Phạm Ɖình Lân


Văn hóa ngoại trong lịch sử Việt

.

Việt Nam là một quốc gia Ɖông Nam Á lục địa nằm gần hai nền văn hóa lớn ở Á Châu: Văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Ɖộ.

Văn hóa Trung Hoa đậm nét hơn văn hóa Ấn Ɖộ. Có lẽ vì vậy mà người Việt Nam gọi người Trung Hoa là Anh Ba và gọi người Ấn Ɖộ là Anh Bảy. Theo thứ bậc trong gia đình thì Anh Ba cao vai vế hơn Anh Bảy.

ẤN ƉỘ

Văn hóa Ấn Ɖộ được tìm thấy ở Tích Lan (Sri Lanka), Miến Ɖiện, Xiêm La (Thái Lan), Lào, Lục Chân Lạp (Cambodia), Thủy Chân Lạp (Nam Bộ bây giờ), Chiêm Thành (từ Quảng Bình xuống Bình Thuận), Java (Chà Và trong quẩn đảo Indonesia), Mã Lai.

Java, Mã Lai và Chiêm Thành theo Ấn Giáo (Hinduism) trước khi chuyển sang đạo Hồi Giáo từ thế kỷ XIII về sau. Ngày nay vẫn còn một số người Chàm theo Ấn Giáo. Năm 1307 vua Jaya Simhavarman III hay Po Devada Svor tức Chế Mân (1288 - 1307) mất và được hỏa thiêu. Tục hỏa thiêu người chết là tục mai táng của Ấn Giáo. Hồi Giáo không có tục nầy. Ɖiều nầy cho thấy cho đến thế kỷ XIV ảnh hưởng của Ấn Giáo vẫn còn quan trọng ở Chiêm Thành.

Nước Việt Nam hình thành bằng sự di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ châu thổ sông Hồng, sông Mã, vượt qua sông Gianh xuống Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vào châu thổ sông Ɖồng Nai và Cửu Long. Trong quá trình lập quốc Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Ấn Ɖộ phảng phất ở Nam Bộ (Thủy Chân Lạp) và Trung Bộ (Chiêm Thành) hơn là ở Bắc Bộ. Ɖó là vùng sớm tiếp xúc với văn hóa Ấn Ɖộ trước khi trở thành một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Món cà-ri nấu bằng bột nghệ, bột ớt, nước cốt dừa phổ biến ở miền Nam và gần như hoàn toàn vắng bóng ở miền Bắc, nơi ít thấy củ nghệ và hiếm thấy cây dừa.

Pháp có 5 thành phố thuộc địa ở Ấn Ɖộ. Ɖó là Pondichery, Mahe, Yangon, Chandernagore, Karikal. Nhiều cư dân trong các thành phố nầy đã đến Nam Kỳ vào thế kỷ XVIII trong thời kỳ nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn. Họ thích sống ở Sài Gòn hơn là Huế và Hà Nội. Sài Gòn là thành phố có tiềm năng kinh tế và thương mại quan trọng hơn bất cứ thành phố hay hải cảng nào khác ở Việt Nam. Người Ấn Ɖộ ở Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc sống bằng nghề buôn bán vải, hương liệu, cho vay (Chà Xã Tri – đó là chữ Chetty mà ra) và làm gát-dan (hạch) cho các văn phòng nhà nước thuộc địa hay các cơ sở thương mại Pháp ở Sài Gòn. Người Việt Nam gọi họ là người Chà Và, chữ phiên âm của tên đảo Java ở Indonesia, hay người Miền Dưới, tức ở phía nam nước ta! Người Chàm ở Châu Giang, Châu Ɖốc, tổ tiên gốc ở Java được gọi là Chà Châu Giang. Bây giờ họ không thích được gọi như thế.

Chiến xa bằng bạc rước thần Murugan trong lễ hội Thaipussam của cộng đồng Chetty
trước đền Sri Thendayuthapani trên đường Ohier ở Sài Gòn (nay là Tôn Thất Thiệp góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, Sài Gòn).
Ảnh bưu thiếp của A.F Decoly năm 1910 (http://havutrongarchives.blogspot.com)

Như vậy người Ấn Ɖộ và người Chà Và là hai giống người khác nhau nhưng có liên hệ văn hóa như nhau trước khi Indonesia và Mã Lai tiếp xúc với các thương nhân Á Rập, vừa mua hương liệu về bán cho các nước Âu Châu vừa truyền bá đạo Hồi.

Java là một hòn đảo trù phú của quần đảo Indonesia tức Nam Dương trước kia. Ɖảo nầy ở phía nam nước ta.

Ấn Ɖộ ở Nam Á chớ không phải ở phía nam nước ta.

TRUNG HOA

Ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa rất đậm nét ở Việt Nam. Từ năm 207 trước Tây Lịch đến năm 938 sau Tây Lịch nước ta bị người Trung Hoa đô hộ. Năm 1407 nhà Hồ sụp đổ. Trung Hoa đô hộ Việt Nam từ 1407 đến 1427. Như vậy Trung Hoa đô hộ nước ta tổng cộng: 1145 + 20 = 1165 năm. Sau khi đánh đuổi quân xâm lăng, nước ta được độc lập nhưng các vua nước ta phải thần phục Trung Hoa và triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa ba năm một lần.Vua Việt Nam chỉ được xem như có chính danh khi được hoàng đế Trung Hoa công nhận và sắc phong.

Sau 12 thế kỷ Bắc thuộc ảnh hưởng của Trung Hoa gần như trọn vẹn trong mọi sinh hoạt tinh thần và vật chất.

Tôn giáo và tư tưởng:

Việt Nam theo Tam Giáo: Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Ɖạo Khổng và Lão Giáo (Taoism) đều phát xuất ở Trung Hoa. Ɖạo Phật phát xuất từ Ấn Ɖộ nhưng Phật Giáo đã được Hán hóa khi đến Trung Hoa để trở thành Phật Giáo Ɖại Thừa (Mahayana). Phật Giáo ở Việt Nam đều do các sư tăng Trung Hoa truyềngiảng. Chùa ở Việt Nam phỏng theo kiến trúc thảo mộc của chùa Trung Hoa. Trong chùa có nhiều tượng Phật khác nhau. Tương Phật Thích Ca (Sakya Muni), giáo chủ của Phật Giáo, chỉ là một tượng nhỏ! Kinh kệ đều được viết bằng chữ Hán, ngoại trừ những câu chú bằng tiếng Sanskrit (Phạn ngữ), được âm ra chữ Hán. Vì vậy người ta chỉ đọc thuộc lòng nhưng không hiểu rốt ráo những câu ấy nói về chuyện gì.

Trung Hoa là một quốc gia quân chủ phong kiến lâu đời. Chế độ quân chủ chuyên chính dựa vào Khổng Giáo để củng cố và duy trì vương quyền. Khái niệm trung quânái quốc gắn liền nhau. Vua được xem là Thiên tử Thế Thiên Hành Đạo. Khổng Giáo là nền tảng của định chế chánh trị quốc gia, tổ chức chánh quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, giáo dục, thi cử, luật pháp… nhằm đảm bảo trật tự gia đình, xã hội và quốc gia.

Vua chúa và người Trung Hoa chuộng Khổng Giáo hơn Phật Giáo mặc dù họ đã Hán hóa tôn giáo nầy. Khổng và Lão giáo thuần túy Trung Hoa, còn Phật Giáo bắt nguồn từ Tây Trúc (bắc Ấn Ɖộ). Nhà văn Jin Yong (Kim Dung, 1924 - 2018, tên ngoại quốc Louis Cha/Leungyong), một nhà văn chuyên viết chuyện võ hiệp Trung Hoa, có vẻ đề cao phái Võ Ɖang (Lão Giáo) hơn là Thiếu Lâm (Phật Giáo). Người khai sáng ra võ phái Thiếu Lâm không phải là người Hán. Triết lý sống của người Trung Hoa bắt nguồn từ Khổng Giáo. Khái niệm đa tử đa tôn là đa phúc và hạnh phúc vật chất qua bức tranh Tam Ɖa Phước-Lộc-Thọ của Khổng Giáo không có điểm chung với Phật Giáo.

Tam Giáo được ứng dụng trong ba giai đoạn của đời người.

Khổng Giáo: khi còn trẻ, năng động, dấn thân vào đời đi tìm công danh, sự nghiệp.

Lão Giáo: khi rũ áo từ quan hay lúc đi tìm sự thanh tịnh vô vi không muốn xen lẫn vào cuộc tranh giành danh lợi.

Phật Giáo: khi tuổi đã về chiều khiến con người suy gẫm nhiều về cái nhân, cái quả và nghiệp chướng của đời mình để chuẩn bị cho hậu kiếp.

Truyện Kiều của Nguyễn Du phảng phất tư tưởng Khổng Giáo, triết lý Phật Giáo và thuyết tiền định (determinism). Hiếu đễ, nhân quả, thừa trừ và tiền định nằm trong Ɖoạn Trường Tân Thanh.

Truyện Lục Vân Tiên chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Giáo với:

Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình.

Cuộc sống an nhàn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Bạch Vân Am là thực thi triết lý thanh tịnh vô vi của Lão Giáo sau khi rũ áo từ quan.

Chánh trị:

Sau khi độc lập, việc triều chính ở nước ta phỏng theo việc triều chính của Trung Hoa. Chế độ Thái Thượng Hoàng dưới triều Trần vào thế kỷ XIII và chế độ lưỡng đầu có Vua và có Chúa từ thế kỷ XVII đến XVIII là những dạng chế độ phong kiến đặc thù của Việt Nam do sáng kiến của Trần Thủ Ɖộ và Trịnh Tùng mà ra. Ɖến triều Nguyễn ảnh hưởng chánh trị của Trung Hoa rõ nét hơn. Trong triều có lục bộ (Liu Bu). Ɖịa phương chia ra làm tỉnh, phủ, huyện, xã dưới triều vua Minh Mạng. Vào thế kỷ XIX Trung Hoa bế quan tỏa cảng thì Việt Nam bế quan tỏa cảng. Năm 1873 Francis Garnier đem một số quân nhỏ ra đánh Bắc Kỳ. Triều đình Huế phải nhờ giặc Cờ Ɖen của Liu Yong Fu (Lưu Vĩnh Phúc), dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc, chống trả quân Pháp. Giặc Cờ Ɖen đã giết chết Francis Garnier (1873) rồi đại tá Henri Rivière (1882).

Di ảnh Lưu Vĩnh Phúc, lá cờ đen và quân lính Cờ Ɖen (https://huongcanh.wordpress.com/)

Những trận đánh kinh hoàng ở miền trung du và thượng du Bắc Kỳ sau năm 1882 đều do quân Trung Hoa của nhà Thanh chủ động nhằm bảo vệ biên giới Trung Hoa ở phía nam và bảo vệ ảnh hưởng chánh trị của họ ở Việt Nam. Trung Hoa mất ảnh hưởng ở Việt Nam từ năm 1884 đến 1945 từ khi triều đình Huế ký hiệp ước Patenotre (1884) công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc Kỳ. Trong thời gian nầy các tỉnh Guangdong (Quảng Ɖông), Yunnan (Vân Nam), Guangxi (Quảng Tây) là nơi dung chứa các nhà cách mạngViệt Nam hoạt động chống Pháp thuộc nhiều khuynh hướng chánh trị khác nhau:

Năm 1949 Cộng Sản Trung Hoa chiếm lục địa. Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) tích cực viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của chánh phủ Hồ Chí Minh bằng cách: viện trợ võ khí, thuốc men, lương thực; gởi cố vấn chánh trị và quân sự sang Bắc Bộ điều khiển các cuộc võ trang đấu tranh kháng Pháp; lập trung tâm huấn luyện cán binh Việt Minh, lập bịnh viện gần biên giới Hoa-Việt để chữa bịnh cho cán binh Việt Minh bị thương v.v.. Ảnh hưởng chánh trị của chủ nghĩa Mao ngập tràn trong chiến khu và trong các vùng chiếm đóng của Việt Minh (cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, thiết lập chế độ ủy viên chánh trị – commissaire politique) trong quân đội (chính các vị nầy mới có quyền quyết định việc chánh trị-quân sự chớ không phải các sĩ quan hay tướng lãnh). Với chế độ ủy viên chánh trị trong quân đội, vai trò của Võ Nguyên Giáp bị khuynh đảo bởi Nguyễn Chí Thanh. Từ năm 1950 đến 1954 Trung Quốc đài thọ 80% tổn phí của cuộc kháng chiến dẫn đến chiến thắng Ɖiện Biên Phủ. Vì vậy tại hội nghị Genève năm 1954 thủ tướng và Ngoại trưởng Zhou Enlai (Châu Ân Lai) của Trung Quốc có vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc chiến Ɖông Dương bằng sự chia đôi nước Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai khởi đầu bằng chiến tranh nhân dân phỏng theo sách lược của Mao Zedong, người tự xem là cha đẻ của chiến tranh nhân dân. Quốc hiệu của Trung Hoa lục địa là Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (Zhonghua Renmin Gongheguo). Người chỉ huy cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một vị tướng thân Trung Quốc và được Beijing (Bắc Kinh) tín nhiệm sau ông Trường Chinh Ɖặng Xuân Khu, tổng bí thơ đảng Lao Ɖộng (đảng Cộng Sản từ năm 1951 đến 1956).

Hà Nội hướng về Liên Sô để được viện trợ võ khí tối tân để bắn phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc. Ảnh hưởng Trung Quốc giảm đi phần nào. Với võ khí Liên Sô, năm 1972 Cộng Sản mở những trận đánh lớn ở Quảng Trị, Kontum, Bình Long. Năm 1975 miền Nam Việt Nam sụp đổ. Việt Nam thống nhất dưới quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lê Duẩn ngả hẳn theo Liên Sô và công khai chống Trung Quốc. Ảnh hưởng Trung Quốc ở Việt Nam bị gián đoạn từ năm 1975 đến 1986 mặc dù đa số đảng viện Cộng Sản Việt Nam thuộc khuynh hướng Maoist. Nó trở nên cực kỳ quan trọng ở Việt Nam từ năm 1990 về sau. Liên Sô trên đà sụp đổ. Hà Nội mất chỗ dựa đành chịu nhục nhã cầu hòa với Trung Quốc và chấp nhận mọi điều kiện gắt gao do Trung Quốc đưa ra để cứu vãn sự sống còn của chánh quyền Cộng Sản của họ. Liên Sô không còn nữa. Trung Quốc không có nước nào cạnh tranh ảnh hưởng với họ ở Việt Nam. Lần nầy, so với Nga, Pháp và Hoa Kỳ, Trung Quốc có bốn ưu thế tuyệt đối ở Việt Nam. Bốn ưu thế đó là: ưu thế kinh tế, quân sự, văn hóa và địa lý.

Văn hóa:

Người Việt Nam có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Suốt 12 thế kỷ Bắc thuộc đến năm 1918 người Việt Nam học chữ Hán.Việc học hành thi cử đều phỏng theo hệ thống thi cử của người Trung Hoa. Những người đỗ đạt trong các kỳ thi tam trường (hương thí, hội thí, đình thí) đều là những người giỏi chữ Hán, am tường đạo lý Thánh Hiền, lịch sử Trung Hoa (Bắc sử), các vĩ nhân Trung Hoa ngoài Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử và các nhân vật trong Tam Quốc Chí, Thuyết Ɖường, Thủy Hử v.v.. Trên thế giới người Việt Nam và Triều Tiên là hai dân tộc say mê và thấu hiểu truyện Tàu hơn bất cứ dân tộc nào khác.

Có lẽ không có dân tộc nào hưởng ứng thức ăn do các đầu bếp Guangzhou (Quảng Châu) nấu như người Việt Nam.

Lịch sử Trung Hoa được minh họa khắp nơi: trong những tập sách nhỏ, trên xe mì hủ tiếu, trên cả xe tang! Y thuật, bói toán đều dựa vào Âm-Dương Ngũ Hành. Nhiều người Việt Nam thờ Quan Công và Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử) không ăn ngưu nhục, cẩu nhục.

Thuốc Bắc, tức thuốc dùng dược thảo ở Trung Hoa, sống vững mạnh bên cạnh thuốc Nam với dược thảo sẵn có trong vùng nhiệt đới. Cây cỏ có tên gọi nôm na và tên gọi Hán-Việt. Dây chùm bao là lạc tiên; cỏ gấu; hương phụ; mắc cở: trinh nữ; vỏ cam, quít: trần bì; rau giấp cá: ngư tinh thảo; dây mủ: hà thủ ô v.v..

Lần qua lịch sử dưới thời nhà Zhao (Chao/Triệu), nhà Hán cấm bán dụng cụ kim khí cho Nam Việt, quốc hiệu Nam Hải + Âu Lạc thời nhà Zhao. Như vậy nông dân Việt Nam dùng lưỡi cày bằng kim khí mua từ Trung Hoa từ thế kỷ III trước Tây lịch. Lưỡi cày sắt thời Chao Tô (Triệu Ɖà) vẫn còn đắc dụng vào thế kỷ XXI.

Người Việt Nam dùng Âm Lịch khi cử hành Tết Nguyên Ɖán, tổ chức đám giỗ, xem tử vi, bói toán, chọn ngày lễ cưới, chọn ngày mở cửa hàng, ngày làm mùa v.v.. Cho đến bây giờ, mặc dù đã dùng Dương Lịch, Âm Lịch vẫn còn được dùng song song với Âm Lịch.

Trong 12 con giáp Việt Nam sửa đổi một con thú. Thố niên (năm con Thỏ) được đổi thành Mão niên (năm con Mèo). Không biết tại sao có sự sửa đổi nầy. Có phải chăng một vị quyền thế tột đỉnh nào đó trong lịch sử sinh nhằm năm Thỏ, một con vật nhút nhát, sợ sệt trước muôn loài, nên đổi thành năm con Mèo để được phần uy dũng vì con Mèo là dì con Cọp?

Luật pháp:

Luật pháp của nước ta thời quân chủ phong kiến phỏng theo luật pháp của Trung Hoa đời Ɖường (Tang) hay Thanh (Qing). Người chống lại nhà vua, thí vua hay xâm phạm lăng miếu của vua và hoàng tộc chẳng những bị xử tử mà còn bị tru di tam tộc. Ở Trung Hoa có tru di cửu tộc! Làng nào nổi loạn chống lại triều đình sẽ bị triệt hạ, dân chúng bị giết sạch. Làng bị rải vôi và không cho dân cư trú.

Luật Hồng Ɖức thi hành dưới triều vua Lê Thánh Tôn không chịu ảnh hưởng của luật pháp Trung Hoa. Phụ nữ được giải phóng ít nhiều bởi bộ luật nầy. Có phải chăng vua Lê Thánh Tôn quan tâm đến phụ nữ trong xã hội vì nghĩ đến số phận hẩm hiu của chính mẫu thân mình, bà Ngô Thị Ngọc Dao? Bài Vịnh Miếu Vợ Chàng Trương của nhà vua giải oan cho thiếu phụ Nam Xương (Nam Xương: một địa danh trong tỉnh Hà Nam), chứng tỏ nhà vua thông cảm được nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ. Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Trãi là tác giả của Luật Hồng Ɖức. Nguyễn Trãi là người hết lòng binh vực cho bà Ngô Thị Ngọc Dao nên bị phe của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh ghét bỏ. Theo truyền thuyết một người con gái của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Hằng thoát chết trong vụ án Lệ Chi viên năm 1442 trở thành hoàng hậu Trường Lạc của vua Lê Thánh Tôn. Sự thật của chuyện nầy hiện nay vẫn còn vu vơ mập mờ.

Dưới triều Nguyễn, Hoàng Việt Luật Lệ hay Luật Gia Long hoàn toàn chịu ảnh hưởng của luật nhà Thanh bên Trung Hoa.

***

Sau 12 thế kỷ Bắc thuộc dòng lịch sử Việt Nam tựa như bản sao của dòng lịch sử Trung Hoa. Trung Hoa là một đế quốc từng bị các dân du mục ở phía bắc không ngừng đe dọa đến nổi phải mất nhiều thì giờ, nhân lực và tài, vật lực để xây cất bức Trường Thành ngăn ngừa sự tấn công của nhóm người nầy. Sau cùng Trung Hoa cũng bị người Mông Cổ và người Mãn Châu đô hộ. Nội chiến và nội loạn thường xuyên xảy ra.

Ɖất Giao Châu thường xuyên bị Lâm Ấp (Chiêm Thành) và người Nam Chiếu (người Thái ở Yunnan – Vân Nam) tấn công. Sau ngày độc lập vào thế kỷ X Việt Nam (lúc ấy chưa có quốc hiệu nầy) có giặc 12 sứ quân, các cuộc nổi loạn của nông dân, nội chiến giữa Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn, Nguyễn-Tây Sơn, rồi sự xâm lăng của người Pháp.

NHẬT BẢN

Cho đến thế kỷ XIX người Việt Nam biết mơ hồ về nước Nhật. Theo khẩu thuyết của Trung Hoa họ tin rằng người Nhật là con cháu của những người Trung Hoa đi tìm thuốc trường sinh trên đảo Ɖào Hoa và không trở về!

Người Việt Nam biết Triều Tiên, tức Cao Ly, qua sâm Cao Ly hay qua Trương Lương.

Người Việt Nam bắt đầu biết đến Nhật Bản khi nhà Cách Mạng Phan Bội Châu cổ xúy Phong Trào Ɖông Du nhằm đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học hỏi. Lúc bấy giờ Nhật vừa đánh bại Nga. Phong Trào Ɖông Du gắn liền tên nhà cách mạng Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Ɖể, tức Nguyễn Phúc Ɖan.

Chân dung cụ Phan Bội Châu (https://alchetron.com/ và http://www.archives.org.vn/)

Phong trào sớm thất bại sau khi hiệp ước Pháp-Nhật được ký kết ngày 10 tháng 06 năm 1907. Theo đó Nhật nhìn nhận vị thế của Pháp ở Ɖông Dương, hứa sẽ trục xuất các thanh niên Việt Nam trong Phong Trào Ɖông Du để được Pháp cho vay tiền hầu giải quyết những khó khăn tài chánh sau khi chiến thắng Nga. Nhà cách mạng Phan Bội Châu rời Nhật sang Trung Hoa rồi Xiêm La. Khi hay tin Cách Mạng Tân Hợi thành công, ông trở lại Trung Hoa vì ông từng quen biết Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) khi sống lưu vong ở Nhật. Năm 1912 Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục Hội. Cường Ɖể cũng được nhắc đến trong tổ chức cách mạng mới nầy.

Chân dung Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (https://vi.wikipedia.org/)

Vào thập niên 1930 Nhật Bản đưa ra chủ thuyết Ɖại Ɖông Á Thịnh Vượng Chung (Dai Toa Kyoeiken). Ở Việt Nam có phong trào nghiên cứu lịch sử phát hiện ra Ɖại Việt là quốc hiệu vinh quang và lâu dài nhất trong lịch sử nước ta. Từ đó xuất hiện nhiều đảng phái cách mạng mang tên Ɖại Việt: đảng Ɖại Việt (Trương Tử Anh), Ɖại Việt Duy Dân (Lý Ɖông A), Ɖại Việt Dân Chính (Nguyễn Tường Tam), Ɖại Việt Quốc Xã (Nguyễn Xuân Tiếu), Ɖại Việt Phục Hưng (Ngô Ɖình Diệm) v.v..

Trong đệ nhị thế chiến nhiều lớp dạy tiếng Nhật mở ra ở các thành phố lớn trong nước. Các ông Dương Bá Trạc, Trần Trọng Kim, Trần Trung Lập, Trần Văn Ân, Ngô Ɖình Khôi, Ngô Ɖình Huân, Ngô Ɖình Diệm, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hòa Hiệp v.v. đều chống Pháp và nghiêng về phía Nhật.

Năm 1940 quân đội Nhật bắt đầu tiến vào Bắc Bộ trước khi vào Trung Bộ và Nam Bộ. Ɖó là lúc người Việt thường nghe bản Shina No Yoru tức Trung Hoa Dạ Khúc. Có người cho đó là Tô Châu Dạ Khúc (Suzhou No Yoru) vì Tô Châu (Suzhou) là thành phố thơ mộng, thanh nhã trong tỉnh Jiangsu (Giang Tô), nơi nổi tiếng có nhiều mỹ nhân ở Trung Hoa. Người Việt Nam há không bắt chước người Hán khi đề cao ba ước mơ trong đời như sau:

Ăn cơm Quảng Châu (Guangzhou).
Cưới vợ Tô Châu (Suzhou).
Chết ở Hàng Châu (Hangzhou).

Vào thập niên 1950 một số tu sĩ Phật Giáo du học ở Ấn Ɖộ và Nhật Bản. Nếu các tu sĩ Thiên Chúa Giáo đều giỏi tiếng Pháp và La Tinh thì các tu sĩ du học ở Ấn Ɖộ giỏi tiếng Anh và tiếng Phạn (Sanskrit); các tu sĩ học ở Nhật giỏi tiếng Anh, tiếng Nhật và cả võ thuật của Nhật nữa. Ở Phú Nhuận có ông Chầm Vũ Nguyễn Văn Tần được Thượng Tọa Thích Thiện Ân xem như người có căn bản Nhật ngữ vững chắc. Không biết ông học tiếng Nhật hồi nào và ở đâu, chỉ biết rằng ông sống rất khiêm tốn ở Phú Nhuận sau cuộc đảo chánh năm 1963?

Vào đầu thập niên 1960 nhiều cư dân ở Huế hưởng ứng phương pháp dưỡng sinh Oshawa. Các phụ nữ thượng lưu ở miền Nam Việt Nam học phương pháp cắm hoa của Nhật (Ikebana). Hàng hóa của Nhật tràn ngập ở miền Nam Việt Nam và được người tiêu thụ nhiệt liệt hưởng ứng như xe gắn máy Honda, Kawasaki, Yamaha, radio, truyền hình, tủ lạnh, nồi cơm điện, xe hơi Mazda, Hino Contessa, Daihatsu v.v..

Zen, võ thuật Nhật Bản được phổ biến ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Ɖà Nẵng, Ɖà Lạt v.v.. Nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác bản nhạc Mùa Hoa Anh Ɖào dựa theo âm điệu của nhạc Nhật. Hoa anh đào là biểu tượng của nước Nhật, nhất là của các hiệp sĩ (Samurais) tự xem đời mình đẹp đẽ, trong trắng và ngắn ngủi như hoa anh đào trước gió sương và tuyết trắng.

Kiếm thuật Katori Kenjutsu, môn võ thuật truyền thống Nhật Bản,
được giảng dạy ở Việt Nam (https://katorivietnam.org/vi/)

Vào thập niên 1970 người Nhật rất ưa thích nhạc của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát.

Các mệnh phụ phu nhân ở miền Nam Việt Nam không thích núi Fujiyama phủ đầy tuyết trắng, hoa anh đào Sakura hay thức ăn Sushi mà đặc biệt ưa thích phẫu thuật thẩm mỹ của Nhật Bản. Các bà thường xuyên nối Sài Gòn-Hong Kong-Tokyo bằng đường hàng không.

PHÁP

Pháp đô hộ Việt Nam không đầy một thế kỷ nhưng đã thay đổi sắc diện của Việt nam sau 12 thế kỷ Bắc thuộc và 11 thế kỷ độc lập nhưng triều cống, chịu ảnh hưởng Trung Hoa và trải qua nhiều thế kỷ nội chiến và nội loạn.

Ɖạo Thiên Chúa phát triển sau những năm dài bị đàn áp. Các vua nhà Nguyễn tôn sùng Khổng Giáo. Giữa Khổng Giáo và Thiên Chúa Giáo không có điểm chung về:

Vào thế kỷ XVII các nhà truyền giáo dòng Jésuit Bồ Ɖào Nha và Pháp nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam và hình thành một loại chữ viết dựa theo mẫu tự La Tinh để tiện việc truyền giảng đạo. Loại chữ viết nầy trở thành chữ quốc ngữ, được giảng dạy trước tiên ở Nam Kỳ sau khi người Pháp chiếm vùng đất nầy vào hậu bán thế kỷ XIX. So với chữ Hán, chữ quốc ngữ dễ học hơn nhiều. Một người có chỉ số thông minh trung bình chỉ mất sáu tháng thì có thể đọc và viết được chữ quốc ngữ. Học chữ Hán đã khó. Học chữ Nôm còn khó hơn chữ Hán vì muốn học chữ Nôm phải biết chữ Hán!!

Dưới triều Nguyễn không có bộ Giáo Dục. Không có trường công lập ở các địa phương. Không có chánh sách đào tạo đội ngũ giáo chức. Không phải xã nào cũng có thầy đồ để dạy chữ Hán. Các thầy dạy chữ Hán thường là những quan lại về hưu hay rũ áo từ quan hay những người chỉ đậu tam trường hương thí, tương đương với tú tài và được gọi là sinh đồ. Từ đó có tên gọi thầy đồ. Ɖậu sinh đồ chỉ được chút danh dự trong xã thôn chớ không được triều đình bổ nhiệm ra làm quan. Ɖiều hiển nhiên phải nói là chữ Hán rất khó học. Tất cả các chi tiết trên cho thấy tỷ lệ mù chữ vào thế kỷ XIX có thể đạt đến 99%. Gạt bỏ những bài thơ lẻ qua một bên, ta thấy số tác phẩm do các nho gia sáng tác dưới dạng thơ chữ Hán từ năm 938 đến 1945 (1006 năm) quá ít so với số tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ từ năm 1865 đến 1945 (80 năm) bởi các ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Háo Vĩnh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Văn Giáp, Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Phú Ɖức, Nguyễn Công Hoan, Cồ Việt Tử v.v.. Ɖiều nầy nói lên sự tiện ích của chữ quốc ngữ trong việc xóa sạch nạn mù chữ.

Dưới thời Pháp thuộc hầu như xã nào cũng có trường tiểu học. Xã nhỏ có ba cấp lớp: đồng ấu, dự bị và lớp ba. Xã lớn có trường tiểu học với đầy đủ năm cấp lớp để thi lấy bằng tiểu học. Rất ít xã không có trường học. Mỗi tỉnh có Sở Học Chánh, có lớp Sư Phạm đào tạo giáo viên bổ túc (Instituteurs auxiliaires) dạy từ lớp đồng ấu đến lớp ba. Có trường Sư Phạm (Écoles Normale) đào tạo giáo viên dạy lớp nhì và lớp nhất. Ɖể được vào trường nầy, học viên phải có bằng tiểu học (CEPCI) và được chấm đậu trong một kỳ thi tuyển. Thời gian học là bốn năm.

Một vài tỉnh lớn mới có trường trung học (Collège: Trung Học Ɖệ Nhất Cấp) dạy đến năm thứ tư (4ème année) thi lấy bằng Thành Chung, tức bằng DEPSI mà ta quen gọi là bằng diplome hay Thành Chung vì đậu xong kể như hết học hay thi bằng Brevet Élémentaire, Brevet Supérieur.

Trường trung học thời thuộc địa dạy chương trình Pháp-Việt nhưng tiếng Pháp là chính, nghĩa là các môn học đều được dạy bằng tiếng Pháp. Mỗi tuần học sinh chỉ có 2 giờ Việt văn mà thôi. Trong kỳ thi DEPSI thí sinh có một bài chính tả và một bài luận bằng tiếng Việt. Các môn thi còn lại (chánh tả, bài luận, toán, lý hóa) đều bằng tiếng Pháp. Các môn thi hạch miệng cũng bằng tiếng Pháp. Vì vậy học sinh bản xứ học chương trình hỗn hợp có thể dự thi lấy bằng Brevet hay Bac I (Tú Tài I) và Bac II (Tú Tài II) dễ dàng. Các trường Albert Sarraut, Puginier, Pellerin, Providence, Chasseloup Laubat, Marie Curie, Yersin, Taberd dạy thuần tiếng Pháp. Học sinh chỉ thi BE (Brevet Élémentaire), BS (Brevet Supérieur) hay sau nầy BEPC (Brevet d’étude du premier cycle, được dịch thành bằng Trung Học Ɖệ Nhất Cấp), Bac I (Tú Tài I) và Bac II (Tú Tài II).

Trường Bưởi (Hà Nội), nơi dạy chương trình tú tài bản xứ đầu thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu/ https://kenhtuyensinh.vn/)

Giáo sư dạy Collège (Trung học đệ nhất cấp) người bản xứ phải tốt nghiệp Cao Ɖẳng Sư Phạm Hà Nội. Muốn vào trường Cao Ɖẳng Sư Phạm Hà Nội phải có bằng BS (Brevet Supérieur) và qua một kỳ thi tuyển toàn quốc. Thời gian học: 3 năm. Người tốt nghiệp mang danh xưng professeur và được dạy năm thứ nhất (1ère année) đến năm thứ tư (4ème année). Giáo sư trung học đệ nhị cấp phần lớn là người Pháp tốt nghiệp École Normale Supérieur ở Pháp với danh xưng professeur agrégé.

Việc chuyển ngữ từ Pháp sang Việt ngữ trong học đường được chánh phủ Trần Trọng Kim khởi xướng năm 1945 và được tiếp nối bởi chánh phủ Quốc Gia do quốc trưởng Bảo Ɖại đứng đầu.

Sau năm 1954 đất nước qua phân. Chương trình giáo dục của VNCH phỏng theo chương trình giáo dục của Pháp. Sách toán của Lebossé, vật lý của George Eve được chuyển dịch sang Việt ngữ dựa theo Danh Từ Khoa Học do Hoàng Xuân Hãn soạn. Chương trình Pháp dạy văn chương Pháp thế kỷ XIX ở lớp Première (lớp 11) thì ta dạy văn chương Việt Nam vào thế kỷ XIX ở lớp đệ nhị v.v..

Việc học đại học rất khó khăn vì rất tốn kém. Học viên phải ra Hà Nội hay sang Pháp. Nhiều gia đình giàu có gởi con sang Pháp học trước khi có tú tài I (Bắc I: chữ viết tắt của baccalauréat).

Học đường dưới thời Pháp thuộc có nhiều môn học hoàn toàn xa lạ ở nước ta trước đó như cách trí (vạn vật), vệ sinh, toán học, vật lý, hóa học, thể thao, lịch sử và địa lý Pháp và thế giới.

Việc thiết kế đô thị được chủ trương. Ɖường xá được trải đá, tráng nhựa có bảng tên đường. Sài Gòn trở thành một Paris giới hạn. Tên đường ở Sài Gòn là tên những quân nhân tham dự các trận đánh chiếm Nam Kỳ. Ɖường dài nhất Sài Gòn là đường Chasseloup Laubat, tên của vị tổng trưởng bộ Hải Quân và Thuộc Ɖịa Pháp chủ trương đánh chiếm Nam Kỳ vào thập niên 1860. Trường học nổi tiếng ở Sài Gòn cũng mang tên vị tổng trưởng nầy mặc dù ông không hề có mặt ở Ɖông Dương ngày nào. Sông Sài Gòn tựa như sông Seine. Vùng Gò Vấp có phong cảnh giống như vùng La Somme ở Pháp dưới mắt các thủy thủ Pháp. Nhà thờ Ɖức Bà, một kiến trúc Pháp cỗ xưa ở Việt Nam, là một Notre Dame de Paris nhỏ bé ở Sài Gòn. Trường Taberd, dinh Norodom (dinh Ɖộc Lập sau nầy), dinh Thống Ɖốc (dinh Gia Long), Bưu Ɖiện Sài Gòn, Pháp Ɖình Sài Gòn, Grand Magasin de Charner … là những kiến trúc to lớn của Pháp đầu tiên ở Sài Gòn. Ɖó là những kiến trúc bằng gạch kết nối nhau bằng xi măng.

Đường Chasseloup-Laubat cuối thế kỷ XIX
(đoạn trước cửa trường Collège indigènes) (ảnh: https://www.flickr.com)

Trước khi tiếp xúc với người Pháp, nhà cửa ở Việt Nam đều làm bằng gỗ. Mồ mả được xây bằng nhựa cây ô dược trộn với vôi (Ô được âm từ Hoa ngữ O yu, mang tên khoa học Laurus myrrha, gia đình Lauraceae. Người Anh gọi là Spice bush). Nhà gạch có cửa sổ là ẩn dấu kiến trúc Tây Phương ở Việt Nam

Con đường Cái Quan (Route Mandarine) nối liền Bắc-Nam được trải nhựa. Nhiều cầu sắt hay cầu xi măng cốt sắt được bắt qua các sông lớn như cầu Long Biên bắt qua sông Hồng, cầu Hàm Rồng bắt qua sông Mã, cầu Trường Tiền bắt qua sông Hương, cầu Bình Lợi bắt qua sông Sài Gòn, cầu Bến Lức bắt qua sông Vàm Cỏ Ɖông, cầu Tân An bắt qua sông Vàm Cỏ Tây v.v.. Cầu tre, cầu dừa vẫn còn ở nông thôn hẻo lánh.

Một con đường ở Mũi Đại Lãnh (Le fameux Cap Varella), trên Đường Cái Quan/
la Route Mandarine (Tạp chí Le Tour du Monde – trích cuốn sách “Ba Năm Của Tôi Ở Annam” –
Tác giả: Gabrielle M. Vassal. 1911- https://hinhanhvietnam.com/)

Ɖường xá mở mang và cải thiện. Phương tiện di chuyển cũng được cải thiện từ đi bộ, xe trâu đến xe ngựa (xe thổ mộ), xe đạp, xe Mobylette, xe Vélo Solex, Domino, mô-tô bình bịch (âm thanh của tiếng xe nổ), xe hơi (Renault, Citroen, Peugeot, Simca, Traction), tàu bè, xe lửa v.v.. Xe đạp được gọi là “con ngựa sắt”. Chữ “xe ca-rệt” được âm từ chữ “charrette” tức xe do súc vật kéo. Chữ “xe lô” tức xe chở mướn, âm từ chữ “location” mà ra.

Người Việt Nam ở thành phố bắt đầu thưởng thức các thức ăn của Pháp như món Chateaubriand, langouste (tôm càng) đông lạnh ăn với sauce mayonnaise, ra-gu v.v. và uống la-ve, rượu chát trắng hay rượu chát đỏ và các loại nước ngọt do Pháp sản xuất. Một thiểu số thị dân thích bơ (beurre), sữa bò và phô-mai (fromage). Người giàu có sang trọng xài dầu ô-liu, ăn trái cây miền ôn đới, xài đường cát trắng hay đường củ cải đường St Louis và uống nước suối Vichy thay nước lạnh.

Dân thành phố bắt đầu làm quen với những môn thể thao do người Pháp du nhập vào nước ta như bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, tơ-nít, đá banh, đánh bốc (boxing). Các bộ môn thế thao ấy vắng bóng trong các học đường bản xứ nhưng hiện hữu trong các trường Tây như Chasseloup Laubat, Providence, Albert Sarraut, tư thục Thiên Chúa Giáo như Taberd, Pellerin, Puginier hay các trường của người Hoa ở Chợ Lớn và ở các tỉnh.

Âm nhạc có trong chương trình học đệ nhất cấp. Giới trung lưu chỉ có đàn banjo, mandoline hay guitare espagnole. Ít gia đình nào có accordéon, guitare hawaiienne (Hạ Uy cầm), violon (vĩ cầm), piano (dương cầm). Quan niệm xướng ca vô loài có nhạt màu nhưng vẫn còn tiềm tàng trong đầu óc người Việt Nam. Vào thế kỷ XX quan niệm cổ xưa nầy đưa hầu hết các văn nghệ sĩ ngả về phe chống lại chính quyền Pháp lẫn Việt. Chính Sở Mật Thám Pháp thấy được điều nầy nhưng không sao ngăn chận được. Trên thế giới, dù dân chủ hay độc tài, hiếm có chánh quyền nào không ghét văn sĩ, thi sĩ, diễn viên sân khấu. Riêng tại Việt Nam, một quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng Giáo sâu đậm, triều đình hay các quan lại xem các tuồng hát hay những lời chế giễu của các anh hề trong gánh hát là một dạng chỉ trích, đả phá chánh quyền. Chúng phản ảnh những bất công xã hội, cảnh người bốc lột người, người hiếp đáp người, chồng chúa vợ tôi, hố sâu phân cách người giàu và người nghèo còn tồn đọng trong xã hội Việt Nam.

Về phương diện kinh tế các chủ điền Pháp đã biến Nam Kỳ thành vựa lúa quan trọng ở Ɖông Nam Á, ngang hàng với Miến Ɖiện và Xiêm La. Việc chăn nuôi được phát triển. Người Pháp du nhập vào Việt Nam cây cao su, trà, cà phê và cây phi lao.

Cây cao su gốc ở Brazil.
Cây trà gốc ở Bengal, Ấn Ɖộ.
Cây cà phê gốc ở Phi Châu.
Cây phi lao gốc ở Úc Ɖại Lợi, các hải đảo Nam Thái Bình Dương. Người Anh gọi là Horsetail tree. Tên khoa học là Casuarina equisetifolia.

Người Pháp lập các đồn điền trồng cao su, trà, cà phê. Họ khám phá ra Ɖà Lạt và biến Ɖà Lạt và Chapa thành nơi nghỉ mát trên cao độ quan trọng trong nước. Cây phi lao được trồng dọc theo bờ biển để ngăn chận các cồn cát lấn dần vào nội địa.

Paris quả thật là thành phố ánh sáng đối với người trí thức Tây học ở Việt Nam. Cách mạng 1789 tạo nguồn cảm hứng cách mạng cho những trí thức Tây học. Có trí thức Tây học hợp tác với Pháp nhưng lòng vẫn trăn trở về sự oằn oại của quê hương dưới chế độ thuộc địa Pháp. Có những trí thức học từ Pháp về trở thành những nhà vận động cho chủ nghĩa Cộng Sản Ɖệ Tam, Ɖệ Tứ Quốc Tế, chủ nghĩa vô chánh phủ. Cũng có những trí thức Tây học hãnh diện đã hoà nhập 100% văn hóa Pháp. Càng hãnh diện hơn khi có vợ người Pháp.

Trường Cao Ɖẳng Hà Nội là nơi thu nhận văn hóa Pháp và cũng là trung tâm hoạt động cách mạng chống chế độ thuộc địa của Pháp ở Ɖông Dương.

Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Ɖảng, là sinh viên Cao Ɖẳng Thương Mại.

Trương Tử Anh, đảng trưởng Ɖại Việt, là sinh viên luật khoa.

Võ Nguyên Giáp, sinh viên luật khoa; Huỳnh Tấn Phát, sinh viên trường kiến trúc; Nguyễn Tôn Hoàn, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng là sinh viên trường thuốc v.v..

Trường Viễn Ɖông Bác Cổ (École Française d’Extrème Orient) làm sống dậy lịch sử Việt Nam trong công cuộc nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Các nhà khảo cổ Pháp đã tìm ra trống đồng Ɖông Sơn, Hòa Bình, Ngọc Lũ, văn hóa đồ đồng đặc thù của người Việt Nam có khác hẳn với văn hóa Trung Hoa.

Bảo tàng viện Blanchard de la Brosse được xây dựng năm 1929 tại Sài Gòn,
trước 1975 là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Việt Nam, hiện nay là Bảo tàng Lịch sử (https://tuoitre.vn/)

***

Paris là sân khấu của cách mạng 1789, của thời đại khủng bố của Robespièrre, của “sầu thế kỷ” (mal du siècle) sau sự sụp đổ của đế triều Napoléon I, của cách mạng 1830, cách mạng 1848, năm mà bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Cộng Sản của Karl Marx chào đời, của Paris Công Xã 1871.

Dòng lịch sử Việt Nam năm 1945 tương tự như thời cách mạng 1789 và đại khủng bố 1793 với nhận xét lạnh lùng: Không đổ máu không có cách mạng.

Cách mạng 1789 lật đổ vua Louis XVI dẫn đến: đại khủng bố Robespièrre, chiến tranh giữa Pháp và các nước quân chủ Âu Châu (Áo-Phổ, Anh, Nga), sự thành lập đế chế của Napoléon I, sự trở lại của chế độ quân chủ của vua Louis XVIII, Charles X, Louis Philippe, sự hình thành đệ nhị đế chế do Napoléon III đại diện. Pháp phải đổ máu và mất 86 năm (1789 - 1875) mới có dân chủ!

Năm 1945 Nhật đầu hàng. Việt Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội. Vua Bảo Ɖại thoái vị. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Các phần tử hợp tác với Pháp, Nhật và các đảng phái Quốc Gia, giáo phái Cao Ɖài, Hòa Hảo bị dìm vào máu. Cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Những phần tử bị liệt vào danh sách Việt Gian bị cho “đi mò tôm”. Những người bị Pháp cho vào sổ bìa đen bị xử bắn liệng xuống sông “đi mò tôm” Chiến tranh Việt Nam I chấm dứt. Việt Nam bị chia đôi. Ở miền Bắc các địa chủ bị tắm máu. Ở miền Nam nhân viên xã ấp và các thầy giáo ở các vùng hẻo lánh bị ám sát với bản án (1956 - 1960). Rồi Chiến Tranh Việt Nam II bùng nổ. Năm 1975 chiến tranh kết thúc bằng sự chiến thắng của phe Cộng Sản. Việt Nam vẫn chưa thoát được sự nghèo khó, kinh tế yếu kém; nhân dân chưa được hưởng tự do và hạnh phúc như mong mỏi. Pháp mất 86 năm mới có dân chủ thật sự. Việt Nam phải mất một số năm tương tự hay hơn nữa, nghĩa là phải đến năm 2045 mới có một nền dân chủ như Pháp năm 1875, tức Ɖệ Tam Cộng Hòa? Ước mơ tầm thường nầy chưa hẳn nằm trong tầm tay vào thời gian ghi trên.

NGA

Nước Nga hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam. Các nho gia gọi nước Nga là nước La Sát. Ɖó là cách gọi của người Trung Hoa âm từ Russia. Còn gọi là Nga vì nước nầy nổi tiếng có nhiều Thiên Nga.

Năm 1905 một hạm đội Nga dưới sự chỉ huy của đô đốc Zinovy Rozhestvensky ghé cảng Cam Ranh nghỉ khi trên đường đi đến Vladivostok. Hạm đội nầy bị Nhật đánh bại tại eo biển Tsushima (Ɖối Mã) trong vòng 35 phút giao tranh.

Lúc ấy Pháp và Nga là đồng minh. Có vài thủy thủ Nga bị bịnh chết và được chôn trong nghĩa trang Massiges, sau nầy là Nghĩa Trang Mạc Ɖỉnh Chi. Năm 1984 Nghĩa Trang Mạc Ɖỉnh Chi bị giải tỏa. Hài cốt các thủy thủ Nga được cải táng ở Tân Thới, Lái Thiêu, gần căn cứ Sóng Thần cũ. Một cái tháp cao được xây lên với những dòng chữ Nga.

Tượng đài có hình con tàu với cột buồm cao và chiếc neo đã được dựng lên
tại khu nghĩa trang Lái Thiêu để tưởng niệm các thủy thủ Nga (Ảnh:
https://plo.vn/ ).

Năm 1920 Nguyễn Tất Thành gia nhập đảng Cộng Sản Pháp dưới tên Nguyễn Ái Quấc, tên dịch từ bút danh tập thể Nguyễn Le Patriote của nhóm Ngũ Long (Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành) sau đệ nhất thế chiến. Năm 1923 ông được đảng Cộng Sản Pháp cử sang Moscow dự Ɖại Hội Nông Dân Quốc Tế (Krestintern). Năm 1924 Nguyễn Ái Quấc sang Liên Sô thụ huấn. cuối năm nầy ông được cử sang Guangzhou (Quảng Châu) phục vụ cho Michael Borodin, cố vấn Liên Sô bên cạnh Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên). Chủ nghĩa Marx-Lenin bắt đầu được du nhập vào Việt Nam từ Guangzhou sau khi Lý Thụy (Hồ Chí Minh sau nầy) thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ɖồng Chí Hội (1925) và cho chào đời quyển Ɖường Kách Mệnh (1926). Năm 1930 đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập ở Hồng Kông.

Các ông Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hà Huy Tập, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu v.v. là những người Cộng Sản sớm đến Nga và có tên Nga.

Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đến Moscow bằng ngã Trung Hoa.

Nguyễn Khánh Toàn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu đến Moscow từ Pháp.

Ɖó là những người Cộng Sản Ɖệ Tam Quốc Tế (Comintern) được gọi là Stalinist. Lenin thành lập Cominterm nhưng Lenin phải dưỡng bịnh vì bị thương nặng trong cuộc ám sát năm 1918. Ông mất năm 1924. Người thực sự điều khiển Ɖệ Tam Quốc Tế Sộng Sản là Stalin, tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô.

Vào thập niên 1930 các ông Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm du học ở Pháp về và mang theo chủ nghĩa Cộng Sản Ɖệ Tứ gọi là chủ nghĩa Trotsky, đối thủ chánh trị của Stalin. Hai chủ nghĩa Cộng Sản nầy chém giết nhau đẫm máu vào năm 1945. Ông Hồ Hữu Tường may mắn được sống sót.

Năm 1945 ông Hồ Chí Minh nắm chánh quyền ở Việt Nam. Stalin lạnh lùng không nhìn nhận chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ lãnh đạo, cũng không nhìn nhận hay giúp đỡ gì cho chánh phủ kháng chiến của ông từ năm 1946 đến 1950. Năm 1950 Stalin nhìn nhận chánh phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh sau khi Mao Zedong thiết lập quan hệ bình thường và viện trợ cho chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Với tư cách là một cán bộ của Ɖệ Tam Quốc Tế có tên Nga (ngầm hiểu là có quốc tịch Nga và hoạt động cho nước Nga), ông Hồ Chí Minh luôn luôn trung thành và sợ sệt trước Stalin. Trong phòng của ông trong chiến khu lúc nào cũng có ảnh của Lenin và Stalin.

Trong thời kỳ đất nước qua phân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc lẫn Liên Sô. Ảnh của Marx, Engel, Lenin, Malenkov và Mao Zedong được tìm thấy ở các nơi công cộng của Hà Nội và các thành phố lớn khác ở miền Bắc. Ảnh hưởng của Trung Quốc có vẻ lấn át hơn vì:

Nguyễn Ái Quấc (Hồ Chí Minh) có tên Nga và được Nga huấn luyện hai lần. Cho đến năm 1949 Mao Zedong chưa đến Nga lần nào.

Ông Hồ Chí Minh vẫn trung thành với Liên Sô mặc dù không thích chánh sách hạ bệ Stalin và sống chung hòa bình với phương Tây của Khrushchev. Ông cần sự chi viện của Trung Quốc để phát động cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam bằng võ lực. Khrushchev không ủng hộ cuộc chiến tranh nầy trong khi Mao Zedong hậu thuẫn dạng chiến tranh nhân dân ở miền Nam dưới danh nghĩa nhân dân miền Nam nổi dậy chống Mỹ-Diệm. Trước khi chết, ông Hồ Chí Minh biết Liên Sô và Trung Quốc đánh nhau trên đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Zhenbao (Chân Bảo).

Chiến tranh càng gia tăng cường độ với những cuộc oanh tạc miền Bắc. Việc quân Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam, miền Bắc cần có võ khí tối tân để bắn phi cơ Hoa Kỳ và để quân Cộng Sản miền Bắc chủ động trên chiến trường miền Nam khi quân Mặt Trận Giải Phóng càng ngày càng yếu đi sau biến cố Mậu Thân, ảnh hưởng của Trung Quốc yếu đi trong khi Lê Duẩn hướng về Liên Sô để có võ khí tối tân của Liên Sô. Với những võ khí nầy Hà Nội nắm ưu thế trên chiến trường và trên bàn hội nghị từ năm 1972 về sau. Tháng 11 năm 1972 chiếc B-52 đầu tiên của Hoa Kỳ bị bắn rớt ở Vinh. Trong chiến dịch Linebacker II oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng vào dịp Giáng Sinh năm 1972, có 15 B-52 bị bắn rơi chưa kể các loại phi cơ khác. Việc bắn rơi B-52 có ý nghĩa đặc biệt. Cộng Sản miền Bắc phấn khởi và tin tưởng Liên Sô. Hoa Kỳ suy nghĩ về khả năng bắn hạ B-52 được gọi là pháo đài bay. Tổng thống Hoa Kỳ Nixon tái đắc cử nhờ câu “Hòa bình trong tầm tay” của Henry Kissinger. Hiệp định Paris được ký kết (27-01-1973). Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Năm 1975 chánh quyền Sài Gòn sụp đổ.

Việt Minh thắng Pháp ở Ɖiện Biên Phủ nhờ Trung Quốc.

Cộng Sản miền Bắc chiến thắng năm 1975 nhờ võ khí Liên Sô. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của tổng bí thơ Lê Duẩn và Cuba của Fidel Castro là hai thành trì của Liên Sô ở phương Ɖông và Tây Bán Cầu.

Người Việt có cơ hội đọc Tuyển Tập Lênin được in bằng giấy trắng đặc biệt giữa lúc thiếu lương thực hàng ngày trầm trọng. Họ được nghe nhạc Liên Sô như Kalinda, Katyusha, Chiến Tranh Thần Thánh, Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Ɖại, Người Lái Ɖò Trên Sông Volga, Triệu Ɖóa Hoa Hồng v.v.. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị với Liên Sô, cho tàu chiến Liên Sô sử dụng Cam Ranh.

Liên Sô nghịch với Trung Quốc, Việt Nam nghịch với Trung Quốc.

Liên Sô xâm lăng Afghanistan, Việt Nam xâm lăng Cambodia, nơi Pol Pot thi hành đường lối Maoist.

Nếu năm 1953 Tố Hữu khóc Stalin với câu “Thương cha thương mẹ thương chồng; thương mình thương một thương Ông thương mười”, thì sau 1975 người Việt Nam vui mừng tiếp nhận cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Sô chống Ɖức. Họ quen dần với những địa danh Moscow, Stalingrad, Leningrad, sông Volga với “hiền mẫu” Nadezhda Krupskaya, vợ của Lenin. Ngưỡng mộ nước Nga và nhân vật lịch sử Nga, yêu điều Liên Sô yêu, ghét điều Liên Sô ghét, đến nỗi thương người không gặp mặt lần nào 10 lần hơn thương người cha khổ sở dưỡng dục mình như vậy mà khi Trung Quốc tấn công Việt Nam ngoài biên giới năm 1979 và ngoài quần đảo Trường Sa năm 1988, Liên Sô nằm bất động trong Vịnh Cam Ranh.

Tượng lớn nhất ở Hà Nội là tượng của Lenin. Khi còn sống, không biết ông Lenin biết Việt Nam nằm trong góc nào trên bản đồ thế giới hay không. Thế nhưng ông có một tượng to lớn ở Hà Nội và sẽ có một tượng lớn hơn ở Nghệ An, quê hương của bác Hồ, vì bác đã khóc sướt mướt khi hay tin Lenin chết và gọi Lenin là cha, là thầy, là cố vấn vĩ đại của mình.

Tên thật của ông Lenin là Vladimir Ilyich Ulyanov. Ông ra đời trong thành phố Simbirsk được đổi thành thành phố Ulyanovsk (họ của Lenin) năm 1924. Năm 1943 tỉnh sinh quán của ông được cải danh thành Ulyanov Oblast (tỉnh Ulyanov), thủ phủ là Ulyanovsk. Mộ của ông vẫn còn ở Moscow sau ngày Liên Sô sụp đổ năm 1991.

ANH-HOA KỲ

Anh ít giao tiếp với nước ta. Theo lịch sử, người Anh đến Ɖàng Trong vào thế kỷ XVIII khi Nguyễn Nhạc tự xưng là hoàng đế Thái Ɖức, đóng đô ở Qui Nhơn. Họ có để ý đến vị trí quan trọng của quần đảo Côn Sơn.

Anh có thương điếm ở Ấn Ɖộ từ thế kỷ XVIII, chiếm Singapore (1819) và Mã Lai (1824). Năm 1842 họ chiếm Hong Kong sau cuộc chiến tranh nha phiến.

Nguyễn Háo Vĩnh, người gốc ở Long Xuyên, được xem là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học St Joseph ở Hong Kong vào đầu thế kỷ XX. Ɖó là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu văn hóa Anh dưới thời Pháp thuộc. Sau ông có Tạ Quang Bửu (1) học đại học Oxford ở Anh.

Trương Duy Toản (trái) và Nguyễn Háo Vĩnh (phải) (Ảnh: https://vi.wikipedia.org/)

Năm 1945 Anh được hội nghị Potsdam ủy nhiệm giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16. Năm 1954 Anh là đồng chủ tịch trong hội nghị Genève 1954 về vấn đề Việt Nam và Triều Tiên nhưng cuối cùng hội nghị chỉ bàn về việc giải quyết cuộc chiến tranh Ɖông Dương mà thôi.

Dưới thời Pháp thuộc tiếng Anh không được phổ biến nhưng nó rất quen thuộc trong các trường của người Hoa ở Chợ Lớn. Các trường học người Hoa chấm điểm như các trường học ở Hong Kong hay Singapore, khác với cách chấm điểm của Pháp trong các học đường Việt Nam. Một số từ ngữ Anh liên quan đến các bộ môn thể thao đươc phổ biến dưới thời Pháp thuộc như: football, tennis, pingpong, volley ball, basket ball, penalty, corner, boxing, knock out, knock down. Nhìn chung, sự hiểu biết của người Việt Nam về người Anh rất giới hạn. Ɖại để họ nói người Anh là người Hồng Mao (lông đỏ), Ǎng-Lê (tiếng Pháp Anglais, người Angleterre) với các đặc điểm: phớt tỉnh Ǎng-Lê.

Nước Anh có nhiều liên hệ với Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau nầy). Từ năm 1914 đến 1917 Nguyễn Tất Thành sống và lao động ở Anh. Năm 1931 ông bị bắt và đưa về giam ở Hong Kong. Pháp yêu cầu chánh quyền ở Hong Kong dẫn độ ông về Việt Nam, nơi ông bị xử tử hình khiếm diện năm 1931 vì những bạo động của Phong Trào Sô Viết Nghệ Tĩnh. Anh tìm cách né tránh việc dẫn độ nầy như họ đã làm với Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) trước đó đối với Thanh triều. Vợ chồng luật sư Loseby giúp đỡ cho người tù Tống Văn Sơ (Hồ Chí Minh sau nầy) rất nhiều. Ɖể không dẫn độ Tống Văn Sơ về Việt Nam, chánh quyền Hong Kong loan tin Tống Văn Sơ chết vì bệnh lao trong bệnh viện ngục thất Hong Kong. Trong lúc đó Loseby giúp cho Tống Văn Sơ cải trang làm một thương gia người Hoa để lên đường đi Shanghai (Thượng Hải) bằng tàu. Từ đó ông dùng tàu đi Vladivostok (Hải Sâm Uy) để trở về Moscow bằng đường hỏa xa.

Trong đệ nhị thế chiến có một người Anh tên Charles Fenn (1907 - 2004) có quốc tịch Hoa Kỳ và làm việc cho OSS hoạt động ở Ɖông Á Thái Bình Dương, thường tiếp xúc với ông Hồ Chí Minh trong việc cứu giúp các phi công Hoa Kỳ bị bắn rớt (AGAS: Air Ground Aid Service). Sự hiểu biết của Charles Fenn về Hồ Chí Minh (Lucius) rất chính xác vì ông là người tuyển dụng ông Hồ làm cán bộ OSS, tiền thân của CIA sau nầy, dưới bí danh La Tinh Lucius có nghĩa là ‘sáng’, phù hợp với bí danh có chữ MINH (sáng) của Hồ Chí Minh. Năm 1973 Charles Fenn có viết một cuốn sách về Hồ Chí Minh. Trung úy Charles Fenn bị nghi ngờ vì đã đưa một Cominterchik, cán bộ Ɖệ Tam Quốc Tế vào OSS của Hoa Kỳ. Ông rời khỏi OSS và trở về Anh. Ông mất năm 2004 ở Ái Nhĩ Lan.

Charles Fenn và Hồ Chí Minh năm 1945 (Ảnh:https://www.bbc.com/ )

Sự giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16 giúp ích cho Anh rất nhiều trong việc đo lường khát vọng độc lập của các dân tộc thuộc địa sau đệ nhị thế chiến. Họ không xem thường những thanh niên chiến đấu bằng tầm vong vạt nhọn khi nghĩ đến hàng trăm triệu người Ấn Ɖộ và hàng chục triệu người Miến Ɖiện sẽ võ trang như thế trong cuộc tranh giành độc lập. Từ đó chánh phủ Atlee (Lao Ɖộng) quyết định trao trả độc lập cho Ấn Ɖộ năm 1947 và Miến Ɖiện năm 1948.

Năm 1954 Anh không hưởng ứng sáng kiến của Hoa Kỳ về việc cứu Pháp bằng biện pháp quân sự cực mạnh. Vì sự lơ là của Anh nên Hoa Kỳ từ bỏ sáng kiến can thiệp nầy.

Anh không phụ giúp Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Bertrand Russell (1872 - 1970) là nhà triết học, toán học, sử học được giải thưởng Nobel về Văn Chương năm 1950, phản đối Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc và đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Ông là người phát động phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Anh.

HOA KỲ

Tàu Hoa Kỳ đến Vũng Tàu vào tháng 6 năm 1819 nhưng mãi đến năm 1820 mới vào Sài Gòn. Thuyền trưởng John White (1872 - 1840) có dịp tìm hiểu về hoạt động kinh tế, thương mại vùng Sài Gòn và phụ cận. Ông được tổng trấn Gia Ɖịnh Thành là Lê Văn Duyệt tiếp đón nồng hậu mặc dù chánh sách bế quan tỏa cảng bắt đầu được thi hành. Khi rời Sài Gòn, tàu mua nhiều đường, tơ lụa và 6 giống lúa cấy ở Nam Kỳ.

Một phần bản đồ City of Saigon 1820 và hình vẽ con tàu Franklin của John White
(ảnh ghép – PT - https://nguoidothi.net.vn/)

Năm 1845, dưới triều vua Thiệu Trị, tàu Constitution dưới sự chỉ huy của Perceval đậu ở Ɖà Nẵng. Lúc ấy giám mục Pháp Lefèvre bị giam ở Huế chờ ngày tử hình. Perceval yêu cầu triều đình tha chết cho Lefèvre không được nên bỏ đi. Perceval thông báo cho tàu Pháp can thiệp. Giám mục Lefèvre được tha chết. Ông đi Singapore rồi trở lại miền Trung.

Lịch sử Việt Nam cho rằng Bùi Viện là người Việt Nam đầu tiên đi cầu viện Hoa Kỳ năm 1873 và ở lại đó cả năm mới về vì không có quốc thơ. Lúc ấy tổng thống Hoa Kỳ là Ulysse Grant, một cựu tướng lãnh đắc cử tổng thống (1869 - 1877). Cũng có tài liệu cho rằng ông đi Hoa Kỳ lần thứ hai vào năm 1875.

Chi tiết về ông Bùi Viện sang Hoa Kỳ năm 1873 và ở lại đó một năm trường làm cho chúng ta hoài nghi không biết chuyện nầy có xảy ra không? Vì:

Năm 1913 Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau nầy) làm việc trên tàu nên có cơ hội đến Boston, Massachusett. Trong đệ nhị thế chiến ông lãnh đạo Mặt Trận Việt Minh, từng bị cầm tù ở Liauzhou (Liễu Châu) và hợp tác với OSS (Office of Strategic Services) dưới bí danh Lucius. Ông giúp Hoa Kỳ cứu 17 phi công Ɖồng Minh bị Nhật bắn rớt. Hoa Kỳ gởi phái bộ Deer nhảy dù xuống Tân Trào, Tuyên Quang, khi Hồ Chí Minh bị sốt rét trầm trọng. Phái bộ Deer giúp cho Hồ Chí Minh vài cây súng, thuốc men và cứu ông Hồ Chí Minh khỏi bịnh sốt rét. Henri Arthur Prunier, một sĩ quan OSS, huấn luyện cho ông Hồ, Võ Nguyên Giáp và 200 du kích Việt Minh sử dụng lựu đạn và võ khí. Thiếu tá OSS là Archimedes vẫn thường xuyên liên lạc với Hồ Chí Minh. Ɖiều đáng lưu ý là Hà Nội tràn ngập những biểu ngữ bằng tiếng Anh như Freedom or Death, Vietnam to the Vietnamese. Tuyên Ngôn Ɖộc Lập mà ông Hồ Chí Minh đọc ngày 02-09-1945 ở Hà Nội mở đầu bằng câu “Tất cả mọi người đều sinh ra có bình đẳng” lấy từ bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập của Hoa Kỳ năm 1776. Những người thức giả trong nước tin rằng Hồ Chí Minh được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Võ Nguyên Giáp và cán bộ Việt Minh chào bằng cách nắm bàn tay chặt lại như hiến dâng tim của mình theo cách chào của người Mỹ thời chiến tranh cách mạng chống Anh. Vì tin Hồ Chí Minh được Mỹ ủng hộ nên vua Bảo Ɖại thoái vị dễ dàng sau khi nhận một điện tín vô danh gởi từ Hà Nội.

Ông Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái) và Võ Nguyên Giáp (người đeo cà vạt) cùng chụp ảnh với biệt đội Deer OSS của Mỹ (Photo Courtesy)

Chánh sách của Hoa Kỳ về vấn đề Ɖông Dương rất mập mờ. Tổng thống Franklin D. Roosevelt có vẻ muốn Pháp từ bỏ thuộc địa ở Ɖông Dương. Ông chết bốn tháng trước khi Nhật đầu hàng. Phó tổng thống Harry Truman đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Ɖường lối của ông không giống Roosevelt hoàn toàn. Các sĩ quan Hoa Kỳ lần lượt rời khỏi Hà Nội.

Lục địa Trung Hoa sắp rơi vào tay Cộng Sản do Mao Zedong lãnh đạo. Nếu Pháp tái chiếm Ɖông Dương thành công, họ sẽ chống đỡ sự bành trướng của Trung Cộng hữu hiệu hơn. Nếu Hồ Chí Minh thành công thì khối Cộng Sản sẽ bành trướng sang các nước Ɖông Nam Á lục địa nhanh hơn.

Tướng De Lattre de Tassigny cảnh cáo với Hoa Kỳ rằng, nếu Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản thì chẳng những các nước Ɖông Nam Á bị xích hóa mà cả Trung Ɖông cũng bị xích hóa! Thế là Hoa Kỳ đài thọ 80% chi phí chiến tranh Ɖông Dương cho Pháp và suýt nhảy vào vòng chiến trước sự hấp hối của Ɖiện Biên Phủ. Trung Quốc giúp Hồ Chí Minh thành công nhưng Hoa Kỳ giúp Pháp thất bại.

Việt Nam có chánh phủ Quốc Gia do Bảo Ɖại đứng đầu. Viện trợ Mỹ không trực tiếp đến với chánh phủ Quốc gia mà qua tay Pháp. Quốc trưởng Bảo Ɖại không có vị trí vững chắc trong tâm não quần chúng. Dưới mắt người Mỹ ông quá thiên về Pháp và là người lãnh đạo thiếu nhiệt thành. Học sinh Sài Gòn xuống đường biểu tình đốt phá thư viện viện Mỹ trên đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Chợ Bến Thành chống đối chánh quyền Sài Gòn (1950). Luật sư Nguyễn Hữu Thọ xuất hiện từ đó. Sau nầy ông là chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (cuối năm 1960).

***

Sau đệ nhị thế chiến người sớm đến Hoa Kỳ là ông Huỳnh Sanh Thông (1926 - 2008). Ông sinh ở Hóc Môn, Gia Ɖịnh, thuộc khuynh hướng chánh trị Ɖại Việt và biết tiếng Anh trước đệ nhị thế chiến. Ông bị Pháp ruồng bắt nhưng được Hoa Kỳ can thiệp nên được tự do và đến Hoa Kỳ với tư cách người tỵ nạn chánh trị.

Trong thời kỳ chiến tranh Ɖông Dương lần thứ nhất nhiều sinh viên Việt Nam từ Pháp sang Hoa Kỳ học. Trong số nầy có các ông Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Văn Thơ, Phan Quang Ɖán, Phan Thị Nguyệt Minh (vợ của ông Nguyễn Văn Thơ) v.v..

Ngày 07-07-1954 ông Ngô Ɖình Diệm nhậm chức thủ tướng của Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam) do quốc trưởng Bảo Ɖại bổ nhiệm. 13 ngày sau hiệp định đình chiến Genève được ký kết. Việt Nam bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm đường ranh phân chia. Ở phía nam vĩ tuyến 17 thủ tướng Ngô Ɖình Diệm lật đổ quốc trưởng Bảo Ɖại nhờ sự ủng hộ của Hoa Kỳ (1955). Năm 1956 quân Pháp tập trung ở Vũng Tàu để hồi hương. Hoa Kỳ đóng vai chánh ở phần đất phía nam vĩ tuyến 17. Năm 1956 phần đất nầy mang quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ viện trợ kinh tế, quân sự cho VNCH. Nhiều cố vấn Hoa Kỳ hiện diện ở các địa phương ở miền Nam Việt Nam. Những trí thức học ở Hoa Kỳ về có địa vị khá quan trọng trong chánh quyền Ngô Ɖình Diệm ngoại trừ ông Phan Quang Ɖán. Ông bị đày ra Côn Ɖảo thời tổng thống Ngô Ɖình Diệm. Dưới thời đệ nhị Cộng Hòa ông là Quốc Vụ Khanh đặc trách việc khai hoang lập ấp.

Trường Chasseloup Laubat được đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau. Về phương diện chánh trị tổng thống Ngô Ɖình Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ. Về phương viện văn hóa ông là tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp trong tinh thần Khổng Giáo cỗ truyền. Ông Ngô Ɖình Nhu, cố vấn chánh trị có ảnh hưởng với anh là tổng thống Ngô Ɖình Diệm, tốt nghiệp ưu hạng ở École Nationale des Chartes (Quốc Gia Cổ Tự). Ông tự hào về kiến thức ngôn ngữ và lịch sử thâm sâu của mình. Ông không viết diễn văn bằng Việt ngữ mà bằng Pháp ngữ rồi chuyển dịch sang Việt ngữ. Con ông cũng như con các viên chức cao cấp trong chánh phủ đều học Jean Jacques Rousseau, Marie Curie, Taberd, Yersin hay gởi sang Pháp học chớ không học chương trình Việt do chánh phủ Ngô Ɖình Diệm vạch ra. Ɖó là một chuyện nhỏ nhưng nó phản ảnh mâu thuẫn của chánh quyền. Chánh quyền không tin vào chánh sách giáo dục của mình thì làm thế nào dân chúng không hoài nghi?

Vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 các lớp dạy Anh ngữ nở rộ ở Sài Gòn. Trong các trường học số học sinh chọn Anh văn làm sinh ngữ chính gia tăng từ Sài Gòn, Huế sang các tỉnh khác. Số học viên học Anh văn ở Hội Việt-Mỹ trên đường Mạc Ɖỉnh Chi bắt đầu vượt xa các học viên ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Français). Sách giáo khoa Anh văn của Hoa Kỳ rất thực dụng nên dễ hấp thụ hơn cuốn Anglais Vivant do Carpentier-Fialip soạn và được dạy trong học đường trước đó. Các nhà thương mại thì học cuốn Anglais Sans Peine. Ở các địa phương nhiều công chức học tiếng Anh từ các cố vấn Mỹ.

Hội Việt Mỹ (trước 30/4/75), số 53 Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn (Ảnh: http://svkhktmdk1.blogspot.com/)

Năm 1965 quân đội Hoa Kỳ tiến vào Nam Việt Nam. Các snack bars mọc lên như nấm ở các nơi có sĩ quan Hoa Kỳ. Dân miền Nam Việt Nam có dịp thấy tận mắt sự giàu có của Hoa Kỳ từ điếu thuốc Salem đến trái cam Florida. Những người biết tiếng Anh trở nên giàu có nhờ mở snack bars, tiệm giặt ủi, thầu rác Mỹ, đổi đô la xanh và đô la đỏ dành cho các quân nhân Mỹ v.v..

Các tướng lãnh có tuổi do Pháp đào tạo lần lượt về hưu hay bị khai trừ qua nhiều cuộc đảo chánh sau 1963. Vài tướng lãnh trẻ nói tiếng Anh trôi chảy và được thụ huấn ở Hoa Kỳ bắt đầu có địa vị cao trên chánh trường Nam Việt Nam. Các tân trí thức Mỹ học trẻ có địa vị quan trọng trong chánh phủ VNCH. Bằng MA, MS được xem như tiến sĩ. Cặp Samsonite được xem là ấn dấu của các viên chức tốt nghiệp ở Mỹ về.

Trong thời chinh chiến dân chúng miền Nam bỗng dưng phát đạt. Nhà ngói thay thế nhà tranh. Xe Honda, radio, truyền hình, tủ lạnh Nhật tràn ngập. Gần 100% nhà của cư dân Sài Gòn có điện và nước máy. Tỷ lệ các gia đình thị dân có radio, truyền hình, tủ lạnh và xe gắn máy khá cao. Một số nông dân có máy cày, xe Lambretta ba bánh chở hàng và sân phơi xi măng. Câu OK Salem trở thành câu chào hỏi để làm quen với người Mỹ.

Sự phú túc vật chất nầy vụt tắt năm 1973. Các snack bars ở các vùng quân đội Mỹ trú đóng trở nên hoang phế.

Năm 1975, hai năm sau khi quân đội Mỹ về nước, miền Nam Việt Nam sụp đổ. Tân chánh quyền Cộng Sản hết lời chửi rủa đế quốc Mỹ. Có điều lạ: lúc bấy giờ con của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn không được học tiếng Anh mà phải học tiếng Nga trong khi con cán bộ Cộng Sản lại học tiếng Anh. Thời gian 1978 - 1995 tiếng Anh phát triển trong bóng tối như những làn sóng ngầm để đáp ứng nhu cầu của những gia đình vượt biên hay được thân nhân bảo lãnh sang các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Canada, Úc Ɖại Lợi và Hoa Kỳ.

***

Việt Nam là cửa ngõ tiếp thu văn hóa Trung Hoa, Ấn Ɖộ, văn hóa Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo và Chính Thống Giáo. Chúng ta đã học hỏi được gì hữu ích cho sự phát triển quốc gia?

Người Nhật học hỏi nơi người Âu-Mỹ để biến nước họ thành một cường quốc kinh tế và quân sự. Vào thế kỷ XIX Nhật Bản và Việt Nam gần như cùng một cấp hạng. Nhưng bây giờ thì sự cách biệt rất xa không có đơn vị để tính.

Nếu xét về lịch sử và vị trí địa lý, Triều Tiên còn hẩm hiu hơn Việt Nam nhiều. Họ bị bao vây và đe doạ bởi những nước to lớn như Trung Hoa, Nga, Nhật Bản. Họ bị chia đôi sau đệ nhị thế chiến. Tình trạng qua phân còn kéo dài đến bây giờ. Họ trải qua một cuộc chiến tranh huynh đệ đẫm máu (1950 - 1953). Thế nhưng nửa bán đảo Triều Tiên ở phía Nam vẫn hơn Việt Nam trên mọi bình diện.

Mời độc giả phân tách khách quan và trung thực về lãnh đạo, triết lý sống của quần chúng, sự thành công của người và sự ngưng đọng của ta may ra giúp chúng ta có những điều chỉnh hay sửa đổi cần thiết đế quốc gia phát triển và có vị trí xứng đáng trên thế giới.

Một thí sinh tự chấm điểm nới tay cho mình thì khó được chấm đậu trên thực tế bởi thiếu yếu tố khách quan.

Một người không biết được mặt mạnh hay mặt yếu của mình một cách trung thực thì khó thành công.

Biến một tấm vải trơn thành quần áo đẹp dễ hơn sửa quần áo cũ.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_______

Chú thích:

(1) Sau nầy ông Tạ Quang Bửu (1910 - 1986) là thứ trưởng bộ Quốc Phòng của chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chính ông ký hiệp định Genève năm 1954 cùng với đại tá Henri Delteil. Anh là quốc gia đồng chủ tịch hội nghị Genève năm 1954 với Liên Sô.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/vanhoa/vanhoangoaitronglichsu.htm


Cái Đình - 2020