách Mệnh.

Người Tây Phương gọi Guangzhou (Quảng Châu) là Canton. Cantonese trở thành tiếng Quảng Ɖông và người Quảng Ɖông.

Guangdong (Quảng Ɖông) là tỉnh sinh quán của Sun Yatsen, người khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc (Dân Quốc: Republic) và Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) và là nơi các nhà cách mạng Việt Nam thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau (1) hoạt động như Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lý Thụy (Hồ Chí Minh sau nầy) v.v.. Tỉnh Guangdong có ba thành phố lớn có tầm vóc quốc tế. Ɖó là: Guangzhou, Hong Kong và Macao.

Lý Thụy (Hồ Chí Minh) hoạt động ở Guangzhou (1925 - 1927). Tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam là Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ɖồng Chí Hội, ra đời ở Guangzhou (1925).

Ɖảng Cộng Sản Việt Nam ra đời ở Hong Kong (1930). Tống Văn Sơ (Hồ Chí Minh sau nầy) bị bắt giam ở Hong Kong (1931 - 1933).

Ɖại Hội đảng Cộng Sản Ɖông Dương lần thứ nhất họp ở Ma Cao năm 1935.

Việt Nam

Sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tức là vua Gia Long, vua Thái Tổ nhà Nguyễn. Quốc hiệu mà nhà vua chọn là NAM VIỆT.

Hoàng đế nhà Thanh ngự trị ở Trung Hoa lúc bấy giờ là Jiaqing (Gia Khánh hoàng đế: 1796 - 1820) không hài lòng về quốc hiệu Nam Việt. Quốc hiệu nầy gợi lại thời Chao Tô (Triệu Ɖà), người muốn lập một vương quốc độc lập với nhà Hán ở phương Nam. Vả chăng Nam Việt bao gồm Guangdong (Quảng Ɖông) + Guangxi (Quảng Tây) + đảo Hainan (Hải Nam) thuộc Trung Hoa. Hoàng đế Jiaqing (Gia Khánh) thay đổi vị trí của hai chữ Nam và Việt. Từ đó có quốc hiệu VIỆT NAM.

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam 1832  (https://ungdungmoi.edu.vn/)

Vua Minh Mạng bày tỏ tinh thần độc lập khi đổi quốc hiệu Việt Nam thành ƉẠI NAM. Quốc hiệu có chữ ƉẠI xuất hiện ở nước ta ba lần: ƉẠI CỒ VIỆT (Ɖinh, Tiền Lê và những năm đầu của nhà Lý), ƉẠI VIỆT (Lý, Trần, Lê), ƉẠI NAM (Nguyễn).

Niên hiệu Gia Long

Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi năm 1802 tức là vua Gia Long, vị vua sáng lập ra nhà Nguyễn (1802 - 1945). Vua cử Lê Quang Ɖịnh, Thượng Thơ bộ Binh đi sang Peking (Beijing: Bắc Kinh) xin cầu phong.

Chân dung của vua Gia Long theo nét vẽ của Michel Đức Chaigneau,
1803 -1894 (Ảnh: https://zingnews.vn/)

Hoàng đế Jiaqing (Gia Khánh) có vẻ không hài lòng về niên hiệu Gia Long, nếu không nói là có phần nghi ngờ vị vua nước Nam bất kính đối với Thanh triều khi lấy tên con (Hoàng đế Gia Khánh) đặt trước tên cha (Hoàng đế Càn Long) (2).

Lê Quang Ɖịnh là người Minh Hương, giỏi thi văn, giải thích rằng chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất sơn hà từ Gia Ɖịnh đến Thăng Long nên đặt  niên hiệu GIA LONG (Gia Ɖịnh – Thăng Long). Hoàng đế Jiaqing chấp nhận lời giải thích của Lê Quang Ɖịnh.

Bến Nhà Rồng

Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Ɖông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Ɖịnh, Ɖịnh Tường), họ biến Sài Gòn thành một giang cảng quan trọng ở Ɖông Nam Á, cạnh tranh với Hong Kong và Singapore dưới sự cai trị của người Anh. Danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Ɖông” (La Perle de l’Extrême-Orient) bắt đầu xuất hiện. Nhưng khó minh định đó là danh hiệu của cảng nào? Sài Gòn? Hong Kong? Singapore?

Trên sông Sài Gòn ở quận 4 có danh xưng Bến Nhà Rồng vì trên bến của giang cảng có một ngôi nhà đồ sộ, trên nóc có hình Lưỡng Long Tranh Châu (Hai Con Rồng Tranh Trái Châu). Nếu chiết tự hai chữ NHÀ RỒNG, ta có:

Việt Ngữ

Hán-Việt

Nhà

Gia

Rồng

Long

Vậy Nhà Rồng là Gia Long.

Khu vực bến Nhà Rồng, Sài Gòn năm 1866 (https://danviet.vn/)

Ɖây là cách người Pháp nhắc lại liên hệ tốt đẹp giữa chúa Nguyễn Phúc Ánh, tức vua Gia Long sau này, với Pháp và đạo Thiên Chúa qua giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Ɖa Lộc). Nói cách khác, người Pháp muốn nhắc đến sự giúp đỡ thành công của họ trong cuộc nội chiến chống nhà Tây Sơn (Pigneau de Béhaine, hiệp ước Versailles, một số người Pháp do Pigneau de Béhaine mộ để giúp cho chúa Nguyễn Phúc Ánh).

Tại sao ngôi nhà đồ sộ với tượng lưỡng long tranh châu xây trên giang cảng ở Sài Gòn?

Có phải Bến Nhà Rồng là nơi giám mục Pigneau de Béhaine và hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh (1780 - 1801) khởi hành sang Pháp cầu viện năm 1783? Chúng tôi không may mắn đọc được tài liệu nào nói rõ ràng về địa điểm xuất phát của Pigneau de Béhaine và hoàng tử Cảnh.

Từ một bến nước trên Vịnh Xiêm La?

Hay từ sông Sài Gòn?

Chỉ biết rằng cả hai khởi hành vào năm 1783 để đến Pondicherry, một tỉnh Ấn Ɖộ  thuộc Pháp, và từ đó đi đến Pháp. Theo tài liệu lịch sử, hoàng tử Cảnh đến Pháp vào năm 1787.

Giám mục Pigneau de Béhaine truyền giảng đạo ở Xiêm La, Cambodia, Hà Tiên, Hòn Ɖất, sau lên đến Tân Triều, Biên Hòa. Năm 1783 là năm quân họ Nguyễn đại bại trước quân Tây Sơn. Nguyễn Phúc Ánh cùng gia đình sống lẩn quất quanh vùng Hà Tiên, các đảo Thổ Châu (Poulo Panjang), đảo Phú Quốc trong Vịnh Xiêm La. Quân Tây Sơn chiếm giữ vùng Gia Ɖịnh nên không thể nào giám mục Pigneau de Béhaine và hoàng tử Cảnh khởi hành đi Pháp từ sông Sài Gòn được.

Từ năm 1787 cán cân quân sự nghiêng về họ Nguyễn ở Nam Kỳ. Năm 1789, một tháng trước khi cách mạng Pháp bùng nổ, tàu chở hoàng tử Cảnh về nước cập bến Sài Gòn sau sáu năm xa cách quê hương và gia đình. Bến cảng nầy đánh dấu sự liên hệ mật thiết giữa chúa Nguyễn Phúc Ánh với giám mục Pigneau de Béhaine tức Cha Cả. Pigneau de Béhaine (Bá Ɖa Lộc) mất năm 1799. Mộ của ông ở Tân Bình, Gia Ɖịnh, được gọi là LĂNG (Mausoléum).

Năm 1911 chính tại bến Nhà Rồng nầy, Nguyễn Văn Ba (Hồ Chí Minh sau nầy) rời Việt Nam sang Pháp sau khi tìm được một công việc lao động trên tàu Latouche-Tréville. Bài hát Từ Thành Phố Nầy Người Ɖã Ra Ɖi dựa vào cảm hứng của việc  xuất dương “tìm đường cứu nước” của thanh niên Nguyễn Văn Ba vậy.

Vài nét đặc thù lịch sử

Nhà Trần (1225 - 1399)

Nói đến nhà Trần phải nói đến Trần Thủ Ɖộ. Ông không phải vua thái tổ nhà Trần mà là người tạo ra nhà Trần.

Trần Thủ Ɖộ (1194 - 1264) là người không có học vị nhưng là một nhà chánh trị mưu mô, quyết đoán với óc tổ chức cao và nhiều sáng kiến độc đáo. So với các nhà độc tài hay mưu mô trên thế giới, ông không thua kém bất cứ ai, trái lại còn có vẻ trội hơn nữa. Ɖể chuẩn bị việc đoạt ngôi nhà Lý cho họ Trần, Trần Thủ Ɖộ thi hành các bước sau đây:

1- Tư thông với hoàng hậu Trần Thị Dung, tức Linh Từ Quốc Mẫu, bà con chú bác với ông.

2- Vua Lý Huệ Tông  không có con trai mà chỉ có hai công chúa với bà Trần Thị Dung, tức Linh Từ Quốc Mẫu. Ɖó là Thuận Thiên công chúa Lý Ngọc Oanh (1216 - 1248) và Chiêu Thánh công chúa Lý Phật Kim (1218 - 1278). Trần Thủ Ɖộ và hoàng hậu Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung sắp xếp cho hai người con của Trần Thừa, anh của hoàng hậu, là Trần Liễu (1211 - 1251) và Trần Cảnh (1217 - 1277) tức vua Trần Thái Tông sau nầy (vua: 1225 - 1258) cưới Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Nếu một trong hai công chúa được vua Lý Huệ Tông chọn lên ngôi thì họ Trần đều được hưởng phần lợi. Nếu chọn Thuận Thiên công chúa thì có Trần Liễu. Nếu chọn Chiêu Thánh công chúa thì có Trần Cảnh. Năm 1224 vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh công chúa để vào chùa tu. Ɖó là nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng mới lên 6 tuổi. Năm 1225 Lý Chiêu Hoàng trao quyền cho chồng là Trần Cảnh, 8 tuổi.

3- Lý Huệ Tông vào chùa tu không bao lâu thì tự tử chết vì lời nói của Trần Thủ Ɖộ: Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc rễ. Trần Thủ Ɖộ chung sống với bà Trần Thị Dung, Linh Từ Quốc Mẫu tức hoàng hậu của Lý Huệ Tông và là người bà con cùng dòng họ Trần với ông.

4- Theo sự sắp xếp của Trần Thủ Ɖộ, Trần Cảnh lên ngôi năm 8 tuổi. Ɖó là vua Trần Thái Tông. Trần Thủ Ɖộ là Thái Sư và Trần Thừa là Thái Thượng Hoàng.

Tượng Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ có niên đại hơn 500 năm
và bát hương đá cổ tại đình Khuốc (Hưng Hà) (http://baovanhoa.vn/)

Mọi việc đều do sáng kiến và sự sắp xếp của Trần Thủ Ɖộ với vài đặc điểm đáng lưu ý:

a. Trần Thủ Ɖộ mở đầu chế độ dòng tộc nội hôn (endogamie) giữa các tôn thất nhà Trần. Vì quyền lợi của họ Trần, Trần Thủ Ɖộ và bà Trần Thị Dung đồng ý để Thuận Thiên, con gái của bà với vua Lý Huệ Tông, đã mang thai với Trần Liễu (anh của vua Trần Thái Tông) phải ăn ở với vua Trần Thái Tông. Hoàng hậu Chiêu Thánh, em của Thuận Thiên Lý Ngọc Oanh và là con của bà Trần Thị Dung với vua Lý Huệ Tông, bị phế vì không có con với vua Trần Thái Tông (1237). Một người con gái của Trần Liễu là Trần Thị Thiều (Thiên Cảm Hoàng Hậu) trở thành hoàng hậu của vua Trần Thánh Tông. Vua Trần Thánh Tông là con của vua Trần Thái Tông (em của Trần Liễu) và Thuận Thiên (vợ của Trần Liễu). Ɖó là một thí dụ điển hình của chế độ dòng họ nội hôn của nhà Trần. Ɖó là cách ngăn ngừa ngôi báu lọt vào tay họ khác. Ɖiều nầy thường thấy ở các nước quân chủ Tây Phương nhưng nó là một trọng tội luân lý trong xã hội chịu ảnh hưởng Khổng Giáo. Về phương diện sinh y học, người ta cho rằng con cái của những cặp vợ chồng cùng một dòng máu thường không linh hoạt và dễ bị chứng đồng huyết tính (hemophilie) như trường hợp con của Nga hoàng Nicholas II chẳng hạn.

b. Trần Thủ Ɖộ mở đầu cho chế độ Tể Tướng (Thái Sư) cầm quyền. Chế độ đại nghị ở các nước dân chủ trên thế giới sau nầy đều do thủ tướng lãnh đạo. Ông là người xây dựng ra nhà Trần nhưng ông không làm vua, cũng không có ý nghĩ soán ngôi vua mà chỉ giữ chức Thái Sư. Nhưng mọi việc trong nước đều do ông cáng đáng giúp họ Trần giữ vững ngôi vị. Ông là người sớm thi hành câu: Cứu cánh biện minh cho phương tiện (La fin justifie les moyens) trong lịch sử chánh trị Việt Nam.

c. Dưới sự hỗ trợ đắc lực của Trần Thủ Ɖộ, nhà Trần theo chế độ Thái Thượng Hoàng nhằm tránh sự tranh chấp ngôi báu giữa các hoàng tử. Thái Thượng Hoàng thực sự là đại cố vấn có quyền uy đối với vua.

Chế độ lưỡng đầu: vua Lê và chúa Trịnh

Chế độ lưỡng đầu có vua và có chúa không mới lạ vì Nhật Bản đã có chế độ tướng quân (shogunal regime) từ lâu. Chế độ tướng quân do dòng Tokugawa đại diện tồn tại song song với các chúa Trịnh ở Ɖại Việt. Dòng Tokugawa cầm quyền từ năm 1600 đến 1867. Các chúa Trịnh thống trị ở Ɖại Việt từ năm 1600 đến 1786.

Phủ Chúa Trịnh qua tranh vẽ của Samuel Baron, 1685 (https://vi.wikipedia.org/)

Tổ tiên của các chúa Trịnh là Trịnh Kiểm (1503 - 1570). Ông là một người mồ côi nghèo khổ. Thuở nhỏ phải giữ ngựa và cắt cỏ ngựa cho một vị quan ở địa phương. Theo chuyện truyền khẩu thì ông rất có hiếu với mẹ.

Trần Thủ Ɖộ không có học vị nhưng đã có chức quyền vào những năm suy lung của nhà Lý.

Trịnh Kiểm xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng có khả năng quân sự thiên phú. Ông theo Nguyễn Kim chống lại nhà Mạc nhằm phục hưng nhà Lê. Ông được Nguyễn Kim trọng dụng và gả con gái cho ông.

Năm 1545 Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc đầu độc chết. Không rõ Trịnh Kiểm có nhúng tay vào việc đầu độc nầy hay không, chỉ biết rằng sau khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm giết con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông để nắm quyền chỉ huy lực lượng phù Lê kháng Mạc ở Thanh Hóa. Trịnh Kiểm thay thế Nguyễn Kim nắm binh quyền ở Nam Triều.

Năm 1556 vua Lê Trung Tông mất không có con để nối dòng. Trịnh Kiểm để mắt đến ngai vàng nhưng ông vẫn còn dè dặt nên cho người ra Hải Dương thăm dò ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tóm gọn trong câu “Giữ chùa thì được ăn oản”. Trịnh Kiểm là người thông minh. Ông hiểu ý Trạng Trình và biết giới hạn tham vọng vương quyền của mình khi đưa một tôn thất nhà Lê là Lê Duy Bang lên ngôi tức là vua Lê Anh Tông (vua 1557 - 1573). Năm 1570 Trịnh Kiểm mất. Quyền hành do con ông là Trịnh Tùng nắm giữ để hoàn thành công cuộc diệt họ Mạc vào năm 1592.

Trịnh Tùng được xem là vị chúa Trịnh đầu tiên. Ông nắm quyền từ năm 1570 đến 1623 (53 năm). Các vua nhà Lê Trung Hưng đều bù nhìn và vô quyền trước các chúa Trịnh. Chính chúa Trịnh có quyền phế, lập và sinh sát các vua Lê một cách tùy tiện. Ở điểm nầy ta thấy sự khác biệt rõ rệt giữa chế độ tướng quân ở Nhật và chế độ vua Lê, chúa Trịnh ở nước ta.

Chân dung Trịnh Tùng trong “Trịnh gia chính phả”  (https://vi.wikipedia.org/)

Trần Thủ Ɖộ củng cố ngai vàng cho họ Trần và tạo sự hùng cường cho Ɖại Việt.

Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng và các chúa Trịnh vì quyền uy cá nhân hơn là vì quyền lợi của đất nước. Con của Trịnh Kiểm là Trịnh Cối và Trịnh Tùng xung đột nhau đẫm máu. Con của Trịnh Tùng  là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân sát phạt nhau vì tranh quyền hành. Trịnh Khải và lính Tam Phủ (3) lật đổ ấu chúa là Trịnh Cán, em cùng cha (Trịnh Sâm) khác mẹ với Trịnh Khải (1783). Việc phù Lê diệt Mạc chỉ là chiêu bài chánh trị trong một quốc gia chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo mà thôi.

Tam bất lập

Vua Gia Long, vua Thái Tổ nhà Nguyễn, đưa ra nguyên tắc Tam Bất Lập như một nét đặc thù của triều Nguyễn. Tam Bất lập là:

- Không lập Hoàng Hậu: nhằm tránh rắc rối trong việc truyền ngôi báu. Người nối ngôi vua Gia Long là hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh. Nhưng hoàng tử Cảnh đã chết trước khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi. Ý của vua Gia Long là truyền ngôi cho thái tử Nguyễn Phúc Ɖảm hơn là truyền ngôi cho con trưởng của hoàng tử Cảnh là Nguyễn Phúc Ɖán tức Mỹ Ɖường. Hoàng tử Cảnh sống bên cạnh giám mục Pigneau de Béhaine từ lúc mới lên ba tuổi đến năm chín tuổi. Chắc chắn ông nói được tiếng Pháp và chịu ảnh hưởng tôn giáo của giám mục Pigneau de Béhaine, người hướng dẫn và chăm sóc ông.

Chân dung vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Ɖảm)
trong sách của John Crawford (https://vi.wikipedia.org/)

Chúa Nguyễn Phúc Ánh có cảm tình với giám mục Pigneau de Béhaine, người đã mộ người, mua khí giới giúp ông khôi phục sơn hà chống lại quân Tây Sơn. Nhưng chúa Nguyễn Phúc Ánh luôn trung thành với Khổng Giáo và dè dặt với người Pháp sau khi lên ngôi. Khi Pháp nhắc đến hiệp ước Versailles 1787, vua Gia Long đáp lại rằng nước Pháp không thi hành hiệp ước vì cách mạng bùng nổ nên Việt Nam không bị một sự ràng buộc nào với một hiệp ước được ký kết nhưng không được thực thi. Ɖó là lý do tại sao vua Thái Tổ nhà Nguyễn muốn truyền ngôi cho thái tử Ɖảm, tức vua Minh Mạng sau nầy, hơn là hoàng tôn Nguyễn Phúc Ɖán tức Mỹ Ɖường, con trưởng của hoàng tử Cảnh, người được xem là có cảm tình với đạo Thiên Chúa và người Pháp.

- Không lập Tể Tướng: nhằm tránh sự lộng quyền của các Tể Tướng.

- Không lập Trạng Nguyên: nhằm tránh tham vọng chánh trị của các trí thức nho học. Người đứng đầu đình thí không được gọi là Trạng Nguyên mà là Ɖình Nguyên như Phan Ɖình Phùng, Nguyễn Khuyến chẳng hạn.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I

________

Chú thích:

(1) Việt Nam Quang Phục Hội, Tâm Tâm Xã, Quốc Dân Ɖảng với Tam Dân Chủ Nghĩa, Cộng Sản với chủ nghĩa Marxism-Leninism.

(2) Qian Long: Càn Long (Hoàng Ɖế: 1736 - 1795).

(3) Tam Phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa, Tỉnh Gia (Thanh Hóa). Lính Tam Phủ tức kiêu binh vì họ có công giúp họ Trịnh đánh bại họ Mạc và trung hưng nhà Lê. Năm 1783 họ giúp Trịnh Khải, con trưởng của chúa Trịnh Sâm, lật đổ chúa Trịnh Cán, em cùng cha khác mẹ với Trịnh Khải.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/vaichuyenquenthuoc.htm


Cái Đình - 2021