Lê thị Thanh Tâm


…Có còn chăng dư âm xưa…

.

“Mỗi năm tết đến lòng man mác buồn”... Con người luôn yêu cái đẹp, dù điều ấy đã quá vãng, đã phai mờ không thể trở lại như xưa. Phải chăng hoài niệm chỉ làm khổ tâm mình và có ai chối cãi thời ngây thơ tuổi nhỏ là thiên thần!

Vậy mà thỉnh thoảng hoạ hoằn lắm Hà mới ngủ mơ lại thời con nít của mình và lũ bạn nhỏ trong xóm ngày xưa. Những ngây thơ thân ái ấy còn mãi trong ký ức, đến giờ đầu hai thứ tóc mà còn vui khi nhớ đến. Hà thầm cám ơn cuộc đời, cám ơn ba me và anh chị em, cám ơn thầy cô, bạn bè… đã đem yêu thương cho mình được tươi đẹp như thế.

Hà chỉ nhớ thời gian gia đình ba me ở vùng ven biên đô-thành S.G., nên được yên tĩnh có sân trước vườn sau nô đùa, hơn là nhà trong phố chợ. Ba me kể rằng, căn nhà đầu tiên lúc sanh chị Nghi là ở xóm Chiếu, Cầu Kho. Sau đó ba me dọn nhà về xóm này, vì có chùa Linh-Quang-Tự của ông thầy Sáu là tu-sỹ ở miền Trung, người mà ông bà nội đã gởi gấm ba đi theo vào Sài-Gòn, để tránh giặc Pháp đang càn quét giết dân rất kinh hoàng lúc ấy.

Vì thế ba me mua đất, cất nhà ở giữa chùa ông thầy Sáu và nhà thầy cô hai Phúc, là ba má thằng Hùng, sau này còn sanh con Hân và năm đứa em nó nữa. Họ đã về xóm này trước tiên, mua đất cất nhà villa kiểu “bánh ít” thời xưa và có gắn “compteur” điện, nhờ vậy sau này họ cho chuyền dây điện qua các nhà đến sau, rồi mỗi tháng đến ghi sổ tính tiền. Chính vì vậy mà cả xóm gọi ông hai Phúc là “thầy” vì kính trọng, chứ ông không phải là người dạy học ở trường nào cả.

Ngày me sanh Hà vào thời gần cuối chiến tranh Việt-Pháp, ba cũng đang chống giặc theo hịch của các nhà chí-sỹ lúc ấy, nên không đi làm cho Pháp nữa. Xã hội bị ngăn sông cấm chợ khó khăn. Vì vậy nên me phải sanh Hà tại nhà, mà cô hai Phúc là người me nhờ phụ gíup lúc ấy, dù cô rất vụng về vì không phải là bà mụ đỡ đẻ gì cả. Thế mà cũng mẹ tròn con vuông hết cả. Hà có cả một huyền thoại từ lúc me cấn bầu đến lúc sanh ra, nhưng đó là chuyện khác, không viết hết được.

Một, hai tháng sau lại đến lượt cô Hai cũng sanh con Hân tại nhà nó như thế, thì đã có me Hà qua giúp cô Hai mọi thứ cần thiết rất trôi chảy, vì me có nhiều kinh nghiệm “chiến trường” hơn cô. Có lẽ vì thế mà hai đứa con gái bị đẻ rớt ở nhà này, rất thương yêu thân thiết nhau, chưa từng giận hay cãi nhau bao giờ.

Hai nhà cạnh nhau chỉ cách một cái hè* rộng chưa đầy hai mét, đủ để mở cửa sổ cho thoáng, nhưng cũng bị nghe chuyện nhà bên cạnh rõ mồn một. Vì vậy mà rất thân thiết nhau.

Đám nhóc ngây thơ của hai nhà suốt ngày sau giờ học ở trường, nếu không bị giữ em, thì hẹn nhau chơi đủ thứ trò chơi, cho đến giờ cơm chiều. Những đêm trăng sáng tha hồ chơi mãi đến khi đi ngủ mới thôi, vì bọn nhỏ thích chạy trốn trong kho gỗ tối đen của chùa, tuy hồi hộp vì sợ ma, nhưng lại thích thú vô cùng vì ít đứa nào dám vào đó tìm…

Thầy hai Phúc là người Tàu lai nên rất đẹp, các con ông đứa nào may mắn giống ông thì đều đẹp. Tướng ông cao lớn, khoẻ mạnh gân guốc và tiếng nói ấm to oai, nhưng gương mặt ông cứng rắn, khô lạnh làm ai nhìn cũng ớn. Tính tình ông rất độc tài đến tàn nhẫn, mỗi khi ông dạy vợ và đánh con mà bên nhà mấy chị em Hà nghe còn sợ lây, nói gì vợ con của ông.

Thật ra ông giận đánh đòn con cũng vì thương yêu dạy dỗ, mỗi một lần đánh đòn con cái, là chị em nhà bên này đều nghe ông dạy một bài học rất hay. Có nhiều người cứ đánh con túi bụi mà không dạy dỗ gì cả, thì còn vô phúc hơn nữa. Thằng Hùng bị đánh những trận đòn kinh hoàng nhiều nhất, mà chị em Hà không dám hỏi nguyên nhân.

Cô Hai, vợ ông là người Tàu chánh gốc, mắt nhỏ dài và đuôi mắt xếch cao, đôi gò má cao ngất và mồm miệng thì hở cả răng lợi ra, nên mỗi khi cười cô hay che miệng lại, cứ y như thiếu nữ thẹn thò. Nhưng tánh cô rất hiền lành thật thà, me Hà và cô hợp tánh nhau, hai bà thường nói chuyện mỗi ngày, chuyện gì cũng tâm sự nhau như hai chị em thân tình. Khi cô buồn vì bị chồng quở mắng mà bên nhà Hà đều nghe biết, thì có me an ủi, nên cô thương bên nhà Hà lắm. Nhưng những vấn đề khác, thì cô giữ kín bưng, không hề hé môi.

Cho đến về tài chánh, nhà thầy cô Hai không nghèo, nhưng vì quá tiết kiệm đến keo kiết, bắt cả nhà ăn uống quá đạm bạc, ít khi được ăn ngon, mà cô Hai cũng không biết nấu ăn ngon như me của Hà, nên suốt ngày cô rất rảnh rang. Cô chỉ giỏi may vá quần áo cho chồng con, cô may quần áo cho con cái khá đẹp...

Nhờ tiết kiệm mà lúc nào cần tiền thì nhà cô Hai có ngay. Nhưng bù lại thấy bên nhà Hà được ăn ngon tưng bừng, thì anh em thằng Hùng thèm lắm, nhưng không bao giờ hé môi cho ai biết. Cũng như khi bị đánh đòn kinh khiếp tụi nó cũng im thin thít, vì ba nó cấm khóc la. Sau này Hà mới hiểu điều đó rất là độc ác, vì bị ấm ức không có chỗ bộc phát sẽ sinh bịnh trầm cảm, ngơ ngẩn.

Ông dạy vợ con rất giỏi, đến nỗi bao nhiêu ước vọng và khổ đau đều ngậm vào lòng, để bí mật chuyện nhà. Cũng như dù hai nhà cạnh nhau, nhưng không qua lại nhà nhau, chỉ có con Hân vào nhà Hà chơi hoài, còn Hà thì không qua nhà nó, chỉ gặp nhau ngoài sân hay góc hè nhà thôi. Có vài lần nhà cúng giỗ, me nhờ Hà đem biếu tặng thức ăn cho hàng xóm, nên phải vào nhà cô Hai. Nhìn cảnh nhà thật ảm đạm, đen tối, bàn tủ loang lở cũ kỹ, và mọi người chỉ im lặng ra vào trong nhà như chiếc bóng. Rồi Hà chạy về nhà mình thì thấy nhà cửa sáng sủa, màn treo đẹp đẽ, hoa chưng tươi thắm, các anh chị em đùa giỡn vui vẻ và cũng được cãi nhau ồn ào, thì Hà lại mừng quá.

Ôi, hạnh phúc chỉ cách nhau chỉ là hai căn nhà cách nhau vài mét thôi, mà sao nó xa diệu vợi như vậy.

Chị em Hà chơi thân với anh em thằng Hùng. Hà chơi thân với con Hân, còn anh nó lại thích và chỉ chơi thân với chị Nghi thôi. Khi Hùng vẽ hình hoạt hoạ con chuột Jerry, con mèo Tom của W. Disney, nó vẽ rất đẹp. Nó chỉ đem cho chị Nghi, vì Hà là đứa vô tư hay cười và nói thật làm nó ghét, còn chị Nghi thì im lặng và nói theo ý nó, nên có gì đẹp là nó đưa cho chị hết.

Hà cũng không thích thằng Hùng vì tánh nó dữ lắm, giống ba nó. Đặc biệt là nó chơi cái nào cũng giỏi cũng thắng cả. Còn con Hân lại hiền lành thật thà giống tánh má nó, nên Hà chơi với Hân chưa cãi nhau bao giờ. Hai đứa chơi đủ thứ trò chơi, đặc biệt là thời ấy con nít thích bắt chước phim ca múa nhạc Ấn-độ, nên nhiều đứa biết hát múa theo, Hà và con Hân cũng vậy, thích hát múa cho nhau xem. Con Hân hát và múa rất đẹp giống như các nữ minh tinh Ấn vào thời ấy, nó còn được cô dượng, em của ba nó, thưởng tiền nữa. Hai đứa cũng vẽ rất nhiều hình, toàn là cô gái như poupée, đứng trước nhà có vườn hoa, rồi tặng cho nhau. Vậy mà hai đứa vui thích lắm, đi học về là chạy tìm nhau…

Tết đến, cả hai nhà đều có bụi hoa mai già to trước sân rất đẹp, ai đi ngang cũng trầm trồ khen. Người lớn nhà hai bên bắt lũ nhóc ra ngắt lá mai trước tết mấy tuần, nhà Hùng ra giải thưởng là đứa nào làm giỏi thì tết sẽ được tiền lì xì nhiều nhất. Thế là đi học về thằng Hùng bắc ghế ra cây mai chăm chỉ hái lá trước. Còn bên nhà Hà thì chị Nghi là chúa lười, chị bắt Hà lặt lá mai thay chị, Hà cũng nghe lời dù chưa bao giờ được thêm tiền lì xì cả. Còn thằng Hùng năm nào cũng lặt lá mai giỏi, được ba nó lì xì nhiều nhất nhà, nó đem khoe với chị em Hà suốt mấy ngày tết.

Có một lần trước tết vài ngày, bỗng dưng thằng Hùng rủ Hà chơi tạt hình. Hôm ấy chả hiểu sao mà nó nổi cộc, thay gì chọi cục gạch vào cọc hình, thì nó lại chọi trúng vào đầu Hà, làm máu rỉ ra và sưng một cục. Báo hại tết năm ấy Ngà phải ở nhà, không dám gặp ai đến nhà chúc tết, vì cái đầu “xỉa thuốc” một cục tím ngắt. Năm ấy Hà có ít tiền lì xì nhất nhà, cũng tại thằng Hùng mà ra. Vậy mà Hà cũng không qua mách ba má nó. Cũng như có chuyện gì không hay xảy ra với đám nhóc, thì người lớn đều bỏ qua, tránh xích mích làm bất hoà tình hàng xóm.

Nhưng từ đó Hà không chơi tạt hình với nó nữa và ghét nó luôn.

Thường mỗi năm tối mùng một, thì bên nhà thầy Hai qua nhà ba me Hà chúc tết và lì xì đám con nít, rồi sáng mùng hai ba Hà trả lễ, sang nhà thầy cô Hai, chúc tết và lì xì anh em thằng Hùng. Điều đó là thông lệ rồi.

Có một năm tết, thầy Hai lì xì tiền bên nhà Hà nhiều hơn ba Hà lì xì cho bên ấy. Hôm sau nghe em nó suy bì, tự dưng Hà thấy không vui và buồn cười chuyện lì xì như trao đổi tiền qua lại, chẳng hay ho gì cả. Nên từ đó tết đến, thấy thầy Hai qua nhà chúc tết ba me, là Hà không bao giờ ra phòng khách cho ông lì xì nữa. Và cũng bảo chị Nghi làm như vậy. Nhưng chị lại khôn ngoan, cứ tự nhiên đi ra mời nước và bánh mứt, để nhận tiền lì xì của ông như cũ.

Khi vào trường trung-học đứa nào cũng lo học bắt chết, không còn ngây thơ chạy chơi với nhau như ngày nhỏ nữa. Chị Nghi và Hà thi đậu vào trường công. Còn nhà cô Hai thì chỉ có thằng Hùng học giỏi, lanh lợi đậu vào trường Cao-Thắng, giống nghề của ba nó là công chức thợ máy. Con Hân xinh đẹp mà Hà còn bảo nó:

– Sau này mầy lớn lên, sẽ đẹp như cô tài tử Tàu Lý-lệ-Hoa đó nha Hân.

Nó thích chí cười tít cả mắt, nhưng nó vẫn khờ khạo như hai đứa em của nó. Má nó nói, con Hân học mãi mà chưa đậu bằng cấp nào cả. Hà nghĩ Hân hiền ngoan là đủ rồi, vì Hà rất thương nó cho dù sau này hai đứa lớn rồi, không còn chơi thân nhau nữa.

Khi anh em thằng Hùng lớn một chút thì vấn đề ăn mặc, xe cộ, bạn bè, và tự do tụi nó đều bị thua thiệt, so với bạn bè cùng lứa. Và đến tuổi biết mơ mộng thì anh em nhà Hân cũng chịu thua thiệt, vì anh em Hùng đẹp như thế, nhưng chả hiểu tại sao chẳng đứa nào có người “yêu quý” cả, dù cả hai nhà đều dạy dỗ con gái rất kín cổng cao tường, nhưng nhà Hà cuối tuần thì các chàng cứ rập rình ngựa xe đến thăm, vui nhộn lắm, còn nhà Hùng thì im vắng.

Điều này làm mấy anh em nhà Hùng tò mò theo dõi, và cô Hai bên nhà cũng than thở với me Hà :

– Sao mấy đứa con tui lại vô duyên như vậy.

Me Hà nói riêng với các con là, tại ba tụi nó không có đạo đức, thấy nhà mình hiền lành, thật thà ông ăn hiếp. Như ăn xén tiền câu điện của nhà mình, mà ông tưởng mình không biết, vì ba me không hề nói. Rồi cấm mình sửa nhà cao, đẹp hơn nhà ông và cũng không muốn cả xóm hơn nhà ông, như đã xảy ra “chiến tranh” với ông bà Minh rất trẻ và giàu, mới dọn về. Vì vậy các con ông mất phước chăng.

Thời gian qua, Hùng ra trường Cao-Thắng, rồi vào quân trường Thủ-Đức và làm lính lúc nào Hà cũng không để ý. Nhưng khi Hà lập gia đình sau năm 75, thì nó đang đi “sỹ quan học tập cải tạo” chưa về. Bẵng đi thời gian dài, Hà ở trời Âu được tin Hùng đã được trả tự do và trở về nhà rồi, có gởi lời thăm vợ chồng Hà ngoài này.

Lần đầu Hà trở về quê hương, qua thăm thầy cô Hai, nhà vắng hơn xưa nhiều. Nhìn Hà cô Hai khóc vì nhớ con Hân, cũng đã may mắn theo chồng được bảo lãnh qua Pháp, nhưng nó đi làm cực nhọc quá, không có tiền và thì giờ để về thăm ba má nó như Hà.

Rồi một lần về thăm ba, Hà gặp lại “thằng” Hùng mà nhìn không ra. Hùng mừng nhìn Hà cười, đôi mắt còn vui. Ôi, người bạn nhỏ mà Hà ghét ngày xưa, nay thành anh chàng chiến binh thất trận, trở về nhà với tâm hồn sỏi đá. Đôi mắt đẹp thông minh tươi sáng ngày xưa của nó, giờ đã nhuốm buồn sâu thẳm và đôi môi đỏ thắm ngày nhỏ, hay châm chọc chị em Hà cũng đã đổi màu xám ngắt, vì bao năm tù đày gian khổ, đã khiến Hùng hiểu “sỏi đá cũng thành cơm”.

Vì vậy vài năm sau Hùng lập gia đình, với nàng tiểu-thư đỏ nào đó đã yêu mê chàng lắm. Nhờ lý lịch nhà vợ, mà từ từ Hùng làm ăn khấm khá và khi Hà về thăm nhà lần cuối, vợ chồng Hùng affaire dịch vụ thanh niên đi lao động xuất khẩu nên giàu rồi, hùn tiền với em cất nhà mới cho ba và các em ở rất huy hoàng, sau khi cô Hai mất. Đứa em trai được Hùng lo cho đi lao-động ở Đông-Đức, giờ cũng khá giả đã có vợ con. Chỉ riêng hai đứa em gái không may nghèo khó, bị goá bụa ở tuổi chưa đến ba mươi.

Hà sang thăm nhà con Hân thì chỉ còn ba nó và những đứa em ở đấy, trong căn nhà mới cất quá to lớn đến lạnh lẽo. Thầy Hai đã già yếu, thấy Hà ông còn nhìn ra và đôi mắt ánh nét vui. Ông thoi thóp bịnh hoài chữa không hết, nhất là đêm về ông bị ác mộng kinh hoàng. Hà thương ông cuối đời như con hổ già, buồn rầu chờ ngày ra đi mà thôi. Chắc rằng ông thương nhớ cô Hai, người vợ hiền ngoan cả đời tuân phục ông như hoàng-đế.

Tôi nghiệp cô Hai hiền lành bị chồng “cai trị” nên cô quá nhu nhược, thấy trong xóm ai hung dữ thì cô sợ lắm, theo vuốt ve nịnh cho họ đừng chưởi bới đến mình, mà cuộc đời cô được êm thắm. Đến khi con cái khá thành công thì cô ra đi, không hưởng niềm vui hằng mong đợi.

Bây giờ tết đến, nhà hai bên không còn như xưa nữa, không còn những đêm giao thừa đốt pháo ngập sân và mâm quả cúng giao thừa ngập tràn mùi hương trầm, nghi ngút cháy đỏ nửa đêm ngoài sân.

Và hai cội mai già ở sân nhà hai bên đã không còn nữa, chỉ có những chậu cây kiểng to cao xanh rợp bóng mát, nhưng tết đến làm sao thay được những cành hoa mai vàng tươi thắm của ngày xuân. Hai nhà cũng đã thay đổi, quá to lớn, sang trọng hơn xưa nhiều, nên tình thân cũng mất luôn, chỉ còn ganh tỵ và cãi nhau mà thôi. Hết rồi ngày yêu thương cũ.

Làm sao còn hai căn nhà kiểu xưa cạnh nhau, có chung hai cái sân trước rộng, có những bụi hoa mai, hoa dạ-lý-hương thơm ngào ngạt đêm về. Và có cái hè nhỏ ở giữa hai nhà, để hai bà mẹ mỗi ngày thập thò bên hông cửa sổ, tâm sự tỷ tê đỡ buồn.

Làm sao còn lũ trẻ hẹn nhau chạy chơi la hét ồn ào, bị bà nội khó tánh của tụi nó đang cúng Phật trong nhà, phải đi ra mắng chửi đám nhỏ te tua.

Người già đã ra thiên cổ, người trẻ đã đổi thay đi tứ tán rồi… Có còn chăng là dư âm xưa... mà thôi.

.

Lê thị Thanh Tâm

__________

* cái hè: vào thập niên 50, 60 nhà cất ở khu đất rộng, thường mỗi nhà có một cái hè riêng, ở bên hông nhà, để đi thẳng vào cửa nhà sau, không qua cửa trước.

 

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/coconchangduam.htm


Cái Đình - 2021